Tuesday, 28 February 2012

Tại sao ma giáo là gian xảo, xấu xa?




Từ ma giáo không có mặt trong các từ điển Thanh Nghị (1967), Lê Văn Đức (1970). Các từ điển hiện nay chỉ ghi một nghĩa của ma giáogian xảo, bịp bợm (Hoàng Phê, 2006:602), gian manh xảo trá (Nguyễn Như Ý, 1999:1080).
Từ ma giáo (viết thường) thật ra là Ma giáo (viết hoa) mà đông đảo người Việt biết đến nhờ các tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, được dịch và phổ biến ở miền Nam vào những năm 70. Nhiều nhân vật của Ma giáo bị Kim Dung mô tả như là những kẻ bất chính, đáng khinh. Dân mê truyện chưởng sau đó gọi những kẻ gian xảo, bịp bợm là bọn Ma giáo.
Ma giáo, thật ra là Ma-ni giáo, một tôn giáo xuất phát từ Ba Tư trên cơ sở hỗn dung các yếu tố của đạo Phật, đạo Thiên Chúa và đạo Pác-xi, không có liên quan gì đến ma quỷ cả. Tiếng Anh là manicheism/manichaeism, tiếng Pháp là manichéisme, tiếng Nga là манихеизм, tiếng Trung là   móníjiào ... đều có nghĩa là đạo của ông Ma-ni (216-276).
Từ Ma-ni giáo là phiên âm Hán Việt của   tiếng Trung, đã xuất hiện từ lâu trong tiếng Việt:
Đời Đường thế lực lan khắp ra các nước láng giềng, nên có giao-thông với các nước cũng nhiều, bởi thế mới truyền đến nhiều tông-giáo mới, như là: Yêu-giáo, Cảnh-giáo, Ma-ni giáo, Do Thái giáo. (Đông Châu, 1934, “Khảo về luân-lý học-sử nước Tàu, Nam Phong Tạp Chí, số 210, trang 337)

Sunday, 26 February 2012

Chữ Cồ trong quốc hiệu Đại Cồ Việt (Năng Lượng Mới số 34 ,7 - 7 - 2011).

Bạn đọc : Xin ông cho biết tại sao nước ta có thời kỳ đặt tên là Đại Cồ Việt và chữ Cồ có ý nghĩa gì? (Huỳnh Phương Ngọc).
An Chi : Chúng tôi đã năm lần nói về chữ “cồ” trong quốc hiệu “Đại Cồ Việt”. Lần đầu tiên là trên Kiến Thức Ngày Nay số 353 (1-6-2000), chúng tôi đã trả lời ngắn gọn rằng, ở đây, “cồ” không phải là một chữ Nôm nhưng vẫn còn cho rằng nó là âm xưa của chữ Hán 巨, mà âm Hán Việt hiện đại là “cự”, có nghĩa là to, lớn. Lần thứ hai là trên Kiến Thức Ngày Nay số 599 (1-4-2007), chúng tôi đã nhận xét về ý kiến của Kỳ Quảng Mưu 祁广谋 trong bài “Đại Cồ Việt quốc danh thích”, đăng trên Đông Nam Á tung hoành 东南並纵橫 năm 2000 (tr. 35-38), cho rằng cồ  là một chữ Hán, có nghĩa gốc là: 1. dáng nhìn sợ hãi; 2. kinh ngạc, lo sợ. Cách giảng trịch thượng, ngu xuẩn này hẳn làm hài lòng bọn bá quyền, bành trướng. Sau khi bác bỏ ý kiến của họ Kỳ, chúng tôi đã chứng minh rằng “cồ” là hình thức nói tắt của Cồ Đàm Ma, họ của Đức Phật Thích Ca, phiên âm từ tiếng Sanskrit Gautama. Vậy Đại Cồ Việt là nước Việt vĩ đại theo đạo Phật. Nhưng có một tác giả là Nguyễn Anh Huy đã chính thức bác chúng tôi và “thách” chúng tôi phải trả lời. Chúng tôi đã trả lởi chi tiết trên Đương Thời số 4-2009. Đó là lần thứ ba. Lần thứ tư là trên Đương Thời số 8-2009, chúng tôi đã bác ý kiến của tác giả Huỳnh Dõng cho rằngcồ  là một chữ Hán, có nghĩa là “núi non lởm chởm, hiểm trở, bao quanh bởi sông nước cuộn trào”. Lần thứ năm là trên An Ninh Thế Giới số 918 (16-12-2009), chúng tôi đã nhận xét và phản bác ý kiến của tác giả Tạ Chí Đại Trường cho rằng “quốc hiệu Đại Cồ Việt chẳng văn hoa tí nào”.
Lần này là lần thứ sáu. Vừa mới đây, chúng tôi có nhận được từ chuyên gia Hán Nôm trẻ Nguyễn Tuấn Cường đường liên kết trên Facebook để đọc bài “Về quốc hiệu đời nhà Đinh” của GS Nguyễn Tài Cẩn (www.ngonnguhoc.org/, ngày 31-5-2009). Trước khi trình bày rõ quan điểm của mình để trả lời bạn,
chúng tôi xin mạn phép phân tích kỹ điểm quan trọng nhất mà chúng tôi không thể đồng ý với Giáo Sư.
Điểm quan trọng đầu tiên mà chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với GS Nguyễn Tài Cẩn là ở chỗ ông cho rằng Cồ  Việt là “nước Việt hùng mạnh có thứ vũ khí gọi là cồ” (Giả thuyết I). Ngay từ đầu giả thuyết, GS Cẩn đã khẳng định một cách võ đoán rằng “giả thuyết này, nhìn chung, khá quen thuộc”. Nhưng rõ ràng là nó mới được tung ra cho nên gần cuối đoạn thì chính ông Cẩn đã phải nói rõ rằng đây một cách hiểu thứ ba do Nguyễn Anh Huy mới đề xuất thêm. Thế là ông đã bất nhất ngay từ đầu. Ông Cẩn đề nghị dành ưu tiên cho cách hiểu “mới mẻ này” vì ba lý do, mà lý do đầu tiên là: “Nó hợp với thời đại : theo Nam Hải dị nhân, Đinh Bộ Lĩnh có gươm, vậy thời đại nõ thần đã chuyển sang thời đại gươm giáo.”
Đó là lý do đầu tiên của GS Nguyễn Tài Cẩn. Nó bộc lộ sự ngây thơ của một người già dặn. Ông cho rằng cách hiểu thứ ba do Nguyễn Anh Huy đề xuất thêm mới hợp với thời đại vì lý do: Đinh Bộ Lĩnh có gươm nên “thời đại nõ thần đã chuyển sang thời đại gươm giáo”. Xin thưa rằng trong Nam Hải dị nhânthì Phan Kế Bính cũng chỉ chép theo truyền thuyết, mà cứ vào truyền thuyết, vận dụng theo  “lý thuyết Nguyễn Tài Cẩn” thì Đinh Tiên Hoàng cũng đã bị Thánh Gióng bỏ xa từ hàng ngàn năm trước với roi sắt, ngựa sắt và áo giáp sắt rồi. Cho nên nếu nói về “thời đại” thì Đinh Tiên Hoàng đã đi thụt lùi, chứ “chuyển thời đại” thế nào được! Huống chi, liên quan đền đời tư của  Vua Đinh từ tấm bé cho đến khi lên ngôi hoàng đế, người ta được biết rất nhiều chuyện nhưng, tiếc thay, chẳng có ai từng nghe nói một lần, một lời, đến cái thứ giáo gọi là “cồ”, làm nên quốc hiệu Đại Cồ Việt của ông vua này cả. Giáo, mác, cung, tên, đao, thương, việt, thuẫn, mâu, v.v., nói chung, thanh long đao của Quan Công, bát xà mâu của Trương Phi, v.v. nói riêng, người ta đều có thể từng nghe nói đến; thậm chí thanh gươm Damoclès tít bên Tây cũng có người Việt biết đến, riêng cái cây “cồ” làm nên quốc hiệu Đại Cồ Việt thì chẳng ai bao giờ nghe nói tới mảy may cho đến khi ông Nguyễn Anh Huy moi nó ra từ từ điển. Nói cho công bằng, không phải trước ông, chẳng ai biết đến cái nghĩa “vũ khí” của chữ cồ ; chỉ là người ta thấy nó không xài được ở đây mà thôi.
Tóm lại, với chúng tôi, mặc dù có cả sự tăng cường về lý luận của GS Nguyễn Tài Cẩn, thuyết “cồ = vũ khí” của tác giả Nguyễn Anh Huy vẫn không thể dùng được. Tại những nguồn thư tịch đã nói, chúng tôi đã phân tích và chứng minh rằng Đại Cồ Việt là một kiểu đặt tên toàn Hán, mà Cồ Việt là một danh ngữ có cấu trúc cú pháp giống như Âu ViệtLạc ViệtDương ViệtĐiền ViệtMân Việt, v.v., trong đó Cồ,ÂuLạcDươngĐiềnMân là định ngữ của ViệtCồ là hình thức nói tắt lần thứ hai của Cồ Đàm Ma, mà hình thức nói tắt lần đầu là Cồ Đàm, họ của Đức Phật Thích Ca, phiên âm từ tiếng SanskritGautama. Vậy Cồ Việt là “nước Việt lấy đạo Phật làm quốc giáo”. Và Đại Cồ Việt là “nước Việt vĩ đại lấy đạo Phật làm quốc giáo”. Quốc hiệu này cho thấy sự sáng suốt của Vua Đinh từ đối nội đến đối ngoại. Về đối nội, sử gia Đào Duy Anh cho biết:
“Đinh Bộ Lĩnh chỉ có thể dựa vào tập đoàn phong kiến tôn giáo là thành phần xã hội có uy tín nhất trong xã hội bấy giờ để duy trì trật tự và kỷ cương. Nhưng trong hai tôn giáo, Phật và Đạo, đều thịnh hành trong dân gian, thì Phật giáo có tổ chức và qui củ vững vàng hơn, có kinh điển và lễ nghi nghiêm trang hơn, chứ Đạo giáo thì chỉ là một mớ phương thuật và mê tín. Về tổ chức cũng như về tinh thần, Phật giáo là yếu tố thống nhất đắc lực nhất thời bấy giờ. Bởi thế Đinh Tiên Hoàng mới lấy Phật giáo làm quốc giáo, định phẩm cấp tăng nhân để giao cho họ lãnh đạo Phật giáo trong toàn quốc (AC nhấn mạnh). Khuông Việt đại sư tham gia triều chính như một vị tể tướng. Các chùa (tự viện) của Nhà nước do các tăng quan trụ trì đều được cấp ruộng làm tự điền. Các tự viện có những đại điền trang không kém gì đại điền trang của bọn vương công đại thần.” (Lịch sử Việt Nam, q. thượng, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1958, tr.175).
 Chủ trương của Đinh Tiên Hoàng về đối nội như thế thật là cực kỳ sáng suốt. Về đối ngoại, ông cũng tinh tế không kém. Ta nên nhớ rằng đồng thời với nước Đại Cồ Việt thì, nằm dọc theo bờ biển phía nam Trung Quốc thời Ngũ đại Thập quốc (bên Tàu), là nước Nam Hán, tồn tại từ 917 đến 971. Trong năm đầu tiên, Nam Hán được đặt tên là Đại Việt. Đến năm 968, khi quốc hiệu Đại Cồ Việt ra đời thì Nam Hán đã tồn tại được 49 năm còn tên cũ của nó là Đại Việt thì đã bị bỏ từ 48 năm rồi. Nhưng Đinh Tiên Hoàng là một vị vua nhìn xa trông rộng. Ông đâu có quên chuyện quân Nam Hán sang xâm lược nước ta hồi 937 (mà bị Ngô Quyền đánh cho tơi bời trên sông Bạch Đằng). Dã tâm xâm lược của chúng có bao giờ nguội tan. Cho nên nếu Đinh Tiên Hoàng đặt tên nước là “Đại Việt” thì chẳng hoá ra ông mời chúng sang “đòi lại đất cũ của Nam Hán” hay sao? Sự gian manh của bọn này thì ta còn lạ gì (nhất là nếu ta liên hệ tới tình hình Biển Đông hiện nay)! Vì thế nên phải có một định ngữ trước từ Việt của ta để phân biệt với “Việt” cũ của Nam Hán. Đó là chữ Cồ, họ của Đức Phật Thích Ca. Vậy Cồ Việt là nước lấy đạo Phật làm quốc giáo. Đây cũng là một sự thật lịch sử. Đến 1054, khi Lý Thánh Tông đổi Đại Cồ Việt thành Đại Việt thì Nam Hán, tức Đại Việt cũ bên Tàu, đã bị tiêu diệt được 83 năm. Cái nguy cơ làm cho Đinh Tiên Hoàng phải dè chừng, từ lâu đã không còn nữa. Cái thế của nước ta đã khác. Ta nên nhớ rằng năm 1075, Lý Thường Kiệt còn đem quân sang đánh Tống nữa kia mà. Huống chi, tuy đạo Phật vẫn được tôn sùng nhưng bây giờ Nho giáo đã bắt rễ khá sâu trong xã hội Việt Nam, nhất là từ khi Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long (1010). Chữ Cồ đã xong nhiệm vụ từ đối nội (trong nước, Nho giáo bắt đầu thịnh) đến đối ngoại (không còn sợ họa “đòi đất” vì hai chữ “Đại Việt”).
Hai năm sau khi chúng tôi đưa ra ý kiến trên Kiến Thức Ngày Nay số 599, ý kiến này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của chuyên gia Hán Nôm trẻ Trần Trọng Dương trong một bài viết rất chặt chẽ và đầy ắp cứ liệu, nhan đề “Khảo về «Đại Cồ Việt» (Nước Việt - nước Phật giáo)”, đăng trên Tạp chí Hán Nôm, số 2(93) – 2009 (tr.53-75). Chúng tôi tin tưởng vững chắc rằng đây là một cái hướng thực sự đúng đắn cho những ai muốn đi tìm ý nghĩa đích thực của quốc hiệu Đại Cồ Việt.
Thế là chữ Cồ trong Đại Cồ Việt đã hoàn thành sứ mệnh của nó một cách vẻ vang. Nó đã có mặt trong quốc hiệu 86 năm (968-1054), từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thánh Tông, với tư cách là một yếu tố biểu hiện thể chế tôn giáo của nước nhà: nước Việt lấy Phật giáo làm quốc giáo.

Thursday, 23 February 2012

Cái “gia gia” chẳng là… cái gì cả! _ An Chi (Đương Thời số 2-2009)

Nguyên bản ở Facebook:
Hai câu 5 và 6 trong bài "Qua Đèo Ngang" của Bà Huyện Thanh Quan vẫn được các nhà nghiên cứu và các nhà biên soạn có uy tín ghi là:
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Nhưng gần đây ở trên mạng, có nhiều trang lại ghi chữ thứ sáu và chữ thứ bảy của câu 6 thành “da da”. Vì vậy nên đã phát sinh vấn đề: phải viết hai chữ này với d- (“da da”) hay gi- (“gia gia”) thì mới đúng?
Xin khẳng định ngay một cách dứt khoát rằng nếu viết với gi- thành “gia gia” thì “cái gia gia” sẽ là một cấu trúc hoàn toàn vô nghĩa. Các nhà có uy tín kia đã không biết, hoặc ít nhất cũng không để ý, rằng ba tiếng cuối của câu 5 (con X X) và ba tiếng cuối của câu 6 (cái Y Y) trong bài thơ tạo thành hai ngữ danh từ chỉ hai giống chim chứ hai tiếng cuối của mỗi câu (mà họ viết thành “quốc quốc” và “gia gia”) tuyệt đối không phải là những từ tượng thanh (onomatopoeia). Ở đây Bà Huyện nói về hai giống chim, như ai nấy đều có thể biết một cách hoàn toàn dễ dàng và tự nhiên: con trong câu 5 thì đau lòng vì nhớ nước còn con trong câu 6 thì mỏi miệng vì thương nhà. Vậy thì con trong câu 6 là con gì? Thưa đó là  con đa đa và chính vì đây là con đa đa nên chúng tôi xin trả lời rằng nếu bất đắc dĩ phải chọn lựa giữa “gia gia” và “da da” thì chúng tôi sẽ chọn cách viết thứ hai vì những lý do sau đây:
Ngữ âm học lịch sử đã cho phép khẳng định rằng trong một số trường hợp nhất định thì Đ [d] và D[z] từng có chung một nguồn gốc (Xin x., chẳng hạn, Nguyễn Tài Cẩn, Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt, Nxb Giáo dục, 1995, tr. 63; hoặc Lê Văn Quán, Nghiên cứu về chữ Nôm, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1987, tr.105). Chính vì thế nên cho đến hiện nay, ta vẫn còn thấy được những lưu tích về mối tương ứng “ Đ ~ D ” giữa phương ngữ miền Bắc với phương ngữ miền Nam hoặc giữa phương ngữ Bắc Trung bộ với ngôn ngữ toàn dân. Cái đĩa ở miền Bắc là cái dĩa ở trong Nam; còn cây da ở trong Nam thì miền Bắc lại  gọi là cây đa. Đặc biệt, cái bánh đa ở ngoài Bắc đã từng được gọi là bánh da ở trong Nam (còn bây giờ đã được thay bằng “bánh tráng”). Bằng chứng sớm nhất mà ta có thể có được về cách gọi này ở trong Nam là mục từ “bánh da” trong Dictionarium Anamitico Latinum (1772-1773) của Pierre Pigneaux de Béhaine, rồi sau đó là mục từ cùng tên, trong quyển từ điển cũng cùng tên (1838) của J.L. Taberd. Nhưng có lẽ lại càng đầy tính thuyết phục hơn nữa là cho đến 1895, Huình- Tịnh Paulus Của vẫn còn giảng trong Đại Nam quấc âm tự vị, tome I: “ Bánh da : Bánh tráng.”
Trở lên là nói về mối quan hệ “ Đ (Bắc) ~ D (Nam)”. Còn về quan hệ giữa Đ của Bắc Trung bộ với D của tiếng Việt toàn dân thì ta cũng có thể tìm thấy trong Phương ngữ Bình Trị Thiên của Võ Xuân Trang (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997) rất nhiều dẫn chứng: - đa đẻ ~ da dẻ, - (màu) đà ~ (màu) dà, - đạ đày ~ dạ dày, - đám ~ dám (trong dám nghĩ dám làm), - đao ~ (con) dao, - đày ~ dày (trong dày mỏng),v.v..
Trở lại với mối tương ứng “ Đ (Bắc) ~ D (Nam)”, ta đã có “ đa (Bắc) ~ da (Nam)” đến hai lần, một lần với tên của một giống thực vật, một lần với tên của một loại thực phẩm. Nguồn gốc chung của hai cách phát âm này đã tồn tại trong Từ điển Việt – Bồ – La (Roma, 1651) của Alexandre de Rhodes. Trong quyển từ điển lấy tiếng Đàng Ngoài làm nền tảng này,  cả da trong da thịt lẫn đa trong cây đa (của miền Bắc) đều được ghi là dea. Vậy nếu mượn cách ghi của A. de Rhodes làm ký hiệu, ta có thể nói rằng trước 1651 thì, đối với những từ đang xét, tiền thân của Đ và D đều là DE. Chính vì mối quan hệ này giữa Đ và D nên chúng tôi mới chủ trương viết da da (chứ không phải “gia gia”) để ghi tên con đa đa, nếu bất đắc dĩ phải lựa chọn. Nhưng với chúng tôi thì chữ của Bà Huyện Thanh Quan cũng không phải “da da” mà hẳn hoi là đa đa. Và hai câu thơ đang xét trong bài "Qua Đèo Ngang" là:
Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc
Thương nhà mỏi miệng cái đa đa.
Chúng tôi chủ trương như trên  còn bà Nguyễn Thị Chân Quỳnh thì không tán thành nên đã viết trênHồn Việt 18 (12-2008) như sau:
“Tôi không đồng ý vì tuy bà (Huyện Thanh Quan- AC) người miền Bắc nhưng chắc gì bà biết hết tên các loài chim để mà đổi “da da” thành “đa đa”, theo phát âm của người miền Bắc? Bà đi qua Đèo Ngang nghe tiếng chim hót thì hỏi dân địa phương, người ta bảo là “da da” thì bà gọi theo là “da da” chứ bà không biết quốc ngữ cũng không học ngôn ngữ học nên không thể biết “d” và “đ” cùng một gốc. Mặt khác,  bà thành thạo làm thơ thất ngôn bát cú có đối chọi nên có thể đã “chơi chữ” với cách phát âm tên hai loài chim, “quốc” hay “cuốc”, “da” hay “gia” bà không phân biệt được.” (tr.61).
Xin trân trọng thưa lại với bà Chân Quỳnh như sau. Xưa nay, khắp nước Việt Nam, không có địa phương nào gọi con đa đa, còn có tên là gà gô, bằng cái tên “da da” cả. Từ điển Việt- Bồ- La (1651) của A. de Rhodes lấy tiếng miền Bắc làm nền tảng, Dictionarium Anamitico Latinum (1772-1773) của Pierre Pigneaux de Béhaine lấy tiếng miền Nam làm nền tảng, rồi phương ngữ Bắc Trung Bộ là nơi còn lưu giữ nhiều yếu tố cổ xưa, đều ghi hoặc gọi là đa đa. Tiếng Nguồn ở Quảng Bình, một ngôn ngữ cùng gốc (Việt-Mường) với tiếng Việt (Kinh), cũng gọi giống chim này là đa đa. Đây là một bằng chứng chắc chắn để phủ nhận hai tiếng/chữ “da da”. Đó là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai là ai cũng biết, tuy về hình thức, "Qua Đèo Ngang" có những câu thơ tả cảnh nhưng thực chất đây là một bài thơ trữ tình. Làm thơ trữ tình thì “rút gan rút ruột” ra mà làm chứ còn đợi đi hỏi ai. Điểm thứ ba là, không riêng gì Bà Huyện, mà cả ông bà ta ngày xưa nữa, tuy không biết chữ quốc ngữ, cũng không học “ngôn ngữ học”, nhưng vẫn có cách để phân biệt d- với gi-d- với r-ch- với tr-,v.v., trong khi sáng tạo chữ Nôm. Đó là ngôn ngữ học “tự nhiên nhi nhiên”của họ đấy! Điểm thứ tư là con cuốc cuốc và cái đa đa, theo cách hiểu và cách ghi của chúng tôi, cũng rất “đối chọi” theo đúng luật thơ Đường chứ đâu phải là không. Đối nhau chan chát ấy đi chứ! Và cuối cùng là tuy Bà Huyện có quyền “chơi chữ” nhưng bà không được quyền bóp méo từ ngữ: cái đa đa là cái đa đa, chứ dứt khoát không thể thành “cái da da”, càng không thể là “cái gia gia”.
Tiếp theo ý kiến của bà Nguyễn Thị Chân Quỳnh, trên Hồn Việt 19 (01-2009), ta lại thấy xuất hiện ý kiến của ông Nguyễn Quảng Tuân với lời dẫn của ban biên tập: “Học giả An Chi (…) bằng vốn kiến thức ngữ học uyên bác của mình, đã bàn về gia gia - quốc quốc. Nhưng đây không phải là chuyện ngữ âm học lịch sử thuần tuý, mà là thơ, lại là thơ luật Đường… nên học giả Nguyễn Quảng Tuân đưa ra một cách tiếp cận khác.” Vậy đâu là “cách tiếp cận khác” của ông Nguyễn Quảng Tuân? Ông chẳng đưa ra cách tiếp cận nào khác của riêng mình cả. Ông chỉ dẫn ra ý kiến của Nguyễn Văn Ngọc trong Nam thi hợp tuyển và của Lý Văn Hùng trong Việt Nam văn chương trích diễm (Sài Gòn, 1961) rồi kết luận: “Chúng tôi nhận thấy, như mọi người từ trước đến nay, kể cả các vị có uy tín, đều cho rằng “quốc quốc” và “gia gia” chỉ là một cách chơi chữ thôi nên hai câu luận trong bài "Qua Đèo Ngang" tức cảnh của Bà Huyện Thanh Quan nên chép là:
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
cho thích hợp với ý văn và phép đối trong câu thơ thất ngôn bát cú.”
Trở lên là “cách tiếp cận khác” của ông Nguyễn Quảng Tuân còn dưới đây là nhận xét của chúng tôi, trước nhất là về phần ông trích dẫn Lý Văn Hùng, đặc biệt là về lời dịch của họ Lý đối với hai câu thơ đang xét. Hai câu này đã được Lý Văn Hùng dịch thành:
Ưu quốc thương hoài hô quốc quốc
Ái gia quyện khẩu khiếu gia gia.
Dụng ý của ông Nguyễn Quảng Tuân là dựa vào mấy tiếng “gia gia” của họ Lý để củng cố cho cách chép mà ông đưa ra trong phần kết luận. Nhưng ông đã nhầm. Hai cấu trúc con quốc quốc và cái gia gia (Xin cứ tạm chép như thế) trong lời thơ của Bà Huyện là những ngữ danh từ, trong đó quốc quốcvà gia gia là danh từ (vì là tên của hai giống chim), còn hai cấu trúc hô quốc quốc và khiếu gia gia trong lời dịch của Lý Văn Hùng là những ngữ vị từ, trong đó quốc quốc và gia gia là từ tượng thanh. Hai bên đã khác nhau một trời một vực như thế mà ông lại muốn lấy hai tiếng tượng thanh gia gia để chứng minh cho sự đúng đắn(?) của danh từ “gia gia” trong câu thơ tiếng Việt sao được? Việc ông Nguyễn Quảng Tuân trích dẫn Lý Văn Hùng ở đây là một việc làm không thích hợp vì hoàn toàn không có tác dụng “làm chứng” cho hai tiếng “gia gia” (tiếng Việt) mà ông chủ trương.
Còn việc trích dẫn Nguyễn Văn Ngọc thì sao? Cũng chẳng có giá trị gì hơn vì tác giả này cũng chỉ diễn giảng trên cơ sở của hai tiếng “gia gia” là hai tiếng mà chính chúng tôi đang phản bác. Chỉ khi nào Nguyễn Văn Ngọc chứng minh được rằng “gia gia” là một cái tên có thật của một giống chim và là một hình thức chính tả chuẩn dùng để ghi cái tên đó thì chừng đó những lời diễn giảng của ông may ra mới có giá trị. Xin nói cho rõ thêm một chút nữa như sau. Chỉ khi nào chỉ với hình thức chính tả “gia gia” mà tác giả vừa chỉ được giống chim cần nói đến, lại vừa chỉ được khái niệm “nhà cửa”, “gia đình” thì chừng đó ta mới thực sự có hiện tượng chơi chữ. Đằng này… người ta phải bóp méo từ ngữ để cho có thể có được một cái âm với một cách ghi gợi lên cái ý “nhà” thì chơi chữ là chơi… như thế nào? Cách ghi méo mó này không có bất cứ lý do ngữ học và văn cảnh nào để tồn tại cả.Chẳng qua vì nó đã lưu hành ngót nghét hằng thế kỷ nên nhiều người mới không đành lòng gạt bỏ đó mà thôi. Nhưng cũng có người không cần biết đến nó mà cứ ghi thẳng hai chữ đa đa vào câu thơ của Bà Huyện, chẳng hạn GS Đỗ Quang Vinh trên www.khoahoc.net (ngày 26.4.2007). Các nhà có uy tín kia đã bị cái thế đối “quốc quốc _ gia gia” mơn trớn và ru ngủ nên cũng chẳng cần biết rằng từ vựng tiếng Việt không hề có danh từ “gia gia” với tính cách là tên của một giống chim mà hệ động vật của Việt Nam cũng chẳng có giống chim nào tên là “gia gia”.Tóm lại,ta tuyệt đối không thể có “ý văn” hay nếu nó được diễn giảng từ những từ ngữ bị bóp méo.Chơi chữ mà lại bóp méo từ ngữ thì còn chơi cái gì?
Cuối cùng xin nói cho rõ ràng rằng chúng tôi đã không hề bàn đến hai tiếng đa đa (da da, gia gia) với tính cách là một hiện tượng ngữ âm lịch sử thuần tuý. Ở đây, ngữ âm học lịch sử chỉ là một phương tiện. Nên nhớ rằng văn học có một mối quan hệ khăng khít với ngữ học. Điều này, các chuyên gia đã nói đến từ lâu.

Wednesday, 22 February 2012

Làm reo là làm sao?


Làm reo vốn nghĩa là bãi công. Bãi công là từ Hán Việt có mặt trong tiếng Việt từ đầu thế kỷ 20 (Khội Khai Trí Tiến Đức, 1931:25). Làm reo là từ mượn của tiếng Pháp cùng thời đó (faire [la] grève).
* Cu-ly sở cao-su Michelin làm reo. (Nam Phong Tạp Chí số 179, 1932:651)
Từ grève trong tiếng Pháp chỉ cái bãi cát bên sông. Bên bờ sông Seine thời xưa có một bãi cát thoai thoải rất thuận tiện cho việc bốc dỡ hàng hóa; thợ thuyền thất nghiệp hay rủ nhau ra chỗ đó kiếm việc; chủ cần thợ cũng ra đó kiếm người. Cái chợ cơ bắp đó vì vậy mà có tên là Place de Grève. Đầu thế kỷ 19 Place de Grève thành nơi tụ tập của công nhân khi họ bãi công chống áp bức bóc lột. Từ đó faire [la] grève trong tiếng Pháp có nghĩa là bãi công. Quảng trường này được đổi tên từ năm 1830 thành Place de l’Hôtel de Ville và công nhân có thể bãi công ở nhiều nơi khác nhưng faire [la] grève vẫn cứ có nghĩa là bãi công.
Faire là grève ngay khi vào tiếng Việt thành làm reo đã không có được sắc thái trang trọng của bãi công. Làm reobãi công đã đành nhưng phải có reo hò ầm ĩ nữa. Ở đây reo gốc Pháp vô tình trùng âm với reo của reo hò:
* Hồi chiều này, khi tới sông Mã Đà, dân công họ làm reo om sòm, như là một cuộc biểu tình thị uy. (Kim Nhật, 1971 :551)
* Lại mấy con muỗi đã khéo chui vào màn lúc nào, cứ “làm reo” bên cạnh tai để quấy rối cuộc trị an. (Nguyễn Công Hoan, 2005:299)
Nói dân công làm reo thì hiểu được chứ muỗi mà cũng làm reo là làm sao?

Monday, 20 February 2012

Nghi vấn về chữ dùng để gọi bà Âu Cơ và bà Triệu Ẩu _ An Chi (Đã đăng trên An Ninh Thế Giới).

Các nguồn sử liệu bằng Hán văn được biết đều ghi từ “âu” trong Âu Cơ bằng chữ , đặc biệt là trongĐại Việt sử ký toàn thư, Nội các quan bản, khắc in năm Chính Hoà thứ 18 (1697). Chữ này cũng được dùng để ghi từ “ẩu” trong Triệu Ẩu, người nữ anh hùng của nước ta hồi đầu thế kỷ thứ III. Vậy âm của nó là “âu” hay “ẩu”, hay là nó có cả hai âm? Đúng là nó có hai âm; nhưng đó là “ấu” và “ẩu”, chứ “âu” thì không.
Chữ  không có âm “âu”. Chúng tôi đã tra cứu ở nhiều quyển từ điển: Khang HyTừ nguyênTừ hải,Vương Vân Ngũ đại từ điểnHán ngữ đại tự điển, v.v., thì thấy một điểm chung rất quan trọng là không một quyển nào ghi nhận âm “âu” cho chữ . Hán ngữ đại tự điển của Hán ngữ đại tự điển Biên tập uỷ viên hội (Thành Đô  Hồ Bắc, 1993) đã ghi cho chữ này hai âm sau đây (không kể âm “khâu” chỉ tên người ở Trung Quốc):
1. ú (y ngụ thiết 衣遇切), với hai nghĩa: “mẹ” và “tiếng thường dùng để chỉ phụ nữ”;
2. ủ ( uỷ vũ thiết 委羽), với nghĩa “(chim) ấp trứng”;
Với âm “ú” và cái nghĩa “mẹ” của âm này, ta có điệp thức (doublet) ngoài thư tịch (thường gọi là Hán Việt Việt hoá) là  “u” mà, ở một số địa phương trên Miền Bắc hiện nay, người ta vẫn còn dùng theo nghĩa “mẹ”. Về sự tương ứng giữa thanh 5 (dấu sắc) của “ú” với thanh 1 (không dấu) của “u”, ta có hàng loạt trường hợp tương tự để chứng minh:
–      cấm 噤 ( trong cấm khẩu) ~ câm (trong câm điếc);
–      đái 帶 đọc thành đai (trong cân đai);
–      đối 對 (= đáp lại; thành đôi) ~ đôi (trong đôi co, đôi bạn);
–      đống 凍 (cực lạnh; đặc lại thành khối) ~ đông (trong đông lạnh); 
–      kế 計 cũng đọc thành  (trong kê khai);
–      khốn 困 trong khốn khổ, xưa thường đọc thành khôn  ( trong khôn nguôi, chẳng hạn); v. v..
Vậy không có gì lạ nếu “ú” 嫗 có biến thể ngữ âm là “u”. Ngoài ra, với nghĩa “tiếng thường dùng để chỉ phụ nữ”, chính “u” cũng còn có một biến thể ngữ âm, nghĩa là một điệp thức nữa là “o” (dĩ nhiên cũng là phi thư tịch)  , với cả nghĩa “nàng” (cô gái) lẫn nghĩa “chị hoặc em gái của cha”.
Với âm “” và nghĩa phái sinh tự nhiên từ nghĩa “ấp”, ta có từ “ủ” đang sống một cách bình thường trong tiếng Việt toàn dân hiện đại: ấp ủ, ủ ấm, ủ bệnh, ủ men, ủ mốc, ủ phân, ủ rượu, v. v..
Vậy “ú” và “ủ” là hai âm Hán Việt chính thống của chữ , một chữ thuộc thuộc vận bộ “ngụ” (thường đọc là “ngộ”). Điều đặc biệt cần nói là, trong phạm vi của vận bộ này, một số chữ đã chuyển sang vần -âu,  như “cú”  cũng đọc “cấu” và “câu”, “chu” ,  cũng đọc “châu”, “cu”  nay đã đọc thành “câu”(trong “bạch câu quá khích”), v. v.. Vậy chẳng có gì lạ nếu “” đã chuyển thành “ẩu”. Nhưng tất cả chỉ có thế chứ ta không thể tìm được một dấu hiệu nhỏ nhoi nào chứng tỏ rằng chữ  lại có thể đọc thành “âu”. Xin nhớ rằng đây là trường hợp của âm trong thư tịch, chứ không phải ngoài thư tịch, như “u” (mẹ) và “ o”(nàng, cô).Vậy tên của Mẹ Tiên phải là Ấu Cơ còn hai tiếng dùng để gọi Bà Triệu thì phải là Triệu Ấu. Âm “ẩu” < “” (= phủ cho ấm; ấp cho (trứng) nở) hoàn toàn không có liên quan gì đến cái nghĩa đang bàn ở đây. Còn “âu” – chúng tôi xin nhắc lại – là một âm mà chữ không hề có.
 Vậy cái sai trên đây do đâu mà ra? Chúng tôi cho là có thể nó đã bắt đầu với quyển Việt-nam sử-lược của Lệ Thần Trần Trọng Kim, xuất bản lần đầu tiên năm 1921. Đây là một quyển sử có ảnh hưởng sâu rộng đối với nhiều thế hệ người Việt Nam và trong nửa đầu của thế kỷ XX thì nó gần như là một quyển sách độc tôn về lịch sử tương đối đầy đủ và có hệ thống của đất nước và dân tộc, viết bằng chữ quốc ngữ. Tại tr.23 của bản do Nxb Tân Việt - Hanoi, in và phát hành tại Saigon năm 1949, Trần Trọng Kim viết:“ Lạc-long-quân lấy con gái vua Đế-Lai tên là Âu-Cơ, đẻ một lần được một trăm người con trai.” Rồi tại tr.52, ông viết:“ Năm ấy ở quận Cửu-chân có người đàn bà tên là Triệu-Ẩu khởi binh đánh nhà Ngô.” Cũng là chữ 嫗 mà ở tr.23, ông đọc thành “âu”, rồi ở tr.52, ông lại đọc thành “ẩu”! Cách đọc dĩ nhiên là của Trần Trọng Kim nhưng những nguồn thư tịch mà ông lấy làm căn cứ để đọc thì lại là sách xưa, trong đó có cả “Đại Việt sử ký toàn thư”, như chính ông đã ghi ở phần “Những sách dùng để kê-cứu”. Trong lời Tựa, chính Trần Trọng Kim đã viết: “Những sách mà soạn giả đã dùng để kê-cứu sẽ kể riêng ra ở chỗ khác để độc-giả có nghi hoặc điều gì, thì có thể tìm những sách ấy mà tra soát lại.” (Sđd, tr.VI, chth.1). Tra soát Đại Việt sử ký toàn thư, chẳng hạn, thì thấy tên của cả Mẹ Tiên lẫn Bà Triệu đều được ghi bằng chữ .Vậy không biết vì lý do gì mà ở trường hợp trước, ông đọc thành Âu, rồi ở trường hợp sau, ông lại đọc thành Ẩu mà cả hai trường hợp đều không đúng với phiên thiết trong thư tịch. Tên của các bậc tiền nhân, dù là trong truyền thuyết hay đã thuộc về lịch sử thành văn, cũng đều phải được đọc theo đúng âm chuẩn đã được ghi thành chữ rõ ràng và cố định trong thư tịch, chứ không thể có chuyện cùng một chữ và một khái niệm mà lại đọc theo hai âm khác nhau. Có thể có người sẽ phản biện rằng đây là hai chữ khác nhau: đối với Triệu Trinh Nương thì đây có thể là chữ Ấu 嫗 (= chỉ phụ nữ) chứ đối với bà Âu Cơ thì đây chỉ là một chữ dùng để phiên âm nên chắc gì cũng là tiếng dùng để chỉ phụ nữ. Chúng tôi cũng biết như thế lắm chứ. Nhưng nghĩa chính xác của nó ở đây là gì thì xin mạn phép nhường phần cho các nhà chuyên môn. Chỉ xin các vị vui lòng đọc nó là “Ấu” chứ đừng đọc thành “Âu”. 

Sunday, 19 February 2012

Úp là làm gì?



Úp là cách người Việt phát âm từ up của tiếng Anh (nước bảy úp là nước giải khát có ga Seven Up) và dùng với nghĩa là lên (Đi học nước ngoài vài năm về là úp). Người sử dụng Internet hay dùng úp / úp lốt (upload) với nghĩa là tải một tập tin lên mạng: úp lại (to re-upload).
Mượn úp được thì mượn đao được: đao / đao lốt phim (to download a movie), linh đao / đao lốt (download link)...

Friday, 17 February 2012

Hạt me thi là hạt gì?


Hạt me thi là hạt cỏ cà ri. Hạt cỏ cà ri gần đây được Ấn Độ xuất khẩu mạnh ra khắp thế giới vì có nhiều nghiên cứu cho rằng hạt này có tác dụng tốt trong việc điều trị nhiều bệnh hiểm nghèo, kể cả ung thư và tiểu đường. Tên của loại hạt này trong tiếng Urdu/Hindi/Nepali là methi. Vì vậy từ methi trở nên quen thuộc với nhiều người. Có nhiều khả năng me thi vào tiếng Việt qua kênh tiếng Anh, ngôn ngữ của giao dịch ngoại thương.




Tuesday, 14 February 2012

Vì sao dân kỹ thuật giao thông đường bộ gọi cua chữ chi là lát xê?


Khi góc cua lớn và bán kính cong nhỏ, khúc cua được gọi là cua tay áo. Tiếng Anh là hairpin [curve / turn / bend] và tiếng Pháp là virage en épingle à cheveux, đều có thể được dịch sát là cua hình kẹp tóc.
Nhiều cua tay áo liên tiếp nhau tạo thành một đường dích dắc, gọi là cua chữ chi (chữ trong tiếng Hán, đọc theo âm Hán Việt là chi, hình dạng giống như chữ Z trong bộ chữ cái La Tinh). Thuật ngữ giao thông đường bộ tiếng Pháp gọi cua chữ chi là virage en lacets. Dân kỹ thuật Việt Nam phiên âm từ lacet thành lát xê

Monday, 13 February 2012

Lạc Long Quân nghĩa là gì? - An Chi (Đương Thời Xuân Nhâm Thìn, 2012)

Mỹ hiệu Lạc Long Quân 龍君 thường được diễn Nôm thành “Bố Rồng”, “Cha Rồng” mà không thấy ai thắc mắc rằng đây là một cách hiểu “cà thọt”: nếu chữ long là rồng thì chữ lạc bỏ đi đâu? Người chép truyền thuyết thời xưa ghi lại lời của Lạc Long Quân tự xưng “Ta là giống rồng” chẳng biết có ghi thiếu hay không. Còn nếu quả Lạc Long Quân chỉ tự giới thiệu như thế thì hiển nhiên ông ta quên nói với vợ con mình rằng Lạc Long là giống rồng gì (nếu lạc là định ngữ của long), hoặc là giống rồng và giống gì nữa (nếu lạc long là một danh ngữ đẳng lập). Còn chúng tôi thì hiểu rằng Lạc Long là Hạc và Cá Sấu.
Tên của “Lạc Long Quân” 龍君 bị đọc sai ở chữ  . Chữ  này tuyệt nhiên không có âm “lạc”. Đầy đủ nhất và cũng thuộc loại đáng tin nhất là Hán ng đi t đin của Hán ngữ đại tự điển Biên tập uỷ viên hội (Thành Đô – Hồ Bắc, 1993) đã ghi cho nó 3 âm (không kể âm hậu khởi trong tiếng Bắc Kinh, không có hình thức Hán Việt (HV) tương ứng):
– 1. mch (mạc bạch thiết  莫白切);
– 2. hc (hạ các thiết 下各切);
– 3. m (mạc giá thiết 莫駕切).
Nó không hề có âm “lạc”. Xin nhớ rằng chữ  bị đọc sai thành “lạc” này khác với chữ “lạc” trong LcVit, mà tự hình là , cũng có khi viết thành . Hai chữ này mới đúng là “lạc”. Thế mà lại có những người, có lẽ do không tra cứu, khảo chứng về tự hình, về phiên thiết, lại cứ đi phân biệt 3 chữ “lạc”: (lc  bộ chuy lc  bộ   và l(!) bộ trãi ), làm cho việc nghiên cứu về cổ sử Việt Nam thêm rắc rối. Tiêu biểu nhất là tại Hội nghị nghiên cứu thời kỳ Hùng Vương lần thứ 2, tháng 4 năm 1969, trong bài tham luận “Về Hùng Vương và xã hội Hùng Vương”, học giả Hoa Bằng cũng chính thức đọc chữ 貉 thành “lạc” khi điểm lại các chữ lạc (Xin x. Hùng Vương dựng nước, tập II, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1972, tr.287). Thực ra, ở đây, ta chỉ có hai chữ “lạc” mà thôi: lc  bộ chuy  và lc bộ  .
Vậy thì, với 3 âm “mạch”, “hạc” và “mạ” của nó, chữ  trong tên của “Lạc(?) Long Quân” phải đươc đọc như thế nào? Chẳng thấy ai đọc nó theo một trong ba âm trên đây. Ai cũng đọc nó thành “lạc” mà không ngờ rằng đây là một cách đọc sai, ít nhất cũng không phải là một cách đọc theo đúng phiên thiết.
Vậy cái sai này do đâu mà ra? Chúng tôi cho là nó chỉ có thể xảy ra từ đầu thế kỷ XX, đặc biệt là với quyển Vit-nam s-lược của Lệ Thần Trần Trọng Kim, xuất bản lần đầu tiên năm 1921. Đây là một quyển sử có ảnh hưởng sâu rộng đối với nhiều thế hệ người Việt Nam và trong nửa đầu của thế kỷ XX thì nó gần như là một quyển sách độc tôn về lịch sử tương đối đầy đủ và có hệ thống của đất nước và dân tộc. Tại tr.23 của bản do Nxb Tân Việt - Hanoi, in và phát hành tại Saigon năm 1949, Trần Trọng Kim viết:
“ Lạc-long-quân lấy con gái vua Đế-Lai tên là Âu-Cơ, đẻ một lần được một trăm người con trai.”
Về tên của Lạc-long-quân, cũng ở tr.23, Trần Trọng Kim còn chú thích cả chữ Hán là 貉龍君 nữa. Tuy nhiên, ta không thể hoàn toàn đổ lỗi cho Trần Trong Kim được vì các tác giả về sau có trách nhiệm phải khảo chứng, chứ không thể nghe theo ông một cách mù quáng (nếu đúng là họ đã nghe ông). Rất có thể là trước cả Trần Trọng Kim cũng đã có người/nguồn đọc như thế, nhưng chúng tôi vẫn cho rằng sở dĩ cách đọc đó trở nên phổ biến là do quyển sử của học giả họ Trần.
Vậy thì giữa ba âm mạchhạc và mạ, chữ 貉 phải được đọc theo âm nào? Chúng tôi  cho rằng đó là âm “hạc” vì thiển nghĩ cái tên “Hạc Long Quân” hẳn phải có liên quan đến địa danh Bch Hc 白鶴, mà Đi Nam quc s din ca có nhắc đến:
Hùng Vương đô  Châu Phong
y nơi Bch Hc, hp dòng Thao Giang.
Đt tên là nước Văn Lang,
Chia mười lăm b bn chương cũng lin.
Bốn câu thơ này gợi ý cho chúng ta rằng ông Hạc Long Quân xuất thân nơi đất Bạch Hạc (mặc dù chữ “hạc” viết khác – ở đây, ta chỉ nói về mặt âm) là chuyện có lý vì Bạch Hạc thời xưa là một vùng sông nước mênh mông nên ở đó mới có nơi được đặt tên là Đng Đình (để ví với Động Đình hồ bên Tàu chăng?). Trong Truyn thuyết Hùng Vương (in lần II, có sửa chữa, Chi hội Văn nghệ dân gian Vĩnh Phú, 1972), Nguyễn Khắc Xương đã chú thích rõ:“ Động Đình ở đây ( trong truyền thuyết “Hùng Hải trị nước” – AC) chỉ địa phận Hưng Hoá ngày nay, từ ghềnh Ngọc Tháp về tới bến Trung Hà thuộc sông Thao. Vùng này hàng năm vào mùa nước thường bị ngập lụt, lại có nhiều đầm hồ.” (tr.36). Hiện ta đang có một cụm địa danh đáng chú ý. Ngoài vùng đầm hồ Động Đình, ta lại có núi Động Đình, thuộc tỉnh Hưng Hoá, mà Đại Nam nhất thống chí đã chép như sau: “Cách châu Yên 6 dặm về phía Nam, núi rất cao, ngọn núi trùng điệp, khe ngòi bọc quanh, năm Tự Đức thứ 3 liệt vào hàng danh sơn, chép trong điển thờ.” (Bản dịch của Phạm Trọng Điềm do Đào Duy Anh hiệu đính, tập IV, Nxb Thuận Hoá, Huế, 1992, tr. 305). Ta lại có địa danh Hạc Trì, nay là tên một huyện của tỉnh Phú Thọ. Rất có thể là do người chép truyền thuyết biến Động Đình ta thành Động Đình Tàu nên mới sinh ra chuyện biên giới nước Văn-lang “Bắc giáp hồ Động-đình (Tàu), Nam giáp nước Hồ-tôn, Tây giáp Ba-thục, Đông giáp biển Đông-hải”, như đã chép trong Lĩnh Nam chích quái. Chứ chúng tôi thì cho rằng Văn Lang là một nước ra đời “tại chỗ” – vùng trung du Bắc Bộ – chứ không phải tít tận bên Tàu. Vâng, tại chỗ, với những di chỉ khảo cổ học thuộc Văn hoá Phùng Nguyên, Văn hoá Đồng Đậu, Văn hoá Gò Mun, v.v..
Chúng tôi muốn đi theo hướng tiếp cận này, chứ không tin theo thuyết của Đào Duy Anh cho rằng hình chim trên trống đồng Ngọc Lũ là hình chim Lạc, mà ông đã cất công phân tích và chứng minh trong mục “Lai lịch người Lạc-việt”, thuộc chương III của Cổ sử Việt Nam (Nxb Xây Dựng, Hà Nội, 1955, tr.51-56), rồi sau đó nhiều tác giả cũng đã mặc nhận mà nói theo, cơ hồ tạo nên cái thuyết hoàn toàn vô căn cứ hiện hành “hình chim trên trống đồng là hình chim Lạc”. Đào Duy Anh viết:
“Chữ lạc  hay X (Xin xem Ảnh 1 - chữ này không lên được),  có khi viết là 駱, là chỉ một loài hậu điểu ở miền Giang Nam, tương tự với loài ngỗng trời. Có thể chim lạc là vật tổ của người Lạc Việt.” (Sđd, tr.53).
Thực ra, chữ lạc  X  này của Đào Duy Anh lại không tồn tại; còn hai chữ kia (雒  駱) thì không có cái nghĩa mà ông đã nêu vì cái nghĩa này lại thuộc về chữ lạc  bộ điểu  (chứ không phải bộ chuy hay bộ  ).
Vậy ta không có bất cứ căn cứ xác thực nào để gọi đó là chim Lạc cả. Huống chi, trên đồ đồng, mà ngay cả trên trống đồng Ngọc Lũ, đâu phải chỉ có hình khắc của một loài chim! Ta chỉ có thể căn cứ vào những hình khắc đó mà đoán định rằng phần lớn – chứ không phải tất cả – những con chim có hình được đúc là những con thuộc bộ Cò (Ciconiiformes, cũng được dịch là bộ Hạc), có chân dài, mỏ dài và cổ dài. Theo chúng tôi thì trong những hình chim lớn nhất ở vành thứ 10 (từ trong ra) trên mặt trống đồng Ngọc Lũ có hình của con Hạc (Ảnh 2).
Tóm lại, chữ hạc  ở đây có thể “thông” với chữ hạc  về mặt ngữ âm và trong tâm thức của người ghi chép truyền thuyết thì đây chỉ là cái tên  của một loài chim thuộc bộ Hạc mà thôi.
Đến như chữ long   thì chẳng có khó khăn gì để tái lập âm HV xưa của nó là luồng, đồng âm với luồngtrong tiếng Tày-Nùng hiện đại, cũng có nghĩa là rồng. Trong quá khứ xa xăm thì chữ này vốn dùng để chỉ co cá sấu, như chúng tôi đã trình bày trong bài “Con rồng chẳng qua là con cá sấu lên đời”, trênKiến Thức Ngày Nay Xuân Canh Thìn (năm 2000), với bút hiệu Huệ Thiên. Vậy không phải ngẫu nhiên mà luồng là một trong hai âm tiết của thuồng luồng mà thuồng luồng là một giống cá sấu. Thật vậy, trong Cổ sử Việt Nam (Nxb Xây dựng, Hà Nội, 1955), Đào Duy Anh đã viết: “Người mình gọi concrocodile (một loài cá sấu nhỏ – AC) là thuồng luồng mà sách chữ Hán của ta cũng gọi là giao long. Về sau trong các sông ở Bắc nước ta, giống crocodile thành hiếm, thỉnh thoảng thấy một con, người ta cũng gọi là thuồng luồng, nhưng người thường không biết hình dạng nó thế nào nên tưởng tượng nó là một giống thủy quái hình dạng như rắn” (Sđd, tr.26). Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên (Nxb KHXH, Hà Nội, 1967) cũng giảng thuồng luồng là “cá sấu” (nghĩa 2), bên cạnh nghĩa 1 là “loài vật dữ ở dưới nước, hình rắn, hay hại người”. Con luồng(<long s=""> này cũng có mặt trên trống đồng Ngọc Lũ, ở vòng tròn trong cùng trên mặt trống. Ta thấy giữa những cánh sao của ngôi sao 14 cánh là những hình quạt bằng nhau, giữa mỗi hình quạt có hình một mũi tên chỉa về phía tâm của hình tròn, mỗi bên có một cái hình tựa như một quả trứng nhỏ (Ảnh 3). Mỗi hình quạt đó chính là một cái đầu cá sấu nhìn trực diện cách điệu hoá từ cái đầu của một con cá sấu thật chỉ nổi lên khỏi mặt nước với hai con mắt (là hai “quả trứng” trong Ảnh 2) còn thân hình của nó thì trầm ở dưới nước (Ảnh 4).</long>
Trang mạng http://vi.oldict.com cũng khẳng định rằng “Tô-tem của người Việt nguyên thuỷ là con cá sấu.”
Thế là trong tên của Lạc Long Quân, ta thấy có Hạc và Cá Sấu, đều là hai loài động vật mà tập tính sinh hoạt đã tìm thấy ở môi trường của vùng đầm hồ Động Đình và sông Thao những điều kiện  hoàn toàn thích nghi. Lạc Long Quân là vua của vùng đầm hồ Động Đình, nơi đó, đứng đầu các loài sống dưới nước là Cá Sấu còn đứng đầu các loài có thể bay trên trời là Hạc. Ý nghĩa của cái tên Lạc Long Quân, theo chúng tôi, là như thế.















Ảnh 1 .- Đây là chữ của ĐDA, trong bài ghi bằng chữ X.
Ảnh 2.
Ảnh 3.
Ảnh 4.

Saturday, 11 February 2012

Từ hoàn cảnh xuất hiện trong hoàn cảnh nào?


Hoàn cảnh là một từ mượn của tiếng Hán (環境) qua âm Hán Việt. Việt Nam Tự Điển là quyển từ điển đầu tiên ghi nhận từ này với nghĩa là cảnh ngộ ở chung quanh mình (Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:241). Căn cứ vào một bài viết của Thượng Chi, tức Phạm Quỳnh, ở Nam Phong Tạp Chí, ta có thể đoán là từ này phải vào tiếng Việt trước năm 1924 (Thượng Chi, “Hoàn cảnh”, Nam Phong Tạp Chí số 90, 1924:471), 

Friday, 10 February 2012

Lưu manh là gì? An Chi ( Năng Lượng Mới số 58 ,30 - 9 - 2011).

Bạn đọc : Xin ông cho biết nghĩa gốc của hai tiếng lưu manh. Chữ manh ở đây có phải cũng là manhtrong thong manh, và manh mối không, thưa ông? (Trần Văn Bá).
An Chi : Trước nhất xin nói về nghĩa của từng thành tố. Chữ manh 氓 có hai nghĩa mà Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993) đã cho như sau:
“1.– Dân; cổ đại xưng bách tính (Người dân; xưa chỉ trăm họ).” Mao Trạch Đông hoạ thơ Quách Mạt Nhược (“Hoạ Quách Mạt Nhược đồng chí”) có câu:
Tăng thị ngu manh do khả huấn
Yêu vi  quỉ hoặc(quắc) tất thành tai.
Dịch ý:
Sư cũng dân lành còn sửa được
Yêu tinh là quỉ dấy tai ương.
Trong bài “Manh” thuộc phần “Vệ phong” của Kinh Thi, mà câu đầu tiên là “Manh chi si si”, chữ manhcũng có nghĩa này. Đây là một bài thơ trữ tình hay nhất và sớm nhất trong lịch sử văn học Trung Quốc.
“2.– Dã dân. Chu triều chỉ cư trú tại bỉ dã địa khu tùng sự nông nghiệp sinh sản đích nô lệ.”(Dân quê. Thời Chu, chỉ những người nô lệ cư trú tại những vùng quê để sản xuất nông nghiệp).
Âm xa xưa của chữ manh 氓 trong tiếng Việt là mống, còn được giữ lại trong những lối nói mang tính quán ngữ như: không mống nào chạy thoátchết không còn một mống. Nó chẳng có liên quan gì đến chữ manh trong thong manh cả. Thong manh là biến thể ngữ âm của thanh manh 青盲, một chứng bệnh về nhãn khoa. Vậy, một đằng là manh 氓 bộ thị  , một đằng là manh bộ mục, chẳng liên quan gì đến nhau. Mà nó cũng chẳng liên quan gì đến chữ manh trong manh mối vì, ở đây, chữ manh là một hình vị Hán Việt chính tông mà chữ Hán là , có nghĩa là “khai mào”, “khởi đầu”, “dấy lên” như có thể thấy trong một cấu trúc khá quen thuộc là manh nha. Một đằng thuộc bộ thị , một đằng thuộc bộ thảo (), nên cũng chẳng liên quan gì đến nhau.
Lưu 流 có nghĩa gốc là trôi, chảy, rồi nghĩa phái sinh là du thủ du thực, rày đây mai đó.
Hai tiếng trên ghép lại thành danh ngữ lưu manh 流氓, được n ngữ đại tự điển giảng là: “Nguyên chỉ vô nghiệp du dân, hậu lai chỉ phẩm chất ác liệt, bất vụ chính nghiệp, vi phi tác đãi đích nhân.” (Vốn chỉ lưu dân không nghề nghiệp; về sau chỉ những kẻ phẩm chất dữ dằn, không làm việc chính đáng, làm bậy làm càn).
Thế là lưu manh vốn có nghĩa trung hoà, nhưng nay thì hai tiếng này có nghĩa là kẻ du thủ, du thực, rày đây mai đó, không có công việc làm ăn, rồi nghĩa bóng là đứa du côn, bất lương. Tuỳ theo ngữ cảnh mà nó có thể được dùng như danh từ hoặc tính từ. Với tư cách tính từ, nó hoàn toàn tương ứng với tiếng Anh rogue trong ngữ đoạn rogue state (= quốc gia lưu manh) mà chính quyền Reagan của Hoa Kỳ từng dùng hồi thập kỷ 1980 để chỉ chế độ và chính sách của ông Muammar Kadhafi ở Libya. Sau vụ đánh sập Toà tháp đôi WTC ngày 11-9-2001 ở New York, thì ngày 16-9 năm đó, chính quyền G.W.Bush đã công bố danh sách một số “quốc gia lưu manh” bao gồm: CHDCND Triều Tiên, Pakistan, Irak, Iran, Afghanistan và Libya. Chẳng biết có lưu manh hay không nhưng nhãn tiền thì các quốc gia này không đi xâm lược ai. Chứ hiện nay thì Hoa Kỳ, Anh, Pháp, EU và NATO hẳn hoi là những quốc gia và tổ chức lưu manh, ngang nhiên quẳng sọt rác nghị quyết 1973 của Liên Hiệp Quốc cho phép lập vùng cấm bay ở Benghazi đê oanh tạc Libya mà ăn cướp dầu hoả, vàng và tiền của nhân dân và quốc gia này.
Hiện nay, hai tiếng lưu manh cũng được dùng làm định ngữ đê chỉ một khuynh hương văn học: văn học lưu manh, mà dưới đây, chúng tôi xin dẫn một đoạn của báo Tuổi Trẻ để giới thiệu với bạn đọc:
“Như thế, khái niệm “lưu manh" từ chỗ tụt quần áo trần truồng và xả ra ngôn từ rác rưởi, dễ bị nhận diện, đã trở thành lưu manh trong lý tưởng, lối sống, và kinh khủng hơn là lưu manh trong các giá trị, ví dụ như: thưởng thức nghệ thuật xong sẽ đưa ra các lời bình luận thấp kém, phản bác, công kích nghệ sĩ; ngắm tượng Vệ Nữ xong chỉ phát hiện nàng này không mặc quần lót; gặp một cô giáo quên mình cứu học sinh thì chỉ nghĩ giá như cô giáo này làm điếm sẽ kiếm được nhiều tiền hơn; nhìn xã hội phong kiến chỉ thấy niềm vui sướng được ngủ với hàng đàn mỹ nữ mà không bị pháp luật sờ gáy; sống ích kỷ với thú vui bản thân bất chấp đạo đức xã hội lại được coi như đi tìm kiếm cái tôi đích thực, cái tôi cô đơn, khác biệt...
Từ điển văn học online của Trung Quốc đưa ra một định nghĩa, theo đó, văn học lưu manh gần như buộc phải có hai thành tố cốt lõi là sex và báng bổ.
“Văn học lưu manh được đông đảo độc giả và nhà phê bình quan tâm, là bởi mỗi tác phẩm đều kéo theo sau nó rất nhiều lời phê phán lẫn tung hô của nhiều hạng người khác nhau trong xã hội.”
Nói chung thì lưu manh đại khái là như thế.

Monday, 6 February 2012

“Tràm Chim”, một cái tên “méo mó” và vô nghĩa _ An Chi (Năng Lượng Mới số 66 (28 - 10 - 2011).

Bạn đọc : Tuổi Trẻ ngày 16-10-2011 (trang Du Lịch) có bài viết rất lý thú của Dương Thế Hùng nhan đề “Ngắm chim mùa nước nổi” với phần mào đầu:
“Trời mưa rỉ rả. Nước lũ lên cao. Điều đó càng hấp dẫn du khách tìm tới vườn quốc gia Tràm Chim (Tam Nông, Đồng Tháp). Ở đó có gì hay? Giám đốc Trung tâm du lịch Tràm Chim Đặng Văn Chuyên ra vẻ bí mật: Cứ đi rồi biết. Đảm bảo toàn «hàng độc».”
Nhưng có một thứ “hàng độc” làm cho tôi thắc mắc hơn 20 năm nay mà chưa thấy ai giải đáp cho ra lẽ. Đó là chính cái địa danh “Tràm Chim”, một cách đặt tên kỳ lạ.(Thái Bá Thành).
 An Chi : Xét theo nghĩa của từng thành tố thì “Tràm Chim” (với khái niệm “tràm” là cây tràm, được mô tả trong bài của Dương Ngọc Hùng) là một cấu trúc vô nghĩa, giống hệt như: 
       – Danh ngữ *Xoài Chim mà lại được dùng để chỉ một vườn xoài nào đó có rất nhiều chim thường xuyên về trú ngụ;
– Danh ngữ *Mít Chim mà lại được dùng để chỉ một vườn mít nào đó có rất nhiều chim thường xuyên về trú ngụ;
– Danh ngữ *Nhãn Chim mà lại được dùng để chỉ một vườn nhãn nào đó có rất nhiều chim thường xuyên về trú ngụ; v.v. và v.v..
Trong tiếng Việt, một danh từ chỉ một giống cây  nhất định (như: mítnhãntràmxoài, v.v.) không bao giờ được dùng theo hoán dụ để chỉ một khu rừng, một ngôi vườn, một diện tích nhất định, v. v., có trồng loại cây đó. “Tràm Chim” là một cấu trúc đã bị từ nguyên dân gian gò ép thành một danh ngữ “méo mó” và vô nghĩa vì đã đi ngược lại quy tắc trên đây. Một vài nguồn và tác giả, có lẽ do cũng thấy sự vô lý này nên đã  đổi “Tràm” thành “Chàm” nhưng “Chàm Chim” thì cũng chẳng kém vô nghĩa tí ti nào. Hình thức gốc chính xác của nó vốn là một danh ngữ nằm trong thế đối vị với những:
–      sân chim;
–      vườn chim;
–      rừng chim;
–      láng chim;
–      đầm chim; v.v..
trong đó sânvườnrừngláng, đầm, v. v., là những danh từ chỉ những vùng đất hoặc nước thường là rộng lớn có thể làm nơi kiếm ăn và/hoặc trú ngụ cho một số lượng lớn các loài chim. Ta còn có thể đi xa hơn nữa mà chứng minh rằng danh từ gốc đã bị cái từ “tràm” này thoán vị vốn là một danh từ chỉ một vùng nước rộng và cái danh ngữ gốc mà nó là trung tâm thì nằm chung trong một trường nghĩa với những:
–      Bàu Cò;
–      Đầm Đơi;
–      Láng Le; v.v.. nữa.
Đó chính là danh ngữ chằm chim mà chằm là trung tâm còn chim là định ngữ. Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên (Nxb Đà Nẵng & Vietlex, 2007) giảng chằm là “vùng đất thấp và rộng bỏ hoang, thường bị ngập nước”. Do điều kiện sinh thái của nó mà có những cái chằm đã trở thành nơi trú ngụ thường xuyên của nhiều giống loài chim chóc khác nhau, hoặc có khi vì những đặc điểm riêng mà nó chỉ được (chủ yếu) một loài đến ở, và tên cũng đã được ghi vào từ vựng, chẳng hạn như chằm nhạn, xuất hiện muộn nhất cũng là vào cuối thế kỷ XVIII, vì nó đã được ghi nhận trong Dictionarium Anamitico Latinum của Pierre Pigneaux de Béhaine (viết tay, 1772-73), rồi sau đó trong quyển từ điển cùng tên của J.L.Taberd (Serampore, 1838). Danh ngữ chằm nhạn đượcĐại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của giảng là “chỗ nhạn ở, đầm nhạn ở”. Vậy thì, cùng một lối giảng đơn giản này, ta có thể nói chằm chim là “chỗ chim ở, đầm chim ở”. Đây chính là hình thức ngữ âm gốc và nội dung ngữ nghĩa gốc của dạng méo mó hiện tại “Tràm Chim”. Nhưng tại sao Chằm Chim lại có thể trở thành “Tràm Chim”? Xét về mặt ngữ học, đặc biệt là về hệ thống âm vị của tiếng Nam Bộ, thì đây chẳng phải là chuyện gì khó giải thích. Nhưng trước nhất, chúng tôi muốn mời bạn và bạn đọc đến với cái bằng chứng gián tiếp rất thú vị mà TS Huỳnh Công Tín cung cấp cho chúng ta. Ông đã viết:
“Tên hành chính và tên quen gọi ngày nay “Tràm Chim” thường được cắt nghĩa là nơi ấy có tràm và trong tràm có chim về trú ngụ. Nhưng nhớ từ khi lớn lên, có chút cảm nhận thì nghe nói về “Trầm Chim”, vùng đất xa xôi nào đó nhưng không rõ là xa tận đâu. Khi đậu vào Đệ thất (lớp 6 ngày nay), tôi may mắn có ba người bạn quê Trầm Chim; nhưng chưa một lần đến quê bạn trong thời gian học trung học. Hỏi bạn “Trầm Chim” là gì thì bạn bảo không biết, chỉ nói nơi ấy rất nhiều chim ( … ) Trên 30 năm chia tay bạn, giờ mới có dịp đến Tràm Chim, tìm gặp lại bạn cũ, hai người còn sống, một người đã mất; tôi cũng hỏi lại về địa danh cũ “Trầm Chim”. Có phải đọc trại từ “Tràm Chim” mà thành “Trầm Chim” hay không, hoặc ngược lại? Hai người lừng khừng, không dứt khoát, nhưng vẫn quả quyết người xưa nói “Trầm Chim”, mà không biết tại sao.”
Trên đây là một đoạn trong bài “Sếu Tam Nông” của quyển  Cảm nhận bản sắc Nam Bộ, tập 2 (in vi tính), mà TS Huỳnh Công Tín đã có nhã ý cho chúng tôi được đọc trước. Cứ theo ký ức tuổi thơ của tác giả, rồi lời khẳng định sau này của mấy người bạn, thì hiển nhiên là người dân sở tại đã từng gọi Tràm Chim là “Trầm Chim” mà đây chính là cái khâu trung gian giữa Chằm Chim và Tràm Chim. Và chúng tôi cho rằng sẽ rất lý thú nếu Trung tâm du lịch Tràm Chim tổ chức những chuyến điền dã để cho du khách về nguồn của hai tiếng “Tràm Chim” mà tìm hiểu về lai lịch của nó ở những người cố cựu. Còn trước mắt thì ta đang có biểu thức:
–      Chằm Chim → Trầm Chim → Tràm Chim,
trong đó “Trầm Chim” chính là Chằm Chim đã bị thao tác siêu chỉnh (hypercorrection) làm cho biến dạng. Ông Huỳnh Công Tín và những người bạn của mình là những người thuộc về nửa sau của thế kỷ XX, thời điểm mà danh từ chằm  không còn thông dụng nữa, dĩ nhiên là đối với cả những người có học thức. Những người này (nhà văn, nhà báo, nhà giáo, v.v.) cho rằng chằm là một cách phát âm của người bình dân, ít học đối với từ trầm – quả nhiên người bình dân Nam Bộ vẫn phát âm “trầm” thành “chằm” – vì phải là “trầm” (chìm, đắm, v.v.) thì mới liên quan đến chuyện nước, chuyện ngập, v.v.. Vì vậy nên dân có học mới “siêu chỉnh” chằm thành “trầm” và chằm chìm đã trở thành “trầm chim”. Cho đến cách đây trên 20 năm, khi đất nước mở cửa, du lịch phát triển, công cuộc bảo vệ môi trường sinh thái càng ngày càng được chú trọng, internet càng ngày càng phổ biến, v.v., thì “trầm chim” lại đổi đời một lần nữa mà sự siêu chỉnh lần này cũng là công sức của nhà văn, nhà giáo, nhà báo, chủ yếu dĩ nhiên là các nhà báo. Họ cho rằng “trầm” thì vô nghĩa vì tại “trầm chim” chỉ có “tràm” bạt ngàn mà thôi. Vì thế nên họ đã đẻ ra cái danh ngữ “tràm chim” mà không biết rằng đây là một cái quái thai của ngôn ngữ, như đã khẳng định ngay từ đầu câu trả lời này.
        Gút lại, xin khẳng định rằng “tên cúng cơm” của Vườn Quốc gia Tràm Chim chỉ đơn giản và chính xác là Chằm Chim chứ không phải “Trầm Chim” hay “Tràm Chim” gì cả.