Cách đây mấy hôm, anh Thái Hạo, nguyên là một nhà giáo dạy Ngữ văn và hiện là một cây bút được rất nhiều người theo dõi trên mạng xã hội, có nêu một ý kiến quan trọng trên trang FB của anh ấy: Cần tách môn Văn học ra khỏi môn Tiếng Việt.
Saturday, 10 August 2024
Về tên gọi môn học Ngữ văn cũng như mô hình CT và SGK mà chúng ta đang triển khai (Bùi Mạnh Hùng)
Wednesday, 3 January 2024
Thiếu tướng đặc công kể chuyện đánh sân bay Cát Bi (Lã Quý Hưng -
Năm 1950, tôi là bộ đội quân báo của Tỉnh đội Kiến An, sau là tổ trưởng tổ trinh sát hậu địch chủ yếu ở khu vực Hải Phòng. Tháng 7-1953, tôi đang chuẩn bị cho trận đánh ở Đồ Sơn thì được điều về giao nhiệm vụ trinh sát chuẩn bị cho trận đánh sân bay Cát Bi.
Sân bay Cát Bi là sân bay lớn thứ nhất của Pháp ở Bắc Đông Dương, một cầu hàng không lớn nhất trong thời kỳ Pháp xâm lược, có trên dưới 200 máy bay các loại. Sân bay nằm sâu trong hậu phương của địch, có 3 mặt giáp sông, biển và một mặt giáp Hải Phòng, đựợc xây dựng một hệ thống bố phòng rất kiên cố. Lực lượng của địch thời điểm cao nhất tới 7 tiểu đoàn chủ yếu là Âu - Phi, lê dương, lực lượng thám báo người Việt. Xung quanh sân bay gồm 78 đồn bốt, tháp canh chia làm 3 tuyến vành ngoài, vành đai và trung tâm, 13 vị trí đề phòng tập kích phòng không, có 6 hàng rào dây thép gai bãi mìn, hàng ngàn đèn điện, mấy chục ngọn đèn pha chiếu quét làm cho sân bay đêm cũng như ngày, một con chuột nhắt chạy qua cũng bị phát hiện. Cứ 15 phút có một trung đội Âu-Phi trang bị cơ giới và chó nghiệp vụ tuần tra quanh sân bay một lần. Tất cả đặt dưới sự chỉ huy của một thiếu tướng Pháp và cố vấn Mỹ. Để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho sân bay, bọn địch đã dựng một “vành đai trắng” xung quanh. Ngoài ra, hệ thống đồn bốt dọc trục đường 14 đi Đồ Sơn cũng là một lực lượng bảo vệ sân bay chiến lược này từ xa.
Đó là tất cả những khó khăn, thử thách đối với công tác trinh sát. Tổ trinh sát gồm 4 người: tôi - Mai Năng - tổ trưởng và 3 chiến sỹ My, Hồng, Diệp. Huyện Kiến Thuỵ cử một tổ 3 đồng chí trong đó có đồng chí là uỷ viên ban thường vụ đảng uỷ xã Hoà Nghĩa sang hỗ trợ. Việc đi lại, ăn ở, sinh hoạt chồng chất khó khăn bởi chưa có một cơ sở nào của ta ở địa bàn quanh sân bay. Những ngày đầu trinh sát phải nằm ngoài bờ bụi, bãi sú. Ngày qua ngày, đêm qua đêm, hằng tháng trời chưa xây dựng được một cơ sở. Đột nhiên tối hôm đó, một gia đình đóng cửa che đèn gọi bộ đội vào cho cơm ăn. Bà cụ vừa thở vừa nói: “Mẹ biết các con về lâu rồi ”. Chúng tôi giật mình. Rồi mẹ khuyên, địch đang khủng bố dữ, hay các con tạm lánh ra vùng tự do một thời gian. Tôi cảm động và thưa với mẹ: “Cảm ơn mẹ, chúng con là cháu Bác Hồ, con của nhân dân. Nhiệm vụ của chúng con là xây dựng phong trào để giải phóng quê hương. Dù khó khăn gian khổ thế nào, chúng con cũng không thể bỏ dân mà đi được. Chúng con sẽ bám dân, bám đất cho đến ngày giải phóng”. Nghe chúng tôi bày tỏ quyết tâm, mẹ đã khóc và nói: “Từ nay các con vào, dùng ngón tay gõ nhẹ là mẹ biết”. Đó là mẹ Sàng - một cơ sở đầu tiên của tổ trinh sát ở thôn Hoà Nghĩa. Từ nhà mẹ Sàng, chúng tôi xây dựng và phát triển thêm những cơ sở mới như mẹ Tính, mẹ Vo, mẹ Tạ… Một tuần sau, mẹ Sàng bảo tôi: “Các con cứ đi đi về về thế này vất vả mà không ổn, thôi các con đào hầm bí mật trong nhà mẹ mà ăn nghỉ”. Mẹ còn giao nhiệm vụ cho anh Hàn, con trai mẹ làm nhiệm vụ canh gác cho chúng tôi. Hơn năm mươi năm trôi qua, giờ các mẹ cũng đã về nơi suối vàng nhưng hình ảnh những người mẹ yêu nước thôn Hoà Nghĩa năm ấy còn mãi trong tôi. Từ những cơ sở đó, chúng tôi nắm đựợc tình hình làm ăn của dân. Những người ra vào làm ăn ở khu vực sân bay cung cấp tình hình trong sân bay cho chúng tôi. Trên cơ sở nắm tình hình, chúng tôi chuẩn bị phương án trinh sát đột nhập, tập trung vào các điểm hàng rào, bãi mìn, đường băng, nơi đỗ máy bay, kho tàng, thông tin, trung tâm chỉ huy… Trinh sát xong, báo cáo cấp trên, tổ trinh sát đưa chỉ huy các đơn vị vào nắm tình hình trận địa, từ đó xây dựng phương án, huấn luyện chiến đấu. Cuối năm 1953, tỉnh nhất trí và lựa chọn các lực lượng đánh sân bay gồm 130 cán bộ, chiến sỹ. Mục tiêu là phá huỷ toàn bộ sân bay. Nhưng khi lực lượng vượt sông Văn Úc thì bị địch phát hiện, tàu chiến địch bắn chìm thuyền làm một số bị thương vong và bị bắt. Trận đánh phải hoãn lại.
Sau lần xuất quân bị lộ đó, tổ trinh sát đã đề xuất với cấp trên thay đổi lại phương án tác chiến, đó là “chuột nhắt chui kho, vào nhỏ ra to”. Thực hiện phương án này, tổ trinh sát của chúng tôi lại được lệnh chuyển hướng trinh sát, nắm lại tình hình. Tổ dẫn đồng chí Lê Thừa Giao chỉ huy tiểu đoàn 204 cùng vào. Trong quá trình trinh sát, tổ chức diễn đi diễn lại nhiều lần đột nhập và đã có những “sự cố” nhớ đời. Lần đầu vừa qua hàng rào một đồng chí trinh sát đá phải mìn, mìn nổ, sáng trưng một vùng, tôi đành phải kéo anh em vào trong sân bay. Địch dồn quân ra vây ngoài hàng rào, tìm không thấy gì, chúng nói với nhau: “chắc có con gì đi qua”. Lần khác vào trinh sát trạm xăng, đồng chí Hồng khi ngó đầu vào trong đã va vào một cánh cửa đánh “rầm”. Tôi đành kéo anh em trốn vào gầm máy bay. Chúng tôi nghe rõ bọn địch nói với nhau: “chắc gió to cửa sổ va vào nhau (!)”. Một tình huống khác, trời mưa dầm gió bấc, vì quá say sưa điều tra nên tổ quên cả giờ rút, đành nằm lại trong bụi cây mộc đắng, không may lại trúng một tổ kiến lửa. Gần một ngày nằm yên không nhúc nhích, tối đến, người vừa đói, mệt, toàn thân phồng dộp như bị phỏng cháy.
Sau khi hoàn tất công tác trinh sát, cấp trên quyết định tổ chức đánh. Lực lượng tham gia lần này giảm tới 2/3 chỉ gồm 32 người, 2 chỉ huy, 6 trinh sát, 24 chiến đấu viên, chia làm 2 mũi. Trang bị chủ yếu là thủ pháo, lựu đạn, tiểu liên. Ngày 3-3-1954 xuất quân ra bờ sông Văn Úc thì gặp tàu địch. Hôm sau cũng vậy. Phải thay đổi. Sáng 5-3 tới xã Hoà Nghĩa, ban ngày toàn đội hình chiến đấu xuống hầm, 19g30 đơn vị vượt qua đường 14, sông Lạch Tray. Trinh sát mở cửa, cắt dây thép, gỡ mìn đưa lực lượng vào. Đội hình chia làm hai mũi, mũi chủ yếu gồm 13 chiến đấu viên, 3 trinh sát, đánh vào khu máy bay B26, mũi thứ hai đánh vào khu máy bay trinh sát vận tải. Đúng giờ G, cả sân bay như chìm trong bão lửa, tiếng bộc phá, lựu đạn, tiếng đạn nổ hỗn loạn, máy bay địch cháy đỏ góc trời. Bọn địch sau cú choáng váng đã chống trả quyết liệt. Nhưng chúng không có cách nào dập tắt được cơn bão lửa đang tràn ngập toàn bộ sân bay! Hoàn thành nhiệm vụ, đơn vị đã rút ra ngoài an toàn.
Đây là một trận đánh chuẩn bị rất khó khăn nhưng cũng rất công phu, kỹ lưỡng, đảm bảo bí mật. Một trận đánh lớn nhất, tiêu diệt nhiều máy bay nhất, 56 chiếc chủ yếu là máy bay chiến đấu. Trận đánh đã phối hợp kịp thời, hiệu quả đối với chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: Chiến thắng trong trận đánh sân bay Cát Bi có ý nghĩa nhất đối với chiến dịch Điện Biên Phủ. Một “cầu hàng không” chủ yếu của Pháp đã bị cắt, tạo điều kiện để dân công, quân đội vào Điện Biên Phủ, giảm tối đa sự chi viện của Pháp cho căn cứ chiến lược này.
Có thể nói đây là trận đánh có ý nghĩa mở đầu, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm xây dựng lực lượng, nghiên cứu trang bị vũ khí, tìm ra cách đánh cho lực lượng đặc công, biệt động sau này. Lúc đó, 32 người đánh một sân bay, sau này ở miền Nam ta chỉ cần 1 tiểu đội. Lúc đó bình quân 2 kg thuốc nổ đánh một máy bay, sau này ta chỉ cần 200g. Và một bài học thành công rất cơ bản đó là lòng dân. Phải xây dựng đựợc cơ sở trong nhân dân làm bàn đạp để trinh sát và ém quân khi tấn công.
Đoàn chiến đấu đánh sân bay Cát Bi được nhận thư khen của Bác Hồ: Bác chúc mừng chiến công của cán bộ, nhân dân Kiến An. Bác tặng đoàn đánh Cát Bi danh hiệu “Dũng sỹ Cát Bi”. Toàn đoàn được thưởng 4 Huân chương Quân công và 28 Huân chương Chiến công.
Bản thân tôi đựơc tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và được đơn vị bình bầu là “Dũng sỹ số 1”của trận đánh, là người đã tổ chức và triển khai thực hiện xây dựng cơ sở, tạo điều kiện cho các lực lượng chiến đấu thắng lợi. Tôi còn được đồng chí Tỉnh đội trưởng tặng khẩu cạc bin, được đi dự Đại hội thanh niên dân chủ thế giới. Bài học tôi ghi nhớ: Dù tài giỏi, dũng khí đến đâu mà không có dân thì cũng khó giành thắng lợi.
… Tôi say sưa với câu chuyện của người dũng sĩ Mai Năng. Anh còn kể tôi nghe về mối tình với cô du kích vùng Tiên Lãng. Người con gái đồng bằng, mặc áo nâu non, thắt khăn mỏ quạ, bắn súng trường rất tài ấy đã phải lòng anh bộ đội trinh sát đẹp trai, hiền lành, hơn mình 6 tuổi. Anh bộ đội trinh sát gan dạ ấy cũng yêu đến si mê cô du kích đồng bằng xinh xắn, nết na. Tình yêu của họ bền chặt dần lên trong những tháng ngày chống Pháp gian khổ. Và trước hôm người tổ trưởng trinh sát Mai Năng dẫn bộ đội vào tấn công sân bay Cát Bi 3 ngày, họ đã làm đám cưới. Năm trong sáu người con của họ nối nghiệp cha, trở thành những cán bộ quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Tôi còn được biết trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thiếu tướng Mai Năng là một trong những cán bộ đặc công nước đầu tiên, tham gia chiến đấu và chỉ huy nhiều trận đánh vang dội của đặc công nước, phá huỷ trên 3.000 tàu, thuyền của Mỹ. Đoàn 126 mà Thiếu tướng là Phó đoàn đã 2 lần được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đội 1 đặc công nước mà Thiếu tướng Mai Năng từng là đội trưởng đã 3 lần được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Thiếu tướng Mai Năng cũng đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Lã Quý Hưng (ghi chép)
Hội nhà báo Thái Bình
Đường Lý Thường Kiệt - Tp.Thái Bình
Tuesday, 2 January 2024
Trích Lịch Sử Hải Phòng tập 3 (Nguyễn Văn Khánh chủ biên) từ trang 355 đến trang 358
Trang 355:
Để phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ, Tổng Quân ủy, Bộ
Tổng tư lệnh, Khu ủy và Bộ Tư lệnh khu Tả ngạn chỉ thị cho tỉnh
Kiến An tổ chức tập kích sân bay Cát Bi - một trong những sân
bay lớn nhất của Pháp ở Đông Dương nhằm triệt phá cầu hàng
không chủ yếu của địch tiếp tế cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên
Phủ. Chấp hành chủ trương của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư
lệnh, chỉ thị của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Khu Tả ngạn, ngay từ
tháng 7/1953, Tỉnh ủy, tỉnh đội Kiến An đã xây dựng phương án
tập kích sân bay Cát Bi.
Tập kích vào một căn cứ không quân thuộc loại lớn nhất của
địch ở Đông Dương, trong khi kinh nghiệm tác chiến của ta đối
với loại mục tiêu này chưa có, là một nhiệm vụ rất nặng nề đối
với quân, dân Kiến An. Nhưng với ý thức chấp hành mệnh lệnh
rất cao, từ tháng 7/1953, tỉnh đội đã huy động các chiến sĩ quân
báo đột nhập vào sân bay điều tra tình hình. Một mũi trinh sát
từ Đồ Sơn dùng thuyền vượt biển vào Đình Vũ, rồi từ đó vượt qua
bãi sình lầy vào sân bay. Nhưng do địa hình phức tạp, lương thực
hết và chưa tổ chức được cơ sở nên tổ phải rút ra ngoài. Một mũi
khác dựa vào xã Hòa Nghĩa (huyện Kiến Thụy), ven đường 14 xây
dựng cơ sở, từ đó vượt sông Lạch Tray sang sân bay. Sau hơn
bảy tháng trời ròng rã với 36 lần đột nhập vào sân bay tiến hành
trinh sát thực địa, kết hợp với các nguồn thông tin khác, các
chiến sĩ quân báo của ta đã nắm được khá chính xác tình hình
địch, các vị trí, khu tập kết máy bay, tháp canh, quy luật tuần
tra, canh gác của chúng.
Trang 356:
Công tác xây dựng cơ sở các xã ven đường 14 để từ đó vượt
sông sang sân bay được Thường vụ Tỉnh ủy được giao cho huyện
Kiến Thụy phụ trách. Huyện ủy Kiến Thụy phân công hai đồng
chí Huyện ủy viên trực tiếp xuống các xã Tân Phong, Hợp Đức,
Hòa Nghĩa làm nhiệm vụ. Nhân dân đã hăng hái giúp đỡ bộ đội,
cung cấp tình hình địch. Nhiều gia đình đào hầm bí mật ngay
trong nhà để che giấu cán bộ, bộ đội. Riêng tại xã Hòa Nghĩa, 250
căn hầm bí mật đã được chuẩn bị cho 250 đồng chí tham gia trận
đánh theo phương án chiến đấu ban đầu.
Trong khi ta đang khẩn trương chuẩn bị cho trận đánh thì
địch càn lớn. Chúng bắt được 2 đồng chí Huyện ủy viên phụ trách
việc chuẩn bị cơ sở. Các đồng chí đã hy sinh trước những đòn tra
tấn dã man của địch nhưng kế hoạch tác chiến vẫn được giữ bí
mật. Tiếp đến, trong một trận càn của địch, 2 chiến sĩ quân báo
và 1 du kích đã hy sinh.
Mặc dù bị địch càn quét khốc liệt, nhưng Tỉnh ủy xét thấy
kế hoạch tác chiến chưa bị lộ nên chủ trương tiếp tục đẩy mạnh
công tác chuẩn bị, đồng thời tổ chức tập kích sân bay Đồ Sơn để
rút kinh nghiệm cho trận Cát Bi.
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy và Khu ủy, đêm 31/01/1954,
một phân đội bộ đội địa phương Kiến An tập kích vào sân bay Đồ
Sơn phá hủy 5 máy bay, đốt cháy 1 kho xăng của địch. Qua trận
tập kích sân bay Đồ Sơn, ta có thêm nhiều kinh nghiệm chuẩn bị
cho trận Cát Bi.
Yêu cầu của Khu ủy là phải phá hoại được ít nhất 50 máy
bay, đồng thời phải bảo toàn được lực lượng, bảo đảm thắng lợi cả
về quân sự và chính trị. Qua công tác nắm tình hình địch, nhất
là từ thực tiễn của cuộc tập kích sân bay Đồ Sơn, kế hoạch tập
kích sân bay Cát Bi đã kịp thời được điều chỉnh. Lực lượng ban
đầu dự kiến là 225 người - là những cảm tử quân, chấp nhận
Trang 357:
hy sinh, nay chỉ cần sử dụng 32 người. Đánh xong phải tổ chức
cho bộ đội vượt qua 3 con sông, vượt chặng đường dài 20km rút
nhanh về Tiên Lãng trước khi trời sáng. Các chiến sĩ đã tiến
hành luyện tập các phương án đánh địch dựa trên sơ đồ bố trí các
mục tiêu. Anh em phải thực hành “bôn tập” trong đêm tối trên
các cánh đồng chiêm trũng. Mỗi đêm phải chạy 30km, tốc độ phải
đạt 7km/h, phải tập bơi có mang theo vũ khí, và bảo quản tốt bộc
phá. Về cách tiếp cận mục tiêu, thời gian đầu do chưa hình dung
cụ thể về chiều cao máy bay, anh em tập chồng hai đến ba người
để có thể gắn bộc phá vào nơi quy định. Nhưng sau trận đánh vào
sân bay Đồ Sơn, ta đã xác định chính xác chiều cao máy bay cùng
các vị trí có thể gắn hoặc treo bộc phá. Công tác bảo đảm hành
quân, tác chiến và rút lui cũng được chuẩn bị chu đáo.
18 giờ ngày 05/3/1954, lực lượng tập kích sân bay Cát Bi dưới
quyền chỉ huy của đồng chí Lê Thừa Giao và đồng chí Đỗ Tất Yến
nhận lệnh xuất phát. Vị trí tập kết của đơn vị là xã Hòa Nghĩa.
Đêm 06/3/1953, từ xã Hòa Nghĩa đơn vị băng qua đường 14 sau
đó vượt sông Lạch Tray và vùng bãi lầy rộng 4 - 5km tiếp cận
sân bay.
1 giờ sáng ngày 07/3/1953, tiếng nổ của lựu đạn và bộc phá
bất ngờ vang dội sân bay Cát Bi. Một tiểu đội Âu - Phi đi tuần
và bọn lính canh gác khu vực máy bay đỗ bị tiêu diệt tại chỗ. Số
bom đạn địch chuẩn bị sẵn trong các máy bay bị nổ tung. Bọn
địch hoàn toàn bất ngờ trước đòn tiến công của ta. Chúng tập
trung hỏa lực bắn lên không trung. Mười phút sau chúng mới
phát hiện ra sân bay bị tập kích bằng bộ binh. Xe bọc thép của
địch gầm rú chạy vòng quanh sân bay, nhưng lực lượng ta đã rút
ra ngoài an toàn.
Suốt 17 tiếng đồng hồ, sân bay Cát Bi ngùn ngụt trong biển
lửa và tiếng nổ dữ dội. Nhiều máy bay địch bị phá hủy.
Trang 358:
Chiến thắng to lớn ở Cát Bi có ảnh hưởng vang dội đến chiến
trường cả nước, cổ vũ tinh thần chiến đấu và chiến thắng của
quân và dân ta. Ngược lại, quân địch bị một đòn sấm sét bất ngờ
ở Cát Bi càng thêm hoang mang, bối rối, càng thêm khó khăn
trong việc vận chuyển tiếp tế cho các chiến trường, nhất là chiến
trường Điện Biên Phủ. Đây là chiến thắng lớn nhất về tiêu diệt,
phá hủy nhiều máy bay của địch trong cuộc kháng chiến chống
thực dân Pháp, góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử
Điện Biên Phủ của quân và dân cả nước. Chiến thắng Cát Bi là
kết quả của một quá trình chuẩn bị và tổ chức chiến đấu hết sức
công phu, đầy hy sinh, gian khổ của quân, dân Hải Phòng - Kiến
An. Chiến thắng Cát Bi là cơ sở thực tiễn đầu tiên để hình thành
cách đánh dùng lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, luồn sâu, đánh
hiểm của bộ đội binh chủng đặc công Quân đội nhân dân Việt
Nam sau này.
Ngay sau khi nhận được báo cáo về chiến thắng Cát Bi, Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện khen và tặng đơn vị tập kích sân
bay danh hiệu “Đoàn dũng sĩ Cát Bi” và Huân chương Quân công
hạng Nhất. Đồng chí Tỉnh đội trưởng Kiến An và hai chiến sĩ
quân báo được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì.
Toàn bộ cán bộ, chiến sĩ tham gia trận đánh được tặng thưởng
Huân chương Chiến sĩ (Huân chương Chiến công) hạng Nhất.
Saturday, 30 September 2023
Toàn văn bài phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin vào ngày 30 tháng 9 năm 2022
Sunday, 18 June 2023
Trăng đến rằm trăng tròn (Trịnh Nhật - Talawas)
Mới đây tôi được đọc bài "Canh tân hay thoái hóa" cuả Mai Xuân Phụng (MXP), đăng trong báo Việt Luận số 1454, Thứ bảy 19, Tháng hai, 2000, nói lên nỗi khó khăn về cách xưng hô trong tiếng Việt dưới mắt một người trẻ hải ngoại.
Tác giả bài viết, hiện là chuyên viên điện toán cuả đại công ty Telstra của Úc, đã có những nhận xét bất bình với lối xưng hô trong tiếng Việt, mà anh cho là: "thiếu văn minh và phản khoa học". Trước hết, tôi phải thành thật chia sẻ với người bạn trẻ ở chỗ là anh đã dám mạnh dạn nói lên những điều mình suy nghĩ là đúng và ở chỗ là anh có đầu óc canh tân, đổi mới những gì anh cho là hủ lậu, cản bước tiến hoá cuả dân tộc. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là những điều anh suy nghĩ có đúng không và nếu 'không' canh tân cách xưng hô trong tiếng Việt như anh đề nghị có phải là một sự thoái hoá hay không?
II. Trục trặc trong tiếng Việt
Khi đề cập đến tiếngViệt thiếu văn minh, MXP cho biết là khi tham dự buổi 'radiothon' vận động cứu trợ nạn lụt miền Trung ngày 28-11-99, anh đã: "vô cùng lúng túng, không biết xưng hô mình là gì, khi những người gọi điện thoại đến cho anh, người thì xưng là Tôi, người xưng là Con, người là Cháu, là Em". Qua kinh nghiệm bàng hoàng đó, anh đã đặt giả thuyết và bày tỏ mối lo ngại cho trường hợp một nhân viên tiếp tân cuả một đại công ty mà không biết cách xưng hô phải lẽ, lúng ta lúng túng mỗi khi mở miệng, thì sao? Để rồi anh kết luận: "Sự thật điều ấy không phải lỗi cuả nhân viên tiếp tân mà chính là cái trục trặc trong ngôn ngữ Việtnam."
1.Thiếu văn minh
Nếu thiếu văn minh (uncivilized) được hiểu là bán khai (primitive), nghĩa là chưa được phát triển đúng mức, thì không có ngôn ngữ nào bị coi là thiếu văn minh cả. Bởi lẽ ngôn ngữ này có thể đơn giản, thô thiển trong một địa hạt nào đó, nhưng lại phức tạp, tình tiết trong địa hạt khác, và ngược lại.
Tiếng Anh phức tạp hơn tiếng Việt khi mô tả sự vật giả tạo, không có thật. Tiếng Anh có vô số từ để diễn tả ý niệm 'giả' trong tiếng Việt. Thí dụ 'tiền giả' thì phải (counterfeit notes/coins), 'nữ trang giả' (imitation jewellery), 'thuốc giả' (fake pharmaceutical products), 'hôn nhân giả' (bogus/sham/fake marriage), 'giấy tờ giả' (forged/fake papers), 'chữ kí giả' (forged/fake signature), 'chân tay giả' (artificial/prosthetic limbs), 'mắt giả' (glass eye), 'răng giả' (false teeth), 'tên giả' (assumed/false name), 'cục vàng giả' (replica gold nugget), 'bức tranh giả' là (reproduction painting).
Song tiếng Anh đơn giản hơn tiếng Việt khi mô tả sự vật có màu đen. Khi muốn diễn tả cùng ý niệm 'đen' trong tiếng Việt, ta có 7 từ đồng nghiã cuả tính từ đen' tùy theo 'đen' xuất hiện, đi chung với danh từ nào. Thí dụ khi đi với 'tóc, mắt, khói,' thì là 'tóc huyền, mắt huyền, khói huyền', với 'mèo, đuã là 'mèo mun, đuã mun', với 'chó' là 'chó mực', với 'ngựa' là 'ngựa ô', với 'gà' là 'gà ô, gà ác', với 'bò' là 'bò hóng', với 'áo, quần, khăn, môi, quầng mắt' là 'áo thâm, quần thâm, khăn thâm, môi thâm, mắt thâm quầng'.
Theo tôi, tiếng Việt không thiếu văn minh, không bán khai trong cách xưng hô. Bởi vì tiếng Việt có một hệ thống, một mạng lưới (network) phân biệt tinh tế, sâu sắc mối liên hệ trong gia đình, mối tương quan giữa người và người. Cách xưng hô giữa người thân và người lạ trong xã hội Việt-nam được dựa vào nhiều yếu tố. Chẳng hạn như với người trong họ thì phân biệt vai vế trên dưới, với người ngoài thì phân biệt tuổi tác, giới tính, địa vị xã hội, tình trạng hôn phối ... Ta không thể đồng hoá sự phân loại, triển khai tinh vi với sự thiếu văn minh.
Trong ngôn ngữ Việt-nam không có gì trục trặc cả. Mà có trục trặc chăng là ở chỗ thiếu vắng cái nhận thức thông thường (commonsense) cuả người sử dụng cách xưng hô trong ngôn ngữ đó. Mà 'commonsense' tức là "cái năng khiếu tự nhiên khiến người nào có phán đoán thích ứng, có hành động thực tiễn và hợp lí" (the natural ability to make good judgements and behave sensibly) [Collins Cobuild English Dictionary, 1995]. Cụ thể cuả "cái phán đoán thích ứng, cái hành động thực tiễn và hợp lí", trong trường hợp nêu trên, là người trả lời điện thoại phải tự giới thiệu tuổi tác cuả mình, rồi xin hỏi người đối điện, hay người ở bên kia đầu dây điện thoại, một câu về tuổi tác cuả họ, trước khi tiếp tục câu chuyện. Và khi đã biết chi tiết đại loại như vậy rồi, thì sau đó cũng có thể lịch sự xin được xưng hô với nhau là Anh Em, Anh Tôi, Chú Cháu, Cô Cháu, hay Bà Cháu ... Đành rằng vấn đề hỏi tuổi tác người khác ở một xứ phương Tây là điều nên tránh, nhưng ta cũng đừng quên là trong trường hợp này chúng ta vẫn là người Việt-nam, chưa quên hết văn hoá Việt, và đang nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt. Còn nếu không muốn hỏi han tuổi tác lôi thôi, thì người bạn trẻ cuả chúng ta cũng còn có một lối thoát khác là nói cho họ biết tuổi cuả mình để họ tự quyết định xưng hô với mình sao cho phải lẽ, hoặc là mình có thể xưng là Mình, là Tôi, là tên cúng cơm cuả mình, hoặc nói trống không, nghĩa là không xưng gì hết, không cần phải dùng đến nhân xưng đại danh từ ngôi thứ nhất số ít.
Cái tế nhị, cái linh động trong tiếng Việt là thế! Và học tiếng Việt là mình phải tìm học cho bằng được cái hay, cái đẹp đó. Tiếng mẹ đẻ mà! Vả lại, ở trên đời này, cái gì ta muốn biết mà chả phải học? Môn tin học (information technology) chẳng hạn, và thiếu gì các môn học khác, kể cả môn Anh ngữ/Anh văn, còn rắc rối đến chừng nào mà nhiều người Việt ta vẫn học được huống hồ gì tiếng Việt. Chúng ta bị lúng túng trong cách xưng hô trong tiếng Việt có lẽ là vì chúng ta chưa học đến nơi đến chốn đấy thôi. Nếu chúng ta có dịp để ý suy nghĩ một chút, thì vấn đề xưng hô, trong những trường hợp đã được tác giả bài báo "Canh tân hay thoái hoá" cho là khó khăn, thật sự không khó khăn đến nỗi đáng phải đặt thành vấn đề đem thảo luận (non-issue).
Lấy thí dụ điển hình là khi người bạn trẻ cuả chúng ta nói rằng anh đã trải qua nhiều lần khi đối diện với một người mà không biết nên gọilà Bác hay là Chú vì người ấy chỉ bằng tuổi anh ruột mình thôi. Nghe kể cũng hơi lạ là tại sao người bạn trẻ lại không gọi người đối diện bằng Anh, xưng mình là Tôi hay Em, hoặc bằng Chú, xưng mình là Cháu cũng được, vì họ là người lạ và có thể họ khá nhiều tuổi hơn mình.
2. Phản khoa học
Để dẫn chứng tiếng Việt phản khoa học, MXP đưa ra bối cảnh cuả "thiếu niên 10 tuổi bị ông bà bắt gọi một em bé sơ sinh là Anh hoặc Chị và xưng mình là Em vì bé thơ kia là con cuả người bác". Anh cho biết đã chứng kiến là "người anh họ (con bác) lập gia đình với một người em ruột cuả vợ. Nếu so sánh về dòng họ, hai chị em ruột dĩ nhiên gần nhau hơn so với anh em con chú con bác, ấy thế mà người ta lí luận rằng: 'Xuất giá tòng phu' cho nên con cuả người anh vẫn giữ vai trên".
Nếu phản khoa học (unscientific) được hiểu theo nghiã là không hợp luận lí (illogical), thì không có ngôn ngữ nào được xem là hoàn toàn khoa học, là thập phần lô-gích cả. Trong cùng một ngôn ngữ, chỗ này có thể hợp lí mà chỗ khác thì không; hoặc giữa hai ngôn ngữ, chỗ này thì ngôn ngữ này hợp lí, chỗ kia thì ngôn ngữ kia hợp lí, và ngược lại.
Người nói tiếng Anh có thể cho rằng ngôn ngữ cuả họ hợp lí là khi nói đến con vật gì, đồ vật gì... nhiều hơn là một thì phải thêm s hoặc es, trong khi người nói tiếng Việt lại cho rằng tiếng Việt cuả mình mới hợp lí, vì khi đã có con số 2 hoặc 3 trước con vật ấy, đồ vật ấy thì đã rõ nghĩa rồi, việc gì phải thêm thắt lôi thôi để phân biệt số nhiều, số ít làm gì. Tiếng Anh cũng có cái vô lí nữa là khi nói: 'I couldn't care less' mà lại có nghiã là 'Tôi đếch cần quan tâm (đến chuyện đó)', trong khi lẽ ra phải có nghiã là 'tôi không kém quan tâm', tức là 'Tôi có quan tâm'. Tiếng Việt cũng không kém vô lí ở chỗ là khi nói 'Nó thiếu gì tiền' mà lại có nghiã là 'Nó có nhiều tiền'. Hay khi ta nói 'Tôi phải cho nó đi khám bác sĩ' mà lại có nghiã là 'Tôi phải cho nó đi bác sĩ để ổng/bả khám bệnh cho nó'.
Dựa vào dẫn chứng nêu trên, ta không thể đòi hỏi tiếng Việt phải có khoa học, phải hợp lí. Sự kiện ông bà bắt buộc thiếu niên 10 tuổi gọi một em bé sơ sinh là Anh hoặc Chị và xưng mình là Em vì bé thơ kia là con cuả người bác là chuyện tất xảy ra. Và chuyện con cuả người anh họ vẫn giữ vai người trên, thay vì con cuả mình, mặc dù vợ mình là người chị ruột cuả vợ cuả người anh họ, cũng là chuyện thường tình. Nếu muốn, trường hợp này cũng có thể được giải thích theo quan niệm 'xuất giá tòng phu' trong văn hoá Việt-nam như tác giả bài viết đã nêu. Mà ngôn ngữ và văn hoá, thì ai cũng biết, là hai sự kiện bất khả phân.
Song cứ thử suy nghĩ một chút thì chúng ta sẽ nhận thấy rằng chuyện chéo cẳng ngỗng như trên chỉ xảy ra ở Việt-nam, còn nếu có xảy ra ở Úc, thì cũng rất là hiếm. Ông bà nào ở Úc mà lại còn chịu khó bắt bẻ con cháu đến thế. Vả lại, ta việc gì phải xưng Em với bé sơ sinh khi trẻ không biết nghe biết nói. Trẻ con Việt-nam ở Úc đã bình đẳng đến độ chúng gọi nhau bằng tên, và tên cuả chúng lại thường khi là tên Anh, tên Úc nữa, thì lo gì phải dạy chúng xưng hô. Nếu chúng xưng hô với nhau là You là Me thì cũng tốt thôi. Ngược lại, cũng phải kể đến những trường hợp trong đó người anh, người chị con ông bác, bà bác mà ít tuổi hơn con ông chú, bà dì, thì chính họ lại tự cảm thấy muốn xưng mình là Em mà kêu những người ở vai em bằng Anh, bằng Chị.
III. Đơn giản hoá để sống còn
Theo tác giả MXP, thì ngôn ngữ (văn hoá hiểu theo nghĩa hẹp) mà muốn đem lưu truyền thì phải dễ dàng đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Anh đưa ra đề nghị là: Giản dị hoá nhân xưng đại danh từ và loại bỏ lối xưng hô Chú Bác, Cô Dì, Cậu Mợ ... với những người không phải là bà con họ hàng.
Giản dị hoá nhân xưng đại danh từ
Tác giả MXP đề nghị "giản dị hoá nhân xưng đại danh từ, đặc biệt ngôi thứ nhất, ngôi thứ hai số ít. Trong cách đối thoại hàng ngày, anh có ý kiến là ta chỉ cần xưng Tôi và gọi nhau bằng tên (nếu biết tên) hoặc Bạn cho đại danh từ ngôi thứ hai số ít. Còn danh từ Anh Em có thể chỉ sử dụng cho vợ chồng thôi... Có thể dùng You Me khi không muốn gọi Mày Tao để giữ phongthái lịch sự với người đối diện, vì gọi Mày Tao là thô lỗ, đặc biệt là các bạn trai gái đôi mươi mà gọi nhau là Mày Tao quả là chả xuôi tai tí nào".
Ngôn ngữ có tính động (dynamic) chứ không tĩnh (static). Trẻ em Việt-nam ở Úc khi nói tiếngViệt với nhau, nếu chúng xưng hô với nhau là You là Me thì cũng là chuyện tự nhiên. Không việc gì phải bắt bẻ chúng. Chính tôi và bạn bè có khi còn gọi nhau bằng 'Moi' bằng 'Toi' trong tiếng Pháp khi nói chuyện hoặc viết thư cho nhau bằng tiếng Việt. Lúc còn nhỏ ở miền Bắc, bạn bè chúng tôi thân nhau gọi nhau bằng Tớ và Đằng ấy. Khi vào trong miền Nam, lại đổi thành Già/Bồ và Tôi. Bây giờ ở Việt-nam, lối xưng hô Đằng ấy và Tớ hoặc Già/Bồ và Tôi cũng đã bớt thịnh hành. Mà bạn bè đã thân nhau, Bắc Nam gì cũng vậy, họ có thể xưng Mày Tao với nhau, đâu có gì là thô lỗ. Có thô lỗ chăng là khi hai người đang cãi nhau, đang gây gổ với nhau mà thôi. Vậy thì, tuỳ theo tình huống, ngữ cảnh mà từ hô xướng Mày Tao khi thì được dùng để chỉ thân mật, khi thì được dùng để biểu lộ thù nghịch, cũng giống như từ 'bastard' trong tiếngAnh vậy. Khi yêu thì 'you, bastard' có nghĩa là 'đồ khỉ gió', 'đồ quỉ', 'nỡm', 'thôi đi cha nội'; khi giận thì là tiếng chửi thề nghĩa là 'đồ đểu', 'đồ mất dạy', 'đồ mắc dịch', 'đồ khốn nạn'.
Tiếng Việt nó còn hay, nó còn tế nhị hơn tiếng Tây, tiếng Tầu ở chỗ khi thay đổi cách xưng hô trong liên hệ trai gái, ta có thể biết được mức độ tình cảm giữa hai người đã đi từ đâu đến đâu mà không cần phải thêm từ phụ gia chỉ thương yêu (như sweetheart, honey, darling trong tiếngAnh). Chẳng hạn như hai người mới gặp nhau thì người con trai có thể xưng với người con gái là Tôi Chị, Tôi Cô, sau thân hơn nưã thì Tôi Lan, Tôi Nga, Tôi Vân (tên người con gái), thân hơn chút nưã thì Anh Lan, Anh Nga, Anh Vân, sau cùng là đến Anh Em. Vợ chồng khi còn trẻ xưng với nhau là Anh Em là chuyện đã đành, nhưng khi đã lớn tuổi, con cái đã trưởng thành, họ thích thay đổi gọi nhau bằng Ông/Bà hay Ông nó/Bà nó, Bu nó/Thày nó, Má nó/Tiá nó, hoặc Bố thằng Tí/Mẹ thằng Tèo...
Ngôn ngữ có thay đổi hay chăng là tuỳ thuộc vào người sử dụng nó. Mình khó có thể áp đặt, bắt buộc ngôn ngữ đi theo chiều hướng mình muốn được. Hàn lâm viện Pháp đã ra chỉ thị cho dân chúng phải thanh lọc hoá (purify) tiếng Pháp cuả họ, mà đâu có được. Người ta vẫn thấy nhan nhản trên báo chí Pháp tiếng Anh được dùng xen kẽ trong tiếng Tây như le weekend, les girls ... Tiếng Anh cũng pha trộn biết bao nhiêu là tiếng Tây như coup d'état, bon appetit... mà có ai phản đối đâu.
Loại bỏ lối xưng hô Chú Bác, Cô Dì, Cậu Mợ ...
MXP đề nghị: nên nghiên cứu để loại bỏ lối xưng hô Chú Bác, Cô Dì, Cậu Mợ ... với những người không phải bà con họ hàng. Anh cho biết xã hội Việt-nam có nhiều kẻ tâng bốc, sinh ra tình trạng lộng ngôn, ai cũng gọi là Bác, là Chú, là Thầy, là Sư phụ ... Nhưng song song với sự lộng ngôn thì cũng có sự tiến bộ là không ai gọi Bác Nguyên Sa, Bác Bùi Giáng, Bác Phạm Duy, Bà Thái Thanh, Cô Khánh Ly ... mà trước mặt cũng như sau lưng họ, chúng ta chỉ gọi bằng tên mà thôi. Và gọi bằng tên, như gọi Cung Tiến, Thuận Văn, Lệ Hằng..., không có tiếp đầu ngữ Bác, Bà hoặc Cô, là bình đẳng, là tôn trọng họ và chắc là họ hài lòng.
Trong văn hoá Việt-nam, sử dụng đúng lối xưng hô để gọi người này là Chú, Bác, Thầy, là Sư phụ là một hình thức tôn kính, trọng nể người khác và cũng là một hình thức tự trọng. Vì thế, không thể nói đó là một sự lộng ngôn, một hình thức tâng bốc và được sử dụng bừa bãi. Chúng ta không những gọi người khác là Chú, Bác, Thầy là vì họ đáng tuổi Chú, Bác cuả mình, họ đáng được kính trọng như bậc Thầy cuả mình, mà còn gọi họ thay cho lối gọi cuả con cái mình. Khi được học trò gọi mình là Thầy, là Cô thì, bằng một hình thức không kém tôn trọng, thầy cô giáo cũng thường gọi học trò là Anh, là Chị? Miền Nam, khi gọi người khác là Thày như trong Thày Hai, Thày Tư thì thực sự cũng chỉ có nghĩa tương tự như tiếng Ông được dùng ở miền Bắc mà thôi. Khi gọi ai là Sư phụ hay chào ai là Sư phụ, chúng ta đâu có nhất thiết là tâng bốc người đối diện, mà đôi khi còn có ý nói nửa đuà nửa thật cho vui.
Chúng ta nghĩ sao nếu một hôm đẹp trời nào đó tới nhà người bạn chơi mà con cái người bạn mình xưng tên cuả chúng, rồi gọi mình bằng tên mà không có từ hô xướng Chú Bác, Cô Dì, Cậu Mợ? Hỏi tức là trả lời. Kể cũng phải nói thêm là có những trường hợp, mặc dù không phải bà con họ hàng, mà người Úc cũng có những người dạy con cái gọi bạn bè mình là Uncle, là Aunt, nghĩa là Chú Bác, Cô Dì, Cậu Mợ.
Riêng đối với các nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ, chúng ta có thói quen khi nhắc đến họ, nghiã là sau lưng họ, ta 'thường' gọi họ bằng tên, nhưng tôi không hoàn toàn tin rằng, trước mặt họ, chúng ta cũng 'chỉ' gọi họ bằng tên mà thôi. Điển hình là trong cuộc phỏng vấn nhạc sĩ Xuân Tiên trên đài SBS Radio cách nay ít lâu cùng với cô Ngọc Hân, tôi thấy mình khi thì gọi nhạc sĩ lão thành, tuổi đã gần bát tuần, này bằng Ông, khi thì gọi bằng Bác, xưng mình là Tôi hoặc Chúng tôi. Còn cô Ngọc Hân, lúc thì gọi ông là Nhạc sĩ, lúc thì gọi bằng Bác, và xưng mình là Ngọc Hân. Ngoài đời, vì có chút thân tình kết nghĩa anh em, tôi có lúc đã gọi nhạc sĩ Xuân Tiên là Bác, là Anh và xưng mình là Em. Vì lí do đó, tôi không tin là một kí giả trẻ cuả báo Việt Luận khi phỏng vấn nhạc sĩ Cung Tiến lại cứ gọi Cung Tiến là 'Cung Tiến', suông như thế, mà không có tiếp đầu ngữ Bác hay Chú. Và tôi lại càng không tin là, trước mặt người nhạc sĩ đã ngoài lục tuần này, cứ gọi ông xách mé như thế là bình đẳng, là tôn trọng ông, là ông hài lòng.
IV. Kết luận
Phải nhìn nhận là cách xưng hô trong tiếng Việt có rắc rối, có khiến người ta lúng túng trong quan hệ giao tế, nhưng nếu có để ý học hỏi mà biết sử dụng đúng nơi, đúng chỗ, đúng đối tượng thì nó lại là một lợi thế, một hình thức ứng xử dễ được người đối diện yêu mến, nể trọng. Ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng ta tế nhị là thế! Thành công của chúng ta ở đời cũng là nhờ ở chỗ đó!
Giống như mọi ngôn ngữ khác, tiếng Việt không thiếu văn minh, không phản khoa học. Chúng ta 'không' cần canh tân cách xưng hô trong tiếng Việt, không cần phải đơn giản hoá nó, bởi vì ngôn ngữ có tính 'động', nếu người sử dụng nó không thấy thoải mái là tự họ sẽ thay đổi, không ai cản trở và áp đặt gì được, đặc biệt là đối với những người Việt đang sống tại hải ngoại. Xã hội Việt-nam không thể thoái hoá vì xã hội này vẫn duy trì được cái tôn ti trật tự đã có từ ngàn xưa qua lối xưng hô ẩn tàng trong một nền văn hoá lâu đời. Có điều là để cho lối xưng hô này còn tồn tại được ở nước ngoài, thì những bậc phụ huynh, kể cả ông bà, chú bác, cô dì, cậu mợ... chỉ nên khuyến khích, nhẹ nhàng chỉ bảo con cháu mình học được nhiều chừng nào tốt chừng ấy, thay vì bắt bẻ chúng mỗi khi chúng phạm lỗi.
Có như thế thì ta mới hi vọng là 'trăng đến rằm trăng tròn!'
Sydney, 17-3-2000
Nguồn: Talawas
Sunday, 11 June 2023
Phan Cự Đệ - nhà phê bình xã hội học mác xít (Trần Đình Sử)
PHAN CỰ ĐỆ – NHÀ PHÊ BÌNH XÃ HỘI HỌC MÁC XÍT
Giáo sư Phan Cự Đệ (1933 – 2008) thuộc vào thế hệ những người xây nền dắp móng cho ngành nghiên cứu văn học mác xít Việt Nam non trẻ, hình thành sau cuộc đấu tranh phê phán đánh đổ hết các bậc thầy trong vụ án “Nhân văn – Giai phẩm” năm 1956. Ông là nhà nghiên cứu văn học bám sát các nguyên lí mác xít và các chỉ đạo của Đảng, xem văn học là một hình thái ý thức xã hội đặc thù, là công cụ đấu tranh giai cấp, và nghiên cứu văn học thì phải phục vụ cho công cuộc đấu tranh xã hội. Ông là nhà nghiên cứu xã hội học mác xít tiêu biểu nhất trong nghiên cứu, phê bình văn học thời kì này.
Phan Cự Đệ quê ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An trong một gia đình có truyền thống nho học. Sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp năm 1957, ông được giữ lại làm cán bộ giảng dạy, chuyên trách về văn học hiện đại. Ông là một người có sức làm việc bền bỉ, kiên trì, quyết liệt, có niềm tin sắt đá và có nhiều thành quả, được dư luận một thời ghi nhận. Nhưng đối với tác phẩm cũng như con người ông đương thời vẫn có một luồng đánh giá khác. Trong 40 năm cầm bút ông đã lần lượt cho công bố 25 đầu sách độc lập lớn nhỏ, và hơn 200 bài báo gồm nhiều thể loại: sưu tầm, giới thiệu, khảo cứu, chân dung, lời tựa. Các công trình của ông được in lại sau thời Đổi mới đều đã được sửa chữa, bổ sung, có môt diện mạo khác hơn so với lần xuất bản đầu. Một nghiên cứu so sánh các sửa chữa sẽ cho thấy ông muốn khắc phục bớt những nhận định cực đoan, gay gắt một thời để theo kịp đà tiến bộ xã hội. Ở đây chúng tôi chỉ điểm qua một số công trình chính của ông để thấy khuynh hướng nghiên cứu và phương pháp cơ bản của ông đương thời.
Các công trình khoa học lớn của ông đều lấy các tư tưởng của Trường Chinh trong Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt nam hoặc các bài báo cáo kháclàm kim chỉ nam. Phong trào thơ Mới (1966, 1982, 1997) là chuyên luận thứ nhất viết theo quan điểm mác xít về phong trào thơ Mới, sau cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh. Chuyên luận này chủ yếu vận dụng các tiêu chí chính trị để đánh giá thơ mới. Sách có 7 chương, trừ 3 chương đặt vấn đề, chương kết luận, chương lịch sử phong trào, còn 4 chương gồm: “Quan điểm mĩ học của thơ Mới”, “Con đường bế tắc của chủ nghĩa cá nhân”, “Những mặt tích cực và tiến bộ”, “Một số vấn đề về nghệ thuật”. Ông xuất phát từ nhân định thơ Mới như là thơ ca “thoát li đời sống”, tuy cũng đề cập tới quan niệm thẩm mĩ của thơ Mới, nhân tố yêu nước tiến bộ của phong trào thơ này, song cả cuốn sách tập trung phê phán “tác hại của thơ Mới” như một chủ đề ý thức hệ. Ông phê phán những ai “đề cao một chiều” thơ ca này, “đề cao quá mức, thổi phồng những thành tựu”, mà “chưa thấy hết những ảnh hưởng tiêu cực của phong trào thơ mới”. Ông xem thơ Mới chỉ là thơ lãng mạn “đắm chìm trong tháp ngà”, “đề xướng một cái tôi to tướng, đi lù lù giữa cuộc đời và ném đã vào những người xung quanh”. Thơ này “chủ yếu là tiếng nói của giai cấp tiểu tư sản”, “không thuần nhất và thế giới quan tiểu tư sản biến động rất phức tạp”. Người ta thấy rõ, đó là tiêu chí chính trị, giai cấp luận, không phải là các tiêu chí chủ yếu để đánh giá một phong trào thơ ca. Có thể nhận thấy toàn bộ sự phân tích của ông nhằm minh họa các nhận định có sẵn về thơ ca lãng mạn, thoát li, hoặc minh họa các nhân định về yêu nước, tiến bộ của Trường Chinh trong bài báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam năm 1948, bởi đích đến của toàn bộ công trình không có gì khác với các kết luận đã có sẵn ấy. Phần nghệ thuật, ông nói “một nền thơ mới trên cơ sở truyền thống thơ ca cũ” cũng không cho thấy cuộc cách mạng trong thi ca. Có thể nói thời đại chỉ trang bị cho Phan Cự Đệ các quy phạm chính trị để đọc văn học, chứ chưa trang bị tri thức nghệ thuật dể đọc nghệ thuật, cho nên ông chưa nhìn ra các sáng tạo của thơ Mới. Ông nhìn nó qua lăng kính của nội dung của thơ lãng mạn nói chung, mà Marx và Engels cũng đã bàn đến, cho nên không thấy được đặc trưng của nó như là thơ của tiếng Việt. Ông cho thơ Mới là một “một bước tổng hợp mới thơ phương Tây và phương Đông”, quan niệm này cũng không thỏa đáng, bởi tổng hợp như thế là cải lương, không đổi mới, bởi đổi mới thì phải phủ nhận cái cũ. Vì ngay ở Trung Quốc người ta cũng từ bỏ thơ cổ, làm thơ bạch thoại như Hồ Thích, Quách Mạt Nhược, Từ Chí Ma, Tang Khắc Gia…Có thể nói việc lấy các quan điểm chính trị công thức đương thời làm cơ sở nghiên cứu vốn là thông lệ một thời đã hạn chế rất nhiều đến cách hiểu nghệ thuật thơ ca của tác giả.
Chuyên luận thứ hai đồ sộ của Phan Cự Đệ, bao quát nửa thế kỉ văn học với hàng trăm tác giả và nhiều trăm tác phẩm có tên là Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, 2 tập gồm 800 trang, xuất bản lần lượt T. 1 năm 1974 và T. 2 năm 1975. Theo tác giả, đây không phải là công trình văn học sử, mà là công trình lí thuyết. Tuy vậy ông vẫn dựng lên ba dòng tiểu thuyết hiện đại Việt nam từ chủ nghĩa lãng mạn, qua chủ nghĩa hiện thực phê phán đến chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Tiếng là viết về tiểu thuyết Việt nam hiện đại, nhưng trọng tâm là tiểu thuyết hiện thực xã hội chủ nghĩa, còn tiểu thuyết lãng mạn và tiểu thuyết hiện thực phê phán chỉ là vật đối trọng để thấy tính ưu việt của tiểu thuyết hiện thực xã hội chủ nghĩa. Cuốn sách được viết trong sự ảnh hưởng của lí luận xô viết, một lí luận không mấy quan tâm thể loại, mà chỉ quan tâm đến phương pháp sáng tác, nhân vật điển hình và hoàn cảnh điển hình. Lí luân này dựa trên phản ánh luận, mà phản ánh luận thì xem mọi văn học đều có khuynh hướng hiện thực chủ nghĩa, chủ nghĩa lãng mạn thoát li có nghĩa là không phản ánh hiện thực, chủ nghĩa tự nhiên thì không điển hình. Ví thế bố cục cuốn sách gồm 4 phần. Phần 1 nói về quá trình hình thành tiểu thuyết hiện đại Việt Nam, phần 2 nói về vấn đề điển hình hóa trong tiểu thuyết hiện đại, phần 3 những vấn đề thể lọai của tiểu thuyết, phần 4 nói về lao động của người viết tiểu thuyết. Thực ra phần 4 cũng nói về đặc trưng thể loại. Tiểu thuyết là một thể loại văn học lâu đời và hết sức đa dạng, chưa hoàn thành, rất phức tạp. Hiện vẫn chưa có định nghĩa nào được phổ biến chấp nhận. Nhìn qua bố cục ta thấy tác giả quan tâm trước hết đến tính điển hình, một vấn đề nội dung, mà nội dung này chỉ thuộc vào một loại tiểu thuyết hiện thực (lãng mạn là cái bóng phản chiếu ngược của nó), tức là thu hẹp thể loại vào ba khuynh hướng sáng tác. Còn có nhiều loại tiểu thuyết khác chưa được nói tới. Vấn đề điển hình thực chất là vấn đề phương pháp sáng tác, một vấn đề có ý nghĩa xã hội học của lí luận xô viết, không phải vấn đề của thể loại. Vấn đề thể loại thì chủ yếu ông nói đến tính văn xuôi, tính tổng hợp, tính đa phong cách và đa thanh. Các tính chất này hình thành trong lịch sử, ở những tiểu loại khác nhau, đem gộp chung vào một chỗ có phần bất tiện, bởi có tiểu thuyết đơn thanh, độc thoại, không đa thanh. Vấn đề tranh luận tiểu thuyết cũ, mới, chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Vấn đề xây dựng nhân vật và kết cấu, cốt truyện tiểu thuyết đặt trong phần lao động của nhà văn với việc xây dựng thế giới quan và vốn sống, một vấn đề có tính chất chính trị, mà không thấy đó là các vấn đề hình thức quan trọng của tiểu thuyết, cho nên, cũng không có vấn đề người kể chuyện, không có vấn đề điểm nhìn trần thuật. Không thể đòi hỏi tác giả có một cách viết khác, vì như vậy là đòi hỏi phi lịch sử, nhưng các nhận xét trên cho thấy giới hạn nghiên cứu văn học của một thời mà ông vừa không thể thoát khỏi, vừa không thể tiếp cận. Nhà nghiên cứu Việt nam lúc ấy vừa hiểu biết rất hạn chế lại vừa lên gân chống lại đủ thứ di sản tiến bộ mà mình không với tới.
Đi sâu vào các trang phân tích các tác phẩm cụ thể trước 1945, ta có thể bắt gặp những định luận mác xít một thời, ví như “Tiểu thuyết Tự lực văn đoàn về bản chất mang màu sắc tiêu cực và thoát li”[1] (tr.57), “đề cao những quan điểm nghệ thuật suy đồi” (tr.59), “nghệ thuật vị nghệ thuật” (tr.60), trong tiểu thuyết của họ “sự vận động của tâm lí không thực sự bắt nguồn từ sự vận động lịch sử khách quan” (tr. 67), Vũ Trọng Phụng, Tô Hoài, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao “chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa tự nhiên” (tr. 111), Nguyễn Công Hoan,Vũ Trọng Phụng thì “tiếng cười vô chính phủ, cười lung tung”, truyện Chí Phèo “cốt truyện và tuyến nhân vật hãy còn đơn giản” (tr. 123). Có thể thấy phần nhiều các nhận định mang tính chất công thức hoặc minh họa cho những nguyên lí đã có trước, các ý kiến của các nhà kinh điển hoặc nhà lãnh đạo. Vì thế nhiều chỗ tính chất xã hội học rất rõ. Phân tích tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, tác giả chê trách nhà văn “không đặt vấn đề đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Những màu sắc của chủ nghĩa cải lương Hồ Biểu Chánh đều mang tính chất bảo thủ, phản động, nó gây cho thanh niên những ảo tưởng nguy hiểm, khiến họ thoát li cuộc đấu tranh cách mạng để giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc”[2]. Nói thế thì khác nào trách nhà văn không đi theo lí tưởng cộng sản, không có lập trường mác xít một cách phi lí. Tác giả dựa vào các tiêu chí của văn học xã hội chủ nghĩa để phê phán các nhà văn thuộc trào lưu khác. Chỉ một ví dụ này cũng cho thấy được phương pháp nghiên cứu của tác giả. Chương 3 Sư phát triển mạnh mẽ của tiểu thuyết hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tác giả vừa trình bày biểu dương tiểu thuyết HTXHCN Việt Nam, vừa phê phán kịch liệt các khuynh hướng Nhân văn – Giai phẩm, vừa đánh giá các tác phẩm như truyện ngắn của Kim Lân, tiểu thuyết Mười năm của Tô Hoài, Mở hầm của Nguyễn Dậu, Vào đời của Hà Minh Tuân, Phá vây của Phù Thăng, Những người thợ mỏ của Võ Huy Tâm, các tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan, đả phá quan niệm “con người bình thường”, “con người phổ biến”. Ông chê tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng thiếu các nhân vật trưởng thành từ giai cấp công nông (tr.361). Tác giả tỏ ra có khuynh hương xem văn nghệ là minh họa chính trị khi phê bình Nguyễn Đình Thi trong Vỡ bờ khi thể hiện các nhân vật “đã không làm rõ vai trò lãnh đạo của thành ủy và ủy ban khởi nghĩa, công nhân, nông dân chỉ là cái bóng mờ” (tr. 245). Trong sách cũng có những đoạn ca ngợi sự lãnh đạo văn nghệ của đảng mà người ta có thể nghĩ là “phê bình xu phụ”. Phần ba bàn về tính điển hình trong tiểu thuyết. Khái niệm “điển hình” là loại nhân vật mà tính cách có tính phổ biến, tên nhân vật trở thanh danh từ chung, là “người lạ quen biết” có tính toàn nhân loại. Từ V. Bielinski đến M. Gorki điển hình dùng cho nhiều loại văn học. Đến khi phát hiện giữa thế kỉ XIX F. Engels nói “tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình” là nói nhân vật phải tiêu biểu cho tính cách giai cấp trong lịch sử, nó liền trở thành phạm trù có tính xã hội học trong tiểu thuyết hiện thực chủ nghĩa, phản đối tính nhân loại siêu giai cấp. Nêu vấn đề điển hình hóa trong tiểu thuyết lãng mạn như Phan Cự Đệ, hoặc là quan niệm điển hình của ông có vấn đề, hoặc là việc làm của ông thiếu công bằng, vì chỉ cốt nêu cái yếu của sáng tác này khi nhân định: “do hạn chế về thế giới quan và phương pháp sáng tác các nhà văn lãng mạn tiêu cực và suy đồi ở việt Nam hầu như không thực hiện được yêu cầu của điển hình hóa”[3], trừ Gió đầu mùa, Nửa chừng xuân, Đoạn tuyệt. Ba tác phẩm này trên thực tế yếu tố hiện thực rất đậm, nếu coi là tác phẩm hiện thực có yếu tố lãng mạn cũng không sai. Phân tích tính điển hình của nhân vật chị Dậu (Tắt đèn) lẽ ra có thể chê nhân vật bị lí tưởng hóa, trải qua nhiều biến cố mà không bị biến đổi, vẫn luôn xinh đẹp để các quan mê, thì lại chê “thiếu cá tính” (tr. 297), còn phân tích nhân vật Chí Phèo thì khen cá tính hóa cao độ, nhưng chê Chí “chưa thật tiêu biểu cho đại bộ phận nông dân lúc bấy giờ”, tức thiếu tính điển hình (tr.304), chỉ xem Chí Phèo là vấn đề nông dân, không phải vấn đề thân phận (tr. 301), ông chỉ xem bản chất giai cấp, chứ không quan tâm bình diện nhân loại. Xem Giông Tố “không vượt qua được bi kịch của một gia đình”, tức là chưa điển hình, mà còn có tính tự nhiên chủ nghĩa. Ông chê các nhà hiện thực phê phán Việt Nam “chưa miêu tả được cuộc đấu tranh tự giác dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân” (tr. 340). Đáng lẽ phải phân tích tác phẩm văn học rồi khái quát lên đặc điểm của chúng, thì Phan Cự Đệ lại đem văn học so với khái niệm lí luận để chứng minh sự yếu kém của nó. Rõ là tác giả đã gọt văn học cho vừa khung lí luận! Đến chương viết về Vấn đề điển hình hóa trong văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa tác giả không dựa vào một nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa nào làm cơ sở để khái quát, mà dựa vào truyền thống ưu tú của văn học và nhân loại để nêu lên những cái “nên” mà văn học phải theo: nào tính khái quát lớn, tính dân tộc, nào giá trị nhận thức, nào tính tạo hình, nào tính lí tưởng, tính tự giác, tính triết lí, đạo đức. Nó khá mơ hồ, chung chung. Tất nhiên, khi phân tích về tiểu thuyết hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam đương thời tác giả Phan Cự Đệ cũng không khen một chiều, ông vẫn thấy được những mặt hạn chế của chúng. Có thể xem các chương trên là viết về nội dung, từ Phần ba mới đi vào hình thức thể loại. Có lẽ do hình thức phải đi sau nội dung.Về đặc trưng thể loại tiểu thuyết, mặc dù tác giả đã rất cố gắng, nêu lên nhiều biểu hiện hình thức của tiểu thuyết hiện đại, song ông vẫn chưa nêu rõ đặc trưng của tiểu thuyết. Ngày nay người ta phân biệt tiểu thuyết như là thể loại tự sự phi quy phạm, bao gồm ba điểm mà M.Bakhtin đã nêu[4], giúp phân biệt tiểu thuyết với sử thi và các thể loại tự sự tiền tiểu thuyết. Do đó khi đã bàn về tiểu thuyết thì không cần bàn đến các thể loại truyện văn xuôi trước nó nữa. Tuy nhiên, Phan Cự Đệ và các học giả lúc ấy đã đi theo Hegel mà lẫn lộn tiểu thuyết với sử thi, gọi tiểu thuyết là “sử thi tư sản” một cách sai lầm, bởi đã là tiểu thuyết thì nó phản sử thi, chứ không thể ôm sử thi vào mình, trừ phi, đó là tiểu thuyết sử thi với các quy phạm mới. Đó là chưa kể, tiểu thuyết hiện thực xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là tiểu thuyết Liên Xô, theo nhà nghiên cứu Ucraina E. Chernoivanenko, đại học Odessa, thì tiểu thuyết hiện thực xã hội chủ nghĩa trên thực tế đã lại quay về thể loại tiền tiểu thuyết với các yêu cầu của tu từ học quy phạm mới, kiểu như thể hiện con người mới, tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình, tính đảng cộng sản, chủ nghĩa anh hùng, ca ngợi cao cả, mang tư tưởng xã hội chủ nghĩa, sự phát triển trong tiến trình phát triển cách mạng. Với các yêu cầu đó tiểu thuyết hiện thực xã hội chủ nghĩa trên thực tế đã gần với sử thi mà xa rời tiểu thuyết, suy giảm chất tiểu thuyết[5]. Vào thời của mình, Phan Cự Đệ và phần đông học giả chưa biết đến điều này, cho nên việc bàn đến các phương diện hình thức và nội dung tiểu thuyết đều đã rất lỗi thời. Chẳng hạn, ông viết: “Với nội dung của nó, tiểu thuyết có thể gọi là hình thức sử thi lớn, hình thức tự sự có đề tài cỡ lớn”[6].Thì ở đây ông đã nêu ra ít nhất hai quy phạm mới: hình thức sử thi cỡ lớn, hình thức tự sự có đề tài cỡ lớn. Nếu nhà văn viết cỡ vừa và nhỏ, không theo đề tài lớn thì sao? Các quy định như thế đều xa lạ với tiểu thuyết. Các tranh luận giữa các nhà lí luận Liên Xô với các nhà tiểu thuyết mới Pháp cũng đã thành câu chuyện lịch sử. Sau khi Liên Xô sụp đổ thì chúng không còn ý nghĩa gì nữa. Phần bốn của cuốn sách viết về việc bồi dưỡng thế giới quan Mác Lênin, phong phú vốn sống, các quy định về nhân vật, các kiểu kết cấu đều không hợp với tinh thần của thể loại. Phần viết về ngôn ngữ cũng thế, chưa có ý niêm về ý thức đa ngữ, lời người khác…Khi viết chuyên luận này, Phan Cự Đệ đã biết đến công trình Sử thi và tiểu thuyết của M. Bakhtin cũng như công trình Cội nguồn của tiểu thuyết (1963) của Vadim Kozhinov, nhưng ông đi theo con đường khác. Chúng tôi nêu điều này không nhằm đòi hỏi tác giả phải theo Bakhtin hay Kozhinov, mà chỉ muốn nói, lí thuyết của ông thời đó đã lỗi thời so với lí luận của Liên Xô.
Khi phân tích những nhược điểm của các sáng tác tiểu thuyết tác giả đều quy về nguyên nhân yếu kém về thế giới quan và vốn sống chung chung, mà không chỉ ra được nguyên nhân cụ thể trong từng trường hợp. Nhà phê bình văn học Ngô Thảo đương thời đã phê bình lối nghiên cứu máy móc, cơ giới, chỉ ra hàng ba chục lần tác giả đã dùng đến yếu tố thế giới quan và vốn sông để lí giải tình trạng chất lượng của tiểu thuyết.[7] Qua hai công trình lớn nêu trên, có thể thấy tính chất chính trị hóa văn học, khuynh hướng minh họa, máy móc, xã hội học khá nặng, làm giảm sút nghiêm trọng tính chất khoa học của công trình. Chính do những công trình loại này với uy tín của nó đương thời đã tạo nên bầu không khí xã hội học tràn ngập văn đàn. Phát biểu một ý kiến khác với các nhận định có sẵn, có thể sẽ bị ai đó phát hiện và gặp khó. Cách tốt nhất để an tòan là nói theo một chiều, lại được tiếng là trung thành kiên định với đường lối trên mặt trận tư tưởng, mà như thế thì cũng tự làm suy giảm tư cách nhà nghiên cứu của mình. Nói chung nhà nghiên cứu thời đó chưa có được tính độc lập tự chủ, nhưng Phan Cự Đệ thì quá tích cực nhập cuộc. Ngày nay, những ai muốn hiểu “tiểu thuyết Việt Nam hiện đại” là gì, thiết nghĩ là phải vượt qua các nhận định cũ như thế để tiến hành nghiên cứu lại theo cách tiếp cận khác.
Trên đây chỉ đề cập tới hai chuyên luận có tính lí thuyết của nhà nghiên cứu. Với tư cách là người nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại, công trình của Phan Cự Đệ rất phong phú, thể hiện sức lao động bền bỉ và đóng góp to lớn đáng nể phục của ông. Ông cùng Hà Minh Đức biên soạn tập Nhà văn Việt Nam hiện đại (1945-1975), hai tập[8], 1254 trang, gồm 29 tác giả trong hai cuộc kháng chiến. So với sách Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan thì ít hơn 50 người, mà phạm vi thì bao gồm cả các đồng chí lãnh đạo có làm thơ như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Xuân Thủy, Lê Đức Thọ. Nghiên cứu tiểu sử học đã thành truyền thống của Việt Nam. Tính chất chính trị của tập sách rất đậm. Phan Cự Đệ còn sưu tập, làm tuyển tập, toàn tập, viết lời nói đầu sách cho các nhà văn tầm cỡ như Ngô Tất Tố, Đặng Thai Mai, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Bùi Hiển, nó chứng tỏ ông là nhà nghiên cứu có uy tín và một vốn văn học rất uyên bác.
Cùng với nghiên cứu, Phan Cự Đệ còn là một nhà phê bình văn học đương đại. Ông đã viết về rất nhiều hiện tượng văn học gây tranh cãi của thời đại mình. Viết về Từ ấy của Tố Hữu, ông phê phán những ai xem Tố Hữu là người chịu ảnh hưởng của thơ Mới. Ngày nay có lẽ ai cũng hiểu ảnh hưởng là chuyện thường, Phan Cự Đệ phủ nhận ảnh hưởng, ông muốn chứng tỏ, lập trường giai cấp khác nhau thì không thể ảnh hưởng nhau. Ông phê bình mạnh mẽ tiểu thuyết Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi nặng về chất tiểu tư sản, ông khẳng định nhiệt tình tiểu thuyết Vùng trời của nhà văn Hữu Mai. Đề cao các sáng tác của Nguyễn Khải, Anh Đức, Phan Tứ, Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Thi. Phan Cự Đệ thuộc lớp nhà phê bình có khả năng áp đặt khuynh hướng phê bình của mình cho dư luận.
Là nhà lí luận, ông đề xướng phương pháp phê bình văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, nhấn mạnh tới quan điểm mác xít, đối lập gay gắt với các phương pháp phê bình văn học khác.
Vào thời kì đổi mới ông cũng là người đấu tranh quyết liệt chống khuynh hướng gọi là “phủ định văn học cách mạng”, trong khi chính các nhà văn như Nguyễn Minh Châu đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn học minh họa. Sau thời đổi mới ông chuyển sang sưu tầm, nghiên cứu văn học trước 1945. Ông có cuốn Tự lực văn đoàn, con người và văn chương, thái độ không còn gay gắt như thời viết Phong trào thơ mới và Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại và sự đánh giá có phần thỏa đáng và trân trọng hơn. Ông cũng sưu tầm nghiên cứu về Hàn Mặc Tử, một hiện tượng thơ độc đáo, thách thức mọi phương pháp tiếp cận và xa lạ với lí tưởng văn học của ông. Nó cho thấy tuy theo mác xít thì ông phải phê phán, mà trong thâm tâm thì ông yêu thích văn học lãng mạn.
Là nhà giáo ông đã viết các Giáo trình lịch sử văn học Việt nam giai đoạn 1930-1945. Trong giáo trình ông cũng xem sự kiện chính trị có tính chất quyết định. Năm 2004 ông còn chủ biên sách Văn học Việt Nam – lịch sử và lí luận. Ông và các cộng sự đã bàn đến các vấn đề như trào lưu khuynh hướng văn học, sự phân loại tiểu thuyết, truyện ngắn, kí, thơ, kịch, phê bình và ngôn ngữ văn học. Phần viết của ông có thiên hướng về nghiên cứu thi pháp thể loại, chứ không phải xã hội học như trước. Ông vẫn bàn về đặc điểm thể loại của tác phẩm Nguyễn Minh Châu thời đổi mới, tỏ ra có sự hiểu biết sâu sắc về thể loại tiểu thuyết. Trong những năm cuối đời ông tổ chức Câu lạc bộ giáo lưu văn hóa kinh tế quốc tế do ông làm chủ tịch, có những đóng góp nhất định, gop phần mở rộng giao lưu.
Hà Nội ngày 26 – 5 – 2022
[1] Phan Cự Đệ, Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, tập 1, Nxb Đại học và THCN, Hà Nội, 1974. Số trang ghi trong ngoặc đơn.
[2] Phan Cự Đệ, Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, tập 1, Nxb Đại học và THCN, Hà Nội, 1974, tr. 36 – 37.
[3] Phan Cự Đệ, tài liệu đã dẫn, tr. 290.
[4] Trong bài Sử thi và tiểu thuyết Bakhtin nêu ba điểm sau: ý thức đa ngữ, hệ tọa độ thời gian mới, tiếp xúc tối đa với cái hiện tại. Ba đặc điểm đó đối lập với mọi tu từ quy phạm. Do đó, truyện không bắt buộc phải viết bằng thơ, có nhiều hình thức ngôn ngữ, nhân vật không nhất thiết phải anh hùng, tư tưởng không nhất thiết phải cao cả, nhân vật không được bất biến, hình thức không bị đông cứng. (Những vấn đề văn học và mĩ học, M., 1975, tr. 454-455.
[5] E. M. Chernoivanenco, Tiến trình văn học trong ngữ cảnh văn hóa- lịch sử của nó, Nxb Maiak, Odessa, 1997.
[6] Phan Cự Đệ TLDD, tập 2, tr. 134.
[7] Ngô Thảo, Về một vấn đề thuộc phạm vi phương pháp trong lí luận, nghiên cứu văn học hiện đại, Tạp chí văn nghệ quân đội, số 4 năm 1979. Tr. 123-131.
[8] Tập 1, 1979, Tập 2 năm 1983.
(https://trandinhsu.wordpress.com/2022/06/27/phan-cu-de-nha-phe-binh-xa-hoi-hoc-mac-xit/)