Báo điện tử Infonet ngày 13/6 đăng bài bình luận của Đại tá Lê Thế Mẫu với tiêu đề: "Nga chưa bao giờ thay đổi lập trường về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông", nội dung xoay quanh bài báo "Nga ra tuyên bố mới về Biển Đông" đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 11/6.
Người viết tôn trọng quan điểm của cá nhân tác giả Lê Thế Mẫu cũng
như những tiếng nói đa chiều xung quanh việc làm sao bảo vệ tốt nhất độc
lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán và
lợi ích hợp pháp của Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế, hòa bình và ổn
định, tự do hàng hải hàng không trên Biển Đông.
Đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc leo thang quân sự hóa, và phán
quyết của Tòa Trọng tài Thường trực PCA về đường lưỡi bò đang đến gần,
việc làm rõ những băn khoăn, thắc mắc và trao đổi các vấn đề xung quanh
càng trở nên quan trọng.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội kiến với Tổng
thống Vladimir Putin trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11-2013. Ảnh:
TTXVN / nld.com.vn. |
Xuất phát từ nhận thức đó, người viết xin có mấy dòng làm rõ hơn
những vấn đề Đại tá Lê Thế Mẫu đặt ra trong bài viết này, bởi cá nhân
người viết thiết nghĩ đó cũng là quan tâm chung của dư luận đang theo
dõi tình hình Biển Đông và diễn biến vụ kiện của Philippines.
Bởi lẽ việc này có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp
của Việt Nam, và cũng để tránh những tranh cãi hoặc hiểu lầm không cần
thiết.
Làm rõ lập trường của Nga về Biển Đông
Lý do Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố về vấn đề Biển Đông trong cuộc
họp báo tuần do bà Maria Zakharova - người phát ngôn cơ quan này chủ trì
được Đại tá Lê Thế Mẫu trích dẫn, người viết tạm lược bỏ chữ "biển Nam
Trung Hoa", bởi cá nhân người viết cho rằng đối với người Việt Nam chỉ
có Biển Đông, các nước có thể có tên gọi riêng nhưng với Việt Nam, Biển
Đông là Biển Đông:
“Trong thời gian gần đây, chúng tôi đã từng lưu ý về những bài
viết trên các phương tiện truyền thông, trong đó có những thông báo
trích dẫn lời của các quan chức cấp cao của Nga rằng dường như Nga ngày
càng dính líu sâu vào chủ đề về tình hình trên Biển Đông.
Ngoài ra, trong những bài viết đó đưa ra sự khẳng định rằng
chúng tôi đang nghiêng về ủng hộ một trong các bên tranh chấp lãnh thổ ở
vùng biển này. Vì vậy, mặc dù đã rất nhiều lần đề cập tới chủ đề này,
hôm nay chúng tôi muốn đưa ra lời bình luận riêng về vấn đề đó”.
Như vậy có thể thấy việc người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga đưa ra
bình luận riêng về Biển Đông chính là vì dư luận, truyền thông "hiểu
lầm" về lập trường của Nga trong vấn đề Biển Đông với 2 đặc điểm: Một là
Nga "ngày càng dính lứu sâu" vào chủ đề này; Hai là Nga đang nghiêng về
ủng hộ một trong các bên tranh chấp lãnh thổ ở vùng biển này mà có thể
nói thẳng ra rằng, bên đó là Trung Quốc.
Người viết rất hoan nghênh việc người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga lên
tiếng giải thích về lập trường chính thức của Nga về Biển Đông trước
những băn khoăn của dư luận.
Tuy nhiên về nội dung câu trả lời của bà Maria Zakharova vẫn chưa trả lời được những thắc mắc của người viết, cụ thể:
Dư luận đang quan tâm đến căng thẳng tại Biển Đông chủ yếu tập trung
vào tranh chấp hàng hải, tranh chấp trong việc ứng dụng, giải thích và
vi phạm UNCLOS chứ không phải tranh chấp chủ quyền các thực thể ở Trường
Sa, Hoàng Sa hay Scarborough.
PCA thụ lý và sắp sửa ra phán quyết vụ kiện của Philippines cũng xoay
quanh nội dung tranh chấp hàng hải, tranh chấp trong việc ứng dụng,
giải thích và vi phạm UNCLOS chứ không phải tranh chấp chủ quyền / lãnh
thổ.
Còn Trung Quốc thì ra sức đánh đồng khái niệm và bản chất các tranh
chấp hàng hải, ứng dụng và giải thích, vi phạm UNCLOS thành "tranh chấp
chủ quyền / lãnh thổ" để né tránh phán quyết của Tòa và trách nhiệm của
một thành viên UNCLOS.
Trong bối cảnh đó, ngày 12/4 Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã trả
lời báo chí về lập trường của Nga xung quanh một số vấn đề quốc tế,
trong đó có tình hình căng thẳng leo thang trên Biển Đông với rất nhiều
vấn đề khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi về lập trường của Nga.
Chúng tôi đã đề cập và phân tích vấn đề này trong bài: "Bình luận đáng chú ý của Ngoại trưởng Nga về Biển Đông" đăng trên Báo Điển tử Giáo dục Việt Nam ngày 13/4/2016.
|
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: russia-insider.com. |
Tuy nhiên tuyên bố mới nhất của Bộ Ngoại giao Nga về vấn đề Biển Đông
do bà Maria Zakharova đưa ra vẫn tiếp tục dùng khái niệm "tranh chấp
lãnh thổ" hoặc "tranh chấp chủ quyền" khi đề cập đến quan tâm của dư
luận về vấn đề tranh chấp hàng hải, áp dụng, giải thích và vi phạm
UNCLOS ở Biển Đông hiện nay, khiến người viết tiếp tục nhắc lại lập luận
của mình trong bài "Nga ra tuyên bố mới về Biển Đông" ngày 11/6.
Cũng xin lưu ý thêm, tác giả Lê Thế Mẫu đã hiểu lầm ý của người viết khi cho rằng: "Trước
hết, cần khẳng định, đây không phải là “tuyên bố mới nhất về lập trường
của Nga trong vấn đề Biển Đông” như tác giả Hồng Thủy nhận định trên
giaoduc.net.vn, mà chỉ là sự tái khẳng định quan điểm nhất quán, trước
sau như một, của Nga về các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông".
Tính đến thời điểm bài báo "Nga ra tuyên bố mới về Biển Đông" xuất
bản lúc 6 giờ 31 phút sáng 11/6, thì đó đúng là tuyên bố mới nhất về lập
trường của Nga xung quanh vấn đề Biển Đông. Người viết không nói là
"lập trường mới nhất", mà là "tuyên bố mới nhất về lập trường của Nga".
Tại sao phải làm rõ lập trường của Nga?
Một là vì những tuyên bố của Ngoại trưởng Sergei Lavrov hay người
phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova về Biển Đông vẫn tiếp tục sử
dụng khái niệm "tranh chấp lãnh thổ" / "tranh chấp chủ quyền" khi nói
về các tranh chấp hết sức phức tạp ở Biển Đông, mà nổi bật nhất hiện nay
là tranh chấp về ứng dụng, giải thích và vi phạm UNCLOS.
Hai là những tuyên bố này đưa ra ngay trước thềm PCA chuẩn bị ra phán
quyết về vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích
sai và vi phạm UNCLOS ở Biển Đông.
Trung Quốc ra sức chống đối bằng cách đánh tráo khái niệm, bản chất
vụ kiện từ tranh chấp vận dụng, giải thích, vi phạm UNCLOS thành "tranh
chấp chủ quyền" / "tranh chấp lãnh thổ" để né tránh phán quyết của Tòa.
Phát biểu của Ngoại trưởng Nga và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga
về Biển Đông không hiểu do vô tình hay hữu ý, lại trùng hợp với lập luận
này của Trung Quốc, khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi.
Còn tranh chấp chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, bãi
cạn Scarborough phải dựa trên hệ thống luật pháp quốc tế về thụ đắc lãnh
thổ, khác hoàn toàn với cách giải quyết tranh chấp hàng hải trong vụ
kiện của Philippines.
Đó không phải là tranh chấp ứng dụng và giải thích UNCLOS, do đó khó
có thể giải quyết căn cứ trên UNCLOS chứ chưa nói đến DOC, COC.
Ba là Việt Nam có quyền và lợi ích liên quan trực tiếp không nhỏ
trong vụ kiện của Philippines, và nếu PCA bác bỏ đường lưỡi bò bất hợp
pháp của Trung Quốc ở Biển Đông là đã góp phần thu hẹp đáng kể tranh
chấp ở Biển Đông.
Bởi lẽ ngoài chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt
Nam còn có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý hợp pháp
theo UNCLOS ở Biển Đông, với bờ biển dài 3.260 km, thì đây chính là đối
tượng bị đường lưỡi bò Trung Quốc "xâm hại" nghiêm trọng, đồng thời cũng
là đối tượng nằm trong phạm vi điều chỉnh của PCA trong phán quyết tới
đây.
Nhân đây người viết cũng xin nói thêm, một số quan điểm trong xã hội
chúng ta kêu gọi "bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam" là không đầy đủ,
bởi nếu chỉ nhắc đến bảo vệ "chủ quyền biển đảo" đối với Hoàng Sa,
Trường Sa và một số vùng nội thủy, lãnh hải 12 hải lý dọc bờ biển thì
quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với 200 hải lý vùng đặc
quyền kinh tế của Việt Nam thì để cho ai bảo vệ?
Xin lưu ý là đường lưỡi bò Trung Quốc đang xâm phạm vùng đặc quyền
kinh tế và thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam chứ không phải "xâm phạm
chủ quyền".
Đó cũng là bản chất và tính toán thâm độc của Trung Quốc trong vụ hạ
đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa
Việt Nam năm 2014 mà Bắc Kinh tuyên truyền là vị trí này nằm trong "vùng
biển Hoàng Sa".
Bắc Kinh muốn ám chỉ vùng đặc quyền kinh tế Hoàng Sa do họ bóp méo
Điều 47 UNCLOS và đưa ra đường cơ sở thẳng để tính chiều rộng lãnh hải
cho Hoàng Sa năm 1996.
|
Đại tá Lê Thế Mẫu, ảnh: Infonet. |
Bốn là với tư cách một thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc,
tiếng nói của Nga rõ ràng có tác động và ảnh hưởng nhất định với dư luận
quốc tế, thậm chí có thể là tới Hội đồng Trọng tài 5 thẩm phán do PCA
chỉ định để thụ lý vụ kiện.
Những phát biểu không rõ ràng của Nga tác động tiêu cực đến quyền và
lợi ích hợp pháp của Việt Nam và các bên khác ở Biển Đông thì việc lên
tiếng yêu cầu Nga làm rõ thiết nghĩ là một việc hết sức bình thường.
Thiết nghĩ những điều này cũng có thể làm rõ vấn đề thứ 2 Đại tá Lê Thế Mẫu đặt ra:
"(2) Quan điểm của Nga về việc “các lực lượng thứ ba tham gia vào
các cuộc tranh chấp này chỉ có thể khiến cho tình tình trong khu vực
này căng thẳng thêm”.
Quan điểm của Nga phản ánh một thực tế là, từ trước tới nay, tất
cả các cuộc đàm phán về DOC, hay COC, hay tranh chấp lãnh thổ ở Biển
Đông đều chỉ được tiến hành trong khuôn khổ song phương giữa Trung Quốc
với Việt Nam và các nước khác có tranh chấp, hoặc trong khuôn khổ
ASEAN-Trung Quốc."
Tuy nhiên người viết không đồng ý với nhận định này của bà
Maria Zakharova và Đại tá Mẫu, bởi lẽ chính ông Mẫu cũng thừa nhận Nga,
Mỹ, EU, Nhật Bản hay các quốc gia khác đều trung lập trong vấn đề "tranh
chấp chủ quyền".
Có điều lập trường của "bên thứ ba" như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Ấn
Độ, EU... đối với việc ứng dụng, giải thích UNCLOS, bảo vệ tự do hàng
hải hàng không ở Biển Đông thì hoàn toàn khác.
Các nước này chống lại các hành vi phiêu lưu quân sự hóa Biển Đông,
bồi đắp đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục tiến hành,
cũng như hoạt động hủy diệt môi trường, đe dọa tài sản và tính mạng ngư
dân nước khác trên Biển Đông.
"Các lực lượng thứ ba tham gia vào các cuộc tranh chấp này" theo
người viết, chính là can thiệp và ngăn chặn các hành động phiêu lưu,
quân sự hóa Biển Đông, chà đạp luật pháp quốc tế mà Trung Quốc đang tiến
hành.
Cũng chính lực lượng thứ ba này, bao gồm cả PCA, đang góp phần đấu
tranh bảo vệ hòa bình và công lý ở Biển Đông. Không có lực lượng thứ ba
này, Trung Quốc sẽ còn được thể làm càn và không ai biết chuyện gì sẽ
xảy ra.
Còn điểm then chốt thứ (3) trong phát biểu của bà Maria Zakharova
được Đại tá Lê Thế Mẫu trích dẫn, người viết đã đề cập ở phía trên.
Tranh chấp lãnh thổ phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ
sở luật pháp quốc tế, cụ thể là các điều luật quốc tế, án lệ quốc tế về
thụ đắc lãnh thổ, không phải ứng dụng UNCLOS nên UNCLOS hay DOC, COC
không phải chìa khóa giải quyết vấn đề này.
Năm là, nếu Việt Nam chúng ta với tư cách là một bên liên quan trực
tiếp đến vụ kiện, có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý
hợp pháp bị đường lưỡi bò xâm hại và đang là đối tượng điều chỉnh của
phán quyết PCA sắp ra tới đây, nếu vẫn tiếp tục mơ hồ rằng đây là "tranh
chấp chủ quyền" hay "tranh chấp lãnh thổ", thì chính chúng ta đang đi
tuyên truyền không công và bảo vệ lập trường bành trướng của Trung Quốc.
Thiết nghĩ đây mới thực sự là điều nguy hại nhất.
Không nên chính trị hóa các vấn đề pháp lý
Chính trị hóa các vấn đề pháp lý là thủ thuật được nhà nước và truyền
thông Trung Quốc thường xuyên sử dụng trong việc đánh tráo bản chất các
tranh chấp pháp lý hòng dễ bề thao túng và lèo lái dư luận theo ý họ.
Người viết thiết nghĩ, dư luận Việt Nam chắc hẳn không lạ gì hàm ý
của Trung Quốc khi diễn giải về "đại cục - tiểu cục", không lạ gì cách
diễn giải của Bắc Kinh về phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt trong
quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.
|
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh "đại cục - tiểu cục" trong chuyến thăm chính thức Việt Nam năm ngoái, ảnh: AP. |
Tuy nhiên, xuất phát từ lợi ích quốc gia dân tộc hợp pháp của Việt
Nam, cũng như để bảo vệ tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Trung
Quốc trong bối cảnh căng thẳng, tranh chấp leo thang trên Biển Đông,
người viết cho rằng chúng ta phải hiểu phương châm 16 chữ và tinh thần 4
tốt ấy trên cơ sở luật pháp quốc tế, thực tiễn quan hệ quốc tế hiện
đại.
Rõ ràng phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt là mong muốn của nhân
dân hai nước, tuy nhiên cách ứng xử của nhà nước Trung Quốc phù hợp với
phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt mà họ đã cam kết với Việt Nam hay
chưa, đã phù hợp với luật pháp quốc tế, quan hệ quốc tế hiện đại chưa là
câu chuyện khác.
Với những hành động xâm phạm hoặc gây tổn hại đến độc lập chủ quyền,
toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp
của Việt Nam từ phía Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào chúng ta cũng
đều phải kiên quyết đấu tranh chống lại trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Với Trung Quốc, phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt chính là cái để
chúng ta bám vào, kéo Trung Quốc trở lại bàn đàm phán và đấu tranh,
phân tích, yêu cầu họ thực hiện đúng tinh thần, phương châm ấy.
Do đó nếu hiểu đúng ý nghĩa và khéo vận dụng, thì phương châm 16 chữ
và tinh thần 4 tốt là vũ khí chúng ta phải nắm lấy để phân tích thiệt
hơn, phải quấy với Trung Quốc, chứ không phải kích bác, dè bỉu và làm
mất mặt đối phương, đẩy họ vào thế đối đầu với mình.
Đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta đang đối mặt với rất nhiều khó
khăn, thách thức như hiện nay. Đó cũng là bài học dựng nước và giữ nước
mà cha ông ta để lại.
Tổ tiên người Việt tự hào về truyền thống chống ngoại xâm và bảo vệ
bờ cõi chứ không tự cao, tự đại vì đánh nhau và đánh thắng nước lớn.
Thắng nước lớn, giữ thể diện cho nước lớn, đấu tranh bằng ngoại giao với
nước lớn để giữ vững độc lập - tự chủ - hòa bình - ổn định thì dân tộc
này mới có tương lai.
Người viết cho rằng, để bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, toàn vẹn
lãnh thổ và giữ vững được hòa bình, ổn định, giải quyết tranh chấp thông
qua biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế hiện nay, chúng ta
cần nhớ nằm lòng 2 câu dặn dò của cha ông: "Nói phải củ cải cũng nghe",
và khi "giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh!".
Quay trở lại câu chuyện quan hệ Việt - Nga và quan điểm của Đại tá Lê Thế Mẫu: "Đây
là nhận định có tính chất xuyên tạc quan điểm của Bộ Ngoại giao Nga,
gây hoang mang trong dư luận và làm tổn hại đối với quan hệ đối tác
chiến lược và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga mà vừa
qua trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga Thủ tướng nước ta Nguyễn
Xuân Phúc đã khẳng định:
“Cá nhân tôi, lãnh đạo và nhân dân Việt Nam luôn tin tưởng tuyệt đối vào nước bạn Nga”".
Người viết cho rằng, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga
là tài sản quý của cả hai dân tộc, được viết nên bằng xương máu, nước
mắt và tinh thần đồng chí anh em của không ít thế hệ người dân hai nước
Việt Nam và Liên Xô trước đây, cũng như Nga ngày nay.
Cá nhân người viết cho rằng, Đại tá Lê Thế Mẫu và rất nhiều người
Việt Nam trân trọng tình cảm ấy, và đang nỗ lực củng cố, vun bồi cho
quan hệ giữa hai nước. Người viết hoàn toàn đồng ý và chia sẻ điều này.
Tuy nhiên trong quan hệ quốc tế hiện nay, đặc biệt là đối với các vấn
đề liên quan đến lợi ích có tranh chấp, có khác biệt thì tình cảm ấy
chỉ nên đóng vai trò nền tảng chính trị tạo bầu không khí thân thiện để
hai bên trao đổi hiểu nhau hơn, cảm thông với nhau hơn, hoàn toàn không
phải căn cứ để giải quyết khác biệt, bất đồng, mà căn cứ phải là lợi ích
quốc gia dân tộc kết hợp luật pháp và công lý quốc tế.
Nói một cách đơn giản, không thể vì ngày trước Liên Xô và Nga giúp đỡ
Việt Nam mà ngày nay thấy Nga có lập trường chưa rõ ràng có thể gây tổn
hại đến lợi ích chính đáng của Việt Nam mà chúng ta im lặng không nói,
để giữ tình hữu nghị.
Dân gian vẫn có câu, tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát. Người
viết cho rằng, càng là bạn bè, anh em thân thiết càng cần sự sòng phẳng
và minh bạch mới có thể lâu dài.
Bởi chỉ cần một chút mập mờ dính đến lợi ích là có thể gây chia rẽ,
phá hủy tình cảm đoàn kết, hữu nghị bao năm mới có được. Thường thì đê
chưa vỡ bởi lũ lớn đã vỡ bởi tổ mối trong thân đê.
Cũng như trong quan hệ với Trung Quốc, tiếp tục đấu tranh đòi lại chủ
quyền quần đảo Hoàng Sa, 7 thực thể ở Trường Sa, ôn lại những bài học
thăng trầm trong lịch sử cận đại quan hệ hai nước như cuộc Chiến tranh
Biên giới 1979 - 1989 hay việc Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa năm 1974,
Gạc Ma năm 1988 không có nghĩa là chống phá quan hệ Việt - Trung.
Lịch sử là lịch sử, chúng ta không thay đổi được. Nhưng muốn thay đổi
tương lai tốt đẹp hơn trước hiện tại còn những bất đồng, tranh chấp gay
gắt ngoài Biển Đông, thì không thể không rút ra những bài học khách
quan, nghiêm túc, cầu thị từ lịch sử.
Rõ ràng điều này có lợi cho cả hai, góp phần xoa dịu nỗi đau quá khứ,
ám ảnh chiến tranh thì mới có được lòng tin chiến lược để hợp tác lâu
dài.
Nga và Trung Quốc là hai đối tác chiến lược toàn diện duy nhất của
Việt Nam cho đến nay, nhưng điều đó không có nghĩa là rào cản để chúng
ta triệt tiêu đấu tranh để bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ,
quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia dân tộc mình, hòa bình và ổn định
của khu vực và luật pháp, công lý quốc tế.
Chúng ta giữ tình cảm nồng ấm, chân thành trong quan hệ với các bạn
bè và đối tác, nhưng phải luôn giữ được cái đầu lạnh mới mong tránh khỏi
những cái bẫy ai đó giăng ra.
Trang lyluanchinhtri.vn của Cơ quan Nghiên cứu và Ngôn luận Khoa học
của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ngày 21/12/2015 đăng bài
viết: "Sự tiếp nối chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa", trong đó nhắc đến chuyện:
"Năm 1951, QGVN đã được mời tham dự Hội nghị San Francisco về
chấm dứt chiến tranh tại châu Á - Thái Bình Dương và lập quan hệ với
Nhật Bản thời hậu chiến. Hội nghị có 51 nước tham gia.
Tại Hội nghị, Ngoại trưởng Liên Xô đã đề nghị trao hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc. Đề nghị này đã bị Hội nghị bác bỏ
với 46 phiếu chống, 3 phiếu thuận.
Tại Hội nghị, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao của QGVN Trần Văn Hữu tuyên bố:
“Việt Nam rất là hứng khởi ký nhận trước nhất cho công cuộc tạo
dựng hòa bình này. Và cũng vì vậy cần phải thành thật lợi dụng tất cả
mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi
xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên quần đảo Trường
Sa và Hoàng Sa”(1).
Tuyên bố này của Thủ tướng Trần Văn Hữu không bị quốc gia nào phản đối hay bảo lưu".
Còn theo Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính
phủ, thì ngay cả khi quan hệ Việt Nam - Trung Quốc ở giai đoạn tốt đẹp
nhất, Trung Quốc giúp Việt Nam xây dựng tuyến đường sắt liên vận Việt -
Trung, họ đã cố tình gài bẫy bằng cách đặt điểm nối ray giữa đường sắt 2
nước vào sâu lãnh thổ Việt Nam 300 mét, gây ra những tranh chấp phức
tạp sau này.
Do đó người viết không phản đối, mà ngược lại còn rất đồng tình, ủng
hộ và chia sẻ những mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa
Việt Nam với các nước, đặc biệt là các quốc gia bạn bè truyền thống như
Liên bang Nga.
Chỉ xin lưu ý một điều, chúng ta cứ ứng xử với nhau một cách minh
bạch và sòng phẳng trên cơ sở luật pháp quốc tế là cách bảo vệ tình hữu
nghị tốt nhất, lâu bền nhất.
Người viết thiết nghĩ, đó mới chính là hàm ý "vừa hợp tác, vừa đấu
tranh" mà nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập và được dư luận
đồng thuận, chia sẻ rộng rãi.
Người viết hoàn toàn chia sẻ với quan điểm của Đại tá Lê Thế Mẫu rằng:
"Thiết nghĩ, trong thời điểm hiện nay, chúng ta cần tranh thủ tất
cả những ai có quan điểm tương đồng với Việt Nam để hình thành mặt trận
rộng rãi ủng hộ chúng ta trong cuộc đấu tranh nhằm bảo vệ chủ quyền và
quyền chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông-một cuộc đấu
tranh không cân sức, lâu dài, khó khăn và phức tạp, chứ không nên có
hành động gây chia rẽ Việt Nam với các bàn bè và đối tác, trong đó Nga
lại là một đối tác chiến lược toàn diện."
Tuy nhiên người viết lưu ý thêm, một là việc làm thế nào để tranh thủ
sự ủng hộ của các nước bao gồm Nga thì mỗi người có một giải pháp khác
nhau, suy nghĩ khác nhau, nhưng phải biết đặt độc lập chủ quyền, toàn
vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, luật pháp và công lý quốc tế lên trên
những mối quan hệ cá nhân, hành xử theo luật pháp mới có thể đạt được
mục tiêu mà vẫn giữ dược tình hữu nghị.
Và người viết cũng một lần nữa xin bổ sung thêm ý Đại tá Lê Thế Mẫu
rằng, trong giai đoạn hiện nay bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán
hợp pháp của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp
pháp trên Biển Đông theo đúng UNCLOS là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và
khả thi hơn cả.
Phán quyết của PCA sẽ cung cấp cho Việt Nam và các bên liên quan một
đòn bẩy pháp lý quan trọng trong công cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ
ấy. Tuy nhiên có nắm lấy cơ hội, đòn bẩy pháp lý ấy không phụ thuộc vào
nhận thức của chính mỗi chúng ta.
Hồng Thủy
Viết bình luận...
Giangdo2802
05/07/2016 21:46