trong Việt ngữ hiện đại
Tiếng lóng là một thực tế đầy sinh động mà hầu như bất kỳ ngôn ngữ nào trên trái đất đều có, dù muốn hay không. Văn hào Pháp Victor Hugo (1802 - 1885) từng chú ý sử dụng tiếng lóng trong tác phẩm Le dernier jour d'un condamné / Ngày cuối cùng của một tử tù (1828), thậm chí còn dành hẳn cả quyển VII trong phần thứ tư của bộ tiểu thuyết đồ sộ nổi tiếng Les Misérables / Những người khốn khổ (1861) để bàn luận về tiếng lóng. Victor Hugo nhận định: "Tiếng lóng là gì? Nó là quốc gia, đồng thời là quốc âm; đó là một đánh cắp dưới hai hình thức: nhân dân và ngôn ngữ. (...) Tiếng lóng vừa là một hiện tượng văn học, vừa là một kết quả xã hội. Tiếng lóng, căn bản, là gì? Tiếng lóng là ngôn ngữ của khốn cùng. (...) Mọi nghề, mọi nghiệp, có thể mọi ngẫu nhiên của hệ thống xã hội và hết thảy các hình thức của trí tuệ, đều có tiếng lóng của nó. Về phương diện thuần túy văn học, nghiên cứu tiếng lóng có thể là kỳ thú hơn nhiều khoa học khác." (Bản dịch của Huỳnh Lý, Vũ Đình Liên, Lê Trí Viễn, Đỗ Đức Hiểu - NXB Văn Học, Hà Nội, 1977).Phanxipăng
Ngày nay, trong nhiều giáo trình ngôn ngữ học đại cương, tiếng lóng là nội dung chẳng thể thiếu ở chuyên đề từ vựng học. Trong các hội nghị, hội thảo khoa học, chẳng hạn hội nghị Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ được tổ chức quy mô vào tháng 10-1979, một số báo cáo về nghiên cứu tiếng lóng đã thu hút sự quan tâm của khá đông người. Cho đến nay, tồn tại lắm cách cắt nghĩa, phân loại và đánh giá khác nhau về tiếng lóng.
Sơ lược về tiếng lóng |
Qua loạt định nghĩa vắn gọn và phổ thông ấy, một số yếu tố đặc trưng của tiếng lóng đã bộc lộ:
1. Là loại khẩu ngữ đặc thù, dùng để giao tiếp phi chính thức trong một phạm vi xã hội hạn chế.
2. Hoàn toàn thuộc lĩnh vực từ vựng và mang tính lâm thời, bất ổn định.
Tuy nhiên, loạt từ điển vừa dẫn không phân biệt tiếng lóng với biệt ngữ và tiếng nghề nghiệp.
Biên soạn Giáo trình Việt ngữ (Tập II: Từ hội học - NXB Giáo Dục, Hà Nội, 1962), Đỗ Hữu Châu khẳng định: "Tiếng lóng (argot des déclassés) bao gồm một số từ bí hiểm để che dấu tư tưởng của người nói, không cho nhiều người ngoài tập đoàn xã hội của mình biết". Cũng giáo sư (GS) Đỗ Hữu Châu, với giáo trình Từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt (NXB Giáo Dục, Hà Nội, 1981), lại chỉ ra: "Tiếng lóng bao gồm các đơn vị từ vựng thuộc loại thứ hai trong biệt ngữ, tức là những tên gọi 'chồng lên' trên những tên gọi chính thức. Hiện tượng tiếng lóng là phổ biến đối với mọi tập thể xã hội. Hầu như tất cả các tập thể xã hội nào đã có cái gì chung về sinh hoạt hay về sản xuất, làm việc, thì đều có những tiếng lóng của riêng mình. (...) Do nhiều động lực khác nhau, như do ý muốn 'tự bộc lộ' cái vẻ riêng của tập thể mình, do muốn gây được những sự chú ý đặc biệt, muốn che dấu những điều mà những người ngoài tập thể không nên biết, muốn biểu thị thái độ một cách mạnh mẽ, mà hằng ngày hằng giờ trong các tập thể xã hội đều xuất hiện tiếng lóng. Những tiếng lóng này rất 'phù du', không hệ thống, lẻ tẻ, xuất hiện rồi mất ngay".
Một số nhà nghiên cứu như Lưu Vân Lăng và Hoàng Thị Châu liệt tiếng lóng vào loại không tốt đẹp vì phạm vi lưu hành "là trong đám người làm những nghề bất lương, bị xã hội ngăn cấm như bọn cờ bạc bịp, bọn ăn cắp, bọn buôn lậu". Sách Ngôn ngữ học: khuynh hướng - lĩnh vực - khái niệm của nhiều soạn giả (NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1994) còn cho rằng: "Khác biệt ngữ, tiếng lóng có nghĩa xấu".
Thực tế, ở một số trường hợp, khó phân lập rạch ròi ranh giới giữa tiếng lóng với biệt ngữ và tiếng nghề nghiệp. Do đó, năm 1996, nhà nghiên cứu 在召民 / Da Zhaomin / Tại Triệu Dân của Trung Hoa đề xuất lối gọi khác: ẩn ngữ / ám ngữ / hắc thoại. Tác giả này lại chia ra 2 loại lớn là "ẩn ngữ nghề nghiệp" và "ẩn ngữ giang hồ". Nếu thế thì cũng chưa rành mạch!
Một thực tế nữa: chưa hẳn tiếng lóng "chỉ thuộc bọn người xấu", càng không thể là "ngôn ngữ dưới đáy xã hội". GS Đỗ Hữu Châu từng nêu ví dụ về tiếng lóng của sinh viên một thời. Như mẹ Đốp trỏ nữ sinh đáo để, nhuận sắc là đẹp một cách tươi mát, ngỗng chỉ điểm 2, gậy - điểm 1, trứng - điểm 0.
Tùy quan niệm rộng hẹp mà có những cách nhìn nhận khác nhau về tiếng lóng đối với công cuộc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt hiện nay.
Tiếng lóng với ngôn ngữ toàn dân |
Đến nay, nhìn nhận hiện tượng ngôn ngữ đặc thù này, tồn tại 2 quan điểm trái ngược nhau.
Một quan điểm cho rằng tiếng lóng là hiện tượng không lành mạnh trong ngôn ngữ, chỉ tồn tại ở xã hội có giai cấp, vì vậy phải triệt để chống tiếng lóng và kiên quyết gạt tiếng lóng ra khỏi ngôn ngữ văn hóa. Đấy là ý kiến của Nguyễn Văn Tu và Nguyễn Kim Thản từng trình bày qua các ấn phẩm Từ và vốn từ tiếng Việt hiện đại (NXB Đại Học & Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1976), Tiếng Việt trên đường phát triển (NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1982). Hai nhà nghiên cứu này bảo tiếng lóng "không có tác dụng tích cực, không làm giàu thêm ngôn ngữ toàn dân".
Quan điểm khác thì đề nghị chấp nhận tiếng lóng tốt, tích cực, nhằm bổ sung vào ngôn ngữ toàn dân. Đấy là ý kiến của Trịnh Liễn và Trần Viết Chánh phát biểu tại hội nghị khoa học Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ được tổ chức ở Hà Nội năm 1979. Đồng quan điểm ấy, Nguyễn Thiện Giáp soạn sách Từ vựng học tiếng Việt (NXB Đại Học & Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1985) đã đặt tiếng lóng trong mối quan hệ với toàn bộ lớp từ tiếng Việt, rồi cho rằng chỉ nên lên án những tiếng lóng thô tục; còn loạt tiếng lóng không thô tục là tên gọi có hình ảnh của sự vật hoặc hiện tượng nào đó thì đủ khả năng phổ biến và thâm nhập dần vào ngôn ngữ toàn dân. Sách này còn khẳng định tiếng lóng là một phương tiện được dùng để khắc họa tính cách và miêu tả hoàn cảnh sống của nhân vật trong các tác phẩm văn học nghệ thuật. Ấy cũng chính là điều mà nhiều nhà nghiên cứu về tu từ học (rhétorique / rhetoric) và phong cách học (stylistique / stylistics) cũng như nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà báo quan tâm tìm hiểu để khéo léo vận dụng.
Học giả Nguyễn Hiến Lê (1912 - 1984) rất hữu lý khi nhận xét rằng đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du, thấy một trong những đoạn hay nhất chính là lời thoại độc địa phát ra từ miệng Tú Bà lúc mụ nổi tam bành mụ lên trước giai nhân Thúy Kiều:
Này này sự đã quả nhiên,Rõ ngồn ngộn tiếng lóng của giới buôn phấn bán son ở Việt Nam thế kỷ XIX. Ví thay đi dạo, rước khách, buồn mình, màu hồ, bài bây, chịu tốt, ngứa nghề, chơi, văng bằng loạt từ ngữ "nghiêm chỉnh", ắt đoạn lục bát vừa dẫn không chỉ mất hay mà còn hỏng bét! Tương tự như thế, nếu thiếu tích lũy vốn tiếng lóng phong phú để sử dụng phù hợp, làm sao bao tiểu thuyết - phóng sự của Vũ Trọng Phụng (1912 - 1939) cuốn hút độc giả. Từ tác phẩm Cạm bẫy người viết năm 1933, nhà báo kiêm nhà văn họ Vũ đã "đưa ra ánh sáng" cả lô tiếng lóng chính hiệu cờ bạc bịp thuở nọ: mòng, mẻng, bắt, viên đạn, hòn đạn, của, lộ tẩy, cản, quých, v.v. Đến các cuốn Kỹ nghệ lấy Tây (1934), Số đỏ (1936), Làm đĩ (1936), Lục xì (1937) thì Thiên Hư Vũ Trọng Phụng trình thêm cả loạt "ẩn ngữ giang hồ" mà thiếu chú thích ắt công chúng bình thường khó hiểu nổi ý nghĩa: chạy làng, chánh, chúa, hoa đào, ngày phiên, trô, xé giấy, v.v. Cũng xuất bản giai đoạn đó, Bỉ vỏ của Nguyên Hồng (1918 - 1982) là thiên tiểu thuyết đã chứa đựng một lượng lớn tiếng lóng - từ tiêu đề cho tới nội dung, thậm chí nhiều câu được vần vè khiến bạn đọc dễ nhớ:
Thôi đà cướp sống chồng min đi rồi!
Bảo rằng đi dạo lấy người,
Đem về rước khách kiếm lời mà ăn.
Tuồng vô nghĩa ở bất nhân,
Buồn mình trước đã tần mần thử chơi.
Màu hồ đã mất đi rồi,
Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma!
Con kia đã bán cho ta,
Nhập gia phải cứ phép nhà tao đây.
Lão kia có giở bài bây,
Chẳng văng vào mặt mà mày lại nghe.
Cớ sao chịu tốt một bề,
Gái tơ mà đã ngứa nghề lắm sao!
Không vòm, không sộp, không te,Bỉ vỏ là ả ăn cắp. Vòm là nhà. Sộp là giàu sang, hào phóng. Te là xinh đẹp. Niễng mũn là một trinh nhỏ, tức nửa xu. Trong số tiếng lóng từng lưu hành, giờ đây có bao nhiêu đơn vị từ vựng trở nên quen thuộc và đi vào ngôn ngữ phổ thông? Chắc chắn không ít. GS Đỗ Hữu Châu đã trưng dẫn cả loạt tiếng lóng được chấp nhận gia nhập vào vốn từ ngữ chung như ba hoa, lộ tẩy, nguội điện, cổ lỗ sĩ, gạo, phe phẩy. Tra cứu các từ điển tiếng Việt hiện đại, chẳng hạn Từ điển từ mới tiếng Việt do Chu Bích Thu chủ biên (NXB TP HCM, 2002), chúng ta thấy muôn tiếng lóng hiện hữu.
Niễng mũn không có, ai mê nỗi gì?
Tiếng Việt, cùng bao ngôn ngữ khác, luôn cần được cộng đồng sử dụng cố gắng bảo tồn đồng thời tích cực phát triển. Nói cách khác, phát triển vừa là nguyên nhân, vừa là mục đích của công cuộc giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt. Với ngôn ngữ, theo quy luật chung, phát triển mạnh nhất luôn là từ vựng. Đóng góp vào khía cạnh này, rõ ràng có tiếng lóng. Sau một thời gian tồn tại phi chính thức, bất ổn định trong phạm vi xã hội hạn hẹp, biết bao tiếng lóng không còn là... tiếng lóng. Phần lớn biến mất. Phần còn lại trở thành những đơn vị từ ngữ của toàn dân, được mọi người sử dụng rộng rãi - không chỉ trong các tác phẩm báo chí, văn chương, màn nhung, màn bạc, mà còn xuất hiện ở nhiều văn bản hành chính. Chẳng hạn các từ nhí, quậy, xỉn, xịn, mánh mung, móc ngoặc, quay cóp, phớt lờ. Từ xì ke, xuất xứ bởi tiếng lóng scag của Hoa Kỳ, là ví dụ khác.
Phê bình một từ điển tiếng lóng |
Nguyễn Văn Khang bỏ sót một thao tác tuy đơn giản song bất kỳ nhà từ điển học nào cũng đều chú ý nêu bật trước tiên: thống kê số lượng mục từ trong từ điển. Kế tiếp, đây là từ điển tiếng lóng - mà soạn giả đã xác định rõ tính chất của nó là dạng ngôn ngữ "ký sinh" và "lâm thời" - thì cần thiết phải hạn định thời khoảng. Một đơn vị từ vựng hôm nay là tiếng lóng, song ngày mai hết còn là tiếng lóng. Ấy thế mà từ điển này thu thập tiếng lóng suốt thời gian dài, nhưng lại... ngắt quãng: tiếng lóng trong tiểu thuyết Bỉ vỏ của Nguyên Hồng (vào thập niên 1930), rồi tiếng lóng cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980 liên quan nhóm xã hội "vượt biên - di tản"; đoạn tiếng lóng khoảng thập niên 1990. Kỳ thực, từ điển còn góp nhặt hàng loạt tiếng lóng dùng trong trại giam ở miền Bắc thập niên 1960 thông qua tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn (NXB Thanh Niên, Hà Nội, 2000) nhưng lại không chua nguồn thư tịch.
Đi vào nội dung từ điển tiếng lóng Việt Nam của Nguyễn Văn Khang, bạn đọc có hiểu biết ít nhiều về lĩnh vực này chắc chắn khó tránh khỏi thất vọng vì cách biên soạn thiếu khoa học. Buồn cười nhất là quá nhiều tiếng lóng bị định nghĩa... sai! Ý kiến ngắn của Bùi Cát đăng trên tờ Tuổi Trẻ chủ nhật 24-6-2001 đã vạch 9 đơn vị từ vựng của từ điển này cắt nghĩa trật lất: khâu chẳng phải "cây vàng" (lượng / lạng vàng); nhạc sến chưa hẳn "nhạc buồn"; tài pán khác "chủ chứa"; mắt trừu nào phải "bao cao su tránh thai"; hết xí quách đâu chỉ "hết tiền"; ca ve (cavalière) không phải "gái mại dâm hoặc tiếp viên nhà hàng có hành nghề mại dâm"; mặt rô (ma cô / maquereau) chưa chắc là "dân giang hồ dao búa"; bà già không phải là mọi loại máy bay cánh quạt.
Có thể trưng thêm cả lô tiếng lóng bị Nguyễn Văn Khang giải thích thiếu sót, lắm phen nhầm lẫn tới mức... phi thực! Từ ái đâu chỉ là "con trai có tính cách, cử chỉ, điệu bộ rụt dè (sic!) như con gái". Thế con gái bị gọi ái thì sao? Chẳng qua, đó là rút gọn cụm từ ái nam ái nữ nhằm chỉ trường hợp lưỡng giới tính (bisexual), có khi còn được hiểu là đồng tính ái (homosexual). Tiếng lóng ái cũng đồng nghĩa gai / bóng / pê đê / bê đê (do chữ gay và pédérastre chỉ đồng tính ái nam); chứ bê đê không phải là "giật đồng hồ". Giới xã hội đen quen gọi hành động giật đồng hồ bằng các tiếng lóng thổi đổng / bốc hồ / múc hồ / tát hồ. Từ bắt dế đâu có nghĩa "chép tài liệu vào miếng giấy nhỏ quấn lại bằng con dế mang vào phòng thi" mà chỉ động tác nhặt tàn thuốc lá. Từ chặt hẻo không trỏ mọi hình thức "chơi bài ăn tiền" mà là cách gọi một lối chơi với bộ bài tây: tiến lên. Hẻo là biến âm của heo tức con bài 2 nút. Chứ bày bài tây mà đánh xì phé, binh xập xám, dẫu ăn tiền hay không, chẳng ai gọi chặt hẻo bao giờ. Hàng tiền đạo có nghĩa dãy răng cửa, chứ chẳng phải "hàm răng hơi bị vẩu". Kết mô đen không chỉ "quan hệ yêu đương" mà nói chung là thích, khoái, muốn. Mát xi mum đâu phải "nhậu hết cỡ" mà là bất kỳ điều gì đạt tới ngưỡng cực đại, do thuật ngữ Latinh maximum (đối lập với minimum). Mì dê vốn xuất xứ bởi chữ tickler, tiếng Hoa Kỳ trỏ một dụng cụ dành cho dân chơi, còn gọi mắt trừu, chứ chẳng phải "bao cao su tránh thai".
Nhiều từ ngữ bị từ điển của Nguyễn Văn Khang ghi sai chính tả, điều khó chấp nhận đối với loại sách dùng để tra cứu. Ví như rụt dè (rè), sui (xui / rủi) thấy mồ. Nhiều tiếng lóng bị ghi không đúng hình thức ngữ âm. Chẳng hạn bá chảy (cháy / chấy), chè nghim (ghim), đam (đâm) chuột. Từ chè ghim xuất hiện bởi nói lái chìm ghe. Từ đâm chuột được diễn dịch đâm tí rồi nói lái chệch thành đi tắm. Do thiếu tìm tòi về từ nguyên, đặc biệt là những tiếng lóng có nguồn gốc ngoại ngữ hoặc được cấu tạo bởi phương thức nói lái, nên Nguyễn Văn Khang chưa giải thích đúng, đủ, đảm bảo sức thuyết phục. Đó là loạt từ đai, mo, xuya, bứt cỏ, chà đồ nhôm, hạ cờ tây, v.v.
Lại thấy bao đơn vị từ vựng lâu nay thuộc ngôn ngữ toàn dân, ai cũng biết, cũng hiểu, cớ sao Nguyễn Văn Khang đùng đùng xếp vào kho tiếng lóng? Như các từ mây mưa và gò bồng đảo vốn là các điển cố văn học mà bạn đọc quá quen thuộc qua thơ Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương. Ngay cả loạt từ ngữ bình thường, chẳng mang ý nghĩa đặc biệt và bí hiểm gì - như ấm đầu, bà xã, bộ cánh, bộ đồ vía, của quý, gà mờ, ô dù, phê, đã, quỹ đen, sa lưới, sâu mọt, tồ, trồng cây si, viêm màng túi, vượt cạn, xe ôm - mà bị Nguyễn Văn Khang dán "mác" tiếng lóng e chưa thích đáng.
Trong Việt ngữ hiện đại, tiếng lóng ngày càng có xu hướng phát triển mạnh, nhất là với giới trẻ ở các đô thị. Điều đó tạo hiện tượng được các nhà nghiên cứu đặt tên là ngôn ngữ đường phố (langues de la rue / street languages). Hiểu biết và vận dụng tiếng lóng đạt mức độ cần thiết có thể tạo nên những tác phẩm văn chương lẫn báo chí giá trị, hấp dẫn. Jacques Prévert (1900 - 1977) ở Pháp là minh chứng sinh động: thơ của ông đầy rẫy tiếng lóng, có tập được xuất bản tới hàng triệu cuốn. Giữa thời nguyên tử, "cú bùng nổ thi ca" vô tiền khoáng hậu ấy khiến thiên hạ suy nghĩ quanh câu hỏi: tiếng lóng thu hút đông đảo bạn đọc vậy ư? Với việc dịch thuật, gặp những văn bản nhất định, cũng rất cần tiếng lóng. Tiểu thuyết The Godfather / Bố già lừng danh của nhà văn Mỹ gốc Ý Mario Puzo (1920 - 1999) đã được nhiều người dịch sang tiếng Việt, song bản chuyển ngữ của Ngọc Thứ Lang thành công nhất nhờ tìm được chuỗi tiếng lóng Mỹ - Việt tương ứng.
Không những các cây bút văn chương và báo chí, mà rất nhiều ngành hoạt động khác - như kịch nghệ, truyền hình, phim ảnh, du lịch, giáo dục, pháp lý, từ thiện xã hội, v.v. - có nhu cầu tra cứu từ điển tiếng lóng. Dĩ nhiên, đó phải là pho từ điển tiếng lóng được biên soạn cẩn trọng, đàng hoàng, khoa học. Cuốn sách công cụ cần thiết kia bao giờ mới được trình làng?
(http://chimviet.free.fr/ngonngu/phanxipang/phanxipnn_tienglong.htm)Phanxipăng Đã đăng trên tạp chí Tài Hoa Trẻ từ số 172 (15-6-2001) đến số 175 (5-9-2001)
Đăng lại trên tạp chí Thế Giới Mới 869 (18-1-2010) & 870 (25-1-2010)