Showing posts with label chơi chữ. Show all posts
Showing posts with label chơi chữ. Show all posts

Sunday, 19 June 2022

Mắc chứng gì rủ nhau đánh Huỳnh Công Tín?

Gần đến ngày nhà báo Việt Nam tự nhiên các nhà ngôn ngữ học xúm lại sỉ vả ông Huỳnh Công Tín chỉ vì mục từ NHÀ BÁO trong quyển từ điển từ ngữ Nam Bộ (Huỳnh Công Tín, 2007:894) giảng rằng nhà báo là những người không có công ăn việc làm, thất nghiệp, đang ăn bám vào gia đình. Trích một số ý kiến tiêu biểu (chữ màu tím):

 

Theo thạc sĩ ngôn ngữ học Phan Thế Hoài, không có cơ sở nào để khẳng định trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, người Nam Bộ sử dụng từ nhà báo theo nghĩa “thất nghiệp, ăn bám, báo cha, báo mẹ”. Cách nói này chỉ xuất hiện ở một số ngữ cảnh hẹp, mang tính trêu đùa, giải trí là chủ yếu.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng nghĩa bóng về từ nhà báo với nghĩa tiêu cực như vậy không phù hợp để đưa vào từ điển. Ông khẳng định từ "nhà báo" chỉ có nghĩa gốc, mà theo Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê định nghĩa là "người chuyên làm nghề viết báo", chứ không có nghĩa chỉ người "thất nghiệp, ăn bám gia đình".

Đồng thời, thạc sĩ Phan Thế Hoài cũng nhấn mạnh từ "nhà báo" không có trong phương ngữ Nam Bộ mà chỉ xuất hiện trong một ngữ cảnh hẹp.

"Phương ngữ là hệ thống ngôn ngữ được dùng cho một tập hợp người nhất định trong xã hội. Cách giải thích nghĩa bóng của tác giả không thuyết phục về mặt chuyên môn", ông Hoài nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ, cho biết trong tiếng Việt có những từ "báo đời, báo cô, báo hại" để chỉ người "thất nghiệp, ăn bám gia đình".

"Chữ báo trong 'nhà báo' và báo trong 'báo đời, báo cô, báo hại' nghĩa hoàn toàn khác nhau. Nhà báo phải là từ chỉ một nghề nghiệp", ông Hiệp nói.

(PV, Định nghĩa nhà báo 'ăn bám, thất nghiệp' là rất tiêu cực

https://giaoducthudo.giaoducthoidai.vn/dinh-nghia-nha-bao-an-bam-that-nghiep-la-rat-tieu-cuc-10870.html)




Ngày 15-6, trao đổi với PLO, PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng, định nghĩa theo tác giả trong sách là không được.

Sẽ cho kiểm tra thông tin từ điển định nghĩa 'Nhà báo' là người thất nghiệp, ăn bám ảnh 2

Định nghĩa về nhà báo trong sách được nhiều người chia sẻ trên MXH. Ảnh: Zing.

“Nói gì thì nói phương ngữ phải chỉ rõ phương ngữ vùng nào, sử dụng ra sao, còn từ nhà báo Tiếng Việt toàn dân là chỉ một người có nghề nghiệp đàng hoàng và phải định nghĩa cho đúng”- ông Tình nói.

PGS.TS Phạm Văn Tình cũng nêu dẫn chứng, có khi người ta hay nói là có người ở nhà ăn báo hại thì đó là khẩu ngữ nói vui thì được, nhưng đưa vào từ điển phải thận trọng.

(Viết Thịnh, Sẽ cho kiểm tra thông tin từ điển định nghĩa 'Nhà báo' là người thất nghiệp, ăn bám

https://plo.vn/se-cho-kiem-tra-thong-tin-tu-dien-dinh-nghia-nha-bao-la-nguoi-that-nghiep-an-bam-post684704.html)



Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông, cách định nghĩa nhà báo như vậy đây không phải ngôn ngữ địa phương, chỉ là cách nói đùa sau đó lan truyền và trở nên phổ biến.

Ông ví dụ, ở miền Bắc, người dân có cách nói tương tự như "ăn bám", "ăn báo cô" - tức chỉ những người không việc làm, nhàn rỗi thất nghiệp. Tuy nhiên, đây chỉ là cách nói đùa thông dụng ở địa phương, không phải văn hoá hay từ ngữ đặc trưng đại diện cho văn hoá địa phương.

"Tác giả sách này chưa phân biệt được giữa cách nói thông dụng ở địa phương và ngôn ngữ đặc trưng vùng miền, địa phương. Ngôn ngữ địa phương có hệ quy chiếu, tiêu chuẩn riêng để phân biệt với những từ ngữ thông dụng, nói đùa", vị chuyên gia nói.

Mặt khác, GS Đạt cũng cho rằng, "nhà báo" là từ dành cho các phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên... làm nhiệm vụ sản xuất các sản phẩm báo chí phục vụ công chúng. "Tác giả Huỳnh Công Tín - chủ biên sách, cần giải nghĩa rõ từ ngữ, tránh tạo ra hiệu ứng xấu đến nghề nghiệp của những người làm công tác báo chí".

Thầy Phan Thế Hoài, giáo viên dạy Văn ở TP.HCM bày tỏ, không có cơ sở để khẳng định trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, người Nam Bộ thường sử dụng từ “nhà báo” theo nghĩa “thất nghiệp, ăn bám, báo cha, báo mẹ”. Cách nói này chỉ xuất hiện ở một số ngữ cảnh hẹp, mang tính trêu đùa, giải trí là chủ yếu.

Ví dụ, người A hỏi: Thời gian qua anh/chị làm gì? Người B trả lời: Tôi làm nhà báo. Từ “nhà báo” trong câu này phải được đặt trong ngữ cảnh A và B là bạn học của nhau, đã tốt nghiệp đại học, nhưng B chưa xin được việc làm. Dĩ nhiên câu nói này chỉ có A và B hiểu, người ngoài không hiểu theo nghĩa “thất nghiệp”, “ăn bám”,…

"Nghĩa bóng về “nhà báo” với nghĩa tiêu cực như vậy không phù hợp để đưa vào từ điển. Từ “nhà báo” là người chuyên làm nghề viết báo (theo Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê biên soạn), chứ không có nghĩa chuyển chỉ người “thất nghiệp, ăn bám, báo cha, báo mẹ”, ông Hoài nói.

Ông cũng cho rằng, từ “nhà báo” không có trong phương ngữ Nam Bộ, mà chỉ xuất hiện trong một ngữ cảnh hẹp, mang tính trêu đùa, giải trí là chủ yếu. Phương ngữ là hệ thống ngôn ngữ được dùng cho một tập hợp người nhất định trong xã hội. Ngoài ra, về bản chất “nhà báo” là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo theo quy định của Luật Báo chí năm 2016.

Tác giả giải thích dùng từ với nghĩa bóng, không chỉ những người làm nghề báo mà là câu nói trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, theo ông Hoài là không thuyết phục về chuyên môn. Cuốn từ điển này cần chỉnh sửa ở lần tái bản hoặc thu hồi, tiêu hủy, vị này đề xuất.

(Hà Cường - Từ điển định nghĩa 'nhà báo là ăn bám': Đại diện nhà xuất bản nói gì?
https://vtc.vn/tu-dien-dinh-nghia-nha-bao-la-an-bam-dai-dien-nha-xuat-ban-noi-gi-ar680838.html
)


Trao đổi với PLO, PGS.TS. Ngôn ngữ học Lê Khắc Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng bày tỏ: "Tôi chưa từng nghe ai chơi chữ theo cách này cả".

Định nghĩa về nhà báo: Cần rà soát lại các ấn phẩm từ điển trên thị trường ảnh 1

Định nghĩa về Nhà báo trong cuốn Từ điển gây xôn xao dư luận. Ảnh: Zing

“Có thể vì tôi không phải là người nói phương ngữ Nam Bộ và cũng không sống ở Tây Nam Bộ - vùng phương ngữ chính mà TS. Huỳnh Công Tín dựa vào để xây dựng cuốn “Từ điển từ ngữ Nam Bộ”. Tuy nhiên, tôi có hỏi thăm bạn bè, đồng nghiệp ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thì một số người nói cũng có nghe, dù không thật phổ biến. Những cách chơi chữ phổ biến hơn là “báo đời, báo cô, báo hại, báo cơm”- ông Cường nói.

Cũng theo ông Cường, từ điển có thể giải thích nghĩa gốc và nghĩa phái sinh của một từ. Nghĩa gốc là nghĩa ban đầu, nghĩa cơ sở của từ. Nghĩa phái sinh là những nghĩa xuất hiện sau nghĩa ban đầu, trong đó có nghĩa bóng.

Định nghĩa về nhà báo: Cần rà soát lại các ấn phẩm từ điển trên thị trường ảnh 2

PGS.TS. Ngôn ngữ học Lê Khắc Cường.

Trừ từ điển từ mới, còn các từ điển giải thích khác có một nguyên tắc là chỉ chọn giải thích những từ ngữ phổ biến, ý nghĩa hay khái niệm của chúng (các nhà chuyên môn gọi là nghĩa biểu niệm) đã ổn định và được công chúng sử dụng nhiều trong giao tiếp.

Do vậy, việc đưa nghĩa bóng theo kiểu chơi chữ “Nhà báo được diễn giải là những người không có công ăn việc làm, thất nghiệp, đang ăn bám vào gia đình", theo ý kiến của cá nhân tôi là thiếu cân nhắc.

Quan trọng hơn, với những nghĩa có tính tiêu cực, đụng chạm đến một nghề nghiệp hay những người làm một nghề nghiệp nào đó trong xã hội thì cần hết sức thận trọng.

“Từ điển, do tính chất đặc thù của nó, có thể tác động đến kiến thức và cả nhận thức của nhiều người nên người làm từ điển càng phải thận trọng, thận trọng gấp đôi. Với những trường hợp “nhạy cảm” như thế này thì ví dụ dẫn trong từ điển nhất thiết phải được trích từ văn bản, tác phẩm,… có độ tin cậy, được nhiều người biết thay vì do tác giả tự điển tự viết hoặc nghe ai đó nói rồi viết lại”- PGS.TS. Ngôn ngữ học Lê Khắc Cường bày tỏ.

Từ đó, ông Cường cũng đề nghị nhân vụ việc này, mong Hội Ngôn ngữ học Việt Nam rà soát lại các ấn phẩm từ điển trên thị trường để bảo vệ uy tín của mình.

Ngoài việc giải thích nghĩa của từ ngữ, theo ông, tác giả cũng cần xem lại việc phiên âm vì nhiều chỗ chưa thật chuẩn, cả phiên âm âm vị học (phiên âm giữa hai dấu /-/) và phiên âm ngữ âm học (phiên âm giữa hai dấu [-]).

Cũng tỏ ra bất ngờ với định nghĩa nhà báo trong từ điển nêu trên, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Trang (Trường ĐH KHXH&NV) cho biết, bản thân bà cũng chưa nghe cách nói này.

“Tất nhiên tôi là người Bắc và tôi không sống ở Miền Tây Nam Bộ, nhưng tôi sống ở miền Nam hơn 20 năm rồi chưa nghe cách nói như thế với nghĩa phương ngữ. Đó chỉ là kiểu đùa không phải là định nghĩa trong từ điển”- bà Trang nói.

(Viết Thịnh - Định nghĩa về nhà báo: Cần rà soát lại các ấn phẩm từ điển trên thị trường

https://plo.vn/dinh-nghia-ve-nha-bao-can-ra-soat-lai-cac-an-pham-tu-dien-tren-thi-truong-post684843.html)

Nguyễn Phương Trang là ái nữ của cố giáo sư Nguyễn Quang Hồng, người viết lời giới thiệu quyển từ điển của Huỳnh Công Tín (2007). Bà Trang (và các vị chỉ thắc mắc về mục từ NHÀ BÁO) có thể đọc (hoặc đọc lại) lời giới thiệu dài hơn hai trang của thân phụ bà Trang để hiểu rõ mục đích và giới hạn khối lượng công việc mà người biên soạn quyển từ điển đó đã xác định khi thực hiện công trình. Cũng nên đọc thêm phần tác giả thuyết minh về nội dung và cấu tạo của từ điển (Huỳnh Công Tín, 2007:16-26) để tránh sự vọng văn sinh nghĩa.


Ông Huỳnh Công Tín chắc chắn rành lời ăn tiếng nói của người Nam Bộ hơn tất cả các vị đã dẫn ở trên. Nếu trong lời ăn tiếng nói của người Nam Bộ có hiện tượng nào các vị chưa bao giờ nghe, chưa bao giờ gặp thì đó cũng là chuyện rất bình thường. Đã có quyển sách của ông Huỳnh Công Tín có thể giúp quý vị bổ khuyết kiến thức. Trong quyển sách đó ông Huỳnh Công Tín đã cần mẫn ghi chép một số hiện tượng mà ông cho là đáng lưu ý và quý vị cũng nên lưu ý thay vì cưỡng bách người khác chỉ được nói một kiểu, chỉ được hiểu một cách, là cách của quý vị, ở mọi nơi mọi lúc.

Tiện thể ca đô cho quý vị mười từ trong văn xuôi Nam Bộ đầu thế kỷ 20: bắt sua, bom hơi, dầu măn, đão ba tê, la ép ép, làm bong, lính sách tê, giấy xếch, hát xiết, xẩy dê. Tiếc là vì không có ai làm công việc ông Huỳnh Công Tín (2007) đã làm nên người đời sau không cách nào hiểu được lời ăn tiếng nói của người đời trước nữa. Lúc nào cũng sẵn người giảng giải thế nào là ngôn ngữ, thế nào là lời nói, thế nào là phương ngữ, thế nào là chơi chữ, thế nào là từ điển... chứ không mấy ai chịu hì hục làm cái việc ông Huỳnh Công Tín (2007) đã làm.

Friday, 15 April 2022

Chơi chữ tài tình trong Procès de la colonisation française

 

Tiếng Pháp có từ chinoiserie, vốn dùng để chỉ những thứ có mùi Tàu. Từ này dùng ở số nhiều (chinoiseries) chỉ hàng mỹ nghệ của Trung Quốc nói chung: magasin de chinoiseries (cửa hàng mỹ nghệ Trung Hoa), cũng có thể dùng để chỉ những chuyện rất ư là phiền toái, rắc rối, không giống ai... vì người Pháp vẫn nghĩ “Tàu là thế”.
Dựa vào từ chinoiserie Nguyễn Ái Quốc đã tạo ra từ indochinoiserie để chỉ một sự hết sức vớ vẩn chỉ có ở Đông Dương:
Vous diriez peut­être que c'est une vaste indochinoiserie que de faire gouverner un pays par un homme qui n'y entend rien.
Bản dịch của nhà xuất bản Sự Thật (1975):
Có lẽ các bạn cho rằng đưa một người không hiểu gì về Đông Dương đến nắm vận mệnh Đông Dương thì thật là một trò hề lớn kiểu Đông Dương chứ gì.

Monday, 10 August 2020

Tại sao sinh viên Võ Bị Đà Lạt được gọi là cùi ?


Ông Huỳnh Bửu Sơn kể lại giai thoại sau:

Văn hóa vụ trưởng đầu tiên là cụ Ðỗ Trí Lễ, cựu Giám đốc Học chính tại Hà nội. Sau khi cụ Ðỗ Trí Lễ về hưu, Trung tá Trần Ngọc Huyến được bổ nhiệm về trường thay thế. Chữ "CÙI" xuất phát từ lúc khóa 16 còn tại trường và Trung tá Huyến giữ chức vụ Chỉ huy trưởng kiêm Văn hóa vụ trưởng của trường. 

Mặc dù là Chỉ huy trưởng nhưng ông thường trực tiếp lên lớp với khóa 16 với tư cách một giáo sư văn hóa giảng dạy môn "Huấn luyện Tinh thần". Có lẽ vì chương trình bốn năm dài đằng đẵng, phần đông sinh viên đã ngán văn hóa, nhưng khi vào trường lại gặp phải văn hóa nên sinh ra ù lì, biếng học. Thái độ tiêu cực của một số sinh viên sĩ quan trong các giờ "học về tinh thần" làm vị giáo sư này nổi giận. Ông áp dụng kỷ luật, rầy la nhưng thấy cũng không có hiệu quả mấy. Ông đổi ra phương cách khích động tinh thần. Ông đã để ra hàng giờ lý luận với sinh viên sĩ quan phương trình A phải bằng A, thuyết phục sinh viên sĩ quan là phải chấp nhận khi vào trường là phải học hành đến nơi đến chốn chứ không được lạng quạng

 

Càng cố gắng, ông giáo sư này càng gặp bực mình. Một hôm nọ, sau khi sinh viên sĩ quan ra khỏi lớp, còn lại mình ông và tôi, ông cằn nhằn:  

"Tụi sinh viên của "toi" bê bối quá. Cùi hủi gì đâu! Chỉ có cùi mới không sợ ghẻ lở. "Moi" phải gọi tụi nó bằng cùi mới được." 

Ông vừa nói xong thì lớp khác vào học, ông bèn gọi sinh viên sĩ quan là cùi luôn. Ông dùng chữ CÙI như để "mắng yêu" sinh viên sĩ quan. Có một vị giáo sư nào mà không thương yêu học trò? Ðối với sinh viên sĩ quan, Trung tá Huyến là người "giơ cao đánh khẽ". 

(http://www.dinhsong.net/DS/WebsiteAoSauVuon.aspx)

Ông Mai Trung Ngọc, một cựu sinh viên sĩ quan Võ Bị Đà Lạt, giải thích:

Các SVSQ K14, 15, 16, 17, 18 được Chỉ Huy Trưởng Trần Ngọc Huyến gọi là "Cùi", chúng tôi cũng tự gọi nhau là "Cùi". Có lần người viết hỏi ông "Cùi" có nghĩa là gì, thì ông nói "Cùi nghĩa là Cùi chứ còn gì nữa", nhưng tất cả đều hiểu rằng ông muốn các học trò của ông đừng bao giờ tự mãn, tự thị hãy học thêm để phục vụ những việc tốt đẹp. Chỉ Huy Trưởng Trần Ngọc Huyến nay đã tạ thế, tôi viết các dòng trên như để tưởng niệm 1 bậc Thày

(http://k16vbqgvn.org/butky-lytuongTVBQGVN-MTN.htm)

Tôi nghi ông Huyến chơi chữ. Tiếng Pháp lépreux (cùi) đồng âm với les preux (những chàng dũng sĩ).