Wednesday, 30 October 2019

Tìm hiểu tên địa danh Đà Lạt qua tư liệu Hán Nôm (Nguyễn Huy Khuyến - Báo Lâm Đồng)

Cập nhật lúc 08:58, Thứ Năm, 29/06/2017 (GMT+7)
Trong những năm gần đây, vấn đề nghiên cứu địa danh học của các địa phương được nhiều nhà khoa học quan tâm. Đà Lạt, Lâm Đồng, Lâm Viên là những tên gọi tưởng chừng như rất quen thuộc. Tuy nhiên, vấn đề nguồn gốc, trích dẫn trên di tích, hay trên những văn bản cổ vẫn chưa được nhiều người biết đến. Đặc biệt, địa danh tên gọi Đà Lạt được triều đình nhà Nguyễn và nhân dân ghi như thế nào? Cái tên Đà Lạt chỉ thực sự được các nhà nghiên cứu quan tâm trên cơ sở tiếng Pháp và tiếng của người dân tộc bản địa trước đây. Mặc dù vậy, sự thiếu thống nhất trong việc sử dụng chữ Hán để ghi chép địa danh Đà Lạt cũng gây nhiều khó khăn cho các nhà nghiên cứu.
Theo bài viết Về nguồn gốc địa danh Đà Lạt của tác giả Thân Trọng Sơn: “Có ý kiến cho là Đà Lạt là cách đọc trại của Đa Lạc, nhiều niềm vui, viện dẫn địa danh của nhiều thôn xóm, khu phố của thành phố này như Đa Lợi, Đa Lộc, Đa Thành, Đa, Đa Thiện... Xem ra đây chỉ là một lý giải dễ dãi, hời hợt, thiếu chứng cứ, ít thuyết phục”. Tuy nhiên, khi nghiên cứu về mặt ý nghĩa của những địa danh này, chúng tôi nhận thấy tất cả tên gọi trên đều mang ý nghĩa rất sâu sắc. Về ý nghĩa của những địa danh này, chúng tôi sẽ giải thích ở phần sau. Để có căn cứ xác đáng, chúng tôi tập trung đi vào nghiên cứu chữ ghi trên di tích, hoành phi câu đối của một ngôi đình mang tên Đà Lạt, đình này được xây dựng năm Bảo Đại thứ 11.
Ảnh tài liệu Lâm Viên hành trình nhật ký có chữ Đa Lạc
Ảnh tài liệu Lâm Viên hành trình nhật ký có chữ Đa Lạc
Từ ghi chép trong câu đối, hoành phi trên di tích
Có một ngôi đình mang tên địa danh Đà Lạt, đó là đình mà người dân quen gọi là đình Đà Lạt. Trên bức hoành phi treo trên gian chính giữa của ngôi đình ghi là “多樂亭” Đa Lạc đình (Đình Đa Lạc) người dân quen gọi là đình Đà Lạt. Ý nghĩa của ba chữ Hán trên nghĩa là nhiều niềm vui (Đa Lạc).
Ngoài hoành phi ra, thì hai cột chính của đình có cặp câu đối để ca ngợi sự nổi tiếng của Đà Lạt được lưu danh trong vũ trụ.
多樂大名垂宇宙 Đa Lạc đại danh thùy vũ trụ,
亭祠終古掛江山 Đình từ chung cổ quải giang sơn.
Dịch là: Tiếng tăm lớn lao Đà Lạt lưu truyền trong vũ trụ,
Đình, nhà thờ từ xưa đến nay sông núi còn mãi khắc ghi.
Đến ghi chép trong chính sử và nhật ký
Trong Lâm Viên hành trình nhật ký của Đoàn Đình Duyệt có ghi chép về địa danh Đà Lạt. Trong văn bản này, Đoàn Đình Duyệt đã tám lần nhắc đến địa danh Đà Lạt nhưng chỉ dùng hai chữ (多洛). Đa là nhiều, Lạc là tên của con sông Lạc Thủy. Nếu giải thích như vậy, e rằng hai chữ Hán này chẳng ăn nhập gì với ý nghĩa của tên địa danh. Nên có thể tạm hiểu là ông Đoàn Đình Duyệt chỉ mượn âm đọc để ghi tên địa danh mà thôi.
Bản sách bằng chữ Hán Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên thời vua Duy Tân thứ 10 (1916) có một đoạn nói về Đà Lạt như sau: “Tháng 3 thiết lập thị xã Lâm Viên. Lúc đầu vì địa thế Lâm Viên rộng rãi, khí hậu mát mẻ, tương lai có thể thành nơi đô hội đông đúc, đã đặt riêng làm một tỉnh. Lúc ấy nghĩ đặt thêm ở xứ Đà Lạt một thị xã và dinh thự nhà cửa... ”. Hai chữ Đà Lạt ở đoạn này lại sử dụng hai chữ Hán là Đồ Lịch.
Tiếp sau bộ đệ lục kỷ thì đến bộ sách Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ cũng nhiều lần nhắc đến địa danh Đà Lạt: “Tòa Khâm sứ hội thương nói Công sứ Đà Lạt xin cấp quan phòng bằng gỗ (trong khắc Lâm Viên quan phòng)...”. Hai chữ Đà Lạt cũng được ghi là Đa Lạc.
Tuy nhiên, cũng trong sách này ở mục 0207, khi ghi chép về đường đi từ Ninh Chữ đi Đà Lạt lại được ghi chữ Hán là Đà Lặc. Mục 0398 lại sử dụng hai chữ Đa Lạc. Khi so sánh khí hậu Bà Nà sách này chép: “chỗ ấy khí hậu mát mẻ không kém Đà Lạt”. Hai chữ Đà Lạt ở đây cũng được phiên từ Đa Lạc. Đặc biệt, mục 0600 sách này dành hẳn một đoạn dài để ghi chép lời vua Khải Định khi vua nói chuyện với các bề tôi rằng: “Toàn quyền đại thần nghĩ muốn kinh lý đất Đà Lạt để xây dựng một thị xã lớn lệ vào Trung Kỳ mà không thuộc quyền quản trị của Công sứ Lâm Viên, lại nghĩ xây dựng một tuyến đường xe lửa để tiện thông hành. Trẫm cho rằng nếu kinh lý đất ấy thành công thì sẽ rất có ích. Vả lại trẫm từng nghe người phương Tây nói đất Đà Lạt khí hậu rất tốt, hơn hẳn Luzon”... Ngoài ra mục 0760 và 0998 cũng nhắc đến địa danh Đà Lạt và sử dụng cùng chữ Đa Lạc.
Tóm lại, hai bộ sách lớn của triều Nguyễn là Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên và Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ dùng sáu chữ Hán khác nhau để phiên âm cho từ Đà Lạt. Đó là hai chữ Đồ Lịch, hai chữ Đà Lặc và hai chữ Đa Lạc. 
Tổng kết từ di tích đến thư tịch chữ Hán của triều Nguyễn, chúng tôi nhận thấy sự khác nhau trong việc sử dụng các chữ Hán để phiên âm cho địa danh Đà Lạt. Ngay cả trong văn bản của triều Nguyễn cũng ghi chép không thống nhất, Đa Lạc, Đồ Lịch, Đà Lặc.
Như vậy, xét về cách phiên âm đã có sự khác nhau không hề nhỏ. Nguyên nhân vì sao lại có sự khác nhau này? Trước hết, ở đây người viết đã dùng hai chữ Hán có âm đọc gần giống với từ Đà Lạt khi đọc cho thuận. Thứ hai, vì chưa có một sự chuẩn hóa từ cho địa danh này nên không có một chữ chuẩn để sử dụng. 
Trở lại những địa danh như Đa Lợi, Đa Lộc, Đa Thành, Đa Thiện...tất cả chữ đầu đều là chữ Đa (có nghĩa là nhiều), ví như Đa Lợi (nhiều lợi), Đa Lộc (nhiều lộc), Đa Thành (nhiều thành ý), Đa Thiện (nhiều điều thiện)... có lẽ những địa danh này bắt nguồn từ chữ Đa trong từ Đa Lạc là hợp lý hơn cả. Những địa danh trên đều mang ý nghĩa sâu sắc mà các vị tiền bối đã gửi gắm vào chữ nghĩa, ngưỡng vọng những điều tốt đẹp cho con cháu mai sau. Đà Lạt, dù có được sử dụng nhiều chữ Hán khác nhau để phiên âm đọc, nhưng thành phố có nhiều niềm vui, giống như lời tiên đoán của vua Duy Tân “đất ấy tương lai có thể thành nơi đô hội đông đúc”, và ngày nay, Đà Lạt thực sự đã trở thành nơi hội tụ đông đúc, là thành phố được sánh như một tiểu Paris, được lưu danh cùng với sông núi, trường tồn cũng vũ trụ. Vậy, có tên nào đẹp hơn nữa khi Đa Lạc, Đồ Lịch, Đà Lặc cuối cũng cũng chỉ để ghi tên Đà Lạt - Thành phố có nhiều niềm vui.
NGUYỄN HUY KHUYẾN

Tuesday, 29 October 2019

Anh Sáu Thọ trên đường ra trận (Phan Hàm - Báo Bình Định)



Kỷ niệm 36 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975-30.4.2011):
Anh Sáu Thọ trên đường ra trận
10:15', 22/4/ 2011 (GMT+7)
Ngày 18.3.1975, Bộ Chính trị họp tại thủ đô Hà Nội. Tình hình chiến trường miền Nam dồn dập diễn tiến. Trong ngày 18, trên mặt trận Nam Tây Nguyên, lực lượng trinh sát mặt đất của ta trông thấy có nhiều đám khói cả trên đường 14 và đường 7. Triệu chứng gì đây? Quân địch rút lui chăng? Trung đoàn 16 lập tức cho một bộ phận đón đầu xuống nam Cheo Reo, còn phần lớn thì vòng qua đường 7, từ sau đuôi đồn tới. Mấy vạn quân địch ở Tây Nguyên đang bị kẹt lại trên đường lui quân về đồng bằng.


Đồng chí Lê Đức Thọ, đại diện của Bộ Chính trị gặp gỡ các đồng chí Khu ủy Khu 6. Ảnh tư liệu


Cùng trong ngày 18 này, có tin quân địch ở Đường 9 rút khỏi Quảng Trị.
Cả hai nguồn tin trên đã đưa đến một quyết định mới của Bộ Chính trị. Anh Ba Lê Duẩn kết luận hội nghị "Có phải chăng, đây là sự báo hiệu thời cơ để cho quân ta tổng tiến công giải phóng toàn bộ miền Nam? Các đồng chí hãy suy nghĩ đi". Và ngay tại phiên họp, Bộ Chính trị đã quyết định luôn: Anh Lê Đức Thọ lập tức vào miền Nam.
Thế là chỉ sau vài ngày chuẩn bị, anh Sáu lên đường ngay. Anh đến Huế đúng vào ngày thành phố này được giải phóng. Khi vào tới Quảng Nam, anh mời anh Võ Chí Công lên Kon Tum làm việc. Nhưng chưa đến nơi, anh Võ Chí Công lại phải lo về, vì Quảng Nam được giải phóng vào ngày 29.3.
Bốn ngày sau đó, anh đã đến Buôn Ma Thuột. Địa điểm đón tiếp anh là căn cứ huấn luyện của Trung đoàn 45 ngụy, ở phía đông thị xã. Đây là nơi tương đối an toàn nhất, vừa đảm bảo bí mật và trông bề ngoài có vẻ khang trang hơn các nơi.
Ai dè, trong lúc đang dọn quét phòng đón "ông khách quý", thì một tiếng nổ to đã phát ra gần đấy. Thì ra, trong khi anh em đang đốt rác bên ngoài, không ngờ trong đó có một quả lựu đạn và nhiều viên đạn nhỏ. Thế là lại phải cấp tốc tung người đi tìm chỗ khác. Chỉ còn non một tiếng đồng hồ nữa là "ông khách" sẽ đến.
Cuối cùng phải chọn nhà là cơ quan làm việc của ngụy quyền để lại, nhưng cũng chỉ có một phòng là còn nguyên lành. Cảnh vật xung quanh xơ xác. Khi đoàn vừa đến nơi, đã thấy đồng chí Bùi San và các đồng chí trong Tỉnh ủy Đắc Lắc kéo đến. Lại làm việc, mất cả giấc ngủ trưa. Được gặp cấp trên để xin chỉ thị, trong lúc này còn gì bằng. Cho nên, tuy biết là "ông khách" đi đường xa, mệt, nhưng chúng tôi vẫn cứ phải tranh thủ. Đồng chí bác sĩ đi theo đoàn cho biết sức khỏe của "ông già" chưa tốt lắm. Vì nóng lòng muốn vào sớm, nên luôn luôn phải vượt cung. Đã thế, đến địa phương nào cũng phải làm việc chẳng kể ngày đêm. Căng thẳng vô cùng.
Đường vào Nam Bộ lúc này đi lại khó khăn. Không phải vì đèo cao, dốc đứng, cũng không phải vì có suối sâu. Nhưng đường thì hẹp mà các đơn vị binh khí kỹ thuật, tên lửa, xe tăng choán hết cả mặt đường, cho nên phải đi theo đường 14 đầy bom mìn của hai bên ngụy và ta. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đoàn xe của "ông khách", tôi phải cho hai xe tải chở gạo đi trước (vì xe chở gạo không sợ mìn) và bản thân tôi dẫn đoàn đi, vì tôi cũng vào Nam Bộ (nhưng tôi không chở gạo).  
Trạm đón tiếp của Trung ương Cục nằm dưới một lùm cây rậm. Gọi là trạm, nhưng lèo tèo chỉ có một cái lán nhỏ và một cái lán con. Trông qua dấu vết cũng biết xe qua lại nơi này rất nhiều. Nhác trông cũng thấy kỷ luật chiến trường ở đây rất nghiêm. Tất cả xe cộ đều núp kín, rải rác xung quanh. Từ đây vào Trung ương Cục đi lại chỉ bằng một phương tiện duy nhất là xe Honda ôm, bất cứ khách là cấp gì.
Vừa đưa tay lên vành mũ chào, anh "lái xe ôm" đã ôm chầm lấy "ông khách" trước con mắt ngạc nhiên của mọi người.
- Anh Sáu, anh có khỏe không, anh Sáu. Anh Bảy (đồng chí Phạm Hùng) cho tôi ra đón anh đây! Mấy hôm nay,  anh Bảy trông anh hết nói.
Đồng chí Lê Đức Thọ vỗ nhẹ vào vai "anh giải phóng". Lần thứ hai, mọi người ngạc nhiên.
- Ủa, Tư. Dạo này công tác ở đây à? Đã gặp vợ con chưa?
Vừa nói, anh Sáu Thọ vừa quàng xà cột vào vai, rồi nhanh nhẹn leo lên chiếc Honda, ngồi gọn sau lưng "anh giải phóng" rất tự nhiên.
- Ta đi thôi!
Anh Văn Tiến Dũng, Phạm Hùng và các cán bộ Trung ương Cục đã đợi sẵn từ ngoài đứng đón. Vừa xuống xe, anh Sáu Thọ chạy đến ôm choàng lấy anh Phạm Hùng và anh Văn Tiến Dũng. Họ hôn nhau lâu hơn mọi lần, nghẹn ngào, chẳng nói nên lời. Mới xa nhau chỉ hơn 100 ngày mà tình hình đổi thay hơn cả một đời người, như những người vừa ra khỏi giấc mơ.
Suốt cả một đời, vào tù, ra tội, biết bao nhiêu lần đứng dưới máy chém nhìn lên, hay trong ngục tối nhìn ra, tính mệnh như nghìn cân treo sợi tóc, có ai trong họ nghĩ rằng có ngày họ cùng đứng bên nhau như thế này để nhìn đời xán lạn như hôm nay và tràn trề hy vọng về những ngày sắp đến. Trong cuộc đời làm cách mạng, mỗi người đều gánh vác nhiều trọng trách, nhưng có nhiệm vụ nào lớn hơn trách nhiệm mà Đảng đặt lên vai họ trong những ngày sắp đến: Chỉ huy một chiến dịch quy mô nhất, quan trọng nhất để kết thúc thắng lợi sau 120 năm cả dân tộc sống trong đêm dài nô lệ. Chiến dịch này còn thai nghén, nhưng thắng lợi gần như nắm chắc trong tay. Trong những cái hôn mặn nồng (đắm đuối?), thắm thiết, còn bộc lộ một ý chí sắt đá, một quyết tâm cao độ và một sự nhất trí cao.
Ngày hôm sau bắt tay vào làm việc. Thượng tá Võ Quang Hồ cùng đi trong đoàn anh Sáu Thọ, có hé cho tôi biết hai điểm:
1. Quyết tâm của Bộ Chính trị đánh Sài Gòn-Gia Định rất cao.
2. Kế hoạch phải vững chắc. Nếu cần, có thể tăng thêm lực lượng phía sau lên và phải kết thúc Chiến dịch sớm.
- Bao giờ?
- Mùa khô.
Hôm thông qua kế hoạch tác chiến, có hai điểm mà cả ba anh Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng đã nhắc đi nhắc lại: Làm thế nào đánh vào một thành phố lớn hơn 3 triệu dân mà tránh cho được cảnh tên bay, đạn lạc cho đồng bào (hồi Mậu Thân không có bàn mấy chuyện này). Quân địch hãy còn quá đông, có thể đếm hơn 300.000 tên. Làm thế nào để tránh bớt máu cho Sài Gòn.
Qua trao đổi, cả ba anh đều nhất trí đánh Sài Gòn không như đánh Buôn Ma Thuột, mà cũng chẳng giống như đánh Điện Biên Phủ. Mặc dù quân địch đông, đóng nhiều nơi, cả cái vỏ cũng rất cứng: Xuân Lộc, Nước Trong, Đồng Dù, Lai Khê, v.v..  và cái ruột không yếu vì địch vừa có Quân khu 5, Khu 6, (ở đâu vậy?) Trị Thiên kéo về. Cho nên không thể đánh bóc vỏ như kiểu Điện Biên Phủ, vì địch sẽ lùi dần vào trung tâm, kịch chiến dứt điểm ở đấy thì thế nào cũng đổ nát nhiều. Cũng không thể thọc thẳng vào trung tâm thành phố, bỏ qua bên ngoài được như ở Buôn Ma Thuột. Phải vừa đánh vòng ngoài, bao vây chúng lại, đồng thời có lực lượng mạnh đột phá vào trung tâm, mà ở đây cũng chỉ đánh mấy mục tiêu chủ chốt thôi: Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu, Dinh Độc Lập, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát, còn các nơi khác thì quần chúng nổi dậy, dùng chính trị, binh vận làm cho địch tan rã, giành quyền làm chủ. Cho nên lực lượng chính trị, binh vận phải phối hợp chặt chẽ. Đây là nhiệm vụ của anh Nguyễn Văn Linh và các anh trong Trung ương Cục.
Ngoài Sài Gòn ra thì không dùng quân chủ lực để đánh các nơi khác. Chỉ cần đánh các đoàn quân đi tiếp viện, đi tăng cường trên đường hành quân, còn vây chặt các nơi. Sài Gòn rã thì các nơi sẽ rã theo thôi. Bàn về kế hoạch tác chiến cụ thể. Theo yêu cầu của anh Sáu Thọ, các anh Võ Chí Công và Chu Huy Mân trực tiếp xuống các kho hậu cần đôn đốc. Quân đoàn do tướng Nguyễn Hòa chỉ huy, được Bộ Tổng tư lệnh tăng cường cho Chiến dịch thần tốc hành quân bằng ô tô đang vào đến vùng tập kết nhận nhiệm vụ chuẩn bị xuất kích khi có lệnh.
Ngày mở màn Chiến dịch không còn lâu mà mưa sớm đã bắt đầu ảnh hưởng đến vận chuyển đạn dược và hành quân cơ động của bộ đội. Chúng tôi thấy anh Sáu Thọ tỏ ra lo lắng, sốt ruột. Anh đã nói lên tâm trạng của mình trong một bài thơ (con cóc) ngắn, bài Mưa rơi:
Suốt đêm qua không ngủ,/Nằm đếm tiếng mưa rơi,/Lo cho anh bộ đội,/Lầy lội quãng đường dài..../Hết tăng rồi lại pháo,/Mong chẳng thấy tăm hơi,/Chiến trường chờ từng phút,/Đừng mưa nữa, mưa ơi!/Để đường mau khô ráo,/Cho xe vào tới nơi. Mưa lâu thêm chút nữa / Là thơ anh hết hơi
(Lộc Ninh, 9.4.1975)
Khi kết thúc hội nghị xác định những vấn đề lớn để chuẩn bị gấp trước ngày thông qua lần cuối cùng 22.4.1975, anh Phạm Hùng luôn luôn tươi cười, thân ái nhìn mọi người. Trong bài phát biểu, anh đã nói lên tiếng nói của đồng bào Nam Bộ:
- Ở trong này, được tin quân ta thắng lớn ở Tây Nguyên, ai nấy đều vui mừng vì thấy có thể giải phóng cả miền Nam, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong năm nay. Từ khi thành lập Đảng đến nay, đây là giờ phút lịch sử vinh quang nhất, Đảng ta có truyền thống đoàn kết, nhân dân và quân đội ta có truyền thống đoàn kết, Nam Bắc một nhà. Chúng tôi hoan nghênh sự có mặt kịp thời của các đồng chí trên chiến trường miền Nam.
Anh Phạm Hùng vừa ngồi xuống, mở hộp thuốc lá sợi vàng ra, anh Văn Tiến Dũng tiếp lời:
- Làm sao để chậm nhất đến ngày sinh nhật Bác Hồ, chúng ta có mặt ở Sài Gòn.
Anh Sáu Thọ bổ sung ngay:
- Trung ương giao cho Đảng bộ miền Nam, toàn thể các lực lượng vũ trang của ta phải hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam ngay trong tháng 4 này. Lúc ra đi, tôi có gặp riêng anh Ba Lê Duẩn, anh nói đại ý: Chúng ta nhất định thắng, nhưng cũng phải đề phòng có gì trắc trở thì ở luôn trong đó, làm xong nhiệm vụ rồi hãy về. Đó là quyết tâm của Bộ Chính trị.
Cuộc họp như có một luồng gió mới thoảng qua. Bầu không khí khác hẳn, anh Lê Đức Thọ móc từ trong túi áo một mảnh giấy nhỏ, rồi đọc: "Anh dặn: Ra đi thắng mới về,/Phút giây cảm động nói năng chi,/Lời anh là cả lời non nước,/Ngàn dặm Trường Sơn há ngại gì." Và thế là một bài thơ nữa được đưa vào chương trình văn học lớp 12 phổ thông.  
. Theo Thiếu tướng Phan Hàm (Tham mưu phó Chiến dịch Hồ Chí Minh)/QĐNDO

Monday, 28 October 2019

Cuộc tiếp xúc đầu tiên với các chiến sĩ dân chủ trong quân đội Lê dương Pháp (Trần Quốc Hương - Xưa và Nay)

Cuộc tiếp xúc đầu tiên với các chiến sĩ dân chủ trong quân đội Lê dương Pháp

Tôi sinh ra và lớn lên ở Phủ Lý trong một gia đình khá giả. Khi còn học ở trường tiểu học, cha tôi đã thuê gia sư để kèm cặp anh em chúng tôi học tiếng Pháp. Đó là thầy Đào Đinh Luống, mà sau này tôi mới biết lúc đó ông đã là bí thư Ban cán sự đảng (ngang với bí thư tỉnh ủy) tỉnh Hà Nam. Chính thầy là người dìu giắt tôi hoạt động trong phong trào Thanh niên Dân chủ ở Phủ Lý (về sau ông lấy tên là Nguyễn Đức Quỳ).
Khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp thi hành chính sách khủng bố, nhiều cơ sở Đảng bị tan vỡ, trong nhóm chúng tôi ở Phủ Lý có người phải đăng lính để tránh sự bắt bớ của mật thám. Có người bảo tôi nên chuyển lên Hà Nội để dễ hoạt động, nhưng thầy Luống bảo: “Gia đình nó khá, thế nào cũng được cho lên Hà Nội học, cứ để nó đi một cách tự nhiên, sau này dễ hoạt động”. Quả nhiên, lên đến cấp trung học, tôi được gia đình cho lên Hà Nội.
Lên Hà Nội tôi sống trong popote (một kiểu nhà trọ tự lập, tự tổ chức việc ăn uống, chỉ phải trả tiền nhà) trên gác nhà số 6bis phố Công sứ Miribel (nay là phố Trần Nhân Tông), do mấy anh công chức nghèo, học sinh, sinh viên đứng ra tổ chức. Trong popote có khoảng 10 người. Tôi ghi tên vào học trường Puginier (nằm trên đường Quang Trung ngày nay), một trường do các tu sĩ Công giáo tổ chức, dành cho con nhà khá giả. Mấy năm ở trường tôi tham gia đoàn Hướng đạo và hoạt động trong Hội Truyền bá quốc ngữ.
Tại đây tôi đã gặp và kết bạn với anh Nguyễn Văn Giới (tức Thôi Hữu) và Phạm Triều. Cả hai anh đều tham gia phong trào Thanh niên Dân chủ và bãi khóa ở trường Kỹ nghệ thực hành Huế cho nên bị đuổi học, phải ra Hà Nội làm ăn để liên lạc với cách mạng. Popote này trở thành một cơ sở liên lạc của các chiến sĩ cộng sản, nhưng do một tên phản bội khai báo nên bị mật thám Pháp để ý theo dõi.
Những người bạn kháng chiến Đức với các đồng chí lãnh đạo Việt Nam ở Việt Bắc. Từ trái sang: Dương Bạch Mai, Frey (Nguyễn Dân), Trường Chinh, Lê Văn Lương, Wachter (Hồ Chí Thọ), Schroder (Lê Đức Nhân). Ảnh: Tư liệu.
Cuối năm 1942, chúng tôi tổ chức treo cờ búa liềm và rải truyền đơn kêu gọi ủng hộ Hồng quân Liên Xô nhân dịp kỷ niệm 25 năm Cách mạng Tháng Mười Nga. Tôi tham gia nhóm treo cờ búa liềm. Một người thuộc nhóm rải truyền đơn bị địch bắt. Do bị đánh đập dã man không chịu được, người này đã khai với mật thám bắt tôi ở nhà trọ cùng một số người khác. Theo giấy khai sinh thì lúc đó tôi chưa đến tuổi thành niên, thế nhưng tôi vẫn bị đưa ra xử tại tòa án binh Hà Nội. Nhờ anh tôi là một nhà thầu khoán quen biết rộng, bỏ tiền ra lo lót khắp nơi, cho nên tôi chỉ bị giam có hơn một năm.
Sau khi ra tù tôi có ý tìm anh Thôi Hữu ngay nhưng chưa gặp, vì từ cuối năm 1941 anh đã lên làm thợ điện ở Sơn Tây, nơi có căn cứ quân sự của Pháp ở Tông. Tại đây anh đã lân la làm quen một số lính Lê dương. Sau một thời gian điều tra anh biết trong số lính Tây này có một số người Đức, Áo và Tây Ban Nha là những người chống phát xít, vì sợ bị trả thù mà phải sung vào đội quân này. Lê dương là một đội quân gồm những người lính đánh thuê cho quân đội Pháp thuộc nhiều quốc tịch. Nguyên tắc của tổ chức này là bất cứ người nào, nếu tự nguyện gia nhập thì sẽ được bảo đảm không bị tố giác về những hành vi sai trái mà họ đã phạm phải trước khi vào lính. Một trong những điều cấm kỵ đối với lính Lê dương là không được ai hỏi về quá khứ của nhau, vi phạm điều này có thể đưa đến án mạng. Vì vậy đội quân Lê dương gồm nhiều thành phần xã hội khác nhau, có những người vì lý do chính trị, thì cũng có không ít những tên tội phạm hình sự bị truy nã mà phải lánh vào đây. Chỉ huy các đơn vị Lê dương là những sĩ quan Pháp có nhiều kinh nghiệm cầm quân, nên đã biến những người ô hợp này thành một đội quân thiện chiến, có kỷ luật chiến đấu cao.
Một số người lính mà Thôi Hữu tiếp xúc nguyên là những người chống phát xít đã chạy khỏi Đức và Áo để sang Pháp từ sau năm 1933 sau khi Hitler lên cầm quyền. Họ là những người có học, có người là sinh viên, phần lớn đều có tư tưởng mác xít. Khi chiến tranh thế giới bùng nổ, từ tháng 9-1939 những người Đức trong số đó bị nhà cầm quyền Pháp đưa vào trại tập trung. Để thoát khỏi cảnh bị giam giữ, họ đã tình nguyện gia nhập đội quân Lê dương. Đến tháng 6-1940, Pháp thất trận, bộ chỉ huy quân chiếm đóng Đức yêu cầu phía Pháp phải trao trả tất cả những người Đức (kể cả người Áo vì đã bị sáp nhập vào lãnh thổ Đức) trong đội Lê dương, lúc này đã được điều sang đóng ở Bắc Phi. Tuy nhiên, viên tướng chỉ huy quân Pháp ở Bắc Phi là Maxime Weygand lại muốn cứu những người Đức Áo trong đội quân Lê dương, vì biết rằng nếu đưa họ về nước thì sẽ bị trừng trị. Năm 1941, có khoảng 100 lính Lê dương được điều sang thuộc địa Đông Dương, trong đó có cả số người Đức và Áo.
Anh Thôi Hữu báo cáo tình hình lính Lê dương với các anh Trường Chinh và Hoàng Văn Thụ và được giao tiếp tục điều tra thêm, tìm mọi cách để tiếp xúc với họ. Vấn đề binh vận lúc này rất được quan tâm, các nghị quyết của Đảng luôn luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công việc này. Đầu năm 1942, anh Thôi Hữu bị bắt nên không còn ai liên hệ với nhóm lính Lê dương ở Tông.
Tại ATK Việt Bắc (từ trái sang: 1. Lưu Văn Lợi; 4. Borchers; 6. Frey; 7. Schroder; 8. Võ Nguyên Giáp; 9. Đặng Bích Hà). Ảnh: Tư liệu.
Bên phía Việt Trì còn có một nhóm Lê dương khác mà anh Trường Chinh phái anh Công đến tiếp xúc, về sau giao cho tôi vì tôi cũng biết đôi chút tiếng Pháp. Anh Công là một thanh niên học sinh Hà Nội, đã có bằng tú tài bản xứ, mới được tổ chức vào Việt Minh, chưa phải đảng viên. Người đầu tiên anh Công tiếp xúc là Erwin Borchers. Anh sinh năm 1906, đi dạy học và hoạt động trong một câu lạc bộ xã hội chủ nghĩa. Khi Hitler lên cầm quyền, anh tham gia một nhóm bí mật chống phát xít, bị mật vụ bắt thẩm vấn, anh phải trốn sang Pháp, tiếp tục học đại học và tốt nghiệp văn học Đức năm 1936. Là người Đức nên anh không được dạy học ở Pháp, rồi đến năm 1939 cũng bị đưa vào trại tập trung như những người Đức khác. Borchers đến Sài Gòn ngày 3-9-1941. Qua anh Công, anh Trường Chinh biết được rằng trong Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn bộ binh Lê dương số 5 (5e REI) đã hình thành một nhóm chiến sĩ chống phát xít mà nòng cốt gồm có Erwin Borchers, Ernst Frey và một người Tiệp là Gotwald.
Tháng 9-1943 tôi được phái đi gặp nhóm Lê dương chống phát xít. Người đầu tiên tôi tiếp xúc là Ernst Frey. Anh sinh năm 1915 trong một gia đình trí thức Do Thái ở Áo. Năm 1934 gia nhập Liên đoàn Thanh niên cộng sản, đã bị bắt và cấm không được theo học các trường đại học ở Áo. Ngày 15-3-1938 quân Đức tiến vào Áo, Frey phải trốn sang Pháp, sau đó đăng lính Lê dương, đến Sài Gòn ngày 1-7-1941.
Frey cao to, để râu quai nón, nước da đỏ au. Hồi đó, nhiều người, kể cả mật thám và tay sai Pháp, khi gặp lính Lê dương ngoài đường đều phải kiềng mặt, ngay cả bọn Nhật cũng ít để ý tới. Vì vậy việc tiếp xúc của tôi có phần dễ dàng, lúc thì gặp nhau trên cánh đồng vắng ở ngoại thành, khi thì ngồi uống bia với nhau trong một khách sạn gần ga Hàng Cỏ. Nhưng do Frey là viên đội (sergent) có thể bị để ý, nên anh ta giới thiệu Borchers để liên lạc với tôi. Borchers là người hiền lành, có dáng một nông dân. Anh giả bị bệnh đường ruột để được điều trị dài hạn tại nhà thương Đồn Thủy (bệnh viện de Lanessan) là bệnh viện của quân đội Pháp (nay là Viện quân y 108), do đó có điều kiện gặp chúng tôi luôn. Anh cho tôi biết là nhóm của anh đang tìm cách liên lạc với những người Pháp thuộc phái de Gaulle chủ trương chống Nhật và tiếp xúc với đảng Cộng sản Đông Dương để có hành động chung.
Một hôm Borchers vui vẻ cho tôi biết là nhóm của anh đã kết nạp thêm một thanh niên trí thức Đức là Schroder. Anh sinh năm 1911, học đại học chuyên ngành xã hội học và văn học Đức, từng tham gia tổ chức cộng sản của sinh viên. Anh phải lánh sang Paris tiếp tục học đại học, sau đó cũng bị đưa vào trại tập trung. Schroder đến Sài Gòn ngày 3-9-1941. Là những chiến sĩ dân chủ, nên cả ba người này rất bất mãn với chính sách đàn áp thuộc địa của Pháp ở Đông Dương, nhất là thái độ đầu hàng trước quân phiệt Nhật.
Borchers cũng đã làm quen được với một vài gia đình trí thức Pháp ở Hà Nội, đồng thời liên hệ được với một kỹ sư người Áo làm việc trong phòng thí nghiệm của Sở Mỏ Pháp (nay là trụ sở Tổng cục Địa chất ở đường Phạm Ngũ Lão). Anh kỹ sư này vốn là đảng viên Đảng Xã hội-Dân chủ Áo, do đó mà có quan hệ với Louis Caput, bí thư đảng bộ Đảng Xã hội Pháp ở Đông Dương (SFIO). Louis Caput đã từng làm thanh tra học chính và là người có nhiều liên hệ với các chiến sĩ cách mạng Việt Nam trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ. Khi Nhật vào Đông Dương, ông bị chính quyền Decoux bắt giam ở Đà Lạt vì cho là thuộc phái de Gaulle. Khi thế lực của de Gaulle lên mạnh, Decoux trả lại tự do cho Louis Caput. Ông ta xin nghỉ việc, nhưng vẫn giữ quan hệ chặt chẽ với tướng Mordant, vốn là tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương, đã được de Gaulle cử làm đại diện Chính phủ lâm thời nước Pháp tự do (nhưng đến cuối tháng 10-1944, toàn quyền Decoux phát hiện Mordant là thủ lĩnh phe de Gaulle nên đã giáng ông xuống làm Tổng thanh tra quân đội Pháp ở Đông Dương). Nhà riêng của Louis Caput ở số 35 Đại lộ Jauraguiberry (nay là phố Quang Trung) là nơi lui tới của những người Pháp phe de Gaulle như thiếu tá quân y Seyberlich, làm ở bệnh viên de Lanessan, thiếu tá Auriol, sĩ quan hậu cần gần gũi với tướng Mordant.
Các bạn Đức cùng các đồng chí lãnh đạo quân đội Việt Nam.
Từ trái sang: Ulbrich (Hồ Chí Long), Wachter (Hồ Chí Thọ), Tạ Quang Bửu, Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Tư liệu.
Borchers thường hỏi tôi về đường lối và chính sách của Việt Minh mà anh biết là có quan hệ với Đảng Cộng sản. Nhưng do trình độ tiếng Pháp của tôi có hạn, nên việc giải thích của tôi không được bao nhiêu. Vì vậy anh ngỏ ý muốn gặp đại diện cấp cao của Việt Minh để tìm hiểu cho rõ hơn.
Tôi ra ATK (an toàn khu) báo cáo sự việc với anh Trường Chinh. Anh bảo tôi bố trí cho anh gặp Borchers. Lúc đầu tôi định tổ chức gặp ở cánh đồng Thủ Lệ, nhưng sau lại dời đến khu lăng mộ họ Phạm ở cánh đồng làng Vẽ, thuộc ATK ngoại thành Hà Nội (trong họ Phạm có một số người là cơ sở của Việt Minh). Đó là vào giữa năm 1943.
Borchers mượn được một bộ quần áo kaki, trông như một anh cai lục lộ, cùng tôi đạp xe đạp ra ngoại thành, theo đường đồng đến phía sau làng Vẽ. Anh Trường Chinh mặc bộ đồ xanh như một công nhân, đi bộ từ trong làng ra. Hai người gặp nhau giữa cánh đồng, chủ khách ngồi ngay trên gò cạnh ngôi mộ mới xây. Cuộc gặp diễn ra suốt từ 9 đến 11 giờ, lúc đó Borchers vẫn chưa biết người gặp mình là Tổng bí thư Đảng cộng sản.
Anh Trường Chinh lắng nghe Borchers trình bày về hoạt động của nhóm chiến sĩ chống phát xít. Anh động viên Borchers và các bạn hãy tranh thủ thời gian củng cố và phát triển tổ chức, đẩy mạnh tuyên truyền trong hàng ngũ sĩ quan và binh lính Lê dương, mở rộng ra cả những người Pháp yêu nước. Anh còn tranh luận với Borchers về các vấn đề nóng hổi của thời sự quốc tế, phân tích tình hình xã hội chính trị ở Đông Dương, cho thấy thắng lợi tất yếu của cách mạng Việt Nam và sự thất bại không thể tránh khỏi của bọn quân phiệt Nhật và thực dân Pháp. Một tuần sau cuộc gặp đó, Borchers nói lại với tôi: “Cuộc trò chuyện với đại diện cấp cao của Việt Minh thật tuyệt vời, để lại cho tôi một ấn tượng hết sức sâu sắc và hết sức thuyết phục. Tôi đã được nói chuyện cởi mở với một người cộng sản Việt Nam đích thực (un vrai communiste), thông minh, có uy tín và cừ khôi nhất”.
Buổi gặp đã có tác động đến nhóm Lê dương của Borchers và các bạn bè Pháp của họ. Borchers có ý muốn tổ chức một nhóm Xã hội-cộng sản (social-communiste), anh Trường Chinh cũng tán thành việc tổ chức đó và muốn thông qua họ để có hành động chung. Anh Trường Chinh đã thông qua Borchers để gửi “thông điệp miệng” tới những người Pháp phe de Gaulle rằng Việt Minh sẵn sàng gặp họ càng sớm càng tốt để bàn việc liên minh chống phát xít Nhật.
Tổng bộ Việt Minh đã quyết định tổ chức cuộc gặp giữa đại diện của mình với đại biểu một số người xã hội mác xít trong đội quân Lê dương Pháp, đại biểu phái tả xã hội Pháp và một đại biểu thuộc phe de Gaulle ở Đông Dương. Anh Trường Chinh cũng quyết định sẽ đích thân vào Hà Nội tham dự cuộc gặp và giao cho tôi phối hợp với Borchers chuẩn bị việc này.
Lúc đó địch vừa xử bắn anh Hoàng Văn Thụ, còn anh Trường Chinh cũng bị địch kết án tử hình vắng mặt nên tôi rất lo. Đây là một cuộc họp với Tây ngay trong lòng Hà Nội. Không thể họp ở một nhà cơ sở cách mạng, ngay giữa phố phường tấp nập người qua lại. Bốn năm người Tây cùng bốn năm người ta cùng vào một nơi thì không thể kín đáo được. Tôi đã nghĩ đến khả năng thuê thuyền đi trên sông Hồng, nhưng có trở ngại là ta chưa nắm được hương lý các làng dọc sông, nhỡ chúng quá hăng hái khám xét thì sao. Tôi đành nhờ Borchers tìm giúp địa điểm.
Borchers cho tôi biết Seyberlich là một trí thức thành thật, có thể tin được, Theo ý của Seyberlich thì ở nhà thương Đồn Thủy ông ta có một phòng khám X quang ở trên gác, không ai vào được. Tôi đến xem thì thấy có điều bất tiện, vì phải đi qua nhiều phòng làm việc, ở sâu trong bệnh viện, xung quanh toàn Tây là Tây, nếu có gì bất trắc thì khó đảm bảo an toàn. Seyberlich còn đưa ra một nơi khác là phòng thí nghiệm trong trường Đại học Y Dược khoa mà ông ta hay lui tới. Tại đây tôi cũng có quen một anh làm préparateur cho khoa dược, giữ chìa khoá phòng thí nghiệm. Nhưng địa điểm này cũng bất tiện vì họp ban đêm bật đèn dễ bị lộ, chỉ có thể họp trong giờ làm việc mà thôi. Cả Borchers lẫn Seyberlich và tôi đều băn khoăn, chưa tìm ra được giải pháp thích hợp.
Cuối cùng Seyberlich đưa ra một đề nghị khá bất ngờ. Nguyên có một ngôi nhà ở 16 phố Delorme (nay là Trần Bình Trọng), vốn là một hộp đêm của các sĩ quan Pháp, có ít người biết. Nếu bao cả tối theo đúng “lịch” đã xếp cho Seyberlich thì coi như an toàn, có thể họp ngay tại đấy. Tôi và Borchers đến tận nơi quan sát. Ngoài tầng trệt, các phòng ở hai lầu trên đều không thấy bày biện đồ đạc gì, ngoài mấy tấm đệm rải trên sàn. Gần đấy là các biệt thự sang trọng của bọn sĩ quan cao cấp Nhật ở phố Halais (nay là Nguyễn Du), cách Sở Liêm phóng Đông Dương không xa (nay là Bộ Công an). Một vài ngôi nhà kế cận là của các giáo sư trường Albert Sarraut. Đây là nơi ở của Tây và Nhật nên cảnh binh không bén mảng đến, ít người để ý. Tôi thấy địa điểm như vậy là được. Sau khi báo cáo lại, được anh Trường Chinh đồng ý, chúng tôi bắt tay chuẩn bị cho chuyến đột nhập thành phố của Tổng bí thư.
Chuyến đi của anh Trường Chinh phải được chuẩn bị hết sức chu đáo, không thể để xảy ra bất cứ một sơ suất nhỏ nào. Cuối tháng 12-1944, trời rét đậm. Tôi kiểm tra kỹ chiếc xe đạp thật tốt, đạp lên Nhật Tân đón anh Trường Chinh từ ATK về. Anh cải trang làm một lái buôn bè gỗ, ngồi sau xe tôi, đi về thẳng nhà cô em gái tôi ở Bến Nứa (nơi đây chưa có tổ chức Việt Minh), nói là bạn của tôi.
Sau đó tôi đến nhà anh Phan Hiền ở 54 Hàng Ngang. Anh Phan Hiền là sinh viên năm thứ ba trường Luật, đã được anh Trường Chinh chọn cùng đi gặp những người Pháp. Trước đó một tuần, anh Trường Chinh đã bảo tôi đến gặp anh Phan Hiền. Anh căn dặn tôi và anh Phan Hiền hãy đọc kỹ mấy bài báo của anh viết về chính sách của Đảng ta đối những người Pháp thuộc phe de Gaulle ở Đông Dương, đăng trên báo Cờ Giải phóng. Đó là những quan điểm cơ bản mà anh Trường Chinh sẽ nêu trong cuộc họp. Tôi còn đến nhà Louis Caput, gặp anh Đào Văn Mỹ là người do ta bố trí làm bồi cho Caput từ trước để nắm thêm thông tin (anh Mỹ về sau phụ trách công tác chính trị Trường Đại học Sư phạm Vinh). Khi trở lại nhà cô em gái, tôi báo cáo lại những việc đã làm, anh Trường Chinh đánh giá là tốt.
Khi Hà Nội mới lên đèn, tôi và anh Phan Hiền cùng đi với anh Trường Chinh đến nhà số 16 Delorme. Đúng hẹn, Ernst Frey và Erwin Borchers đã có mặt ở đó mươi phút để đón. Thiếu tá quân y Seyberlich ra tận cửa đón chúng tôi. Ngồi trên lầu hai được một lúc thì Louis Caput và thiếu tá hậu cần Auriol cùng tới. Còn có một sĩ quan nữa đại diện cho Mordant.
Louis Caput đã biết anh Trường Chinh khi anh còn làm báo thời Mặt trận Dân chủ. Vì vậy vừa gặp ông ta đã thốt lên ngạc nhiên: “Đại diện Tổng bộ Việt Minh lại chính là cộng sản à?”
Anh Trường Chinh tươi cười đáp: “Vào giờ phút này, Mặt trận Việt Minh đã lớn mạnh rồi, tập hợp trong hàng ngũ mình tất cả những người Việt Nam yêu nước, trong đó có cả cộng sản. Và Việt Minh đang đứng cùng trận tuyến với các nước Đồng minh chiến đấu chống phát xít Nhật để giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc mình.”
Tất cả ngồi xuống sàn nhà. Mọi người nhất trí, thời gian họp không nên kéo dài, chỉ trong vài giờ thôi. Và khi bắt đầu họp thì “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Mọi người đều tán thành. Anh Trường Chinh được mời phát biểu trước.
Với một giọng điềm đạm mà sôi nổi, anh Trường Chinh chào mừng những người Pháp phe de Gaulle, các chiến binh Lê dương chống phát xít, trong giờ phút nghiêm trọng này đã ý thức được sự cần thiết phải gặp đại diện Việt Minh để trao đổi nhận định về tình hình Đông Dương hiện nay, tiến tới tạo dựng được một sự liên minh để cùng nhau phối hợp chống phát xít Nhật. Sau khi phân tích tình hình quan hệ giữa Pháp và Nhật, anh Trường Chinh vạch rõ sự hợp tác đó không thể kéo dài mãi, một khi quân Đồng minh thắng lớn. Đã từ lâu, Mặt trận Việt Minh chủ trương “bắt tay có điều kiện” với những người Pháp thuộc phái de Gaulle để cùng nhau lập một mặt trận dân chủ chống phát xít Nhật. Các chiến sĩ Việt Minh đã kiên quyết đứng về phía các nước Đồng minh, chiến đấu chống lại quân đội phát xít Nhật đang đàn áp và chiếm đóng đất nước Việt Nam.
Thiếu tá Auriol đặt câu hỏi: “Nếu bắt tay liên minh với những người Pháp phe de Gaulle, các ông đặt ra những điều kiện gì?”
Anh Trường Chinh trả lời: “Những người Pháp phe de Gaulle cần lợi dụng địa vị của mình trong bộ máy cai trị Đông Dương, thực hiện mấy việc sau đây:
– Một là, vận động đình chỉ hoặc giảm bớt việc thu “thóc tạ”.
– Hai là, vận động thả tù chính trị ở Đông Dương.
– Ba là, tìm cách giao một số vũ khí cho Việt Minh để đánh Nhật.”
Đến lượt Caput phát biểu. Ông hoan nghênh Việt Minh đã có thái độ thân thiện và muốn hợp tác với những người Pháp phe de Gaulle đứng về phía Đồng minh chống phát xít. Tiếp đó ông ca ngợi tướng de Gaulle, nhắc đến bản tuyên ngôn Brazzaville, hứa hẹn Pháp sẽ có nhiều cải cách, dành nhiều quyền lợi cho các nước thuộc địa cũ.
Cuộc thảo luận trở nên sôi nổi. Anh Trường Chinh khẳng định: Việt Minh có thiện chí, và các anh cũng muốn góp phần giải phóng Đông Dương khỏi sự chiếm đóng của Nhật. Khẩu hiệu độc lập đối với nhân dân Việt Nam thì không thể bỏ, vì nếu hạ thấp thì nhân dân sẽ không tin. Nhưng trước mắt cần trao đổi là có hay không một sự “bắt tay” giữa những người Pháp phe de Gaulle với Việt Minh.
Tôi quan sát thấy hai người Lê dương gật gù vẻ tán đồng. Thấy vấn đề hơi căng, hai bên đồng ý nghỉ một lát. Lúc đó vào khoảng 9 giờ tối. Chợt Caput nói với tôi rằng có việc muốn ra ngoài 15 phút. Tôi bảo nên hỏi thẳng anh Trường Chinh. Sau khi trao đổi với Seyberlich và Borchers, anh Trường Chinh đồng ý để cho Caput và thiếu tá Auriol đi ra ngoài. Chúng tôi đoán là họ đi xin chỉ thị của cấp trên. Đúng là những giây phút căng thẳng. Tôi đứng trên ban công theo dõi, không thấy có ai đón ở ngoài, thấy họ đi về phía hồ chứ không phải đi về phía ty Liêm phóng. Đúng hẹn, hai người quay trở lại.
Cuộc họp tiếp tục. Caput thay mặt những người Pháp de Gaulle nói rằng vấn đề đưa ra quá lớn, họ chưa thể quyết định được, cần phải hỏi lại cấp trên, chủ yếu là tướng Mordant, người đứng đầu phe Pháp de Gaulle, đại diện Chính phủ lâm thời nước Pháp tự do ở Đông Dương.
Anh Trường Chinh nhắc lại ba đề nghị, cố gắng làm được đến đâu hay đến đó. Đó là sự thể hiện hành động chung. Caput có hỏi anh Trường Chinh: Tù chính trị là những ai? Anh Trường Chinh bảo: Ví như đồng chí Bùi Lâm. Vì Bùi Lâm công khai là đảng viên đảng Xã hội, nên anh dùng chữ “đồng chí” (camarade) với Caput cũng là đảng viên Xã hội. Caput nói cuộc họp nên dừng lại ở đây, họ sẽ xem xét các yêu cầu của Việt Minh sau. Lúc đó là 11 giờ đêm. Frey và Borchers tỏ ra xúc động trước khi chia tay. Chắc chắn cuộc họp đã gây ấn tượng mạnh đối với hai chiến sĩ thanh niên chống phát xít mang quốc tịch Áo và Đức ấy.
Tôi đưa anh Trường Chinh đi về phía hồ Halais, đến trước nhà Vi Văn Định thì gọi xe kéo cho anh về. Anh dặn tôi tiếp tục giữ mối quan hệ với những người lính Lê dương, chiều mai sẽ gặp nhau lại ở ATK.
Một tháng sau cuộc họp, với bút danh CGP, anh Trường Chinh đã viết bài “Phải coi chừng cái bả Đờ Gôn” đăng trên báo Cờ Giải phóng số ra ngày 28-1-1945, nội dung có đoạn:
Vì quyền lợi đế quốc, bọn Pháp Đờ Gôn không thừa nhận quyền dân tộc độc lập của ta. Vì sợ tù tội, những phần tử Pháp Đờ Gôn ở Đông Dương không dám công nhiên chống Nhật và bọn Pháp gian phản quốc. Trái lại, chúng lẩn lút trong bộ máy thống trị của bọn Đờcu đặng áp bức bóc lột dân ta và cam chịu làm tay sai cho phát xít Nhật, Pháp. Gần đây chúng thúc đẩy bọn Đờcu thi hành một vài phương pháp cải cách vụn vặt hòng mua chuộc lòng dân và tưởng rằng như thế chúng có thể thoát khỏi hai gọng kìm: một bên là nhân dân cách mạng Đông Dương, một bên là phát xít quân phiệt Nhật.
*
*      *
Những dự đoán của Trung ương Đảng đã tỏ ra chính xác. Ngày 9 tháng 3-1945, Nhật làm cuộc đảo chính hất cẳng Pháp. Quân Pháp trên toàn cõi Đông Dương chịu đầu hàng không điều kiện. Binh lính Pháp ở miền bắc tìm mọi cách chạy trốn sang Trung Quốc hòng duy trì lực lượng. Nhưng đại bộ phận đã bị quân Nhật cầm tù và tập trung về một số nơi, cùng với các quan chức và thường dân Pháp. Đơn vị Lê dương ở Việt Trì cũng chung một số phận, bị giữ tại một nhà giam gần Hòa Bình. Chúng tôi đã mất liên lạc với những người bạn Đức và Áo có tư tưởng xã hội dân chủ.
Nhưng các chiến sĩ dân chủ trong đội Lê dương vẫn trung thành với lý tưởng của mình. Sau khi Nhật đầu hàng và Cách mạng tháng Tám thành công, binh lính Pháp được ra khỏi các trại giam của  Nhật. Những người bạn Đức và Áo lại tìm cách liên lạc với Việt Minh.
Ngày 16-9-1945, ba anh Borchers, Schroder và Frey tìm đến trụ sở phát hành tạm thời của báo Cờ Giải phóng gần hồ Hoàn Kiếm, vốn là Văn phòng kiến trúc sư Võ Đức Diên. Tôi đã đón tiếp ba chiến sĩ quốc tế chống phát xít, đưa các anh về cơ sở của Việt Minh ở kho Nhà Đoan, số 8 phố Balny (nay là Trần Nguyên Hãn). Borchers nói với tôi: “Những người cộng sản Việt Nam thật sáng suốt, thấy trước được diễn biến của thời cuộc. Bây giờ lại nắm được chính quyền. Thật kỳ diệu!” Ba anh ngỏ ý muốn tiếp tục cộng tác, phục vụ công cuộc giành độc lập của Việt Nam. Tôi báo cáo với anh Trường Chinh.
Anh Trường Chinh đã đến kho Nhà Đoan tiếp ba anh, hoan nghênh tinh thần dứt khoát đi với cách mạng Việt Nam của họ, rồi phân công họ chủ yếu là làm công việc tuyên truyền, địch vận. Anh Trường Chinh chỉ đạo đưa ba người về báo La République với anh Lưu Văn Lợi, đồng thời chỉ thị cho anh Lợi phải thu xếp chu đáo chỗ ăn ở cho bạn. Sau đó mỗi người được phân công tùy theo khả năng hoàn cảnh của mình. Borchers lấy tên là Chiến Sĩ, được điều về làm báo địch vận, đến năm 1951 phụ trách giáo dục tù binh Đức. Schroder lấy tên là Lê Đức Nhân về làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam trở thành bình luận viên quốc tế. Còn Frey trở thành Nguyễn Dân được giao việc huấn luyện quân sự, trở thành người cộng sự gần gũi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho đến năm 1950. Sau ngày tuyên  bố độc lập 2-9-1945, theo sự chỉ đạo của anh Trường Chinh, ta tổ chức một cuộc gặp mặt các văn nghệ sĩ, trí thức có danh tiếng ở nhà Khai trí Tiến đức cạnh hồ Hoàn Kiếm. Buổi đó ta có mời cả Louis Caput. Ông ta đến chào anh Trường Chinh và  tỏ ý rằng ông ta đã thành thật trong buổi gặp ở nhà số 16 phố Delorme.
Theo chỉ thị của anh Trường Chinh, tôi tham gia cùng nhóm các anh Bùi Lâm, Phan Tử Nghĩa, Lưu Văn Lợi và vài người nữa, làm công tác vận động Pháp kiều. Sau đó Louis Caput vào Sài gòn, chúng tôi vẫn giữ liên lạc với ông ta và cả ông Lemerre làm việc trong bưu điện của Pháp ở phía nam. Qua đường dây bưu điện này, chúng tôi chuyển báo La République, tài liệu và cả tiền Đông Dương, vàng cho Uỷ ban kháng chiến Nam Bộ. Chúng tôi biết Louis Caput có gửi nhiều thư về cho Chính phủ Pháp, trong đó có một thư ông đề nghị Chính phủ Pháp làm việc trực tiếp với chính phủ Hồ Chí Minh để giải quyết vấn đề Việt Nam, không nên dùng Bảo Đại.
Do có công lao trong những năm tham gia cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp, các chiến sĩ dân chủ nói trên đã được Nhà nước ta tặng thưởng nhiều huân chương cao quí. Cuộc tiếp xúc của tôi với các chiến sĩ dân chủ trong đội quân Lê dương Pháp chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, và không phải liên tục. Tuy nhiên, các lần tiếp xúc đó đã để lại trong lòng tôi những ấn tượng khó quên. Nó thể hiện tinh thần quốc tế cao cả mà Đảng ta luôn luôn nêu cao. Cũng qua các cuộc tiếp xúc đó mà tôi có dịp gần gũi, học tập cách làm việc của anh Trường Chinh, được anh kèm cặp và rèn luyện để trưởng thành trong công tác sau này.
ĐÀO HÙNG thực hiện
Ghi theo lời kể của ông Trần Quốc Hương, nguyên Bí thư BCHTƯ Đảng, nguyên Trưởng ban Nội chính TƯ, ngày 17-9-2006 tại thành phố Hồ Chí Minh. Có tham khảo thêm các hồi ký trong sách Trường Chinh, một nhân cách lớn, Nxb CTQG, 2002 và các bài viết trên tạp chí Xưa & Nay số 207, tháng 3-2004, viết về “Những người Đức tham gia kháng chiến bảo vệ nền độc lập của Việt Nam”.

Sunday, 27 October 2019

Từ điển Pháp Việt của Hồ Hải Thụy (2002) - Mấy chỗ nên dịch lại (5)

Cách đọc ghi chú như ở bài 123, 4:


349, Il manifestait un enthousiasme de commande, Nó tỏ ra nhiệt tình giả tạo, Nó chỉ làm ra vẻ phấn khởi thế thôi

349, comices agricoles, hội nông dân, hội chợ triển lãm nông nghiệp

349, le comique de l’histoire, c’est..., điều nực cười của lịch sử là, cái đáng buồn cười trong chuyện này là

349, commander une armée, chỉ huy một binh đoàn, chỉ huy một đạo quân

350, On n’a jamais vu une escroquerie comme celle-là, Chưa từng thấy đứa nào bịp bợm như nó, Chưa từng thấy một vụ lừa đảo nào như thế

351, L’ambassadeur a refusé de commenter les décisions présidentielles, Ông đại sứ từ chối làm sáng tỏ các quyết định của tổng thống, Ông đại sứ từ chối bình luận các quyết định của tổng thống

351, Comment ne m’avez-vous dit qu’il partait, Sao anh không báo tôi là nó đã đi, Sao anh không báo tôi là nó đi

352, commissaire aux comptes, ủy viên kiểm soát, kiểm toán viên độc lập

352, commissionnaire en douane, ủy viên quan thuế, người nhận làm dịch vụ hải quan

353, commodore, thiếu tướng hải quân (Anh, Mỹ), chuẩn tướng hải quân (Anh, Mỹ)

353, Il est communément admis que, Thông 
thường người ta chấp nhận rằng, Theo lẽ thường thì

353, Le commun des martyrs, des apôtres, nghi lễ dành cho những người tử vì đạo, những tông đồ, lễ chung các thánh tử đạo, lễ chung các thánh tông đồ

353, communion solennelle, sự đón nhận thánh thể trang trọng, rước lễ lần đầu

355, comparaître devant un tribunal comme témoin, comme accusé, ra trước tòa như người làm chứng, như bị cáo, ra tòa làm chứng, ra tòa với tư cách bị cáo

355, Cet ouvrage est sans comparaisons avec les autres, Công trình này không thể sánh kịp các công trình khác, Công trình này thật sự là vô đối

357, compilation, 2. biên tập, 2. biên dịch


357, compiler, TIN chuyển ngữ, TIN biên dịch

Friday, 25 October 2019

Ngon sao không đi sửa tiếng Mỹ đi?


Ông nọ mắc bệnh chữ lỏng, không chịu nổi lũ dốt đặc bên Việt Nam:
Và mình thấy hình như ở Việt Nam, người ta dùng từ "dân tộc" để chỉ cho dân tộc Việt lẫn dân tộc Kinh gì đấy, mình rất kinh ngạc, vì hóa ra là các Giáo Sư Tiến Sĩ Viện Ngôn Ngữ Học Việt Nam, học hành ra làm sao, mà dùng cả từ dân tộc để chỉ cho tộc người và quốc gia, có cả vụ dân tộc Việt và dân tộc Kinh và dân tộc Hoa nữa cơ đấy. Ôi chao, dạy như thế, thì mình xin từ, có con sau này, mình cấm chúng nó đi theo họ học hành tiếng Việt.

Thấy vọng quá, ông
bèn sang Mỹ. Ở Mỹ bốn chục năm, ông được đọc blog Từ Nguyên Học và đọc đến dòng này mới kinh ngạc, vì hóa ra là các Giáo Sư Tiến Sĩ Mỹ học hành ra làm sao mà tiếng Mỹ chỉ có một từ language để dịch cả từ langue và từ langage của tiếng Pháp. Ấn độ đen thui là Indian Mỹ da đỏ cũng là Indian nốt.  Bản thân ông là một chuyên gia hàng đầu trong ngành dân tộc học (cùng nhiều ngành khác như sử học, ngôn ngữ học, Hán Nôm học... lung tung và lung tung) mà ông đành bất lực, thậm chí chưa bao giờ nhìn thấy vấn đề gì ở đó.

Thất vọng quá, ông bèn sang Pháp. Nhưng rồi ông lại tiếp tục thất vọng. Bên xứ này các Giáo Sư Tiến Sĩ Pháp học hành ra làm sao từ điển chỉ có một từ riz để chỉ cả lúa, thóc, gạo, cơm... của Việt Nam. Từ cơm của Việt Nam rất gọn nhưng người Pháp lại phải diễn đạt rất dài dòng là riz cuit à l'eau, sang tiếng Mỹ thành plain boiled rice rồi người Việt chữ lỏng ở Mỹ dịch thành cơm đun sôi mộc mạc. Họ bảo dịch như vậy để con cái họ khỏi phải học thứ tiếng Việt người ta đang dùng ở Việt Nam.

Đem, đeo, mang, vác, cõng, khiêng, bưng, bê, gùi, ẵm, bồng, bế... gì cũng thành porter bên tiếng Pháp. Mặc cũng porter mà đội cũng porter. Sao không thấy người Việt nào đi chửi các giáo sư tiến sĩ Pháp không đặt đủ từ cho đủ các kiểu porter ?

Nói chung người Việt không có rảnh để đi dòm qua tiếng Pháp, tiếng Mỹ mà bắt bẻ tại sao tiếng người ta thiếu cái này, dư cái kia. Người Mỹ, người Pháp mà gặp chuyện gì khó hiểu bên tiếng Việt thì họ học, họ hỏi cho đến khi họ biết. Những đứa Việt không ra Việt, Mỹ không ra Mỹ thì hành xử kiểu khác.

Thursday, 24 October 2019

Nhân văn - Giai phẩm: Nhà văn Thụy An (Nguyễn Ngọc Chính - Hồi Ức Một Đời Người)

Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012


Nhân văn - Giai phẩm: Nhà văn Thụy An

Cuối thập niên 80s tôi có một người học trò tuy tuổi đã cao nhưng cũng cố học Anh văn để được đoàn tụ cùng con cái ở nước ngoài. Đó là nhà văn Thụy An, người đã bị chính quyền miền Bắc thanh trừng trong vụ án Nhân văn - Giai phẩm trong những năm 1955-1957.
Nhưng thôi, chuyện học tiếng Anh của bà cụ chỉ là ‘chuyện nhỏ’, xin nói đến ở phần cuối của bài viết này. Bà Thụy An sinh năm 1916 tại Hà Nội (hơn tôi đến 30 tuổi), nhũ danh Lưu Thị Yến, viết văn, viết báo từ trước năm 1945.
Thụy An là nhà văn nữ duy nhất bị kết án ‘phản động’, ‘gián điệp’… với hình phạt 15 năm cải tạo thuộc ngũ nhân bang Nhân văn - Giai phẩm, dù tác phẩm của bà không phê phán chế độ một cách quyết liệt hay thâm trầm như Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Lê Đạt, Phan Khôi…
Là người có khiếu thơ văn từ nhỏ nên năm 13 tuổi bà đã có thơ đăng trên báo Nam Phong (1929) và 3 năm sau, lại nhận được giải thưởng văn chương của Triều đình nhà Nguyễn. Bà Thụy An đã từng làm chủ nhiệm những tờ Đàn Bà Mới (Sài Gòn), Phụ Nữ Tân Văn (Sài Gòn), Đàn Bà (Hà Nội), một thời là quyền giám đốc Việt Tấn Xã và phóng viên chiến trường
(http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BB%A5y_An)

Vũ Ngọc Phan viết trong Nhà văn hiện đại: “Tác giả Thụy An vốn là một nhà thơ. Tôi đã đọc thơ của Thụy An trong ‘Phụ Nữ Tân Văn’, trong ‘Đàn Bà Mới’ và trong tuần báo Đàn Bà”.
Đánh giá về tiểu thuyết Một linh hồn của Thụy An, Vũ Ngọc Phan viết: “Một linh hồn” chính là một tiểu thuyết tình cảm, tả những tính tình rất ngây thơ, rất trong sáng của Vân, một cô gái giàu lòng tín ngưỡng và giống như một bông sen, tuy “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”… Một linh hồn cũng đáng kể là một tiểu thuyết xuất sắc của phụ nữ Việt Nam từ trước đến nay: tác giả đã giàu tưởng tượng, truyện lại xây dựng một cách vững vàng, chắc chắn”.
Chân dung nhà văn Thụy An

Bà Thụy An kết hôn với giáo sư Bùi Nhung, em ruột học giả Bùi Kỷ. Trong thời kỳ Nhân Văn–Giai Phẩm, nhà văn Phan Khôi nhận bà là con nuôi. Sau khi báo Nhân Văn và Giai Phẩm bị đình bản, bà bị bắt năm 1958 và trong phiên tòa xét xử bà tại Hà Nội, nhiều nhân chứng đều cho rằng bà đã có ảnh hưởng không nhỏ đối với một số văn nghệ sĩ tham gia phong trào này. Tuy nhiên, những người trong cuộc như Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt lại phủ nhận sự tham gia của bà trong nhóm.
Theo báo Nhân Dân (ngày 23/04/1958), bà Thụy An bị kết tội gián điệp vì có quan hệ gần gũi với gia đình tướng De Lattre de Tassigny và Giám đốc Sở mật vụ Pháp Marty.
Về vụ xử gián điệp, báo Thủ đô Hà Nội ngày 21/01/1960 (số 382) tr. 4. đưa tin:
“Ngày 19/1/1960, Tòa án Nhân dân Hà Nội đã xử vụ gián điệp có tổ chức do bọn Nguyễn Hữu Đang và Thụy An cầm đầu. Nhiều đại biểu các tầng lớp nhân dân Hà Nội đã tới dự phiên tòa này.
“Bọn gián điệp bị đưa ra xét xử gồm năm tên: Nguyễn Hữu Đang, Lưu Thị Yến tức Thụy An, Trần Thiếu Bảo tức Minh Đức, Phan Tại và Lê Nguyên Chí.
“Ông chánh án Nguyễn Xuân Dương, hai ông hội thẩm Nguyễn Tử Các và Phùng Bảo Thạch đã lần lượt hỏi các tội phạm, và bọn chúng đã được tự do trình bày hết tư tưởng và hành động của chúng trong thời gian phạm pháp.
“Thụy An là một tên gián điệp lợi hại của bọn đế quốc. Khi hòa bình được lập lại, y đã nhiều lần xuống Hải Phòng bàn định kế hoạch hoạt động gián điệp phá hoại với bọn tay sai của Mỹ – Diệm. Sau khi Chính phủ ta tiếp quản Hải Phòng, y trở về Hà Nội, chịu mệnh lệnh của một số phần tử người nước ngoài trong đó có tên là Đuya-răng, thi hành những âm mưu và hoạt động phá hoại miền Bắc nước ta. Âm mưu của chúng nhằm xuyên tạc sự thật, khích động lòng người, gây nghi ngờ, hoang mang chống đối với chế độ dân chủ nhân dân. Chúng gọi thủ đoạn này là thủ đoạn “phá hoại tư tưởng, phá hoại nền tảng chính trị”. Đó chính là một thủ đoạn gián điệp rất quỷ quyệt của Mỹ, tinh vi và độc ác hơn phá hoại bằng vũ khí, – lối gián điệp “tác động tinh thần”, “chiến tranh tâm lý”. Đối với nhiệm vụ gián điệp mà Đuya-răng đã giao cho, Thụy An thú nhận: “Tôi đã làm việc đó một cách thích thú, và nó phù hợp với tư tưởng phản động của tôi”.
“Năm 1956, Thụy An, Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi nhập thành một nhóm. Tháng 9/1956, dựa vào tiền bạc của những phần tử tư sản phản động, bọn chúng xuất bản tờ báo Nhân văn. Nguyễn Hữu Đang thú nhận: “Thực chất tư tưởng của tôi và những người theo tôi là phản động, cho nên lúc đó chúng tôi bàn ra một tờ báo để làm lợi khí chống đối. Tờ báo Nhân văn do chính tôi giữ một vai trò chủ chốt”.
“Thụy An thường xuyên gặp Đuya-răng báo cáo tình hình. Thụy An thú nhận: “Đuya-răng bảo tôi: giờ bà hãy đứng ngoài, nhưng phải để mắt trông nom mọi việc”. Do đó Thụy An không có tên trong tòa soạn báo Nhân văn nhưng y đã tích cực cổ động cho báo Nhân văn…, cho một tay chân của Phan Tại đến giúp việc Nguyễn Hữu Đang. Phan Tại đã vận động người giúp tiền cho Nhân văn, lợi dụng sân khấu, điện ảnh để tiến hành phản tuyên truyền; Minh Đức đã câu kết với một số phần tử xấu như nhóm Trương Tửu xuất bản một số sách nội dung giống như Nhân văn, mục đích đều là chống lại chế độ dân chủ nhân dân.
“Trong những hoạt động phá hoại của bọn Phan Tại, Minh Đức đều có bàn tay chỉ huy của Nguyễn Hữu Đang và Thụy An. Thụy An thú nhận “là cố vấn của Phan Tại”, còn Nguyễn Hữu Đang “là linh hồn của nhà xuất bản Minh Đức” (lời khai của Minh Đức). Hơn thế nữa, Nguyễn Hữu Đang còn mưu đồ thành lập một đảng chính trị phản cách mạng.
“Sau khi báo Nhân văn bị đóng cửa, bọn Nguyễn Hữu Đang và Thụy An vẫn câu kết chặt chẽ với nhau và tiếp tục hoạt động gián điệp phá hoại. Thụy An thú nhận: “Sau khi báo Nhân văn bị đình bản tôi vội đến báo cáo tình hình với Đuya-răng và xin chủ trương. Đuya-răng bảo tôi: Lúc này là lúc bà phải đi sát với họ”. 

Nguyễn Hữu Đang và Thụy An lấy nhà Phan Tại làm một “câu lạc bộ” bí mật, tụ tập một số phần tử phản cách mạng chuyên đem những luận điệu phản tuyên truyền của bọn Mỹ – Diệm và những sách báo phản động của bọn đế quốc ra bàn và thảo luận những âm mưu phá hoại mới. Nguyễn Hữu Đang thú nhận: “Trong thời gian đi lại với Thụy An, những câu nói phản tuyên truyền của chúng tôi rất nhiều, và tôi nhận rằng tôi đã bịa đặt ra những việc không đúng sự thật và đã gây tai hại là gieo rắc hoang mang và hoài nghi…”
“Trong khi Nguyễn Hữu Đang và Thụy An ra sức “tác động tinh thần” như vậy, thì Minh Đức được Đang giới thiệu với những phần tử tư sản phản động cung cấp cho hàng triệu đồng (tiền cũ), cho in lại hàng loạt sách của thời thuộc Pháp để tiếp tục đầu độc các tầng lớp thanh niên, còn Phan Tại thì lợi dụng việc tập kịch, ca hát để phục hồi nếp sống trụy lạc, đồi bại của thời tạm bị chiếm. Đến khi chúng thấy âm mưu và hoạt động của chúng bị bại lộ, chúng định trốn vào Nam để tiếp tục làm tay sai cho Mỹ – Diệm. Lê Nguyên Chí thú nhận: “Đang nói với tôi, Đang vào theo Mỹ – Diệm sẽ được chúng tin dùng và sẽ làm được những việc lớn”. Đang cùng Lê Nguyên Chí chuẩn bị trốn đi Nam.
“Sau khi luật sư Đỗ Xuân Sảng bào chữa cho các tội phạm, căn cứ vào chính sách xét xử và trừng trị của Tòa án nhân dân là nghiêm trị bọn chủ mưu và bọn ngoan cố, khoan hồng với những người lầm đường, bị lừa gạt đã biết hối cải, Tòa án đã tuyên án:
(1)   Nguyễn Hữu Đang, 15 năm phạt giam, 5 năm mất quyền công dân;
(2)   Lưu Thị Yến tức Thụy An, 15 năm phạt giam, 5 năm mất quyền công dân;
(3)   Trần Thiếu Bảo tức Minh Đức, 10 năm phạt giam, 5 năm mất quyền công dân;
(4)   Phan Tại, 6 năm phạt giam, 3 năm mất quyền công dân;
(5)   Lê Nguyên Chí, 5 năm phạt giam, 3 năm mất quyền công dân.
Bà Thụy An
(người đứng giữ trong số 5 bị cáo Nhân văn-Giai phẩm)
Báo Quân đội nhân dân ngày 21/01/1960 viết về bà Thụy An:
“Thụy An tên thật là Lưu Thị Yến, trước Cách mạng tháng Tám đã từng làm tay sai cho bọn Mác-ty, Gờ-răng-giăng là những tên trùm mật thám thực dân ở Đông Dương. Khi toàn dân ta hy sinh gian khổ để kháng chiến, Thụy An được giặc tin dùng, cho làm Phó giám đốc Việt Tấn xã, một cơ quan tác động tinh thần của địch, chuyên phản tuyên truyền, chống kháng chiến. Nó đã có mặt ở nhiều nơi xảy ra chiến sự, trên xe bọc sắt của bọn võ quan cao cấp Pháp hay bọn chỉ huy cao cấp bù nhìn. Khi hòa bình vừa lập lại, nó chạy ra vùng tự do khai với chính quyền ta xin ở lại. Ở lại để làm gì, những sự việc trên đã cắt nghĩa khá rõ ràng.
“Bọn Nhân văn – Giai phẩm còn tung ra một loạt “tác phẩm” để minh họa cho “chính sách” phản động của chúng. Phan Tại viết và diễn một loạt kịch ‘Ghế chợ giời’, ‘Bù nhìn bắp cải’, ‘Hai con chuột’ để tuyên truyền cho nếp sống đồi trụy, đề cao thế lực đồng tiền, dùng danh từ mập mờ trên sân khấu để đả kích kháng chiến, khuyến khích người bỏ trốn đi Nam. 

Trần Duy viết ‘Những người khổng lồ’, ‘Tiếng sáo tiền kiếp’ để đả kích những người cộng sản, tuyên truyền cho thứ nghệ thuật đồi trụy, nuối tiếc thời nô lệ. Thụy An viết ‘Thiếu úy Nguyễn Lâm tòng quân’, ‘Trên bàn mổ’ để phục vụ bọn đế quốc, ca tụng bọn Việt gian bán nước, đả kích sự lãnh đạo của Đảng. Chúng sáng tác với một dụng ý rất thâm độc. 

Thụy An thú nhận trước Viện công tố: “Tôi viết truyện ‘Thiếu úy Nguyễn Lâm tòng quân’ để nói rằng trong tên Việt gian bán nước cũng có con người. Tôi viết truyện ‘Trên bàn mổ’ để nói lên là chuyên môn không phụ thuộc vào chính trị”. Những lời thú nhận đó càng xác nhận một lần nữa rằng bọn Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, Phan Tại đã dùng vũ khí văn nghệ để hoạt động phản cách mạng.
***
Bà Thụy An là người phụ nữ duy nhất - ở trong hay ở ngoài phong trào - bị kết án làm gián điệp. Bà là một trường hợp đặc biệt, theo Lê Đạt và Nguyễn Hữu Đang, bà không ở trong Nhân Văn - Giai Phẩm, vậy mà tên bà được nêu lên hàng đầu trong hàng ngũ phản động với nhãn hiệu “Con phù thủy xảo quyệt” và những lời lẽ độc địa nhất dành cho bà: “Như vắt ngửi thấy máu, Thụy An như rắn bò tới các câu lạc bộ Hội Nhà văn phun nọc độc mạt sát chế độ ta bần cùng hoá nhân dân”.
Vụ án Thụy An có phải là một vụ án chính trị hay là một sự quy kết oan uổng?
Nhà báo Nguyễn Hữu Đang (một trong những người sáng lập nên Hội truyền Bá Quốc ngữ, nguyên Thứ trưởng Bộ Thanh Niên và là người chỉ huy dựng Lễ đài Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt quốc dân) khẳng định với RFA (Đài châu Á Tự do), nguyên văn như sau:
Bà Thụy An không tham gia gì vào nhóm Nhân Văn Giai Phẩm cả. Bà ấy không viết một bài, một câu, một chữ nào cho Nhân Văn cả. Bà ấy cũng không hề mách nước, bàn bạc gì với người khác hay với tôi bao giờ cả. Không, không hề có, tuy rằng có quan hệ, thỉnh thoảng có gặp nhau, cũng nói chuyện”.
Ông Nguyễn Hữu Đang
Nhà thơ Lê Đạt cho biết: “Tôi nhắc lại một lần nữa là chị Thụy An chưa bao giờ ở trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm cả. Nhưng chị Thụy An rất thân với anh em trong Nhân Văn Giai Phẩm và đặc biệt là thân với tôi. Người ta buộc tội chị Thụy An, người ta cứ buộc tội mập mờ thế thôi, nhưng tội chính của chị Thụy An là thế này: Là gián điệp cài lại để lũng đoạn nhóm Nhân Văn Giai Phẩm. Nhưng cho đến khi tôi biết thì tôi cũng chẳng thấy chị ấy viết bài nào cho Nhân Văn Giai Phẩm cả. Thế mà chị ấy đối với tôi thì lại rất quý, chị ấy luôn luôn mua đồ đạc cho tôi, cho vợ con tôi, và tôi cũng chẳng thấy chị ấy bàn với tôi về việc viết một bài nào cho Nhân Văn Giai Phẩm cả. Thế cho nên việc ấy tôi cho cũng là một cái oan rất lớn.
Tôi có thể bảo đảm 100% chị ấy không phải là gián điệp. Tại vì thế này: Nếu là gián điệp thì phải có chứng cớ chứ! Chị nhận tiền của ai? Nhận tiền ở đâu? Liên lạc với ai? Cho đến bây giờ tôi vẫn thấy đó là một câu hỏi mà nhà nước chưa trả lời tôi được. Chưa có chứng cớ thì làm sao có thể kết luận người ta là gián điệp được. Thì cứ cho tôi là người mù mờ đi, tôi bị chị mua chuộc đi. Tôi nhớ lại tất cả cuộc đời của tôi, thì chị ấy chưa mua chuộc tôi lần nào cả. Và chị ấy chỉ giúp đỡ tôi rất nhiều. 

Cho nên đến bây giờ tôi thấy là: Riêng về trường hợp chị Thụy An, tôi vẫn rất ân hận. Tại vì chúng tôi đã được phục hồi nhưng chị Thụy An chưa được phục hồi gì cả. Mà một trong những tội lớn nhất của chị ấy là mua chuộc tôi. Thì như các bạn đã biết, tôi chưa từng cảm thấy bị mua chuộc mà chắc cũng chưa ai mua chuộc được tôi. Cho nên tôi thấy riêng tôi bây giờ nói những dòng này, tôi vẫn khao khát và thiết tha có một dịp nào đó, người ta phục hồi chị Thụy An một cách chính thức. Không có thì riêng tôi, tôi đối với chị Thụy An, tôi vẫn cho là món nợ.
Còn về chị Thụy An, tôi phải nói thế này: Chị Thụy An là một người rất giỏi. Chị ấy là một trong những cây bút nữ đầu tiên của Việt Nam. Mà theo tôi, chị Thụy An nói kín hở cho tôi biết, thì chị ấy đã từng tham gia kháng chiến! Việc liên lạc với kháng chiến trong thời ấy thì mình mất mối là chuyện bình thường, mà mất mối thì mình không thể chứng minh được. 

Bây giờ cũng đã lâu rồi, đã gần 50 năm rồi. Tôi thấy chúng ta có thể mở những kho tài liệu ra để buộc tội hoặc minh oan cho một người cho rõ ràng và khi mình đặt rõ ràng về phận vị rồi thì mình phải trả lại danh dự cho người ta. Và lúc đó chúng ta hãy bàn đến vấn đề chị Thụy An đóng góp gì trong cái phong trào thời ấy. Lúc đó chúng ta có đủ bình tĩnh hơn để bàn về vấn đề này. Riêng tôi thì không bao giờ tôi quên công của chị Thụy An đối với tôi cả”.
Nhà văn Lê Đạt
Năm 1973, bà Thụy An cùng với Nguyễn Hữu Đang được thả trong diện “Đại xá chính trị phạm trong hiệp định Paris”. Sau năm 1975, bà làm đơn xin vào Nam sinh sống để hy vọng được đoàn tụ với các con tại nước ngoài và đó cũng là lý do tôi trở thành người kèm Anh văn cho bà.
Trong “Hồi ký của một thằng… hèn”, có đoạn nói về Nhân văn - Giai phẩm. Nhạc sĩ Tô Hải, người đã soạn hàng trăm ca khúc ca tụng ‘đảng quang vinh’, đã viết: “Tôi… run khi Phùng Quán rủ tôi đến chơi một “nhà văn nữ có thể đọc ngược Hamlet (!) bằng tiếng Anh”: Thụy An” [sic].
Có lẽ vào thập niên 50-60 nhạc sĩ Tô Hải khi đó còn hăng say phục vụ cách mạng chứ chưa như thập niên 2000s đã ‘giác ngộ’ cách mạng nên mới nghĩ rằng trình độ Anh văn của bà Thụy An ở mức thâm hậu đến độ có thể ‘đọc ngược’ Hamlet của Shakespear. Không có điều gì để trách ông Tô Hải vì những gì ông biết về bà Thụy An chỉ thông qua bộ máy báo chí thời kỳ đó…  
Tuy nhiên phải nói lại cho đúng: Đây là chi tiết sai sự thật vì nếu bà Thụy An có trình độ tiếng Anh như ông Tô Hải mô tả thì chắc chắn tôi là người phải xin thọ giáo bà chứ không phải là người giúp bà học những câu như “How are you?” hoặc “My name is Yến”.
Thật trớ trêu, hồi xưa tôi lại là học trò của con bà, thầy Bùi Dương Chi, dạy Anh văn trên Ban Mê Thuột. Nhân vật Phong, trung úy biệt kích 81 trong truyện ngắn Năm tháng khó quên có phần hư cấu từ những chuyện bà kể về gia đình mình. Tôi đã lồng Phong vào hoàn cảnh gia đình đó, nhưng nhân vật Phong lại đội lốt trung úy pháo binh Ngô Nghĩa, người đã trốn trại cải tạo và bị xử bắn ngay sau khi bị phát hiện tại phi trường L19, Trảng Lớn.
Trong Năm tháng khó quên, gia đình Phong phải đối mặt với vấn đề vào Nam hay ở lại Hà Nội năm 1954. Bốn anh em cũng được hỏi ý kiến: muốn theo bố vào Nam hay ở lại Hà Nội với mẹ. Đến lượt Phong, chú bé đỏ mặt tía tai vì giận dữ: “Ông chẳng theo đứa nào hết!!!”. Theo lời kể của bà Thụy An, chính thầy Bùi Dương Chi đã nói câu đó trong phút tức giận của một chú bé đứng trước hoàn cảnh ly tan của gia đình!
Chân dung nhà văn Thụy An 
(trong cuốn "Nhà Văn hiện đại")
Tôi học hỏi rất nhiều điều từ bà Thụy An. Bà là một phụ nữ gầy còm, ốm yếu sau những năm dài cải tạo nhưng cũng từ dáng người mảnh khảnh đó tỏa ra một sức mạnh tinh thần đáng nể phục.
Trong thời gian cải tạo bà đã tự hủy hoại một con mắt để từ đó trở đi “chỉ nhìn đời bằng một con mắt”. Một hành động, theo tôi, là dũng cảm đối với một phụ nữ. Trên thế gian này chưa chắc có được một người đàn ông - chứ không nói gì một người phụ nữ - đủ can đảm, thừa nghị lực để tự chọc vào mắt mình!
Năm 1958, bà Thụy An đã từng nói: “Thế giới chỉ cần vài trăm người đàn ông đàn bà QUẢ CẢM. Thực hành QUẢ CẢM đó là những người dám tin vào CHÂN LÝ, dám diễn đạt CHÂN LÝ trong cuộc sống. Những người không run sợ trước CÁI CHẾT, hơn nữa còn chào mừng CÁI CHẾT…
Trong thời gian đầu khi bị giam giữ chờ ngày ra tòa, bà đã vượt qua mọi hình thức cân não, đấu tranh tư tưởng của cán bộ chấp pháp. Tuy nhiên, theo lời bà, sự căng thẳng duy nhất, khó vượt qua nhất, lại là tiếng giọt nước nhỏ đều đều suốt đêm từ robinet đâu đó vang đến phòng giam. Từng giọt… từng giọt… suốt đêm này qua đêm khác khiến thần kinh căng lên như giây đàn giữa đêm thanh vắng…

Truyện ngắn Thu Hương tôi đề cập đến trong Hồi ức một đời người (Chương 7: Thời Mở Lòng) cũng dựa theo một ý tưởng của bà Thụy An: con người có cái đầu, nói rõ hơn bộ não, là hoàn toàn của mình, không một sức mạnh nào, không một thế thế lực nào có thể xâm phạm vào quyền sở hữu riêng tư đó.
Đây là quan điểm chính trị của bà Thụy An nhưng trong truyện Thu Hương tôi kể lại cuộc tình của một người đàn ông có vợ nhưng vẫn ngoại tình, anh ta ‘kê cả một cái giường trong đầu để ân ái với người tình trong khi vẫn nằm bên vợ’. Một trường hợp đồng sàng dị mộng vẫn thường xảy ra trong cuộc sống tình cảm ngang trái của con người. Rất tiếc, bản thảo truyện Thu Hương nay đã thất lạc, không biết sau này tôi có đủ thời gian và kiên nhẫn để viết lại hay không.
Những ngày cuối đời, bà Thụy An sống cô đơn trong gian nhà nhỏ thuê gần đường Bùi Hữu Nghĩa, bên hông chợ Bà Chiểu, Sài Gòn. ‘Bạn vong niên’, theo lời bà vẫn thường nói đùa, chỉ có tôi năng lui tới.
Khi có quà của con cháu gửi từ nước ngoài về bà không quên chia xẻ với gia đình tôi: một cục xà bông Dial bà cắt làm đôi, phần tôi một nửa. Tuần sau bà lại cắt cho tôi một nửa phần còn lại, “Tôi chỉ cần ¼ cũng đủ rồi, anh đem nốt về cho các cháu dùng”.
Mang tiếng là kèm cho bà tiếng Anh nhưng thực ra công việc quan trọng nhất của tôi là chuyện trò với bà và dịch một số thơ của bà sang tiếng Anh. Đa số là trường ca lục bát kể lại những chuyện xưa như Thiếu phụ Nam Xương, Truyện trầu cau, Hòn vọng phu… Tôi đã bỏ ra rất nhiều công sức để dịch những trường ca của bà sang thơ bằng tiếng Anh.
Tôi làm công việc này với tất cả trân trọng của một người cảm thấy trách nhiệm của mình trước những tâm huyết bà dành cho người phụ nữ Việt Nam. Bản dịch được bà chuyển sang Mỹ, sang Pháp cho con cháu để hiểu rõ hơn về thân phận người phụ nữ Việt Nam, một đề tài mà trong những năm cuối đời bà theo đuổi.
Trong những năm tháng cuối cùng tại Sài Gòn, bà Thụy An có tham vọng dùng văn thơ để diễn tả những nghịch cảnh người phụ nữ Việt Nam phải đương đầu trong suốt chiều dài lịch sử. Thiếu phụ Nam Sương với nỗi oan khiên khi đêm đêm dùng cái bóng của mình trên vách để dỗ dành con trong lúc chồng đi chinh chiến. Đứa con ngây thơ không chịu nhận cha thật của nó khi chinh chiến trở về, thậm chí còn thẳng thừng từ chối “không, không cha tôi đến tối mới về…”. 
Trong Sự tích trầu cau, sự hiểu lầm của cặp song sinh Tân-Lang giống nhau như hai giọt nước đã khiến người vợ phải tuẫn tiết để minh oan cho những ngộ nhận giữa cả ba người. Cuối cùng thì họ đã biến thành lá trầu, cây cau và cục vôi để vĩnh viễn hòa quyện với nhau.
Hòn vọng phu, người ta tìm thấy tấm lòng chung thủy của người phụ nữ ôm con chờ chồng đi chinh chiến miền xa. Dù chờ cho đến hóa đá, một tình tiết mang tính cường điệu, nhưng vẫn biểu hiện tấm lòng của người phụ nữ trong cuộc sống bình thường. 
Suốt thời kỳ chiến tranh, người phụ nữ Việt Nam lại phải đương đầu với những tang tóc của chồng con trong cuộc chiến. Dù đó là bà mẹ miền Bắc hay miền Nam nhưng vẫn chung một niềm đau mất chồng, mất con…. Đến lúc hòa bình họ cũng vẫn chưa được hưởng những phút giây thanh thản khi chồng con phải ly tán trong trại học tập cải tạo. Hình như số phận của người phụ nữ Việt Nam lúc nào cũng hẩm hiu và bế tắc.   
Nữ văn sĩ Thuỵ An mất tại Sài Gòn năm 1989 khi chưa kịp sang Hoa Kỳ đoàn tụ cùng con cái. Đám tang của bà chỉ có vài người họ hàng thân thuộc và chòm xóm. Tôi nghĩ bà mất trong niềm hy vọng đoàn tụ là một đoạn kết có hậu (happy ending) vì nếu còn sống, niềm hy vọng đó sẽ mỏi mòn đối với một bà cụ sau khi đã cống hiến quãng đời 15 năm và một con mắt tại trại cải tạo Lý Bá Sơ ngoài miền Bắc. 
Hình như chúng ta vẫn nợ Một Lời Kết về bà Thụy An. Những người trong cuộc đã minh oan cho bà, vấn đề còn lại là trả lại danh dự cho một người đã khuất.
***
Trích Hồi ức một đời người, Chương 6: Thời Điêu Linh
Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:
  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ) 
Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!
***
6 Comments on Multiply
nguoigiaonline wrote on Oct 18, '10
Hay quá anh ạ, và muốn nói một điều chi về những gian truân mà bà hay cả dân tộc mình đang oằn mình chịu đựng... chỉ trong một từ "Cộng sản mà"!
may9teen wrote on Oct 18, '10
Ca'm o+n anh Chinh
tanivioleta1 wrote on Oct 18, '10
Thế giới chỉ cần vài trăm người đàn ông đàn bà QUẢ CẢM. Thực hành QUẢ CẢM đó là những người dám tin vào CHÂN LÝ, dám diễn đạt CHÂN LÝ trong cuộc sống. Những người không run sợ trước CÁI CHẾT, hơn nữa còn chào mừng CÁI CHẾT…
THẬT ĐÁNG KHÂM PHỤC.
nguyenngocchinh wrote on Feb 7, '11
Tôi nhận được email của thầy Bùi Dương Chi về bài viết NVGP trên mạng Da Mầu. Nguyên văn như sau:

Chính thân mến,
Cách đây mấy ngày, tôi vào mạng Da Mầu va thấy bài này và tên N-N-Chính. Tôi tự hỏi không biết ai lại trùng tên như vậy. Tôi không nghĩ là anh. Tôi không đọc truyện vì lúc đó đang bận cái vụ Bài Trắc Nghiệm (bây giờ cũng còn bận) nên chỉ ngó qua các tiêu đề!!!!
Bài rất hay. Có đoạn anh viết về NVGP, tôi thấy từa tựa như má tôi (anh chắc biết chuyện vì đã dậy AV má tôi và dịch giùm truyện).
Tôi cũng viết và hy vọng sẽ đưa lên Da Mau hoac Talawas. Bây giờ có nhiều Blogs đứng đắn, sẽ có nhiều cơ hội để tham gia. Tôi thấy anh và tôi có loại sinh hoạt rất lý thú nhất là khi bắt đầu vào tuổi nhàn hạ.
BDChi
kennytran wrote on Sep 23, '11
The gioi hen ha, de tien cua bon CSVN chi dang nhin bang mot con mat.
Giam giu, day doa mot tai nang 15 nam trong tu khong bang chung, roi sau do giet chet bang cach bao vay, co lap, tuyen truyen voi ca bo may nha nuoc voi mot nguoi dan ba co the con gi da man hon.
Thuy An la mot nha van nu voi mot nhan cach lon, toi luon kinh phuc, cam on NNC cho nhung tu lieu qui gia.
songhong wrote on Sep 25, '11
Anh thật có duyên đã được tiếp xúc và gần gủi nhiều nhân vật lịch sử của nước mình.