Saturday, 23 July 2016

Nghĩa và từ nguyên của MOONG (An Chi - Năng Lượng Mới số 534 [24-6-2016])

An Chi·Friday, June 24, 2016
Từ ngày 16-6-2016, một số phương tiện truyền thông có đưa tin với hàng tít “Vỡ bờ moong khai thác titan ở Bình Thuận”. Từ “moong” trong cái tít này đã làm cho một số bạn đọc bỡ ngỡ vì vừa không hiểu nghĩa và càng không biết được xuất xứ của nó, thậm chí còn thắc mắc rằng không biết nó có thật sự tồn tại hay không.
“Moong” là một từ có thật và cũng xuất hiện với một tần số đủ để ta có thể tìm thấy nó một cách không khó khăn gì lắm. Sau đây là một số dẫn chứng :
1.–“Theo con đường xoáy ấy, xe xuống chở đất đá lên đưa ra bãi thải và xe chở than lên đưa về khu sàng tuyển. Cái lòng phễu khổng lồ ấy người ta gọi là hố moong.” (Nguyễn Thị Mai, “Trong lòng moong Cao Sơn”, Biên Phòng, 8-11-2011).
2.– “Xóm chúng tôi nằm trong lòng moong nên trong nhiều năm qua phải hứng chịu cảnh tượng chưa từng xảy ra […………] Các anh thấy đấy, mảnh vườn này thành ‘đất chết’ vì không có nước do mạch nước ngầm chảy hết ra lòng moong.” (Duy Tuấn - Thăng Long, “Sống dở chết dở tại mỏ sắt lớn nhất ĐNA – Bài 5: Sóng ngầm nơi moong mỏ”, Vietnamnet, 9-12-2011).
3.–“Moong than Cao Sơn như chiếc chảo khổng lồ, đến nỗi, từ bờ moong nhìn xuống, những chiếc xe trọng tải gần 100 tấn bò lồm ngồm như những chú …cua!” (Nhân Văn, “Chuyện lạ ở moong Cao Sơn”, Vinacomin, 08-10-2012).
4.–“Một ngày cuối năm, lên moong than Hà Tu, tôi vẫn thấy quang cảnh sản xuất quen thuộc như những ngày thường hồi đầu năm.” (Minh Hoa, “Tháng ‘củ mật’ ở moong than Hà Tu”, Vinacomin, 21-1-2014).
5.–“ [….] cả một đời ông lận đận với moong sâu […] Về kỹ thuật, ông là người kỹ tính, người ta gặp ông có khi đi chán dưới lòng moong, tưởng rằng ông sẽ về! Vậy mà [….]” (Phóng sự “Bóng người ở lại giữa moong sâu”, báo Quảng Ninh, 23-1-2010).
6.–“Đây là mô đất lau sậy um tùm, nằm sát con đường nội bộ dẫn từ moong H10 (moong than đang khai thác của Công ty Than Mông Dương) về bãi than giáp ranh với đầu băng tải của Nhà máy nhiệt điện Mông Dương.” (Trọng Phú, “Rút ruột mỏ than Mông Dương - Bài 1: Một đêm, hàng ngàn tấn than bị trộm”, Pháp luật, 31-10-2013).
7.–“[……] nhờ có nghị lực thép, những người thợ mỏ đã vượt qua tất cả để hôm nay trên công trường rộn ràng tiếng xe, tiếng máy, hàng trăm tấn quặng sắt nằm sừng sững giữa lòng moong ...” (Phan Thế Cải, “Từ lòng moong lên mặt đất”, Nhân dân điện tử, 10-7-2011).
8.–“Bên dưới là những lòng moong đang tiếp tục bị khoét sâu vào lòng núi [……]” (Phan A, “Cận cảnh hoang tàn tại một mỏ than lộ thiên”, Đại kỷ nguyên, 9-1-2016).
Cứ như trên thì “moong” hiển nhiên là một từ có thật nên cũng đã được Từ điển tiếng Việt (2007) của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên thu nhận và giảng là “khẩu ngữ, ít dùng : đáy mỏ”. Nhưng tiếc rằng điều chú thích của quyển từ điển này thì lại rất sai vì từ “moong” chẳng những không thuộc về khẩu ngữ mà còn là một thuật ngữ của ngành khai khoáng nữa. “Quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong khai thác mỏ lộ thiên” của Bộ Công Thương gồm có 12 chương mà chương 1 là “Quy định chung” với Điều 2 là “Giải thích từ ngữ”; tại điều này, mục 18 được ghi với chú thích bằng tiếng Anh trong ngoặc đơn như sau: “18. Moong (pit) : Là đáy mỏ, phần thấp nhất của đáy mỏ được bao khép kín bởi bờ mỏ xung quanh.” Cứ như trên thì “moong” là một thuật ngữ đã được giải thích rất rõ ràng. Chẳng những thế nó còn được chính thức vận dụng trong lời ăn tiếng nói hằng ngày một cách hoàn toàn đúng với nội hàm đã nêu trong bản “Quy định”, như đã thấy với 8 dẫn chứng ở trên. Vậy làm sao có thể nói nó là khẩu ngữ?
Nhưng từ “moong” này do đâu mà ra? Sự tra cứu của chúng tôi cho phép khẳng định rằng nó là một sản phẩm ra đời từ sự khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, trong đó có việc khai thác mỏ, đặc biệt là Mỏ than Hòn Gai, mà Pháp gọi là “Mines de charbon de Hongay”. Nói đến “mine” thì phải nói đến “gisement”. Ta cứ tìm trên mạng thì có thể thấy hai từ này thường “cặp bồ” với nhau. “Gisement” được Le grand Robert định nghĩa là “Disposition des couches de minéraux dans le sous-sol […] Par extension. Masse minérale importante, propre à l’exploitation”, nghĩa là “Cách sắp xếp các lớp khoáng sản trong tầng đất cái […] Nghĩa rộng. Khối khoáng sản quan trọng, thích hợp với việc khai thác.” Chính âm tiết “-ment” của “gisement” đã được phiên âm sang tiếng Việt kiểu bình dân thành “moong”. Hiện tượng này không có gì lạ : nó cũng giống như chuyện người Việt Miền Nam đã phiên âm “ciment” thành “xi-moong”, như có thể thấy trong nhan đề “Vôi đá xanh, vôi chịu nước và xi-moong. Cách làm đá giả” trên tạp chí Khoa Học số 59 (1-12-1933). Ca dao Miền Nam có câu:
“Chợ Sài Gòn cẩn đá, chợ Rạch Giá cẩn xi-moong
Giã em ở lại vuông tròn
Anh về xứ sở không còn ra vô.
” Trẻ con Miền Nam hồi nửa đầu thế kỷ XX không lạ gì với hai tiếng “xi-moong” này vì những viên bi mà họ chơi thời đó thường làm bằng xi-măng (về sau mới có bi thuỷ tinh ngũ sắc). Đó là những “cục đạn xi-moong”. Vậy “-ment” của “gisement” đi vào tiếng Việt thành “moong” không phải là chuyện không thể xảy ra. Còn chuyện “gise-” bị tỉnh lược thì chỉ là hệ quả của việc rút ngắn khi phiên âm : – adjudant > ách (thượng sĩ, ông quản), – aiguille > ghi (thiết bị dùng để chuyển đường ray tàu hoả), – alcool > cồn, – aluminium > nhôm, – portefeuille > bóp (ban đầu là bóp-phơi), – pourboire > (tiền) boa, – copier > cóp, – correcteur > cò (người sửa mo-rát), – commissaire > cò (cảnh sát trưởng), – essence > xăng, – effet > phê, – [en] arrière > de ( = lùi), v. v..
Tóm lại, “moong” là một từ Việt gốc Pháp, bắt nguồn ở từ “gisement”, có nghĩa là “vỉa [khoáng sản, đất đá, v.v.]”. Ngoài nguyên từ (etymon) này ra, chúng tôi không thấy có bất cứ từ nào khác có thể là ứng viên thích hợp. Dĩ nhiên là nếu có vị thức giả nào chỉ ra một nguyên từ khác có sức thuyết phục mạnh hơn thì chúng tôi sẽ vô cùng cám ơn.

Thursday, 21 July 2016

Gông, cùm, xiềng, xích của ta không có dây mơ rễ má gì với cangue và chaîne của tiếng Tây (An Chi - Năng Lượng Mới số 506 [18-3-2016]).


Mạng Tìm hiểu từ nguyên (Nguồn gốc từ ngữ / Từ ngữ và lịch sử) ngày 30-8-2012 có đăng bài “Cùm lim, xích sắt” của Nguyễn Dư (Lyon, 5-2008), trong đó những ý kiến chính đều sai, rất sai. Đáng nói hơn nữa là tác giả còn dựa vào những cái sai của mình để phủ nhân đôi câu đối tương truyền là của Cao Bá Quát:
Một chiếc cùm lim chân có đế
Ba vòng xích sắt bước thì vương
Nói về nguồn gốc của hai từ “gông”, “cùm”, Nguyễn Dư viết:
Cangue có liên hệ gì với cái gông, cái cùm?
Sưu tập Oger (1909) có tấm tranh Đốt quăng tra tiền vẽ cái cangue đeo cổ dành cho đàn bà.
“Chữ Quăng của tên tranh nghĩa là gì ? Quăng (chữ Hán, bộ Nhục) nghĩa là cánh tay. Quăng, tiếng Việt, nghĩa là ném mạnh và xa. Quăng bị người đàn ông đốt không phải là cánh tay, cũng không phải là vật gì bị ném ra xa. Quăng bị đốt là cái nia quàng vào cổ người đàn bà. Quăng chính là cái cangue dành cho đàn bà được Huard và Durand nói đến trên kia.
“Chữ Quăng của tên tranh không có nghĩa như chữ Hán, cũng không có nghĩa của tiếng Việt. Chữ Quăng được dùng để ghi âm từ cangue của tiếng Pháp. Tấm tranh Đốt quăng tra tiền cho phép suy ra rằng người Pháp đã đưa từ cangue (hoặc đưa cả cái cangue ?) vào Việt Nam.
“Bộ sưu tập Oger còn có tấm Cùm ngạch (vẽ bàn chân bị trói vào khúc tre của cái ngạch nhà). Hai tấm tranh là bằng chứng cho thấy vào khoảng đầu thế kỉ 20, từ cangue có lúc vẫn còn được phát âm là quăng, có lúc được Việt hoá thành cùm.
Còn cái gông ?
Từ cangue (căng-gơ) có hai âm tiết, được Việt hoá theo hai ngả : căng trở thành cùm trở thành gông.
Tranh Đốt quăng tra tiền
(trong bài của Nguyễn Dư).
Trong quá trình trả lời cho bạn đọc, chúng tôi cũng đã có đôi ba lần phản bác ý kiến của tác giả Nguyễn Dư nhưng lần này thì ông Dư mới làm cho chúng tôi kinh ngạc nhất. Tiếng Tây đâu có vào tiếng ta một cách ba trợn ba trẹo như vậy được. Trước nhất, chúng tôi không biết ông Nguyễn Dư đã căn cứ vào sách, báo nào của Tây mà khẳng định rằng “vào khoảng đầu thế kỉ 20, từ cangue có lúc vẫn còn được phát âm là quăng”, mà lại được phiên âm bằng chữ quốc ngữ Việt Nam. Đây là biểu hiện của một sự tưởng tượng cực kỳ táo tợn mà chắc chắn không một người Pháp nào có thể chấp nhận được. Huống chi, cái chữ [肱] trong hình vẽ mà ông Dư đọc thành “quăng” theo nghĩa của “cangue” trong tiếng Pháp, thì không hề tồn tại trong tiếng Việt, như sẽ phân tích rõ ở một đoạn sau. Riêng gôngcùm thì lại là hai từ đã có mặt trong tiếng Việt trước khi Pháp xâm lược Việt Nam nên tất nhiên không có dây mơ rễ má gì với cangue của tiếng Pháp cả.
Căng (của cangue) không trở thành cùmcùm đã có mặt trong Dictionarium Annamitico Lusitanum et Latinum của A. de Rhodes in tại Roma năm 1651, trong dạng chính tả “cồm”, với hai thí dụ “cầm cồm” và “đóng cồm”. Ở thời điểm này thì cùm còn phát âm thành “cồm”, cũng như hùm thành “hồm”. Đến thời Dictionarium Anamitico Latinum của Pierre Pigneaux de Béhaine (1772-73) thì cồmhồm đã được phát âm và viết thành cùm, hùm. Còn gông thì cũng đã được ghi nhận trong từ điển của A. de Rhodes với hai thí dụ “cầm gông”, “đóng gông”, nghĩa là cũng đã tồn tại trong tiếng Việt ít nhất là 200 năm trước khi Pháp sang cướp nước ta. Thế mà Nguyễn Dư còn viết:
“Mọi người còn nhớ mấy câu ca dao:
– Gái có chồng như gông đeo cổ Gái không chồng như phản gỗ long đanh ...
– Cờ bạc là bác thằng bần, Cửa nhà bán hết cho chân vào cùm.”
Với những câu ca dao trên thì cái “e” (air = dáng vẻ) xa xưa của nó cũng đã buộc nhà nghiên cứu phải thận trọng đặt vấn đề xem có thật là nó chỉ ra đời sau khi dân ta bị Pháp cai trị hay không. Đằng nầy … Đặc biệt Nguyễn Dư rất sai khi đọc cái chữ [肱] trong tranh vẽ của Sưu tập Oger 1909 thành “quăng” để mặc nhiên ghép nó vào từ loại danh từ rồi gán cho nó cái nghĩa của từ “cangue” ( = cùm). Thực ra thì khi chuẩn bị ấn hành bộ Sưu tập 1909 của Henri Oger với tên đề ở bìa ngoài là Technique du peuple Annamite (Edition 2009/ Chủ biên: Olivier Tessier & Philippe Le Failler, EFEO [Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp]), người ta đã tra cứu để đọc một cách chính xác – mặc dù không tuyệt đối – các chữ Hán và chữ Nôm dùng để chú thích cho từng bức tranh. Chữ [肱] đã được đọc một cách chính xác thành “quanh” và bốn chữ Nôm trong hình là “đốt quanh tra tiền”, như đã in rõ ràng tại mục 205D, tr.252, Bảng phân tích của tập 1, cũng như tại dòng chú thích số 4, tờ 205 ( là tờ có in bức tranh) của tập 2 . “Đốt quanh tra tiền” là một bức tranh giản dị phản ánh một trong hàng ngàn cảnh sinh hoạt thực tế của xã hôi Việt Nam đầu thế kỷ XX, trong đó có cảnh đứa bất lương khảo của bằng cách khoét lỗ giữa một cái nia rồi tròng vào cổ của nạn nhân mà đốt dần ở chung quanh để bắt ép người ta xì tiền cho nó. Làm gì có chuyện “căng trở thành cùm trở thành gông”.
Hai chữ xíchxiềng cũng chung số phận với gông và cùm nên cũng được Nguyễn Dư ghép vào cái nguyên từ chaîne của tiếng Pháp. Tác giả này đã dẫn Truyện Kiều mà viết:
“Hoạn Thư sai Khuyển Ưng đến Lâm Chuy bắt Kiều, đem về Vô Tích.
Dọn thuyền lựa mặt gia nhân,
Hãy đem dây xích buộc chân nàng về.”
Thực ra Truyện Kiều là một tác phẩm cuối thế kỷ XVIII, đầu XIX còn tiếng Việt thì chỉ có thể mượn tiếng Pháp từ sau năm 1862 mà thôi. Tác giả đã phỏng đoán rằng “từ xích xuất hiện vào khoảng cuối thế kỉ 19”. Thực ra, nó đã được ghi nhận trong từ điển 1651 của A. de Rhodes – nghĩa là trước niên đại mà Nguyễn Dư phỏng đoán ít nhất cũng là 200 năm – tại mục “xích con chó”, được giảng là “buộc chó bằng dây tre vặn lại, để chó đừng cắn dây”. Còn “xiềng” thì cũng đã được ghi nhận trong từ điển 1772-73 của Pigneaux de Béhaine nên tất nhiên cũng chẳng có dây mơ rễ má gì với chaîne của tiếng Pháp cả.
Cứ như trên thì từ nguyên của bốn từ “gông”, “cùm”, xiềng”, “xích” mà Nguyễn Dư đưa ra đều sai và việc ông dựa vào nó để phủ nhận đôi câu đối tương truyền là của Cao Bá Quát là một việc làm cực kỳ chủ quan và võ đoán.