Showing posts with label xưng hô. Show all posts
Showing posts with label xưng hô. Show all posts

Sunday, 18 June 2023

Trăng đến rằm trăng tròn (Trịnh Nhật - Talawas)

Trăng đến rằm trăng tròn
 
I. Dẫn nhập

Mới đây tôi được đọc bài "Canh tân hay thoái hóa" cuả Mai Xuân Phụng (MXP), đăng trong báo Việt Luận số 1454, Thứ bảy 19, Tháng hai, 2000, nói lên nỗi khó khăn về cách xưng hô trong tiếng Việt dưới mắt một người trẻ hải ngoại.

Tác giả bài viết, hiện là chuyên viên điện toán cuả đại công ty Telstra của Úc, đã có những nhận xét bất bình với lối xưng hô trong tiếng Việt, mà anh cho là: "thiếu văn minh và phản khoa học". Trước hết, tôi phải thành thật chia sẻ với người bạn trẻ ở chỗ là anh đã dám mạnh dạn nói lên những điều mình suy nghĩ là đúng và ở chỗ là anh có đầu óc canh tân, đổi mới những gì anh cho là hủ lậu, cản bước tiến hoá cuả dân tộc. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là những điều anh suy nghĩ có đúng không và nếu 'không' canh tân cách xưng hô trong tiếng Việt như anh đề nghị có phải là một sự thoái hoá hay không?


II. Trục trặc trong tiếng Việt

Khi đề cập đến tiếngViệt thiếu văn minh, MXP cho biết là khi tham dự buổi 'radiothon' vận động cứu trợ nạn lụt miền Trung ngày 28-11-99, anh đã: "vô cùng lúng túng, không biết xưng hô mình là gì, khi những người gọi điện thoại đến cho anh, người thì xưng là Tôi, người xưng là Con, người là Cháu, là Em". Qua kinh nghiệm bàng hoàng đó, anh đã đặt giả thuyết và bày tỏ mối lo ngại cho trường hợp một nhân viên tiếp tân cuả một đại công ty mà không biết cách xưng hô phải lẽ, lúng ta lúng túng mỗi khi mở miệng, thì sao? Để rồi anh kết luận: "Sự thật điều ấy không phải lỗi cuả nhân viên tiếp tân mà chính là cái trục trặc trong ngôn ngữ Việtnam."

1.Thiếu văn minh

Nếu thiếu văn minh (uncivilized) được hiểu là bán khai (primitive), nghĩa là chưa được phát triển đúng mức, thì không có ngôn ngữ nào bị coi là thiếu văn minh cả. Bởi lẽ ngôn ngữ này có thể đơn giản, thô thiển trong một địa hạt nào đó, nhưng lại phức tạp, tình tiết trong địa hạt khác, và ngược lại.

Tiếng Anh phức tạp hơn tiếng Việt khi mô tả sự vật giả tạo, không có thật. Tiếng Anh có vô số từ để diễn tả ý niệm 'giả' trong tiếng Việt. Thí dụ 'tiền giả' thì phải (counterfeit notes/coins), 'nữ trang giả' (imitation jewellery), 'thuốc giả' (fake pharmaceutical products), 'hôn nhân giả' (bogus/sham/fake marriage), 'giấy tờ giả' (forged/fake papers), 'chữ kí giả' (forged/fake signature), 'chân tay giả' (artificial/prosthetic limbs), 'mắt giả' (glass eye), 'răng giả' (false teeth), 'tên giả' (assumed/false name), 'cục vàng giả' (replica gold nugget), 'bức tranh giả' là (reproduction painting).

Song tiếng Anh đơn giản hơn tiếng Việt khi mô tả sự vật có màu đen. Khi muốn diễn tả cùng ý niệm 'đen' trong tiếng Việt, ta có 7 từ đồng nghiã cuả tính từ đen' tùy theo 'đen' xuất hiện, đi chung với danh từ nào. Thí dụ khi đi với 'tóc, mắt, khói,' thì là 'tóc huyền, mắt huyền, khói huyền', với 'mèo, đuã là 'mèo mun, đuã mun', với 'chó' là 'chó mực', với 'ngựa' là 'ngựa ô', với 'gà' là 'gà ô, gà ác', với 'bò' là 'bò hóng', với 'áo, quần, khăn, môi, quầng mắt' là 'áo thâm, quần thâm, khăn thâm, môi thâm, mắt thâm quầng'.

Theo tôi, tiếng Việt không thiếu văn minh, không bán khai trong cách xưng hô. Bởi vì tiếng Việt có một hệ thống, một mạng lưới (network) phân biệt tinh tế, sâu sắc mối liên hệ trong gia đình, mối tương quan giữa người và người. Cách xưng hô giữa người thân và người lạ trong xã hội Việt-nam được dựa vào nhiều yếu tố. Chẳng hạn như với người trong họ thì phân biệt vai vế trên dưới, với người ngoài thì phân biệt tuổi tác, giới tính, địa vị xã hội, tình trạng hôn phối ... Ta không thể đồng hoá sự phân loại, triển khai tinh vi với sự thiếu văn minh.

Trong ngôn ngữ Việt-nam không có gì trục trặc cả. Mà có trục trặc chăng là ở chỗ thiếu vắng cái nhận thức thông thường (commonsense) cuả người sử dụng cách xưng hô trong ngôn ngữ đó. Mà 'commonsense' tức là "cái năng khiếu tự nhiên khiến người nào có phán đoán thích ứng, có hành động thực tiễn và hợp lí" (the natural ability to make good judgements and behave sensibly) [Collins Cobuild English Dictionary, 1995]. Cụ thể cuả "cái phán đoán thích ứng, cái hành động thực tiễn và hợp lí", trong trường hợp nêu trên, là người trả lời điện thoại phải tự giới thiệu tuổi tác cuả mình, rồi xin hỏi người đối điện, hay người ở bên kia đầu dây điện thoại, một câu về tuổi tác cuả họ, trước khi tiếp tục câu chuyện. Và khi đã biết chi tiết đại loại như vậy rồi, thì sau đó cũng có thể lịch sự xin được xưng hô với nhau là Anh Em, Anh Tôi, Chú Cháu, Cô Cháu, hay Bà Cháu ... Đành rằng vấn đề hỏi tuổi tác người khác ở một xứ phương Tây là điều nên tránh, nhưng ta cũng đừng quên là trong trường hợp này chúng ta vẫn là người Việt-nam, chưa quên hết văn hoá Việt, và đang nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt. Còn nếu không muốn hỏi han tuổi tác lôi thôi, thì người bạn trẻ cuả chúng ta cũng còn có một lối thoát khác là nói cho họ biết tuổi cuả mình để họ tự quyết định xưng hô với mình sao cho phải lẽ, hoặc là mình có thể xưng là Mình, là Tôi, là tên cúng cơm cuả mình, hoặc nói trống không, nghĩa là không xưng gì hết, không cần phải dùng đến nhân xưng đại danh từ ngôi thứ nhất số ít.

Cái tế nhị, cái linh động trong tiếng Việt là thế! Và học tiếng Việt là mình phải tìm học cho bằng được cái hay, cái đẹp đó. Tiếng mẹ đẻ mà! Vả lại, ở trên đời này, cái gì ta muốn biết mà chả phải học? Môn tin học (information technology) chẳng hạn, và thiếu gì các môn học khác, kể cả môn Anh ngữ/Anh văn, còn rắc rối đến chừng nào mà nhiều người Việt ta vẫn học được huống hồ gì tiếng Việt. Chúng ta bị lúng túng trong cách xưng hô trong tiếng Việt có lẽ là vì chúng ta chưa học đến nơi đến chốn đấy thôi. Nếu chúng ta có dịp để ý suy nghĩ một chút, thì vấn đề xưng hô, trong những trường hợp đã được tác giả bài báo "Canh tân hay thoái hoá" cho là khó khăn, thật sự không khó khăn đến nỗi đáng phải đặt thành vấn đề đem thảo luận (non-issue).

Lấy thí dụ điển hình là khi người bạn trẻ cuả chúng ta nói rằng anh đã trải qua nhiều lần khi đối diện với một người mà không biết nên gọilà Bác hay là Chú vì người ấy chỉ bằng tuổi anh ruột mình thôi. Nghe kể cũng hơi lạ là tại sao người bạn trẻ lại không gọi người đối diện bằng Anh, xưng mình là Tôi hay Em, hoặc bằng Chú, xưng mình là Cháu cũng được, vì họ là người lạ và có thể họ khá nhiều tuổi hơn mình.

2. Phản khoa học

Để dẫn chứng tiếng Việt phản khoa học, MXP đưa ra bối cảnh cuả "thiếu niên 10 tuổi bị ông bà bắt gọi một em bé sơ sinh là Anh hoặc Chị và xưng mình là Em vì bé thơ kia là con cuả người bác". Anh cho biết đã chứng kiến là "người anh họ (con bác) lập gia đình với một người em ruột cuả vợ. Nếu so sánh về dòng họ, hai chị em ruột dĩ nhiên gần nhau hơn so với anh em con chú con bác, ấy thế mà người ta lí luận rằng: 'Xuất giá tòng phu' cho nên con cuả người anh vẫn giữ vai trên".

Nếu phản khoa học (unscientific) được hiểu theo nghiã là không hợp luận lí (illogical), thì không có ngôn ngữ nào được xem là hoàn toàn khoa học, là thập phần lô-gích cả. Trong cùng một ngôn ngữ, chỗ này có thể hợp lí mà chỗ khác thì không; hoặc giữa hai ngôn ngữ, chỗ này thì ngôn ngữ này hợp lí, chỗ kia thì ngôn ngữ kia hợp lí, và ngược lại.

Người nói tiếng Anh có thể cho rằng ngôn ngữ cuả họ hợp lí là khi nói đến con vật gì, đồ vật gì... nhiều hơn là một thì phải thêm s hoặc es, trong khi người nói tiếng Việt lại cho rằng tiếng Việt cuả mình mới hợp lí, vì khi đã có con số 2 hoặc 3 trước con vật ấy, đồ vật ấy thì đã rõ nghĩa rồi, việc gì phải thêm thắt lôi thôi để phân biệt số nhiều, số ít làm gì. Tiếng Anh cũng có cái vô lí nữa là khi nói: 'I couldn't care less' mà lại có nghiã là 'Tôi đếch cần quan tâm (đến chuyện đó)', trong khi lẽ ra phải có nghiã là 'tôi không kém quan tâm', tức là 'Tôi có quan tâm'. Tiếng Việt cũng không kém vô lí ở chỗ là khi nói 'Nó thiếu gì tiền' mà lại có nghiã là 'Nó có nhiều tiền'. Hay khi ta nói 'Tôi phải cho nó đi khám bác sĩ' mà lại có nghiã là 'Tôi phải cho nó đi bác sĩ để ổng/bả khám bệnh cho nó'.

Dựa vào dẫn chứng nêu trên, ta không thể đòi hỏi tiếng Việt phải có khoa học, phải hợp lí. Sự kiện ông bà bắt buộc thiếu niên 10 tuổi gọi một em bé sơ sinh là Anh hoặc Chị và xưng mình là Em vì bé thơ kia là con cuả người bác là chuyện tất xảy ra. Và chuyện con cuả người anh họ vẫn giữ vai người trên, thay vì con cuả mình, mặc dù vợ mình là người chị ruột cuả vợ cuả người anh họ, cũng là chuyện thường tình. Nếu muốn, trường hợp này cũng có thể được giải thích theo quan niệm 'xuất giá tòng phu' trong văn hoá Việt-nam như tác giả bài viết đã nêu. Mà ngôn ngữ và văn hoá, thì ai cũng biết, là hai sự kiện bất khả phân.

Song cứ thử suy nghĩ một chút thì chúng ta sẽ nhận thấy rằng chuyện chéo cẳng ngỗng như trên chỉ xảy ra ở Việt-nam, còn nếu có xảy ra ở Úc, thì cũng rất là hiếm. Ông bà nào ở Úc mà lại còn chịu khó bắt bẻ con cháu đến thế. Vả lại, ta việc gì phải xưng Em với bé sơ sinh khi trẻ không biết nghe biết nói. Trẻ con Việt-nam ở Úc đã bình đẳng đến độ chúng gọi nhau bằng tên, và tên cuả chúng lại thường khi là tên Anh, tên Úc nữa, thì lo gì phải dạy chúng xưng hô. Nếu chúng xưng hô với nhau là You là Me thì cũng tốt thôi. Ngược lại, cũng phải kể đến những trường hợp trong đó người anh, người chị con ông bác, bà bác mà ít tuổi hơn con ông chú, bà dì, thì chính họ lại tự cảm thấy muốn xưng mình là Em mà kêu những người ở vai em bằng Anh, bằng Chị.


III. Đơn giản hoá để sống còn

Theo tác giả MXP, thì ngôn ngữ (văn hoá hiểu theo nghĩa hẹp) mà muốn đem lưu truyền thì phải dễ dàng đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Anh đưa ra đề nghị là: Giản dị hoá nhân xưng đại danh từ và loại bỏ lối xưng hô Chú Bác, Cô Dì, Cậu Mợ ... với những người không phải là bà con họ hàng.

Giản dị hoá nhân xưng đại danh từ

Tác giả MXP đề nghị "giản dị hoá nhân xưng đại danh từ, đặc biệt ngôi thứ nhất, ngôi thứ hai số ít. Trong cách đối thoại hàng ngày, anh có ý kiến là ta chỉ cần xưng Tôi và gọi nhau bằng tên (nếu biết tên) hoặc Bạn cho đại danh từ ngôi thứ hai số ít. Còn danh từ Anh Em có thể chỉ sử dụng cho vợ chồng thôi... Có thể dùng You Me khi không muốn gọi Mày Tao để giữ phongthái lịch sự với người đối diện, vì gọi Mày Tao là thô lỗ, đặc biệt là các bạn trai gái đôi mươi mà gọi nhau là Mày Tao quả là chả xuôi tai tí nào".

Ngôn ngữ có tính động (dynamic) chứ không tĩnh (static). Trẻ em Việt-nam ở Úc khi nói tiếngViệt với nhau, nếu chúng xưng hô với nhau là You là Me thì cũng là chuyện tự nhiên. Không việc gì phải bắt bẻ chúng. Chính tôi và bạn bè có khi còn gọi nhau bằng 'Moi' bằng 'Toi' trong tiếng Pháp khi nói chuyện hoặc viết thư cho nhau bằng tiếng Việt. Lúc còn nhỏ ở miền Bắc, bạn bè chúng tôi thân nhau gọi nhau bằng Tớ và Đằng ấy. Khi vào trong miền Nam, lại đổi thành Già/Bồ và Tôi. Bây giờ ở Việt-nam, lối xưng hô Đằng ấy và Tớ hoặc Già/Bồ và Tôi cũng đã bớt thịnh hành. Mà bạn bè đã thân nhau, Bắc Nam gì cũng vậy, họ có thể xưng Mày Tao với nhau, đâu có gì là thô lỗ. Có thô lỗ chăng là khi hai người đang cãi nhau, đang gây gổ với nhau mà thôi. Vậy thì, tuỳ theo tình huống, ngữ cảnh mà từ hô xướng Mày Tao khi thì được dùng để chỉ thân mật, khi thì được dùng để biểu lộ thù nghịch, cũng giống như từ 'bastard' trong tiếngAnh vậy. Khi yêu thì 'you, bastard' có nghĩa là 'đồ khỉ gió', 'đồ quỉ', 'nỡm', 'thôi đi cha nội'; khi giận thì là tiếng chửi thề nghĩa là 'đồ đểu', 'đồ mất dạy', 'đồ mắc dịch', 'đồ khốn nạn'.

Tiếng Việt nó còn hay, nó còn tế nhị hơn tiếng Tây, tiếng Tầu ở chỗ khi thay đổi cách xưng hô trong liên hệ trai gái, ta có thể biết được mức độ tình cảm giữa hai người đã đi từ đâu đến đâu mà không cần phải thêm từ phụ gia chỉ thương yêu (như sweetheart, honey, darling trong tiếngAnh). Chẳng hạn như hai người mới gặp nhau thì người con trai có thể xưng với người con gái là Tôi Chị, Tôi Cô, sau thân hơn nưã thì Tôi Lan, Tôi Nga, Tôi Vân (tên người con gái), thân hơn chút nưã thì Anh Lan, Anh Nga, Anh Vân, sau cùng là đến Anh Em. Vợ chồng khi còn trẻ xưng với nhau là Anh Em là chuyện đã đành, nhưng khi đã lớn tuổi, con cái đã trưởng thành, họ thích thay đổi gọi nhau bằng Ông/Bà hay Ông nó/Bà nó, Bu nó/Thày nó, Má nó/Tiá nó, hoặc Bố thằng Tí/Mẹ thằng Tèo...

Ngôn ngữ có thay đổi hay chăng là tuỳ thuộc vào người sử dụng nó. Mình khó có thể áp đặt, bắt buộc ngôn ngữ đi theo chiều hướng mình muốn được. Hàn lâm viện Pháp đã ra chỉ thị cho dân chúng phải thanh lọc hoá (purify) tiếng Pháp cuả họ, mà đâu có được. Người ta vẫn thấy nhan nhản trên báo chí Pháp tiếng Anh được dùng xen kẽ trong tiếng Tây như le weekend, les girls ... Tiếng Anh cũng pha trộn biết bao nhiêu là tiếng Tây như coup d'état, bon appetit... mà có ai phản đối đâu.

Loại bỏ lối xưng hô Chú Bác, Cô Dì, Cậu Mợ ...

MXP đề nghị: nên nghiên cứu để loại bỏ lối xưng hô Chú Bác, Cô Dì, Cậu Mợ ... với những người không phải bà con họ hàng. Anh cho biết xã hội Việt-nam có nhiều kẻ tâng bốc, sinh ra tình trạng lộng ngôn, ai cũng gọi là Bác, là Chú, là Thầy, là Sư phụ ... Nhưng song song với sự lộng ngôn thì cũng có sự tiến bộ là không ai gọi Bác Nguyên Sa, Bác Bùi Giáng, Bác Phạm Duy, Bà Thái Thanh, Cô Khánh Ly ... mà trước mặt cũng như sau lưng họ, chúng ta chỉ gọi bằng tên mà thôi. Và gọi bằng tên, như gọi Cung Tiến, Thuận Văn, Lệ Hằng..., không có tiếp đầu ngữ Bác, Bà hoặc Cô, là bình đẳng, là tôn trọng họ và chắc là họ hài lòng.

Trong văn hoá Việt-nam, sử dụng đúng lối xưng hô để gọi người này là Chú, Bác, Thầy, là Sư phụ là một hình thức tôn kính, trọng nể người khác và cũng là một hình thức tự trọng. Vì thế, không thể nói đó là một sự lộng ngôn, một hình thức tâng bốc và được sử dụng bừa bãi. Chúng ta không những gọi người khác là Chú, Bác, Thầy là vì họ đáng tuổi Chú, Bác cuả mình, họ đáng được kính trọng như bậc Thầy cuả mình, mà còn gọi họ thay cho lối gọi cuả con cái mình. Khi được học trò gọi mình là Thầy, là Cô thì, bằng một hình thức không kém tôn trọng, thầy cô giáo cũng thường gọi học trò là Anh, là Chị? Miền Nam, khi gọi người khác là Thày như trong Thày Hai, Thày Tư thì thực sự cũng chỉ có nghĩa tương tự như tiếng Ông được dùng ở miền Bắc mà thôi. Khi gọi ai là Sư phụ hay chào ai là Sư phụ, chúng ta đâu có nhất thiết là tâng bốc người đối diện, mà đôi khi còn có ý nói nửa đuà nửa thật cho vui.

Chúng ta nghĩ sao nếu một hôm đẹp trời nào đó tới nhà người bạn chơi mà con cái người bạn mình xưng tên cuả chúng, rồi gọi mình bằng tên mà không có từ hô xướng Chú Bác, Cô Dì, Cậu Mợ? Hỏi tức là trả lời. Kể cũng phải nói thêm là có những trường hợp, mặc dù không phải bà con họ hàng, mà người Úc cũng có những người dạy con cái gọi bạn bè mình là Uncle, là Aunt, nghĩa là Chú Bác, Cô Dì, Cậu Mợ.

Riêng đối với các nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ, chúng ta có thói quen khi nhắc đến họ, nghiã là sau lưng họ, ta 'thường' gọi họ bằng tên, nhưng tôi không hoàn toàn tin rằng, trước mặt họ, chúng ta cũng 'chỉ' gọi họ bằng tên mà thôi. Điển hình là trong cuộc phỏng vấn nhạc sĩ Xuân Tiên trên đài SBS Radio cách nay ít lâu cùng với cô Ngọc Hân, tôi thấy mình khi thì gọi nhạc sĩ lão thành, tuổi đã gần bát tuần, này bằng Ông, khi thì gọi bằng Bác, xưng mình là Tôi hoặc Chúng tôi. Còn cô Ngọc Hân, lúc thì gọi ông là Nhạc sĩ, lúc thì gọi bằng Bác, và xưng mình là Ngọc Hân. Ngoài đời, vì có chút thân tình kết nghĩa anh em, tôi có lúc đã gọi nhạc sĩ Xuân Tiên là Bác, là Anh và xưng mình là Em. Vì lí do đó, tôi không tin là một kí giả trẻ cuả báo Việt Luận khi phỏng vấn nhạc sĩ Cung Tiến lại cứ gọi Cung Tiến là 'Cung Tiến', suông như thế, mà không có tiếp đầu ngữ Bác hay Chú. Và tôi lại càng không tin là, trước mặt người nhạc sĩ đã ngoài lục tuần này, cứ gọi ông xách mé như thế là bình đẳng, là tôn trọng ông, là ông hài lòng.


IV. Kết luận

Phải nhìn nhận là cách xưng hô trong tiếng Việt có rắc rối, có khiến người ta lúng túng trong quan hệ giao tế, nhưng nếu có để ý học hỏi mà biết sử dụng đúng nơi, đúng chỗ, đúng đối tượng thì nó lại là một lợi thế, một hình thức ứng xử dễ được người đối diện yêu mến, nể trọng. Ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng ta tế nhị là thế! Thành công của chúng ta ở đời cũng là nhờ ở chỗ đó!

Giống như mọi ngôn ngữ khác, tiếng Việt không thiếu văn minh, không phản khoa học. Chúng ta 'không' cần canh tân cách xưng hô trong tiếng Việt, không cần phải đơn giản hoá nó, bởi vì ngôn ngữ có tính 'động', nếu người sử dụng nó không thấy thoải mái là tự họ sẽ thay đổi, không ai cản trở và áp đặt gì được, đặc biệt là đối với những người Việt đang sống tại hải ngoại. Xã hội Việt-nam không thể thoái hoá vì xã hội này vẫn duy trì được cái tôn ti trật tự đã có từ ngàn xưa qua lối xưng hô ẩn tàng trong một nền văn hoá lâu đời. Có điều là để cho lối xưng hô này còn tồn tại được ở nước ngoài, thì những bậc phụ huynh, kể cả ông bà, chú bác, cô dì, cậu mợ... chỉ nên khuyến khích, nhẹ nhàng chỉ bảo con cháu mình học được nhiều chừng nào tốt chừng ấy, thay vì bắt bẻ chúng mỗi khi chúng phạm lỗi.

Có như thế thì ta mới hi vọng là 'trăng đến rằm trăng tròn!'
Sydney, 17-3-2000
Nguồn: Talawas