Friday, 31 August 2012

"Thiến" và "hoạn" giống hay khác nhau? (Nguyễn Ngọc Thanh - Người Hiếu Cổ)

"Thiến" và "hoạn" giống hay khác nhau?

Bài viết này, Blog người hiếu cổ xin đưa ra mấy suy nghĩ về việc: Liệu 2 từ Thiến và Hoạn có hoàn toàn cùng nghĩa hay không. Tinh thần đưa ra để trao đổi cùng quý vị độc giả.
***

Việc triệt đường sinh sản bằng cách cắt đi phần một phần cơ quan sinh dục của người, cũng như của gia súc, gia cầm thường được diễn tả bằng một trong hai từ là "Thiến" hoặc "Hoạn". Chúng ta vẫn được nghe các cụm từ như: Quan hoạn, hoạn lợn, thiến chó, thiến mèo...
Quan hoạn thời nhà Thanh (Trung Quốc)
Nguồn: Wikipedia Việt Nam
Tuy nhiên, cách sử dụng 2 từ này có phần không được nhất quán, ta quan sát như dưới đây:
Một số hình ảnh về các hoạt động thiến hoạn vật nuôi trong sách "Kỹ thuật người An Nam" của Henry Orger, cùng một cuốn sách nhưng có chỗ ghi là "thiến", chỗ ghi là "hoạn". Ví dụ:

Hoạn gà

Người hoạn lợn

Thiến chó

Thiến trâu
Qua quan sát hình vẽ, tôi tạm thời có suy nghĩ chủ quan:
- 2 trường hợp "hoạn gà" và "hoạn lợn": có 2 người giữ cho lợn và con gà để cắt.
- 2 trường hợp "thiến chó" và "thiến trâu": có 1 hoặc nhiều người (nhưng không vẽ) cắt, nhưng lại không có người giữ, mà thay vào đó là việc buộc chân con trâu hoặc bó con chó lại để tiện việc cắt.
=> Như vậy phải chăng hoạn là 1 người giữ và 1 người cắt, còn thiến là có sự trợ giúp của công cụ?

Xét trên góc độ chữ viết và ngữ âm: 

1. Chữ Nôm 'thiến' lấy chữ  'sấn' để chỉ âm đọc. 
2. Từ 'hoạn' trong 'hoạn quan, hoạn lợn' nhiều khả năng là từ gốc Hán . Chữ hoạn  (bệnh hoạn) là cách dùng giả tá chữ đồng âm thôi. Thiến trâu được gọi là Hoạn. (宦牛:阉牛。  朱权 《臞仙肘后经·蚕丝六畜类》:“騸马、宦牛、羯羊、阉猪、鐓鸡、善狗、浄猫。”宦:(8) 阉割 [castrate]。如:宦牛(阉割的牛) zdic.net. Hoạn quan quan hoạnchỉ người thiến bộ phận sinh dục vào hầu trong cung. 
=> Có khả năng "Hoạn" là từ gốc Hán và "Thiến" là tiếng Việt.

Từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes thế kỷ 17 cũng đã ghi nhận từ "Thiến" và  "Hoạn"

Thiến: thiến, hoạn. Gà thiến: gà trống bị thiến.
Hoạn lạt: hoạn, thiến. Thiến, cùng 1 nghĩa.
Từ những luận điểm trên, về cơ bản chúng ta hiểu rằng Thiến và Hoạn là như nhau. Điểm khác nhau ở chỗ có thể Hoạn là từ gốc Hán, còn Thiến là từ tiếng Việt. Còn có hay không  các trường hợp gọi lúc là Thiến lúc là Hoạn thì chưa thể giải thích một cách đầy đủ.

Có thể nào có từ quốc gia mà không có khái niệm quốc gia không?


Suýt nữa sặc cả nước trà vì cái lưu ý long trọng này:
Xin lưu ý: mặc dù Việt Nam có lịch sử cả mấy ngàn năm, nhưng khái niệm quốc gia, và đặc biệt, chủ nghĩa quốc gia chỉ ra đời từ đầu thế kỷ 20 khi người Việt thoát khỏi ý thức trung quân, ở đó, khái niệm nước bị đồng nhất với khái niệm vua, và khi người Việt chớm có ý thức công dân, tự xem mình như một chủ thể của đất nước, ở đó, họ có trách nhiệm trực tiếp đối với vận mệnh của đất nước.
Vậy ra khi cụ Nguyễn Du bắt Hồ Tôn Hiến trăn trở Nghĩ mình phương diện quốc gia, cụ biết dùng từ quốc gia nhưng không có khái niệm quốc gia. Gần như cùng thời với Nguyễn Du có một ông Tây là giám mục Bá Đa Lộc lại đưa từ quốc gia vào từ điển và dịch sang tiếng La Tinh là regnum (Pigneaux de Béhaine, 1772:495). Vậy ông Tây cuối thế kỷ 18 đã có khái niệm quốc gia và tìm được từ ngữ tương đương trong hai ngôn ngữ khác nhau còn người Việt thì phải đợi cả trăm năm nữa mới có khái niệm đó.  Có lẽ nên viết rằng nhận thức của người Việt về quốc gia có sự thay đổi quan trọng vào đầu thế kỷ 20. Đúng sai thế nào khoan bàn nhưng diễn đạt như vậy còn có thể hiểu được chứ bảo người Việt phải đợi mấy nghìn năm lịch sử mới có thể hình thành khái niệm quốc gia trong khi vẫn sử dụng từ quốc gia như cơm bữa thì ngớ ngẩn hết sức.

Thursday, 30 August 2012

Cùm lim, xích sắt (Nguyễn Dư)


Cùm lim, xích sắt 
___________Nguyễn Dư

Đang mồ yên mả đẹp tại sao lại khiêng gông cùm, xiềng xích ra... khoe vậy?Chỉ vì... văn học chép rằng:
(...) Tiếc vì cơ mưu bị tiết lộ, tổ chức lại chưa hoàn bị nên chẳng bao lâu cơ quan tan rã. Cao bị bắt giam tại nhà ngục Sơn Tây, rồi bị đóng cũi đưa về Hà Nội, và giải vào Huế.
Tới kinh, Quát bị bỏ ngục, chờ ngày hành quyết.
Nằm trong ngục, Cao Bá Quát không hề sợ sệt, tự nhạo cái mộng đế vương của mình:

Một chiếc cùm lim chân có đế
Ba vòng xích sắt bước thì vương
 
Trước khi thọ hình, ông cũng còn ứng khẩu ngâm hai câu chửi rủa :
 
Ba hồi trống giục mồ cha kiếp
Một nhát gươm đưa đ. mẹ thời
 
Thời là thời thế, mà cũng lại là tên vua Tự Đức !
 
(Lãng Nhân, Giai thoại làng Nho, Nam Chi Tùng Thư, 1966, tr. 303-316). Phục "thánh" Quát sát đất! Chữ nghĩa chất đầy bồ. Dùng đến chết cũng không hết. Đang phục, đang thích... Bỗng được đọc đoạn sử của nhà Nguyễn:(Năm 1855) Phó lãnh binh ở Sơn Tây là Lê Thuận Đại đem quân tới đánh, Bá Quát bị thua chết ở trận (...).
Việc đến tai vua, (vua) sai đem thủ cấp Bá Quát truyền giao cho các tỉnh Bắc Kỳ bêu lên và khuyên bảo dân chúng rồi xé xác vứt xuống sông.

(Cao Xuân Dục, Đại Nam chính biên liệt truyện, Văn Học, 2004, tr.1053).
 
Cơm đang ngon bỗng nhai phải sạn, có là "thánh" mới không bực mình. Tin ai bây giờ ? Ối dào, hơi đâu mà tin với chả tin. Thắc mắc chỉ tổ mất thì giờ. Đồng ý là mất thì giờ nhưng... trống đánh xuôi, kèn thổi ngược;ông nói gà, bà nói vịt... khó chịu lắm.Cao Bá Quát chết nhưng chuyện vẫn chưa hết. Ngược lại, chuyện được bắt đầu...
***
Cao Bá Quát chết tại trận ở Sơn Tây, hay ông bị bắt bỏ ngục và bị chém tại Huế?
Xin nhờ cặp bài trùng cùm lim, xích sắt giúp tìm câu trả lời.
Ngày nay, nói đến ngục tù người ta thường liên tưởng đến Côn Đảo, Cayenne, Guantanamo với những "đồ nghề" tối tân rùng rợn... Ngày xưa thì:

Dạy rằng : cứ phép gia hình !
Ba cây chập lại một cành mẫu đơn
 
Thời Gia Tĩnh nhà Minh (thế kỉ 16), cô Kiều bị hành hạ, tra tấn bằng "ba cây".Ba cây, chữ Hán là tam mộc, là ba hình cụ làm bằng gỗ: nữu (cái khoá tay), gia (cái gông cổ) và giới (cái cùm chưn) (Bùi Kỷ-Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh, Nguyễn Thạch Giang).
Huỳnh Tịnh Của giảng nghĩa : Gông là đồ hình ngục đóng kẹp cổ người có tội, thường dùng hai khúc cây dài, tra then hai đầu, ở giữa lại tra hai cái then cho vừa cái cổ người có tội. Cùm là đồ hình ngục, dùng hai tấm ván khoét nửa lỗ tròn, có thể đóng mở, để mà cầm chân người có tội.
Mọi người còn nhớ mấy câu ca dao:

- Gái có chồng như gông đeo cổ
Gái không chồng như phản gỗ long đanh...- Cờ bạc là bác thằng bần,
Cửa nhà bán hết cho chân vào cùm.

Gông đeo trên cổ. Cùm khoá dưới chân. Chỉ có Thiều Chửu mới dám nói rằng: Gia (hay già) là cái gông, cái cùm, dùng để cùm đầu. Giới là cái cùm chân tay.
Theo Thiều Chửu thì... gông cũng là cùm và cùm cũng là gông. Kẹp cổ hay kẹp tay chân đều là cùm. Rốt cuộc cùm và gông chỉ là một thôi à? Nói bậy, nói bạ! Nói mà không sợ Huỳnh Tịnh Của la cho bây giờ.
Thế nhưng... ai la, ai chửi, ai cho là bậy bạ, thì cứ mặc họ.
Chỉ biết rằng cái gông, cái cùm của Thiều Chửu giống cái cangue (căng-gơ) của Pháp! Cangue cũng có cangue khoá cổ (cangue pour le cou) và cangue khoá chân (cangue pour les pieds) (G. Dumoutier, Essais sur les Tonkinois, Imprimerie D'Extrême-Orient, 1908, tr. 16).
Huard và Durand cho biết thêm:
Les filles et les veuves ayant des symptômes apparents de maternité devaient, la nuque rasée et barbouillée de chaux, porter une cangue faite d'une corbeille plate à vanner le riz. (P. Huard, M. Durand, Connaissance du Viet-Nam , EFEO, 1954, tr. 114).
(Ngày xưa, con gái và đàn bà goá mà có chửa thì bị phạt gọt tóc, bôi vôi và phải mang một cái cangue làm bằng cái nia sảy gạo).
Cangue có liên hệ gì với cái gông, cái cùm?
Sưu tập Oger (1909) có tấm tranh  Đốt quăng  tra tiền  vẽ cái cangue đeo cổ dành cho đàn bà.
Chữ Quăng của tên tranh nghĩa là gì ? Quăng (chữ Hán, bộ Nhục) nghĩa là cánh tay. Quăng, tiếng Việt, nghĩa là ném mạnh và xa.Quăng bị người đàn ông đốt không phải là cánh tay, cũng không phải là vật gì bị ném ra xa. Quăng bị đốt là cái nia quàng vào cổ người đàn bà. Quăng chính là cái cangue dành cho đàn bà được Huard và Durand nói đến trên kia.
Chữ Quăng của tên tranh không có nghĩa như chữ Hán, cũng không có nghĩa của tiếng Việt. Chữ Quăng được dùng để ghi âm từ cangue  của tiếng Pháp. Tấm tranh Đốt quăng  tra tiền cho phép suy ra rằng người Pháp đã đưa từ cangue (hoặc đưa cả cáicangue ?) vào Việt Nam.
Bộ sưu tập Oger còn có tấm Cùm ngạch (vẽ bàn chân bị trói vào khúc tre của cái ngạch nhà). Hai tấm tranh là bằng chứng cho thấy vào khoảng đầu thế kỉ 20, từ cangue có lúc vẫn còn được phát âm là quăng, có lúc được Việt hoá thành cùm.

Còn cái gông ?
Từ cangue (căng-gơ) có hai âm tiết, được Việt hoá theo hai ngả : căng trở thành cùm và gơ trở thành gông. Rốt cuộc, cùm và gông chỉ là một, như định nghĩa của Thiều Chửu (gia= cái gông, cái cùm). Thiều Chửu có lí. Huỳnh Tịnh Của phân biệt cùm (khóa chân) và gông (khoá cổ). Huỳnh Tịnh Của mượn cái cangue, chế biến thành cái cùm, cái gông, làm giàu cho tiếng Việt ! (Bản thân từcangue là do tiếng Bồ Đào Nha canga mà ra).
Từ cùm, từ gông, mới có từ thời Pháp thuộc. Cao Bá Quát chết năm 1855, lúc thực dân Pháp chưa đánh chiếm Việt Nam. Cùm, gông chắc chắn còn xa lạ với ngôn ngữ văn chương Việt Nam.
Một chiếc cùm lim chân có đế không phải là khẩu khí của Cao Bá Quát.
***
Hoạn Thư  sai Khuyển Ưng đến Lâm Chuy bắt Kiều, đem về Vô Tích.

Dọn thuyền lựa mặt gia nhân,
Hãy đem dây xích buộc chân nàng về.

Việt Nam tự điển của Khai Trí Tiến Đức (1931) định nghĩa chữ xích của câu thơ là dây bằng sắt có từng vòng nối liền nhau. Đào Duy Anh cũng đồng ý rằng dây xích của Hoạn Thư là cái xích bằng sắt (Từ điển truyện Kiều, 1989).
Thời cô Kiều (thế kỉ 16), hay thời Nguyễn Du (1765-1820), dân ta đã biết cái dây xích bằng sắt chưa?
Ngày xưa, các bà các cô có chùm dây xà tích (hay dây Xuân Thu) để chưng diện. Dây xà tích làm bằng vàng hay bằng bạc, là một chuỗi vòng nhỏ (đường kính khoảng hai, ba mm) móc vào nhau. Xà tích không dùng để trói hay buộc bất cứ cái gì. Trói buộc thì đã có dây thừng hay dây lòi tói (chữ Hán là luy tiết).
Lòi tói là: Dây niệt lớn, thường dùng mà cột trói người có tội, xiềng toả (Huỳnh Tịnh Của). Liens (dây), chaînes (xích) (Génibrel). Dây bện to rất chắc (Khai Trí Tiến Đức). Dây sắt gồm nhiều vòng móc vào nhau (Văn Tân). Dây xích sắt hoặc dây chão lớn, thường dùng để buộc tàu, thuyền (Hoàng Phê).
Lòi tói có lúc là sợi dây to để trói người, có lúc ngập ngừng giữa sợi dây to và cái xích, có lúc dứt khoát là cái xích sắt. Định nghĩa của luy tiết cũng chao đảo như lòi tói.
Luy, Tiết : cái dây để trói kẻ có tội.
Luy tiết : cái dây xích trói buộc người tù ; xiềng xích (Đào Duy Anh, Thiều Chửu).
Rõ ràng lòi tói của ta và luy tiết của Tàu đã bị cái xích lấn át, thay thế. Tên xích (từ kép là xiềng xích) có từ bao giờ và từ đâu ra?
Trong tập Thi tù tùng thoại, Huỳnh Thúc Kháng kể chuyện Tù trốn ngoài Côn Đảo :
- (...) Thứ tù trốn nói trên có cái phạt cạo nửa đầu tóc, còn hạng tù chung thân có tính chất nguy hiểm (dangereux) thì xiềng cả hai chân (chaîne double).
Đó là cái phạt đặc biệt trong tù mà ai trông thấy cũng biết. Tôi có câu thơ ghi chuyện thú đó :

Đào ngục giai nhân đầu bán thể
Chung thân án tận túc song hoàn
Dịch:Tội trốn đầu đều đen nửa tóc,
Chung thân, chân thảy sắt hai vòng.
(Chương Thâu, Thơ văn Huỳnh Thúc Kháng, Đà Nẵng, 1989, tr. 225).
Cái vòng sắt khoá chân được Huỳnh Thúc Kháng gọi là cái xiềng. Nhờ vào ghi chú của chính tác giả, người đọc được biết thêm cáixiềng là cái chaîne của Pháp.
Huỳnh Tịnh Của định nghĩa dây xích là... dây xà tích cột chó. Không có chuyện dùng nữ trang để cột chó. Tuy nhiên, định nghĩa của Huỳnh Tịnh Của cũng cho thấy hình dạng của xích giống xà tích. Cả hai đều là dây làm bằng nhiều vòng móc vào nhau.
Khoảng đầu thế kỉ 20, người Pháp đưa cái xe đạp vào nước ta. Lập tức tiếng Việt có thêm mấy từ mới như xăm (chambre à air), lốp (enveloppe), xích (chaîne) v.v.. Ngoài cái xích xe đạp về sau tiếng Việt còn có thêm xích xe tăng (chenille), xúc xích (saucisse), xích lô (cyclo), xích đu, xích đông v.v.. Toàn là xích Made in France.
Ta cũng có vài cái xích. Cái thứ nhất dùng để... ràng buộc tinh thần, đánh dấu cội nguồn dân tộc. Đó là cái... Xích Quỷ. Cái xích vô hình, không trói buộc ai. Cái xích thứ nhì của ta rất dễ thương, được tất cả mọi người nâng niu, trìu mến :

Có một bận em ngồi xa anh quá
Anh bảo em ngồi xích lại gần hơn,
Em xích gần thêm một chút; anh hờn
Em ngoan ngoãn xích gần thêm chút nữa...
                                (Xuân Diệu, Xa cách)

Cái xích "ban đầu lưu luyến ấy, ngàn năm chưa dễ đã ai quên". Xích do chữ Dịch (bộ Nhật, nghĩa là thay đổi, xê dịch) mà ra. A ha! Thuyết âm dương của kinh Dịch thâm thuý, thú vị thật! Có thể minh hoạ bằng cái xích... đẩy em lại gần anh. Giá mà duyên phận lứa đôi nào cũng được xích mãi bên nhau thì sướng biết mấy!
Trái ngược với cái xích nhè nhẹ đầy hứa hẹn của thi sĩ là cái xích thứ ba rất nặng nề, khủng khiếp. Cái xích (mích) đáng ghét, chuyên gây đổ vỡ, giận hờn, xa cách. Đời vắng em rồi vui với ai? (Xích, chữ Hán (bộ Cân) nghĩa là đuổi đi).
Động từ Xích (enchaîner) thường được dùng theo nghĩa rộng là trói buộc bằng dây, không bắt buộc phải là dây xích. Tranh Xích con chó của bộ sưu tập Oger vẽ một con chó bị trói cổ bằng sợi dây thừng thắt nút thòng lọng. Xưa kia, chả ai có thừa tiền đi tậu xích sắt hay... xà tích cho chó.
Từ Xích xuất hiện vào khoảng cuối thế kỉ 19. Có lẽ vì tên còn mới nên cách viết cũng tuỳ tiện. ChữXích được Huỳnh Tịnh Của (1895) viết = bộ kim+ dịch (thay đổi). Génibrel (1898) viết = bộ kim+xích (cái thước đo). Tranh Oger (1909) viết bằng chữ xích (đuổi đi).
Cũng như cái cùm, cái xích là một bằng chứng để khẳng định rằng câu thơ Ba vòng xích sắt bước thì vương là của người đời sau làm rồi đem gán cho Cao Bá Quát.
Rốt cuộc, giai thoại văn học Cao Bá Quát bị giam trong ngục và trước khi bị chém tại Huế còn ngạo mạn chửi vua Tự Đức là... vớ vẩn, bịa đặt.
Cái xích cũng giúp chúng ta hiểu Nguyễn Du hơn. Dây xích của Hoạn Thư phải được hiểu là sợi dây màu đỏ (xích thằng), sợi tơ hồng, để buộc chân trai gái, kết duyên vợ chồng (tích Vi Cố, Nguyệt lão), chứ không phải cái dây xích bằng sắt của thời Pháp thuộc.
Nguyễn Khuyến (1835-1909) vịnh  Hoạn Thư ghen, cũng hiểu sợi dây xích buộc chân của Nguyễn Du là sợi tơ hồng :

Chị Hoạn ghen tuông khéo dở người
Tơ duyên lỏng lẻo buộc chân người

Thơ văn ngày xưa thường dùng điển tích xích thằng buộc chân để chỉ chuyện tình duyên.

Ngẫm nhân sự cớ chi ra thế ?
Sợi xích thằng chi để vướng chân ?
(Nguyễn Gia Thiều, Cung oán ngâm khúc)
Con dầu bước đặng thang mây
Dưới chơn đã sẵn một dây tơ hồng
(Nguyễn Đình Chiểu, Lục Vân Tiên)

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du còn dùng điển tích xích thằng buộc chân ở hai tình huống khác :
- Lúc Mã Giám Sinh mua Kiều, tổ chức lễ rước dâu :

Cạn lời khách mới thưa rằng
Buộc chân thôi cũng xích thằng nhiệm trao

- Lúc Thúc Sinh thề thốt lấy Kiều làm vợ :

Lạ gì thanh, khí lẽ hằng
Một dây một buộc, ai giằng cho ra ?

***
Cùm gông (cangue), xiềng xích (chaîne) của thực dân Pháp đã bị dân ta đập tan. Hôm nay ngồi bàn chơi cho vui. Vui nhưng vẫn còn... nổi da gà !
Nguyễn Dư
(Lyon, 5/2008)

Học chữ quốc ngữ chỉ để đọc truyền đơn cộng sản thôi sao?



Nguyễn Hưng Quốc tiếp tục bàn về tính chính trị của ngôn ngữ. Kỳ này ông giới hạn bàn luận trong phạm vi quốc gia.  
Sau năm 1945, chính quyền Việt Minh cương quyết loại trừ tiếng Pháp, chỉ sử dụng tiếng Việt, và trong tiếng Việt, chỉ sử dụng chữ quốc ngữ trong hệ thống hành chính và học đường cũng là vì lý do chính trị: Thứ nhất, thực hiện chiêu bài dân tộc hóa họ đã đặt ra ngay từ thời Văn hóa Cứu quốc; thứ hai, lực lượng của họ chủ yếu đến từ công nhân và đặc biệt nông dân, những người ít học và có vốn văn hóa thấp. Để tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của các tầng lớp ấy, ngay sau Cách mạng tháng Tám, họ tung ra ngay hai chiến dịch: Một, xóa nạn mù chữ một cách gấp rút (5); hai, chủ trương nói và viết một cách nôm na, đơn giản, thật dễ hiểu đối với mọi người. Cả hai đều nhắm đến một mục tiêu duy nhất: làm sao cho đông đảo quần chúng có thể đọc được cái tờ truyền đơn tuyên truyền của đảng Cộng sản.
Câu cuối cùng của đoạn vừa dẫn là kết quả của một sự suy diễn bóp méo sự thật lịch sử.
Đúng là có chuyện ngay sau khi giành được chính quyền vào tháng 8/1945, chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã tìm cách phổ biến chữ quốc ngữ song song với xúc tiến việc giảng dạy bằng tiếng Việt ở các cấp. Chỉ một tuần lễ sau ngày Việt Nam tuyên bố độc lập, chủ tịch Hồ Chí Minh đà dành một buổi tiếp đoàn lãnh đạo Bộ Giáo Dục gồm bộ trưởng Vũ Đình Hòe, giám đốc đại học vụ Nguyễn Văn Huyên, giám đốc trung học vụ Ngụy Như Kontum để bàn về việc dạy, học và thi bằng tiếng Việt ở tất cả các bậc học, ngay trong niên học đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Cơ sở để bộ giáo dục đề xuất phương án trên là thành tựu của Hoàng Xuân Hãn, nguyên bộ trưởng giáo dục – mỹ thuật thời Bảo Đại, và cộng sự, trong đó có các nhân vật chủ chốt của chế độ mới như Nguyễn Xiển, Nguyễn Duy Thanh, Ngụy Như Kontum (Nguyễn Đình Đầu, 1997:182).
Ngày 8/9/1945, theo chỉ chị của chủ tịch Hồ Chí Minh, bộ trưởng nội vụ Võ Nguyên Giáp ký hai sắc lệnh liên quan đến việc triển khai việc dạy học và thi cử bằng tiếng Việt và thành lập nha bình dân học vụ (Nguyễn Văn Khang, 2003:312). Sắc lệnh 19 quy định: “Việc học chữ quốc ngữ từ nay bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người. Hạn trong một năm, toàn thể dân chúng Việt Nam trên 8 tuổi phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Quá hạn đó, một người dân Việt Nam trên 8 tuổi mà không biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ đó sẽ bị phạt tiền”. (Nguyễn Văn Khang, 2003:25 ; Đinh Văn Đức, 2005:89 ; Nguyễn Thiện Giáp, 2007b:35). Sắc lệnh 20 thành lập Nha Bình Dân Học Vụ (Nguyễn Văn Khang, 2003:25 ;  Nguyễn Thiện Giáp, 2007b:35): chỉ trong vòng một năm nha này tổ chức được 75,805 lớp và xóa mù chữ cho hơn 2,5 triệu người (Lê Mậu Hãn, 2005:159) ; Nguyễn Xuân Minh, 2006:29). Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trước sau không có một văn bản nào cưỡng bách học chữ quốc ngữ để  đông đảo quần chúng có thể đọc được cái tờ truyền đơn tuyên truyền của đảng Cộng sản.
Sự suy diễn của Nguyễn Hưng Quốc không hoàn toàn vô căn cứ. Bất cứ chính sách ngôn ngữ nào ở bất kỳ nước nào và bất cứ thời điểm nào cũng phải thể hiện mong muốn và ý chí của người ban hành chính sách, tức nhà cầm quyền. Người được xóa nạn mù chữ trong những ngày cuối 1945 đầu 1946 chắc chắn có thể đọc được cái tờ truyền đơn tuyên truyền của đảng Cộng sản, nhưng họ cũng có thể đọc được truyền đơn của các đảng phái khác chứ. Nếu một đảng không phải cộng sản lên nắm chính quyền sau tháng 8/1945, đảng đó sẽ phổ cập chữ quốc ngữ hay chữ Pháp hay chữ Hán? Nếu đảng đó chọn chữ quốc ngữ thì Nguyễn Hưng Quốc sẽ gán cho họ tội gì?
Thực tế là vào năm 1959 tuyệt đại đa số dân chúng miền Bắc đã biết chữ (Nguyễn Văn Huyên (1975 :44)). Nhờ vậy sĩ số ở cả ba cấp học phổ thông đạt 2,9 triệu (27.800 học sinh cấp 3),  số sinh viên đại học đạt 11.400 (9 trường, 50 ngành),  số học sinh trung cấp chuyên nghiệp đạt 32.000 (Hà Huy Giáp; 1960:31). Có thể tất cả những người này đều phải đọc truyền đơn cộng sản, nhưng chế độ cộng sản còn cần họ dùng tiếng Việt và chữ quốc ngữ cho những mục đích khác.
Cùng thời gian đó đại đa số dân chúng miền Nam chỉ có trình độ 5 năm tiểu học, rất ít người có học vấn trung học (Aikman, 1970:78) và một số trường đại học ở miền Nam vẫn chưa thực hiện xong việc chuyển đổi ngôn ngữ giảng dạy từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Trong lời tựa của quyển Danh từ y học Lê Khắc Quyến (1966:5) viết như sau: “Ở bậc đại học, tiếng Việt chắc chắn sẽ là chuyển ngữ cho tất cả các bộ môn”. Ở thời điểm đó, Việt Nam Cộng Hòa chỉ còn 9 năm nữa để tồn tại.

Wednesday, 29 August 2012

Trấn Vũ Quán [Đền "Quán" Thánh] (Năng Lượng Mới số 141 , 27-7-2012).

Bạn đọc : Trong cuốn sách “Thăng Long tụ khí ngàn năm” (Nxb Lao động, Hà Nội, 2006), tại mục giới thiệu đền Quán Thánh có nói về việc thờ Huyền Thiên Trấn Vũ (HTTV). Trong bài có nói đây là một vị thần ở phương Bắc và có công lao rất lớn đối với người Việt trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, cứu giúp nhân dân khi hoạn nạn. Và Huyền Thiên Trấn Vũ đã hóa thành Thánh Gióng, đánh đuổi giặc Ân … Chúng tôi đọc những thông tin này và thấy ngạc nhiên (cũng có thể từ xưa đến nay chúng tôi chưa được biết). Xin học giả An Chi cho biết quan điểm của ông về việc này.
                                                                           Lại Lâm (Hai Bà Trưng, Hà Nội).
        An Chi : Từ điển di tích văn hoá Việt Nam (TĐDTVH) của Viện nghiên cứu Hán Nôm do Ngô Đức Thọ chủ biên (Nxb Khoa học xã hội – Nxb Mũi Cà Mau, 1993) đã viết về Đền Quán Thánh như sau :
        Trấn Vũ Quán ở phường Thuỵ Chương, huyện Vĩnh Thuận, phía Nam Hồ Tây, đầu đường Quan Thánh (hồi đó chưa đổi Quan thành Quán – AC) quận Ba Đình Hà Nội; thường quen gọi (không chính xác) là Đền Quan Thánh. Quán thờ Trấn Thiên Chân Vũ đại đế, cũng gọi là Huyền Thiên Chân Vũ đại đế. Tương truyền khi An Dương Vương xây thành Cổ Loa có tinh gà trắng và quỷ ở vùng núi Thất Diệu hiện ra quấy nhiễu, theo lời cầu khấn của thần Kim Quy, đại đế hiển linh ở núi Xuân Lôi, nay thuộc tỉnh Hà Bắc, giúp An Dương Vương trừ yêu tà, được An Dương Vương lập đền thờ ở phía Bắc thành Cổ Loa (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội). Khi Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long (1010) cho rước bài vị thần về thờ mé Tây bắc hoàng thành. Hiện chưa có tư liệu hoặc di vật nào cho biết về quán Trấn Vũ thời Lý Trần và Lê Sơ. Đến năm Đinh Tị niên hiệu Vĩnh Trị thứ 2 (1677) đời Lê Hy Tông, chúa Trịnh Tây vương Trịnh Tạc sai đình thần là Nguyễn Đình Luân trông coi việc trùng tu quán Trấn Vũ ở địa điểm hiện nay. Triều đình cho đúc tượng thánh Trấn Vũ cao 3m,96, nặng gần 4.000kg bằng đồng đen: mặt vuông, mắt nhìn thẳng, râu dài, tóc xoã, không đội mũ, mặc áo đạo sĩ đứng trên lưng rùa, tay chống thanh gươm chung quanh có rắn quấn (…).
        Như vậy là ngoài chi tiết “Huyền Thiên Trấn Vũ hóa thành Thánh Gióng, đánh đuổi giặc Hán” mà bạn đã nêu, TĐDTVH đã cung cấp thêm chi tiết về việc HTTV trừ quỷ và tinh gà trắng để giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Rồi bài “Đền Quán Thánh - Một trong bốn của Thăng Long tứ trấn” của trang edu.go.vn ngày17-2-2011 còn cho biết thêm : HTTV trừ rùa thành tinh (đời Hùng Vương 14); trừ cáo chín đuôi ở Tây Hồ; diệt hồ ly tinh trên sông Hồng đời vua Lý Thánh Tông”.
        HTTV thực ra vốn là một nhân vật huyền thoại Trung Quốc với nhiều cái tên khác nhau, mà riêngĐạo giáo đại từ điển của Trung Quốc Đạo giáo hiệp hội &  Tô Châu Đạo giáo hiệp hội (Hoa Hạ xuất bản xã, in lần 2, 1995) thì ghi nhận dưới cái tên Chân Vũ Đại Đế 真武大帝. Quyển này cho biết HTTV cũng gọi là Huyền Vũ, Chân Vũ Đế Quân, Đãng Ma Thiên Tôn. Là vị thần trông coi cõi Bắc, có ảnh hưởng rất lớn trong dân gian (Trung Quốc). Tín ngưỡng về HTTV vốn bắt nguồn từ tín ngưỡng về tinh tú và động vật thời cổ đại. Các chiêm tinh gia thời xưa chia các chòm sao thành Nhị thập bát tú. Sau thời Chiến Quốc thì dần dần chia thành bốn nhóm, gọi bằng tên của tứ linh là : Đông Phương Thanh Long, Nam Phương Chu Tước, Tây Phương Bạch Hổ, Bắc Phương Huyền Vũ. Sở từ, “Viễn du bổ chú” giải thích : Huyền Vũ chỉ rùa, rắn, ngự ở phương Bắc, cho nên gọi là Huyền; thân có vảy, mai, cho nên gọi là Vũ. Từ đời Hản trở đi, rùa, rắn trở thành biểu trưng cho thần Huyền Vũ của bảy chòm sao phương Bắc, được dân gian thờ phụng. Lúc đầu, sau khi Đạo giáo tiếp nhận tín ngưỡng về Huyền Vũ thì địa vị của thần này không có gì quan trọng. Sách Bảo Phác Tử viết về hình tượng của Lão Tử : “Đằng trước là hai mươi bốn chu tước; đằng sau là bảy mươi hai huyền vũ.” Huyền Vũ như vậy chỉ là thần hộ vệ. Chỉ sau khi tiếp thu thuyết “Bắc phương Hắc đế, thể vi Huyền Vũ” của vĩ thư đời Hán, lại thêm được nhân cách hoá nên Huyền Vũ mới trở thành một vị thần trọng yếu của Đạo giáo. Kinh của Đạo giáo miêu tả: “Huyền Vũ Chân Thần ở phương Bắc, xoã tóc, mặc áo đen, khoác giáp vàng, thắt đai ngọc, chống kiếm, trợn mắt, chân đạp rùa, rắn, đầu toả hào quang, hình tượng cực kỳ uy nghi.” Đến đời Tống Chân Tông, vì kỵ huý của ông tổ là Triệu Huyền Lãng 趙玄朗 nên mới đổi Huyền Vũ 玄武  thành Chân Vũ 真武. Sách Nguyên thuỷ Thiên Tôn thuyết Bắc phương Chân Vũ diệu kinh kể rằng Chân Vũ Thần Quân (tức Huyền Vũ) vốn là thái tử nước Tịnh Lạc, giỏi giang mà dũng mãnh, nguyện tận diệt yêu ma trong thiên hạ, không nắm ngôi vua. Sau được tiên truyền cho phép mầu vô cực, vào núi Thái Hoà để tu đến công thành đức mãn, được Ngọc Hoàng phong cho trấn giữ phương Bắc. Đời Tống Chân Tông, ông vua này xuống chiếu phong là Chân Vũ Linh Ứng Chân Quân. Năm Đại Đức thứ 7 (1303) nhà Nguyên, được gia phong là Nguyên Thánh Nhân Uy Huyền Thiên Thượng Đế, trở thành vị thần tối cao của phương Bắc. Đầu đời Minh, Kiến Văn Đế bị chú là Yên vương Chu Đệ cướp ngôi. Tương truyền Đệ nhiều lần được Chân Vũ hiện về giúp đỡ nên sau khi xưng đế, Đệ đã đặc cách gia phong Chân Vũ là Bắc Cực Trấn Thiên Chân Vũ Huyền Thiên Thượng Đế. Nhờ bậc đế vương khởi xướng nên việc tôn thờ Chân Vũ đạt đến mức cực thịnh vào đời Minh. Đền thờ Chân Vũ được xây dựng từ trong triều đình cho đến ngoài dân chúng.
        Cứ như trên thì tín ngưỡng về HTTV đã bị phong kiến hoá và Đền Quán Thánh của ta được xây dựng thì cũng  là theo cái quỹ đạo đó, sau khi nó đã  nổi đình nổi đám ở bên Tàu vào đời Minh. Chứ chuyện Lý Thái Tổ cho rước bài vị HTTV về thờ mé Tây bắc hoàng thành sau khi dời đô về Thăng Long chỉ là truyền thuyết. Ngay cả thời Lý Trần (dài ngót 400 năm) và Lê Sơ, ta cũng chưa có tư liệu hoặc di vật nào cho biết về sự hiện diện của quán Trấn Vũ. Chuyện tương truyền Chu Đệ nhiều lần được Chân Vũ hiện về giúp đỡ y cướp ngôi của cháu là do y và tay chân của y bịa ra để tăng uy tín cho mình trước bàn dân và bá quan rồi lưu truyền cho đến bây giờ. Đến như những chuyện HTTV hóa thành Thánh Gióng, trừ quỷ và tinh gà trắng để  giúp An Dương Vương xây thành, trừ rùa thành tinh vào đời Hùng Vương thứ 14, trừ cáo chín đuôi ở Tây Hồ, diệt hồ ly tinh trên sông Hồng, v. v., thì chúng tôi cho rằng đó chỉ là những sự bịa đặt, không thực sự liên quan gì đến tín ngưỡng dân gian chân chính của người Việt cổ.
        Cuối cùng, xin nói về cái tên “Đền Quán Thánh”. Đây là một kiểu gọi kỳ quái, bao gồm tên của hai loại hình kiến trúc khác hẳn nhau. “Đền” là một khái niệm rộng, chỉ nơi thờ thần thánh hoặc những nhân vật lịch sử được tôn sùng như thần thánh còn “quán” 觀  là một khái niêm hẹp hơn chỉ nơi thờ phụng riêng  bên Đạo giáo (ở đây là thờ HTTV) nên ta không thể “chơi” kiểu 2 trong 1 mà gộp thành “đền quán” được. Trong một thời gian dài trước đây, dân gian đã gọi nơi thờ phụng này là “Đền Quan Thánh”. Với cách gọi này, “đền” là từ duy nhất chỉ công trình kiến trúc còn “Quan Thánh” là hai chữ nói tắt từ “Quan Thánh Đế Quân”, tôn hiệu của Quan Vũ, tức Quan Công, cũng là một nhân vật được sùng bái và tôn thờ bên Đạo giáo. Dân gian chỉ nhầm về nhân vật được thờ (từ HTTV thành Quan Thánh [Đế Quân]) nhưng danh ngữ “Đền Quan Thánh” thì hoàn toàn không có vấn đề gì về mặt “đặt câu”. Chỉ mới gần đây, có lẽ nhờ sự can thiệp của nhà trí thức, nhà nghiên cứu nên nó mới biến thành một cách gọi trẹo trọ 2 trong 1 thành “Đền Quán Thánh”

Tuesday, 28 August 2012

Nguồn gốc và ý nghĩa các tên gọi "Hoa Lang" và "Hoa Lang đạo" (Roland Jacques)

Roland JACQUES
           Trong văn liệu tiếng Việt có liên hệ với Phương Tây, viết trong khoảng từ thế kỷ 17 đến đầu 19, chúng ta thường gặp từ ngữ ‘Hoa Lang’ (không thanh điệu), nhất là trong tổ hợp ‘Hoa Lang đạo’ thuở ấy được dùng để chỉ đạo Thiên Chúa (Cơ đốc giáo). Chúng ta dễ hiểu rằng ‘Hoa Lang đạo’ được coi như thứ tôn giáo riêng biệt của những người ‘Hoa Lang’, của dân tộc, của nước ‘Hoa Lang’. Nhưng ‘Hoa Lang’ chính xác là nước gì, là dân tộc gì? Trên cơ sở những tư liệu mới phát hiện được tôi muốn trình bày về nguôn gốc và ý nghĩacác tên gọi ‘Hoa Lang’ và ‘Hoa Lang đạo’.
 1. Một số biện giải kém giá trị 
    Cả thế kỷ 20 và hiện nay, hình như chúng ta hơi khó hiểu xuất xứ của nó. Các  nhà sử học cũng đã đưa ra một số giả thuyết táo bạo hoặc hư ảo về từ này, mà nhà ngôn ngữ học thấy có nhiệm vụ phải xác minh.
1. Có người cho rằng Hoa Lang là những ông lái buôn trẻ tuổi (‘lang’) đã vào Việt Nam bán một loại vải có hình hoa; hoặc là những ông lái ấy không còn trẻ lắm, nhưng lại đã bán một loại vải có hình hoa khoai lang[1]. Theo quan niệm cụ thể của họ, Hoa Lang là những người Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha.
2. Cũng có người cho rằng từ Hoa Lang chỉ chung về các người Phương Tây, mà tiêu biểu là người Hà Lan[2] ; theo như họ giải thích, thủy thủ Hà Lan là những người phương Tây đầu tiên đã tiếp xúc với Việt Nam. Về mặt ngữ âm học thật khó hiểu vì sao hai chữ ‘Hà Lan’ (hoặc ‘Hòa Lan’) đã được đọc thành ‘Hoa Lang’, hay là ngược lại; nên cótác giả đã tự ý ‘sửa chữa’ những bản văn chính gốc, bằng cách thay thế từ ngữ ‘Hoa Lang’ thành ‘Hòa Lan’, ‘Hà Lan’[3] .
    Giả thuyết thứ nhất là sự tưởng tượng của người chỉ có nguồn văn liệu phương Tây. Một sự tưởng tượng thật là khó tin. Để hiểu rõ xuất xứ của tên gọi ‘Hoa Lang’ mà chỉ dựa vào văn liệu phương Tây là chưa đủ, còn phảicần đến thế giới chữ vuông.
    Giả thuyết thứ hai, hiện nay đang được phổ biến tại Việt Nam, lại đáng nể vì hơn, vì có nguồn gốc khá cổ, lại gắn với tên tuổi một nhân vật lịch sử có kiến thức về Đông phương học. Năm 1856 vua Dực Tông (Tự Đức) đã ủy nhiệm một hội đồng, do Phan Thanh Giản làm tổng tài (chủ bút), soạn lại Quốc sử Việt Nam. Năm 1859 việc này đã hoàn tất, và vào năm 1884 được in mộc bản, nhan đề là Khâm định Việt sử thông giám cương mục[4]. Về năm quý mão, năm Cảnh Trị thứ nhất đời vua Lê Huyền Tông, tức là 1663, sách này có đề mục (‘cương’) là : « Thân cấm Gia tô tả đạo », nghĩa là « Việc cấm tả đạo là Kitô giáo ». Rồi bày tỏ (‘mục’) là : « Tiên thị hữu Tây dương nhân hiệu Hoa Lang di nhập cư quốc trung dĩ Gia tô dị đạo cuồng dụ ngu dân... », nghĩa là : « Trước đấy có người nước ngoài thuộc phương Tây, được gọi là ngoại bang Hoa Lang, đã nhập cư vào nước này đem dị giáo là Kitô giáo, lừa bịp dân ngu đi theo... »[5]. Sau đó ủy ban Phan Thanh Giản đã thêm vào một chú thích (‘chú’) là : “Hoa Lang : Minh sử ngoại quốc truyện vị chi Hòa Lan diệc tại Tây dương giả tục ngoa vị Hoa Lang »[6] , nghĩa là : “Cuốn Ngoại quốc truyện của Minh sử[7]  ghi họ là Hòa Lan, cũng thuộc về phương Tây; nhưng tục lệ sai lầm [biến đổi tên này] thành Hoa Lang ».
    Cho dù kính trọng công việc của Phan Thanh Giản, nhưng không thể chấp nhận giả thuyết này được, vì đi ngược với các số liệu lịch sử. Thời Minh, Hà Lan chiếm được đảo Đài Loan, nên Minh sử cần phải quan tâm đến nước ấy, nhưng sách ấy cũng nhắc đến ngoại bang phương Tây khác, ghi bằng tên khác, như chúng ta sẽ thấy sau này[8] .
    Thực thế người phương Tây đầu tiên đến Việt Nam, và cả Trung Hoa, là người Bồ Đào Nha; gần 80 năm sau, người Hà Lan mới tới, và tên gọi Hoa Lang đã có từ trước. Quả vậy, năm 1514, tàu buồm Bồ Đào Nha đến Trung Hoa, và năm 1524 đến Việt Nam lần đầu tiên. Đến khoảng năm 1580 đã có những quan hệ thương mại thường xuyên giữa người Bồ Đào Nha trú ở Áo Môn (Macao) với xứ Đàng Trong của chúa Nguyễn Hoàng[9]. Trái lại, năm 1579 nước Hà Lan (tức là Liên minh các Tỉnh Hạ Lưu), trước đấy là một phần của lãnh thổ Tây Ban Nha, mới tuyên bố độc lập; mãi đến 1599 tàu buôn của Hà Lan mới vượt bán đảo Mã Lai đi vào vùng Biển Đông; và đến năm 1601 họ mới đến thử vận may tại Việt Nam, nhưng không thành công[10]. Hơn nữa, thời đó ở Việt Nam đạo Thiên Chúa đã bắt đầu được truyền bá ở một số vùng[11]; còn ở Hà Lan đang bị cấm, và tôn giáo chính thống lại là đạo Tin lành. Mãi đến cuối thế kỷ 19, đạo Tin lành mới có mặt ở Việt Nam.
   Rồi về mặt ngữ âm học thật khó hiểu vì sao hai chữ ‘Hòa Lan’ (hoặc ‘Hà Lan’) đã được đọc thành ‘Hoa Lang’. Đáng tiếc là có tác giả,trái với Cương mục, đã tự ý ‘sửa chữa’ những bản văn chính gốc, bằng cách thay thế từ ngữ ‘Hoa Lang’ thành ‘Hòa Lan’, ‘Hà Lan’[12] . Trong đó vào thế kỷ 17 người Việt Nam chưa có tên gọi ‘Hoà Lan / Hà Lan’; họ gọi nước đó là ‘Lan’, và dân đó là ‘LanĐê’, phiên âm tên gọi của họ trong tiếng Bồ Đào Nha[13] .
 2. Tên gọi “Hoa Lang” đã xuất hiện trong tiếng Việt từ bao giờ?
    Cho đến nay cuốn sách nổi tiếng của giáo sĩ Christoforo Borri[14]  có lẽ vẫn là tài liệu in sớm nhất ghi lại sự xuất hiện tên gọi ‘Hoa Lang’. Sách này, viết bằng tiếng Ý, in năm 1631 tại châu Âu; có một câu được tác giả dẫn ra bằng tiếng Việt, phiên âm theo nguyên tắc thường dùng của tiếng Ý một cách hơi vụng về, nhưng lại dễ đọc đối với độc giả người  : “Con gnoo muon bau tlom laom Hoalaom chiam? », nghĩa là “Con nhỏ muốn vào trong lòng Hoa Lang chăng?[15] ». Sau Borri, có nhiều giáo sĩ khác cũng cho rằng dân chúng Việt Nam gọi họ, và thứ tôn giáo mà họ đang truyền bá, bằng tên đó.
    Trước Borri mấy chục năm, trong cuốn Đỗ Tộc Gia Phả, làng Bồng Trung, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, có nhắc đến một người duy nhất trong họ đã theo một tôn giáo khác : “Nhị nam Hưng Viễn tùng Hoa Lang đạo », nghĩa là “Con trai thứ là Hưng Viễn, theo đạo Hoa Lang »[16]. Chuyện này xảy ra thời vua Lê Anh Tông (1558-1571), còn cuốn Gia phả dòng họ Đỗ được ghi vào những năm cuối thế kỷ 16, trước khi chuyến tàu đầu tiên của người Hà Lan tới. Đây là một tài liệu rất đáng chú ý, là tài liệu chính gốc bản địa, do người bản địa viết bằng chữ vuông. Cũng như trước đây, để hiểu rõ hơn ý nghĩa chính xác của tên gọi ‘Hoa Lang’ mà chỉ dựa vào văn liệu Phương Tây là chưa đủ, còn phải cần đến thế giới chữ vuông. Nói đúng hơn, nên có mối trao đổi văn hóa tương hỗ rộng lớn giữa Phương Đông với Phương Tây.
 3. Tên gọi “Hoa Lang” có nghĩa chính xác là gì?
     Văn bản đầu tiên giải thích tên gọi đó trong tiếng Việt hình như là cuốn Phép giảng tám ngày của Alexandre de Rhodes, in năm 1651[17]. Ông viết : “Chớ có nói, đạo này là đạo pha lang », và bên cạnh chính ông đã dịch ra tiếng La tinh là : “Neque verò dicatis hanc esse Lusitanorum legem », nghĩa là “đừng nói đây là tôn giáo của người Bồ Đào Nha ». Dị bản là ‘Pha lang’ thay thế ‘Hoa Lang’ có ích lớn về mặt ngôn ngữ học, như chúng ta sẽ thấy sau đây.
     Các tư liệu cho đến nửa thế kỷ 18 mà tôi đã xem được đều cắt nghĩa rất rõ ‘Hoa Lang’ là một tên gọi riêng người Bồ Đào Nha (Portugal) mà thôi, chứ không bao gồm cả những người Tây phương khác.
    Đến năm 1774, có một lá thư do một giáo sĩ người Việt, tên là Vi-xen-tê Liêm, gửi một giáo sĩ người Tây Ban Nha, viết bằng chữ Quốc ngữ, và cùng thời đó đã được người Tây Ban Nha dịch ra tiếng La tinh[18]. Thư này kể lại cuộc gặp gỡ giữa chúa Trịnh Sâm (1767-1786) với một giáo sĩ Tây Ban Nha khác. Chúa hỏi : “Vua Hoa Lan có một thùng thủy tinh để mà tắm gị[19], có chăng? ». Bản tiếng La tinh đã dịch ra theo nghĩa thông thường là : “Fertur, quod Rex Lusitaniộ magnum vas vitreum ad baleum habet. Estne certum? », tức là : “Người ta cho rằng Vua Bồ Đào Nha có... ». Nhưng chúng ta có thể dễ dàng thấy người hỏi không phân biệt Tây Ban Nha với Bồ Đào Nha; và từ ‘Hoa Lang’ đã bị nói, hoặc chép lại, chệch thành ‘Hoa Lan’, có thể dưới ảnh hưởng của tiếng ‘Lan’. Nghĩa chính xác là ‘Bồ Đào Nha’ đã dần dần phát triển thành một nghĩa rộng, chỉ người Âu châu theo đạo Thiên Chúa, rồi chỉ người Phương Tây nói chung.
    Đúng ra là phải khen từ điển của Taberd [20] , xuất bản năm 1838 nhưng soạn trên cơ sở bản thảo do Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine) hoàn tất năm 1772, cắt nghĩa thật hoàn hảo : ‘Hoa Lang’ là “Người Bồ Đào Nha »; và ‘đạo Hoa Lang’ là “Tôn giáo của người Bồ Đào Nha tức là Cơ đốc giáo ». Nhưng mà từ khoảng năm 1802, tàu Bồ Đào Nha đã về Áo Môn không quay lại nữa[21], đem theo cả những kỷ niệm của những người Bồ này đã không còn bóng dáng ở chân trời đất Việt[22]. Với họ, nghĩa chính xác của từ ‘Hoa Lang’ cũng đã bị mất đi. Nhóm soạn Khâm định Việt sử thông giám cương mục đã tìm đến Quốc sử Trung Hoa (Minh sử), nhưng giải thích không đúng. Còn từ điển của Huỳnh Tịnh Của[23]  cắt nghĩa như sau : “Người nước Hoa Lang, hiểu chung là Lữ-tống ». ‘Lữ-tống’, và ‘Đại Lữ-tống’, lại được định nghĩa là : “Nước Maní », tức là Phi-líp-pin[24] , và “nước Y-pha-nho », tức là Tây Ban Nha[25] . Các sai lầm của Phan Thanh Giản và của Huỳnh Tịnh Của đã kéo theo sai lầm của những người sau. Mặt khác, những từ điển tiếng Việt biên soạn về sau, kể cả Hán Việt tự điển của Đào Duy Anh[26] , đã không thu thập các từ ngữ này[27], tuy thế tới nay tên gọi ‘Hoa Lang đạo’ vẫn còn tồn tại ở một số vùng[28] .
4. Tên gọi “Hoa Lang” có nguồn gốc là gì?
    Chúng ta đã xác định đúng đắn nghĩa của từ ‘Hoa Lang’ được dùng trong tiếng Việt thế nào, nhưng chưa hiểu biết được nguyên ủy của nó, và cách nó đã nhập vào từ vựng của người Việt thế nào.
    Gốc xa xăm đã bắt nguồn bởi từ ‘Francs’, ‘Franken’, ‘Franchi’; các từ này tồn tại trong các ngôn ngữ châu âu, chỉ một dân tộc gốc Đức, tức là người Frăng. Họ là nền móng của đế quốc Saclơmanhơ (Charlemagne), khoảng năm 800 thống trị phần lớn Tây âu. Thuở đó, người Ả rập theo Hồi giáo, đã gọi địch thủ này của họ là ‘al-Ifranji’ (số nhiều) – tiếng ‚ Rập không có tổ hợp phụ âm đầu ‘fr’, nên phải thêm nguyên âm ‘i’ ở trước –; rồi từ đó lại thành ra ‘Faranji’ (số ít) theo nguyên tắc tiếng Ả Rập. Thời có các cuộc thập tự chinh (1096-1254), đạo binhTây âu, ghi dấu Thánh giá lớn trên các áo giáp và trên cờ hiệu, tiến đánh đế quốc Hồi giáo để giải thoát Thánh Địa và thành Giêruxalem. Như thế, tên gọi ‘Ifranji / Faranji’, được phổ biến ở các vùng Trung Đông, là từ phiên âm để gọi quân thù[29]. Cần chú ý là ở một số phương ngữ của tiếng Ả rập, phụ âm cuối ‘j’, / d  /, được đọc như / g /.
   Cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ 16, khi tàu thuyền Bồ Đào Nha vượt mũi Hảo Vọng vào Ấn Độ Dương, các cánh buồm cũng có những hình Thánh giá rất to. Thực tế, tư tưởng thập tự chinh vẫn còn mạnh trong giới cầm đầu; họ vẫn hy vọng chinh phục được người Hồi giáo. Quả thế, người Bồ Đào Nha đã thống trị trên biển, rồi chiếm được một số pháo đài, hải cảng, địa điểm thương mại chính của chính quyền Hồi giáo ở Ba Tư và Ấn Độ. Thời kì này đã kết thúc vào năm 1511 khi họ chiếm thành quốc Malaca ở bán đảo Mã lai, là đầu mối giao thông giữa Tây phương và Ấn Độ với Nam Dương, Trung Hoa và Nhật Bản[30]. Thủ lĩnh Hồi giáo của Malaca đã chạy trốn, và tiếng kinh sợ khi dùng gọi người Bồ Đào Nha là ‘quân thập tự’ – ‘Ifranji / Faranji’ (hoặc ‘Ifranghi / Faranghi’) – , đã thành tên gọi phổ biến tại địa phương. Xuất phát từ tiếng Ả Rập, tiếng Ba Tư, hai cặp từ này cũng đã du nhập vào các thứ tiếng cùng tồn tại trong dân cư và thủy thủ từ tứ phương lập thành thành quốc Malaca[31].
  Nhưng bên này bán đảo Mã Lai, sau năm 1511, chính sách của Bồ Đào Nha đã hoàn toàn khác : họ cố gắng giao hảo với chính quyền địa phương, kí hiệp ước hữu nghị và thương mại[32], nên tiếng dùng để gọi họ cũng đã mất đi cái sắc thái hằn học và hãi hùng. Ở Malaca, theo các tài liệu cũ, tên gọi người Bồ là ‘Frangue(s)’, / fra .g  / (theo mẫu ‘Ifranghi’, đã mất đi nguyên âm phụ trợ ở đầu). Trong tiếng Mã lai và In-đo-nê-xia hiện nay vẫn còn sử dụng từ ‘Perenggi’[33] , còn tiếng Thái Lan thì dùng từ ‘Farang’ (cả hai theo mẫu ‘Faranghi’), để gọi người âu châu với sắc thái hơi coi thường; và tại những nước đó, đạo Thiên Chúa cũng bị gọi là tôn giáo của người ‘Perenggi’ hoặc ‘Farang’[34] .
   Thành phố Malaca thời bấy giờ gồm có ba phường của người Trung Hoa, một của người Phúc Kiến, một của người Chương Châu, và một của người Quảng Châu. Nhờ họ, tiếng ám chỉ người Bồ Đào Nha đã sớm được truyền đến nhiều vùng ở Trung Hoa, và chắc chắn được ghi lại nhờ những chữ thích hợp theo từng phương ngữ. Năm 1517, một học giả tự nhiên học tên là Tomé Pires, người Bồ, được phái từ Malaca sang Bắc Kinh trong một phái đoàn ngoại giao, đã gặp chuyện chẳng lành. Mục thời luận Minh sử năm Chính Đức thứ 16 (1521) còn nhắc đến một khẩu đại bác, có tên gọi là ‘Fu-lang-chi’, dạo ấy bị tước đem về Bắc Kinh trình lên hoàng đế Vũ Tông; nhưng sau xác định tên đó nghĩa đen là tên gọi một loại ‘dương nhân’ (người nước ngoài), chứ không phải một loại pháo[35]. Chuyện này cũng được truyền lại trong niên giám vương triều Bồ Đào Nha thời Vua Giu-ong (João) III (1521-1557), nói về việc người Trung Hoa đã lấy mẫu khí giới Bồ Đào Nha để đúc theo, và gọi tên loại khí giới đó là ‘feringui’, / f .ri .gi /[36]. Từ ‘faranji’ dến ‘fu-lang-chi’ không xa. Tiếng Trung Quốc thường lệ đọc chữ / r / trong các từ ngoại ngữ thành / l /, và nguyên âm đầu phụ trợ bị thay đổi là điều cũng rất dễ hiểu.
   Vả lại từ ‘fu-lang-chi’ chuyển sang ‘hoa lang’ cũng khá gần gũi. Có thể chữ thứ ba bị bỏ đi vì được coi như chữ chi’ là một trợ từ vô nghĩa, hoặc là dùng giữa định ngữ và danh từ trung tâm trong tiếng Hán cổ, nghĩa là ‘của’ : ‘Fu lang chi pháo’ là ‘súng đại bác của người Fu lang’. Có một giả thiết khác song song với dạng tiếng Ả rập hoặc Mã Lai, từ ‘Farang’ của tiếng Xiêm cũng được truyền miệng đến Trung Hoa. Nếu đúng, thì riêng tiếng ‘Farang’ này được người Quảng Đông phiên âm bằng chữ Hán. Về sự luân phiên ‘rang / lang’ thì chúng ta đã biết rồi. Và trong phương ngữ Quảng Đông, chữ Hán Việt ‘Hoa’ được đọc là ‘Fa’[37]. Từ Quảng Đông sang Việt Nam hồi giữa thế kỷ 16, thì có cả hai dạng, đều dùng để gọi người Bồ Đào Nha, và sau đó cũng để chỉ tôn giáo mà họ ‘rao giảng’. Dạng truyền miệng là ‘Falang’, được ghi bằng chữ Quốc ngữ là ‘Pha lang’, đúng như Alexandre de Rhodes đã viết trên sách Phép giảng tám ngày của ông; và dạng viết bằng chữ vuông, được người Việt đọc là ‘Hoa Lang’, sau đấy được phổ biến ở nhiều vùng tại Việt Nam.



[1] Xem, chẳng hạn Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, q. 1, NXB Hiện Tại, 1959, tr. 23; Đỗ Quang Chính, Joseph, SJ, Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659, Sài Gòn, Ra Khơi, 1972, tr. 31.
[2] Mới đây có Hoàng Tiến, Chữ Quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỷ XX, q. I, Hà Nội, NXB Lao động, 1994, tr. 39-40.
[3] Xem, chẳng hạn Hồng Lam, Lịch sử đạo Thiên Chúa ở Việt Nam thế kỷ XVI-XVIII, Huế, Đại Việt, 1944, tr. 105.
[4] Xem bài của Philippe Langlet, “Un Etat national au sein de la civilisation chinoise”, trong Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises [BSEI], tập 45/2-3, Sài Gòn 1970 (tr. 2-85): tr. 5-6.
[5] Xem Khâm định Việt sử thông giám cương mục, chính biên, quyển 33, trang 5b. Nguyên bản chữ Hán trong BSEI, tập phụ thêm số 45/2-3, Sài Gòn 1970, tr. 9; bản do P. Langlet dịch ra tiếng Pháp và chú thích, trong BSEI, tập 45/2-3, Sài Gòn 1970, tr. 100. Xem thêm Khâm định Việt sử thông giám cương mục, bản do Viện sử học Việt Nam dịch ra tiếng Việt, tập 16, Hà Nội, NXB Văn Sử Địa, 1960, từ tr. 1509.
[6] Xem Khâm định Việt sử thông giám cương mục, chính biên, quyển 33, trang 6a. Nguyên bản chữ Hán trong BSEI, tập phụ thêm số 45/2-3, Sài Gòn 1970, tr. 9; bản do P. Langlet dịch ra tiếng Pháp và chú thích, trong BSEI, tập 45/2-3, Sài Gòn 1970, tr. 101-102.
[7] Xem Minh sử, quyển 321. Mục thời luận Minh sử  được biên tập từ năm 1679, hoàn tất vào năm 1742.
[8] Xem Minh sử, quyển 325.
[9] Xem, chẳng hạn Pierre-Yves Manguin, Les Portugais sur les côtes du Viêt-nam et du Campa, Etude sur les routes maritimes et les relations commerciales, d'après les sources portugaises des XVIe, XVIIe et XVIIIe siècles, Pari, E.F.E.O., 1972.
[10] Thư mục về các cuộc hành trình phát kiến của các nước châu Âu thật quá phong phú. Xem, chẳng hạn W.J.M. Buch, “La Compagnie des Indes néerlandaises et l'Indochine”, trong Bulletin de l’E.F.E.O., số 36, năm 1936, tr. 97-196.
[11] Sách Khâm định Việt sử thông giámcương mục, ở chỗ đã dẫn, trang 6b, có thêm một chú thích khác là: « Gia tô: Dã lục Lê Trang Tôn Nguyên hòa nguyên niên tam nguyệt nhật dương nhân danh Y nê khu tiềm lai Nam Chân chi Ninh Cường Quần Anh Giao Thủy chi Trà Lũ dĩ Gia tô tả đạo truyền giáo... », nghĩa là : « Các sách dã lục [tức là dã sử] chép rằng vào năm Nguyên hòa thứ nhất, tháng ba, ngày..., đời vua Lê Trang Tông, [tức là năm 1533], có một người nước ngoài tên là Y-nê-khu lén lút tới các làng Ninh Cường vàQuần Anh ở huyện Nam Chân [nay thuộc xã Trực Phú và thị trấn Yên Định, Hải Hậu, Nam Hà], và Trà Lũ ở huyện Giao Thủy [nay thuộc xã Xuân Bắc, Xuân Thủy, Nam Hà], để truyền bá tả đạo là Kitô giáo... ». Xem BSEI, tập phụ thêm số 45/2-3, tr. 10, và BSEI, tập 45/2-3, tr. 102. Xem thêm Hồng Lam, Lịch sử đạo Thiên Chúa ở Việt Nam thế kỷ XVI-XVIII, Huế, Đại Việt, 1944, tr. 101-104.
[12] Xem, chẳng hạn Hồng Lam, s.đ.d., tr. 105.
[13] Ví dụ, ghi bằng chữ Hán trong quốc thư chúa Trịnh Tráng gửi nhà nước Hà Lan vào năm 1637 : xem Võ Long Tê, “Thiên Chúa Thanh Giáo khải mông”, trong sách tập hợp Về sách báo của tác giả Công giáo (thế kỷ XVII-XIX), T.P. Hồ Chí Minh, Trường Đại Học Tổng Hợp, 1993, tr. 39. Ví dụ ghi bằng chữ Quốc ngữ trong thư Igesico Văn Tín viết vào năm 1659, xem Đỗ Quang Chính, s.đ.d. tr. 95.
Đáng nhớ rằng các tư liệu tiếng Bồ Đào Nha viết đầu kỷ 17 ở vùng Biển Đông đều thường gọi người Hà Lan là ‘giặc’ (‘rebeldes’), ‘kẻ cướp’ (‘ladrões’), ‘bọn giặc biển’ (‘piratas’), hay ‘hải tặc’ (‘cossairos’). Rất có thể Trung Hoa không những phiên âm tên gọi của họ, còn đối chiếu họ với những bọn cướp biển khác, mà ghi tên họ nhờ cũng một chữ. Đó là ‘Wokòu’, người Nhật nổi tiếng, hoành hành từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 16 men bờ biển Trung Hoa, rồi bị người Bồ Đào Nha đánh tan; ‘kòu’ đọc theo âm Hán-Việt là ‘khấu’, nghĩa là ‘giặc’. Tên gọi này ‘Wo’, chỉ người Nhật với nghĩa xấu, được ghi ở Trung Hoa bằng hai chữ khác nhau : chữ (Hán-Việt : ‘oa’ hoặc ‘oải’), được đọc là ‘wo’ trong tiếng Bắc Kinh; và chữ (Hán-Việt: ‘hòa’), được đọc là ‘wo’ trong phương ngữ Quảng Đông. Xem Mai Lý Quảng [chủ biên], Từ điển Hán-Việt hiện đại, TP Hồ Chí Minh, NXB Thế Giới, 1994, tr. 379 và 1000; xem thêm ThựcHán Dân và Ngô Lâm Thiền Ngọc, Hán -Anh tiểu tự điển / Chinese-English Dictionary, Cantonese in Yale Romanization, Mandarin in Pinyin, Hồng Kông, New Asia, 1994, tr. 57. Chúng ta dễ hiểu vì sao có nhiều tên gọi đều chỉ Hà Lan. Đầu thế kỷ 17, có tên từ tiếng Bồ Đào Nha phiên âm, ở Việt Nam là ‘Lan’, và ở Quảng Đông (gồm cả thành phố Áo Môn của người Bồ Đào Nha) là ‘Wo Lan’, với sắc thái xấu; sau đó (vào thế kỷ 18, có lẽ nhờ sách Minh sử, dù thế nào sau năm 1637) tên Quảng Đông này được truyền đến Việt Nam đọc là ‘Hòa Lan’. Cuối cùng, ở giữa thế kỷ 20, tên tiếng Trung Quốc phiên âm từ chính tiếng Hà Lan, đọc trong ‘Phổ thông thoại’ hiện đại là ‘Hé Lan’, nhưng ở Quảng Đông là ‘Hô Lan’, mới được truyền sang Việt Nam, và đọc là ‘Hà Lan’.
[14] Christoforo Borri, Relatione della nvova Missione delli PP. della Compagnia di Giesu, al Regno della Cocincina, Rôma, Francesco Corbelletti, 1631, tr. 107-109.
[15] Xem Đỗ Quang Chính, s.đ.d., tr. 30; Nguyễn Hồng, s.đ.d. tr. 62.
[16] Xem bài của Léopold Cadière, “Về nhà họ Đỗ thuộc làng Bồng-trung tỉnh Thanh-hóa”, trong sách của Hồng Lam đã dẫn, tr. 124-138; bản chữ  Hán được chép lại tr. 125, dịch nghĩa tr. 126. Và Nguyễn Hồng, s.đ.d., tr. 23-24; bản chữ Hán được dịch nghĩa tr. 23, phiên âm c.t. 5. Xem thêm Bulletin des Amis du Vieux Huế, th. 1-3 năm 1941, tr. 99. Người em trai của Hưng Viễn là Đỗ Công Biều đỗ cống sinh (tức là cử nhân) vào năm Chính tự thứ bảy, tức năm 1564.
[17] Phép Giảng Tám Ngày, [T.P. Hồ Chí Minh], Tủ Sách Đại Kết, 1993, tr. 25 của bản văn song ngữ.
[18] Thư mới phát hiện trong Viện lưu trữ Vaticăng ở Rôma (bộ ‘Riti’, tập 3016, tr. 712-717), đang chuẩn bị để xuất bản.
[19] Theo cuốn từ điển của J.-L. Taberd (Nam Việt Dương Hiệp tự vị, Dictionnarium Annamitico-Latinum, Serampore […n Độ], 1838), từ ‘gị’ này là một ‘từ trống’ được một số người thêm ở cuối câu.
[20] Jean-Louis Taberd, s.đ.d.
[21] Xem Pierre-Yves Manguin, Les Nguyễn, Macau et le Portugal (1773-1802), Paris, EFEO, 1984.
[22] Philiphê Bỉnh, một giáo sĩ người Việt, đã sang Bồ Đào Nha vào năm 1796 và đã mất ở đấy. Trong tác phẩm của ông, Bồ Đào Nha được ghi bằng chữ Quốc ngữ là ‘nước Portugal’ hoặc ‘tiếng Vutughê’, và ghi theo âm Hán-Việt là ‘Ba-tư-dô-ja-a’. Ông cũng viết nhiều về người Pháp, ghi bằng chữ Quốc ngữ là ‘Phalansa’, và ghi theo âm Hán-Việt là ‘Pháp-lang-tây’.
[23] Huình-Tịnh Paulus Của, Đại Nam Quấc âm Tự Vị, 2 quyển, Sài Gòn, Rey Curiol, 1895-1896.
[24]  ‘Lữ-tống’ là tên phiên âm Hán-Việt của đảo Luy-xon, ở đó có thủ đô Manila. Đến năm 1898, Phi-líp-pin là thuộc địa của Tây Ban Nha.
[25] Philiphê Bỉnh cũng ghi bằng chữ Quốc ngữ Tây Ban Nha là ‘Hespanha’ (chính đây là chính tả tiếng Bồ Đào Nha thời đó), và ghi theo âm Hán-Việt là ‘Lả-tống’. Tulano Carneiro đãphái Bỉnh vượt đại dương và là giáo sĩ người Bồ cuối cùng ở Việt Nam, đã mất ở Bắc Bộ vào năm 1809. Trong khi đó các giáo sĩ người Tây Ban Nha còn hoạt động đến nửa thế kỷ 20.
[26] Xem Đào Duy Anh và Hãn Mạn Tủ, Hán Việt tự điển, x.b. lần thứ 3, Sài Gòn, Trường Thi, 1957;  Sách  này được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1931.
[27] Xem, chẳng hạn J.F.M. Génibrel, Từ điển Việt-Pháp, Dictionnaire Vietnamien-FranÓais, Sài Gòn, Nhà in Tân Định, 1898; Jean Bonet, Dictionnaire Annamite-Français / Đại Nam Quốc âm tự vị hợp giải đại Pháp Quốc âm, 2 t., Pari, Nhà in Quốc gia, 1899-1900; Hội Khai Trí Tiến Đức Khởi Thảo, Việt Nam tự điển, Hà Nội, Trung Bắc Tân Văn, 1931; Gustave Hue, Dictionnaire Annamite-Chinois-Français, 1937; Eugène Gouin, Dictionnaire Vietnamien-Chinois-Français, Sài Gòn, Nhà In Viễn Đông [IDEO], 1957; và những từ điển được xuất bản gần đây.
[28] Ví dụ ở vùng Hưng Yên, và cả ở giữa dân cư gốc Việt ở Phnom Penh, Campuchia. Đáng kể ở Phnom Penh, trước cơn khủng hoảng Khơ-me đỏ, có một nhà thờ mang tên là ‘Hoa Lang’; trong khi giáo dân ở Campuchia thời đó đa số là người Việt, nhà thờ này dành riêng cho một nhóm giáo dân Khơ-me, đã nhập đạo từ lâu đời, và vẫn còn mang những tên họ Bồ Đào Nha theo truyền thống cổ (như ở Ấn Độ).
[29] Xem bài của Luís Filipe Ferreira Reis Thomaz, “Os Frangues na terra de Malaca” [người ‘Frăngơ’ trên đất Malaca], trong tập sách do Francisco Contente Domingues chủ biên : A abertura do mundo: estudos de história dos descobrimentos europeus [Việc mở rộng thế giới: nghiên cứu lịch sử hành trình phát kiến của người âu châu] 2 quyển, Lixbon, Presença, 1986: q. 1, tr. 209-217, nhất là c.t. 6 ở tr. 216.
[30] Xem, ví dụ Charles Ralph Boxer, The Portuguese seaborne empire 1415-1825, Luân Đôn, Hutchinim / Niu Yooc, Knopf, 1969; Geneviève Bouchon, Albuquerque: Le lion des mers d’Asie, Pari, Desjonquères, 1992.
[31] Malaca thời bấy giờ gồm nhiều phường tự chủ cho mọi dân tộc, dưới quyền tối cao của thủ lĩnh. Người Bồ Đào Nha vẫn giữ lại chế độ này, chỉ thêm một phường riêng và kế chân thủ lĩnh.
[32] Xem thêm Roland Jacques, De Castro Marim à Faifo : naissance et développement du Padroado portugais d’Orient des origines à 1659 [Từ Castro Marim tới Hội An: sự khai sinh và phát triển của chế độ bảo trợ tôn giáo ở Phương Đông của Bồ Đào Nha, từ khởi thủy đến năm 1659], luận Án khoa luật Đ.H. Pari-XI, 1995), sắp xuất bản.
[33] Cũng có thể đọc là ‘Peranggi’ hoặc ‘Peringgi’.
[34] Xem Luís Filipe Ferreira Reis Thomaz, n.đ.d.
[35] Xem Minh sử, quyển 325. Tiếc rằng những tài liệu trong tầm tay không ghi rõ Minh sử đã sử dụng những chữ nào. Ă chỗ này tôi đã dẫn theo sách của Beatriz Basto da Silva, Cronología da história de Macau [Niên đại lịch sử Áo Môn], Áo Môn, Sở Giáo dục, 1992, tr. 25. Theo cuốn sách này, Minh sử còn nêu những người ‘Fu lang chi’ ở nhiều chỗ khác nữa : ví dụ vào năm 1614-1617, khi hoàng đếThần Tông (Vạn Lực) quyết định quan và dân nên hòa thuận với họ (n.đ.d.).
[36] Beatriz Basto da Silva, s.đ.d., tr. 29.
[37] Trong quyển từ điển của Alexandre de Rhodes, ở chỗ ‘Hoa, Thinh hoa’ (tức là Thinh Hoa / Thanh Hoa, nay là tỉnh Thanh Hóa, tr. 328), ông đã giải thích : “Người Bồ Đào gọi là Sinufa [Sinh Fa?] » đúng theo cách phát âm của Quảng Đông, gồm cả Áo Môn.