Trước hết, xin thổ lộ đôi điều về duyên cớ có
bài viết này. Tôi sinh gần như cùng thời với bà Thụy Khuê ở một tỉnh
miền Trung xa xôi. Khi phong trào Nhân Văn Giai Phẩm xảy ra, có lẽ cũng như bà Thụy Khuê, tôi còn nhỏ chẳng biết gì. Lớn lên, học đại học khoa văn mới được biết về phong trào Nhân Văn Giai Phẩm qua
bài giảng của thầy giáo, dĩ nhiên theo quan điểm chính thống của Nhà
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng rồi nghề mọn văn chương không
thuộc khu vực này nên dù về sau có tiếp xúc với một số tài liệu viết về
trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, tôi cũng đọc cho biết rồi bỏ đó.
Đầu năm 2007, “sự kiện” đầu tiên làm tôi chú ý là sau
khi bác Nguyễn Hữu Đang mất, tôi được đọc 2 bài viết: một của bác
Phùng Quán nhan đề Những ngày cuối năm, tìm thăm người dựng Lễ đài Tuyên ngôn Độc lập, do báo Tuổi Trẻ đăng lại và bài Vĩnh biệt vị trưởng ban tổ chức ngày Lễ Độc lập của nhà sử học Dương Trung Quốc, đăng trên báo Người Lao Động. Hai bài báo này đã đem lại những thông tin mới, thậm chí trái ngược với những gì tôi được học trước đây về phong trào Nhân Văn Giai Phẩm.
Tuy vậy, nghĩ những vấn đề đó không thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình
nên đọc rồi, tôi cũng bỏ đó. Năm 2012, ở cái tuổi nghỉ ngơi, tình cờ
tôi được đọc cuốn Nhân Văn Giai Phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc của
bà Thụy Khuê (ngay từ những chương phát trên mạng), thì sự tò mò trong
tôi trỗi dậy. Bằng cách tập hợp, phân tích một khối lượng tư liệu khá
lớn, tác giả đưa ra những nhận xét, đánh giá về nhiều con người liên
quan đến phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Nếu tính về thời gian thì cuốn sách này được viết từng phần, đã công bố dần trên đài RFI từ hàng chục năm trước, nay được tập hợp lại, in thành sách dưới một tên chung Nhân Văn Giai Phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc.
Nói điều này tôi vừa muốn ghi nhận công thu thập tài liệu, gặp gỡ nhân
chứng và suy ngẫm suốt một quá trình dài như một nhà khoa học của tác
giả về phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, nhưng cũng muốn nói về
những gì thiếu nhất quán, thiếu tập trung, là sự gán ghép chẳng ăn nhập
nhau lắm giữa các mảng nội dung của cuốn sách. Đặc biệt, dường như bị
mục tiêu phê phán Nhà nước Cộng sản Việt Nam chi phối, nên tác giả đã
sử dụng sai lệch nhiều tư liệu có được, làm giảm đi tính khách quan,
khoa học của công trình. Thiết nghĩ, dù phê phán hay bênh vực bên nào
thì làm khoa học cũng cần sự sòng phẳng, sòng phẳng trong sử dụng tài
liệu và cũng sòng phẳng cả trong cách tiếp cận vấn đề. Trong bài viết
này tôi muốn trao đổi cùng bà Thụy Khuê đôi điều chung quanh vụ án nhà
hoạt động văn hóa Nguyễn Hữu Đang và nhà báo Thụy An. Bài viết của tôi
xin được sử dụng những tài liệu do chính bà Thụy Khuê cung cấp trong
cuốn sách nêu trên, dù rằng trong tay tôi hiện đã có trên 50 tài liệu
khác nhau về phong trào Nhân Văn Giai Phẩm.
1. Nguyễn Hữu Đang - công và tội
a) Nguyễn Hữu Đang - những đóng góp thời kỳ 1949 về trước
Lấy mốc 1949 về trước để chỉ thời kỳ Nguyễn Hữu Đang
được Cụ Hồ trọng dụng và việc ông được kết nạp Đảng Cộng sản Đông
Dương thời gian đó như là lời khẳng định về những đóng góp của ông cho
đất nước. Tuy từ năm 1950, Nguyễn Hữu Đang vẫn giữ chức Trưởng ban
thanh tra Nha Bình dân học vụ nhưng thực chất ông đã bỏ Hà Nội về Thanh
Hóa làm việc cho nhà in Minh Đức. Có thể tóm tắt công trạng của ông
trong thời gian từ 1949 về trước như sau:
- Là người có năng lực tổ chức, có tư tưởng đổi mới;
đã tham gia sáng lập và lãnh đạo Hội Văn hóa cứu quốc; có đóng góp lớn
trong Hội Truyền bá quốc ngữ và phong trào văn hóa cứu quốc, chống nạn
mù chữ.
- Đã giữ các chức vụ cao trong hệ thống Nhà nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền, Thứ trưởng Bộ
Thanh niên, Chủ tịch Ủy ban vận động Mặt trận văn hóa, Trưởng ban
tuyên truyền xung phong Trung ương, Trưởng ban thanh tra Nha Bình dân
học vụ…
- Từng được Hồ Chí Minh trọng dụng, trong đó có việc
giao phó nhiệm vụ khó khăn - làm Trưởng ban tổ chức Lễ tuyên bố Độc
lập ngày 2-9-1945.
Những đóng góp nêu trên rất to lớn cần được ghi nhận và chính là cơ sở để sau này ông được xem xét phục hồi những quyền lợi vật chất như cấp lương hưu, cấp nhà ở Hà Nội cùng nhiều đồ dùng sinh hoạt khác.
b) Nguyễn Hữu Đang và vai trò tổ chức chống đối qua Nhân Văn
Nguyễn Hữu Đang là người có tài và có cơ mưu chính
trị. Về cá tính, ông là người khó khép mình vào khuôn phép của tổ chức.
Ông từng có mối quan hệ tự do với các tổ chức, phe nhóm chính trị khác
nhau trong và ngoài nước, điều mà thời kỳ đó kỷ luật Đảng không cho
phép. Vì thế, mặc dù lúc 16 tuổi ông đã tham gia tổ chức Việt Nam Thanh
niên Cách mạng Đồng chí hội, rồi Đông Dương Cộng sản đảng, là đối tượng kết nạp Đảng từ năm 1929, nhưng đến năm 1947 mới được chính thức kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong tài liệu viết tay của mình, sau đoạn “Cuối năm 56 đầu năm 57: Tổ chức, lãnh đạo và biên tập báo Nhân Văn. Giúp đỡ tập san Giai Phẩm”, Nguyễn Hữu Đang cũng thừa nhận: “Những hoạt động này là tự ý làm ngoài công tác, vô tổ chức”.
Năng lực và cá tính ấy đã tạo ra bước rẽ lớn của
Nguyễn Hữu Đang khi ông bất đồng ý kiến với ông Trường Chinh, người
đang giữ chức vụ cao trong Đảng, trong đó có vai trò lãnh đạo văn nghệ.
Chính Thụy Khuê đã nhận rõ vấn đề này trong khi viết về Nguyễn Hữu
Đang.
Ngay từ thời kỳ theo cách mạng, Nguyễn Hữu Đang đã có
tư tưởng khác, không nhận đường lối văn hóa xã hội chủ nghĩa, tự đi ra
ngoài trật tự của Đảng, muốn lập một đảng riêng (đảng Nhân văn) với
một thể chế chính trị riêng. Từ quan điểm đó, Nguyễn Hữu Đang đã nhanh
chóng rời khỏi hàng ngũ của Đảng và tổ chức lực lượng chống đối.
Ở chương viết về Nguyễn Hữu Đang trong cuốn Nhân Văn Giai Phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc, Thụy Khuê khẳng định: “Trong 6 năm từ 48 đến 54, Nguyễn Hữu Đang đã ngừng mọi hoạt động với chính quyền cộng sản. Ông
giúp Trần Thiếu Bảo điều hành Nhà xuất bản Minh Đức, in lại các sách
giá trị thời tiền chiến đã bị cách mạng lên án, hoặc cấm lưu hành của Vũ
Trọng Phụng, Khái Hưng v.v…” [Thụy Khuê, sđd, tr.204].
Tuy có những hành động như vậy, nhưng tôn trọng tài
năng và đóng góp của ông, nên khi hòa bình vừa lập lại, năm 1954, thực
hiện ý kiến của Trường Chinh, Tố Hữu đã mời Nguyễn Hữu Đang ra làm Giám
đốc Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội, nhưng Nguyễn Hữu Đang đã từ chối và
yêu cầu được làm biên tập báo Văn Nghệ cùng với Lê Đạt [lời chứng của Lê Đạt với RFI và lời Nguyễn Huy Tưởng ghi trong Nhật ký.
Nhưng khi trở lại báo Văn Nghệ, Nguyễn Hữu Đang lại tiếp tục bộc lộ
quan điểm riêng của mình, gây khó khăn cho những người lãnh đạo, kể cả
những người bạn thân. Nguyễn Huy Tưởng đã ghi trong Nhật ký: “Ở đâu
cũng thấy không vừa ý, ở đâu cũng có ảnh hưởng đến anh em. Anh em tòa
soạn khen là chí công, vô tư, nhưng tư tưởng rất là nguy hiểm. Một điển
hình của một chiến sĩ làm cách mạng bất mãn” (Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng, ngày 21-4-1955. NXB Thanh Niên, 2006).
Cho đến nay, không ít người vẫn nghĩ rằng Nguyễn Hữu
Đang bị oan trong vụ án xử năm 1960. Có bài báo đã khẳng định Nguyễn
Hữu Đang là “vị cách mạng lão thành”, “là người hoạt động cách mạng, nhà báo, nhà truyền bá quốc ngữ nổi tiếng” và để tránh nói về việc Nguyễn Hữu Đang bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội phạt tù, bài báo chỉ hạ một câu: “có cuộc đời long đong…” (Dương Trung Quốc: Vĩnh biệt vị trưởng ban tổ chức ngày Lễ Độc lập, báo Người Lao Động 25-2-2007).
Ghi nhận công lao đóng góp to lớn cho cách mạng của
Nguyễn Hữu Đang giai đoạn 1949 về trước là đúng, nhưng không thể không
nhìn thấy mưu đồ riêng của ông đã manh nha từ khi theo cách mạng và
được bộc lộ qua hành động chống đối vào những năm sau đó.
Tội của Nguyễn Hữu Đang đã được Tòa án nhân dân
thành phố Hà Nội xét xử công khai trong phiên tòa mở ngày 19 tới
21-1-1960, có tranh tụng và bào chữa cho bị cáo của luật sư Đỗ Xuân
Sảng, có phát biểu nhận tội của Nguyễn Hữu Đang.
Lần lại hồ sơ, nhân chứng… liên quan đến Nguyễn Hữu
Đang, có thể thấy: thái độ chống đối của ông bộc lộ rõ rệt từ tháng
8-1956. Vào ngày cuối cùng của lớp học tập dân chủ do ông tổ chức (từ
8-8 đến 26-8-1956), Nguyễn Hữu Đang đã có bài tham luận chỉ trích gay
gắt đường lối văn nghệ của Đảng và những người lãnh đạo văn nghệ, được
một số trí thức và văn nghệ sĩ cấp tiến hưởng ứng. Nhà thơ Lê Đạt kể
lại: “Trong cuộc học tập này, anh em phê phán văn nghệ rất nhiều,
trong đó nổi bật lên vai trò của anh Nguyễn Hữu Ðang (…) Trong buổi học
tập văn nghệ đó, anh Ðang có đọc một bài tham luận rất hùng hồn về
những sai lầm của lãnh đạo văn nghệ. Lúc đó Ðang có nói một câu với
Nguyễn Ðình Thi - Nguyễn Ðình Thi lúc ấy là một trong những người chịu
trách nhiệm tờ Văn Nghệ - Ðang nói rằng: “Thế nào tao cũng ra một tờ báo, tờ báo chưa biết tên là gì, tao thì không làm được nhưng để cho bọn Giai Phẩm Mùa Xuân nó làm” [Lê Đạt trả lời phỏng vấn RFI, Thụy Khuê thực hiện]. Tờ báo này chính là tờ Nhân Văn, và kết quả tờ Nhân Văn số
1 đã ra vào ngày 20-9-1956 do Phan Khôi làm Chủ nhiệm, Trần Duy làm
Thư ký tòa soạn, với một loạt bài của: Phan Khôi, Hoàng Cầm, XYZ, Lê
Đạt, Trần Dần…
Rõ ràng manh nha từ trong ý thức, Nguyễn Hữu Đang đã có âm mưu sử dụng người của nhóm Giai Phẩm làm báo Nhân Văn và trong đó không ít tiếng nói trái với đường lối văn nghệ của Đảng. Báo Nhân Văn, vì thế, ra được từ số 1 đến số 5, số 6 định ra vào tháng 12-1956 thì bị đình bản.
Hành động tổ chức chống đối của Nguyễn Hữu Đang, chính những người cùng sống và làm việc với Nguyễn Hữu Đang đều thừa nhận:
+ Về vai trò tổ chức, tập hợp của Nguyễn Hữu Đang đối
với nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, nhà thơ Trần Dần khẳng định: “Nếu không
có Đang, không ai có thể tập hợp anh em được. Sẽ không có tham luận với
những đề nghị: gặp Trung ương, ra báo… mà cũng sẽ không có tờ Nhân Văn” [Trần Dần, Tự thú - tài liệu do Phạm Thị Hoài biên tập và xuất bản tại Paris].
+ Về hành động khuynh loát báo Nhân Văn hướng về mục tiêu chính trị kích động chống đối xã hội của Nguyễn Hữu Đang, Trần Duy - nguyên Thư ký tòa soạn báo Nhân Văn, thuật lại: “Số văn nghệ sĩ tham gia Nhân Văn hầu như không có mấy quyền hạn với tờ báo, nên các việc của tờ báo là do Đang và Đạt quyết định”.
Vì thế, khi thấy tình hình chính trị Đông Âu, Ba Lan…
đang có những chuyển biến bất lợi cho cách mạng Việt Nam, Nguyễn Hữu
Đang đã tự thay đổi nội dung báo Nhân Văn số 6, hướng về những
vấn đề ở Ba Lan, Đông Âu… để kích động phong trào chống đối Nhà nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trần Duy kể lại:
“Đến khi chuẩn bị làm số 6, tôi và Lê Đạt, Văn Cao
bàn đổi hướng để tờ báo nói về hội họa, nên đã chuẩn bị cho số báo
chuyên về tranh áp phích của Ba Lan. Tôi đến làm việc với sứ quán Ba
Lan và có đủ tài liệu về tranh áp phích của Ba Lan. Ngay ngày hôm sau
đó có giấy của Thủ tướng triệu tập… (về việc này tôi đã viết trong bài
tưởng niệm ông Phan Khôi năm 2007). Tôi được mọi người cử đi và đã gặp
Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Tôi về nói lại với Lê Đạt, Văn Cao, Nguyễn Hữu
Đang những điều căn dặn của Thủ tướng. Nguyễn Hữu Đang bỏ cuộc họp tự
động đến nhà in. Văn Cao và Lê Đạt cùng nói với tôi:
- Thế là Đang sẽ thay đổi nội dung tờ báo, sẽ hướng về tình hình chính trị Đông Âu, Ba Lan, Tiệp Khắc…”. [Trần Duy: Một câu hỏi còn chưa được trả lời, talawas.org-?p=7293]
Sau khi đã trực tiếp viết luôn mấy bài xã luận chuẩn bị trước cho tư tưởng chống lại chế độ, trong số 6 báo Nhân Văn, Nguyễn Hữu Đang đã viết một bài kêu gọi biểu tình. Trần Duy khai: “Chúng tôi tưởng rằng số 6 Nhân Văn ra
được thì bọn gián điệp sẽ ngóc đầu dậy, bọn chiến tranh tâm lý sẽ có
đất hoạt động…, sẽ có biểu tình, súng nổ…, tiếp theo đó là những mưu đồ
lật đổ” [Bọn gián điệp mà Trần Duy nói tới ở đây là Trần Minh Châu,
Nguyễn Quang Hải… bị xử án trước đó, đã có điều kiện hoạt động ráo riết
trở lại trong thời gian này - NXĐ].
Tình hình chính trị Đông Âu, Ba Lan… lúc đó là gì?
Tháng 6-1956 có cuộc nổi dậy chống nhà nước xã hội
chủ nghĩa ở Poznan, Ba Lan. Chính cuộc nổi dậy ở Ba Lan đã châm ngòi
cho cuộc bạo loạn vũ trang ở Hungary vào tháng 10, 11-1956.
+ Về âm mưu của Nguyễn Hữu Đang lợi dụng thời cơ
chính trị trong và ngoài nước… để tổ chức chống đối, chính bà Thụy Khuê
nhận xét:
“Nguyễn Hữu Đang đã tìm đúng thời cơ. Trong nước, vị
thế của Trường Chinh và Đảng Cộng sản yếu đi sau chiến dịch Cải cách
ruộng đất đẫm máu. Ngoài nước, việc hạ bệ Staline ở đại hội 20 của Đảng
Cộng sản Liên Xô là những lực đẩy khuynh hướng tranh đấu cho tự do dân
chủ có cơ hội hành động. Nguyễn Hữu Đang, trong lớp học 18 ngày, đã
chiếm được lòng tin của giới trí thức và văn nghệ sĩ cấp tiến. Ông nắm
cơ hội, đứng ra tổ chức Nhân Văn Giai Phẩm với những người bạn đã hoạt động trong kháng chiến Trương Tửu, Trần Thiếu Bảo; với Lê Đạt, Hoàng Cầm đã làm Giai Phẩm Mùa Xuân” [Thụy Khuê, sđd, tr.208].
+ Về hành động che giấu âm mưu thủ đoạn của Nguyễn
Hữu Đang theo kiểu “ném đá giấu tay”, Thụy Khuê viết: “Tuy ít bài ký
tên thật, nhưng dấu ấn của ông không thiếu trên báo Nhân Văn:
Những bài phỏng vấn Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Đặng
Văn Ngữ về vấn đề dân chủ do Nguyễn Hữu Đang thực hiện” [Thụy Khuê,
sđd, tr.209].
Lời thuật của Trần Duy sau đây về cuộc đàm thoại với
cụ Phan Khôi, càng cho thấy đầy đủ hơn mưu mô thủ đoạn chính trị của
Nguyễn Hữu Đang. Trần Duy viết:
“Nhân bài viết Trả lời ông Nguyễn Chính(**) trên báo Nhân Văn tác giả ký tên bốn người: Trần Dần, Trần Duy, Lê Đạt, Hoàng Cầm.
Ông Phan tìm hỏi tôi:
- Anh có biết ông Nguyễn Chính không?
Tôi trả lời: “Không”.
Ông hỏi tiếp:
- Anh có đọc bài viết của ông Nguyễn Chính trong báo Nhân Dân không?
Tôi trả lời: “Không”.
Ông Phan Khôi nói:
- Anh không biết người ta, anh không đọc bài người ta viết mà anh dám ký tên vào bài người khác viết để đả kích người ta.
Tôi không trả lời - ông nói tiếp:
- Anh làm ăn kiểu gì lạ vậy? Mục đích khi đặt ra là
văn thơ, nay lại quay mũi nhọn sang chính trị, chống báo của Đảng nghĩa
là tuyên chiến với Đảng đấy!!!
Sau cùng ông hỏi:
- Thật ra bài ấy của ai?
Tôi trả lời:
- Của Nguyễn Hữu Đang.
Ông khó chịu nói:
- Ông Đang có đủ chữ để viết một bài như vậy mà lại
không đủ can đảm để nhận là tác giả của bài viết ấy, lại còn gắp lửa bỏ
tay người, làm việc cách này dễ dắt nhau vào tù lắm!!!”.
[Tưởng niệm về nhà văn Phan Khôi. Bài do
Trần Duy gửi Ban tổ chức buổi tọa đàm tưởng niệm nhà văn - nhà báo Phan
Khôi (1887-1959) nhân 120 năm sinh, do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam,
tạp chí Xưa và Nay và gia đình đồng tổ chức (Hà Nội, 5-10-2007)].
Đoạn đàm thoại trên cho thấy chính cụ Phan Khôi đã vạch thói “gắp lửa bỏ tay người” của Nguyễn Hữu Đang, đồng thời khẳng định thủ đoạn của Nguyễn Hữu Đang chuyển mục đích của báo Nhân Văn “khi đặt ra là văn thơ, nay lại quay mũi nhọn sang chính trị” - “chống báo của Đảng nghĩa là tuyên chiến với Đảng”.
Xin lưu ý thêm rằng, cuối năm 1956, dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Hữu Đang, các ấn phẩm Nhân Văn, Giai Phẩm
đồng loạt được tung ra đều nằm trong mục đích “quay mũi nhọn sang
chính trị” như nhận xét của cụ Phan Khôi. Chỉ từ tháng 9 đến tháng
12-1956, 6 số Nhân Văn được xuất bản (trong đó số 6 bị đình bản) và đồng loạt Giai Phẩm Mùa Xuân (tái bản), Giai Phẩm Mùa Thu, Giai Phẩm Mùa Đông ra mắt bạn đọc với nhiều tập khác nhau. Đặc biệt, nếu trong 4 số Nhân Văn đầu đang có chuyên mục “Địa ngục miền Nam”, thì từ số 5 trở đi, chuyên mục này đã bị bỏ.
Những chứng cứ nêu trên (phần nhiều do Thụy Khuê thu thập) cho thấy: tội tổ chức chống phá cách mạng của Nguyễn Hữu Đang là sự thật. Trong trả lời phỏng vấn đài RFI, ông cũng thừa nhận: “Ra
tòa tôi nhận hết, chứ tôi không có bào chữa, không cãi cọ gì nhiều cả.
Thậm chí là sau khi bị kết án 15 năm thì tôi cũng không có ký chống án
gì cả. Từ bấy giờ đến nay tôi cũng không viết một cái đơn nào để thanh
minh, phân trần, xin xỏ, khoan hồng hay là nọ kia. Không! Cái việc đó
không!”. Chắc chắn trên thế giới này không một nhà nước non trẻ
nào, dù cộng sản hay không cộng sản, có thể bỏ qua những hành động chống
đối như vậy.
2. Bị xử án cùng một phiên tòa với Nguyễn Hữu Đang còn có nhân vật quan trọng thứ hai là nhà báo Thụy An - Lưu Thị Yến. Trong phiên tòa mở ngày 19-1-1960 Thụy An và Phan Tại không thuộc nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, tuy nhiên bà rất thân và có ảnh hưởng rất sâu rộng “đối với anh em văn nghệ sĩ trẻ tham gia Nhân Văn Giai Phẩm” [Lê Đạt, Tự thú].
Về hành động chống phá Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa của Thụy An, cho đến nay, một số người vẫn còn hoài nghi về tội
danh của bà, rằng Thụy An không phải là một gián điệp, không phải là
người tổ chức chống phá chính quyền… Ngay trong cuốn Nhân Văn Giai Phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc, tác giả cũng đòi hỏi: “Đáng lẽ bà phải có chỗ đứng xứng đáng trên văn đàn, bởi bà là nhà báo đầu tiên chủ trương các tờ Đàn Bà Mới tại Sài Gòn, từ 1934, và Đàn Bà, Hà Nội, 1937. Bà là nhà văn nữ tiên phong với tiểu thuyết Một linh hồn,
1942. Nhưng cho đến nay, chính quyền chưa hề trả lại cho bà phần danh
dự bị bôi nhọ trong hơn nửa thế kỷ, với những lời nhục mạ tàn nhẫn, một
cái án 15 năm phi lý, và cho đến chết bà vẫn chưa hề được phục hồi
danh dự” [Thụy Khuê, sđd, tr.170].
Thế nhưng, chính ông Nguyễn Hữu Đang thừa nhận: “Bà
Thụy An bị cơ quan an ninh nghi bà ấy làm gián điệp cho Pháp, vì thời
tạm chiếm, bà ấy có quan hệ với nhiều người Pháp. Đến lúc đi, người ta
sắp cử bà ấy làm giám đốc đài phát thanh cơ mà! Như thế là bà ấy cũng
có địa vị, có uy tín, thì đáng nhẽ là bà ấy phải theo chính quyền Ngụy
vào trong Nam chứ, bà ấy lại không theo vào”(?), và ông biện hộ: “bà ấy
ở lại vì lý do chuyện cá nhân của bà”(!) [Nguyễn Hữu Đang trả lời phỏng vấn RFI].
Lời của Nguyễn Hữu Đang cho thấy Thụy An không chỉ là người “có quan
hệ với nhiều người Pháp” mà còn là người “có địa vị, có uy tín” với
chính phủ Pháp, “sắp được cử làm giám đốc đài phát thanh”, “đáng nhẽ
phải theo chính quyền Ngụy vào Nam”, nhưng “bà ấy ở lại vì lý do cá
nhân”. Đó là lý do gì? Chính bà Thụy Khuê đã trả lời hộ: “Thụy An là
người có liên hệ chặt chẽ với những người Quốc dân đảng như Đỗ Đình Đạo
(Giám đốc Quân thứ lưu động của Việt Nam Quốc dân đảng) và người Pháp
như Đại sứ Sainteny, các tướng Tassigny, Cogny…”. Còn chứng cứ về mối
quan hệ ở mức “Nghĩa tử quốc gia” giữa Thụy An với nước Pháp thời kỳ đó
thì chính Bùi Thư Linh (con gái Thụy An) xác nhận với Thụy Khuê trong
cuộc điện đàm giữa hai người ngày 17-10-2009:
“- Đến năm 1954, Bùi Thư Linh (16 tuổi) đi Pháp, tại sao?
- Tôi bị bệnh lao xương, mẹ gửi tôi đi Pháp chữa bệnh ngày 20-5-1954.
- Gia đình túng thiếu, lấy tiền đâu ra?
- Đi theo diện Pupille de la Nation (Nghĩa tử quốc gia), chính phủ Pháp lo hết”.
[Thụy Khuê, sđd, tr.178].
Thụy Khuê cũng khẳng định: “…Khi ra Bắc, Thụy An
đã có chủ đích chính trị: đặt bản doanh chống chính quyền cộng sản ở
Hòa Xá, quê hương bà, nơi có những người tin cẩn nhất. Hòa Xá cũng là
một trong những làng có truyền thống chống cộng. Và để đánh lạc hướng,
bà nhận cả công tác do thám Pháp cho chính quyền cộng sản. Với hành
động này, Thụy An trở thành nhà văn đầu tiên tổ chức chống chính quyền
cộng sản, trong lòng chế độ” [Thụy Khuê, sđd, tr.178].
Thực ra, Thụy An đã cùng con cái vào Nam từ 1952,
nhưng vẫn thường xuyên trở ra Hà Nội để tổ chức cơ sở chống lại Đảng và
Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nên tháng 3 năm 1957 bà bị bắt trên
đường lẩn trốn từ Hòa Xá, Hà Đông đến Phủ Lý (quê chồng). Và hành động
đó của bà đã được chính con trai bà thừa nhận. Trả lời câu hỏi “Thụy
An thường xuyên ra Hà Nội với mục đích gì?”, Bùi Thụy Băng, con trai thứ
của Thụy An, nói: “Bà cụ tôi ra Bắc, với hai mục đích: - Về quê mình để thu thập tất cả những gì quý báu nhất trong nhà ông ngoại tôi. Thứ nhì, bà cụ tôi muốn đặt cái bản doanh chống lại chính quyền ở Hòa Xá - chúng tôi nhấn mạnh” [Bùi Thụy Băng, điện đàm ngày 16-12-2004 - Thụy Khuê, sđd, tr.179].
Những chứng cứ trên cho thấy Thụy An là “Nghĩa tử quốc gia” của Pháp, là người đã có những hoạt động và tổ chức hoạt động chống lại chính quyền cộng sản ở miền Bắc Việt Nam. Vậy là tội trạng của Thụy An đã quá rõ, còn mục tiêu sâu xa của bà trong việc gây ảnh hưởng “đối với anh em văn nghệ sĩ trẻ tham gia Nhân Văn Giai Phẩm” (như lời của nhà thơ Lê Đạt) cũng không hẳn là việc làm ngẫu nhiên.
* * *
Từ những chứng cứ vừa nêu trên có thể thấy Thụy An
và Nguyễn Hữu Đang không phải là một, nhưng có sự gặp nhau về tư tưởng
chống Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, và trên thực tế cả
hai cũng đã bắt đầu có những động thái địch lại với nhau. Điều này cũng
giải thích vì sao Thụy An đã vào miền Nam vẫn ra Bắc (trên danh nghĩa
nhà báo), còn Nguyễn Hữu Đang lại tìm đường trốn vào Nam và bị bắt vào
tháng 4-1958.
Với những chứng cứ về hoạt động chống đối của mình,
trước quan tòa, trước luật sư bào chữa cho mình, Thụy An và Nguyễn Hữu
Đang đã nhận hình phạt 15 năm tù giam, không kháng án.
Trong vụ án này, ngoài Nguyễn Hữu Đang ra, không có ai tham gia phong trào Nhân Văn và Giai Phẩm bị bắt, bị xử, kể cả Chủ nhiệm báo Nhân Văn là cụ Phan Khôi và Thư ký tòa soạn là họa sĩ Trần Duy. Cả hai vị chủ trương tạp chí Giai Phẩm là Hoàng Cầm và Lê Đạt cũng không bị truy tố. Trong khi, theo Trần Duy, việc mở báo Nhân Văn là
mưu đồ của Nguyễn Hữu Đang nhưng được Lê Đạt, Trần Dần, Văn Cao, Hoàng
Cầm… hưởng ứng. Những người này đều có tên tuổi trên văn đàn, nhưng
điều khiến họ không thể đứng tên xin ra báo vì họ là đảng viên Đảng Lao
động Việt Nam, có thể được cử đến làm ở các tờ báo của Đảng, của các
đoàn thể, nhưng lại không thể đứng tên xin ra báo tư nhân. Vì thế họ đã
tìm đến cụ Phan Khôi và Trần Duy. [Trần Duy: Một câu hỏi còn chưa được trả lời, talawas.org-?p=7293].
Việc truy tố Nguyễn Hữu Đang, Thụy An mà không truy tố những người trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm chứng
tỏ pháp luật Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã xử đúng người, đúng tội (ở
đây tôi không nói tới mức án nặng, nhẹ đối với mỗi người). Có trong tay
những tư liệu tôi vừa mượn dẫn vậy mà bà Thụy Khuê lại lờ đi hoặc sử
dụng méo mó nhằm biện hộ cho Nguyễn Hữu Đang và Thụy An để kết tội Nhà
nước Cộng sản Việt Nam. Với tôi, cả ông Nguyễn Hữu Đang và bà Thụy An
là những người có tài, thuộc bậc cha chú; họ đã mất sau khi chấp hành
án không chống đối, không nên “kết tội” lại. Tuy nhiên, bà Thụy Khuê đã
nhân danh một nhà khoa học viết một công trình biên khảo, khảo cứu lại
vụ án, rất dễ gây lòng tin đối với độc giả, nhưng cách viết lại thiếu
khách quan, khoa học khiến nhiều bạn đọc lầm tưởng. Vậy xin có đôi lời
trao đổi lại.
Hà Nội, tiết Thanh minh năm 2013
______
(*) PGS-TS ngành Văn học Dân gian, nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm Vinh.
(**) Bài này có tên: Trả lời bạn Nguyễn Chương và báo Nhân Dân: Chúng tôi cực lực phản đối luận điệu vu cáo chính trị (báo Nhân Văn số 2, ngày 30-9-1956).