| 14 tháng 3, 2009 |
LTS: Nhiều nhà nghiên cứu các sản phẩm văn hóa của những nhà truyền giáo đã đi đến kết luận là những sản phẩm này có những đặc tính như sau: - ngôn ngữ mơ hồ, - giải thích nhập nhằng, - đánh tráo sự kiện, - thiếu chứng cớ, - thiếu minh bạch, - và sau cùng là trơ trẽn. Nói chung, "gian và dối" là những đặc tính họ cần phải tập luyện hàng ngày để chống đỡ khi chạm mặt đối đầu với những sự kiện, luồn lách để né tránh các vấn đề của lịch sử. Một chữ "plusieurs soldats" thôi cũng đã được các "ngài" dùng hết mọi mánh khóe kể trên để có thể "bảo vệ" cho tên gián điệp A.D. Rhodes đứng lên vị trí "cai trị" dân thuộc địa trong môi trường "văn hóa". Bài viết sau đây nhắc lại và cô đọng những minh chứng cụ thể mà nhiều nhà nghiên cứu trước đây cũng đã lên án rải rác đó đây trong nhiều bài viết. Một chi tiết nhỏ đã trở nên rất quan trọng, xin những vị đang nắm giữ các chức vụ quan trọng bảo vệ tổ quốc và dân tộc quan tâm chú ý trong việc nhận định ai là Giặc và ai là Cha. (sachhiem.net)
Khoa Học Xã Hội,
38 Hàng Chuối, Hà Nội
Hà Nội, Việt Nam
Kính gửi Viện Sử Học
Trong bài viết “Từ một câu chữ của Alexandre de Rhodes đến các dẫn dụng khác nhau” của Giáo sư Chương Thâu đăng trong tạp chí Công giáo và Dân tộc (http://htx.dongtak.net/ spip.php?article194) số ngày 15-3-1996 có đoạn như sau:
... Trong cuốn sách Divers voyages et missions (Các cuộc hành trình và truyền giáo) của linh mục Alexandre de Rhodes do Cramoisy xuất bản tại Paris năm 1653 ở đoạn cuối chương 19 của phần thứ 3, có một câu nguyên văn: “J’ai cru que la France, étant le plus pieux royaume de monde, me fournirait plusieurs soldats qui aillent à la conquête de tout L’orient, pour l’assujetter à Jésus Christ, et particulièrement que j’y trouverais moyen d’avoir des Évêques, qui fussent nos pères et nos maitres en ces Églises. Je suis sorti de Rome à ce dessein Le 11e Septembre de l’année 1652 après avois baisé les pieds du Pape.” ....
Và câu này được Hồng Nhuệ dịch ra Việt ngữ trong cuốn "Hành trình và truyền giáo" do Ủy ban đoàn kết Công giáo thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 1994, ở trang 263 như sau: “Tôi tưởng nước Pháp là một nước đạo đức nhất thế giới, nước Pháp có thể cung cấp cho tôi mấy chiến sĩ đi chinh phục toàn cõi Đông Dương đưa về quy phục chúa Kitô và nhất là tôi sẽ tìm được các giám mục, cha chúng tôi và Thày chúng tôi trong các giáo đoàn. Với ý đó, tôi rời bỏ Roma ngày 11 tháng 9 năm 1652 sau khi tôi hôn chân Đức Giáo hoàng.” (Người dịch chú thích từ chiến sĩ ở đây: nói chiến sĩ Phúc Âm tức là nhà truyền giáo, chứ không phải binh sĩ đi chiếm xứ xăm lăng – trang 289)
Chú ý : plusieurs soldats (chứ không phải là quelques soldats) là "nhiều chiến sĩ", Hồng Nhuệ lại dịch là "mấy chiến sĩ".
Trong bài tham luận đọc tại Hội nghị Quốc tế về Nghiên cứu Lịch sử và Văn hoá Việt Nam ngày 3, 4, và 5 tháng 12 năm 1992, ông Nguyễn Đình Đầu đã dịch plusieurs soldats trong câu văn của Alexandre de Rhodes và cho rằng chữ chiến sĩ có nghĩa bóng là thừa sai.
Đến ngày tưởng niệm 400 năm ngày sinh của A. de Rhodes, Giáo sư sử học Đinh Xuân Lâm đã dịch thẳng câu chữ plusieurs soldats là “chiến sĩ truyền giáo” không phải e dè gì nữa vì ý kiến của ông là ý kiến quyết định. A. de Rhodes là tên gián điệp đội lốt tôn giáo đã trở thành danh nhân Việt Nam được đặt bia ở Thư viện Quốc gia Hà Nội và tên đường ở Sài Gòn.
Thời Alexandre de Rhodes đến năm 1898 là năm ông ông Pétrus Ký qua đời, chữ Soldat chỉ có nghĩa là binh lính chưa có thêm nghĩa là chiến sĩ - combattant.
Theo Tự Điển Từ Nguyên (Dictionaire Étymologique) về từ Soldat: mượn từ tiếng Ý, Soldato (từ Soldare, Solde); được biến đổi từ chữ Soudart từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17 thành Soldat, có nghĩa là người đi bắn thuê, giết thuê - Tiré de Soudoyer "Dictionaire Étymologique, par Albert Dauzat (à l'école pratique des hautes Études) librarie Larousse - Paris 6, 1938, các trang 671, 672."
Sống trong cùng một nền văn hóa Kitô, có hai tác giả Tây phương đã dịch đoạn văn trên sang Anh ngữ:
1. Solange Hertz dịch: “…I thought that France, as the most pious kingdom of the world, could furnish me many soldiers for the conquest of all the Orient in order to subject it to Jesus Christ and especially that I could find there some way of getting bishops for our Fathers and masters in those Churches. I left to Rome for this purpose on the eleventh of September of the year 1652, after kissing the Pope’s feet…” (Divers Voyages & ..., Solange Herts, Newman Press, Westminter, Maryland 1966, trang 237)
(Tôi nghĩ rằng nước Pháp, một vương quốc ngoan đạo nhất thế giới, có thể cung cấp cho tôi nhiều binh lính hơn để chinh phục toàn thể Đông Phương để dâng lên cho Chúa và đặc biệt là tôi có thể tìm ra phương cách đưa ra các giám mục, là bậc cha bậc thầy của chúng ta vào trong những nhà thờ. Tôi rời La Mã với mục đích đó vào ngày 11 tháng 9 năm 1652, sau khi hôn chân Giáo Hoàng.)
2. Helen B. Lamb: “Alexandre de Rhodes held to his dream that France should play the key role in colonizing Vietnam: “I believe that France, as the most pious of all kingdoms, would furnish me with soldiers who would undertake the conquest of the whole Orient, and that I would find the means for obtaining bishops and priests who were Frenchmen to man the new churches. I went to Rome with this plan in mind on September 11, 1652. ” (Vietnam’s Will to Live, Helen B. Lamb, N.Y. 1972, trang 38, 39. )
(Đắc Lộ ôm mộng nước Pháp sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc chiếm Việt Nam làm thuộc địa: "Tôi tin rằng vì nước Pháp ngoan đạo nhất trong tất cả các vương quốc nên sẽ cung cấp cho tôi nhiều binh lính để đi chinh phục toàn thể Đông Pương và tôi sẽ tìm ra phương cách để thu dụng nhiều giám mục và linh mục người Pháp cai quản các nhà thờ mới này. Tôi rời La Mã ngày 11 tháng 9 năm 1652 với ý định đó.")
Cả hai tác giả này dịch Soldats sang Anh ngữ là Soldiers không có dịch sang là chiến sĩ truyền giáo (the missionary soldier) như các ông Hồng Nhuệ, Đinh Xuân Lâm ...
Trong bài viết “Ai làm ra chữ quốc ngữ?” đăng trong báo Tuổi Trẻ ngày 31-1-1993, Giáo sư Hoàng Tuệ đã dịch (đúng nguyên nghĩa mà từ ngữ này xuất hiện và tồn tại, với trọn vẹn ngữ cảnh đơn giản được xử dụng thời đó) plusieurs soldats là binh lính như sau: “Tôi nghĩ nước Pháp, vương quốc mộ đạo nhất, có thể cấp cho tôi binh lính để chinh phục toàn phương Đông, đặt nó dưới quyền Jésus Christ”.
Thế nhưng, Giáo sư Nguyễn Khắc Xuyên đã viết bài “Gửi GS Hoàng Tuệ bàn về chữ Quốc ngữ trên tờ Tuổi Trẻ” đăng trên báo Ngày Nay số 277 ngày 1-7-1993 ở Houston, Texas, trong đó ông GS Xuyên đã mạt sát GS Tuệ là "ngu xuẩn", "ngu dốt", "thật là dốt lại thích nói chữ"... GS Xuyên đem cái nhược điểm (dùng tự điển của thời nay để dịch chữ ngày xưa) của chính ông mà chê trách cái ưu điểm của GS Tuệ và chất vấn như sau: “Từ điển Pháp Việt của Trương Vĩnh Ký dịch soldat là ‘lính, binh lính, lính tráng’. Từ điển Pháp Việt của Đào Duy Anh dịch soldat là ‘lính, bộ đội, chiến sĩ ...”Như vậy GS Tuệ lùi lại hơn nửa thế kỷ khi chỉ dịch theo Trương Vĩnh Ký mà không theo từ điển mới nhất 1981. GS chủ ý chụp mũ cho Đắc Lộ về Âu châu mộ lính”.
Theo thời gian, có chữ thêm nghĩa hoặc thay đổi nghĩa, ví dụ như chữ Jésuite thời linh mục A. de Rhodes có một nghĩa là giáo sĩ Dòng Tên. Sau này giở từ điển ra tìm chữ Jésuite thấy có thêm nghĩa là “người giả nhân nghĩa, đạo đức giả, xảo trá, tráo trở”. Nước ta trước đây có đạo Gia tô sau đổi là đạo Thiên chúa, đạo Kitô, rồi sau cùng là Công giáo. Khi Gs Ngô Đức Thọ dịch quyển sách Hán văn ở thế kỷ 18 là quyển Tây dương Gia tô bí lục thì ông không dịch là Tây dương Công giáo bí lục được.
Cuối thế kỷ 19, tức vào thời ông Trương Vĩnh Ký, chữ soldat chưa có thêm nghĩa là chiến sĩ. Như vậy thời của A. de Rhodes chữ soldat chỉ có nghĩa là “lính, binh lính, lính tráng” mà thôi. Cho nên khi dịch chữ soldats do linh mục A. de Rhodes viết ra chỉ có nghĩa là binh lính, lính tráng mà thôi. Đọc cả đoạn văn bằng Pháp văn ở trên chẳng có chỗ nào là nghĩa bóng cả.
GS Hoàng Tuệ dịch là “Tôi nghĩ nước Pháp, vương quốc mộ đạo nhất, có thể cấp cho tôi binh lính để chinh phục toàn phương Đông, đặt nó dưới quyền Jésus Christ” là dịch đúng vào thời điểm A. de Rhodes viết ra chữ soldats. Tôi đã lớn tuổi, có đọc sách hiểu rằng chữ “chiến sĩ” đứng một mình có nghĩa chỉ về quân đội. Chữ “chiến sĩ” muốn có thêm nghĩa bóng hoặc văn vẻ thì phải thêm chữ bổ nghĩa vào đằng sau, như: chiến sĩ văn hoá (le soldat de la civilization), chiến sĩ tự do (le soldat de la liberté), ... Thời của A. de Rhodes muốn chỉ các nhà truyền giáo thì có chữ missionnaire, mà A. de Rhodes muốn xin các nhà truyền giáo thì ông đương nhiên hiểu thẩm quyền nào có quyền cấp cho ông, như:
1. Toà thánh Vatican,
2. Ngày 4-5-1493, Giáo hoàng Alexandre 6 chia đôi thế giới, một nửa cho Bồ Đào Nha, một nửa cho Tây Ban Nha được phép đi chinh phục thế giới và truyền đạo. Linh mục A. de Rhodes đi sang Á châu qua ngả Bồ Đào Nha. Khi A. de Rhodes về Pháp sang Vatican vận động với Giáo hoàng cho Giáo hội Pháp được thành lập Giáo đoàn Pháp quốc Hải ngoại, Giáo hội Bồ Đào Nha phản đối và không cho A. de Rhodes sang Á châu. Giáo hoàng phải cử ông sang Ba Tư, sau đó phong ông lên làm Giám mục. Sau khi ông chết, Toà thánh mới cho phép Giáo hội Pháp thành lập Giáo đoàn Pháp quốc Hải ngoại vào năm 1661.
Như vậy, A. de Rhodes muốn xin các giáo sĩ thì chỉ được phép xin với Vatican hay Giáo hội Bồ Đào Nha mà thôi. Thời đó cả Á châu chưa có súng, chỉ một ít quân có súng đã chiếm được Macao để lập căn cứ truyền đạo. A. de Rhodes sang Việt Nam phải trốn, lẩn và bị trục xuất. Ông đã vẽ bản đồ Việt Nam và viết báo cáo về việc truyền giáo của ông ở Việt Nam . Vì chưa có đường hàng không mà chỉ có đường biển, nên các nhà truyền giáo hiểu rằng muốn xâm nhập vào Đông Nam Á thì Việt Nam là cửa ngõ cần phải chiếm để lập căn cứ. Nước Bồ quá nhỏ, ít quân, không đủ khả năng nên A. de Rhodes đã xin với chính phủ Pháp soldatss là xin quân lính sang chiếm nước ta.
Chứng minh tham vọng của các nhà truyền giáo như sau:
1. Không phải chỉ người Việt Nam mà cả người Pháp cũng ngạc nhiên và lo sợ lối hành binh của Tây Sơn. Ngày 11-8-1788, trong một lá thư gửi cho ông Letoudal, giáo sĩ (Giám mục) La Bertete có viết: "Tôi không rõ cuộc viễn chinh của người Pháp khi nào sẽ xảy ra, nhưng tôi sợ rằng quân Pháp của chúng ta vì khinh thường bọn này (Tây Sơn) và không am hiểu tường tận về cách hành binh của họ và sẽ không đủ sức mạnh thì có thể trở thành nạn nhân bi thảm” (tài liệu Hội Truyền giáo Hải ngoại ở Paris. Cochinchin, tập 102 trang 176). ( Đỗ Bảng – Những Khám phá về Hoàng Đế Quang Trung, tr 209) – Vua Quang Trung đang khỏe mạnh lăng đùng ra chết, có dư luận cho rằng vua Quang Trung có thể đã bị nhà truyên giáo tây phương thuê người đầu độc là có cơ sở lắm?
2. Giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine) dẫn Hoàng tử Cảnh sang Pháp xin với vua Louis 16 (1754-1789) đem quân sang giúp Nguyễn Ánh.
Pigneau_de_Behaine
3. Năm 1857, Giám mục Pellerin, Hồng y Bonnechose, Linh mục Legrand de Liraye, Linh mục Huc vận động Pháp hoàng Napoléon đệ Tam qua ngả Hoàng hậu Eugenie Marie Montijo, được Pháp hoàng chấp thuận. Năm 1858, Đô đốc Rigault de Genouilly đem quân qua đánh chiếm nước ta.
Như vậy, A. de Rhodes xin các nhà truyền giáo với Giáo hội Pháp không được và xin với chính phủ Pháp cũng không được luôn vì không phải thẩm quyền của họ. A. de Rhodes xin chính quyền Pháp soldats là xin binh lính. Giáo sĩ đi trước binh lính theo sau, đó là sách lược của các nước Âu châu đi chiếm thuộc địa vào các thế kỷ trước đây. Thời của linh mục A. de Rhodes, chữ soldat chưa có thêm nghĩa “chiến sĩ” mà dịch plusieurs soldats là “chiến sĩ truyền giáo” chỉ là ngụy biện. Mà ngụy biện thường đi với ngoan cố rất là khắng khít.
Giai thoại sau đây được kể ra để chứng minh ông De Rhodes đã tâu với Pháp hoàng xin "nhiều binh lính" chứ không thể xin "vài nhà truyền giáo". Ở Việt Nam vào thập niên 1950, tòa thánh Vatican bổ nhiệm Giám mục Nguyễn văn Hiền về cai quản giáo phận Saigon. Chính quyền Việt Nam của Tổng Thống Diệm không hài lòng vì muốn Tổng Giám mục Ngô Đình Thục về đó. Tòa thánh Vatican đã sửa lại, chuyển giám mục Hiền về coi giáo phận Đà Lạt và cử Tổng Giám mục Nguyễn văn Bình về coi giáo phận Sài gòn. Thật là tréo ngoe! Sau đó độ hai năm tòa thánh Vatican lại bổ nhiệm Tổng giám mục Ngô Đình Thục về giáo phận Huế.
Như vậy Tổng thống Diệm không có quyền bổ nhậm các giáo sĩ. Đó là chuyện thế kỷ 20, lúc mà Giáo Hội La Mã đã bị suy thoái sau Cách Mạng Pháp vào thế kỷ 18. Ai cũng biết thế lực của Giáo Hội La Mã vào thế kỷ 16 thật là ghê gớm. Ngay từ năm 1075 (tức thế kỷ thứ 11) Giáo hoàng Gregory 7 đã ban hành Tuyên Cáo "Dictatus Papae" gồm 27 điều trong đó có điều số 3 "Chỉ có Giáo Hoàng mới có quyền bổ nhậm hay bãi chức các Giám Mục (1). Các Vua Âu Châu đều phải được Giáo Hoàng "xức dầu" mới được làm Vua. Thế thì Pháp hoàng lúc đó làm sao có quyền bổ nhậm các giáo sĩ? Vậy Alexandre de Rhodes xin với nhà vua Pháp "plusieurs soldats" là xin nhiều binh lính chứ làm gì có chuyện xin các giáo sĩ? Thế mà các ông Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Đình Đầu, Chương Thâu nhập nhằng đòi cưỡng dịch "plusieurs soldats" là "chiến sĩ truyền giáo" thì thật là hết sức bố láo!
Còn về chữ Quốc ngữ, các nhà truyền giáo thuộc Dòng Tên người Bồ sang Việt Nam có nhu cầu truyền đạo nên họ phải phiên âm học tiếng Việt để giảng đạo, đó là do nhu cầu của họ. Họ sáng chế ra chữ Quốc ngữ mục đích không phải cho dân tộc Việt Nam. Ông Charlie Nguyễn (một nhà trí thức khoa bảng đạo dòng nhiều đời từ thế kỷ 16) đã viết: “Tên cướp xông vào nhà mình bị chủ nhà phản công phải bỏ chạy để quên con dao. Chủ nhà nhặt lên thấy dao sắc thì dùng để thái thịt, đâu có chạy theo tên cướp để cám ơn.
”(http://sachhiem.net/CHARLIE/CN_TTDTG/Alexandre.php)
Người Nhật, người Tàu, người Đại Hàn họ vẫn dùng chữ của họ mà nước Nhật là cường quốc kinh tế đứng hàng thứ hai thế giới, nước Tàu đứng thứ tư thế giới, và Đại Hàn cũng đang trở thành cường quốc về kinh tế. Cách đây gần năm, tờ Newsweek có bài viết cho biết trước đây sinh viên Mỹ học thêm ngoại ngữ như Nga, Tây Ban Nha, Đức và Pháp ngữ. Nhưng nay sinh viên Mỹ một số đã chuyển sang học chữ Tàu. Nếu Việt Nam vẫn sử dụng chữ Hán như ông cha trước đây biết đâu lại có lợi cho ngày hôm nay?
Thị trường chữ quốc ngữ hạn hẹp, chỉ có 84 triệu người so với thị trường chữ Hán hơn tỷ người. Mới đây, linh mục Trần văn Kiệm tác giả tự điển Hán Nôm có lên đài truyền hình ở California khuyên đồng bào Việt Nam nên học chữ Hán vì đó là chữ quốc tế, và cụ cho biết rất dễ học không khó đâu. Bao nhiêu tài liệu về chữ Hán ở Tòa Thánh chưa có người nào khai thác, cụ cho biết như vậy.
Để kết luận ngắn gọn, vũ khí hay chiến lợi phẩm tịch thu của địch để làm vũ khí của ta là nguyên lý sơ đẳng trong bất cứ cuộc chiến nào trong lịch sử nhân loại. Đây là qui luật chiến tranh. Chẳng thể nào người Việt nước ta không biết qui luật này hay sao, lại lầm lẫn đi nhận giặc làm cha?
Lý Đương Nhiên
Chú thích:
(1) tài liệu trong "The Human Record - Sources of Global Story" Vol I, Andrea-Overfield, University of Vermont, tr. 225-226, có đăng trong báo Giao Điểm số 28 tháng 12 năm 1997, tr. 37-38
Cùng tác giả:
Nguyễn Trường Tộ Là Danh Nhân Việt Nam ?
Chữ "Plusieurs Soldats" Thời A.D. Rhodes
Và những bài đọc thêm:
- Chương 13 "Đạo Lý Được Thể Hiện Trong Văn Phẩm Qua Ngôn Từ và Văn Phong", quyển Hai "Thực Chất Của Giáo Hội La Mã" của Nguyễn Mạnh Quang xuất bản năm 1999.