Sunday, 26 February 2012

Chữ Cồ trong quốc hiệu Đại Cồ Việt (Năng Lượng Mới số 34 ,7 - 7 - 2011).

Bạn đọc : Xin ông cho biết tại sao nước ta có thời kỳ đặt tên là Đại Cồ Việt và chữ Cồ có ý nghĩa gì? (Huỳnh Phương Ngọc).
An Chi : Chúng tôi đã năm lần nói về chữ “cồ” trong quốc hiệu “Đại Cồ Việt”. Lần đầu tiên là trên Kiến Thức Ngày Nay số 353 (1-6-2000), chúng tôi đã trả lời ngắn gọn rằng, ở đây, “cồ” không phải là một chữ Nôm nhưng vẫn còn cho rằng nó là âm xưa của chữ Hán 巨, mà âm Hán Việt hiện đại là “cự”, có nghĩa là to, lớn. Lần thứ hai là trên Kiến Thức Ngày Nay số 599 (1-4-2007), chúng tôi đã nhận xét về ý kiến của Kỳ Quảng Mưu 祁广谋 trong bài “Đại Cồ Việt quốc danh thích”, đăng trên Đông Nam Á tung hoành 东南並纵橫 năm 2000 (tr. 35-38), cho rằng cồ  là một chữ Hán, có nghĩa gốc là: 1. dáng nhìn sợ hãi; 2. kinh ngạc, lo sợ. Cách giảng trịch thượng, ngu xuẩn này hẳn làm hài lòng bọn bá quyền, bành trướng. Sau khi bác bỏ ý kiến của họ Kỳ, chúng tôi đã chứng minh rằng “cồ” là hình thức nói tắt của Cồ Đàm Ma, họ của Đức Phật Thích Ca, phiên âm từ tiếng Sanskrit Gautama. Vậy Đại Cồ Việt là nước Việt vĩ đại theo đạo Phật. Nhưng có một tác giả là Nguyễn Anh Huy đã chính thức bác chúng tôi và “thách” chúng tôi phải trả lời. Chúng tôi đã trả lởi chi tiết trên Đương Thời số 4-2009. Đó là lần thứ ba. Lần thứ tư là trên Đương Thời số 8-2009, chúng tôi đã bác ý kiến của tác giả Huỳnh Dõng cho rằngcồ  là một chữ Hán, có nghĩa là “núi non lởm chởm, hiểm trở, bao quanh bởi sông nước cuộn trào”. Lần thứ năm là trên An Ninh Thế Giới số 918 (16-12-2009), chúng tôi đã nhận xét và phản bác ý kiến của tác giả Tạ Chí Đại Trường cho rằng “quốc hiệu Đại Cồ Việt chẳng văn hoa tí nào”.
Lần này là lần thứ sáu. Vừa mới đây, chúng tôi có nhận được từ chuyên gia Hán Nôm trẻ Nguyễn Tuấn Cường đường liên kết trên Facebook để đọc bài “Về quốc hiệu đời nhà Đinh” của GS Nguyễn Tài Cẩn (www.ngonnguhoc.org/, ngày 31-5-2009). Trước khi trình bày rõ quan điểm của mình để trả lời bạn,
chúng tôi xin mạn phép phân tích kỹ điểm quan trọng nhất mà chúng tôi không thể đồng ý với Giáo Sư.
Điểm quan trọng đầu tiên mà chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với GS Nguyễn Tài Cẩn là ở chỗ ông cho rằng Cồ  Việt là “nước Việt hùng mạnh có thứ vũ khí gọi là cồ” (Giả thuyết I). Ngay từ đầu giả thuyết, GS Cẩn đã khẳng định một cách võ đoán rằng “giả thuyết này, nhìn chung, khá quen thuộc”. Nhưng rõ ràng là nó mới được tung ra cho nên gần cuối đoạn thì chính ông Cẩn đã phải nói rõ rằng đây một cách hiểu thứ ba do Nguyễn Anh Huy mới đề xuất thêm. Thế là ông đã bất nhất ngay từ đầu. Ông Cẩn đề nghị dành ưu tiên cho cách hiểu “mới mẻ này” vì ba lý do, mà lý do đầu tiên là: “Nó hợp với thời đại : theo Nam Hải dị nhân, Đinh Bộ Lĩnh có gươm, vậy thời đại nõ thần đã chuyển sang thời đại gươm giáo.”
Đó là lý do đầu tiên của GS Nguyễn Tài Cẩn. Nó bộc lộ sự ngây thơ của một người già dặn. Ông cho rằng cách hiểu thứ ba do Nguyễn Anh Huy đề xuất thêm mới hợp với thời đại vì lý do: Đinh Bộ Lĩnh có gươm nên “thời đại nõ thần đã chuyển sang thời đại gươm giáo”. Xin thưa rằng trong Nam Hải dị nhânthì Phan Kế Bính cũng chỉ chép theo truyền thuyết, mà cứ vào truyền thuyết, vận dụng theo  “lý thuyết Nguyễn Tài Cẩn” thì Đinh Tiên Hoàng cũng đã bị Thánh Gióng bỏ xa từ hàng ngàn năm trước với roi sắt, ngựa sắt và áo giáp sắt rồi. Cho nên nếu nói về “thời đại” thì Đinh Tiên Hoàng đã đi thụt lùi, chứ “chuyển thời đại” thế nào được! Huống chi, liên quan đền đời tư của  Vua Đinh từ tấm bé cho đến khi lên ngôi hoàng đế, người ta được biết rất nhiều chuyện nhưng, tiếc thay, chẳng có ai từng nghe nói một lần, một lời, đến cái thứ giáo gọi là “cồ”, làm nên quốc hiệu Đại Cồ Việt của ông vua này cả. Giáo, mác, cung, tên, đao, thương, việt, thuẫn, mâu, v.v., nói chung, thanh long đao của Quan Công, bát xà mâu của Trương Phi, v.v. nói riêng, người ta đều có thể từng nghe nói đến; thậm chí thanh gươm Damoclès tít bên Tây cũng có người Việt biết đến, riêng cái cây “cồ” làm nên quốc hiệu Đại Cồ Việt thì chẳng ai bao giờ nghe nói tới mảy may cho đến khi ông Nguyễn Anh Huy moi nó ra từ từ điển. Nói cho công bằng, không phải trước ông, chẳng ai biết đến cái nghĩa “vũ khí” của chữ cồ ; chỉ là người ta thấy nó không xài được ở đây mà thôi.
Tóm lại, với chúng tôi, mặc dù có cả sự tăng cường về lý luận của GS Nguyễn Tài Cẩn, thuyết “cồ = vũ khí” của tác giả Nguyễn Anh Huy vẫn không thể dùng được. Tại những nguồn thư tịch đã nói, chúng tôi đã phân tích và chứng minh rằng Đại Cồ Việt là một kiểu đặt tên toàn Hán, mà Cồ Việt là một danh ngữ có cấu trúc cú pháp giống như Âu ViệtLạc ViệtDương ViệtĐiền ViệtMân Việt, v.v., trong đó Cồ,ÂuLạcDươngĐiềnMân là định ngữ của ViệtCồ là hình thức nói tắt lần thứ hai của Cồ Đàm Ma, mà hình thức nói tắt lần đầu là Cồ Đàm, họ của Đức Phật Thích Ca, phiên âm từ tiếng SanskritGautama. Vậy Cồ Việt là “nước Việt lấy đạo Phật làm quốc giáo”. Và Đại Cồ Việt là “nước Việt vĩ đại lấy đạo Phật làm quốc giáo”. Quốc hiệu này cho thấy sự sáng suốt của Vua Đinh từ đối nội đến đối ngoại. Về đối nội, sử gia Đào Duy Anh cho biết:
“Đinh Bộ Lĩnh chỉ có thể dựa vào tập đoàn phong kiến tôn giáo là thành phần xã hội có uy tín nhất trong xã hội bấy giờ để duy trì trật tự và kỷ cương. Nhưng trong hai tôn giáo, Phật và Đạo, đều thịnh hành trong dân gian, thì Phật giáo có tổ chức và qui củ vững vàng hơn, có kinh điển và lễ nghi nghiêm trang hơn, chứ Đạo giáo thì chỉ là một mớ phương thuật và mê tín. Về tổ chức cũng như về tinh thần, Phật giáo là yếu tố thống nhất đắc lực nhất thời bấy giờ. Bởi thế Đinh Tiên Hoàng mới lấy Phật giáo làm quốc giáo, định phẩm cấp tăng nhân để giao cho họ lãnh đạo Phật giáo trong toàn quốc (AC nhấn mạnh). Khuông Việt đại sư tham gia triều chính như một vị tể tướng. Các chùa (tự viện) của Nhà nước do các tăng quan trụ trì đều được cấp ruộng làm tự điền. Các tự viện có những đại điền trang không kém gì đại điền trang của bọn vương công đại thần.” (Lịch sử Việt Nam, q. thượng, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1958, tr.175).
 Chủ trương của Đinh Tiên Hoàng về đối nội như thế thật là cực kỳ sáng suốt. Về đối ngoại, ông cũng tinh tế không kém. Ta nên nhớ rằng đồng thời với nước Đại Cồ Việt thì, nằm dọc theo bờ biển phía nam Trung Quốc thời Ngũ đại Thập quốc (bên Tàu), là nước Nam Hán, tồn tại từ 917 đến 971. Trong năm đầu tiên, Nam Hán được đặt tên là Đại Việt. Đến năm 968, khi quốc hiệu Đại Cồ Việt ra đời thì Nam Hán đã tồn tại được 49 năm còn tên cũ của nó là Đại Việt thì đã bị bỏ từ 48 năm rồi. Nhưng Đinh Tiên Hoàng là một vị vua nhìn xa trông rộng. Ông đâu có quên chuyện quân Nam Hán sang xâm lược nước ta hồi 937 (mà bị Ngô Quyền đánh cho tơi bời trên sông Bạch Đằng). Dã tâm xâm lược của chúng có bao giờ nguội tan. Cho nên nếu Đinh Tiên Hoàng đặt tên nước là “Đại Việt” thì chẳng hoá ra ông mời chúng sang “đòi lại đất cũ của Nam Hán” hay sao? Sự gian manh của bọn này thì ta còn lạ gì (nhất là nếu ta liên hệ tới tình hình Biển Đông hiện nay)! Vì thế nên phải có một định ngữ trước từ Việt của ta để phân biệt với “Việt” cũ của Nam Hán. Đó là chữ Cồ, họ của Đức Phật Thích Ca. Vậy Cồ Việt là nước lấy đạo Phật làm quốc giáo. Đây cũng là một sự thật lịch sử. Đến 1054, khi Lý Thánh Tông đổi Đại Cồ Việt thành Đại Việt thì Nam Hán, tức Đại Việt cũ bên Tàu, đã bị tiêu diệt được 83 năm. Cái nguy cơ làm cho Đinh Tiên Hoàng phải dè chừng, từ lâu đã không còn nữa. Cái thế của nước ta đã khác. Ta nên nhớ rằng năm 1075, Lý Thường Kiệt còn đem quân sang đánh Tống nữa kia mà. Huống chi, tuy đạo Phật vẫn được tôn sùng nhưng bây giờ Nho giáo đã bắt rễ khá sâu trong xã hội Việt Nam, nhất là từ khi Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long (1010). Chữ Cồ đã xong nhiệm vụ từ đối nội (trong nước, Nho giáo bắt đầu thịnh) đến đối ngoại (không còn sợ họa “đòi đất” vì hai chữ “Đại Việt”).
Hai năm sau khi chúng tôi đưa ra ý kiến trên Kiến Thức Ngày Nay số 599, ý kiến này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của chuyên gia Hán Nôm trẻ Trần Trọng Dương trong một bài viết rất chặt chẽ và đầy ắp cứ liệu, nhan đề “Khảo về «Đại Cồ Việt» (Nước Việt - nước Phật giáo)”, đăng trên Tạp chí Hán Nôm, số 2(93) – 2009 (tr.53-75). Chúng tôi tin tưởng vững chắc rằng đây là một cái hướng thực sự đúng đắn cho những ai muốn đi tìm ý nghĩa đích thực của quốc hiệu Đại Cồ Việt.
Thế là chữ Cồ trong Đại Cồ Việt đã hoàn thành sứ mệnh của nó một cách vẻ vang. Nó đã có mặt trong quốc hiệu 86 năm (968-1054), từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thánh Tông, với tư cách là một yếu tố biểu hiện thể chế tôn giáo của nước nhà: nước Việt lấy Phật giáo làm quốc giáo.

No comments:

Post a Comment