Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh
Tâm huyết với Đại Nam Thực lục
Trong lĩnh vực dịch thuật, dịch
các tài liệu lịch sử được coi là công việc gian nan nhất, không chỉ ở
ngôn ngữ mà còn trong công tác nghiên cứu văn bản, đối chiếu dữ kiện,
kiểm tra tư liệu… Là một trong những nhà nghiên cứu Hán Nôm hàng đầu ở
Việt Nam hiện nay, nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh (ảnh) đã
có nhiều đóng góp trong việc phiên dịch và giới thiệu các tài liệu lịch
sử Việt Nam viết bằng chữ Hán. Báo SGGP đã có dịp trò chuyện với ông để
tìm hiểu về các công trình phiên dịch tài liệu lịch sử mà ông đang thực
hiện.
°
PV: Được biết, ông đã hoàn tất việc phiên dịch bộ “Đại Nam Thực lục
chính biên đệ lục kỷ phụ biên”. Ông có thể cho biết vai trò của bộ sách
này trong việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam?
° Nhà nghiên cứu CAO TỰ THANH: Cho đến nay, các tác phẩm biên soạn về lịch sử Việt Nam trước thế kỷ XX được biết tới không nhiều. Các tác phẩm viết về lịch sử Việt Nam thời Nguyễn thế kỷ XIX - XX hiện còn lưu giữ được nhiều nhất, vì nhiều lý do cũng chưa được giới thiệu bao nhiêu.
Thậm chí, ngay bộ chính sử bằng chữ Hán mang tính hệ liệt quan trọng nhất của chính nhà nước phong kiến triều Nguyễn viết về thời Nguyễn là Đại Nam Thực lục cũng còn hai bộ chưa được phiên dịch và công bố, trong đó có Đại Nam Thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên viết về hai đời Thành Thái (1889 - 1907), Duy Tân (1907 - 1916). Việc dịch và giới thiệu phần còn lại của Đại Nam Thực lục do đó rất cần thiết cho việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam mà cụ thể là dưới thời Pháp thuộc.
° So với các bộ Đại Nam Thực lục khác, “Đại Nam Thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên” có gì khác biệt?
° Bộ sử này khởi thảo từ cuối năm 1922, được hoàn thành muộn nhất trong khoảng 1941 - 1942, chưa được khắc in, hiện chỉ thấy có một bản chép tay duy nhất được lưu giữ ở Thư viện Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Paris. Bản dịch của tôi tiến hành trên cơ sở văn bản này.
Trong 9 bộ Đại Nam Thực lục của triều Nguyễn thì Đại Nam Thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên tuy mang tên gọi “phụ biên” vẫn là một bộ sử độc lập. Về nội dung, bộ sử này ghi nhận các hiện tượng, lĩnh vực và quá trình xã hội chủ yếu trên địa bàn miền Trung và miền Bắc trong 28 năm từ 1889 đến 1916, trong đó nổi bật là sự giải thể quyền lực chính trị và hành chính của triều đình nhà Nguyễn bên cạnh các hoạt động của chính quyền thực dân nhằm áp đặt thiết chế thuộc địa để nô dịch và bóc lột nhân dân Việt Nam.
Trên phương diện sử liệu, tác phẩm này chứa đựng nhiều thông tin hay lạ có thể giúp những người đọc sách điều chỉnh nhận thức, giải tỏa thiên kiến trước nay về nhiều sự kiện và nhân vật lịch sử. Đáng chú ý là lập trường chính thống trong bộ sử này khác hẳn với các bộ Đại Nam Thực lục viết về các chúa Nguyễn đàng trong hay 4 đời Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức vì địa vị chính thống của triều Nguyễn ở đây được xác định trong một hoàn cảnh lịch sử khác hơn.
Bên cạnh đó, từ tiêu chuẩn ngôn ngữ sử học quan phương và quy phạm văn chương Việt Hán mà nhìn, Đại Nam Thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên có khác với nhiều bộ trước nó, chẳng hạn dùng chữ Nôm ghi âm những từ nước ngoài không phải tên riêng như cát tốt - cartouche (viên đạn), ky ninh - quinine (thuốc ký ninh), ky lô miệt (kilomètre), đôn - tonne (tấn), tiên - cent (xu). Nhiều bài sách văn tiến tôn, truy tôn… chữ Hán trong bộ này rất tầm thường, thậm chí còn sáo rỗng với một số điển cố, từ ngữ và cả câu cú trùng lặp. Nhưng điều này cũng dễ hiểu, vì từ cuối thế kỷ XIX trở đi, đông đảo người Việt Nam đã nhìn thấy một hệ công cụ văn tự khác có nhiều ưu thế hơn nơi chữ quốc ngữ la tinh.
° Sau bộ sử này, ông có tiếp tục dịch bộ sử nào khác không?
° Đại Nam Thực lục còn bộ cuối cùng là Đại Nam Thực lục chính biên đệ thất kỷ viết về lịch sử Việt Nam dưới đời Khải Định (1916 - 1925). Tôi đang cố gắng hoàn tất công việc này trong năm tới, cũng hy vọng được góp phần kết thúc việc phiên dịch Đại Nam Thực lục ở Việt Nam (7 bộ trước đã được Viện Sử học dịch và công bố lần đầu từ 1962 đến 1978)
TƯỜNG VY (thực hiện)
° Nhà nghiên cứu CAO TỰ THANH: Cho đến nay, các tác phẩm biên soạn về lịch sử Việt Nam trước thế kỷ XX được biết tới không nhiều. Các tác phẩm viết về lịch sử Việt Nam thời Nguyễn thế kỷ XIX - XX hiện còn lưu giữ được nhiều nhất, vì nhiều lý do cũng chưa được giới thiệu bao nhiêu.
Thậm chí, ngay bộ chính sử bằng chữ Hán mang tính hệ liệt quan trọng nhất của chính nhà nước phong kiến triều Nguyễn viết về thời Nguyễn là Đại Nam Thực lục cũng còn hai bộ chưa được phiên dịch và công bố, trong đó có Đại Nam Thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên viết về hai đời Thành Thái (1889 - 1907), Duy Tân (1907 - 1916). Việc dịch và giới thiệu phần còn lại của Đại Nam Thực lục do đó rất cần thiết cho việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam mà cụ thể là dưới thời Pháp thuộc.
° So với các bộ Đại Nam Thực lục khác, “Đại Nam Thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên” có gì khác biệt?
° Bộ sử này khởi thảo từ cuối năm 1922, được hoàn thành muộn nhất trong khoảng 1941 - 1942, chưa được khắc in, hiện chỉ thấy có một bản chép tay duy nhất được lưu giữ ở Thư viện Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Paris. Bản dịch của tôi tiến hành trên cơ sở văn bản này.
Trong 9 bộ Đại Nam Thực lục của triều Nguyễn thì Đại Nam Thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên tuy mang tên gọi “phụ biên” vẫn là một bộ sử độc lập. Về nội dung, bộ sử này ghi nhận các hiện tượng, lĩnh vực và quá trình xã hội chủ yếu trên địa bàn miền Trung và miền Bắc trong 28 năm từ 1889 đến 1916, trong đó nổi bật là sự giải thể quyền lực chính trị và hành chính của triều đình nhà Nguyễn bên cạnh các hoạt động của chính quyền thực dân nhằm áp đặt thiết chế thuộc địa để nô dịch và bóc lột nhân dân Việt Nam.
Trên phương diện sử liệu, tác phẩm này chứa đựng nhiều thông tin hay lạ có thể giúp những người đọc sách điều chỉnh nhận thức, giải tỏa thiên kiến trước nay về nhiều sự kiện và nhân vật lịch sử. Đáng chú ý là lập trường chính thống trong bộ sử này khác hẳn với các bộ Đại Nam Thực lục viết về các chúa Nguyễn đàng trong hay 4 đời Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức vì địa vị chính thống của triều Nguyễn ở đây được xác định trong một hoàn cảnh lịch sử khác hơn.
Bên cạnh đó, từ tiêu chuẩn ngôn ngữ sử học quan phương và quy phạm văn chương Việt Hán mà nhìn, Đại Nam Thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên có khác với nhiều bộ trước nó, chẳng hạn dùng chữ Nôm ghi âm những từ nước ngoài không phải tên riêng như cát tốt - cartouche (viên đạn), ky ninh - quinine (thuốc ký ninh), ky lô miệt (kilomètre), đôn - tonne (tấn), tiên - cent (xu). Nhiều bài sách văn tiến tôn, truy tôn… chữ Hán trong bộ này rất tầm thường, thậm chí còn sáo rỗng với một số điển cố, từ ngữ và cả câu cú trùng lặp. Nhưng điều này cũng dễ hiểu, vì từ cuối thế kỷ XIX trở đi, đông đảo người Việt Nam đã nhìn thấy một hệ công cụ văn tự khác có nhiều ưu thế hơn nơi chữ quốc ngữ la tinh.
° Sau bộ sử này, ông có tiếp tục dịch bộ sử nào khác không?
° Đại Nam Thực lục còn bộ cuối cùng là Đại Nam Thực lục chính biên đệ thất kỷ viết về lịch sử Việt Nam dưới đời Khải Định (1916 - 1925). Tôi đang cố gắng hoàn tất công việc này trong năm tới, cũng hy vọng được góp phần kết thúc việc phiên dịch Đại Nam Thực lục ở Việt Nam (7 bộ trước đã được Viện Sử học dịch và công bố lần đầu từ 1962 đến 1978)
TƯỜNG VY (thực hiện)