Từ vựng NGHỀ LƯỚI ĐĂNG – Một vốn quý trong kho tàng NGÔN NGỮ, TRI THỨC, VĂN HÓA DÂN GIAN của ngư dân KHÁNH HÒA | ||||||
Trước đây, lưới đăng là nghề biển có quy mô lớn, có năng suất và lợi tức cao nhất trong các nghề đánh cá ở Khánh Hòa. Cùng với những tục lệ thờ cúng kỳ lạ, những tập quán kiêng cữ đặc biệt, trong quá trình giao tiếp cũng như khi hành nghề, ngư dân lưới đăng đã sáng tạo và sử dụng một hệ thống từ vựng rất phong phú và độc đáo, phản ánh đặc trưng nghề nghiệp và mang đậm sắc thái dân gian. Trải qua thời gian, hệ thống từ vựng này đã trở thành một vốn quý trong kho tàng di sản văn hóa truyền thống của địa phương.
A
- Ăn dọn (còn gọi là dọn nghề): Khâu chuẩn bị trước khi xuất hành ra biển làm mùa, từ việc bày dọn giàn lưới ra một bãi cát rộng để tu sửa, đan vá, kết lại cho hoàn chỉnh đến việc sửa ghe, trét ghe hay xảm thuyền. Thời gian ăn dọn bắt đầu từ trung tuần tháng 11 âm lịch, tùy giàn nghề lớn nhỏ mất khoảng 15 đến 25 ngày để hoàn tất. Trong thời gian ăn dọn, bạn nghề ăn ngủ ngay ngoài bãi.
B
- Bạn lưới (còn gọi là Bạn trên): thuyền viên kéo neo, kéo lưới, làm việc trên ghe là chính. Số lượng khoảng 20 - 28 người, chia đều cho 2 chiếc thuyền đăng, thuyền neo.
- Bạn nằm thuyền: thuyền viên giỏi, nhiều kinh nghiệm, lo việc tát nước, nấu ăn và những việc nặng đòi hỏi tay nghề cao (như nhảy xuống nước kết giải, làm mé làm gót...). Mỗi bên thuyền đăng, thuyền neo đều có từ 1 đến 2 bạn nằm thuyền.
- Bao hầu: cá cờ lớn cỡ ba bốn tạ trở lên gọi là bao hầu.
- Bè: phao lưới, giúp giàn lưới nổi theo chiều thẳng đứng từ mặt nước xuống đáy biển. Ngày xưa, bè được làm bằng những ống tre kết lại, ngày nay bè làm bằng xốp, lại dùng ống tre bọc xung quanh để bảo vệ xốp khỏi bị vỡ. Lưới đăng có 2 bè chính là bè cái và bè dọc, còn lại là những bè nhỏ. Vị trí của bè được gắn liền với dây neo, có bao nhiêu neo trên một giàn lưới thì có bấy nhiêu bè.
- Bề dạu (còn gọi là bề đứng, bề thâm): chiều cao của tấm lưới tính từ mặt nước xuống đáy biển.
- Bên đăng: bên thuyền đăng (đậu giữa neo thứ 10 và thứ 9 từ bè cái tính vào).
- Bên đốc: bên cọc chèo bánh của ghe (bên trái).
- Bên lái: bên cọc chèo mũi của ghe (bên phải).
- Bên neo: bên thuyền neo (đậu bên giàn lưới hôm giữa 2 bộ neo nhì tráng tây và nhất tráng tây).
- Biển đói: đánh không được cá trong nhiều ngày hoặc mất mùa cá.
- Biển no: được mùa cá.
- Biện: thư ký, có nhiệm vụ ghi chép, tính toán, quản lý sổ sách thu chi. Làm việc trên thuyền có biện nước, trên bờ có biện bờ.
- Bộ: gọi tắt từ bộ neo. Khi khép lưới bửng nhốt cá vào rọ, mỗi bên thuyền đăng và thuyền neo kéo theo một đầu lưới rồi đi qua 5 hoặc 6 bộ để làm mé làm gót.
- Bồng đỏ mũi: phần đầu mũi thuyền đăng và thuyền neo có cây xỏ mũi sơn màu đỏ.
C
- Cá ăn đầu (còn gọi là cá tá): thuở nghề đăng còn sơ khai, thu nhập của ngư dân được tính theo lối ăn chia chứ không trả công ăn lương như sau này. Để chuyên chở cá về bến, các chủ đầm phải sắm hoặc thuê ghe phiên. Nếu thuê, cứ mỗi tá cá (12 con) chủ đầm thu hoạch được thì chủ ghe phiên được hưởng 1 con.
- Cá chạy bãi: mấy tháng biển động sóng to gió lớn, nước đục, nhiều loại cá như cá chét, cá chột lớn cỡ bắp vế, từ ngoài khơi vô bờ lúc nước lớn, chạy dọc theo bãi để kiếm ăn.
- Cá dài: tiếng nghề đăng gọi chung các loại cá thu.
- Cá lái lợi: số cá ngư dân trả cho chủ nợ thay tiền lãi.
- Cá lại: từ cuối tháng 4 đến tháng 9 âm lịch, các loài cá di cư từ vùng biển phía bắc bắt đầu trở vô nam, ngư dân gọi là cá lại. Mùa này cá đi chậm, gặp vật cản thường xoay tròn lòng chảo và nép vào chân các gành đảo trong lộng.
- Cá lên: từ tháng Giêng đến đầu tháng 5 âm lịch, từng đàn cá nổi di cư theo mùa như cá thu, cá ngừ, cá bò... từ vùng biển phía nam bắt đầu di chuyển ra phía bắc, ngư dân gọi là cá đi hoặc cá lên. Thời gian này cá thường chạy khơi, xa gành nên đi nhanh và thẳng đường. Đây là mùa khai thác chính của nghề lưới đăng.
- Cá nhập đất: cá biển có tập tính thường đi sát đáy ngày 2 lần: lúc chạng vạng và mới rạng đông.
- Cá tròn: tiếng nghề đăng gọi chung các loại cá ngừ, bò, chù, chấm, dưa gang.
- Các bác: là những người khuất mặt, chết ngoài biển hoặc trên đảo.
- Cần khấu: cần ngắn khoảng 1m, gắn lưỡi câu lớn không ngạnh, dùng móc vào mình cá lớn cho dễ bắt.
- Câu chạy: nghề câu cổ truyền, thả mồi nổi trên mặt nước, dùng xuồng kéo chạy nhanh, cá lớn rượt theo đớp sẽ bị dính câu. Nghề này hoạt động ban ngày trong lông, dùng xuồng nhỏ, trước kia gắn buồm, về sau gắn động cơ để chạy nhanh, thuận tiện lúc ngược gió. Nhợ câu ngày trước là nhợ se bằng tơ tằm, sau dùng cước 70 hoặc 80, mỗi ống 100m, cột ít nhất 2 lưỡi câu. Mồi là lông gà loại mềm, tùy theo tháng và con nước mà dùng lông màu trắng, vàng, vàng lợt, xám... Mồi lông gà kéo chạy nhanh trên mặt nước làm cá lớn lầm tưởng là cá con. Cá ăn mồi nổi là các loại cá ngừ, chù, chấm, bò, thu, cá cờ, cá gòn. Nghề lưới đăng cũng đánh bắt các loại cá này nên các xuồng câu chạy có mặt trong vùng gần sở đầm từ tháng Giêng đến tháng 6 âm lịch, hết mùa lưới họ câu tiếp đến tháng 8 âm lịch thì nghỉ.
- Câu giăng: nghề câu cổ truyền, hoạt động trong lông, mỗi giàn câu gồm 1500 - 2000 lưỡi câu cột cách nhau 7, 8 tấc, với một số phao để giữ lưỡi câu cách rạng lối 1m. Mồi là cá nục, cá cơm trỏng, mực tươi xắt miếng. Ngư dân giăng câu buổi chiều chung quanh đảo hoặc nơi có rạng lố, tùy con nước họ thăm câu thay mồi mỗi đêm 3 - 4 lần. Sau này do nạn bắn cá bừa bãi bằng chất nổ, cá ở rạng lố bị tiêu diệt, những ghe câu giăng dần dần đổi sang nghề khác.
- Câu kiều: nghề câu cổ truyền, hoạt động trong lông, câu cá mà không có mồi. Ngư dân dùng nhiều giàn câu giăng, mỗi giàn cột 1000 - 1500 lưỡi câu lớn, mỗi lưỡi câu cách nhau 3 - 4 tấc, không gắn mồi, thả xuống đáy biển, lưỡi câu thòng tòn ten cách mặt đất lối 1 tấc, cá lớn nhập đất đi ngang qua vướng lưỡi câu, vùng vẫy thì các lưỡi câu gần bên móc thêm vào mình, không còn lối thoát. Về sau nghề giã cào phát triển, cào sát đáy biển, kéo bứt giàn câu kiều nên họ dẹp nghề.
- Cây chong: miếng gỗ nhỏ hình đồng xu dùng để móc tua chì của mỏ neo cái với vòng nhiếp chì.
- Cây gang: cây gỗ lớn dùng móc vào phần đầu dây song gang để mặt lưới tránh cọ xát với đá nhọn.
- Cây giang: những thanh đà ở hai bên be thuyền.
- Chao lưới: đoạn lưới rất thưa, sợi lớn, nối nạp con với giàn lưới đăng.
- Chắp bả: đan lưới, vá lưới.
- Chèo dọc: tức đội trưởng (nếu là chèo dọc bên ghe đăng) hoặc đội phó (nếu là chèo dọc bên ghe neo), là người chỉ huy, điều khiển, quyết định phương án đánh bắt cụ thể cho từng giác lưới.
- Chính đầm, phụ đầm: Mỗi sở đầm lớn (đầm chính) thường lãnh thêm một sở đầm nhỏ gọi là đầm phụ, vì vậy tên của các sở đầm này thường được ghép chung, ví dụ: Xưởng Dự - Táo Chỉ, Lam Dự -Châu Dự, Tiểu Cảng - Suối Châu, Thạch Dự - Bút Chử...
- Chủ đầm: là người hay nhóm người được lãnh khoán hoặc trúng thầu khai thác một sở đầm đăng nào đó, còn gọi là chủ nghề, nghiệp chủ hoặc chủ nhiệm (hợp tác xã).
- Chủ nậu: những người giàu có, cho các chủ phương tiện đánh bắt vay vốn và nhận bao tiêu sản phẩm (mỗi chủ nậu có thể cho vay và bao tiêu cho từ 2 đến 10 tàu đánh cá) rồi bán lại cho những người làm nghề rổi.
- Chủ vựa: những người chuyên thu mua cá với số lượng lớn, sau đó bán dần cho những người làm nghề rổi.
- Chuyến chính, chuyến phụ: cá lưới đăng đi phiên mỗi ngày 2 chuyến, chuyến chính về bến lúc 2 - 3 giờ chiều, chuyến phụ về bến lúc 6 - 7 giờ tối.
- Chửng cá: cách chia cá giữa chủ đầm và bạn lưới thuở nghề đăng còn sơ khai.
- Coi nước: quan sát số lượng cá đã có trong rọ lưới để quyết định khóa hom và thu hoạch. Người coi nước ôm ống tre hay phao bơi trong rọ lưới, dùng kính lặn nhìn sâu xuống đáy xem cá đã vào rọ thì báo hiệu cho trên thuyền đóng cửa bửng để cá không chạy thoát ra ngoài.
- Con nước thủy triều: mỗi tháng thường có 3 hoặc 4 ngày nước thủy triều, cứ nước lớn một lúc rồi ròng một lúc, lừng chừng như vậy cả ngày.
- Con trân (còn gọi là nhợ cúi): cuộn nhợ đan lưới có chiều dài 100 sải.
- Cốt gang: là sợi dây lớn ràng, buộc quanh hòn đá kết gang. Từ cốt gang phân ra hai sợi nhánh bằng cáp là tay rượng đồi và tay rượng chì.
- Cụi lưới: lưới đã cuộn lại thành từng ôm.
- Cúng cầu ngư: cúng vào lúc năng suất sở đầm quá thấp.
- Cúng Dàng (còn gọi là cúng Thập nhị Nhang Dàng): lễ cúng ảnh hưởng theo tục lệ của người Chăm xưa, tổ chức vào cuối tháng Ba hoặc đầu tháng Tư âm lịch hàng năm.
- Cúng hạ đăng: ngày xưa nghề đăng dùng lưới đan bằng vỏ cây mấu trên rừng hoặc bằng xơ dừa nên lưới mau hư mục, mỗi tháng sở đầm phải nghỉ một hai ngày để ráo lưới - tức vá lưới, phơi lưới. Khi bủa lại giàn lưới, phải làm lễ này.
- Cúng kết gang: lễ cúng xin phép Thần linh cho cột một đầu lưới (móc gang) vào gành đá.
- Cúng khai sơn: lễ cúng xin phép chư vị Thần linh cho sử dụng gành đảo để đặt gang lưới.
- Cúng lịch y: hàng năm vào khoảng hạ tuần tháng 2 âm lịch (tháng này còn gió đông bắc, thỉnh thoảng biển động mạnh, cá thường đi khơi), các phường lưới đăng làm lễ dâng cúng các đồ y trang, vàng mã... để cầu xin chư vị thần linh dẫn dắt cá chạy gành sớm. Nhân dịp này ngư dân rước thầy chùa làm lễ cầu siêu và lễ phóng đăng để siêu độ vong hồn Các Bác và những đồng nghiệp tử nạn ngoài biển.
- Cúng mừng rau: khi năng suất tăng vọt trong nhiều ngày, ngư dân làm gỏi cá cúng tạ ơn chư vị Thần linh (tiếng nghề đăng gọi chung các loại cá là “rau”).
- Cúng ra mắt: lễ cúng xin phép Thần linh để bắt đầu hành nghề.
- Cúng ráp xương quẹo: nghi thức ráp lưới thưa và lưới tư ở một góc 90 độ, chỗ sẽ đặt neo cái (so sánh chỗ ráp hai đầu lưới như cùi chỏ). Việc này do chủ nghề hoặc đại diện và ông chèo dọc thực hiện.
- Cúng tạ: ngày mãn mùa cá, sở đầm làm lễ cúng tạ ơn chư vị Thần linh đã phù hộ cho ngư dân trong mấy tháng hành nghề. Biển no họ cúng trọng thể, biển đói thì cúng đơn giản hơn nhưng cũng đầy đủ phẩm vật thường lệ.
- Cúng tết thuyền: lễ cúng tại thuyền đăng, thuyền neo vào ngày Tết Nguyên Đán.
- Cúng tổ nghề (còn gọi là cúng Tam vị thánh tổ): lễ cúng trọng thể tại nhà chủ nghề hoặc nhà chung của phường lưới đăng (nhà đoàn).
- Cữ: kích thước tiêu chuẩn của tấm lưới.
D
- Dây cốt hôm: dùng cột một đầu lưới hôm qua trung gian là giây xiềng xiềng.
- Dây cửa (còn gọi là dây mé nhảy): một đầu buộc vào đầu dây còn trống của bửng, một đầu buộc tại chỗ gần với góc lót. Người ta có thể đặt dây cửa theo nhiều cách khác nhau tùy theo vị trí của thuyền neo.
- Dây đòi: sợi dây dài cột hòn đồi.
- Dây giằng dọc, dây giằng gót, dây nhồi mé: 3 tên khác nhau của cùng một sợi dây giăng dọc theo chiều dài dây giềng của lưới bửng
- Dây giằng hôm, dây giằng tây: cùng một sợi dây mà phần giữa được nối với dây giềng của lưới bửng, còn hai đầu nối trên dây nạp cái của dây cốt hôm.
- Dây khóa dọc: được kéo thẳng từ đầu mút lưới bửng đến bè neo dọc.
- Dây khóa hôm: nối lưới hôm bằng cách nối với giềng đồi của lưới lưng.
- Dây khóa sau: dây nối vành neo, có vai trò như dây giằng tây và dây giằng hôm.
- Dây khóa trước: vừa giữ điểm cuối của lưới bửng vừa chống lại những dây giềng của lưới hôm.
- Dây kình: dây nối giềng kình và giềng đồi.
- Dây mồi: dùng để buộc phao và mỏ neo.
- Dây muối: đóng vai trò trung gian khi người ta muốn buộc chung các dây lại.
- Dây song gang: dùng để buộc đầu lưới gang vào mặt lưới, gồm 2 phần: phần đầu gọi là dây cốt gang dùng để cột vào hòn đá nơi gành, phần sau gọi là tay rượng chia làm 2 nhánh: một nhánh buộc vào đầu giềng đồi của lưới gang gọi là tay rượng đồi, một nhánh buộc vào đầu giềng chì gọi là tay rượng chì.
- Dây xiềng xiềng: nối với dây cốt hôm qua một ròng rọc, từ đó chia ra 2 nhánh, một nhánh móc vào giềng đồi gọi là tua đồi, một nhánh móc vào giềng chì gọi là tua chì.
- Dây xôm (còn gọi là dây làm lưới): dùng cột vào 2 dây chão lớn của các đầu dây tráng. Khi kéo lưới, một trong hai thuyền dùng dây xôm như dây chão để buộc mũi bè thích hợp.
- Dinh Ông: lăng thờ Ông Nam Hải (cá Voi).
- Dò nước: ông chèo dọc sau khi nghe người coi nước hô “Lui” thì quan sát dòng nước chảy mà đề ra phương án đánh bắt thích hợp.
- Dời: đơn vị tính cổ truyền, 1 dời = 20 sải.
- Dúng: đơn vị tính cổ truyền, cứ 5 sợi loại dài 4 sải = 1 dúng.
Đ
- Đại diện: người thay mặt nghiệp chủ quản lý sở đầm ngoài biển.
- Đầm đăng: vị trí đặt lưới đăng. Qua theo dõi nhiều năm, ngư dân đã xác định được một số vị trí tương đối chính xác để đặt giàn lưới đăng đánh bắt cá hiệu quả. Vì thế, tuy bờ biển dài nhưng những nơi có thể làm đầm đăng rất ít, thời kỳ cao nhất toàn tỉnh Khánh Hòa chỉ có khoảng trên 30 sở đầm, trong đó nhiều nhất thuộc hải phận Nha Trang (13 đầm). Hiện nay, TP. Nha Trang chỉ còn 5 sở đầm hoạt động là Hòn Nọc, Sông Hồng, Hòn Xưởng, Thạch Dự và Lam Dự.
- Đầm hải đông: tên gọi các ngư trường phân bố dọc ven bờ biển và các gành đảo trong tỉnh (ví dụ vùng biển từ Hòn Đỏ đến mũi Cù Hin thuộc TP. Nha Trang trước đây phân chia thành các hải đông Cù Lao, hải đông Xương Huân, hải đông Bích Đầm, hải đông Trường Đông, hải đông Trường Tây). Ngày xưa, ngư dân hành nghề trong các vùng biển này phải đóng thuế gọi là thuế hải đông, do ông xã lạch ở làng thu.
- Đầm úc: vùng biển gần bờ, gần cửa sông, nước không sâu.
- Đi bạn: đi làm công cho chủ nghề.
- Đi khơi (còn gọi là đi kinh): đánh cá ở vùng biển nước sâu, xa bờ.
- Đi lộng (còn gọi là đi ốp): đánh cá ở vùng biển gần bờ.
- Đi phiên: chở cá từ sở đầm về bến bằng ghe phiên. Cá lưới đăng bán ra ở ghe phiên phần lớn là cá ngon, lại là cá “tươi dong”.
- Đi tới, đi tráng đông, đi xây: 3 phương án đánh bắt chính của lưới đăng. Tùy theo hướng nước chảy, người chèo dọc sẽ quyết định phương án cụ thể cho từng giác lưới. Đi tới là cách thông thường khi không gặp nước chảy (nước êm). Đi xây khi dòng nước ngoài biển chảy vô. Đi tráng đông khi dòng nước từ trong gành chảy ra.
- Đường neo: Lưới đăng sử dụng rất nhiều bộ neo để giằng giữ giàn lưới. Neo lại phải thả lài ra cho vững nên sử dụng rất nhiều dây chạc hoặc dây ny-lon lớn. Cứ khoảng 10m lưới thì đặt một mỏ neo và 50m là một đường neo. Có hai cách đặt đường neo là neo chiếc và neo đôi. Neo chiếc là một neo cố định bằng một dây. Đây là đường neo sử dụng ở những phần biên lưới nơi có độ căng rất lớn. Neo đôi là một neo cố định bằng hai dây.
G
- Gạn: động tác vừa kéo lưới vừa thu hẹp vòng rọ.
- Ghe lòi: thuyền nhỏ chở cá trên sông rạch hoặc vùng biển nước không sâu.
- Giã cào: nghề biển sử dụng công cụ lưới hình ống, có cánh hai bên, dùng ghe kéo để đánh bắt cá và các loại hải sản khác ở tầng đáy. Ghe giã cào hành nghề vào những tháng biển động, hoạt động cả ngày lẫn đêm, giàn lưới thả sát đáy, miệng giã rà trên mặt bùn, càn quét tất cả các loại hải sản vào một đảy lưới thật dầy. Nghề giã cào thường hoạt động ở vùng biển có mực nước sâu từ 6 hoặc 7m trở ra, ở những vùng không có rạng lố, đáy biển chỉ toàn cát và bùn.
- Giác lưới: một mẻ lưới đăng, gồm các công đoạn thả lưới, nhổ lưới, thu hoạch cá.
- Giàn nghề lưới đăng: một giàn nghề lưới đăng gồm 6 tấm lưới (gang, lưng, rọ, tráng, hôm, bửng) kết vào nhau bố trí thành thế trận lừa cá vô rọ. Ngoài ra còn một giàn lưới rút để sẵn trên thuyền, khi cá đã vào rọ thì thả xuống thu hoạch.
- Giềng chì: dây cạp chân lưới.
- Giềng đồi: dây cạp phần trên cùng của lưới, gắn với chao lưới.
- Giềng kình: phần ngoài cùng của cạp giềng.
- Giềng miệng: phần giữa của cạp giềng.
- Gió nam đò: gió tây nam từ vùng núi huyện Ninh Hòa thổi tạt ra biển.
- Gió cây khô: trận bão khủng khiếp xảy ra vào ngày 25 tháng Giêng âm lịch năm Thìn (không rõ năm nào, nhưng cũng cách đây trên cả trăm năm) khiến 32 ngư dân quê ở Phường Mới (Bình Định) bị thiệt mạng tại một điạ điểm lưới đăng thuộc Hòn Xưởng ở Bích Đầm ngoài khơi biển Nha Trang.
|
Showing posts with label ngư nghiệp. Show all posts
Showing posts with label ngư nghiệp. Show all posts
Saturday, 8 June 2013
Từ vựng NGHỀ LƯỚI ĐĂNG – Một vốn quý trong kho tàng NGÔN NGỮ, TRI THỨC, VĂN HÓA DÂN GIAN của ngư dân KHÁNH HÒA (Nguyễn Man Nhiên)
Subscribe to:
Posts (Atom)