Showing posts with label đồng âm. Show all posts
Showing posts with label đồng âm. Show all posts

Friday, 24 June 2022

Vô tình hay cố ý?

 


Về việc ông Huỳnh Công Tín trong quyển Từ Điển Từ Ngữ Nam Bộ (Huỳnh Công Tín, 2007:894) giảng rằng nhà báonhững người không có công ăn việc làm, thất nghiệp, đang ăn bám vào gia đình, có thêm ông Hồ Xuân Mai đứng cùng bên  với các ông Phan Thế Hoài, Lê Khắc Cường, cho rằng đó là nghĩa bóng của từ nhà báo. Không những thế ông còn chỉ vẽ cho người làm từ điển cách trình bày các kiểu ý nghĩa sao cho đầy đủ. Rồi ông kết luận rằng mục từ nhà báo trong từ điển Huỳnh Công Tín (2007) là còn thiếu. Và ông ỡm ờ:

-Tôi không biết đây là sự vô tình hay cố ý.

Sự vô tình hay cố ý về phía ông Huỳnh Công Tín thì ông Huỳnh Công Tín có thể trả lời nếu ông ấy thấy cần thiết. Về phía ông Hồ Xuân Mai thì những việc sau đây chắc chắn là cố ý:

1)     Không đọc lời giới thiệu và thể lệ biên soạn của từ điển Huỳnh Công Tín (2007);

2)     Không đọc các từ điển Hoàng Phê để xem báo là một từ đa nghĩa hay hai, ba từ đồng âm.

Hai bài tập nhỏ bữa trước tôi cố ý soạn cho hai ông Phan Thế Hoài và Lê Khắc Cường thành ra vô tình dành cả cho ông Hồ Xuân Mai. Ông và các ông quan ngôn ngữ học giải quyết được thì tôi cảm ơn vì tôi suy nghĩ lâu rồi mà chưa có lời giải thỏa đáng.

Wednesday, 22 June 2022

Phân biệt đồng âm và đa nghĩa có khó không?

Về việc ông Huỳnh Công Tín trong quyển từ điển từ ngữ Nam Bộ (Huỳnh Công Tín, 2007:894) giảng rằng nhà báonhững người không có công ăn việc làm, thất nghiệp, đang ăn bám vào gia đình, có hai ý kiến trái ngược nhau trong số những người cùng phản đối ông. Một bên (Phan Thế Hoài, Lê Khắc Cường) cho rằng đó là nghĩa bóng của từ nhà báo. Bên kia (Nguyễn Văn Hiệp) cho rằng báo đó là báo trong báo đời, báo cô, báo hại, đồng âm với báo của báo chí. Hai bên cùng đúng hay hai bên cùng sai? Hay là nhà báo diễn đạt sai lời các ông Phan Thế Hoài và Lê Khắc Cường?

Tiện đây ca đô luôn cho hai ông Phan Thế Hoài và Lê Khắc Cường hai bài tập nhỏ (nhưng hơi bị khó) về đồng âm và đa nghĩa

1) Có mấy từ ba tê trong các câu sau?

* Còn tên Lợi bị ông cò cho ăn vài ba cái ba-tê nguội. Trung Lập Báo số 94 (1924:4)

* Ai dè đâu, chưa xức mà lại bị chũ tiệm thộp chóp và cho ăn vài ba cái ba tê nóng chơi. Trung Lập Báo số 113 (1924:4)

* Người vợ bị ăn ba-tê, la lên om-sòm, lính phú-lích chạy lại chổ, mời hai người về bót phạt. Trung Lập Báo số 146 (1924:4)

* Bánh Ca-la-men Săn-đuých, Ba-tê, Bánh-Beo, Chả dò Saigon, Bánh tôm, Kem Socola, Vani và đủ thứ giải khát Trung Bắc Chủ Nhật số 254 (1945:27)

* Tối hôm qua, nàng chỉ chuẩn bị món giáo đầu là món ba-tê gan ngổng được cất trong tủ lạnh mà thôi.  Thế Kỷ 21 số 10 (1990:58, Hồ Trường An)

* Ảnh dọn bánh đủ thứ mà đãi con ba-tê, săng-uých, bánh ngọt, nước cam, xá xị, ảnh ép ăn uống với ánh muốt nứt bụng. Hồ Biểu Chánh (2005c:102)

* Thấy mình đội than, ông ấy hay dúi cho từng gói ba tê bánh tây, từng bọc khăn và giày dép. Nguyên Hồng (2005tk:167)

* Trong khi người lớn chóng mặt, buồn nôn, cảm thấy không muốn ăn, thì Cu khỏe hẳn lên và chén tì tì các khẩu phần khô, ba tê, xúc xích, cái hộp bơ bằng nhựa bé tí xinh xắn, miếng pho mát cũng vậy, tất cả đều giống đồ chơi. Đặng Thị Hạnh (2008:352)



2) trong bà đầm có nghĩa là gì trong các ví dụ sau?

* Làng-Báo Annam được ăn nói tự do,

Bà-đầm Kiểm-Duyệt bị thải về « lơ-tết ». Phong Hóa Tuần Báo số 133 (1935:4, Tú Mỡ)

* Lê văn Thanh ghi số quan khách phải mời dự tiệc, trên một tờ giấy như sau đây:

- Quan Công Sứ và bà Đầm,

- Quan Phó Sứ và bà Đầm,

- Quan Thầy Thuốc,

- Quan Tuần Vũ

- Quan Án Sát

- Quan Đốc Học,

- Bốn thầy Trợ-giáo (thầy học cũ của chàng)

- Phán Bích, đầu tòa. Nguyễn Vỹ (1970a:59-60)

Một số câu hỏi có tính cách lý  thuyết để mọi người cùng suy nghĩ:
1) Trong trường hợp nào từ ngữ có cùng một hình thức và cùng một nguồn gốc được xử lý như đồng âm?

2) Trong trường hợp nào từ ngữ có cùng một hình thức nhưng không cùng một nguồn gốc được xử lý như một từ ngữ đa nghĩa?



Monday, 18 April 2022

Phốt nào là phốt nào ?


Phốt 1 nghĩa là lỗi (gốc tiếng Pháp là faute). Có các loại phốt như phốt lơ đễnh (faute d’inattention), phốt nặng (faute lourde), phốt nghiêm trọng (faute grave), phốt nhẹ  (faute légère).  Có phốt / dính phốt nghĩa là có lỗi (avoir {fait / commis} une faute).[i]

Phốt 2 nghĩa là cái hố (gốc tiếng Pháp là fosse). Bể  phốt (fosse d’aisance) còn gọi là hố xí.[ii]

Phốt 3 gốc tiếng Pháp feutre (có khi được phiên là phớt).  Thay phốt nhớt là thay cái gioăng phớt (remplacer le joint [en] feutre pour la jauge à huile).[iii]

Phốt 4 từ chỉ thành phần kết nối tay lái với khung/sườn xe. Tiếng Pháp là potence, còn được phiên phốt tăngpô tăng.


[i] * Mục-đích sự học Cao-đẳng là để mở mang trí-thức cho người ta, nên không có hạn-định gì, những nghĩa-lý rất cao-thâm, những tư-tưởng rất mới lạ, thường giảng-giải đến luôn, thày giáo chỉ chủ phát-minh lẽ phải, khám-phá sự thực, học trò phải lĩnh-lược được hết cái tinh-thần ; chứ không phải là chỉ dạy cái hình-thức câu văn, viết văn không mất « phốt » mà thôi. Nam Phong Tạp Chí số 73 (1923:90)

* Hai cụ chỉ chữa cho vài cái « phốt » chữ tây vô-ý không biết, còn thời nhất-định quyết rằng nghe được, không những nghe được mà lại có cái giọng nhiệt-thành bạo-dạn, chắc sẽ có ảnh-hưởng, không đến nỗi là những lời không-ngôn. Nam Phong Tạp Chí số 93 (1925:223, P. Q.)

* Tao mất ba « phốt »... Nam Phong Tạp Chí số 96 (1925:553, T.-V.)

* Hồi năm 1926, nhà in ấy in xong trọn bộ Kinh-thánh quốc-ngữ, suốt cả 327 trang giấy, người ta khó tìm lấy được một phốt in nào. Tri Tân Tạp Chí số 49 (1942:4, Hoa Bằng)

* Moa biết rất rõ toa là người có tầm cỡ chiến lược, để toa phụ trách một quân đoàn cũng phí lắm ; nhưng hiện nay toa đang có « phốt » và hồi toa ở dưới đồng bằng thiên hạ cũng dị nghị về toa ghê gớm lắm. Nguyễn Khắc & Lê Kim (1976:61)

* Duy còn những tờ báo in bằng chữ Nhật là còn phải xếp chữ, sửa phốt trên bản kẽm mà thôi, nhưng công việc này tổ chức cũng mau lẹ chớ không kéo dài như ở nước ta. Vũ Bằng (2003t:331)

* Vạn sợ cái “phốt” ấy đấy, cái phốt Vạn trót sờ tý mụ hôm mụ sang xin muối. Dương Hướng (2004:286)

ĐVT (1950:565), LVĐ (1970b:1169), NQT (1992:328), TTA (2009:97)

[ii] * Ở những nhà xây dựng sau này, phương pháp phổ biến là xây bể “phốt” nhiều ngăn để xử lý phân theo kiểu “tự hoại”. Đinh Anh Tuấn (2006:27-28)

* Nhưng thợ vừa đến đào bể phốt ngay dưới chân cầu thang trời thì chủ căn hộ cạnh đầu cầu thang cấm. Trần Đĩnh (2014-2:323)

* Giọng run rẩy, nghẹn lại nói tiếp, sáu mươi năm làm cách mạng không đào nổi cái phốt cứt! Trần Đĩnh (2014-2:323)

CBT (2006:14), TTA (2009:97)

[iii] TTA (2009:97)