VỀ
MỘT BÀI THƠ CHỮ HÁN Ở ĐIỆN THÁI HÒA
Phan Anh Dũng*
(http://fanzung.com/?p=2244)
Sát nóc điện
Thái Hòa ở Đại Nội Huế, nằm ở vị trí chính diện trước ngai vua có bài thơ như
sau:
Văn hiến
thiên niên quốc
Xa thư
vạn lý đồ
Hồng
Bàng khai tịch hậu
Nam phục
nhất Đường Ngu[1].
文 獻 千 年 國
車 書 萬 里 圖
鴻 厖 開 闢 後
南 服 一 唐 虞
Xem hình chụp:
1.
Một giả thuyết về chữ Hồng Bàng:
Có một vấn đề
cần tìm hiểu là tại sao trong các sách sử của người Việt suốt từ Đại Việt sử
ký toàn thư về sau lại thống nhất viết chữ bàng trong từ Hồng Bàng
thành chữ mang 厖 như trong hình chụp?
Tra từ điển dị thể chữ Hán ở trang
http://dict.variants.moe.edu.tw/yitia/fra/fra01232.htm
thì đúng là chữ bàng có một dạng viết dị thể trùng với chữ mang,
nhưng việc người Việt nhất quyết không dùng chữ bàng “chính thể”
龐 phải chăng có ẩn ý gì?
Hình các dị thể của chữ
bàng, hàng đầu chữ thứ hai từ trái sang giống chữ mang:
Trước hết xét về nghĩa, cứ bám sát tự dạng chữ Hán thì phải theo nghĩa chữ
mang 厖, theo Tự điển Hán Việt Thiều Chửu
thì 厖 có hai
nghĩa:
(1): dày, to. Như: mang nhiên đại vật 厖然大物 - sù sù vật lớn.
(2): lẫn lộn.
Còn chữ hồng
鴻 nghĩa là to lớn. Ghép lại có
nghĩa là “lẫn lộn lớn” hay “hỗn độn lớn” ý nghĩa không rõ ràng, mà thời Kinh
Dương Vương - Lạc Long Quân cho đến Hùng Vương đời đầu cách ngày nay đến khoảng
4.500 năm, lúc đó chính người Hán cũng chưa có chữ viết[2], làm sao lại có tên chữ Hán thời
đó được mà đòi luận nghĩa theo nghĩa chữ Hán? Hơn nữa chính với cách đọc “bàng”
mà người xưa truyền lại đã ngầm phủ nhận nghĩa chữ “mang” rồi.
Từ phân tích trên người viết phỏng đoán có thể Hồng Bàng là một từ phiên
âm tiếng Việt cổ, được ghi lại về sau khi chữ Hán đã du nhập vào vùng Lĩnh Nam,
trong đó chữ
厖 dùng để ghi âm một tiếng Việt nào
đó có âm trị ở khoảng giữa mang
và bàng, nhưng không phải chính âm là “bàng”?
Vậy thì Hồng Bàng nghĩa Nôm là gì?
Vừa rồi nhân đọc cuốn “Từ điển Mường Việt” người viết đã tìm ra một tư liệu quý
giúp nhận định rằng HỒNG BÀNG có thể là RỒNG VÀNG.
Xin xem hình chụp từ trang 190 từ điển Mường-Việt, mục từ “hồng wàng = rồng
vàng”:
1- Trước hết
xét quan hệ WÀNG/VÀNG/BÀNG:
Âm “wàng” là âm
Việt Mường cổ của “vàng”, thỏa mãn điều kiện “gần với bàng
nhưng không phải bàng”.
Giáo trình Lịch sử ngữ âm tiếng Việt của GS. Nguyễn Tài Cẩn cho biết phụ
âm đầu /v-/ của tiếng Việt mới định hình từ ngay trước thời Từ điển Việt-Bồ-La
của A.D.Rhodes, khoảng thế kỷ 15-16. Lai nguyên của /v-/ vốn từ hai nguồn chính,
một là *w- và hai là *b- (hay *p) ở thời Proto Việt Mường (khoảng trước Công
nguyên), riêng *w- thì có thể xa hơn, lên đến thời Proto Việt-Chứt (khoảng 3000
năm trước) âm trị vẫn là *w-.
Trong chữ Nôm
lại có nhiều chữ có /v-/ được ghi bằng các chữ Hán có phụ âm /b-/ như vua
ghi bằng chữ bố 布, vâng ghi bằng chữ bang 邦 … thể hiện một trong các dạng âm cổ của
/v-/ là /b-/ hay /p-/, chính âm Nôm “vàng” mà chúng ta đang khảo sát khi có
nghĩa là màu vàng thường ghi bằng chữ hoàng 黃 nhưng trong từ
“vững vàng” lại được ghi với chữ bàng
傍, phải chăng với việc tránh dùng chữ bàng 龐 chính thể mà
dùng dị thể là chữ mang 厖 người xưa đã
ngầm cho biết âm và nghĩa của “bàng” trong từ
Hồng Bàng thật ra phải là “wàng” (vàng)? Sau đây dẫn một số trường hợp
chữ Nôm dùng b- để ghi v- ứng với w- ở tiếng Mường:
o
Có khả năng chính chữ mang cũng có thể dùng
để ghi âm “vàng”, tuy hiếm gặp nhưng vẫn thấy có trường hợp chữ Nôm dùng M- Hán
Việt ghi V- Việt ứng với W- Mường, như chữ về (Mường: wề) có hai dạng viết Nôm với biểu âm là chữ mễ
米 và chữ mê
迷, chữ
vạt (áo) có dạng viết y + miệt = 衣+蔑 (theo
Đại tự điển chữ Nôm, Vũ Văn Kính), ngoài ra có chữ võng
罔,网,網 (lưới)
tiếng Việt là mạng, vọng 望 tiếng Việt là mong
.v.v. Ở địa phận âm Hán Việt cũng có quan hệ chuyển hóa giữa m- và v- như từ Nam vô (南無) A
di đà phật phải đọc là
Nam mô A di đà phật .v.v.
2- Bây giờ xét
quan hệ HỒNG/RỒNG:
Chữ long 龍 (nghĩa là rồng) của Hán ngữ được các nhà ngôn ngữ học
phục nguyên âm thượng cổ [3] như sau:
Karlgren: /li ̯uŋ/
Lý Phương Quế: /ljuŋ/
Vương Lực: /lioŋ/
Baxter: /b-rjoŋ/
Trịnh Trương Thượng Phương:
/b·roŋ/
Phan Ngộ Vân: /groŋ/
Lưu ý phục
nguyên của 3 tác giả sau cùng có tiền âm tiết b- hay g-, khi đọc lướt tiền âm
tiết thì còn lại /roŋ/ chính là rồng của tiếng Việt.
Từ phục nguyên
của Phan Ngộ Vân /groŋ/ nếu đọc lướt giới âm /-r-/ thì thành /goŋ/ hay /koŋ/ có
thể dẫn đến /hoŋ/ tức là HỒNG, minh chứng là trong Hán ngữ cũng có chữ hồng
虹 nghĩa là cầu vồng[4], cầu vồng
vẫn được coi là thể hiện của con rồng, báo hiệu trời mưa, Khang Hy Tự Điển có
đoạn chú về chữ hồng 虹 như sau 又【字彙補】宛虹,龍也: Hựu Tự vựng bổ:
uyển hồng, long dã (Lại
theo sách Tự vựng bổ thì uyển hồng
là rồng vậy). Phần biểu âm của
hồng 虹 là chữ công 工 và phục nguyên của chữ 虹 theo Phan Ngộ Vân là /krooŋs/ cho thấy là
/kroŋ/ hay /groŋ/[5] thời
thượng cổ có thể dẫn đến cách đọc /hoŋ/ tức HỒNG hiện nay. Chính chữ hồng 鴻 trong bài thơ chúng ta đang tìm hiểu cũng
chứa bộ phận biểu âm gốc là chữ công 工 thông qua chữ giang 江, mà phục nguyên âm thượng cổ của chữ giang 江 theo
Baxter là /kroŋs/, theo Trịnh Trương Thượng Phương và Phan Ngộ Vân là /krooŋs/
cho thấy /groŋ/ ở chữ long 龍 cũng có thể có một dạng biến âm chuyển hóa
thành HỒNG khi đọc lướt giới âm /-r-/.
Kết hợp phục
nguyên âm thượng cổ của chữ long theo Baxter /b-rjoŋ/ và Phan Ngộ Vân /groŋ /
cùng với lưu tích ở tiếng Việt Mường hồng=rồng, người viết đề xuất một dạng phục
nguyên xa hơn thời thượng cổ Hán ngữ của từ rồng trong tiếng Việt là /bhroŋ/[6].
Cách giải thích
việc dùng chữ Hán Hồng Bàng ghi nghĩa Nôm RỒNG VÀNG ở trên còn chưa thật
chắc chắn ở trường hợp dùng chữ “mang” (bàng) ghi âm “wàng” (vàng), nhưng việc
HỒNG là RỒNG thì đã có căn cứ ở tiếng Mường, và phù hợp với truyền thống văn hóa
dân tộc, bởi người Việt vẫn tự nhận là “dòng dõi rồng tiên”.
2. Về câu “Nam phục nhất
Đường Ngu” trong bài thơ đang xét:
Chữ “phục” có
thể hiểu theo nghĩa rộng là truyền thống, chế độ, nền văn hóa… Ý cả câu là nền
văn hiến của nước Nam ta cũng ngang hàng với thời Đường Ngu bên Trung Quốc.
Lịch sử hơn bốn
nghìn năm (đến nay thực ra đã gần 5000 năm[7]) của Việt
Nam thường bị đem ra mổ xẻ, thậm chí trên mạng http://www.viethoc.org/phorum còn
có kẻ mượn danh khoa học để mạt sát các sử quan người Việt là “bọn hủ nho” đã
nhặt nhạnh những truyện truyền kỳ vô căn cứ của Trung Quốc ghi vào chính sử, vì
vậy người viết thấy cần dẫn chính các tư liệu sách vở của Trung Quốc để phản bác
lại.
1- Sách Thông Điển của Đỗ Hữu 杜佑[8] thời Đường (801),
có ghi chép như sau:
“Tự Lĩnh nhi nam đương Đường Ngu Tam Đại vi man di chi quốc, thị Bách
Việt chi địa, diệc vị chi Nam Việt.
Hoặc vân Nam Việt chi quân diệc Hạ Vũ chi hậu … ” Tạm dịch: “Từ núi Ngũ Lĩnh
về phía Nam, ngang với đời Đường Ngu và Tam Đại là (một) nước man di, nằm trong
đất Bách Việt, cũng gọi là Nam Việt.[9]
Có kẻ nói quân trưởng của Nam Việt là dòng dõi vua Hạ Vũ…”
Như vậy truyền thuyết về thời đại Hồng Bàng - Hùng Vương của người Việt đâu phải
là tự người Việt bịa đặt ra, như có người từng quy kết rằng: ban đầu do Trần Thế
Pháp “sáng tác” trong Lĩnh Nam chích quái, rồi Sử quan đô tổng tài thời Lê là
tiến sĩ Vũ Quỳnh “ghi bừa” vào Đại việt sử ký toàn thư? Để ý Thông Điển
(801) có trước
Việt Sử Lược và Lĩnh Nam chích quái đến khoảng nửa thiên niên kỷ,
mà Đỗ Hữu từng làm Tiết độ sứ Lĩnh Nam nên chắc chắn đã có trong tay những tư
liệu sách vở về nước Nam Việt
cổ chứ không phải viết bừa theo các truyền
thuyết dã sử của người Trung Quốc.
Dẫu sách của Đỗ Hữu đã viết theo kiểu miệt thị gọi nước của người Việt là “man
di” thì vẫn viết là một “quốc” chứ không phải là một “xứ” hay một “bộ lạc”, hơn
nữa ngay câu sau lại nhắc tới “quân” tức là “vua” của “man di chi quốc” này nên
hiển nhiên “quốc” phải hiểu theo nghĩa “quốc gia”… Thông tin này cũng phù hợp
với thông tin của TS.Nguyễn Việt cho biết đã tìm thấy nha chương bằng ngọc, biểu
hiện của quyền lực, trên đất nước ta với niên đại khoảng 3500-3800 năm trước
trong một ngôi mộ cổ ở Xóm Rền (Phù Ninh, Phú Thọ), khoảng 3500-3800 năm trước
là khoảng nửa cuối nhà Hạ (thế kỷ 21 TCN - 16 TCN). Nha chương này có cùng chất
liệu với các vòng ngọc tìm thấy trong ngôi mộ cổ đó nên có khả năng lớn là được
chế tác tại chỗ, chứ không phải là từ Trung Quốc truyền sang qua con đường giao
lưu buôn bán.
Để tránh tam sao thất bản, người viết sao chụp nguyên bản trang sách 通典卷第一百八十四-州郡十四Thông Điển quyển thứ 184-Châu quận 14
ở dưới:
2- Niên đại hơn 4000 năm của nước Nam Việt nói trong Thông Điển đời Đường
cũng khá phù hợp với niên đại của nước Việt Thường trong sách Thông Chí
đời Tống: "通志" (宋 - 鄭樵 [1104年 - 1162年] 撰)又按陶唐之,越裳國獻神龜,蓋千歲,方三尺餘,背有科斗文記開闢以來,堯命錄之,謂之龜歴。"Thông Chí" (Tống. Trịnh Tiều [1104-1162] soạn): Hựu án Đào
Đường chi thế, Việt Thường quốc hiến thần quy, cái thiên tuế, phương tam xích
dư, bối hữu khoa đẩu văn ký khai tịch dĩ lai, Nghiêu mạng lục chi, vị chi Quy
Lịch. “Lại xét đời Đào Đường, nước Việt Thường dâng con rùa thần, phải đến
hơn nghìn năm tuổi, mình nó hơn ba thước, trên lưng có văn khoa đẩu ghi việc từ
khi trời đất mới mở mang trở về sau. Vua Nghiêu sai chép lấy, gọi là Quy lịch
tức Lịch rùa.”
Thời vua Nghiêu xa hơn ngàn rưỡi năm trước nước Việt của Câu Tiễn ở Trung Quốc,
và nước Việt Thường ít ra cũng tồn tại hơn ngàn năm để đến đời Chu Thành Vương
lại tiếp tục đến dâng chim trĩ như sách sử Trung Quốc đã ghi (Hậu Hán thư, quyển
86, Nam Man Tây Nam Di liệt truyện đệ thất thập lục - 後漢書.南蠻西南夷列傳第七十六). Với truyền thống lâu dài như thế thì không có chuyện
người Việt (Kinh) đi mượn cái tên “Việt” của Câu Tiễn mà có thể là ngược lại.
Tóm lại: Nam Việt, Việt Thường là những địa danh và là tên nước cổ ở vùng Lĩnh
Nam, có thể đã có trước thời Triệu Đà đến hàng nghìn năm chứ không phải đến thời
Triệu Đà mới đặt ra tên nước Nam Việt.
Theo quan điểm của người viết thì “nhà nước” Nam Việt hay Việt Thường… ở vùng
Lĩnh Nam trước thời Chu có lẽ cũng chỉ là những hình thức liên minh bộ lạc như
các liên minh bộ lạc Hạ-Thương ở Trung Quốc đương thời mà thôi, nhưng vẫn có
tính ĐỘC LẬP, KHU BIỆT nhất định, và đặc biệt là có truyền thống kế thừa hàng
ngàn năm về ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử.v.v.
P.A.D
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Phục nguyên âm thượng cổ Hán ngữ ở
trang web Đại học Thượng Hải
http://www.eastling.org/oc/oldage.aspx có bản sao ở trang http://fanzung.com/?page_id=445
2.
中上古汉语音的纲要、 高本汉、 齐鲁书社、 济南。
1987
3.
A Handbook of Old Chinese Phonology GS William Baxter (1992, New York,
Berlin).
4.
王 力 古 漢 語 字典,Vương Lực “Cổ
Hán ngữ tự điển”.
5.
Giáo trình Lịch sử ngữ âm tiếng Việt.
Nguyễn Tài Cẩn, NXB Giáo Dục, Hà Nội. 1995
6.
Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc
Hán Việt. Nguyễn Tài Cẩn. NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội. 2000.
7.
Từ điển Mường-Việt. Nguyễn Văn Khang chủ biên. NXB Văn hóa dân
tộc. Hà Nội, 2002.
8.
Thử tìm hiểu từ nguyên một số cặp từ Việt
Hán, Phan Anh Dũng, Bài viết tham gia hội thảo
nhân một năm ngày mất GS Nguyễn Tài Cẩn, Hà Nội, 4-2012.
9.
Tìm hiểu về lớp từ cổ Việt Hán qua các cứ
liệu ngữ âm lịch sử, Phan Anh Dũng, Hội thảo quốc tế Ngôn ngữ
học, Hà Nội 14-16/4/2013.
* Chuyên viên nghiên cứu về lĩnh vực xử lý văn tự dân
tộc trên máy tính, Trung tâm Công nghệ Thông tin Thừa Thiên Huế.
Bài này đã gởi tham dự Hội thảo khoa học về văn thơ chữ Hán trên các di tích ở
Huế (Huế 8/5/2015).
[1] Bản dịch của Nhà Sử học Dương Trung Quốc
“Nước ngàn năm văn hiến
Vạn dặm một sơn hà
Từ Hồng Bàng mở nước
Thịnh trị nước Nam ta”:http://www.tgvn.com.vn/printContent.aspx?ID=5045.
[2] Dấu tích chữ giáp cốt xưa nhất ở TQ là
khoảng 3000-3500 năm trước.
[3] Âm thượng cổ Hán ngữ là hệ thống ngữ âm
tiếng Hán khoảng đời Chu.
[4] Cầu vồng, tiếng Việt còn gọi là “cù bùng”
hay “mống”, cho thấy có quan hệ giữa v-, b- và m-
[5] Phụ âm G- và K- chỉ khác nhau ở
đặc điểm hữu thanh và vô thanh, trong tiếng Nga có những quy tắc biến âm qua lại
giữa chúng khi đọc.
[6] Xa hơn thời thượng cổ Hán ngữ tức
có thể là đời Hạ-Thương về trước, lúc đó phục nguyên từ “long” của Hán ngữ có
thể cũng đồng quy về /bhroŋ/?
[7] Sử ghi từ năm Nhâm Tuất đời Đế
Minh đến khi An Dương Vương dứt đời Hùng Vương (257TCN) là 2622 năm, tính ra năm Nhâm Tuất đó là 2878
TCN. Đến nay (2015) là 4894 năm.
[8] Đỗ Hữu 杜佑 (735-812) từng làm Tiết độ sứ Lĩnh Nam, soạn sách Thông điển trong 36 năm từ
766 đến 801 sau đó làm Tể tướng nhà Đường gần 10 năm cho tới cuối đời. Đỗ Hữu là
ông nội của nhà thơ Đỗ Mục. http://zh.wikipedia.org/wiki/%E6%9D%9C%E4%BD%91