Kho tàng thành ngữ tiếng Việt có câu: "Công tử bột". "Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ" của Viện Ngôn ngữ học (NXB Khoa học Xã hội - 1999) giải thích: "Công tử bột là ai mà hễ chàng nào ít am hiểu xã hội, vẻ béo tốt, trắng trẻo, ăn mặc sạch sẽ cứ ngơ ngơ ngác ngác trước cuộc sống, vụng về trong công việc, thích ăn chơi, lười biếng hoặc yếu ớt trong lao động đều bị liệt vào hạng người này" (tr.104).
Tại sao thành ngữ này xuất hiện? Cũng theo "Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ": 1.
"Chính là các công chức ngành dây thép (bưu điện) trong thời Pháp. Thuở
ấy các quan chức này thường ăn diện quần áo trắng, bảnh bao, chạy như
cờ lông công trên các đường phố ở thành phố lớn"; 2. "Và từ bột là cách đọc chệch âm từ poste trong tiếng Pháp, có nghĩa là bưu điện (dây thép)" (tr. 105).
Tuy nhiên, theo "Từ điển các từ tiếng Việt gốc Pháp" của Nguyễn Quảng Tuân - Nguyễn Đức Dân (Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP HCM - 1992): "Chữ poste nếu có phiên sang tiếng Việt thì cũng đọc là "bót", bốt" chứ không ai đọc là "bột" cả"; và cho rằng: "Có thể "công tử bột" chỉ được dùng để chế nhạo các anh chàng nhà giàu làm dáng cũng thoa phấn lên mặt. Phấn được làm bằng một thứ bột mịn. Thế thì chữ "bột" ở đây chỉ là một danh từ chung nên người ta mới đem "công tử bột" để đối với "tiểu thư vôi" (tr. 85).
Trước hết, xin nói ngay 2 điều:
1. Nếu "các anh chàng nhà giàu làm dáng cũng đem phấn thoa lên mặt" ắt phải gọi "công tử phấn". Vì phấn là phấn; bột là bột. Phấn và bột không thể hoán đổi cho nhau, nhất là khi nó gắn với từ mặt. "Biết thân chạy chẳng khỏi trời/Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh" (Truyện Kiều); "Cô kia đen thủi đen thui/Phấn đánh vô hồi, đen vẫn hoàn đen"; Mặt hoa da phấn; Má phấn môi son... Không thể đổi phấn qua bột trong ngữ cảnh này - cho dù phấn trong chừng mực nào đó cũng là loại bột dùng trang điểm nhưng người ta vẫn gọi đánh phấn, phấn trang điểm chứ chẳng thể nào nói bột!
2. Nếu nói so sánh với "tiểu thư vôi", người ta không dùng "công tử bột" mà phải là "công tử vỏ". Ta hãy đọc lại câu văn trên báo chí thập niên 1930 do nhà nghiên cứu Trần Đức Anh sưu tập: "Không những thế, chúng ta lại còn vẽ vời đi đền kia phủ nọ, nói rằng năm mới đi lễ cầu phúc cầu tài; nhưng xem ra số người thành tâm đi lễ thì ít, còn phần đông là bọn công tử vỏ, tiểu thư vôi giả dạng đi lễ cầu lộc cầu tài mà kỳ thực chỉ để khoe giòn, khoe đẹp" ("Bàn về chơi xuân trên báo xưa", Báo Ngày Nay ra ngày 26-2-2012). Rõ ràng, đã công tử vỏ ắt "sánh duyên" tiểu thư vôi. Vỏ và vôi hàm nghĩa giả dạng hình thức, chưng diện, tô phết cái mã bề ngoài - nói như Tú Mỡ là "Để che đậy cái sơ sài bên trong".
Nói tóm lại, sự ra đời của thành ngữ "công tử bột" không liên quan gì đến những cách giải thích vừa nêu.
Căn cứ vào "Hát bội Théâtre traditionnel du Viet Nam" (NXB Nam Chi tùng thư - 1970) của Huỳnh Khắc Dụng, "Bến Nghé xưa" của Sơn Nam (NXB Văn Nghệ - 1981), ta biết cụm từ này gắn liền với hát bội. Trước đó nữa, trong bài khảo cứu "Hát bội" in trong Tạp chí Phổ Thông số 35 (15-6-1960), nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Quý cho biết trong hát bội có điệu hát tên gọi là "Bài thằng Bột": "Dân gian thường gọi con quan ở trong triều là công tử bột, học hành chẳng ra hình, ở không nên nết, tụ năm tụ ba, hiếp kẻ cô đơn, nịnh người quyền thế, có một tài chim gái mà thôi, không giúp ích cho gia đình, chẳng làm lợi cho xã hội. Sân khấu cổ truyền trình diễn những nhân vật đó làm trò cười cho khán giả, cho nói giọng trọ trẹ, đầu bịt khăn gò, mặt cho giồi phấn mốc, mắt mang kiếng giọng vàng, chơn đi giày Tàu, tay cầm quạt lông, mình mặc áo gấm, ra vẻ sang trọng, có nét ăn chơi, ăn nói ngược ngạo láo xấc".
Rất
khó giải thích vì sao dân gian lại gọi con cái hư đốn của nhà quan là
bột? Theo nhà văn Sơn Nam, Hoa Bột, Ba Bột là tên riêng của nhân vật
trong tuồng hát xưa. "Đại Nam quấc âm tự vị" (1895) cũng ghi rõ: "Hoa
Bột, Ba Bột - tên riêng. Người không biết điều mà hay nói phách, hay ỷ
thị cũng gọi thằng bột".
(https://nld.com.vn/van-nghe/sao-goi-la-cong-tu-bot-20211127192813731.htm)