Thursday, 13 July 2017

Hội đồng chiến tranh nào cần thông ngôn?

Trần Hữu Tá (2016:14) viết về việc các quan chức thực dân không ưa Trương Vĩnh Ký:

Và D'Ariès tỏ thái độ: "Tôi không muốn chỉ định ông ta để Ngài chọn làm thông dịch viên cho các hội đồng chiến tranh của chúng ta".
(Từ bục giảng đến văn đàn - Chân dung 25 người thầy, nhà xuất bản Trẻ, Thành Phố Hồ Chí Minh, 2016,, 136 tr.)

Nghĩ mãi không ra hội đồng chiến tranh nào cần thông ngôn. Vả lại thời Trương Vĩnh Ký làm gì có cơ quan nào gọi là hội đồng chiến tranh.
Ông Trần Hữu Tá có lẽ chép lại của Nguyễn Vy Khanh:
 Một bức thư của chỉ huy trưởng D’Ariès gửi đô đốc Charner đề ngày 21-5-1861 đề cử Trương Vĩnh Ký : "trong số người Nam nói được ngôn ngữ của chúng ta chỉ có một người tên là Petrus Ký là biết khá rành rẽ có thể giữ các chức vụ Ngài muốn thiết lập bên cạnh các thẩm quyền quân sự của chúng ta", nhưng D’Ariès than phiền thái độ hợp tác lơ là của người thanh niên 23 tuổi này: "từng là nhân viên Sở Sự vụ bản xứ Sài-Gòn, ông ta đã bị sa thải vì thiếu mẫn cán và tận tụy, rất thông minh, rất có khả năng làm tốt công việc, nhưng ông ta dần dà đánh mất sự tin tưởng tạo được. Tôi không muốn chỉ định ông ta để ngài chọn làm thông dịch viên cho các hội đồng chiến tranh của chúng ta". Dù vậy vị tổng chỉ huy Charner nói trên vẫn chọn Trương Vĩnh Ký và đưa ra các điều kiện để D’Ariès chuyển lại họ Trương "40 đồng một tháng và phải luôn có mặt tại Sài-Gòn".
(http://vietsciences.free.fr/vietnam/danhnhan/tacgia/truongvinhky-nguyenvykhanh)

Conseil de guerre trong tiếng Pháp có thể là hội đồng chiến tranh/bộ chỉ huy tối cao/hội đồng quốc phòng, tức là những chỗ mà cả Tây như d'Ariès hay Ta như Trương Vĩnh Ký không chen chân vào được. Nhưng conseil de guerre còn một nghĩa nữa là tòa án binh/ tòa án quân sự. Công việc mà viên đại tá hải quân d'Ariès nói đến chỉ có thể là việc thông dịch ở tòa án binh.