Wednesday, 10 September 2014

Sự lệch lạc nhận thức và thái độ vô trách nhiệm (Hồng Quang - Nhân Dân)


Thứ hai, 26/08/2013 - 09:30 PM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định    
 Khi các thủ đoạn, luận điệu chống phá và sự dối trá của các thế lực thù địch cùng một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với sự phụ họa, cổ vũ của BBC, RFA, RFI,... ngày càng trở nên trơ tráo, trắng trợn thì thật đáng tiếc, là có người do sự hời hợt về lý luận và thiếu tinh thần trách nhiệm đối với sự phát triển đất nước, lại tạo cơ hội cho họ vu cáo, xuyên tạc, bình luận tiêu cực về Ðảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam...

Gần đây, ông X công bố trên internet mấy bài viết nhằm "thanh toán, tính sổ cuộc đời của mình, trang trải những món nợ còn lại", rồi dựa trên lý luận về "cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng" để kêu gọi "lập thêm các đảng đối lập với Ðảng Cộng sản Việt Nam"! BBC, RFA, RFI... vội chớp lấy cơ hội khai thác, công bố các tin tức, bình luận, qua đó càng thấy rõ tâm địa đen tối của mấy cơ quan truyền thông này trong khi liên tục cổ vũ, quảng bá các hành vi chống đối Ðảng Cộng sản Việt Nam (ÐCS Việt Nam), Nhà nước Việt Nam. Sự kiện trở nên rùm beng hơn khi ông Y lên tiếng ủng hộ qua bài viết có tính chất hô hào, kêu gọi "phá xiềng"! Hẳn vì không tin cậy những điều hai ông công bố, Ngô Nhân Dụng - người Mỹ gốc Việt và là cây bút chống cộng cực đoan, phải đăng trên nguoi-viet bài báo đề nghị "Ông Y cần đổi cách suy nghĩ"; rồi đăng tiếp một bài nữa để "báo động" và khẳng định đó là điều "rất nguy hiểm, không phải là cách suy nghĩ trong xã hội dân chủ"! Trên danlambao - website ra đời chỉ để chống phá Việt Nam, người có bút danh là Tâm-8x xem đây là "bước đi khá phiêu, đầy nguy hiểm, không những cho chính người tuyên bố mà cũng gián tiếp gây nguy hiểm cho những người theo nó ở cả trước mắt lẫn lâu dài... Thiên thời - địa lợi - nhân hòa đều không có thì sự ra đời của tổ chức này không chết yểu thì cũng xem là lạ"! Trên internet, ý kiến của ông X còn gặp phản ứng mạnh mẽ hơn nhiều. Nên, có lẽ cần lý giải tại sao khi đã qua tuổi "nhi nhĩ thuận" mà ông lại có phát ngôn để nhận được những đánh giá không có gì đáng tự hào, thí dụ: "tín đồ cuồng tín của chủ nghĩa xét lại", "kẻ "đổ nước chân tường" chế độ", "lộ mặt phản trắc", "trò bịp bợm", "quay ngược lại "chà đạp" lên lý tưởng một thời mà bản thân ông từng theo đuổi", "một sự ngụy biện không hơn không kém, không có thực tiễn nào chứng minh cho sự nhận thức lại mà chẳng qua là sự phản bội", "một kẻ hô hào đa nguyên, đa đảng mà chẳng hiểu gì về thực chất đa đảng ở những nước vẫn vỗ ngực tự xưng dân chủ phương Tây",...!?
 Nhân danh người từng là "giảng viên Triết học và Chủ nghĩa xã hội khoa học", từ tiền đề "Về phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin mà tôi hiểu được, có một điều cơ bản là cơ sở hạ tầng (bao gồm cơ sở xã hội, cơ sở kinh tế, v.v.) như thế nào thì phản ảnh lên thượng tầng kiến trúc như thế đó", ông X kết luận... "không thể không đa nguyên đa đảng"! Chỉ với tiền đề này, ông đã bộc lộ sự ấu trĩ, hời hợt. Vì, nếu thật sự am hiểu, ông phải biết ba bộ phận cấu thành Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là: Triết học Mác - Lê-nin (gồm chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử), Kinh tế chính trị Mác - Lê-nin, Chủ nghĩa xã hội khoa học. Do đó, muốn bàn về các vấn đề có ý nghĩa phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, phải dựa trên thành tựu nghiên cứu của ba bộ phận cấu thành, không thể lấy quan hệ cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng - một nội dung của Chủ nghĩa duy vật lịch sử, thay thế cho tất cả. Nếu muốn sử dụng phạm trù hình thái kinh tế - xã hội để bác bỏ một thực tế, ông phải phân tích từ những quan hệ có tính quy luật như: biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, không thể cứ viết: "có một điều cơ bản là cơ sở hạ tầng (bao gồm cơ sở xã hội, cơ sở kinh tế, v.v.) như thế nào thì phản ảnh lên thượng tầng kiến trúc như thế đó" là sẽ giải quyết xong vấn đề! Rồi nữa, cơ sở hạ tầng là "tổng hợp những quan hệ sản xuất hợp thành cơ cấu kinh tế của một xã hội nhất định", nội hàm này không tương ứng với điều ông viết: "cơ sở hạ tầng (bao gồm cơ sở xã hội, cơ sở kinh tế, v.v.)". Bàn về lý luận mà không nắm được nội hàm khái niệm, ông đã bộc lộ sự hời hợt, ấu trĩ rất đáng trách. Trả lời phỏng vấn BBC ngày 17-8, về cách hiểu của ông X với quan hệ giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng từ đó suy ra... "không thể không đa nguyên đa đảng" (!), GS, TSKH Vũ Minh Giang coi đây là "suy luận logic hình thức", nhận xét này là rất chính xác. Triết học Mác - Lê-nin khẳng định, trong một hình thái kinh tế - xã hội nhất định, cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng là hai mặt thống nhất biện chứng, trong đó cơ sở hạ tầng quy định kiến trúc thượng tầng và kiến trúc thượng tầng có tác động trở lại đối với cơ sở hạ tầng, đặc biệt kiến trúc thượng tầng có tính độc lập tương đối... Xem xét quan hệ này như quan hệ cơ giới, hoặc bị chi phối bởi logic hình thức, thì chỉ có thể đưa tới kết cục là xuyên tạc lý luận, đẩy lý luận vào xu hướng sai lạc, xa rời thực tiễn, làm rối loạn nhận thức chung. Căn cứ vào ý kiến chủ quan, cảm tính của ông có thể nói: hoặc là ông không biết tri thức của mình còn hạn chế, hoặc là ông cố gồng lên để nói những điều ông không hiểu?
 Vấn đề "đa nguyên, đa đảng" mà ông hô hào, về lý luận, dân chủ không đồng nghĩa với đa nguyên, không phải có đa nguyên là có dân chủ. Dân chủ hay không phụ thuộc vào vai trò làm chủ của nhân dân, vào lý tưởng và bản chất của đảng cầm quyền. Mọi phân tích chứng minh tam quyền phân lập là mô hình cần áp dụng ở Việt Nam chỉ là một trong các thủ đoạn để đạt tới mục đích phủ nhận, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của ÐCS Việt Nam và Nhà nước CHXHCN, dọn đường cho sự "lên ngôi" của các thế lực coi dân chủ, nhân quyền chỉ là chiêu bài phục vụ cho tham vọng chính trị. Nhiều lần có phóng viên về thăm Tổ quốc, được tự do tác nghiệp từ nam ra bắc, được trực tiếp chứng kiến, tiếp xúc, tìm hiểu, trong Thư Tòa soạn ngày 21.8, trang Việt Weekly - tờ báo của người Mỹ gốc Việt, đã viết: "Những du khách thế giới đến Việt Nam có cảm giác đây là một quốc gia khá tự do. Các giới hạn nhân quyền thường liên quan đến vấn đề bảo vệ an ninh trong một xã hội mà mức độ phát triển còn ở trạng thái sơ khai hơn là có tính cách cố tình đàn áp người dân. Có thể nói chính quyền Việt Nam đang cố gắng ngày càng mở rộng mức độ tự do người dân mà không đánh mất khả năng kiểm soát an ninh xã hội. Phần lớn những nỗ lực đánh phá Việt Nam về mặt nhân quyền bắt nguồn từ những đoàn thể chính trị ở nước ngoài mang động cơ muốn giành một chỗ đứng trong hệ thống quyền lực chính trị ở Việt Nam. Có nghĩa rằng, nhân quyền chỉ là một chiêu bài chính trị, hơn là một quan tâm có thực chất". Nhận xét này có điều rất thú vị là một nhà báo từ nước ngoài về nước tác nghiệp đã lập tức phát hiện bản chất của vấn đề, bắt mạch được bản chất các phát ngôn, hành động của mấy "nhà dân chủ", "người yêu nước" vẫn được tung hô trên internet!
 Ðể khách quan hơn, xin dẫn lại một số ý kiến mà chắc chắn mấy người đang quảng bá "đa nguyên, đa đảng" ở Việt Nam sẽ không thể bác bỏ, vì ý kiến đó ra đời chính từ đất nước mà họ ngưỡng vọng: "Thực chất Mỹ là một chế độ độc đảng, và cái đảng cầm quyền là đảng kinh doanh", "Nghề "quan hệ công chúng" (PR) được phát minh ở đâu? Ở các xã hội tự do nhất thế giới, tại Mỹ và Anh. Và lý do? Vì ở các nước tự do, khó kiểm soát người dân bằng cách trực tiếp áp đặt quyền lực. Cho nên phải kiểm soát kiểu khác: bằng cách tác động vào ý kiến, vào quan điểm, thái độ của người dân. Trong các xã hội tự do, vấn đề là đưa đầu óc con người vào quy định" (N. Chomsky); "Hệ thống chính trị Hoa Kỳ đã tạo ra hai đảng lớn mạnh nhất, thường xuyên thay nhau nắm giữ hành pháp, lập pháp. Do đó muốn được thắng cử, ứng cử viên phải là đảng viên của một trong hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Ứng viên độc lập hoặc của các đảng khác rất khó thắng trong cuộc đua vào quốc hội, và càng không thể tranh thắng trong cuộc tranh cử tổng thống. Ðiều này đã giới hạn rất nhiều cơ hội của ứng viên các đảng nhỏ, hay nói khác đi, cơ hội thắng cử của người dân tranh cử với tư cách độc lập, hoặc là đảng viên các đảng nhỏ rất ít, nếu không muốn nói là zéro. Chưa kể ứng viên phải được đảng ủng hộ, chi tiền, giúp vận động tiền bạc để quảng cáo đánh bóng tên tuổi. Nhìn ở khía cạnh đó, nền dân chủ Hoa Kỳ được xây dựng trên tiền bạc, quảng cáo và đã bị "đấu thầu", thương mại hóa!... Người ta thường trích dẫn câu nói của Tổng thống A.Lincohn chính phủ của dân, do dân, vì dân để nhấn mạnh vai trò nhà nước trong nhu cầu phục vụ quần chúng. Thế nhưng càng ngày xã hội Hoa Kỳ có vẻ càng xa rời tiêu chí ấy. Những nhóm lợi ích và những người vận động hành lang, đa số là làm việc cho các tổ chức tài phiệt luôn tìm cách ảnh hưởng đến quyết định của các dân cử, từ địa phương đến trung ương. Họ tìm cách tặng tiền bạc với danh nghĩa góp quỹ tranh cử, tặng của cải vật chất, tài trợ các chuyến du hí, ăn chơi, v.v., đổi lại, các dân cử phải bỏ phiếu ủng hộ cho mục tiêu của các nhóm lợi ích kia, nhiều phần là có lợi cho thiểu số và bất lợi cho đa số. Ðây chính là các cuộc đổi chác chứ không phải phục vụ" (Tạ Dzu, danchimviet, 08.11.2010)...
 Nhân quyền là các quyền cơ bản của con người mà mọi xã hội văn minh phải tôn trọng. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, và ngày nay là những bước đi vững chắc trên con đường đổi mới, dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng Ðảng và Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm các quyền cơ bản của con người. Ðiều đó không chỉ thể hiện ở việc kiện toàn hệ thống pháp luật, chính sách về quyền con người, mà được cụ thể hóa qua hoạt động thiết thực, thể hiện sự tôn trọng, bảo vệ, thúc đẩy quyền con người, như bảo đảm quyền: tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin, tự do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo đảm an sinh xã hội, chăm sóc y tế, xóa đói, giảm nghèo, giáo dục, quyền của các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương... Nhưng một số người đã quay lưng với sự thật đó, bằng các thủ đoạn bất lương, họ sử dụng nhân quyền làm công cụ để vu cáo, xuyên tạc chính sách của Ðảng, Nhà nước Việt Nam. Họ cố gán ghép "đa nguyên, đa đảng" với nhân quyền. Họ yêu cầu chống tham nhũng, nhưng khi Nhà nước triển khai các biện pháp chống tham nhũng thì họ xuyên tạc thành... "phe phái thanh toán nhau"! Họ la lối ở Việt Nam "không có tự do ngôn luận", nhưng hàng ngày họ vẫn lên internet để đưa ra các ý kiến sai trái! Ông X lặp lại luận điệu của họ, nhưng để biện hộ, ông lại viết một điều khiến phải kinh ngạc: "Con người khác con vật ở chỗ là có tự do. Tự do là thuộc tính của con người"! Ðó là một ý kiến hàm hồ. Bởi, tự do là ý niệm nảy sinh, phát triển cùng quá trình nhận thức của mỗi người về sự tồn tại của họ trong xã hội, về khả năng hành động theo ý chí, nguyện vọng của bản thân. Nếu hiểu thuộc tính là "đặc tính vốn có của một sự vật, nhờ đó sự vật tồn tại" thì không thể viết: "Tự do là thuộc tính của con người". Ðứa trẻ mới sinh cũng là con người, nhưng chưa có ý niệm về tự do. Ý niệm ấy chỉ nảy sinh, phát triển cùng đứa trẻ trong quá trình trưởng thành giữa cộng đồng. Tự do là nhận thức được cái tất yếu. Con người biết nhận thức về tự do, biết điều chỉnh suy nghĩ, hành động để tự do của chính mình không làm ảnh hưởng, hoặc gây tổn hại tới tự do của người khác và của cộng đồng. Lấy tự do làm tiêu chí phân biệt giữa con người với con vật, xét đến cùng chỉ là biểu thị cho thái độ coi thường văn hóa, cổ vũ cho "thói vô chính phủ" - vốn là các nguyên nhân chủ yếu làm rối loạn sự lành mạnh của xã hội.
 Nói đi thì như vậy, còn nói lại thì ai cũng biết, sai lầm và lạc bước là các khả năng luôn có thể xảy ra với con người nếu họ thiếu tỉnh táo trong nhận thức, hành động. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là ở chỗ con người sẽ suy nghĩ, nhận thức như thế nào để không tiếp tục sai lầm, lạc bước. Và chúng ta đã biết, dân tộc luôn rộng lượng với những người biết nhận ra sai lầm, biết dừng lại và trở về với dân tộc. Với ông X, ông Y hay bất kỳ người nào khác, trong một thời điểm nào đó đã có suy nghĩ lệch lạc thì nên xem xét lại. Như một blogger đã viết rất chân thành rằng: "cầu chúc cho ông mau bình phục sức khỏe, để tỉnh táo nhìn nhận mọi vấn đề, xin đừng lú lẫn nữa, đừng tự biến mình thành con cờ trên bàn cờ chính trị cho những thế lực ngoại bang, những kẻ phản bội dân tộc, phản bội nhân dân lợi dụng".


HỒNG QUANG

Tuesday, 2 September 2014

Đàn ông góa bụa được không?



Từ ngữ xưa gọi người đàn ông chết vợ là quan phu (鰥夫 ), người đàn bà chết chồng là quả phụ (寡婦), âm khác là góa bụa.
Cho đến Lê Văn Đức (1970a:) góa bụa vẫn là góa (chỉ dùng cho đàn bà). Nhưng ngay thời đó Lê Văn Đức (1970a:525) đã công nhận góa chỉ người có vợ hay chồng chết đều được.
Góagóa bụa hiện nay lại càng khác xa nghĩa gốc. Góa nói chung chỉ người có chồng hay vợ đã chết đều được nhưng chỉ nói về người ít nhiều còn trẻ (Hoàng Phê, 2006:408).  Góa bụa chính là góa chồng nhưng đôi khi cũng có thể chỉ người góa vợ (Hoàng Phê, 2006:408).

Monday, 1 September 2014

Hồi ức của một người thư ký (Đống Ngạc - Thanh Niên)


Thứ tư, 04 Tháng tư 2007, 23:19 GMT+7
  • Cỡ chữ

Hồi ức của một người thư ký


Hoi uc cua mot nguoi thu ky
Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đọc điếu văn truy điệu tại lễ tang Bác Hồ - Ảnh: Tư liệu
Tháng 6.1997, trên chuyến xe từ Tuy Hòa về Nha Trang, Bí thư Tỉnh Đoàn Khánh Hòa khi đó là Phan Thông cho tôi biết: Ông già phúc hậu ngồi ngay trước tôi là cựu thư ký của Tổng bí thư Lê Duẩn.
Tên ông là Đống Ngạc, sinh ngày 2.4.1925, quê Tam Kỳ, Quảng Nam. Tham gia cách mạng năm 1945 tại Huế, ông đã chiến đấu tại chiến trường Khánh Hòa trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, sau làm công tác thanh niên rồi Bí thư Đoàn Thanh niên Cứu quốc khu V. Năm 1955, ông tập kết ra Bắc, từng đảm nhận chức vụ Chánh Văn phòng Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam (khóa II). Trong cuộc trò chuyện với tôi, ở ông luôn toát lên vẻ điềm tĩnh, cách diễn tả mạch lạc, khúc chiết và khiêm tốn...
* Xin ông cho biết, ông đã đến làm việc với Tổng bí thư Lê Duẩn vào lúc nào?
- Ông Đống Ngạc: Tháng 2.1962, tôi đang công tác tại Trung ương Đoàn thì được Ban Tổ chức Trung ương Đảng gọi giao nhiệm vụ mới: Hoặc chuyển sang công tác ngoại giao hoặc làm thư ký cho anh Ba Duẩn. Nghĩ mình không đủ khả năng làm hai việc này, hơn nữa lại có thời theo dõi phong trào thanh niên nông thôn, tôi đề đạt nguyện vọng xin chuyển sang công tác nông nghiệp. Nhưng đại diện Ban Tổ chức Trung ương Đảng cho biết không có con đường thứ 3. Cuối cùng tôi về Văn phòng Trung ương Đảng, giúp việc cho anh Ba.
Hoi uc cua mot nguoi thu ky
Ông Đống Ngạc (phải) và tác giả
* Thưa ông, hẳn ở người thư ký của Tổng bí thư phải có những khả năng đặc biệt?
- Ông Đống Ngạc: Không, tôi không có khả năng gì đặc biệt. Có lẽ tôi được chọn vào công việc này là do đã qua công tác văn phòng, có biết chút ít việc tổng hợp tình hình, ghi chép, biên tập.
* Làm thư ký cho Tổng bí thư không đơn giản, thưa ông?
- Ông Đống Ngạc: Dĩ nhiên là không đơn giản. Thời chống Mỹ, cả nước tiến hành hai chiến lược cách mạng khác nhau ở hai miền. Nhiệm vụ đó rất mới mẻ, nặng nề. Giúp việc Tổng bí thư có nhiều thư ký như các anh Trần Quỳnh, Đậu Ngọc Xuân và một số đồng chí nữa... Công việc rất nhiều và khẩn trương. Nên lúc nào chúng tôi cũng làm việc không kể ngày nghỉ. Làm thư ký là phải luôn luôn sẵn sàng, phải phục vụ vô điều kiện.
* Thưa ông, có khi nào thư ký đề đạt ý kiến với Tổng bí thư về những vấn đề "quốc gia đại sự"?
- Ông Đống Ngạc: Mọi đường đi, nước bước của cách mạng Việt Nam thời chống Mỹ đều xuất phát từ những bộ óc thiên tài Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, từ trí tuệ tập thể của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Là người giúp việc, chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ thể hiện ý tưởng của anh Ba dưới dạng văn bản. Viết là công việc chiếm nhiều thời giờ và công sức nhất. Trừ các diễn văn, báo cáo, các tác phẩm ra đời nhân các dịp lễ lớn, phải được biên tập một cách hoàn chỉnh, còn các bài nói khác của anh Ba, thường chúng tôi chuẩn bị theo kiểu gạch đầu dòng, nêu lên những ý chính. Sau khi anh Ba nói, chúng tôi mới biên tập lại. Để thể hiện chính xác ý tưởng của anh Ba, thư ký phải nắm được quan điểm của anh trong mỗi vấn đề...
* Thưa ông, điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, do Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đọc tại Lễ truy điệu Hồ Chủ tịch, từng làm xúc động hàng triệu trái tim đồng bào, chiến sĩ cả nước và bầu bạn năm châu. Vậy thư ký của Tổng bí thư có góp phần chấp bút áng văn bất hủ ấy?
- Ông Đống Ngạc: Tôi có tham gia chấp bút. Song điếu văn được viết và hoàn chỉnh theo sự chỉ dẫn của anh Ba và được Bộ Chính trị, Ban Bí thư góp ý kiến sửa chữa. Đó là sản phẩm trí tuệ của tập thể. Tôi nghĩ không nên nói về phần đóng góp của cá nhân.
* Điếu văn truy điệu Bác Hồ là một áng văn mang dấu ấn lịch sử. Việc ông tham gia chấp bút là một sự thật lịch sử, thiết nghĩ để cho mọi người biết về điều đó có gì là không nên, thưa ông?
- Ông Đống Ngạc (suy nghĩ hồi lâu): Viết điếu văn là việc quan trọng nhất trong các khâu chuẩn bị lễ tang Bác Hồ. Công việc đó đã được giao cho các cơ quan khác đảm trách. Tối 6.9.1969, khoảng 21 giờ 30, vừa đi họp Bộ Chính trị về nhà riêng, anh Ba cho gọi anh Đậu Ngọc Xuân và tôi lên phòng làm việc của anh. Đưa cho chúng tôi bản Di chúc của Bác Hồ và hai điếu văn dự thảo, anh bảo: "Hai bản này không được Bộ Chính trị thông qua. Hai chú giúp tôi chuẩn bị một điếu văn khác. Ngoài việc tôn vinh cuộc đời, sự nghiệp, công ơn trời biển của Bác, điếu văn cần nêu bật những tư tưởng lớn của Người để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thấu suốt và tiếp tục phấn đấu biến thành hiện thực.
Bác nêu cao chân lý "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh đến cùng chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc vì giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà.
Bác gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, dìu dắt đồng bào ta phấn đấu vì dân giàu nước mạnh, vì ấm no hạnh phúc của mọi người.
Bác dày công xây đắp khối đại đoàn kết dân tộc, kêu gọi toàn dân thực hiện, coi đó là bí quyết thắng lợi của cách mạng nước ta.
Bác kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế cách mạng, cổ vũ nhân dân ta làm tròn nhiệm vụ dân tộc và nghĩa vụ quốc tế.
Bác là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư để mọi người học tập, noi theo.
Lời lẽ cần phải trang trọng, sâu sắc, cô đọng. Các chú cố gắng làm xong trong đêm nay được thì tốt, vì ngày tổ chức truy điệu đã được ấn định, thời gian không còn nhiều".
Nhận nhiệm vụ anh Ba giao, chúng tôi rất lo vì công việc thật sự nặng nề, vượt quá sức mình. Song chúng tôi tự nhủ phải hết sức cố gắng để không phụ lòng tin cậy của anh Ba.
Anh Xuân và tôi xem kỹ Di chúc của Bác và hai bản thảo anh Ba vừa đưa, cùng nhau vạch một dàn bài và trao đổi về cách viết, nhằm làm sao diễn đạt được tốt nhất những điều anh Ba chỉ dẫn. Anh Xuân đề nghị tìm đọc mấy bài điếu văn nổi tiếng để tham khảo. Đó là điếu văn của F.Ăng-ghen đọc trước mộ Các Mác, điếu văn Xtalin đọc trong lễ truy điệu Lê-nin, điếu văn của Bác Hồ trong lễ tang cụ Hồ Tùng Mậu.
Dàn bài đã vạch, nội dung tư tưởng anh Ba chỉ ra đã rõ, song quá 12 giờ đêm, chúng tôi vẫn ngồi cắn bút, chưa viết được đoạn nào. Khoảng 1 giờ sáng, chẳng may anh Xuân bị cảm. Anh đã thức mấy đêm liền, nên mệt quá gục xuống bàn. Tôi bảo anh cứ nằm nghỉ, tôi sẽ cố viết, khi nào xong, sẽ gọi anh dậy để cùng nhau sửa sang, hoàn tất. Tôi tiếp tục công việc đến gần sáng thì tạm xong bản thảo. Xem lại, thấy còn một số chỗ viết chưa tốt, diễn đạt chưa sâu sắc ý của anh Ba, nhưng tôi chưa vội sửa. Tôi đẩy cửa bước ra sân. Vừa lúc đó, ở tầng một, anh Ba cũng đẩy cửa sổ phòng ngủ hỏi vọng xuống: "Chú Ngạc đó hả, xong chưa chú?". Tôi vội đáp: "Dạ xong rồi". Anh hỏi tiếp: "Chú thấy có được không?". Tôi đánh bạo trả lời: "Dạ, đã cố gắng thể hiện những ý anh chỉ dẫn, hy vọng là được ạ".
Anh Ba bảo tôi đem bản thảo lên đọc cho anh nghe. Lúc đó khoảng 5 giờ sáng ngày 7.9.1969. Nghe xong anh bảo: "Về cơ bản thế này là được. Song cần suy nghĩ thêm về sự cân đối giữa các đoạn nói về tư tưởng của Bác, về nội dung năm lời thề; cần rà soát các câu trích lời Bác cho thật chính xác; có một số từ ngữ chưa chuẩn, cần cân nhắc thêm. Cuối cùng phải kết thúc điếu văn bằng một trong những khẩu hiệu mà Ban Tuyên huấn Trung ương đã trình với Bộ Chính trị". Dừng lại giây lát, anh nói tiếp: "Nhưng thôi, chú thức suốt đêm, chắc là mệt lắm, hãy cứ để thế cho đánh máy, rồi đề nghị Văn phòng Trung ương mời các anh trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư họp để cho ý kiến, sau đó sẽ sửa chữa một thể".
8 giờ sáng ngày 7.9, Bộ Chính trị và Ban Bí thư họp chung. Anh Xuân và tôi ngồi ở phòng ngoài, bắt đầu sửa những chỗ anh Ba đã cho ý kiến. Khoảng 11 giờ trưa, anh Tố Hữu và anh Hoàng Tùng từ phòng họp bước ra cho biết bản thảo điếu văn đã được Bộ Chính trị chấp nhận; rồi các anh kéo hai chúng tôi lên phòng họp trên gác để cùng nhau sửa chữa. Tất cả các nhận xét, gợi ý của các anh có mặt trong buổi họp đều được thu thập, đối chiếu, cân nhắc; từng ý, từng câu, từng đoạn trong bản thảo đều được xem xét, rà soát nhằm lựa chọn những lời hay, ý đẹp, những từ ngữ chuẩn xác, những cách diễn đạt trong sáng. Chúng tôi làm việc rất khẩn trương. Đến 13 giờ công việc tạm xong. Đó là lần sửa quan trọng nhất, nhưng chưa phải là lần cuối cùng. Sau khi nghe chúng tôi báo cáo kết quả sửa chữa lần thứ nhất, anh Ba đồng ý và dặn phải gửi bản sửa đó cho các anh Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu, Hoàng Tùng để các anh xem lại, cho ý kiến sửa chữa thêm cho thật chặt chẽ, hoàn hảo. Đồng thời anh chỉ thị phải gửi ngay bản sửa lần đầu cho Ban Đối ngoại để dịch cho kịp ra 5 thứ tiếng nước ngoài. Khoảng 20 giờ ngày 7.9, bài điếu văn mới được hoàn thiện sau bốn lần rà soát, sửa chữa tiếp.
Sáng ngày 8.9, chúng tôi trình anh Ba bản điếu văn chính thức, báo cáo với anh những chỗ thêm, bớt so với bản sửa lần đầu. Anh cầm bài điếu xem rồi nói: "Giọng của tôi, đồng bào ngoài Bắc nghe không rõ, tôi phải tập đọc trước mới được". Rồi anh ngồi trong phòng làm việc đọc to lên. Nhưng anh không ngăn được xúc động, có nhiều đoạn anh nghẹn lời, nước mắt chảy nhòa cả kính. Thấy anh Ba khóc nghẹn ngào, chúng tôi càng thấu hiểu tình cảm sâu nặng của anh đối với Bác Hồ. Mấy anh em chúng tôi có mặt hôm đó không ai cầm được nước mắt...
Xin ông nói thêm đôi điều về lời văn của bài điếu?
- Ông Đống Ngạc: Cuộc đời vĩ đại, công đức cao dày của Bác Hồ nhiều người Việt Nam đều biết. Vì thế, anh Xuân và tôi bàn nhau viết về thân thế, sự nghiệp của Bác, không nên diễn đạt dài dòng, nhất là phải tránh sáo mòn, công thức. Lời văn phải giản dị, súc tích, trong sáng, dễ hiểu, không dùng từ ngữ to tát nhưng phải nói được ý lớn. Tôi nghĩ rằng lời văn bài điếu đã đạt được yêu cầu đó. Bài điếu đã phản ánh được phần nào bản sắc dân tộc, có nhạc, có hồn, có sức truyền cảm, toát lên tấm lòng sâu thẳm, bao la của Bác Hồ với dân, với nước, đồng thời thể hiện được tình sâu nghĩa nặng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đối với Bác muôn vàn kính yêu.
* Gần 25 năm giúp việc cho Tổng bí thư Lê Duẩn, điều gì để lại trong ông ấn tượng sâu sắc nhất?
- Ông Đống Ngạc: Ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi là được thấy ở anh Ba một con người rất giản dị, nhân hậu, rất gần cuộc sống đời thường; một con người có bộ óc vĩ đại, kết hợp nhuần nhuyễn tình cảm cách mạng cháy bỏng với tri thức cách mạng sâu sắc; một nhà chiến lược kiệt xuất, có sự nhạy cảm đặc biệt về chính trị, có tư duy năng động, sáng tạo thể hiện nổi bật tinh thần độc lập tự chủ rất cao của Đảng ta. Kháng chiến chống Mỹ là một việc cực kỳ khó khăn. Có độc lập tự chủ, Đảng ta mới vượt qua được những sức ép của các bạn đồng minh, đồng thời giữ vững chính sách đoàn kết quốc tế đúng đắn, tranh thủ sự giúp đỡ nhiều nhất có thể được của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, của các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới; nhờ đó tạo ra được sức mạnh tổng hợp cần và đủ để đánh thắng. Có độc lập tự chủ, ta mới dám chấp nhận cuộc đụng đầu lịch sử với Mỹ, đồng thời mới tìm ra cách đánh, cách thắng tên đế quốc siêu cường. Chúng ta đã biết mở đầu cuộc chiến một cách khôn khéo. Chúng ta đã điều khiển cuộc kháng chiến một cách chủ động, sáng tạo. Chúng ta đã kết thúc chiến tranh đúng thời cơ lịch sử, giành được thắng lợi hoàn toàn. Đó là một thắng lợi trọn vẹn, có lợi nhất cho cách mạng nước ta và cả cho cách mạng thế giới.
Sau Bác Hồ, anh Ba là người có công lớn nhất đối với sự nghiệp hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thực hiện thống nhất Tổ quốc...
* Câu hỏi cuối cùng: Ông có ý định viết hồi ký về những năm tháng làm thư ký cho Tổng bí thư Lê Duẩn không?
- Ông Đống Ngạc: Tôi chỉ là một người bình thường như nhiều người khác, nên tôi chưa nghĩ đến điều đó.
* Xin cảm ơn ông.
X.H
Việt Báo (Theo_Thanh_Nien)

Lời điếu làm rung động triệu triệu con tim (Nguyễn Đức Quý - Công An Nhân Dân)

Chủ Nhật, 09/08/2009 - 3:49 PM
Ông Đống Ngạc.
“Tôi không dám nghĩ rằng Bác Hồ đã mất và hình dung trước mặt là hình ảnh của Người. Người đã làm rạng rỡ dân tộc và non sông đất nước ta. Trong tôi dâng trào niềm tiếc thương và xúc động vô hạn. Nó đã giúp tôi có cảm xúc mạnh mẽ để viết và hoàn thành bản thảo”, ông Đống Ngạc, nguyên Thư ký giúp việc của Tổng Bí thư Lê Duẩn, người chấp bút Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam để đọc tại lễ truy điệu Hồ Chủ tịch, kể lại.
Tròn một phần tư thế kỷ là thư ký giúp việc cho Tổng Bí thư Lê Duẩn, trong quá trình phấn đấu công tác, ông được đề bạt là Phó Văn phòng Trung ương ĐCS Việt Nam và sau này giữ chức Phó Tổng biên tập Nhà Xuất bản Sự thật. Sau khi nghỉ hưu, ông tham gia biên tập nhiều đề tài tổng kết lịch sử rất quan trọng, trong đó có đề tài được đề nghị Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ông chính là Đống Ngạc, nguyên Thư ký giúp việc của Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Ông Đống Ngạc sinh năm 1925, tại xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, quê hương giàu truyền thống cách mạng. Năm 14 tuổi, ông vào học tại Trường Quốc học Huế. Học hết chương trình tú tài phần một, ông quyết định xếp bút nghiên đi theo cách mạng.
Tháng 9/1945, ông được tuyển vào Quân đội và biên chế về Đại đội 4, Chi đội do đồng chí Võ Quang Hồ chỉ huy (đồng chí Võ Quang Hồ sau này là Phó Cục trưởng Cục Tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu - Quân đội nhân dân Việt Nam).
Tháng 10/1945, đơn vị ông tham gia đoàn quân Nam tiến, cùng quân và dân Khánh Hoà chống thực dân Pháp bảo vệ thành phố Nha Trang. Ông không may bị thương. Vì vết thương quá nặng nên ông được trở về quê hương.
Theo đề nghị của Ủy ban Việt minh xã, người thanh niên đất Quảng quyết tâm vượt lên thương tích nhận nhiệm vụ làm chính trị viên dân quân xã, đồng thời gia nhập Đoàn thanh niên cứu quốc. Công tác ở xã được nửa năm, ông được cử đi dự Đại hội Đoàn Thanh niên cứu quốc huyện Tam Kỳ và được bầu làm Bí thư Huyện đoàn. Và từ đó, làm công tác đoàn thanh niên, ông đã phấn đấu lên đến chức Thường vụ Trung ương đoàn, phụ trách công tác nông nghiệp.
Tháng 4/1962, ông Đống Ngạc được tổ chức phân công về công tác tại Văn phòng Trung ương Đảng, làm thư ký giúp việc cho đồng chí Lê Duẩn từ đó (ngày ấy đồng chí Lê Duẩn là Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam). Về kỷ niệm ngày đầu giúp việc đồng chí Lê Duẩn, ông Đống Ngạc kể lại:
"Được về giúp việc cho anh Ba (tên gọi thân mật của đồng chí Lê Duẩn) nhà lãnh đạo kiệt xuất, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi rất vinh dự nhưng cũng rất lo lắng không hiểu có hoàn thành nhiệm vụ anh Ba giao cho hay không. Nhưng làm việc với anh Ba, tôi thấy anh là một con người giản dị, nhân hậu, rất gần gũi cuộc sống đời thường; một con người biết kết hợp nhuần nhuyễn tình cảm cách mạng cháy bỏng với tri thức cách mạng sâu sắc; một nhà chiến lược có sự nhạy cảm đặc biệt về chính trị, có tư duy năng động sáng tạo, thể hiện tinh thần độc lập tự chủ rất cao. Mặc dù bận trăm công ngàn việc, nhưng anh thường xuyên quan tâm động viên, hướng dẫn tôi rất cụ thể, tỉ mỉ về công việc của người thư ký giúp việc anh.
Hai mươi nhăm năm được sống và làm việc bên anh Ba, tôi có rất nhiều kỷ niệm với anh. Nhưng có lẽ kỷ niệm sâu sắc nhất là lần tôi được anh Ba giao nhiệm vụ chấp bút Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam để đọc tại lễ truy điệu Hồ Chủ tịch.
Những ngày cuối tháng 8/1969, tình hình sức khoẻ của Bác có chiều hướng xấu đi. Tập thể giáo sư, bác sỹ mang hết tinh thần trách nhiệm, nghị lực và tình cảm kính yêu đặc biệt đối với Bác để quyết thắng căn bệnh hiểm nghèo của Người. Trong những ngày ấy, anh Ba và các đồng chí trong Bộ Chính trị cũng vào thăm sức khoẻ của Bác. Sáng sớm ngày 2/9/1969, anh Ba vào thăm Bác rất sớm, ở lại bên giường Bác mãi đến trưa mới về nhà. Tôi linh cảm có điều gì rất hệ trọng đã xảy ra. Nghe tiếng còi xe, tôi ra cổng đón anh. Anh Ba bước xuống xe, mặt buồn rười rượi, đôi mắt đỏ hoe, tôi hiểu ngay rằng cái điều hệ trọng không ai mong muốn đã đến: Bác Hồ của chúng ta đã ra đi theo cụ Các Mác, cụ Lê Nin và các bậc đàn anh khác.
Mấy ngày hôm đó, vòm trời Hà Nội cũng như cả nước trĩu nặng một nỗi buồn, thiên nhiên như cũng đau nỗi đau của con người. Công tác chuẩn bị tang lễ Bác diễn ra hết sức dồn dập. Những người giúp việc anh Ba, nhất là bộ phận thư ký chúng tôi đều ứng trực cao độ. 9h tối 6/9/1969, vừa đi họp ở Bộ Chính trị về, anh Ba cho gọi tôi và anh Đậu Ngọc Xuân, trong tổ thư ký lên phòng làm việc của anh ở số 6 - Hoàng Diệu. Anh trầm ngâm đưa cho chúng tôi bản Di chúc của Bác Hồ (văn bản mà Bộ Chính trị quyết định công bố trong lễ truy điệu Hồ Chủ tịch), hai dự thảo điếu văn do bộ phận khác chấp bút (hai bản dự thảo này không được Bộ Chính trị thông qua) và giao nhiệm vụ:
 - Hai chú chuẩn bị giúp tôi bản điếu văn khác để đọc tại lễ truy điệu Bác.
Nghe đến đây tôi và anh Xuân nhận thức rất rõ rằng công việc được giao là một vinh dự rất lớn nhưng hết sức khó khăn, vượt quá sức mình. Chưa kịp định thần trước nhiệm vụ được giao thì anh Ba chỉ đạo: "Về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ đã ăn sâu vào tâm trí của mỗi người dân Việt Nam. Vì thế điếu văn vĩnh biệt Người không nên viết theo công thức. Phải làm sao thông qua điếu văn nêu bật được những tư tưởng lớn của Người để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thấu suốt hơn nữa, lấy đó làm mục tiêu phấn đấu, quyết biến sự nghiệp của Người thành hiện thực.
Thứ nhất, Hồ Chủ tịch nêu cao chân lý: "Không có gì quý hơn độc lập tự do" lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh đến cùng chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc để hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Thứ hai, Hồ Chủ tịch gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, dìu dắt đồng bào ta phấn đấu vì dân giàu nước mạnh, vì ấm no hạnh phúc của mọi người. Thứ ba, Hồ Chủ tịch dày công xây đắp khối đại đoàn kết dân tộc, kêu gọi toàn dân thực hiện, coi đó là bí quyết thắng lợi của cách mạng nước ta. Thứ tư, Hồ Chủ tịch kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế cách mạng. Thứ năm, Hồ Chủ tịch là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính, chí công vô tư để mọi người học tập noi theo. Các chú chú ý đến văn phong, lời lẽ phải trang trọng, sâu sắc, cô đọng; văn chương phải có hồn và đi vào lòng người. Cố gắng làm xong trong đêm nay để kịp sáng mai Bộ Chính trị thông qua".
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình. Ảnh:T.H..
Sau khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi hội ý và xây dựng đề cương khái quát. Quá 12h đêm, chúng tôi vẫn chưa viết được đoạn nào. Mấy hôm đó, chúng tôi đều thức để chuẩn bị phục vụ tang lễ Hồ Chủ tịch. Chắc vì quá mệt, nên anh Đậu Ngọc Xuân gục xuống bàn. Tôi dìu anh vào giường để anh nằm nghỉ và quay lại tiếp tục nghiên cứu để viết.
Lúc này, chỉ mình tôi ngồi đối diện trang giấy trắng. Tôi không dám nghĩ rằng Bác Hồ đã mất và hình dung trước mặt là hình ảnh của Người. Người là lãnh tụ có công lao trời biển và hy sinh cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng. Người đã làm rạng rỡ dân tộc và non sông đất nước ta. Nay Người đã ra đi! Dân tộc ta đứng trước một tổn thất, một đau thương lớn lao vô cùng. Trong tôi dâng trào niềm tiếc thương và xúc động vô hạn. Nó đã giúp tôi có cảm xúc mạnh mẽ để viết và hoàn thành bản thảo.
Sáng hôm sau, anh Ba dậy sớm hơn mọi ngày và gọi tôi cầm bản thảo lên đọc cho anh nghe. Nghe xong, anh chỉ thị:
- Về cơ bản là được, chú cần suy nghĩ thêm về đoạn nói về tư tưởng của Bác, nội dung 5 lời thề và cân nhắc thêm về từ ngữ.
Dừng lại nhìn tôi, chắc thấy sắc mặt tôi nhợt nhạt, đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ mấy hôm triền miên, anh động viên:
 - Nhưng thôi, chú thức suốt đêm chắc là mệt lắm, hãy cứ để như thế cho đánh máy rồi lấy thêm ý kiến của các đồng chí trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư, sau đó sửa chữa một thể.
Theo sự chỉ đạo của anh Ba, tôi đưa bản thảo sang bộ phận văn thư của Văn phòng Trung ương ở 1A Hùng Vương để đánh máy. Chị Vũ Thị Sinh, tổ trưởng tổ đánh máy đọc bản thảo một lần rồi vừa đánh máy vừa khóc, mọi ngày hai bàn tay như múa trên bàn phím mà hôm đó cứ lóng nga lóng ngóng. Tôi động viên chị trấn tĩnh để hoàn thành bản thảo cho kịp thời gian.
8h sáng 7/9/1969, Bộ Chính trị và Ban Bí thư họp để bàn một số công việc, trong đó có nội dung tham gia vào dự thảo điếu văn. Sau khi lấy ý kiến tham gia, tôi và anh Xuân tập trung chỉnh sửa rất khẩn trương và tích cực, đến quá trưa thì công việc tạm xong. Đó là lần sửa chữa quan trọng nhất nhưng chưa phải là lần cuối cùng.
Sau khi nghe chúng tôi báo cáo kết quả sửa chữa lần thứ nhất, anh Ba đồng ý và chỉ thị cho chúng tôi gửi điếu văn cho anh Trường Chinh, anh Phạm Văn Đồng, anh Tố Hữu, anh Hoàng Tùng… để các anh xem lại, góp ý kiến cho thật chặt chẽ và hoàn hảo. Đồng thời, gửi sang Ban Đối ngoại để kịp dịch ra năm thứ tiếng nước ngoài. Khoảng 8h tối 7/9, điếu văn đã hoàn thiện sau 4 lần rà soát, sửa chữa.
Sáng 8/9, chúng tôi trình anh Ba bản điếu văn chính thức. Anh xem và nói:
- Tôi nói giọng miền Trung, đồng bào ngoài Bắc khó nghe, tôi phải đọc trước mới được.
Đọc được mấy dòng, anh nghẹn lại, hai hàng lệ cứ lăn dài trên gò má làm nhoà cả kính. Nhìn anh Ba khóc, chúng tôi càng hiểu tình cảm của anh với Bác Hồ kính yêu và tất cả chúng tôi không ai cầm được nước mắt. Ngoài trời mưa tầm tã.
Sáng 9/9/1969, lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh được cử hành trọng thể và trang nghiêm với lòng thành kính và biết ơn vô hạn với Bác, trên 33 vạn đồng bào, chiến sĩ cả nước và hơn 40 đoàn đại biểu các nước trên thế giới kính viếng và dự lễ truy điệu Người.
Sau khi anh Ba nghẹn ngào đọc Di chúc của Bác và Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng: "Hồ Chủ tịch kính yêu của chúng ta không còn nữa! Tổn thất này vô cùng lớn lao! Đau thương này thật là vô hạn!... Dân tộc ta và Đảng ta mất đi một vị lãnh tụ thiên tài và một người thầy vĩ đại. Phong trào Cộng sản quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc và cả loài người tiến bộ mất đi một chiến sỹ lỗi lạc, một người bạn chiến đấu kiên cường và thân thiết… Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, Người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta…" cả Quảng trường lặng đi rồi oà lên khóc. Các cháu thiếu nhi gục đầu vào lòng các bác lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước khóc nức nở.
Để thể hiện quyết tâm biến đau thương thành hành động cách mạng, sau mỗi lời thề trước anh linh của Bác, cả rừng cánh tay giơ cao cùng Ban Chấp hành Trung ương xin thề với Bác sẽ làm tròn sứ mệnh mà Người đã tin cậy giao phó, nguyện đi theo con đường mà Người đã vạch ra..."
Nguyễn Đức Quý