Showing posts with label Nguyễn Đức Tồn. Show all posts
Showing posts with label Nguyễn Đức Tồn. Show all posts

Monday, 3 October 2016

Hồi âm bài báo: Một PGS “đạo văn” (Tiền Phong)

Hồi âm bài báo: Một PGS “đạo văn”

TP - Tiền phong có đăng bài phản ánh đơn thư của một số nhà nghiên cứu ngôn ngữ, theo đó có 2 công trình khoa học của PGS-TS Nguyễn Đức Tồn, có sự trùng khớp kỳ lạ với các luận án và luận văn công bố trước đó của nhiều nghiên cứu sinh và sinh viên.
Mới đây, chúng tôi đã nhận được hồi âm của PGS-TS Nguyễn Đức Tồn (Tổng Biên tập Tạp chí Ngôn ngữ).
Nội dung chủ yếu trong hồi âm của PGS-TS Nguyễn Đức Tồn như sau:
“Các bài viết của nghiên cứu sinh và sinh viên do tôi hướng dẫn theo tư tưởng khoa học, lý luận và phương pháp nghiên cứu được lấy từ Luận án Phó tiến sĩ của tôi được bảo vệ tại Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô năm 1988.
Sau đó, năm 2002 tôi viết chuyên khảo nhằm tổng kết và khái quát hóa một vấn đề lý thuyết chưa từng được ai nghiên cứu ở Việt Nam trước khi tôi bảo vệ luận án của mình. Đó là vấn đề đặc trưng văn hoá - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy người Việt...
Khi sử dụng các công trình của NCS và sinh viên do tôi hướng dẫn để viết chuyên khảo, tôi đều có chú nguồn và tác giả rõ ràng... Vì vậy, không thể quy kết tôi là “đạo văn” của học sinh được”.
Từ những lý lẽ trên, PGS.TS Nguyễn Đức Tồn đề nghị được “minh oan”.
Tiếp tục tìm hiểu sự việc, chúng tôi đã xác thực các vấn đề sau đây.
Thứ nhất, tháng 6/1988, ông Nguyễn Đức Tồn đã bảo vệ luận án Phó tiến sĩ với đề tài “Đặc điểm trường từ vựng - ngữ nghĩa các tên gọi bộ phận cơ thể người”, còn đề tài Luận án Phó Tiến sĩ của bà Nguyễn Thúy Khanh là “Đặc điểm trường từ vựng - ngữ nghĩa tên gọi động vật” bảo vệ năm 1996, và đề tài Luận văn tốt nghiệp đại học của bà Cao Thị Thu là “Đặc điểm định danh và ngữ nghĩa trường từ vựng tên gọi thực vật trong tiếng Việt” bảo vệ năm 1995.
Như PGS.TS Nguyễn Đức Tồn tự nhận, ông là người hướng dẫn các bài viết cho nghiên cứu sinh và sinh viên, nhưng tại thời điểm (năm 1995, năm 1996) bà Nguyễn Thúy Khanh và bà Cao Thị Thu bảo vệ các luận án và luận văn của mình, không thấy ông Nguyễn Đức Tồn có phản ứng về việc “ai đạo văn của ai”.
Thiết nghĩ các luận án và luận văn đó được bảo vệ thành công với sự hướng dẫn của chính ông Nguyễn Đức Tồn như ông tự nhận, cũng đã chứng minh được điều này.
Thứ hai, trong số các luận án và luận văn liên quan, chỉ có Luận án Phó tiến sĩ của bà Nguyễn Thúy Khanh là do PGS.TS Nguyễn Đức Tồn hướng dẫn khoa học, còn Luận văn của bà Cao Thị Thu thì cả thầy giáo hướng dẫn và thầy giáo phản biện đều không có tên ông Nguyễn Đức Tồn.
Thứ ba, sau khi tiếp tục đối chiếu các văn bản liên quan, chúng tôi nhận thấy việc báo nêu công trình khoa học của PGS.TS Nguyễn Đức Tồn (xuất bản năm 2002) có sự trùng khớp kỳ lạ các luận án và luận văn của bà Nguyễn Thúy Khanh và bà Cao Thị Thu là hoàn toàn xác thực khi dựa trên nội dung, văn phong, câu chữ, dấu chấm, dấu phẩy... của những văn bản này.
Tuy nhiên, để khách quan chúng tôi đã đặt dấu hỏi chấm trước sự việc đó, còn việc “ai đạo văn của ai” thiết nghĩ sẽ có những cá nhân và tổ chức có trách nhiệm làm rõ.
Bản thân PGS.TS Nguyễn Đức Tồn trong hồi âm của mình cũng đã nói rõ các bài viết của nghiên cứu sinh và sinh viên do ông hướng dẫn theo tư tưởng khoa học, lý luận và phương pháp nghiên cứu được lấy từ Luận án Phó tiến sĩ của ông, chứ PGS.TS Nguyễn Đức Tồn không phản ánh rằng người khác đã dùng lại nguyên xi cả nội dung và văn phong công trình khoa học mà ông là tác giả.
Thứ tư, về việc phần lớn nội dung và văn phong bài “Dạy từ láy cho học sinh trung học cơ sở” của tác giả Nguyễn Thị Thanh Hà, đã được PGS-TS Nguyễn Đức Tồn đưa vào cuốn sách “Những vấn đề dạy và học trong nhà trường, Phương pháp dạy và học tiếng Việt ở bậc trung học cơ sở”, (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tháng 5/2001) của mình, với chú thích “Bài viết có sự cộng tác của Nguyễn Thị Thanh Hà, nghiên cứu sinh Viện Ngôn ngữ học”.
Thực tế, trên Tạp chí Ngôn ngữ, số 2, năm 2001, tác giả Nguyễn Thị Thanh Hà hoàn toàn không ký chung tên với ông Nguyễn Đức Tồn khi công bố bài viết của mình.
Mới đây, một cơ quan ngôn luận đã dẫn lời của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm về vấn đề này như sau: “Về tư tưởng và đạo đức, tác giả Nguyễn Đức Tồn hoàn toàn trong sáng và không có tà ý “đạo văn”.
Song về phương pháp, ông (vào thời điểm ấy) đã hiểu sai về cách thức sử dụng tài liệu của học trò nên đã đưa nguyên khối những trang luận án của học trò vào sách mình...”.
Phải chăng đây là bản chất của vấn đề?
(http://www.tienphong.vn/giao-duc/hoi-am-bai-bao-mot-pgs-dao-van-73474.tpo)

Sunday, 2 October 2016

Một PGS “đạo văn” nghiên cứu sinh và sinh viên? (Tiền Phong)

Một PGS “đạo văn” nghiên cứu sinh và sinh viên?

07:12 AM ngày 22 tháng 12 năm 2006
TP - Theo phản ánh của một số nhà nghiên cứu ngôn ngữ, có 2 công trình khoa học của PGS-TS Nguyễn Đức Tồn (Tổng Biên tập Tạp chí Ngôn ngữ) xuất bản trong những năm gần đây, có sự trùng khớp kỳ lạ với các luận án và luận văn công bố trước đó.
(Ảnh minh họa)
Trên Tạp chí Ngôn ngữ số 2 năm 2001, có bài “Dạy từ láy cho học sinh trung học cơ sở” của Thạc sỹ Nguyễn Thị Thanh Hà.
Không hiểu sao, cuốn sách “Những vấn đề dạy và học trong nhà trường, Phương pháp dạy và học tiếng Việt ở bậc trung học cơ sở”, (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tháng 5/2001) của tác giả PGS.TS Nguyễn Đức Tồn lại “bê” nguyên xi bài báo của Thạc sĩ Hà vào (chỉ thay đổi tí chút ở đầu đề) rồi chú thích “Bài viết có sự cộng tác của Nguyễn Thị Thanh Hà, nghiên cứu sinh Viện Ngôn ngữ học”.
Trong khi, bài báo của Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà được công bố trước khi cuốn sách của PGS-TS Tồn ra đời, lại không hề ghi tên ông này.
Phải chăng, PGS.TS Nguyễn Đức Tồn là Tổng Biên tập Tạp chí Ngôn ngữ, nơi đăng bài của thạc sĩ Hà nên có quyền lấy bài người khác đưa vào sách của mình và biến tác giả của nó thành một “kẻ ăn theo” bằng dòng chữ “có sự cộng tác”?
Một cuốn sách khác của PGS-TS Nguyễn Đức Tồn có tên: “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt - Trong sự so sánh với những dân tộc khác” (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2002), khi so sánh với Luận án Phó tiến sĩ khoa học Ngữ văn của tác giả Nguyễn Thúy Khanh đề tài: “Đặc điểm trường từ vựng ngữ nghĩa tên gọi động vật”, bảo vệ năm 1996 tại Viện Ngôn ngữ học (Luận án này ông Nguyễn Đức Tồn là người hướng dẫn khoa học), chúng tôi nhận thấy gần như toàn bộ nội dung chính Luận án của tác giả Nguyễn Thúy Khanh đã trùng với nội dung cuốn sách của ông Nguyễn Đức Tồn.
Thật bất ngờ là ngoài phần mở đầu và tài liệu tham khảo, luận án Phó tiến sĩ của tác giả Nguyễn Thúy Khanh có 96 trang chính, thì có tới 82 trang trùng với sách ông Nguyễn Đức Tồn. Đáng nói là, phần lớn số trang trùng nhau đều chính xác đến từng dấu chấm, dấu phẩy.
Vì Luận án của tác giả Nguyễn Thúy Khanh được công bố trước khi cuốn sách của ông Nguyễn Đức Tồn xuất bản, hơn nữa khi làm luận án khoa học người thực hiện phải cam kết “đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi, không có sự trùng lặp, sao chép từ bất kỳ một đề tài luận án hay công trình nghiên cứu khoa học nào của các tác giả khác”, cho nên người đọc hoàn toàn có thể đặt câu hỏi: Phải chăng PGS-TS Nguyễn Đức Tồn đã “mượn” của nghiên cứu sinh?
Chưa dừng tại đó, gần đây nhiều cán bộ Viện Ngôn ngữ học còn cho biết, trong cuốn sách vừa kể của ông Nguyễn Đức Tồn, còn có nhiều đoạn trùng khớp với luận văn tốt nghiệp đại học có nhan đề: “Đặc điểm định danh và ngữ nghĩa trường từ vựng tên gọi thực vật trong tiếng Việt” của tác giả Cao Thị Thu, chuyên ngành Ngôn ngữ học, khóa 36, niên khóa 1991-1995 thuộc trường đại học Tổng hợp Hà Nội.
Ngoài phần mở đầu (5 trang) và tài liệu tham khảo (2 trang), luận văn của tác giả Cao Thị Thu có 3 chương (74 trang) thì chương thứ hai (từ trang 20 đến trang 49) bao gồm kết quả nghiên cứu như: tư liệu, bảng biểu thống kê, ý tưởng khoa học và nhiều trang nhiều đoạn, được in nguyên xi trong sách của PGS.TS Nguyễn Đức Tồn (chẳng hạn các trang 41,42,43 luận văn giống với các trang 144, 145, 146, 147... trong sách của ông Nguyễn Đức Tồn...).
Riêng chương ba của Luận văn (từ trang 50 đến trang 75) thì xuất hiện gần như nguyên bản vào chương thứ tám trong sách của ông Nguyễn Đức Tồn (từ trang 235 đến trang 264).
Chỉ một cuốn sách của PGS.TS Nguyễn Đức Tồn (Tìm hiểu đặc trưng văn hóa- dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt - Trong sự so sánh với những dân tộc khác), đã thấy có hơn một nửa trùng với các luận án và luận văn công bố trước đó của nghiên cứu sinh, sinh viên (6/11 chương). Thật khó lý giải với “công trình khoa học” của một vị PGS.TS ?!
(http://www.tienphong.vn/Print.aspx?id=70632)