Showing posts with label thuật ngữ thực vật học. Show all posts
Showing posts with label thuật ngữ thực vật học. Show all posts

Wednesday, 13 June 2018

Hoa mộc (Đông A)

Hoa mộc

Photobucket

Trời sinh vật vuỗn bằng người
Nếu được thơm tho thiếu tốt tươi
Ắt có hay đòi thửa phận
Chẳng yêu thì chớ nữa chi cười
Nguyễn Trãi

Hoa mộc (hay còn gọi là mộc tê) có tên khoa học là Osmanthus fragrans. Hoa mộc ở Việt Nam thường có màu ngà (ảnh trên), trong khi đấy ở nước ngoài lại rất trắng (ảnh dưới). Nhà tôi có hai cây hoa mộc trồng trong chậu, còi cọc nhưng năm nào cũng ra hoa. Khác với hoa mộc ở nước ngoài, hương thoảng tận mũi, tôi phải nhắm mắt lại mới cảm được hương hoa mộc nhà tôi. Hương hoa mộc rất nhẹ nhàng, thơm dìu dịu. Đôi khi dịch thơ Đường, tôi dịch mộc tê thành cây quế, một cách dịch rất sai, vì mộc tê và quế thuộc các họ khác nhau. Người Trung Quốc gọi hoa mộc là quế hoa, nhưng không phải là hoa của cây quế chi Cinnamomum. Thành ra quế hoa dịch ra tiếng Việt phải là hoa mộc, chứ không phải là hoa quế. 

Photobucket

Sunday, 10 June 2018

Hoa ngọc trâm (Đông A)

Hoa ngọc trâm

Photobucket

Anh tặng cho em hoa ngọc trâm
Hoa như ánh sáng, ngọc như mầm
Như cài trên tóc hoa trâm ngọc
Anh tặng cho em hoa ngọc trâm
Xuân Diệu

Người Việt chúng ta vẫn gọi hoa này là hoa ngọc trâm. Nhưng tôi cho rằng đó là một nhầm lẫn. Hoa có tên khoa học là Eucharis grandiflora. Hoa ngọc trâm thực sự phải là hoa thuộc chi Hosta. Phải giàu tưởng tượng lắm mới hình dung được bông hoa Eucharis grandiflora giống như một cái trâm cài đầu, trong khi đấy hoa Hosta plantaginea dễ thấy hình dạng của một cái trâm. Người Trung Quốc gọi hoa Hosta plantaginea là hoa ngọc trâm, trong khi đấy gọi hoa Eucharis grandiflora là hoa bách hợp hay hoa bạch hạc. Người Nhật cũng gọi hoa Eucharis grandiflora là hoa bách hợp. Tất nhiên tên gọi hoa của Trung Quốc, Nhật Bản không phải là chuẩn mực để người Viêt phải gọi theo, nhưng các tên gọi đều có nguồn gốc của chúng. Thông thường hoa bách hợp tương đương trong tiếng Việt là hoa huệ hay hoa loa kèn. Như vậy có thể gọi hoa là hoa huệ Amazon để lưu ký nguồn gốc bản địa của hoa hay hoa huệ ngọc trâm để giữ lại chút cố hữu của dân gian. Nhưng thói quen của dân gian là một điều rất khó thay đổi.

Hoa ngọc trâm Trung Quốc (Đông A)

Hoa ngọc trâm (Trung Quốc)

Photobucket

Yến bãi Dao Trì A Mẫu gia 
Nộn quỳnh phi thượng tử vân xa 
Ngọc trâm lạc địa vô nhân thập 
Hóa tác Giang Nam đệ nhất hoa
Hoàng Đình Kiên 

Tàn tiệc Tây Vương Mẫu tại nhà
Quỳnh thơ xe tía cưỡi mây xa
Ngọc trâm rớt đất không người nhặt
Hóa tại Giang Nam đệ nhất hoa

Đây là hoa ngọc trâm trong văn hóa của người Trung Quốc. Hoa có tên khoa học là Hosta plantaginea, hoàn toàn khác hoa ngọc trâm của người Việt. Hoa ngọc trâm của Trung Quốc có một số truyền thuyết về nguồn gốc của hoa. Một trong những truyền thuyết đó là tiên nữ của Tây Vương Mẫu sau một buổi yến tiệc làm rớt cây trâm ngọc cài đầu xuống địa giới và hóa thành hoa ngọc trâm. Hoa ngọc trâm của Việt Nam không thấy có truyền thuyết nào. Tôi thấy hoa ngọc trâm của Trung Quốc giống cây trâm cài đầu hơn hoa ngọc trâm của Việt Nam, bởi vì đài hoa ngọc trâm Việt Nam cong veo, không thẳng. Hoa ngọc trâm của Trung Quốc có hương thơm, còn hoa ngọc trâm của Việt Nam lại hắc.

宴罷瑤池阿母家
嫩瓊飛上紫雲車
玉簪落地無人拾
化作江南第一花
黃庭堅

Hoa bát thủ (Đông A)

Hoa bát thủ

Photobucket

立つ人に因りて八手の花もよし
Tatsu hito ni yorite yatsude no hana mo yoshi 
Kyoshi

Tùy theo người đứng
hoa bát thủ vẫn đẹp

Lần đầu tiên tôi nhìn thấy hoa bát thủ ở Lục nghĩa viên. Lúc đấy chưa biết hoa tên là gì. Sau sang Ngự uyển mới biết hoa có tên là bát thủ. Cây hoa có tên khoa học là Fatsia japonica, một loài cây bản địa của Nhật Bản. Sở dĩ cây hoa có tên là "bát thủ" được cho là do lá của cây tạo thành nhiều múi như những ngón tay. Nhưng thật sự số múi của lá cây luôn là số lẻ, 7 hay 9 múi. Có lẽ "bát" không phải chỉ số 8, mà mang ý nghĩa như "kép" hay "nhiều", kiểu giống như "bát trùng" có nghĩa là cánh kép.

Cây bát thủ thường được dịch ra tiếng Việt rất sai thành cây dây leo. Ví dụ bản dịch tiếng Việt của Ngô Quý Giang tiểu thuyết Tiếng rền của núi đã dịch thành: "Ngày chủ nhật ở nhà Singo dùng cưa cắt bụi dây leo quấn chặt lấy gốc cây anh đào ngoài vườn". Cây bát thủ đâu phải là loại dây leo. Đó là một loại cây bụi. Bản dịch tiếng Anh của Seidensticker là: "On Sunday morning, Shingo sawed down the yatsude at the foot of the cherry".

Thu hải đường (Đông A)

Thu hải đường

Photobucket

秋海棠その葉は何を片思い
Shukaido sono ha wa nani o kata-omoi
Hiroshige

Thu hải đường:
những chiếc lá
tương tư gì

Cây hoa này ở Hà Nội được gọi là trúc Pháp. Tôi thấy tên gọi kỳ dị quá, và hỏi cô hàng bán hoa sao lại có tên như vậy. Cô hàng bán hoa nói rằng lá cây giống lá trúc nên có tên gọi như vậy. Tôi nhìn vẫn không thấy lá giống lá trúc, tuy chúng có hơi dài và phía đầu lá hơi nhọn. Tôi thấy cây hoa đích thị là một loài thu hải đường, có tên khoa học là Begonia sp. Nhưng giờ đây làm sao có thể chỉnh về đúng tên gọi của nó là thu hải đường khi mọi người cứ gọi nó là trúc Pháp? Chúng ta luôn luôn bất lực trước những truyền thống và chẳng còn cách nào khác là đành phải buông xuôi.  

(http://donga01.blogspot.com.au/2012/04/thu-hai-uong.html)

Lan chu đinh (Đông A)

Lan chu đinh

Photobucket

蘭の香や蝶の翅に薫物す
Ran no ka ya cho no tsubasa ni takimono su
Basho

Hương lan
nơi cánh bướm
ngát thơm

Lan chu đinh là một loại địa lan, có tên khoa học là Spathoglottis plicata. Loài lan này tương đối dễ trồng, không phải chăm bón cầu kỳ. Không nhầm lẫn lan chu đinh với chu lan (hay châu lan) mà Ngô Thì Nhậm từng nói tới trong bài đề tựa cho tập Hoa trình học bộ: "Ta thường nghĩ những người thường có bốn điều không thể biết, đó là chơi hoa châu lan không biết thơm, uống trà long tỉnh không biết ngon, nghe khúc điệu cung đình không biết vui, đọc thơ Cầm sắt không biết hay. Bởi vì bốn cái ấy thanh cao quá, không thích hợp với người thường vậy. Tuy thế, đó là nói chưa biết mà thôi, còn khi đã biết rồi, thì ở dưới trời này, những cái được gọi là hoa, là trà, là khúc, là thơ, có cái gì lại cao siêu tuyệt diệu hơn được những cái ấy..."  Châu lan chính là loài hoa sói, có tên khoa học là Chloranthus spicatus.

Nhà tôi có một chậu lan chu đinh, thường để mặc không chăm bón và vẫn ra hoa. Tôi đi vắng về nhà chậu lan đã không còn. Hỏi người nhà mới biết chậu lan đã chết. Giở những tập ảnh tôi chụp vẫn còn thấy những bông hoa của nó.


Thử tình khả đãi thành truy ức
Chỉ thị đương thời dĩ võng nhiên
Lý Thương Ẩn

Mai đỏ (Đông A)

Mai đỏ

Photobucket

紅梅や見ぬ恋作る玉簾
koobai ya minu koi tsukuru tamasudare
Basho

Mai đỏ
không nhìn thấy tình yêu tác thành
rèm ngọc

Rèm ngọc là hình ảnh của người con gái khuê các. Mai đỏ là vẻ đẹp. Bài haiku thể hiện có một người con gái khuê các xinh đẹp làm xiêu lòng người nhưng lại không nhìn thấy được.

Cây hoa trong ảnh không phải là hoa mai chính tông. Những cái tên như mai đỏ, nhất chi mai là tên thậm xưng, kiểu như hoa mai vàng. Cây hoa có tên khoa học là Jatropha integerrima thuộc chi dầu mè.

Sunday, 27 May 2018

Trúc mây (Đông A)

Trúc mây

Photobucket

ひとりひっそり竹の子竹になる 
hitori hissori takenoko take ni naru
Santoka

Đơn độc và lặng lẽ
măng trúc
trở thành trúc

Cây trúc mây có tên khoa học là Rhapis excelsa. Tuy gọi là trúc nhưng cây lại không chung họ với các  tre trúc, mà lại cùng họ với cau, cọ, mây..., bởi vậy mà hoa trúc mây giống hoa cau, cọ hơn là giống hoa tre trúc. Người Trung Quốc gọi cây là "tông trúc" ("tông" có nghĩa là cọ), đôi khi còn gọi là "Quan Âm trúc". Người Nhật cũng gọi là "Quan Âm trúc". Theo một nghiên cứu khoa học, cây trúc mây có tác dụng lọc ammonia tốt nhất và lọc formaldehyde chỉ sau thiết mộc lan. Nhà tôi buồng tắm nhỏ nên chưa thử nghiệm đem một chậu cây trúc mây vào xem không khí có trong lành và tinh khiết hơn không.

Saturday, 10 June 2017

Vông mồng gà (Đông A)

Vông mồng gà

Photobucket

いろみえて
うつろふ物は
世中の
人の心の
花にそありける

iro miede 
utsurou mono wa 
yo no naka no 
hito no kokoro no 
hana ni zo arikeru 

Ono no Komachi

Sắc ngoài không phai
mà vẫn biến đổi
là hoa trong lòng 
của người từng trải
ở cõi đời này

Lần đầu tôi thấy cây hoa này ở một con phố nhỏ ở Hà Nội. Tôi không biết cây hoa có tên là gì, hỏi những người bạn đi cùng cũng không ai biết. Về nhà tra Google mới biết là cây vông mồng gà, có tên khoa học là Erythrina crista-galli. Nhìn bức ảnh tôi chụp ở trên, bạn có nhận ra đặc điểm gì đặc biệt của Hà Nội không? Bụi. Bụi bám trên những chiếc lá. Hà Nội của tôi bụi bặm, đông đúc và ồn ào. Không gian ngột ngạt, chỉ còn những chùm hoa như những ngọn lửa trên cây, như phương Tây gọi cây là cây bông lửa (flame tree), và không biết đến bao giờ chúng mới bùng cháy cả Hà Nội này, và tôi chợt nhớ tới bài thơ của Akhmatova mà tôi đã từng dịch:

... Và tôi cảm thấy những ngọn lửa cháy rực
Bốc cùng tôi cho tới tận rạng đông
Và tôi vẫn chưa làm sao dò ra được 
Chúng màu gì, những con mắt đó lạ lùng
Tất cả vừa run run vừa ca hát bốn phương
Lẫn cả tôi không nhận ra, ngươi kẻ thù hay bè bạn
Và mùa đông hay mùa hạ ở đây.

Thiết mộc lan (Đông A)

Thiết mộc lan

Photobucket

夜の蘭 香にかくれてや 花白し
yoru no ran ka ni kakurete ya hana shiroshi
Buson

Dạ lan
trong mùi hương ẩn giấu
màu hoa trắng

Bài haiku của Buson viết về một loài hoa lan nở trong đêm. Trong bóng đêm chúng ta không nhìn thấy sắc hoa nhưng ngửi thấy hương hoa, cứ như là cây giấu hoa của mình trong mùi hương. Hương vị che giấu màu sắc là một cảm nhận rất vi tế.

Thiết mộc lan có tên khoa học là Dracaena fragrans, không phải là một loài hoa lan. Hoa của thiết mộc lan cũng nở vào buổi tối và hương cũng rất thơm. Thiết mộc lan rất dễ trồng và rất dễ sống. Đây cũng là loại cây có tác dụng lọc formaldehyde trong không khí, và theo nghiên cứu của NASA là một trong top 10 loài cây lọc không khí tốt nhất, và như vậy rất có ích trồng ở trong nhà. 

Xích đồng (Đông A)

Xích đồng

Photobucket

桐の花咲くや都の古屋敷
Kiri no hana saku ya miyako no furuyashiki
Shiki

Hoa đồng nở
ngôi nhà cổ kinh đô
bày ra

Cây xích đồng (hay mò đỏ) có tên khoa học là Clerodendrum japonicum. Tên gọi xích đồng khá thống nhất với tên gọi trinh đồng của người Trung Quốc và phi đồng (higiri) của người Nhật Bản [xích, trinh, phi đều có nghĩa là màu đỏ]. Tuy cũng gọi là "đồng" nhưng cây không có liên quan với cây ngô đồng mùa thu lá rụng. Bài haiku của Shiki nói về cây ngô đồng. 

Trúc Nhật (Đông A)

Trúc Nhật

Photobucket

稲妻にこぼるる音や竹の露
inazuma ni koboruru ota ya take no tsuyu
Buson

Trong tia chớp
tiếng rơi khắp
những giọt sương lá trúc

Tia chớp lóe lên nhưng không nghe thấy tiếng sấm, mà nghe thấy tiếng những giọt nước rơi khắp trên cây trúc, nhìn ra thì lại là những giọt sương. Trong ánh chớp đấy, những giọt nước mưa trên lá trúc trông giống như những giọt sương, long lanh, tròn trịa, nhưng lại khác những giọt sương ở chỗ chúng tạo ra âm thanh, như một hệ quả của tia chớp.

Cây trúc Nhật có tên khoa học là Dracaena surculosa. Cái tên trúc Nhật là một cách gọi tùy tiện của dân gian, kiểu cũng giống như trúc Pháp, lan Ý. Những cây này hoàn toàn không có nguồn gốc riêng biệt từ Nhật, Pháp hay Ý. Tuy gọi là trúc, chi Dracaena không có liên quan gì tới tre trúc. Trái lại, cây trúc Nhật khá gần gũi với thiết mộc lan hay cây phất lộc (phát lộc, Dracaena sanderiana). Người Việt còn gọi cây trúc Nhật là trúc Quan Âm, trong khi đấy người Trung Quốc, Nhật Bản gọi cây trúc Quan Âm là cây trúc mây. Người Nhật gọi cây trúc Nhật là tinh thiên niên mộc, còn người Trung Quốc gọi là du điểm mộc, cho thấy cả người Nhật lẫn người Trung Quốc đều không coi cây trúc Nhật thuộc loại tre trúc. Vì cây trúc Nhật thuộc chi Dracaena nên hoa của nó hoàn toàn không giống hoa tre trúc cũng như hoa cau, cọ. Chúng nghiêng về phía thiết mộc lan

Tử đằng (Đông A)

Tử đằng

Photobucket

Hoa tử đằng này có tên khoa học là wisteria floribunda. Hoa này còn gọi là tử đằng Nhật để phân biệt với hoa tử đằng Trung quốc cùng chi (wisteria sinensis). Tiếng Đức gọi hoa tử đằng là Blauregen, mưa tím, bởi vì hoa rủ xuống như làn mưa màu tím chảy xuống từ mái hiên. Cái tên vừa đẹp lại vừa man mác buồn. Màu tím đã man mác buồn lại thêm mưa. Cứ theo kiểu Việt Nam loại hoa này dễ bị gọi là lan hay phong lan. Nhiều khi tôi không thể nào hiểu được cách gọi tên hoa của người Việt. [Bổ sung: tiếng Việt gọi hoa này là dây sắn tía]. Loại hoa tím gọi là tử đằng, loại hoa trắng gọi là ngân đằng. Quảng quần phương phổ chép rất nhiều loại cây đằng. Đằng là tên chung chỉ loại cây có tua rủ xuống.

Lý Bạch có bài thơ Tử đằng thụ:

Tử đằng quải vân mộc
Hoa mạn nghi dương xuân
Mật diệp ẩn ca điểu
Hương phong lưu mỹ nhân

Tôi dịch bài Cây tử đằng này thành thơ:

Tử đằng treo chót vót
Lớp lớp tưởng đương xuân
Cánh rậm che chim hót
Hương bay níu mỹ nhân

Tôi bỗng nhận ra ở Việt Nam rất ít hoa mọc trong tự nhiên, hay chính xác hơn, ở thành phố thấy rất ít loại hoa nở ở những nơi công cộng. Có thể rừng Việt Nam có nhiều hoa, nhưng tôi lại chưa bao giờ vào rừng ở Việt Nam. Vào rừng ở Việt Nam có lẽ không an toàn vì dễ có những thứ vắt, rắn, rết. Người Việt chơi hoa không được tự nhiên. Chẳng hạn đào, quất cứ phải thiến đào, đảo quất để ép cây nở hoa hay ra quả vào một khoảng thời gian nhất định. Tưởng là hay, nhưng thực ra rất dở vì không thể nào tạo ra được một phố đào, phố quất. Dịp Tết tôi ra bãi Phúc Xá xem hoa đào, nhưng quả thật không thể nào đẹp bằng một rừng đào hay một bãi đào vì những cây đào ở Phúc Xá đều con con, mang tính bài trí trong nhà hơn là ở ngoài tự nhiên. Cứ tưởng Việt Nam có nhiều loại hoa đào, nhưng thực ra Việt Nam có rất ít loại hoa đào nếu so với các nước khác. Hay là xuân hết lại viết về đào.
Photobucket

Hoa Ưu Đàm (Blog Đông A)

Hoa ưu đàm

Photobucket

優曇華の花待ち得たる心地して   深山桜に目こそ移らね
udonge no  hana machi-etaru kokochi shite 
mi-yama-zakura ni me koso utsurane

In thirty hundreds of years it blooms but once
My eyes have seen it, and spurn these mountain cherries
Tale of Genji

Hoa ưu đàm hay ưu đàm bát la là tên phiên âm kiểu Hán-Việt từ tiếng Pali hay Sanskrit udumbara. Trong tiếng Pali hay Sanskrit udumbara là cây Ficus racemosa, tức là cây sung trong tiếng Việt. Thế nhưng về hoa ưu đàm có nhiều cách hiểu khác nhau, thậm chí mang tính huyền bí. Tại sao? Nguyên do các kinh điển Phật giáo đề cập tới loài cây này, vừa theo nghĩa đen, vừa theo nghĩa bóng với những ẩn dụ mang tính tôn giáo. Nhìn bên ngoài, cây sung vốn được coi là loài cây không có hoa, chỉ có quả. Nhưng về mặt khoa học, điều đó không đúng. Cây sung có hoa, cả hoa đực lẫn hoa cái, nhưng hoa phát triển cùng với hạt trong cùng một khối mà chúng ta gọi là quả sung. Thực chất bên trong quả sung chính là hoa sung. Nhưng dân gian không biết điều đó, cho rằng cây sung không có hoa hoặc rất khó ra hoa. Vì vậy mà cây sung còn có tên gọi là "vô hoa quả". Chính vì đặc tính không có hoa như vậy mà cây sung được ẩn dụ hóa thành một loài cây rất hiếm khi ra hoa, và do vậy cây sung ra hoa là một sự kiện hy hữu, được liên kết với những sự kiện tôn giáo mang tính hy hữu đặc biệt.

Hoa ưu đàm trong các kinh tạng của Phật giáo Nguyên thủy bằng tiếng Pali chỉ hàm nghĩa ẩn dụ như trên, chưa có các đặc điểm huyền bí như sau này. Udumbara trong kinh tạng tiếng Pali khi được dịch ra các tiếng khác, đều dịch là cây sung, kể cả tiếng Việt. Ví dụ như trong Kinh tập của Tiểu Bộ kinh, phần phẩm Rắnkinh Rắn, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch như sau:

"Ai trong các sanh hữu,
Không tìm thấy lõi cây,
Như kẻ đi hái hoa,
Trên cây sung không hoa.
Tỷ-kheo ấy từ bỏ,
Bờ này và bờ kia,
Như loài rắn thoát bỏ
Da rắn cũ già xưa."

Cây sung không hoa chính là udumbara, tức là ưu đàm bát la. Cũng như vậy trong Thiên Đại phẩmcủa Tương Ưng Bộ kinh, phần Tương Ưng Giác Chi, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch rất rõ udumbara là cây sung:

"Và này các Tỷ-kheo, những cây lớn nào sanh từ hột giống nhỏ, có thân cây lớn, lớn lên bao trùm các cây khác, các cây ấy bị bao trùm, bị phá hủy, bị hư hại, ngã xuống, nằm rạp xuống? Ví như cây Bồ-đề, cây bàng, cây sanh (pilakka), cây sung (udumbara), cây bách hướng (kacchaka), cây kapitthaka; những cây lớn này, này các Tỷ-kheo, sanh từ hột giống nhỏ, có thân cây lớn, lớn lên bao trùm các cây khác. Các cây ấy bị bao trùm, bị phá hủy, bị hư hại, ngã xuống, nằm rạp xuống."

Thế nhưng ngay ở kinh tạng tiếng Pali, udumbara không chỉ hàm nghĩa là một loài cây hiếm khi ra hoa, mà còn hàm nghĩa là loài cây giác ngộ tức là một loài cây bồ đề, thành ra udumbara lại có thể được hiểu thành cây bồ đề. Nguyên do Thế tôn Konagamana giác ngộ dưới cây udumbara. Thực chất, cứ hiểu Thế tôn Konagamana giác ngộ dưới gốc cây sung sẽ chẳng có vấn đề gì, nhưng tôn giáo luôn muốn thần thánh hóa, không muốn gọi là cây sung, mà muốn gọi là cây giác ngộ, thành ra chuyện trở nên rắm rối. Kinh Đại Bổn trong Trường Bộ kinh có đoạn được Hòa thượng Thích Minh Châu dịch như sau:

"Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, giác ngộ dưới gốc cây pàtali (bà-bà-la). Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Sikhì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, giác ngộ dưới gốc cây pundarika (phân-đà-ly). Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Vessabhù, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, giác ngộ dưới gốc cây sirĩsa (thi-lợi-sa). Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Konàgamana, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, giác ngộ dưới gốc cây udumbara (ô-tam-bà-la). Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, giác ngộ dưới gốc cây nigrodha (ni-câu-luật-đà). Này các Tỷ-kheo, nay Ta là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác giác ngộ dưới gốc cây assattha (bát-đa-la)."

Lưu ý trong trích đoạn trên Hòa thượng Thích Minh Châu không dịch udumbara là cây sung như đã dịch trong Tiểu Bộ kinh hay Tương Ưng Bộ kinh mà phiên âm thành ô-tam-bà-la. Chính sự thiếu nhất quán như vậy của những người theo đạo Phật dẫn tới sự rối rắm, không nhất quán về cách hiểu ưu đàm bát la hay ưu đàm hoa.

Về hoa ưu đàm các kinh tạng tiếng Pali viết còn đỡ rắc rối. Sang các kinh tạng tiếng Hán của Đại Thừa, hoa ưu đàm trở nên rắc rối hơn. Diệu Pháp Liên Hoa kinh liên kết hoa ưu đàm với sự ra đời của chư Phật:

"Chư Phật xuất thế
là sự khó có,
vì lẽ lâu xa
mới gặp một lần.
Mà dẫu chư Phật
đã xuất thế rồi,
nói về pháp này
là sự khó có.
Vô số thời kỳ
mới nghe pháp này,
nên sự nghe ấy
là sự khó có.
Và rồi những ai
nghe nổi pháp này,
thì người như vậy
là người khó có.
Như hoa ưu đàm
ai cũng ưa thích,
đến như chư thiên
cũng thấy hiếm có,
vì lẽ thỉnh thoảng
mới trổ một lần.
Những người nghe nổi
pháp như thế này,
nghe rồi hoan hỷ
ca tụng tán dương,
thì dẫu đến nỗi
chỉ phát một lời,
cũng đã hiến cúng
tam thế chư Phật.
Nên người như vậy
hết sức khó có,
khó có hơn cả
hoa thiêng ưu đàm."

Đoạn trích trên do Hòa thượng Thích Trí Quang dịch. Hòa thượng Thích Trí Quang còn dẫn giải:

"... chính trong phẩm 2, Phật nói Nhất thừa hiếm có như hoa ưu đàm. Ưu đàm là ưu đàm bát la (udumbara) mà nay có người nói tên khoa học là ficus glomerata. Ưu đàm là hoa thiêng quí hiếm hay là ficus glomerata thì tôi tồn nghi. Nhưng điều chắc chắn là ưu đàm không thể không liên hệ gì với hoa sen."

Ở đây có thể nhận thấy cách hiểu của Hòa thượng Thích Trí Quang. Hòa thượng nghi ngờ ưu đàm bát la không phải là cây sung, mà là một thứ cây linh thiêng gì đó có liên hệ với hoa sen. Lý do tôi nghĩ rằng Hòa thượng Thích Trí Quang đã cho rằng ưu đàm bát la nở khi chư Phật xuất hiện, do vậy nó phải là thứ hoa linh thiêng, và hơn nữa nó được nói tới trong Liên Hoa kinh, do vậy ắt phải có liên quan tới hoa sen. Nhưng nếu nhìn nhận nghĩa ẩn dụ của cây sung là một thứ cây rất hiếm khi ra hoa như trong kinh tạng Pali, và ẩn dụ hóa tiếp tính linh thiêng của nó bằng liên kết với sự xuất hiện của chư Phật cũng không có vấn đề gì. Như vậy có thể thấy từ Phật giáo Nguyên thủy tới Phật giáo Đại Thừa và các pháp môn, hoa ưu đàm đã trở nên rắc rối hơn nhiểu.

Song vấn đề không dừng lại ở đó. Từ Liên Hoa kinh, câu thành ngữ trong tiếng Hán "Đàm hoa nhất hiện" trở nên phổ biến. Nhưng ý nghĩa của thành ngữ này không còn giữ được nghĩa gốc như trongLiên Hoa kinhHán-Việt tự điển của Thiều Chửu giải thích: "Đàm hoa nhất hiện, ý nói bỗng thấy lại biến đi ngay, tục thường mượn dùng để tả sự mau sinh, mau diệt". Thiều Chửu là một nhà tu hành đạo Phật, ông không thể không biết Liên Hoa kinh, vậy tại sao ông chỉ giải thích ý nghĩa của "Đàm hoa nhất hiện" như vậy? Vấn đề nằm ở chỗ cách giải nghĩa của Thiều Chửu là cách hiểu chính thức trong tiếng Hán. Rắc rối giờ đây nằm ở chính tiếng Hán. Trong tiếng Hán đàm hoa chính là hoa quỳnh trong tiếng Việt Epiphyllum oxypetalum (hoa quỳnh trong tiếng Hán lại là một loài hoa khác, hoa Viburnum sargentii, thành ra nếu ai dịch từ tiếng Trung sang tiếng Việt quỳnh hoa là hoa quỳnh thì đấy không phải là hoa quỳnh trong cách hiểu của người Việt). Đàm hoa hay hoa quỳnh, chỉ nở một lần, tối nở, sớm tàn, thành ra có ý nghĩa "bỗng thấy lại biến đi ngay" của "đàm hoa nhất hiện". Ngay trong Quảng quần phương phổ cũng có hai loài hoa cùng mang tên ưu đàm hoa. Một ưu đàm hoa được giải thích là vô hoa quả, và một ưu đàm hoa là một loài hoa ở Vân Nam được mô tả sắc trắng, hương thơm, trông như hoa sen, có 12 cánh, có nguồn gốc từ Tây Vực. Loài cây đầu có lẽ là cây sung, và loài thứ hai có lẽ là cây quỳnh.

Với tôi hoa ưu đàm chỉ là cây sung, và ý nghĩa điển cố của nó chỉ là một loài hoa rất hiếm gặp. Tất cả những thứ khác được cho là hoa ưu đàm đều là không phải.
 

Monday, 15 July 2013

Giả thuyết và gợi ý về vài tên gọi thảo mộc (Phạm Đình Lân - Cái Đình)



Trong bài viết nầy tôi nêu lên giả thuyết về Cây Lơn và Cây Quéo.  Nhờ độc giả góp ý về hai giả thuyết nầy và cách gọi tên SƯNG dành cho dòng thảo mộc SemecarpusXUÂN TÔN dành cho dòng SwintoniaRI-TA hay TÌ-TA dành cho dòng Chirita, v.v...
*
Địa cầu rộng lớn và có nhiều vùng khí hậu khác nhau: khí hậu hàn đới, ôn đới, nhiệt đới, xích đới, sa mạc và đại dương với vô số các loại thảo mộc khác nhau. Việt Nam là một nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nên chỉ có các loại thảo mộc của vùng khí hậu nầy mà thôi. Cây cao su, cà phê, một số hoa, quả và rau cải trồng ở Đà Lạt trên cao nguyên Nam Trung Bộ là những loại thảo mộc do người Pháp du nhập vào Việt Nam. Chúng được trồng ở những vùng có thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp.
Cách đặt tên thảo mộc Việt Nam dựa vào:
- Cách gọi của người Trung Hoa: Lạc tiên (dây chùm bao), đại phong tử (cây chùm bao lớn), hương phụ (củ cỏ gấu), ba la mật (mít), hương cai (xoài), thiều lệ chi (chôm chôm), mã cật (măng cụt). Vua Minh Mạng gọi trái măng cụt là Giáng Châu Tử, v.v…
- Cách gọi tên của người Thái, Khmer: Thurien (sầu riêng), makok (cây cóc), mangkut (măng cụt)mean bat (bình bát), svaay (xoài), muom (muỗm - xoài muỗm), v.v…
- Cách gọi tên của Pháp: cà tô mát (tomate), cải xà lách (salade), cải xà lách son (cresson), cao su (caoutchouc), cà phê (café), v.v…
- Hình dáng và màu sắc của thảo mộc: Cây móng bò, cỏ chỉ, cỏ lọ nồi, cây mun, cỏ bạc đầu, ngưu tất (đầu gối bò), ngưu thiệt (lưỡi bò), mướp khía, bí đỏ, cây dái ngựa, dây mù (hà thủ ô), mơ lòng (mơ tam thể), tía tô, thanh dại, đậu rồng, đậu xanh, đậu trắng, đậu đỏ, đậu đen, v.v…
- Hương vị: Cỏ chua lè, mật thảo, cây muối, cây ký ninh, mướp đắng, bạc hà, rau đắng, hoa tử thi, cây trôm hôi, v.v..
- Công dụng: Cây thuốc dòi, cây trường sinh, cây thuốc rắn, dền canh, cỏ bắt ruồi (Trường Lệ), dâm dương hoắc, cỏ chó đẻ, v.v…
Trong bài viết nầy tôi nêu lên giả thuyết về Cây Lơn và Cây Quéo.  Nhờ độc giả góp ý về hai giả thuyết nầy và cách gọi tên SƯNG dành cho dòng thảo mộcSemecarpusXUÂN TÔN dành cho dòng SwintoniaRI-TA hay TÌ-TA dành cho dòng Chirita, v.v.

Cây Lơn?
Ở Dĩ An (trước thuộc tỉnh Biên Hòa, nay thuộc tỉnh Bình Dương) gần Quốc Lộ 1 cũ có Ngã Ba Cây Lơn. Sau khi tìm kiếm xem cây lơn là cây gì nhưng không ra nguồn gốc của loại thảo mộc nầy, người ta sửa Ngã Ba Cây Lơn thành Ngã Ba Cây Lớn. Lớn ở đây là chữ trái nghĩa với nhỏ. Phải chăng gần đó có cây nhỏ? Cây lớn và cây nhỏ là tên của cây gì? Từ một ẩn số Cây Lơn, ta tạo thêm hai ẩn số khác (Cây Lớn và Cây Nhỏ) nhưng vẫn không có câu giải đáp thỏa đáng.
Có một loại thảo mộc miền nhiệt đới gọi là Chày Lơn, một tên gọi có vẻ là tên phiên âm từ tiếng Khmer. Đó là loại thảo mộc mang tên khoa học Buchanania lucida thuộc gia đình Anancardiaceae của cây điều lộn hột. Người Việt Nam còn gọi là cây xoài giả, cây sáng, cây mà cá. Các tên khoa học đồng nghĩa với Buchanania lucida là:
- Buchanania arborescens.
- Buchanania florida.
- Buchanania platyphylla.
Ta gọi cây Sáng có lẽ do chữ Lucida trong tên khoa học mà ra?
Hay do âm cuối của tên gọi Getasan của người Indonesia?
Hay dịch từ tên gọi thông thường của cây chày lơn từ tiếng Anh: Lightwood?
Cây sáng hay chày lơn cao từ 30m - 40m; lá rộng, dài; đầu lá nhọn. Lá non màu hồng như lá xoài non. Hoa nhỏ màu trắng-vàng nhạt giống như hoa cây xoài. Nhìn chung gọi là cây xoài giả cũng không xa sự thật bao nhiêu. Chỉ khác là trái sáng, trái chày lơn hay mà cá nầy nhỏ, hột cứng và ít cơm không giống như trái xoài. Cây sáng có nhựa như cây xoài. Vỏ có nhiều sợi.
Người Mã Lai gọi là cây sáng (chày lơn, xoài giả) là Otak udang tumpul.
Indonesia: Getasan.
Thái Lan: Chaa muang.
Phi Luật Tân: Balinghasai.
Trung Hoa gọi cây sáng hay chày lơn là Shan xian zhi (sơn tiên tử).
Anh gọi là sparrow's mango (xoài chim sẻ vì loài chim nầy thích ăn trái chày lơn), little gooseberry treesatinwood (cây sơn tiên), lightwood.
Dân hải đảo Thái Bình Dương gọi cây chày lơn (cây sáng) là Mangkarrba. Tên gọi Mà Cả có liên hệ gì đến tên gọi Mangkarrba không? Hay đó là âm 1 và 3 của chữ Ma/lac/ca nơi có nhiều cây sáng?
Cây sáng hay chày lơn cho nhiều gỗ. Trái ăn được nhưng không đặc biệt vì nhỏ, ít cơm. Hiện nay loại thảo mộc nầy trở nên hiếm dần.

Cây Quéo?
Ở Bình Hòa, bây giờ là Bình Thạnh, có xóm Cây Quéo. Theo từ nguyên thì Quéo là một hình dung từ chỉ một vật bị cong ở đầu. Cây Quéo có thể:
1- Là cây có đọt bị quéo lại vì một lý do nào đó (hiểu theo nghĩa trực tiếp).
2- Là cây xoài quéo.
Xoài Quéo được tìm thấy trong trạng thái hoang dã trên quần đảo Inonesia như đảo Sumatra, Kalimantan, Biên Hòa (Nam Bộ), đảo New Guinea, v.v… Trái xoài quéo trông xấu xí không giống như trái xoài thường thấy:
Tên khoa học của xoài quéo là:
- Mangifera reba.
- Mangifera camptosperma.
- Mangifera inocarpoides.
- Mangifera gedebe.
Người Anh gọi là Bent-seed mango vì cả trái lẫn hột đều quéo cong lại.
Người Trung Hoa gọi là Wan zi mang guo.
Người Khmer gọi là svaay reba, svaay miehs.
Người Indonesia ở Kalimantan gọi là repeh.
Xoài quéo cũng có nhiều trên các hải đảo Thái Bình Dương nhưng dân chúng không thích ăn trái. Cư dân trên đảo Kalimantan dùng gỗ cây xoài quéo làm vách hay sàn nhà.

Về tên gọi "SƯNG" cho dòng thảo mộc Semecarpus, gia đình thảo mộc Anacardiaceae
Dòng Semecarpus thuộc gia đình thảo mộc Anacardiaceae của cây điều, cây xoài. Không biết vì sao trong danh mục thực vật Việt Nam gọi dòng nầy là SƯNGSemecarpus cochinchinensisđược gọi là Sưng Nam Bộ (Cochinchinensis: Nam Kỳ), Semecarpus caudata được gọi là Sưng Có Đuôi,v.v…
 Theo từ nguyên khoa học gốc Hy Lạp ngữ thì Seme (Sema) có nghĩa là dấu (mark, sign),Carpus (karpos): trái. Semecarpus là trái để làm dấu chớ không phải trên trái có dấu. Thực tế không phải là trái mà là hột. Cây Semecarpus anacardium hay Anacardium orientale là một loại cây điều lộn hột gốc ở phương đông hay rõ hơn ở Ấn Độ. Hột trái điều không nằm trong trái mà nằm ở ngoài. Thợ giặt ủi ở Ấn Độ dùng nhựa hột trái điều nầy để làm dấu quần áo trước khi giặt. Vì vậy người Anh gọi cây điều Ấn Độ nầy (đối lại với cây điều mà chúng ta biết ở miền NamAnacardium occidentale vì nó gốc ở Tây Bán Cầu) là marking nut, Oriental sachew nut, varnish tree (cậy vẹt-ni), Malacca nut (Malacca: bán đảo Mã Lai), Ink tree (vì dùng làm mực).
Người Ấn Độ gọi cây điều Đông Phương là Bhallatak. cổ y Ấn Độ đề cao tính năng trị liệu của hột điều mặc dù hột điều có nhiều độc chất (ở vỏ) nhưng cơm béo và bùi rất ngon. Nhựa hột điều đụng vào da gây phỏng da. Có phải chăng chử SƯNG được dùng trong nghĩa nầy hay còn có nghĩa gì khác nữa. Hay chỉ là âm dịch từ chữ SEM, âm đầu của tên khoa học Semecarpus, nên không có nghĩa gì cả?
Hột điều Đông Phương có biflavonoids, hợp chất phenols, bhilawanols, nhiều khoáng chất, nhiều sinh tố, amino acids, v.v… Nó được dùng để trị đau khớp xương, u bướu, nhiễm trùng, ho ra máu, kinh nguyệt quá đà, táo bón, trùng lãi, kháng oxy hóa. kháng viêm, hạ máu đường, trị ung thư gan, bệnh về đường tiểu, tâm bịnh (hay buồn, giận, nóng nảy, sợ sệt, v.v...). Nước vắt của trái điều Đông Phương tăng cường trí nhớ, trị chứng mất cảm xúc và chứng tê bại. Anacardium orientale trở thành một nhãn hiệu thuốc 'bá chứng' nổi tiếng hiện nay. Từ chữ Anacardium người ta tách ra chữ Cardium, tức là trái tim và liên hệ trái điều với trái tim. Đó là phương cách trị liệu của cổ nhân ngày xưa dựa vào ý niệm: Giống cái gì thì chữa cái đó (Homeopathy 'Like Cure Like').

Về tên gọi "XUÂN TÔN" dành cho thảo mộc mang tên khoa học Swintonia griffithii
Hai chữ "Xuân Tôn" có vẻ như là hai âm đầu của chữ Swin-ton-ia. Chắc chắn đại đa số người Việt Nam đều xa lạ với tên gọi nầy.
Về tên khoa học của Swintonia griffithii có một số tên đồng nghĩa khác như:
- Swintonia floribunda.
- Swintonia helferi.
- Swintonia puberula.
- Swintonia penangiana.
Tên khoa học cuối cùng cho thấy nguồn gốc Penang, một hòn đảo thuộc Mã Lai. Loại thảo mộc dòng Swintonia và gia đình Anacardiaceae của cây xoài, cây điều được tìm thấy nhiều ở Mã Lai, Indonesia, Phi Luật Tân, Việt Nam, Cambodia, Miến Điện.
Tên gọi thông thường của thảo mộc Swintonia griffithii:
- Mã Lai: Merpauh daun runching hay gọi tắt là Merpauh.
- Indonesia: Kedongbong rabuk (Sumatra), Kerata (Indonesia).
- Miến Điện: Thaytkin, Thayyet san.
- Bangladesh: Civit
- Cambodia: Muom
- Việt Nam: Muỗm.
- Anh: Merpauh (dựa theo cách gọi của người Mã Lai).
Tên gọi Muỗm của người Việt Nam vay mượn của người Khmer. Đó là một loại xoài trái nhỏ: xoài muỗm. Dù là một tên vay mượn nhưng tên gọi nầy có vẻ gần gủi với người Việt Nam vì xoài muỗm không xa lạ gì với người Việt Nam, nhất là cư dân sống trên đồng bằng sông Cửu Long và Đồng Nai. Việt Nam và Cambodia là hai quốc gia láng giềng có liên hệ lịch sử và địa lý gần gủi và gắn bó.
Tôi đề nghị dùng chữ Muỗm hay Xoài Muỗm cho thảo mộc mang tên khoa học Swintonia griffithii và các tên khoa học đồng nghĩa khác đã ghi ở phần đầu hơn là chữ Xuân Tôn.
Cây xoài muỗm cao đến 40m. Là giẹp, dài, đầu lá nhọn, gân lá rất rõ. Hoa nhỏ. Trái tròn và nhỏ. Trái xoài muỗm không được truyền tụng nhưng gỗ cây xoài muỗm màu đỏ hồng và được bán ngoài thị trường gỗ dưới tên Am-barola. Gỗ cây muỗm được dùng để làm nhà, bột giấy. Cây muỗm tươi có nhiều nhựa. Nhựa gây phỏng da khi đụng đến. Lá cây muỗm có carotenoids, hợp chất phenol chống oxy hóa.

Về tên gọi 'Ri-Ta' hay 'Tì-Ta' cho dòng Chirita, gia đình thảo mộc Gesneriaceae
Từ chữ Chirita ta có tên gọi Ri-Ta hay Tì-Ta, tức là lấy hai âm cuối của chữ CHI-RI-TA.
Chữ Chirita gốc tiếng Ấn Độ và Nepal, có nghĩa là gentian trong tiếng Anh. Người Ấn Độ gọi là chirayata, chirata, chirayita, chiretta, chirita. (CHI đọc thành KI). Tiếng Sanskrit (Phạn) gọi là Kirata. Chữ gentian chỉ những loại cây có vị thật đắng, thân có lông; hoa màu xanh-tím sậm. Trên thực tế hoa của loại thảo mộc nầy có nhiều màu khác nhau. Hoa hình loa kèn hay hình chuông, nhưng nét đặc biệt nhất là những loại hoa màu xanh-tím sậm như long đàm thảo Swertia chirata hay Gentiana chirayita, gia đình Gentianaceae được người Ấn Độ dùng làm thuốc trị sốt, sốt rét, trùng lãi, táo bón, nôn mửa, bịnh về gan, mật, bàng quang, ho lao,... Vị đắng do sự hiện diện của ác xít ophelic C13 H20 O10 và chiratin C26 H48 O15 mà ra. Thảo mộc có hoa xanh-tím sậm và vị đắng đặc biệt dòng Swertia hay Gentiana (1) được tìm thấy khắp các vùng khí hậu trên thế giới ngoại trừ Nam Băng Châu. Người Anh gọi long đàm thảo (cỏ mật rồng) nầy là bitter stick.
Thảo mộc dòng Chirita thuộc gia đình Gesneriaceae được tìm thấy ở Ấn Độ, các nước Đông Nam Á và được trồng để làm cảnh. Cây cao từ 40cm - 50cm; thân mềm, dễ gảy, có lông mịn; lá hình trái tim; hoa năm cánh không đều, đa số có màu xanh-tím sậm. Ngoài ra còn có những màu khác. Người Anh vẫn dùng chữ chirita của Nepal và Ấn Độ. Chữ chirita của tiếng Hindi cũng được dùng để chỉ cây xuyên tâm liên (chuan xin lianAndrographis paniculata mà người Anh gọi là King of bittersgiống như Roi des amers  - có nghĩa là Vua đắng - của người Pháp.
Điều đáng ngạc nhiên là thảo mộc CHIRITA có ở Việt Nam nhưng tại sao nó không có tên mà phải âm hai âm cuối của chữ CHI-RI-TA để trở thành Ri-Ta hay Tì-Ta? Tôi đoan chắc rằng đa số người Việt Nam rất xa lạ với tên gọi nầy. Nều người Anh phải dùng chữ Chirita của Nepal và Ấn Độ và gọi xuyên tâm liên là green chirayta để gợi lên vị đáng đặc biệt của loại dược thảo nầy thì chúng ta không dùng nguyên từ Chirita mà dùng nôm na Cỏ Đắng hay nói theo từ Hán Việt là Khổ Thảo căn cứ theo vị đắng của nó để người học dễ hiểu hơn. Xuyên tâm liên được gọi là khổ đàm thảo.
*
Trong khuôn khổ bài viết ngắn nầy chúng tôi chỉ đưa ra vài trường hợp điển hình mà thôi. Còn rất nhiều trường hợp gọi tên thảo mộc bằng cách Việt hóa những âm đầu hay âm cuối của tên khoa học đôi khi được đặt ra để tưởng nhớ đến nhà thực vật học hay nhà trồng tỉa có công khám phá ra loại thảo mộc đó. Khi âm ra tiếng Việt thì người học ngơ ngác không hiểu gì cả, nhưng họ bắt buộc phải học thuộc lòng điều mà mình không nắm vững lai lịch, cội nguồn giống như các nhà nho ngày xưa phải học thuộc lòng và chấp nhận vô điều kiện những gì Khổng Tử và Mạnh Tử viết hay nói. Hy vọng rằng người đọc thông hiểu ý của người viết và vui vẻ góp ý về giả thuyết Cây Lơn, Cây Quéo và phản hồi sự góp ý của người viết vào lãnh vực thực vật học mênh mông nầy. Thế gian không có sự hoàn hảo. Mọi góp ý và bàn bạc một cách vô tư, xây dựng và bất vụ lợi sẽ giúp cho cuộc sống hôm nay tốt hơn cuộc sống ngày hôm qua và cuộc sống ngày mai tốt hơn hôm nay. Cứ như thế vũ trụ xoay dần. Xã hội loài người có tiến bộ nhưng không bao giờ có sự hoàn hảo. Trong chừng mực nào đó sự hoàn hảo gây ra nạn thất nghiệp và sự thiếu động não cho các thế hệ kế tiếp.

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.
_______________________
(1) Xuất phát từ tên của vua Gentius của Illyria ngự trị từ năm 181 - 168 trước Tây Lịch. Ông là người đầu tiên khám phá ra tính năng trị sốt của long đàm thảo Gentiana chirita.

Friday, 26 August 2011

Hoa cốt mốt là hoa gì?

Từ điển Nguyễn Như Ý (1999:462) giải thích cốt mốt là cúc chuồn chuồnTừ điển của Hoàng Đình Cầu (1976:182), Lê Khả Kế (1978:56) chỉ có cúc chuồn chuồn.
Cốt mốt hay cúc chuồn chuồn, hoa bướm, cúc ngũ sắc, sao nhái, sao nháy, soi nhái cũng đều là một. Từ cốt mốt có tính quốc tế: tiếng Anh và tiếng Pháp là cosmos, tiếng Nga là космос. Tên khoa học bằng tiếng La Tinh là Cosmos sulphureus. Gốc của tất cả các từ này là κόσμος của tiếng Hy Lạp; từ này có nhiều nghĩa, trong đó có một nghĩa là trang hoàng. Quy nguyên cốt mốt về tiếng Pháp hay tiếng La Tinh, tiếng Nga đều hợp lý.
Cây cốt mốt xuất phát từ Mê-hi-cô, là một loại thân thảo mọc thành bụi, cao từ 60 đến 80cm. Nhìn từ xa vườn hoa cốt mốt trông giống như một bầu trời sao lấp lánh. Đây có thể là nguồn gốc của tên gọi sao nháy.
Tên gọi tương đương bên tiếng Pháp là cosmos sulfureux étincelant (étincelant nghĩa là sáng chói). Cốt mốt thuộc bộ cúc (tiếng La Tinh là asterales, tiếng Pháp là ordre des astérales; gốc La Tinh astrum nghĩa là ngôi sao).
Không biết đây có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay không nhưng các tên gọi sao nháisoi nhái rất có thể là do sao nháy biến thành.