Friday, 8 May 2015

Nhớ lại trận đánh sân bay U Ta Pao (Thái Lan) (Minh Anh - Sài Gòn Giải Phóng)

BỘ ĐỘI CỤ HỒ
Nhớ lại trận đánh sân bay U Ta Pao (Thái Lan)
Chúng tôi đi tìm căn cứ xuất phát
Thứ ba, 12/05/2009, 23:05 (GMT+7)
Tượng đài chiến thắng Lào - Việt tại thị xã A Tô Pư (Lào). Ảnh: Hoài Nam

Lịch sử Bộ đội Đặc công-Quân đội Nhân dân Việt Nam, trang 343, có ghi: “Đêm ngày 9 rạng ngày 10 tháng 1 năm 1972, tổ chiến đấu gồm Bùi Văn Phương, Vũ Công Đài, Trần Thế Lại tập kích sân bay U Ta Pao (Thái Lan).
Trong một tình thế đặc biệt, tổ đã nổ súng tiêu diệt cả toán tuần tra gồm 2 tên Mỹ và một chó bẹcgiê. Khi cả tổ đến khu vực để máy bay B52, địch phát hiện nổ súng bắn chặn. Hai đồng chí Phương, Đài lao nhanh đến mục tiêu, dùng thuốc nổ đánh vào từng chiếc máy bay. Kết quả ta đã phá hủy, phá hỏng 8 máy bay B52…”. Và với những thông tin kể trên, chúng tôi lần tìm lại dấu tích xưa!
Trước năm 1975, sân bay U Ta Pao (T90) là một căn cứ hiện đại của Mỹ tại Thái Lan. Xuất phát từ đây, máy bay B52 của địch đã thực hiện “rải thảm” đường Trường Sơn, cũng như chiến dịch 12 ngày đêm “đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá”. Và hôm nay, từ tỉnh Saravan trên dãy Trường Sơn Tây di chuyển về phía Nam, chúng tôi đến thị xã Păk Sê thuộc tỉnh Chămpasăk.
Ở đây, sông Mekong đã phân chia rõ rệt thành địa giới của 3 quốc gia Lào, Thái Lan, Campuchia. Nếu từ Păk Sê vượt qua sông Mekong và đi thẳng là đến tỉnh U Bon Ratchathani thuộc Thái Lan; nhưng nếu đi dọc sông về phía Nam thì gặp vùng đất tỉnh Stung Treng thuộc Campuchia.
Đại tá Nguyễn Đức Trúng, nguyên là Tư lệnh Bộ Tư lệnh Đặc công kể với PV Báo SGGP: “Đơn vị chúng tôi sau khi đi dọc Trường Sơn Tây vào đến Chămpasăk thì đóng quân bên dòng suối Huội Phạt thuộc rừng Đôn Canh Thung, tỉnh Chămpasăk (Lào), giáp U Bon Ratchathani và Stung Treng. Nước của dòng suối Huội Phạt chảy ra sông Mekong nên dòng chảy của nó có khi dạt sang Thái Lan, có khi xuôi về Campuchia”.
Theo lời kể của Đại tá Trúng, chúng tôi xác định được con đường mà các ông hành quân cũng chính là con đường mà Đoàn 559 cắt rừng từ Lệ Thủy (Quảng Bình) sang đất Lào, rồi vượt đường 9 (đoạn thuộc tỉnh Savanakhet), sau đó xuôi về phía Chămpasăk. Ông kể: “Lúc đó, tôi mới là Thượng tá Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Đặc công và được cấp trên chỉ đạo nghiên cứu đánh sân bay U Ta Pao. Nhiệm vụ đánh sân bay U Ta Pao quả thật rất nặng nề. Tuy nhiên nếu không thực hiện thành công, ta có nguy cơ rơi vào thế yếu trên bàn đàm phán tại Paris”.
Xe chúng tôi qua sông Sê Đôn rồi đi tiếp về phía biên giới 3 nước. Gió từ sông Mekong thổi lên mát rượi. Đoạn Mekong trên đất Lào rất khác đoạn Mekong trên đất Việt về địa hình. Nước sông không có phù sa và bùn đất mà chỉ rặt cát vàng ở hai bờ sông. So với Việt Nam, Mekong đoạn này cao hơn hẳn nên bên bờ sông còn có núi và những cánh rừng già bạt ngàn, mây trắng sà sát mực nước sông.
Ở giữa sông, những gờ đá mọc lên như thành như lũy, gặp sóng đập vào tung bọt trắng xóa. Ngày ấy, những người lính đặc công đã vượt sông ở đoạn này để vào đất Thái, rồi nhằm thẳng vào căn cứ quân sự, sân bay U Ta Pao của Mỹ. Đại tá Nguyễn Đức Trúng kể: “Khoảng cách từ Huội Phạt đến sân bay quân sự U Ta Pao quá xa, lại toàn rừng rậm bao bọc nên ban đầu chúng tôi chia khoảng cách khoảng 30km để cất giấu lương thực, vũ khí.
Tuy nhiên do thiếu kinh nghiệm bảo quản, các túi gạo giấu trong hốc đá, trên cây đều bị gấu rừng phá sạch. Chúng tôi lại cho gạo vào thùng đạn để tránh gấu nhưng anh em than “người khuân gạo còn nặng huống chi phải đánh vỗ mặt địch”. Thấy tình thế khó khăn không thể một lúc hủy diệt sân bay U Ta Pao, chúng tôi đổi phương án đánh chớp nhoáng tiêu hao sinh lực địch, giành thế chủ động cho việc đàm phán ký Hiệp định Paris năm 1973 sau này”…
Chúng tôi lần tìm những người Việt cao tuổi có khả năng nhớ về vị trí trú quân bên suối Huội Phạt năm ấy. Mặc dù tỉnh này có đến 4.375 người Việt sinh sống nhưng do thời gian trôi qua quá lâu, rừng rậm che lấp các dấu tích cũ nên không ai biết. Đang nản lòng thì Chủ tịch Hội Người Việt tại Chămpasăk Đoàn Hữu Đấu nhớ đến một công dân tên Lê Thành ở xóm Việt kiều Tân An (Chămpasăk).
Ông Đấu dùng xe Honda chở chúng tôi đến gặp ông Lê Thành và thông tin lại mở ra: “Đúng là có một trạm đóng quân của bộ đội ta bên suối Huội Phạt. Tôi từng đưa một trinh sát cắt rừng vượt biên sang đất Thái vào năm 1972 để nắm tình hình sân bay địch. Tên của người trinh sát đó tôi không nhớ rõ. Hồi ấy người Việt ở Chămpasăk rất nặng lòng với bộ đội Việt Nam, ai nhờ gì, đặt ra yêu cầu gì chúng tôi đều đáp ứng”. Nhưng đã lâu rồi đâu còn ai nhắc nhở gì đến Huội Phạt. Chúng tôi hỏi đường vào Huội Phạt. Ông Thành lắc đầu và nói: “Không thể vào được vì trong ấy toàn là rừng. Thêm nữa biên phòng Thái Lan và Campuchia đang tuần tra rất gắt gao vì những mâu thuẫn biên giới của họ xung quanh đền Preah Vihear. Nếu người lạ đến khu vực này, có thể bị bắn!”.
Chúng tôi luyến tiếc vì đã đến Chămpasăk rồi mà không vào được Huội Phạt. Có thể trên sử sách, chưa thấy ghi tên Huội Phạt. Có thể trong những chiến công của bộ đội ta trong những năm tháng đánh Mỹ, trận đánh sân bay U Ta Pao chỉ là một chiến công trong hàng vạn chiến công. Nhưng nếu ta nắm rõ vì sao 3 đồng chí Trần Thế Lại, Bùi Văn Phương, Vũ Công Đài (Tiểu đoàn 1A-Bộ Tư lệnh Đặc công) được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thì mới thấy Huội Phạt thật xứng đáng được ghi vào sử sách.
Đại tá Nguyễn Đức Trúng kể: “Sau khi áp sát sân bay U Ta Pao. Bất ngờ chó bẹcgiê sủa lớn, biết bị lộ, tổ chiến đấu nổ súng tiêu diệt ngay 2 lính Mỹ và một chó bẹcgiê. Hai đồng chí Lại và Phương tiếp tục ôm thủ pháo đến gắn vào bình xăng của máy bay. Thấy thế, địch hoảng sợ không dám bắn thẳng vào máy bay mà bắn báo động. Khi ta kích nổ tiêu diệt hoàn toàn và phá hỏng 8 máy bay B52, cả thế giới rúng động… Báo chí Mỹ đã đưa tin: bộ đội Bắc Việt đã đánh được vào đầu não xuất phát của B52, trên đất Thái”.
Chúng tôi rời Chămpasăk vào một buổi trưa đúng dịp Tết Bun Pi May. Rất nhiều người Lào, người Việt đổ ra đường để thực hiện nghi thức té nước vào nhau cầu may mắn, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Chúng tôi thắp một nén hương bên tượng đài chiến thắng Việt-Lào, cầu mong Huội Phạt phải là một điểm mốc đáng nhớ mà bất cứ người Việt, người Lào nào khi được hỏi, đều biết đến với niềm tự hào chung!
MINH ANH

Wednesday, 6 May 2015

Trần Dân Tiên là ai? (Nguyễn Xuân Ba - Tuần Báo Văn Nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh)

LTS : Trần Dân Tiên là ai? Do bài viết dài nên chúng tôi xin đăng làm hai kỳ. Kỳ này: 1. Bên cho rằng Trần Dân Tiên là bút danh của Bác Hồ – Kỳ sau: 2. Những ý kiến nói Trần Dân Tiên không phải của Bác Hồ.
Tác giả cuốn sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” ghi tên tác giả là Trần Dân Tiên. Hiện có hai luồng ý kiến nói cuốn sách này do chính Bác Hồ viết lấy bút danh Trần Dân Tiên. Một số ý kiến nói cuốn sách này do người khác viết về Bác chứ Bác Hồ không phải là tác giả. Những người chống chế độ ta lợi dụng để xuyên tạc, cho rằng Hồ Chí Minh tự viết sách đề cao bản thân là thực hiện tham vọng cá nhân… để hạ uy tín của Bác.
Quá trình tìm hiểu về Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, tôi nghiên cứu để hiểu thêm về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, học tập tính cách, đạo đức của Người. Bài viết này xin tham gia ý kiến cá nhân về tác giả cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, tác giả Trần Dân Tiên có phải bút danh của Bác không? Trước tiên xin dẫn những ý kiến khác nhau, bên nói Trần Dân Tiên là của Bác, bên cho là không phải:  BÊN CHO RẰNG TRẦN DÂN TIÊN LÀ BÚT DANH CỦA BÁC HỒ Báo Nghệ An điện tử (của Đảng bộ tỉnh Nghệ An):
   … Thời gian Bác ở nước Pháp từ năm 1919 đến năm 1923, cuốn sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” của Trần Dân Tiên (một bút danh của Bác) cho biết: Thường thường, ông chỉ làm việc nửa ngày; làm buổi sáng để kiếm tiền, còn buổi chiều đi đến thư viện”…
Nhà nghiên cứu Hà Minh Đức trong “Tác phẩm văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh”:
… Đáp lại tình cảm mong muốn của đồng bào, của bạn bè trên thế giới, Hồ Chủ tịch với bút danh Trần Dân Tiên đã viết tác phẩm “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”…; Cựu Phó Tổng biên tập báo Nhân dân, nhân vật bất đồng chính kiến người việt là Bùi Tín trả lời phỏng vấn Đài Á châu Tự do:
   … Nhân Dân, tờ báo của Đảng cộng sản, nói rõ là ông Hồ trong cuộc đời đã dùng đến hơn 30 bí danh khác nhau, trong đó có bí danh Trần Dân Tiên, và khẳng định rõ rằng cuốn “Những mẩu chuyện về đời sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh” là do chính ông Hồ viết ra… Học giả Mỹ William J. Duiker, trong tác phẩm “Ho Chi Minh: A Life”:
… The other, Nhung mau chuyen ve doi hoat dong cua Ho chu tich, by the fictitious historian Tran Dan Tien, was written by Ho in the late 1940s and has been translated into several foreign languages…
Tạm dịch: Còn tác phẩm kia, “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, của nhà sử học tưởng tượng Trần Dân Tiên, được ông Hồ viết vào cuối thập kỷ 1940 và đã được dịch sang nhiều thứ tiếng khác.
Học giả Pháp Pierre Brocheux, trong tiểu sử “Ho Chi Minh: A Biography”:
… Học giả Mỹ Sophie Quinn-Judge, trong tác phẩm “Ho Chi Minh: The Missing Years”:
… Although the author’s name is given as Tran Dan Tien, it is believed, in fact, to be an autobiography…
Tạm dịch: Mặc dù tên tác giả là Trần Dân Tiên, nhưng người ta tin rằng thực ra nó là tự truyện… Tạp chí Cộng sản điện tử (cơ quan lý luận của Đảng Cộng sản việt Nam) trong một bài viết của tác giả Mạc Thủy có câu:
Từ đó người đọc cũng có thể hiểu Trần Dân Tiên cũng là Hồ Chí Minh. … Còn nhớ những quan điểm rất rộng mở của Trần Dân Tiên – Hồ Chí Minh: “Khổng Tử, Giê-su, Các Mác, Tôn Dật Tiên chẳng phải có cùng một quan điểm chung đó sao… Ông Hà Minh Đức trong “Tác phẩm văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1985, trang 132, ông Hà Minh Đức viết:
“… Đáp lại tình cảm mong muốn của đồng bào, và của bạn bè trên thế giới, Hồ chủ tịch với bút danh Trần Dân Tiên đã viết tác phẩm “Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch…”. Nguồn ông Hà Minh Đức dựa vào từ cuốn “Những sự kiện lịch sử Đảng”, NXB Sự thật, năm 1976, tập 1, trang 672. Có lẽ căn cứ vào các nguồn nói trên, trang Wikipedia khẳng định Trần Dân Tiên là một trong những bút danh của Hồ chí Minh (chỉ dùng một lần duy nhất cho cuốn sách này).
Trích bài viết của Thái Doãn Hiểu: “Sau nhiều năm hoạt động trong nước và ngoài nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng rất nhiều bí danh và tên gọi khác nhau để đánh lạc hướng kẻ thù. Tuy nhiên, danh xưng Hồ Chí Minh được chọn là tên gọi chính thức của ông và được nhiều người chấp nhận nhất. Theo một số tài liệu thì ông bắt đầu sử dụng danh xưng Hồ Chí Minh từ năm 1940 nhưng không ai biết cho đến khi bị chính quyền Trung Quốc bắt do nghi ngờ là gián điệp vào năm 1942. Từ đó, ông bắt đầu công khai và dùng tên gọi Hồ Chí Minh với mọi người. Và từ đó trở đi danh xưng Hồ Chí Minh đã trở thành tên gọi chính thức của ông.
Ngoài tên gọi Hồ Chí Minh (dùng từ năm 1942), và tên tự Nguyễn Tất Thành, trong cuộc đời mình, ông còn có nhiều tên gọi và bí danh khác như Paul Tất Thành (1012); Nguyễn Ái Quốc, từ 1919; Văn Ba (khi làm phụ bếp trên tàu biển 1911); Lý Thụy (khi ở Quảng Châu Trung Quốc -1924), Hồ Quang (1938-1940), Vương (Wang) (1925-1927-1940), Tống Văn Sơ (1931-1933), Trần (1940 – khi ở Trung Quốc), Chín (khi ở Xiêm La) 1928-1930 và được gọi là Thầu (ông Cụ) Chín; Lin (khi ở Liên Xô 1934-1938); Chen Vang (trong giấy tờ đi đường từ Pháp sang Liên Xô 1923); ông cũng còn được gọi là Bác Hồ, Bok Hồ, Cụ Hồ.
Khi ở Việt Bắc ông thường dùng bí danh Thu, Thu Sơn và được người dân địa phương gọi là ông Ké, Già Thu. Tổng thống Indonesia Sukarno gọi ông là Bung Hồ (Anh cả Hồ). Ông dùng 173 bút danh khi viết sách, báo: Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn, Nguyễn A.Q, Ng.A.Q,, Ng.Ái Quốc, NAQ, N., Wang, NK., A.n; P.C.Lin (1938 Trung Quốc), Lin (1938, Trung Quốc), Q.T, Q.TH, Lê Quyết Thắng (1948-1950), A.G, X.YZ (1947¬1950), G., Lê Nhân, Lê, Lê Ba, Lê Nông, Lê Thanh Long, L.T., T,L. (1955-1969), Trần Dân Tiên (?) (1946), T.Lan (1955-1969), Tuyết Lan, Thanh Lan. Đin (1950-1953), Tân Trào, Đ.X (trong chuyên mục “Thường thức chính trị” trên báo Cứu quốc 1953), C.B (trên báo Nhân dân 1951-1957), V.K., K.C., C.K., Trần Lực (1948-1961), C.S, Chiến Sĩ, Chiến Đấu, La Lập, Nói Thật, Thu Giang, K.V, Trần Lam, Luật sư TH.Lam, Nguyễn Kim, K.o, Việt Hồng…
Trong các bút danh của Hồ Chủ tịch,Trần Dân Tiên là bút danh gây nhiều tranh cãi tồn nghi nhất.
Thông tin rằng Trần Dân Tiên là một bút danh của Hồ Chí Minh được khẳng định và được hiểu như vậy bởi một số nguồn trong và ngoài nước.
Tác giả dẫn chứng từ báo Nghệ An, của ông Hà Minh Đức, cựu Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân, nhân vật bất đồng chính kiến Bùi Tín trả lời Đài Á châu Tự do, của Báo Nhân dân và của William J. Duiker, trong tác phẩm “Hồ Chí Minh: A Life”: “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, của nhà sử học Trần Dân Tiên, được ông Hồ viết vào cuối thập kỷ 1940 và đã được dịch sang nhiều thứ tiếng khác.  Học giả Mỹ Sophie Quinn – Judge, trong tác phẩm “Hồ Chí Minh: The Missing Years”: “Mặc dù tên tác giả là Trần Dân Tiên, nhưng người ta tin rằng thực ra nó là tự truyện…
(Có lẽ tác giả đã lấy từ nguồn Wikipedia. Tôi xem thấy hai bài phần này rất giống nhau, còn Wiki thì dựa vào các tác giả như nói trên và thêm mấy học giả nước ngoài). Trang Sách Hiếm có bài “Về Vấn Đề Dùng Bút Danh “Trần Dân Tiên” của Cụ Hồ” của tác giả Trần Khuê – Nguyễn Thị Thanh Xuân, viết : “Trong khi mọi người chưa biết Hồ chí Minh là ai thì Cụ buộc phải viết “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” để tự giới thiệu mình và “Phải công bằng mà xác nhận rằng Cụ Hồ kể toàn sự thật. Vì đơn giản là tất cả những nhân vật mà Cụ đã tiếp xúc có ít nhiều liên quan đến đời hoạt động của Cụ không một ai phê phán cụ Hồ đã bịa đặt một chi tiết nào; và mấy chục năm qua ngay cả những người đã ra rả chê trách Cụ ký bút danh Trần Dân Tiên cũng không nêu được một chi tiết nào sai sự thật và họ cũng chẳng bao giờ dám bàn về nội dung cuốn sách, chỉ một mực nhấn mạnh: ký bút danh để tự viết về mình như thế là thiếu khiêm tốn kém đạo đức, lừa dối nhân dân”. Cùng chung ý tưởng này là tác giả Ngô Tự Lập với bài viết “Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh, Hay là luân về Vĩ nhân” viết: “Tôi là một trong không nhiều người hâm mộ Hồ Chí Minh, nhưng lại tin rằng Trần Dân Tiên là Hồ Chí Minh. Hơn thế nữa, chính vì hâm mộ Hồ Chí Minh mà tôi tin vậy” và “không thể coi “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” là cuốn sách của một kẻ háo danh. Hồ Chí Minh quá nổi tiếng, sự nghiệp của ông quá sáng chói, ông không cần thêm một cuốn sách để trở thành nổi tiếng… Và giả sử Hồ Chí Minh cần một cuốn sách như thế, chỉ cần ông đánh tiếng, chắc chắn sẽ có rất nhiều nhà văn tài giỏi và nổi tiếng sẵn sàng viết nó ra, không chỉ vì ngưỡng mộ, mà có thể vì còn vụ lợi”.
Vậy là từ những tư liệu trong và ngoài nước, của ta và cả của địch đều lấy từ báo Nghệ An, báo Nhân Dân, ông Hà Minh Đức… không biết bao nhiêu bài viết vay mượn tư liệu này “nhân ra” theo hướng khẳng định tác giả Trần Dân Tiên chính là Hồ Chí Minh. Nhưng những ý kiến này cũng chỉ phán đoán chứ không đưa ra một chứng lý nào thuyết phục người đọc.
Cái khó cho các nhà nghiên cứu tiếp về sau cũng không tìm ra tư liệu gốc như bản thảo, lời nói của người có liên quan… Cuốn sách lại không được in phát hành trong nước mà in phát hành bên Trung Quốc bằng chữ Hán trước. Điều này càng khó tìm chứng cứ nên bị bao trùm một màn bí ẩn. Vậy thì đã có người viết trước quả quyết rồi, giờ cứ theo đó mà nêu thêm ý kiến “yêu-ghét” theo cảm tính của mình. (Còn tiếp 1 kỳ)

***

Một số nguyên nhân khác để Trần Dân Tiên không phải là Hồ Chí Minh
- Khoảng thời gian từ 1945 đến 1948 là thời kỳ cực kỳ cam go đối với vận mệnh của nhà nước non trẻ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: chiến đấu cùng một lúc với 3 tên giặc: đói, dốt và ngoại xâm trong bối cảnh “đơn thương độc mã”, thiếu thốn đủ đường về kinh tế, lương thực, trang thiết bị quân sự, kinh nghiệm chiến đấu…, mà không hề có sự trợ giúp quốc tế nào. Đó không phải là lúc thích hợp và cũng chẳng thể có thời gian để viết về mình đối với bất kỳ người lãnh đạo nào huống hồ một lãnh tụ đã được cả thế giới ngả mình kính phục.
Bìa bản dịch tác phẩm “Vừa đi đường vừa kể chuyện” của T.Lan Lady Borton dịch. Ảnh: tennguoidepnhat.net
Bìa bản dịch tác phẩm “Vừa đi đường vừa kể chuyện” của T.Lan Lady Borton dịch. Ảnh: tennguoidepnhat.net
- Viết về mình không phải là thói quen của những người nổi tiếng ở Việt Nam bấy giờ nhưng cho dù nếu Bác muốn điều đó thì cũng có vô vàn ký giả, nhà văn, nhà báo nổi tiếng sẵn sàng “chầu chực” để được là người chấp bút. Rốt cuộc là chẳng có ai làm được điều đó, cho dù sau năm 1954, tên tuổi Bác dã gắn liền vào tên nước Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế. Rất nhiều nhà báo, nhà văn quốc tế đã gặp Bác nhưng tất cả thu hoạch chỉ là những cuộc phỏng vấn về tình hình đất nước, chính sách của Việt Nam bấy giờ.
- Chẳng có lý do gì với quỹ thời gian hạn hẹp của mình, Bác phải viết đến 2 cuốn sách có nội dung, chủ đề tương tự nhau mà giữa 2 cuốn lại có những thông tin khác nhau.
- Nếu Bác Hồ viết cuốn “Những mẩu chuyện…” thì chẳng có lý do gì bản thảo (hoặc những gì còn sót lại của nó) lại không được những người có trách nhiệm lưu giữ lại (như cuốn “Vừa đi đường vừa kể chuyện’”) vì bất cứ thứ gì liên quan đến Bác từ bấy giờ đã là vô giá. Chẳng lẽ Bác tự viết, tự in, tự phát hành (dù chung quanh là đội ngũ cán bộ chiến sĩ bảo vệ ngày đêm)!?
- Mặc dù Nguyễn Hải Thần đã bỏ đất nước để theo quân Tưởng nhưng Bác Hồ cũng rất bao dung đối với ông này chứ không “vạch mặt” như trong cuốn “Những mẩu chuyện…”. PGS. Song Thành trong bài “Khoan dung, nhân ái Hồ Chí Minh biểu tượng của văn hoá hoà bình Việt Nam” đã cho biết: “Chúng ta đều biết sự khoan dung của Hồ Chí Minh đối với Nguyễn Hải Thần khi ông ta từ bỏ nhiệm vụ, chạy theo quân Tưởng, sang Quảng Châu sinh sống, ngày càng lâm vào hoàn cảnh khốn đốn. Sau hoà bình lập lại bạn hỏi ta định xử trí với ông ta như thế nào? Với tam lòng khoan dung, độ lượng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị với Thủ tướng Chu Ân Lai chu cấp cho ông ta mỗi tháng 100 nhân dân tệ cho đến cuối đời. Số tiền đó sẽ lấy từ khoản viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc giúp nhân dân ta khôi phục kinh tế sau chiến tranh”.
- Mặc dù cuốn sách được cho rằng ra đời từ năm 1948 nhưng có vẻ như người ta chưa tìm thấy một bản tiếng Việt nào in thời điểm đó mà bản in đầu tiên lại là bản tiếng Hoa với tựa đề “Hồ Chí Minh truyện ”, do Trương Niệm Thức dịch, xuất bản tại Thượng Hải tháng 6-1949. Bản in tiếng Việt (chính thức) đầu tiên dường như là của NXB Văn Nghệ, Hà Nội 1955. Như vậy, nếu Bác Hồ là tác giả của cuốn sách này, với mong muốn “giới thiệu mình với nhân dân” thì thật vô lý khi cuốn sách không được in tại Việt Nam mà lại là một bản tiếng Hoa ở Trung Quốc. Điều đó phù hợp với giả thiết tác giả phải “giấu” Hồ Chủ tịch khi in cuốn sách này vì không muốn làm trái ý Người.
- Nếu Hồ Chủ tịch là tác giả hoặc là người “đứng sau” tác phẩm này thì thật vô lý nếu phải mất đến hơn 2 năm để viết xong cuốn sách mỏng như vậy, trong khi mục đích là để “giới thiệu Hồ Chí Minh với nhân dân” (như giả thiết của nhiều người), nhất là thời điểm cần kíp cho nhu cầu này phải là trước 2-9-1945 (trước khi Bác ra mắt quốc dân đồng bào) đến cuối 1946 (khi Bác ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – 20-12-1946).
Sau khi đưa dẫn chứng cứ sổ Bác Hồ tiếp khách ngày 4-9-1945, và đến ngày toàn quốc kháng chiến, dẫn giải những tình tiết, nhân vật liên quan với Bác ở trong nước và cả ở nước ngoài, tác giả Thanh Tùng cho rằng tác giả có thể là một nhóm người do cụ Đặng Thai Mai là chủ xướng và tác giả cuốn sách:
“Như vậy, có thể hình dung toàn bộ sự việc thế này: ông Đặng Thai Mai sau khi nghe nói nhiều về Hồ Chủ tịch, được chứng kiến Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập nên đã nảy sinh ý định tìm hiểu về quá trình hoạt động cách mạng của Người trước Cách mạng tháng Tám (ý định này có thể của cá nhân ông, cũng có thể của các nhân sĩ, trí thức bạn bè ông). Tận dụng mối quan hệ của mình, ông tới diện kiến Bác ngay trong sáng ngày 4-9-1945. Trong câu chuyện, ông có đề cập tới vấn đề “hồi ký” đối với Bác nhưng không được đáp ứng. Không từ bỏ ý định, ông và một số bạn bè đã chủ động tìm hiểu từ các nhân chứng, nhưng nguồn này nhanh chóng bị cạn kiệt. Vì là một thành viên Chính phủ, lại có mối quan hệ với nhiều đồng chí, học trò thân cận của Bác nên ông đã thổ lộ ý định của mình đối với các vị này và được hưởng ứng nhiệt tình…
Vì Bác không đồng ý viết về mình nên các đồng chí tác giả phải góp nhặt thông tin từ mọi nguồn có thể để tổng hợp thành cuốn sách. Nhưng khi viết xong, các tác giả lại sợ Bác phật lòng nên không dám đem in trong vùng kiểm soát của Chính phủ kháng chiến, dẫn đến việc bản in đầu tiên lại là bản tiếng Hoa, phát hành tại Thượng Hải”.
Bà Lady Borton nhà văn Mỹ, một người gắn bó với Việt Nam từ thời chiến tranh tới ngày nay, đã dành nhiều thời gian công sức đến một số nước Bác Hồ từng hoạt động xin lục hồ sơ lưu trữ để tìm hiểu sâu về Hồ Chí Minh. Bà viết nhiều tác phẩm về Bác. Trong bài viết về cuốn “Vừa đi đường vừa kể chuyện” có đoạn:
“Cuốn sách Vừa đi đường vừa kể chuyện của T.Lan (bút danh của Bác Hồ) viết bằng tiếng Anh (Trung Hiếu dịch tháng 9-2009) trên tạp chí Hồn Việt:
“Quyển tiểu sử Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, xuất bản năm 1948 với bút danh Trần Dân Tiên. Trần Dân Tiên không phải là Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh chưa bao giờ dùng bút danh là Trần Dân Tiên.
Hồ Chí Minh viết “Vừa đi đường vừa kể chuyện” cho những cán bộ và những người Việt Nam bình thường. Lối viết của Người rất giản dị, dễ hiểu. Ở đây, T.Lan đã nêu ra cho các cán bộ tấm gương về cách lãnh đạo của Hồ Chí Minh. Chúng ta thấy cảnh Hồ Chủ tịch đã vào cửa sau của các trại quân đội để kiểm tra bếp núc và các nhà vệ sinh…”. Cuốn Vừa đi đường vừa kể chuyện được công bố trên báo Nhân Dân năm 1961, với 12 số báo (2606-2610, 2685, 2686, 2688-2691 và 2694). Năm 1963, NXB Sự thật mới in thành sách. Kèm bài viết có cả hình chụp bản gốc cuốn sách…
Ý kiến của người viết bài này:
Xin có mấy nhận định sau:
- Cuốn sách được viết từ năm 1946 đến năm 1948, thời điểm bối cảnh đất nước đang phải đối phó với thù trong, giặc ngoài, Bác Hồ làm việc cả ngày thâm đêm để giải quyết bao nhiêu chuyện nối nhau dồn dập. Cuối năm 1946, toàn quốc kháng chiến, công việc cũng không giảm vì cách mạng còn non trẻ, phải vừa xây dựng vừa chiến đấu với quân Pháp trên cả nước. Lãnh đạo Đảng, lãnh tụ Hồ Chí Minh phải tập trung lo chuyện đại sự của quốc gia. Vì đó là sự sống còn của dân tộc, của Cách mạng, của Đảng. Những chuyện riêng tư cá nhân không được Bác quan tâm, không có thì giờ để làm.
- Bác Hồ có đức tính khiêm tốn chúng ta đều biết, Người không muốn người khác đề cao mình. Việc Bác đồng ý cho các họa sĩ vẽ ảnh Người là để nhân dân biết mặt, việc này lãnh tụ nước nào cũng đều như vậy.
- Khi thấy cuốn “Những mau chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” có những chi tiết không chính xác, nên Người phải viết cuốn “Vừa đi đường vừa kể chuyện” để người đọc hiểu đúng hơn. Nếu cuốn “Nhữngmau chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” do Người viết thì phải chính xác hoàn toàn. Như vậy không cần có thêm cuốn “Vừa đi đường vừa kể chuyện” nữa.
- Cuốn “Vừa đi đường vừa kể chuyện”, bản thảo còn bảo quản tại Bảo tàng Hồ Chí Minh cho thấy lần đầu Bác viết tay, rồi đánh máy, tiếp theo cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch đánh máy, Bác sửa hoàn tất mới đưa cho báo. Sự cẩn trọng của Bác không chỉ một việc mà là phong cách làm việc của Người. Bản Tuyên ngôn Độc lập, Bác đã mời các đồng chí lãnh đạo của Đảng góp ý kiến, sửa chữa rồi mới đọc tại lễ Tuyên bố với toàn thể nhân dân cả nước và thế giới nước Việt Nam từ nay đã độc lập ngày 2-9-1945 tại Vườn hoa Ba Đình Hà Nội. Năm 1969, Bác giao cho đồng chí Tố Hữu viết bài báo “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Người sửa chữa gần hết, sau đó gửi cho các Ủy viên Bộ Chính trị góp ý xong, Bác sửa lần chót mới cho đăng báo. Bản Di chúc là tài liệu Tuyệt đối bí mật, không thể nghe ý kiến người khác (chỉ có đồng chí Lê Duẩn
Bí thư của Đảng chứng nhận và Vũ Kỳ thư ký riêng của Bác được biết) nên Bác dành thời gian đến 5 năm viết, sửa chữa. Tại sao Bác viết cuốn “Vừa đi đường vừa kể chuyện” vào năm 1961 mà không viết sớm hơn? Đầu năm 1955, Bác về lại Hà Nội công việc còn bề bộn, kế tiếp xảy ra sai lầm trong cải cách ruộng đất, Người phải lo chỉ đạo sửa sai và gánh vác công tác Đảng dồn lên sau khi đồng chí Trường Chinh từ chức. Năm 1959, Bác nhẹ lo phần nào cho miền Nam sau Đồng khởi; lại có đồng chí Lê Duẩn lo công tác Đảng. Năm 1960, Đại hội Đảng lần thứ 3 xong, công việc Bác lo đã bớt, lúc này Người có thì giờ viết sách.
Nếu cuốn “Những mau chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” do Người viết từ năm 1946-1947, ắt phải có người biết và còn lưu giữ bản thảo tại Bảo tàng Hồ Chí Minh như những cuốn sổ Bác tiếp khách từ ngày 4-9-1945 đến ngày toàn quốc kháng chiến. Chỉ do người khác viết, vì sợ Bác không hài lòng nên không thể in trong nước, phải gửi in ở Trung Quốc. Họ không có loại chữ của ta nên dịch sang chữ Hán và không trả lại bản thảo như các tài liệu, sách quan trọng khác in trong nước. Bác Hồ là tác giả hay người khác viết được Bác đồng tình thì sao phải gửi ra nước ngoài in? Ở Việt Bắc năm 1949 ta có nhà in đủ điều kiện in cuốn sách nhỏ này.
Tôi nghĩ, nếu bút danh này của Bác dùng từ năm 1945-1946, thì sao Bác chỉ dùng duy nhất có một lần rồi thôi? Thời điểm này Bác viết rất nhiều bài cho các báo sao Người “không nhớ” một cái tên mình đã sinh ra trong bối cảnh nước nhà vô cùng sôi động, mang một kỷ niệm sâu đậm mà bỏ nó luôn?
Chỉ có một nơi để tìm bản thảo cuốn sách “Những mau chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” đó là ở Trung Quốc. Không chắc có được NXB thời Tưởng Giới Thạch lưu giữ, Chính quyền Cộng hòa nhân dân Trung Hoa có tiếp nhận đưa vào Bảo tàng không. Mong rằng sau này có may mắn tìm thấy bản thảo cuốn sách để biết ý kiến ông Nguyễn Khôi, Nguyễn Thanh Tùng ai đúng. Hay do một người khác viết.
Cuộc đời Bác Hồ bôn ba nước ngoài thời gian quá dài, lại phải tìm mọi cách nghi trang che giấu, không để lộ tung tích kẻ thù phát hiện, khi về nước lại tiếp tục giữ bí mật nên có nhiều điều xảy ra với Bác có thể đến nay ta chưa biết. Bác từng trả lời cho một nhà báo nước ngoài: người già thường có những bí mật riêng, tôi cũng giữ chút bí mật cho mình. Những bí mật do Người có và do người khác tạo ra. Nếu tìm không được bản thảo thì coi đây là một bí ẩn do những người yêu kính Bác làm ra. Có lẽ trên thế giới ít có một lãnh tụ nào có cuộc đời như Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Chính vì vậy mà người dân Việt càng thiết tha yêu quý lãnh tụ của mình.
Từ những dẫn chứng và phân tích nêu trên, tôi thiên về và mạnh dạn nêu ý kiến của mình: Trần Dân Tiên không phải là Hồ Chí Minh.
Nguyễn Xuân Ba
 

Monday, 4 May 2015

Cloche hay Claude?




Xuân Sách trong quyển tiểu thuyết về liệt sĩ Phạm Ngọc Đa (chương 20, Mặt Trời Quê Hương) viết về trận càn Cờ-lốt:

Địch mở trận càn lớn mang tên Cờ-lốt (cloche; quả chuông). Chúng huy động một lực lượng gồm hai mươi tiểu đoàn quân tinh nhuệ cùng với máy bay, tàu chiến, xe tăng, xe bọc thép, càn vào một khu vực nhỏ hẹp gồm một số xã vùng du kích của Tiên Lãng. Trận càn kéo dài gần một tháng. Từ hai mươi tháng tám, đến ngày mười chín tháng chín.

Sự thật là Phạm Ngọc Đa hy sinh trong trận càn Cờ-lốt (Claude):

Sáng 28-8-1953, quân Pháp mở chiến dịch càn quét với quy mô lớn mang tên Cờ lốt (Claude) vào huyện Tiên Lãng. Làng Phác Xuyên chìm trong lửa đạn của thực dân Pháp và ngụy quân. Du kích dũng cảm chiến đấu đến viên đạn cuối cùng mới rút vào hầm bí mật.

Ngày 30-8-1955, trong khi địch tràn vào làng đốt phá lùng sục du kích, một khẩu súng cối của chúng vô tình đặt trên nóc hầm bí mật của Phạm Ngọc Đa làm đất sụt xuống và căn hầm bị lộ, Đa bị  bắt. Kẻ thù trói Đa như bó giò rồi khiêng đi các nơi, bắt anh chỉ điểm những hầm bí mật khác
.
Cloche là tên một cuộc hành quân diễn ra ngày 8 tháng 11 năm 1952, không có liên quan gì đến Tiên lãng và Phạm Ngọc Đa.

Saturday, 2 May 2015

Trận đánh mìn ga Phạm Xá ngày 31-01-1954



Trận đánh mìn đoàn tàu quân sự qua ga Phạm Xá ngày 31/01/1954 (nhằm ngày 27 tháng Chạp âm lịch) là một chiến công lớn của bộ đội Việt Minh huyện Kim Thành tỉnh Hải Dương.



Kết quả trận này, quân viễn chinh Pháp thừa nhận là thất bại lớn. Báo chí trong nước và nhiều nước đưa tin chiến thắng lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam. Bộ Tổng tư lệnh khen thưởng và thông báo cho biết, địch chết 1017 tên lính Âu Phi và nhiều sĩ quan chỉ huy của Pháp cùng hàng tấn quân trang quân dụng, các phương tiện chiến đấu.


Hôm sau cấp trên thông báo, trận đó chúng tôi đã tiêu diệt và làm bị thương 1.017 tên lính Âu- Phi; phá huỷ nhiều vũ khí, quân trang, phương tiện chiến tranh khác của địch.


Thành tích lớn như thế nhưng huyện đội Kim Thành chỉ được huân chương Quân Công hạng Ba, chiến sĩ Nguyễn Văn Thòa được tặng huân chương Chiến Công và áo lụa của Bác Hồ. Mãi đến năm 2010 hai chiến sĩ trực tiếp đánh trận đó (Nguyễn/Phạm Văn Thòa và Nguyễn Đình Viện) mới được phong anh hùng.

Sau đó con số 1017 xuất hiện trong tất cả các trang web liên quan đến truyền thống cách mạng của Hải Dương.



Tùy theo người kể, chi tiết có thể gia giảm chút ít (thành phần tham gia, đoàn tàu gãy đôi, gãy ba...) nhưng thời điểm, địa điểm, vũ khí của ta và con số thương vong của địch là nhất quán:

Tháng 12/1953, Huyện ủy và các lực lượng vũ trang huyện được giao nhiệm vụ tiêu diệt đoàn tàu chở quân lính địch từ Hải Phòng lên tăng cường cho Điện Biên Phủ. Trong tình hình đường 5 được địch canh phòng, bảo vệ gắt gao hơn. Nhiệm vụ được giao cho Trung đội 1, bộ đội huyện do đồng chí Nguyễn Văn Thòa làm Trung đội trưởng.

Qua trinh sát nghiên cứu trận địa, Huyện ủy và Ban chỉ huy Huyện đội Kim Thành quyết định chọn địa điểm đánh trong phạm vi kiểm soát của địch từ ga Phạm Xá đến thôn Xuân Mang và vị trí đặt mìn được chọn ở giữa bốt Phạm Xá và bốt Xuân Mang. Trên đoạn đường sắt này, ngoài những tốp lính gác thường xuyên tuần tiễu, còn có hệ thống giao thông hào rộng 3m, sâu 1,5m, cạnh đường và bãi được phát quang.

Đầu tháng 1/1954, việc trinh sát chuẩn bị trận địa được triển khai. Liên tục trong hơn chục đêm, Trung đội trưởng Nguyễn Văn Thòa cùng đội phó Nguyễn Đình Viện và 2 chiến sĩ vượt sông, lội bãi không quản gió rét vào cánh đồng Xuân Mang bám đường theo dõi tình hình, nắm được quy luật tuần tra của địch ở khu vực, ta thấy giữa hai ca tuần có khoảng thời gian trống từ 22 giờ đêm đến 1 giờ sáng là thời điểm an toàn có thể hoạt động. Sau đó việc chọn địa điểm đặt mìn vào đường sắt, chỗ đặt gốc dây mìn... đều phải tính để trận đánh đạt hiệu quả.

Đêm 18/01/1954, ta tiến hành đào hố chôn ''mìn giả' để thăm dò địch và mấy đêm sau ta đào hầm đặt trạm điều khiển mìn nổ. Sau hai ngày an toàn, đêm 20/01 ta chôn mìn thật, cách hàng rào ngoài cùng của bốt Phạm Xá 200m về phía tây,  hầm điều khiển ở đoạn đường chạy ra giữa bãi cách đường sắt 400m và bố trí xong trận địa.

Sau một thời gian canh gác, chờ đợi, đến 10 giờ sáng ngày 31/01/1954, dưới sự điều khiển của đồng chí Thòa và đồng chí Viện với sự giúp sức của tổ yểm trợ do đồng chí Thường phụ trách, ta đã đánh trúng đoàn tàu quân sự chở đầy binh lính địch. Đoàn tàu 22 toa đã bị cắt làm 3 khúc, 4 toa nổ tung, 18 toa bị hất xuống bãi, địch chết và bị thương 1.017 tên, giao thông bị đình trệ 2 ngày.


Con số 1017 đã trở thành huyền thoại và được đưa vào các chuyên đề trưng bày bảo tàng.



Học sinh trung học phổ thông ở Hải Dương phải học và tìm hiểu lịch sử lực lượng vũ trang của tỉnh nhà như thế:

Ngày 31/1/1954 trận đánh Ga Phạm Xá - Kim Thành, tiêu diệt và làm bị thương 1.017 tê (sic), 4 toa tầu bị phá huỷ. Trận đánh này đã làm tê liệt việc vận chuyển của địch trên tuyến đường huyết mạch này trong một thời gian dài, hỗ trợ đắc lực cho chiến trường chính Điện Biên Phủ giành thắng lợi, đồng thời góp phần thúc đẩy phong trào chiến tranh du kích trên tuyến đường sắt và Đường số 5.


Học sinh không cần thắc mắc xem mỗi đoàn tàu có bao nhiêu toa và mỗi toa chở được bao nhiêu lính.



Bức điện ngày 1/2/1954 của lãnh sự Hoa Kỳ tại Hà Nội gửi về Bộ Ngoại Giao cho thấy sự kiện Phạm Xá có thể được xem là đáng lưu ý. Trong bức điện đó, mọi thông tin đều khớp với các chi tiết do cấp trên của ta đưa ra, trừ con số thương vong của phía Pháp (3 toa trúng mìn, 15 chết, 25 bị thương) và của ta (1 bị bắt giết):

Director of railway connecting Haiphong and Hanoi advises that yesterday morning about 0900 as troop train en route from port to capital passed post at Pham-Xa, 72 kilometers east of Hanoi, it was blown up by electrically detonated device containing estimated 50 kilograms of explosive and buried at edge of ballast. Three cars carrying 50 French Union troops each were hit; about 15 men were killed and 25 wounded. One of the Viet Minh responsible for detonation was caught and killed.


Cũng theo bức điện này, kể từ tháng 4-1953 trung bình mỗi tháng có một đoàn tàu bị giật mìn   (Average of one train monthly has been blown up since last April). Thông tin này có thể xem là khả tín nếu việc chuẩn bị một trận đánh mìn đường sắt đòi hỏi nhiều công sức và thời gian đúng như sách bảo của ta miêu tả.