Showing posts with label Ngô Đình Diệm. Show all posts
Showing posts with label Ngô Đình Diệm. Show all posts

Monday, 26 September 2022

BÁO CÁO CỦA ÔNG TÔN QUANG PHIỆT, PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TẠI PHIÊN HỌP BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI, NGÀY 23-1-1959 VỀ VỤ THẢM SÁT PHÚ LỢI (VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960 )

 

VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960

 

BÁO CÁO
CỦA ÔNG TÔN QUANG PHIỆT,
PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI
TẠI PHIÊN HỌP BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI, NGÀY 23-1-1959 VỀ VỤ THẢM SÁT PHÚ LỢI

 

Thưa các vị đại biểu,

Tôi rất lấy làm đau đớn và căm phẫn báo cáo trước Hội nghị Ban Thường trực Quốc hội và các đại biểu Quốc hội có mặt ở Hà Nội một tội ác mới mà đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của chúng là tập đoàn Ngô Đình Diệm đã phạm ở miền Nam, một tội ác vô cùng dã man mà nói đến ai cũng phải ghê tởm, mà người có một chút lương tâm không thể tưởng tượng được. Tức là vụ đầu độc ở trại tập trung Phú Lợi giết hại hơn một ngàn chính trị phạm – một ngàn đồng bào ruột thịt của chúng ta – trong ngày 1-12-1958 vừa qua.

*

*      *

Trại tập trung Phú Lợi thuộc tỉnh Thủ Dầu Một (nay chúng đổi tên là Bình Dương) cách thị xã tỉnh 4 cây số và cách Sài Gòn 33 cây số ở một vùng rừng hẻo lánh. Trại rộng 120 mẫu tây, xung quanh có tường cao 3 thước. Có một hệ thống đồn bốt gồm 12 tháp canh với một tiểu đoàn bảo an vũ trang đầy đủ và mật thám, cảnh sát bao vây xung quanh.

Số đồng bào cả nam lẫn nữ (nữ có trên 1.000) cả già lẫn trẻ, có những em 2, 3 tuổi nữa, cả thảy gần 6.000 người gồm đủ các thành phần xã hội: lao động, trí thức, giáo sư, học sinh, tư sản dân tộc, các giáo phái, các nhân sĩ đã tham gia phong trào hòa bình Sài Gòn – Chợ Lớn năm 1954 và phong trào cứu tế nạn nhân năm 1955, cũng có những đồng bào không hề tham gia kháng chiến trước.

Ở miền Nam Việt Nam có hàng ngàn nhà giam và trại tập trung thì trại Phú Lợi là trại lớn nhất.

Để lừa bịp dư luận, che đậy những hành động khủng bố tàn sát đồng bào yêu nước ở miền Nam, bọn Mỹ - Diệm gọi các nơi này là “Trung tâm huấn chính” hoặc lớp “huấn chính”. Trại tập trung Phú Lợi được chúng gọi là “Trung tâm huấn chính trung ương”.

Sát cạnh trại tập trung này Mỹ - Diệm đã tổ chức một sân tập bắn, hàng ngày có tiếng súng nổ, để che mắt nhân dân khi chúng bắn chết người hàng loạt.

Hầu hết số đồng bào bị tập trung ở đây đều đã bị giam ở các nơi Côn Lôn, Biên Hòa, Chí Hòa, Thủ Đức, Bà Chiểu, Phú Quốc, Phú Lâm nay bị dồn về đó.

Vì không có lý do để đưa ra tòa án xử tội anh chị em, nên chính quyền miền Nam đã áp dụng chính sách giam giữ lưu niên, đánh đập tàn nhẫn, ai chết thì bỏ. Chế độ trại tập trung vô cùng cực khổ. Mỗi ngày mỗi người chỉ được phát một ít cơm gạo mục ngâm nước vôi với một nhúm muối và cá khô mục nát. Nước uống bị hạn chế, chỉ phát từng lon nước lạnh. Có người hàng tháng không được tắm giặt một lần. Chỗ giam thì chật hẹp, xung quanh bị bít kín. Người nằm, ngồi, chen chúc nhau rất là nghẹt thở. Các bệnh nguy hiểm phát ra thường xuyên: kiết lỵ, phù thũng, sốt rét, ho lao. Thuốc men thiếu thốn, gia đình phạm nhân có gửi thuốc đến cũng bị tịch thu; ngày nào cũng có 5, 7 người chết, có tháng chết đến trên dưới 200 người.

Thế mà bọn cảnh sát gác lại hàng ngày chửi mắng đánh đập các người bị giam giữ.

Ở trong các trại giam chính quyền miền Nam lại tổ chức ra các cuộc “tố cộng” để tìm cớ đánh đập hãm hại đồng bào.

Mặc dù ăn ở cực khổ, mặc dù bị hành hạ hàng ngày, mặc dù bị đe dọa dụ dỗ đủ cách, các anh chị em vẫn kiên quyết không chịu khuất phục Mỹ - Diệm, mà vẫn đoàn kết đấu tranh, giữ lấy tư cách con người, chống lại bọn phản bội quyền lợi dân tộc, quyền lợi Tổ quốc.

Thấy không thể phá hoại được tinh thần anh chị em, và chưa thỏa mãn với cách để anh chị em chết hao chết mòn dần dần, bọn Mỹ - Diệm đã âm mưu giết chết hàng loạt anh chị em. Đó là nguyên nhân vụ thảm sát ngày 1-12-1958. Hôm đó như thường lệ, đến bữa ăn anh chị em cùng nhau ra ăn cơm. Nhưng vừa ăn xong thì ai nấy đều ôm bụng kêu la, nằm xuống dẫy dụa, có người thể chất yếu hoặc trúng độc mạnh thì chết lịm ngay.

Cảm biết là nhà cầm quyền miền Nam bỏ thuốc độc, cả trại náo động kêu la ầm ỹ đòi bọn chúng mở cửa nhà giam cứu chữa.

Nhưng bọn cai ngục đã được chỉ thị ra lệnh cho lính khóa chặt các cửa nhà giam, đồng thời bủa lính bao vây trại, canh giữ nghiêm ngặt các ngả đường ra vào.

Một số ít anh chị em đã cố đu người lên xà nhà dỡ nóc nhà
trèo lên kêu cứu, đòi chính quyền miền Nam phải đem thuốc men cứu chữa. Nhưng bọn Mỹ - Diệm đã cho lính bắn xả vào giết chết một số.

Tính ra chỉ trong ngày 1-12 hơn 1.000 anh chị em đã bị chết rất thê thảm. Số còn lại thì nằm mê man bất tỉnh.

Trong lúc anh chị em trong các trại giam kêu la ầm ĩ thì đồng bào xung quanh dò hỏi biết tin rất kinh hoảng và căm phẫn, nhiều người kéo nhau tản cư về phía Sài Gòn, Chợ Lớn.

Đến ngày 2-12 thêm một số anh chị em nữa bị chết. Hơn 4.000 anh chị em còn lại đã nhất tề tuyệt thực đấu tranh đòi Mỹ - Diệm phải cứu chữa những người còn lại. Nhiều anh em cố gượng leo lên dỡ nóc nhà kêu cứu. Tiếng la thét vang dậy cả khu trại.

Bọn Mỹ - Diệm lập tức điều động thêm về Phú Lợi một trung đoàn bộ binh bao vây chặt chẽ trại tập trung, lùng khắp các xóm làng lân cận, hạ lệnh giới nghiêm, cấm nhân dân tụ họp bàn tán.

Chúng lại cho xe vòi rồng đến phun nước đàn áp cuộc đấu tranh. Từ sân tập bắn, hàng loạt súng liên thanh nổ dồn vào phía các nhà giam. Anh chị em đã yếu sức bị chết thêm một số, có anh chị em bị nước phun ngã từ trên xà nhà xuống gẫy tay chân hay vỡ sọ mà chết lập tức.

Bọn Mỹ - Diệm muốn làm cho phi tang đã đưa dầu xăng phun vào trại và ném bùi nhùi đốt. Có một nhà giam bốc cháy, một số anh chị em còn sống bị chết thiêu. Nhiều xác chết từ hôm 1-12 đã bị cháy tiêu.

Đồng bào xung quanh châu thành rất căm phẫn Mỹ - Diệm và thương xót cho các nạn nhân, đã mua thuốc men kéo đến đòi được giúp đỡ những người bị nạn. Các gia đình có thân nhân bị giam giữ rất là xao xuyến đã đòi các báo chí Sài Gòn cho biết tin tức. Nhưng bọn Mỹ - Diệm cố tình bưng bít không cho các báo đả động đến việc này.

Muốn đánh lừa dư luận bọn Mỹ - Diệm cho tung tin là ở Bình Dương có bệnh ôn dịch, tù nhân bị bệnh mà chết.

Nhưng ai cũng biết là nói láo, vì sau khi vụ này xảy ra, người ta đã đem cơm cho chó ăn thì chó chết, bỏ cho cá ăn thì cá chết. Cuối cùng chính quyền miền Nam lại tung tin là các tù nhân uống thuốc độc tự tử để đánh lừa dư luận. Nói láo nữa! đồng bào chúng ta ở miền Nam là những người yêu nước đã có một truyền thống anh dũng bất khuất, dẫu bị khổ sở dưới sự khủng bố của Mỹ - Diệm vẫn đấu tranh để sống, để đuổi Mỹ - Diệm ra khỏi miền Nam, để thống nhất nước nhà, không khi nào có cái tư tưởng tự sát. Luận điệu Mỹ - Diệm nhất định không lừa dối được ai, không lừa dối được nhân dân ta, không lừa dối được dư luận thế giới.

*

*           *

Thưa các vị đại biểu,

Những hành động điên cuồng của bọn Mỹ - Diệm chứng tỏ điều gì?

Nó chứng tỏ rằng bọn đế quốc Mỹ cướp nước, bọn Ngô Đình Diệm bán nước không từ một thủ đoạn gì mà không dùng để duy trì quyền thống trị của chúng. Mấy năm nay do Mỹ xúi giục Ngô Đình Diệm đã gây ra rất nhiều tội ác. Những vụ tàn sát người kháng chiến cũ và đồng bào ta ở Vĩnh Trinh, Hướng Điền, Ngân Sơn, Chí Thanh, Mỏ Cày, Bình Thành, những cuộc khủng bố tra tấn đến chết người ở các trại tập trung Hòa Vang, Đại Lộc, ở các nhà lao Côn Đảo, Chí Hòa… đã gây căm thù sôi sục trong đồng bào cả nước. Những hành động dã man đối với chị Trần Thị Nhâm mà mọi người chúng ta đều biết đã phơi bày rõ rệt bản chất bất nhân phi nghĩa của bọn độc tài thống trị ở miền Nam. Đến vụ thảm sát Phú Lợi thì bộ mặt ghê tởm của Mỹ - Diệm đã đến cực độ. Tìm những ví dụ trong lịch sử chúng ta phải nghĩ đến thời Hítle với các trại tập trung như: Anschwitz – Birkenau Pawiack ở Ba Lan, Dachau ở Đức. Có khác là Hítle đã giết người trong thời kỳ chiến tranh. Nhưng Ngô Đình Diệm đã giết người hàng loạt trong thời kỳ hòa bình lập lại đã hơn 4 năm!

Những hành động điên cuồng ấy không phải nói lên sức mạnh của Mỹ - Diệm đâu. Trái lại nó làm cho mọi người thấy thái độ của một kẻ yếu thế hoảng sợ làm liều mà thôi. Mỹ càng thâm nhập vào miền Nam, tình hình miền Nam càng bế tắc, nhân dân miền Nam càng căm thù mà đấu tranh thêm mãnh liệt. Thấy dư luận miền Nam và cả nước phản đối, Mỹ - Diệm đã báo thù bằng cách giết những người tay không, không những tay không, mà lại đã bị mất tự do, bị giam hãm trong trại tập trung. Có cái hành động nào hèn bằng cái hành động giết người ở trong nhà tù mà lại giết bằng cách bỏ thuốc độc vào bữa ăn!

Chúng ta hãy tưởng tượng hàng nghìn đồng bào ruột thịt của chúng ta vì yêu Tổ quốc, yêu hòa bình, muốn thống nhất đất nước mà đã chịu giam cầm bấy lâu nay, đang cố chịu đựng mọi gian khổ để sống, để rồi được về với gia đình, góp phần xây dựng Tổ quốc, mong có ngày được thấy mặt Hồ Chủ tịch để thỏa lòng mong ước mấy lâu nay. Mà nay bỗng nhiên ăn phải thuốc độc của Mỹ - Diệm, ôm bụng kêu la, người thì trợn mắt, người thì sùi bọt miếng, ỉa đái lan tràn, nằm xuống giẫy giụa trên cứt đái, trên đồ ăn mửa ọe ra, rồi nằm chết gục ngay, xác này sắp trên xác khác. Kẻ ở trên sạp, kẻ ở dưới nền, kẻ còn thoi thóp thì cố bò ra cửa để kêu cứu! Ai mà cầm lòng được trước tình cảnh thê thảm như thế! Chúng ta tự hỏi: Mỹ - Diệm còn tàn ác đến mức nào nữa? Các đồng bào ta bị giam ở trại Phú Lợi còn sống lại đã có một số bị Mỹ - Diệm chuyển đi nơi khác nay còn sống hay đã chết? Rồi các đồng bào ta ở hàng ngàn nhà giam khác thì sao? Và toàn thể nhân dân miền Nam đang ở dưới ách thống trị của Mỹ - Diệm thế nào. Mối lo âu của chúng ta bao giờ mới hết, lòng căm phẫn của chúng ta lên đến mức nào?

Chúng ta quả quyết rằng: những hành động tàn ác bỉ ổi của Mỹ - Diệm không làm nhụt trí đấu tranh của đồng bào miền Nam mà chỉ gây căm phẫn thêm cho đồng bào miền Nam, cho đồng bào toàn quốc.

Hơn bốn năm nay Diệm theo lệnh của Mỹ đã bày ra trò tố cộng để tàn sát đồng bào miền Nam. Nhưng kết quả là càng tố cộng thì nhân dân ta càng đoàn kết đấu tranh và Diệm càng bị cô lập.

Vụ thảm sát Phú Lợi cùng với các cuộc tàn sát khác chẳng những không cứu vãn được tập đoàn Ngô Đình Diệm, không dập tắt nổi phong trào đấu tranh của đồng bào miền Nam, mà trái lại nhất định càng làm cho lửa căm thù của nhân dân ta bốc cháy thêm mạnh, phong trào tố cáo tội ác Ngô Đình Diệm thêm kịch liệt.

Nhân dân ta thấy thêm rõ Mỹ - Diệm đã hết bày trò giả nhân giả nghĩa, đã lòi mặt đại gian đại ác, đối với Mỹ - Diệm chỉ có một cách là tích cực và bền bỉ đấu tranh để đi đến tiêu diệt chúng.

Ở đây chúng ta không nói đến việc tập đoàn Ngô Đình Diệm vi phạm Hiệp định Giơnevơ, chúng đã vi phạm Hiệp định Giơnevơ nhiều lần, chúng ta không lấy làm lạ nữa. Chúng ta cũng thừa hiểu Ngô Đình Diệm chỉ có thể duy trì thế lực bằng lừa phỉnh và đàn áp, lừa phỉnh không được thì đàn áp, điều đó cũng là tất nhiên. Điều mà chúng ta không thể tưởng tượng được là cũng là người, cũng là người Việt Nam mà lại mất lương tri đến chỗ dùng thủ đoạn hèn mạt giết hại đồng bào đã lọt vào trong tay mình rồi, đang bị giam giữ chặt chẽ với bộ đội, công an, cảnh sát vòng trong vòng ngoài, mà lại giết một lần đến hơn ngàn người!

Trước cái tang đau đớn này, nhân dân cả nước ta biến đau thương thành sức mạnh càng phải quyết tâm đoàn kết chống lại dã tâm phản nước hại dân của Ngô Đình Diệm, phản đối đế quốc Mỹ can thiệp vào miền Nam nước ta.

Chúng ta kêu gọi dư luận thế giới kịch liệt lên án hành động phản nhân đạo của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Bọn đế quốc Mỹ và tay sai của chúng càng hung hãn thì càng bị đông đảo nhân dân ta phản đối và nhất định càng mau đi đến chỗ thất bại nhục nhã.

Để tỏ lòng thương tiếc các đồng bào ta đã bị nạn ở trại tập trung Phú Lợi, tôi đề nghị các vị đứng dậy mặc niệm một phút.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.
(https://quochoi.vn/tulieuquochoi/anpham/Pages/anpham.aspx?AnPhamItemID=600)


Monday, 26 May 2014

Vụ Hà Thúc Ký mưu sát Ngô Đình Diệm năm 1957 (Nhân Hưng - An Ninh Thế Giới)

Trang nhất > An Ninh Thế Giới > Hồ sơ mật

Vụ Hà Thúc Ký mưu sát Ngô Đình Diệm năm 1957
11:00, 29/01/2007


Ông Hà Thúc Ký.

Ông Hà Thúc Ký nguyên là đảng viên của đảng Đại Việt. Nhận thấy anh em họ Ngô tàn bạo, độc đoán không thực thi dân chủ nên ông đã âm mưu cho đặt chất nổ ở chỗ qua cầu Công Lý để hạ sát Ngô Đình Diệm, để nhóm Đại Việt lên nắm quyền.
Chuyện đã bất thành và Hà Thúc Ký bị bắt giam. Sau khi bị bắt thì cảnh sát đã tới nhà khám xét và phát hiện một hầm chứa vũ khí và chất nổ.
Trong hai tháng đến nước Mỹ, tôi đã có dịp gặp một số nhân vật trước đây làm việc cho chế độ họ Ngô. Những vị này, nay tuổi cũng đã vào tuổi gần đất xa trời rồi nhưng họ vẫn còn nhớ rõ và kể cho tôi một số chuyện cũ.
Và tôi cũng đã tìm đọc được một số tư liệu về chế độ họ Ngô do một số tác giả ghi được. Những tư liệu trên, tôi thấy có phần nào đúng sự thật. Xin lược ghi lại để bạn đọc tìm hiểu và biết rõ hơn về chế độ họ Ngô trong 9 năm tồn tại ở miền Nam Việt Nam.
Diễn tiến vụ Hà Thúc Ký bị bắt
Ông Hà Thúc Ký ngụ ở đường Nguyễn Văn Trỗi (trước kia là đường Cách mạng, quận Phú Nhuận – gần cổng xe lửa số 7). Ông Hà Thúc Ký và nhóm Đại Việt nhận thấy anh em họ Ngô tàn bạo, độc đoán không thực thi dân chủ nên đã âm mưu cho đặt chất nổ ở chỗ qua cầu Công Lý để hạ sát Ngô Đình Diệm, để nhóm Đại Việt lên nắm quyền.
Chuyện đã bất thành và Hà Thúc Ký bị bắt giam. Sau khi bị bắt thì cảnh sát đã tới nhà khám xét và phát hiện một hầm chứa vũ khí và chất nổ.
Ông Hà Thúc Ký hiện vẫn còn sống, trên 80 tuổi và cư ngụ tại Mỹ. Ông Ký kể lại diễn tiến chuyện bị bắt là do có sự phản bội của một đảng viên và một người là sĩ quan cấp tá trong quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Viên sĩ quan cấp tá này là người thân cận với ông Ký, nhưng ông này có tật say sưa tối ngày và cứ hễ rượu vào thì... lời ra. Có một bữa viên sĩ quan này (chúng tôi không nhớ tên là gì?) gặp ông Ký rồi lại gặp một người tên Xuân cũng là đệ tử của ông Ký.
Những người liên quan đến vụ ông Hà Thúc Ký bị dẫn giải ra toà.

Tên Xuân trước kia có theo Việt Minh, nhưng sau đầu hàng, về theo Đại Việt, và theo nhóm Dương Văn Hiếu, Thái “đen” đặc vụ miền Trung của Ngô Đình Cẩn. Xuân phục rượu cho viên thiếu tá uống say khướt rồi khai thác.
- Thiếu tá lâu nay có gặp ông Hà Thúc Ký không?
Viên thiếu tá đã ngay thật nói:
- Tôi có gặp và hẹn mấy ngày nữa sẽ gặp ông Hà Thúc Ký để bàn vài việc chính trị quan trọng.
Viên thiếu tá này còn tiết lộ cho tên Xuân biết là sẽ hẹn gặp ông Ký ở góc ngã ba đường Cao Thắng – Trần Quý Cáp (Võ Văn Tần hiện nay) cùng ngày, giờ... Sau đó tên Xuân đã về báo cho Dương Văn Hiếu biết. Đến khi Hiếu giăng lưới bắt ông Ký ở địa điểm trên thì lại có mặt tên Xuân, và chính tên Xuân đã cầm súng lục chĩa vào ông Ký.
Ông Ký cũng kể lại khi bị bắt không bị đánh đập tra tấn. Ông Ký nghi chắc Ngô Đình Diệm sẽ cho thủ tiêu mình ngay, vì ông đã có ý định lật đổ chế độ họ Ngô.
Ông Hà Thúc Ký bị giam ở Bến Vân Đồn ba tháng, và đại diện chính quyền họ Ngô không thẩm vấn hay hỏi han gì. Một hôm, viên trung sĩ Bảo an ngồi canh gác đã đưa cho ông Ký tờ báo Sài Gòn Mới do bà Bút Trà làm chủ nhiệm.
Tờ báo này có loan tin vợ con ông Ký đã bị bắt giam. Lý do vợ con ông bị bắt là sau ngày ông Ký bị bắt thì người nhà sợ khám nhà nên đã cho người mang cái máy phát tuyến vứt ra bãi đất đồng Ông Cộ để phi tang nhưng chẳng may bị lính Bảo an bắt.
Theo ông Ký kể thì có lẽ Dương Văn Hiếu cố tình cho viên trung sĩ Bảo an đưa tờ báo Sài Gòn Mới cho ông đọc để ông biết tin gia đình bị bắt, từ đó dò xét xem phản ứng của ông thế nào?
Rồi sau đó ông Ký bị đem về giam ở trại giam đường Lê Văn Duyệt (trong Quân khu Thủ đô – nay là sân quần vợt Lan Anh). Trại giam này trước kia quân đội Pháp dùng để giam những quân nhân đào ngũ nên kín cổng cao tường.
Tường nhà giam đúc bằng bêtông cốt sắt, cửa sắt khóa kiên cố. Ông Ký bị biệt giam tại đây một vài tháng thì có thêm một người nữa bị bắt được đưa vào nhốt chung với ông là ông Trình Quốc Khánh tức Nguyễn Hữu Lễ, là Bí thư Dân xã đảng.
Trong thời gian ông Ký bị giam ở trại Lê Văn Duyệt thì Dương Văn Hiếu có đưa bác sĩ Trần Kim Tuyến tới thăm. Và bác sĩ Tuyến có hỏi:
- Ông Ký có biết ông trung tá Sang không?
- Ông Sang chỉ huy Tiểu đoàn Mặt Cọp của Pháp phải không?
- Đúng. Ông Sang có chân trong Đại Việt không?
- Ông hỏi gì lạ vậy? Ai mà khai ra đảng viên làm gì. Có hay không thì ông biết đấy!
Đến khi chế độ họ Ngô bị lật đổ, tướng Trần Thiện Khiêm đã cho người vào nhà thương Chợ Quán để trả tự do cho ông Ký, vì tướng Khiêm cũng có liên quan ít nhiều với nhóm Đại Việt, bởi Khiêm là người do CIA điều khiển. Ông Ký bị giam ở nhà thương Chợ quán vì ông bị phù thũng bởi bị cùm xích nhiều năm tháng.
Còn vụ vợ con ông Ký bị bắt lại không liên can gì đến vụ ông Ký bị bắt. Lý do chính là bà Ký đã cho người nhà đem vứt cái máy phát tuyến. Khi bị bắt ông bà Ký có 6 người con. Khi bà Ký bị bắt thì người nhà ở Huế vào đã đem 5 người con ra Huế để nuôi – đứa lớn nhất khi đó mới 9 tuổi, còn đứa nhỏ nhất mới có 3 tháng nên phải vào tù theo mẹ để bú sữa.
Mẹ con bà Ký bị giam ở P.42 trong Sở thú, nhưng được đối đãi đàng hoàng và không bị tra tấn gì cả. Mỗi ngày được phát 50 đồng bạc để tự mua đồ nấu ăn ngay trong phòng giam do lính Bảo an mua giúp. Bà Hà Thúc Ký thì vẫn bị giam giữ.
Theo  BBC qua lời kể của Trần Kim Tuyến: “Đó là thời gian khoảng năm 1958, vào dịp tết Nguyên đán. Tên đàn em của ông Hà Thúc Ký ở trong đảng Đại Việt là Nguyễn Văn Xuân, vì ham tiền nên phản đảng và thông báo tin tức về đường đi nước bước của ông Ký.
Khi đó đang có tin là ông Ký định ám sát Tổng thống Diệm. Tên Xuân báo cho Tiểu đoàn Phòng vệ phủ Tổng thống chứ không báo cho Sở Nghiên cứu chính trị. Nơi này liền chuyển cho bác sĩ Tuyến. Ông Tuyến nhờ bên Cảnh sát kiểm chứng lại xem những chi tiết đó có đúng hay không.
Cảnh sát cho biết tất cả những chi tiết tên Xuân cung cấp đều đúng. Vì vào đúng dịp tết nên anh em ông Diệm về Huế, không có mặt ở Sài Gòn. Bởi vậy ông Tuyến gọi điện thoại ra Huế báo cáo với Tổng thống Diệm và được lệnh bủa lưới bắt ông Hà Thúc Ký.
Vì Sở Nghiên cứu chính trị Phủ Tổng thống không có lực lượng, nên bác sĩ Tuyến phải nhờ bên Cảnh sát. Thời đó Tổng giám đốc Cảnh sát là tướng Nguyễn Ngọc Lễ, nhưng những nhân viên đi bắt ông Ký lại là tay chân đàn em của Phan Ngọc Các, một bộ hạ của Ngô Đình Cẩn từ ngoài miền Trung gửi vào hoạt động trong Sài Gòn, thành ra chính tướng Nguyễn Ngọc Lễ cũng không biết chuyện gì xảy ra.
Khi bắt được ông Ký, họ tạm giam lại để chờ Tổng thống Diệm về sẽ quyết định. Đến khi ông Diệm về tới Sài Gòn, cho gọi bác sĩ Tuyến lên báo cáo mọi chuyện. Lúc đó đã nửa đêm. Ông Tuyến vừa bước vào, Ngô Đình Diệm hỏi ngay:
- Chuyện Hà Thúc Ký ra sao rồi?
- Thưa Tổng thống, bên Cảnh sát bắt, hiện còn đang giữ trong Sở thú để chờ Tổng thống quyết định.
Ông Diệm đỏ bừng mặt:
- Đem mà thủ tiêu nó đi! Anh bảo bên đó chỗ nào đem thủ tiêu nó đi!
Còn ông Tuyến thì kể lại: “Nghe lệnh của Tổng thống Diệm vào lúc nửa đêm, nên ông Tuyến không muốn đánh thức ông Tổng giám đốc Cảnh sát thức dậy để chuyển cái lệnh “thủ tiêu người” trong lúc nóng giận của Tổng thống.
Vì thế ông Tuyến đã nghĩ “để đến sáng mai chuyển lệnh trên cũng chẳng muộn gì”.
Như vậy, cái số của ông Hà Thúc Ký chưa bị chết ngay đêm hôm đó. Sáng sớm hôm sau, Ngô Đình Diệm lại cho gọi điện thoại bảo Tuyến vào dinh gấp.
Tuyến lo sợ, và nghĩ: Chắc ông Diệm gọi vào gấp để hỏi xem lệnh thủ tiêu Hà Thúc Ký đã hoàn tất chưa? Khi vào tới dinh trông thấy Tổng thống Diệm đang ngồi ở bàn giấy, và mặt lạnh hỏi:
- Chuyện Hà Thúc Ký ra sao rồi?
Nghe Diệm hỏi như vậy, Tuyến lo sợ, vì chưa thi hành.
- Thưa Tổng thống, vẫn còn giam đấy. Để tôi liên lạc với tướng Lễ xem thi hành “thủ tiêu” bằng cách nào?
Nghe Tuyến trình bày như vậy, Diệm nói:
- Mình tức giận, nổi nóng ra lệnh như vậy. Nhưng thôi, tìm cách giúp đỡ gia đình ông Ký. Bảo bên Cảnh sát đối xử đàng hoàng với ông ấy.
Từ đó, trong tù ông Ký  không bị ngược đãi và bị tra tấn gì cả.
Vì vậy, sau năm 1975 ông Ký định cư ở Hoa Kỳ, và có mấy lần sang Anh có ghé thăm ông Tuyến. Vì hàm ơn  bởi ông Tuyến chần chừ lệnh của Diệm qua một đêm nên ông Ký thoát đi “mò tôm”. Ông Tuyến cũng còn kể, về ông Nhu thì không thấy ông ta nhắc gì đến ông Ký lúc đó.
Hà Thúc Ký bị bắt và thoát bị thủ tiêu nhờ đâu?
Ông Hà Thúc Ký lại có họ hàng với vợ Ngô Đình Nhu là Trần Lệ Xuân. Thân mẫu của Hà Thúc Ký và thân mẫu của Trần Lệ Xuân (vợ luật sư Trần Văn Chương, là chị em cô cậu ruột).
Vì vậy Trần Lệ Xuân là em họ ông bà Ký. Hà Thúc Ký cũng có họ hàng với tướng Tôn Thất Đính và Đính kêu ông Ký là chú họ... Giữa Ngô Đình Diệm với Hà Thúc Ký cũng là chỗ thân tình khi xưa, trước năm 1945.
Thời gian Ngô Đình Diệm rời chủ Quản đạo Kontum để xuống trị nhậm Phan Rang thì thân sinh của ông đã tới bàn giao. Thời kỳ Ngô Đình Diệm rời chức quản đạo Phan Rang đi trị nhậm Tuần vũ ở Phan Thiết thì thân phụ ông Ký tới tri nhậm quản đạo Phan Rang. Vì vậy, khi Hà Thúc Ký bị bắt, Ngô Đình Diệm đã ra lệnh cho bác sĩ Trần Kim Tuyến trợ giúp cho gia đình Hà Thúc Ký.
Những ngày trước khi Ngô Đình Diệm về nước làm Thủ tướng thì Ngô Đình Nhu cho thành lập phong trào Đại đoàn kết Hòa bình để Ngô Đình Diệm về cầm quyền. Ngô Đình Nhu làm Chủ tịch, còn Hà Thúc Ký làm Phó Chủ tịch phong trào trên. Họ thường tới họp bàn ở nhà Ngô Đình Cẩn.
Nhưng đến khi Ngô Đình Diệm nắm trọn quyền cai trị miền Nam, thì anh em họ Ngô đã loại những thành phần đảng phái từng ủng hộ Diệm trước đây ra khỏi chính quyền. Điển hình là vụ Ngô Đình Diệm cho quân tới triệt hạ chiến khu Ba Lòng tại Quảng Trị của Đại Việt do Hà Thúc Ký lãnh đạo.
Về phía Đại Việt thời đó có hai ba phái. Như Hà Thúc Ký thì lập ra Đại Việt Cách mạng thành phần đa số là người miền Trung. Còn ông Nguyễn Ngọc Huy và Nguyễn Tôn Hoàn thì lập ra đảng Tân Đại Việt thành phần là người miền Bắc và Nam Trung Bộ.
Ở ngoài đời nhiều người vẫn gọi nhóm Đại Việt là Đại Việt quan lại, vì đa số đảng viên Đại Việt đều làm quan của chế độ Bảo Đại xưa kia, trong số này, bác sĩ Phan Huy Quát bị mang tiếng là thủ lĩnh Đại Việt quan lại. Sự thực ông Quát không có chân trong Đại Việt nào cả mà chỉ chơi thân với nhóm Đại Việt thôi.
Ông Hà Thúc Ký cùng một số người đối lập chế độ họ Ngô bị bắt giam cho tới ngày 1/11/1963 nhóm quân nhân đảo chính lật đổ được chế độ họ Ngô. Ngày 5/11/1963, Trần Thiện Khiêm ra lệnh trả tự do cho những người đối lập chế độ họ Ngô và ông Hà Thúc Ký cũng được thả trong đợt này.
Ba tháng sau ngày đảo chính Ngô Đình Diệm thành công, thì ngày 30/1/1964 Nguyễn Khánh lại làm đảo chính lật đổ nhóm Dương Văn Minh. Nguyễn Khánh tự phong làm Thủ tướng, còn Dương Văn Minh ngồi ghế Quốc trưởng “bù nhìn”.
Mọi quyền hành đều nằm trong tay tướng Nguyễn Khánh. Tướng Khánh lập nội các chính phủ và ông Hà Thúc Ký được mời giữ chức Tổng trưởng Nội vụ.
Khi chế độ họ Ngô bị đảo chính thì em trai của Trần Lệ Xuân là luật sư Trần Văn Khiêm bị bắt giam. Bà Chương, mẹ của Khiêm ở Hoa Kỳ nghe tin con trai bị bắt nên tức tốc trở về Việt Nam để lo cho Khiêm ra tù.
Ngày 8/2/1964, ông Hà Thúc Ký chính thức nhận chức Tổng trưởng Nội vụ nên bà  Chương đã đến xin gặp ông Hà Thúc Ký để xin bảo lãnh cho con trai.
Bà Chương với ông Ký có liên hệ họ hàng và ông Ký gọi bà là dì. Nhưng khi gặp ông Ký, bà Chương nói:
- Thưa ông Tổng trưởng, gia đình chúng tôi vô phước sinh ra con không ra gì, nó hại cả gia đình (ý nói Trần Lệ Xuân, vợ Nhu).
Ông Hà Thúc Ký nhã nhặn nói:
- Tôi không đồng ý với bà điểm đó. Nhờ cô ấy mà gia đình bà mới có chức có quyền và sung sướng. Không có cô ấy thì làm sao ông bà lại được giữ chức Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, và bà làm quan sát viên tại Liên Hiệp Quốc. Tại sao bây giờ bà lại trách cứ cô ấy?
Bà Chương trả lời:
- Nhưng thằng con tôi, là thằng Khiêm nó có tội tình chi mà bắt nó? Cho nó vô tù?
Ông Ký:
-Đã có biết bao người không có tội tình chi mà cũng bị tù. Còn hắn cũng dính vào chế độ họ Ngô, dựa vào quyền thế hống hách trước đây mà ai cũng biết. Bà phải nhớ cho rằng người tù của chế độ họ Ngô cũng đang ngồi trước mặt bà đây.
Chúng tôi trước đây ở tù chế độ họ Ngô không có quần áo mặc và phải nằm trên nền ximăng lạnh buốt và muỗi đốt. Còn nay  con bà, tôi đã cho phép có người đến thăm nuôi và còn được tiếp bạn gái. Hàng tuần có những cô gái đến thăm con bà và được tự do yêu đương. Như vậy là sướng hơn chế độ nhà tù của nhà Ngô.
Nhưng được ít lâu, Trần Văn Khiêm cũng được trả tự do sau đó ra nước ngoài
  Nhân Hưng