Showing posts with label đường bộ. Show all posts
Showing posts with label đường bộ. Show all posts

Sunday, 4 December 2022

Ét nào là ét nào ?

 


 

Người phụ xe, tiếng Pháp là aide-chauffeur, trong tiếng Việt còn được gọi là ét ô tô / ét tài xế / ét xe hơi. Aide tiếng Pháp chuyển sang tiếng Việt thành ét.

Aide
tiếng Pháp còn có nghĩa là trợ lý. chuyển sang tiếng Việt thành ét. Nghĩa này cũng được bảo lưu trong từ ét của tiếng Việt.

Tổ lái xe lửa chạy than ngày xưa có hai người. Một người làm công việc lái tàu (tiếng Pháp là conducteur), một người làm công việc xúc than (tiếng Pháp là chauffeur). Người Việt cũng gọi người xúc than là ét.

 

ét  Œ aide / assistant. [i]   (CHEMIN DE FER) chauffeur.[ii]

ô tô aide-chauffeur.[iii]

tài xế aide-chauffeur.[iv]

xe hơi aide-chauffeur.[v]



[i] * Cậu làm « ét » cho tớ. Nhiều Tác Giả (1964:54, Đại Đồng)

* Lãi kia là đứa vô danh, mình là người có danh lại nhào tới xin làm ét cho nó. Nguyễn Khải (1999:54)

* Cậu là “ét” cho tớ. Nguyễn Huy (2004:61, Chiến Sĩ Điện Biên)

ĐVT (1950:253), NQT (1992:171), LPT (2001:451)

[ii] *  Người « ét » cười ra vẻ không tin, lấy sẻng súc than cho vào lò, còn tôi vẫn đứng nguyên chỗ cũ đăm đăm nhìn thẳng trước mặt. Khái Hưng & Nhất Linh (1958:36, Nhất Linh)

* Tôi gọi người « ét » nhưng bác ta làm bộ không nghe thấy, cứ cắm đầu xúc than cho vào lò. Khái Hưng & Nhất Linh (1958:37, Nhất Linh)

* Người « ét »  của tôi, vội bỏ cái xẻng xúc than, níu lấy tôi nói: Nhất Linh (1973:60)

[iii] * Sốp phơ lại cao hứng vừa cầm lái vừa nói truyện với tên  « ét », nhiều lúc chực đưa cả người lẫn xe xuống ruộng. Phong Hóa Tuần Báo số 99 (1934:9, Lêta)

* Tôi nhận thấy vậy, có đùa anh « ét »  (aide) xếp chỗ: Tri Tân Tạp Chí số 58 (1942:13, Nhật-Nham)

* Bữa trước, đã có một chuyến xe lên đèo ban đêm cũng gặp ổng rồi, ổng rượt theo xe, vồ một thằng « ét » ngồi phía sau. Nguyễn Vỹ (1970a:291)

* Bữa trước, đã có một chuyến xe lên đèo ban đêm cũng gặp ổng rồi, ổng rượt theo xe, vồ một thằng “ét” ngồi phía sau. Nguyễn Vỹ (2006:267)

LPT (2001:451)

[iv] * Tài, ét thay phiên nhau quay quay ma-ni-ven.  Duyên Anh (1970t:167)

* Xe lướt ngang, anh ét lẳng lơ vẫy tay, điểm nụ cười.  Duyên Anh (1970t:167)

[v] * Anh ét cằn nhằn biểu hai ông nằm trên bao bố trải trên mấy thùng đựng nước mắm. Nguyễn Vỹ (1957c:32)

* Mới hăm mốt, làm ét xe hơi, anh mê một cô hàng xén rất xinh ở An Khê, quyết lấy cho được. Phan Tứ (2007m:955)

Tuesday, 24 April 2012

Hai tiếng thổ mộ trong xe thổ mộ do đâu mà ra? (An Chi - Bách Khoa Tri Thức)



An Chi: Có ý kiến cho rằng thổ mộ là do tiếng Pháp tombereau mà ra. Ý kiến này không đúng vì người Pháp ở Sài Gòn và Nam kỳ trước đây chỉ gọi xe thổ mộ là boîte d’allumettes (= hộp quẹt) hoặc tac-à-tac, “có lẽ vì khi chạy, vó ngựa chạm mặt đường trải đá nghe (...) “tắc tắc” (tách tách)”, như Vương Hồng Sến đã cho biết trong Tự vị tiếng Việt miền Nam (Nxb Văn hóa, 1993). Họ không bao giờ gọi xe thổ mộ là “tombereau”.
Lại có ý kiến cho rằng thổ mộ là do thảo mã mà ra vì đây là xe chở cỏ cho ngựa ăn (ở đồn Tây) thời trước. Ý kiến này cũng lạ: người ta khó mà biết được tại sao thảo mã lại có thể trở thành “thổ mộ”. Huống chi, bản thân hai tiếng thảo mã đã là tiếng Việt, dù là đọc theo âm Hán Việt. Hay là người đề xướng cách giải thích này muốn liên hệ đến âm Quảng Đông của hai tiếng thảo mã là tshổu mạ chăng? Thổ mộ quả có na ná với tshổu mạ trong tiếng Quảng Đông nhưng dân Quảng Đông thì có liên quan gì với sự hoạt động ở các đồn Tây thời trước? Huống chi tshổu mạ (- thảo mã) chỉ có nghĩa là con ngựa bằng cỏ hoặc con “ngựa cỏ” tức ngựa hoang (?) chứ đâu phải là “xe chở cỏ cho ngựa ăn”.
Chỉ có cách hiểu thổ mộ là ngôi mộ bằng đất thì mới thật sự phù hợp để giải thích nguồn gốc của hai tiếng thổ mộ trong xe thổ mộ mà thôi: cái thùng xe thổ mộ với cái mui khum khum của nó rất giống với hình một nấm mộ bằng đất.

Chuyện tào lao về (xe) thổ mộ - An Chi (Huệ Thiên)


An Chi Chúng tôi không biết “t’ủ mỏ” là cái thứ tiếng gì nhưng chắc chắn đó không phải là âm Quảng Đông của hai chữ   độc mã, mà chữ Hán là 獨馬 Âm Quảng Đông của hai chữ này là:
– dug6 ma5 (Nhiêu Bỉnh Tài chủ biên, Quảng Châu âm tự điển, Quảng Đông Nhân dân xuất bản xã, in lần thứ 26, 1997, tr.232 & 260);
        – duk ͵ma (Hoàng Tích Lăng, Việt âm vận vựng [A Chinese Syllabary Pronounced According to the Dialect of Canton], Trung Hoa thư cục, trùng bản, 1973, tr.1 & 49);
        – tục mạ (Hà Thủ Văn, Việt Quảng ngữ đối chiếu, Chin-Hoa, Chợ Lớn, 1965, tr.53 & 105).

Tuy cách phiên âm của mỗi sách một khác nhưng âm được phiên thì hoàn toàn thống nhất : tục mạ, theo cách dễ đọc nhất cho người bình thường của Hà Thủ Văn trong Việt Quảng ngữ đối chiếu. Và cứ như trên thì người kia đã sai ở ba điểm căn bản : – một, phụ âm đầu của chữ 獨 là [t] (viết bằng “t”) chứ không phải [t’] (viết bằng “th”); – hai, cách đọc thành “t’ủ” của người đó không có âm cuối vần trong khi chữ 獨 có âm cuối vần là [k]; – và ba, nguyên âm chính của chữ 馬 là [a], một nguyên âm không tròn môi chứ không phải “o”, là một nguyên âm tròn môi.
Cứ theo ba điểm hoàn toàn chắc chắn trên đây thì ta có thể  dứt khoát khẳng định : – “t’ủ mỏ” không phải là âm Quảng Đông của hai chữ độc mã 獨馬; – do đó, thổ mộ tuyệt đối chẳng có dây mơ rễ má gì về mặt từ nguyên vói hai chữ mà âm Quảng Đông đã bị “chế biến” như trên. Huống chi có phải chỉ có xe thổ mộ mới do một con ngựa kéo đâu! Bởi vậy tác giả Cao Tự Thanh mới nói rằng thứ từ nguyên dân gian ấy dùng để tào lao thì được chứ nếu tưởng là học vấn thì chỉ làm cho con cháu ngu đi mà thôi.



Wednesday, 28 September 2011

Xe ba lua là xe gì?

Xe ba lua là xe tải hạng nặng. Gốc Pháp là poids lourd, vào tiếng Việt thành boa luaba lua. Ba lua thông dụng hơn. 

Sunday, 14 August 2011

Tại sao khúc ngoặt trên đường đi được gọi là khúc cua?

Cua là từ mượn âm Pháp. Gốc của nó là courbe.
Xong anh vòng một cua trên bờ sông, lộn lại đường Võ Di Nguy cốt báo hiệu cho Chơn và cả cho anh Bảy nữa  (Mai Ngữ, 2005:256)
Từ quẹo chỉ phổ biến ở miền Nam. Từ rẽ chỉ phổ biến ở miền Bắc. Dùng từ cua trên văn bản kỹ thuật là phù hợp nhất: hệ thống điều khiển cua an toàn (système de contrôle des courbes), khúc cua chữ S (courbe en S)...