Sunday, 30 September 2012

TÊN GỌI SAIGON TỪ ĐÂU ? (Hồ Đình Vũ)




Đây là một đề tài được các nhà nghiên cứu, học giả, Tây lẫn Ta, tốn rất nhiều thì giờ và công sức. Cho đến nay thì có khoảng 5 giả thuyết về xuất xứ của chữ Sài Gòn, trong đó có 3 thuộc loại quan trọng hơn. Xin ghi lại 3 thuyết quan trọng hơn dưới đây:
Sài Gòn từ Thầy Ngòn (Đề Ngạn), Xi- Coón (Tây Cống)
Đây là thuyết được đưa ra bởi 2 tay thực dân Pháp là Aubaret và Francis Garnier (người bị giặc Cờ Đen phục kích chết). Theo Aubaret, Histoire et description de la Basse-Cochinchine và Garnier, Cholen, thì người Tàu ở miền Nam, sau khi bị Tây Sơn tàn sát, đã lập nên thành phố Chợ Lớn vào năm 1778 và đặt tên cho thành phố đó là Tai-ngon hay Ti-ngan. Sau đó, người Việt bắt chước gọi theo và phát âm thành Sài Gòn.
Thuyết này được hai học giả là Vương Hồng Sển và Thái Văn Kiểm đồng ý. Quả thật, trên phương diện ngữ âm, thì Thầy Ngòn, Xi Coón, rất giống Sài Gòn! Tuy nhiên, theo lịch sử thì không phải.
Tại sao ? Vì lịch sử chứng minh rằng Saigon có trước, rồi người Tàu mới đọc theo và đọc trại ra thành Thầy Ngòn, Xi Coọn.
Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn viết năm 1776, năm 1674 Thống Suất Nguyễn Dương Lâm vâng lệnh chúa Nguyễn đánh Cao Miên và phá vở "Luỹ Sài Gòn"(theo Hán-Việt viết là "Sài Côn"). Đây là lần đầu tiên chữ Sài Gòn xuất hiện trong tài liệu sử sách Việt Nam . Vì thiếu chữ viết nên chữ Hán "Côn" được dùng thế cho "Gòn". Nếu đọc theo Nôm là "Gòn", còn không biết đó là Nôm mà đọc theo chữ Hán thì là "Côn".
Như vậy, ngay từ năm 1674 đã có địa danh Saigon! Thì làm gì phải đợi đến 1778 khi người Tàu ở Cù Lao Phố bị Tây Sơn tiêu diệt rồi chạy xuống lập nên Thầy Ngòn tức Đề Ngạn, hay Xi Coón tức Tây Cổng.
Sài Gòn từ Củi Gòn, Cây Gòn, Prey Kor.
Thuyết này được Petrus Trương Vĩnh Ký đưa ra dựa theo sự "nghe nói" như sau :
"Sài là mượn tiếng viết theo chữ Hán có nghĩa là củi gỗ; Gòn là tiếng Nam chỉ bông gòn .Người ta nói rằng tên đó phát sinh bởi sự kiện nhiều cây bông gòn do người Cao Miên đã trồng chung quanh đồn đất xưa của họ, mà dấu vết nay vẫn còn ở chùa Cây Mai và các vùng lân cận".
Pétrus-Trương Vĩnh Ký- Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs, trong Excursions et Reconnaissance X. Saigon , Imprimerie Coloniale 1885.
Không biết tại sao mà sau này Louis Malleret và Vương Hồng Sển lại quả quyết thuyết này là "của" Trương Vĩnh Ký , mặc dù ngay sau đoạn này, TVK lại viết tiếp "Theo ý tôi, hình như tên đó là của người Cao Miên đặt cho xứ này, rồi sau đem làm tên gọi thành phố. Tôi chưa tìm ra được nguồn gốc đích thực của tên đó". Tương tự, có nhiều thuyết phụ theo nói rằng Sàigòn từ "Cây Gòn" (Kai Gon) hay "Rừng Gòn" (Prey Kor) mà ra.
Nói chung, các thuyết này đều dựa trên một đặc điểm chính: cây bông gòn. Nhưng thuyết này phần lớn đã bị bác bỏ vì lý do đơn giản là không ai tìm đượcdấu tích của một thứ "rừng gòn" ở vùng Sàigòn, hay sự đắc dụng của củi gòn ở miền Nam, kể cả nhà bác học Trương Vĩnh Ký . Ngay vào thời của Trương Vĩnh Ký (1885) tức khoảng hơn 100 năm sau mà đã không còn dấu tích rõ ràng của thứ rừng này, mặc dù lúc đó Sàigòn không có phát triển hay thay đổi gì cho lắm. Ngay cả khi Louis Malleret khảo nghiệm lại, hình như cũng không có dấu vết gì của một rừng gòn ở Sàigòn.
Sài Gòn từ Prei Nokor
Đây là thuyết mà thoạt đầu khó có thể chấp nhận nhứt (về ngữ âm), nhưng hiện nay được coi như là "most likely".
Chính Petrus Trương Vĩnh Ký là người đưa ra thuyết này Trong Tiểu Giáo Trình Địa Lý Nam Kỳ, ông đã công bố 1 danh sách đôi chiếu 187 địa danh Việt Miên ở Nam Kỳ, như Cần Giờ là Kanco, Gò Vấp là Kompăp, Cần Giuộc là Kantuọc và Sài Gòn là Prei Nokọr
Trước nhất, theo sử Cao Miên được dịch lại bởi Louis Malleret, vào năm 1623, một sứ thần của chúa Nguyễn đem quốc thư tới vua Cao Miên và ngỏ ý muốn mượn xứ Prei Nokor (Saigon) và Kras Krabei của Cao Miên để đặt phòng thu thuế.
Năm 1747, theo danh mục các họ đạo trong Histoire de la Mission Cochinchine, có ghi Rai Gon Thong (Sài Gòn Thượng) và Rai Gon Hạ (Sài Gòn Hạ).
Đó là theo sử sách, còn theo tiếng nói thì Prei Nokor (hay Brai Nagara theo tiếng Phạn mà người Miên mượn), có nghĩa là "thị trấn ở trong rừng",Prei hay Brai là rừng, Nokor hay Nagara là thị trấn. Đây là vùng mà chúa Nguyễn đã mượn làm nơi thu thuế như đã nói ở trên.
Theo tiến trình của ngôn ngữ, Prei hay Brai biến thành RAI, thành "Sài", Nokor bị bỏ "no" thành "kor", và từ "kor" thành "Gòn". Từ Prei Nokor …mà thành SàiGòn thì thật là …dễ sợ ! Còn sở dĩ có Saigon viết dính nhau là do các giáo sĩ Tây phương đã bỏ mất dấu và gắn liền nhau khi in. Sau khi chiếm nước ta, để khỏi đọc "sai" ra "sê" theo giọng Pháp nên Saigon được viết với hai dấu chấm trên chữ i.
Saigon… muôn thuở là Sàigòn !
Ca dao - Tục ngữ
Saigon là Hòn ngọc Viễn Đông, là một thành phố lớn nhất Việt Nam. Những nơi như Saigon được mệnh danh là Kẻ Chợ, đã là Kẻ Chợ ắt có chợ, mà phải là ngôi chợ lớn, khách Lục tỉnh lên thăm Saigon, ra vào chợ Saigon hẳn không quên. Chợ Saigon được đồng bào Hậu Giang so sánh với ngôi chợ tỉnh nhà:
Chợ Saigon cẩn đá,
Chợ Rạch Giá cẩn xi măng.
Giã em xứ sở vuông tròn,
Anh về xứ sở không còn ra vô.
Người con gái ở đô thành tiêm nhiễm nếp sống Tây phương, chàng trai xa nàng khỏi sao thắc mắc, lo nàng ở lại chẳng vuông tròn nên phải ra vô, nàng vuông tròn chàng yên tâm về xứ sở.
Cúc mọc bờ ao kêu bằng cúc thủy,
Chợ Saigon xa, chợ Mỹ cũng xa.
Viết thư thăm hết mọi nhà,
Trước thăm phụ mẫu sau là thăm em.
Saigon và Mỹ Tho, hai nơi cách nhau trên sáu chục cây số, nay tuy thật gần những xưa thật xa,vì phương tiện di chuyển đâu có dồi dào như nay, chàng và nàng dù đã yêu nhau, nhưng mỗi lúc tới thăm đâu có dễ dàng, đôi bên cùng bận làm ăn buôn bán, nàng ở chợ Saigon, chàng ở chợ Mỹ Tho. Nhớ nhung nhau, chỉ biết tin thư thăm hỏi, lấy giấy thay lời. Chàng yêu nàng vì duyên, vì tình, tình yêu chân thật, đâu thấy nàng giàu mà ham hoặc thấy nàng nghèo mà chê.
Chợ Saigon đèn xanh, đèn đỏ,
Anh coi không tỏ, anh ngỡ đèn tàu.
Lấy anh em đâu kể sang giàu,
Rau dưa mắm muối có nơi nào hơn em.
Chợ Saigon với những hàng quảng cáo đèn màu xanh đỏ, chàng trai quê lên nhầm lẫn đó là đèn tàu. Sự lầm lẫn thị giác này có thể có được, nhưng lầm về yêu đương, chàng đâu có lầm. Chàng lấy nàng đâu có kể sang giàu, vì tiền tài bao nhiêu cũng có thể hết, duy tình nghĩa mới bền lâu, như người xưa đã nói:
Theo vàng bỏ ngãi ai hơi,
Vàng thời đã hết, ngãi tôi vẫn còn.
Chính vì nghĩa mới bền lâu, nên khi xa người nghĩa, người con trai đứng ngồi không yên :
Chim quyên xuống đất tha mồi,
Tôi xa người nghĩa đứng ngồi không yên!
Giấy tây bán mấy,
Mua lấy tờ nguyên,
Làm thơ hỏi bạn tình duyên chuyện gì ?
Mến thương nàng, đem nàng so sánh với các nàng Lục tỉnh, cô gái Saigon thật hơn:
Nội trong lục tỉnh Nam kỳ,
Mấy ai được nết nhu mì như em.
Hai hàng lụy ngọc ướt nhèm,
Làm sao cho đặng anh với em giao hòa.
Phú Lê post (theo Hồ Đình Vũ)

Saturday, 29 September 2012

Do đâu có tên cây pơ mu?


Trong tiếng Việt cây này còn có các tên như đinh hương, bách dầutô hạp hương, mạy vạc (người thiểu số ở Lào Cai), mạy long lanh (người Thái ở miền Tây Bắc và Thanh Hóa), khơ mu (Hà Tĩnh), hòng he (người Ba Na ở Gia Lai và Kon Tum). Nhưng cái tên pơ mu thì không gắn với một ngôn ngữ dân tộc nào cả.
Tên khoa học của cây pơ mu là Fokienia hodginsii (Dunn) A. Henry & H. H. Thomas. Tên này có liên quan đến tỉnh Phúc Kiến bên Trung Hoa (Fokienia) vì đó là nơi người ta (ông Hodgins) thu thập được mẫu vật đầu tiên để đem về châu Âu. Tên cây bằng chữ Hán là 福建柏  (fu jian bai / Phúc Kiến bách). Gỗ bách (bách mộc) tiếng Hán là 柏木, có phát âm (băi mù) rất gần với cách người Pháp gọi tên cây: pé-mou / pemou / peu-mou... Từ pơ mu của tiếng Việt có thể từ một trong hai nguồn này mà ra.

Thursday, 27 September 2012

Ông Dèm là ông nào?


Khu vực hiện nay bao gồm Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Thành Phố Hồ Chí Minh, Khoa Dược Đại Học Y Dược Thành Phố Hồ Chí Minh, Trường Cán Bộ Quản Lý Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn II, Đài Truyền Hình Thành Phố Hồ Chí Minh, thời Pháp thuộc là doanh trại của trung đoàn bộ binh thuộc địa số 11 (11e régiment de d’infanterie coloniale, viết tắt là 11e R.I.C.). Người Việt gọi là thành Ông Dèm, do onzième tiếng Pháp nghĩa là thứ 11.
Đơn vị này được thành lập năm 1900. Tiền thân của nó là trung đoàn dã chiến Nam Kỳ (régiment de marche de Cochinchine) được thành lập năm 1869, đến năm 1890 chuyển thành trung đoàn bộ binh hải quân số 11 (11e régiment d’infanterie de marine) trước khi mang tên 11e R.I.C.
Khi quân Pháp rút khỏi Việt Nam, thành Ông Dèm trở thành doanh trại của lữ đoàn liên binh phòng vệ phủ tống thống, thường gọi là thành Cộng Hòa. Sau cuộc đảo chính tháng 11/1963, lữ đoàn liên binh phòng vệ phủ tống thống bị giải thể, đất cũ của thành Cộng Hòa được chia cho các trường Đại Học Văn Khoa, Đại Học Dược Khoa, Cao Đẳng Nông Lâm Súc và Đài Truyền Hình.

Monday, 24 September 2012

Về địa danh Sài Gòn (Năng Lượng Mới số 155 ,14-9-2012). An Chi / Huệ Thiên


Về địa danh Sài Gòn (Năng Lượng Mới số 155 ,14-9-2012).

by An Chi on Friday, September 14, 2012 at 12:51pm ·
BẠN ĐỌC : Blog của Dang Thai Minh có bài “Nguồn gốc địa danh Sài Gòn” của tác giả Bình Nguyên Lộc, tóm tắt nhiều xu hướng giải thích về nguồn gốc tên gọi này, trong đó có nguồn gốc từ tiếng Quảng Đông. Trong cuốn A Voyage to Cochin China của John White (London,1824), tác giả cũng ký âm tên nhiều vùng đất (như Canjeo (Cần giờ), Vung-tau, Gagn-jai, Cai-mep, Don-nai, v.v.) trong đó có SAIGON.
Phải chăng Saigon là từ của người ngoại quốc ký âm tên vùng đất mà triều đình Huế đặt tên là Trấn biên rồi là Gia định.         Trong tấm bản đồ của Trần (hay Nguyễn?) Văn Học vẽ vào năm 1815, có địa danh CHỢ SAIGON bằng chữ Hán, chỉ khu vực Chợ lớn ngày nay. Nhờ ông An Chi đọc và cho ý kiến. Xin cám ơn.
                                                                          Trần Gia Quốc Anh, Huế.
AN CHI : Về vấn đề bạn quan tâm, cách đây 22 năm, chúng tôi đã có nói rõ ý kiến cá nhân trong bài “Từ nguyên của địa danh Sài Gòn”, đăng trên Kiến thức Ngày nay số 36 (1-6-1990), in lại trongNhững tiếng trống qua cửa các nhà sấm (Nxb Trẻ, 2004, tr.167-177). Lần này, xin căn cứ vào tài liệu bạn gửi đến để trả lời bạn như sau.
                Bình Nguyên Lộc (BNL) là tác giả mà chúng tôi ái mộ từ năm 15 tuổi khi đọc quyển Nhốt Gió, tác phẩm  đầu tay của ông, do nhà Thời Thế xuất bản năm 1950. Nhưng ông chỉ là một nhà văn, và có thể là cả một nhà văn hoá nữa, chứ không phải một nhà ngữ học. Dĩ nhiên ngữ học không chỉ là độc quyền của những nhà ngữ học chính danh nhưng muốn bàn về ngữ học thì phải có những kiến thức hữu quan cần thiết. Không phải hễ là một học giả trứ danh  thì có thể có kết luận chính xác về bất cứ vấn đề ngữ học nào. Điển hình là trường hợp của Georges Condominas mà chúng tôi đã nêu trong bài “Nghĩa và nguồn gốc của từ Vặt” trên Năng lượng mới số 22 (26 - 5 - 2011). Với BNL, hơn 200 biểu so sánh ngôn ngữ trong quyển Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Viêt Nam (1971), rồi toàn bộ quyển Lột trần Việt ngữ (1972) của ông chỉ cung cấp cho ta những ngữ liệu bổ ích chứ không phải là công trình ngữ học thực thụ. Cũng vậy, bài “Nguồn gốc địa danh Sài Gòn” của ông mà bạn gửi đến không phải là một bài viết thật sự chặt chẽ và khoa học. Lĩnh nhận đề nghị của bạn, chúng tôi chỉ xin nêu một vài nhận xét cơ bản về bài này mà thôi.
        1.Tên của Sài Gòn trong tiếng Khmer.– Phủ nhận cái tên gốc của Sài Gòn là Prây Nôkor (cách ghi của BNL) trong tiếng Khmer, như BNL đã tuyên bố, là đã loại bỏ cái căn cứ đích thực giúp cho ta đi tìm từ nguyên của địa danh Sài Gòn. Sài Gòn  từ xưa đến nay vẫn được người Khmer gọi là Prey Nokor (cách ghi của AC) ; nghĩa là cho đến bây giờ cái tên Prey Nokor (dùng để chỉ Sài Gòn) vẫn còn tồn tại dai dẳng trong tiếng Khmer. Sau đây là một dẫn chứng sinh động. Trong bài “L'origine du mot Yuon et les avatars de notre voisin de l'Est” do Khemara Jati (Montréal, Québec) đưa lên mạng “RepublicofCambodia” (Yahoo!Groups) ngày 13-2-2010 , ta có thể đọc thấy một lời chú thích dứt khoát, rành mạch về địa danh “Sài Gòn” , ghi trong ngoặc đơn như sau: “Saigon (Maintenant «Hochiminhville», mais pour les Cambodgiens c’est toujours Prey Nokor)”. Dịch nghĩa: “Sài Gòn (Bây giờ [là] Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng đối với người Campuchia thì đó luôn luôn là Prey Nokor)”. Nên nhớ rằng cái câu này ra đời vào cuối thập kỷ thứ nhất của thế kỷ XXI. Nó mới toanh! Nghĩa là Prey Nokor, tên của Sài Gòn bằng tiếng Khmer, vẫn còn sống dai dẳng cho đến tận bây giờ. Làm sao có thể phủ nhận nó?
 Nhưng BNL còn biện luận rằng người Chăm gọi Sài Gòn là Prây Kor chứ không phải là Prây Nokor. Cái lý này hoàn toàn không vững. Ta đang nói về đất (cũ) của Campuchia thì phải căn cứ vào tiếng Khmer chứ sao lại lấy tiếng Chăm làm điểm xuất phát? Huống chi, Prây Kor chẳng qua chỉ là Prây Nôkor đã bị người Chăm bỏ đi âm tiết “nô”của Nôkor mà thôi.
Nhưng BNL còn đưa ra một cái lý khác nữa. Ông viết:
“Một ông Tây thứ nhì, cũng biết cơ cấu ngôn ngữ Cam Bu Chia như tôi, xác nhận rằng địa danh phải là Prây Ko, hoặc Prây Kor, chớ không thế nào mà là Prây Nokor được hết (…) Ông ấy cho là Ko, hoặc Kor, không phải chỉ có nghĩa là Bò, mà là có nghĩa là cây gòn, một thứ cây có công dụng y hệt như cây gạo của Bắc Việt.”
Thực ra thì, với cái chứng lý hoàn toàn cụ thể và chắc chắn mà chúng tôi đã đưa ra trên đây, thì ngoài Prey Nokor, không có bất cứ một cái tên nào khác của Sài Gòn bằng tiếng Khmer mà lại có giá trị được cả, dù cho nó do bất cứ ông Tây, ông ta nào lăng xê. Dĩ nhiên là kể cả Georges Coedès, học giả lừng danh, tác giả quyển Les peuples de la péninsule indochinoise (Dunod, Paris, 1962). Tại trang 185 của quyển này, Coedès đã viết như sau: “Grâce à la princesse, une ambassade cochinchinoise put en 1623 obtenir du souverain cambodgien l’autorisation d’établir un poste de douane à Prei Kor, à l’endroit où s’élève aujourd’hui la ville de Saigon.” (Nhờ nàng công chúa [Ngọc Vạn – AC], năm 1623 một sứ bộ Đàng Trong đã được quốc vương Campuchia cho phép lập một trạm thu thuế tại Prei Kor, nơi mà ngày nay thành phố Sài Gòn được xây dựng).
Kể ra cũng là chuyện khôi hài khi mà người ta muốn tìm tên của Sài Gòn bằng tiếng Khmer nhưng lại phớt lờ cách gọi nó của chính người Khmer để đưa ra toàn những thứ do chủ quan của mình tưởng tượng hoặc lựa chọn. Tóm lại, những thứ như Prây Ko (Rừng Bò), Prây Kor (Rừng Gòn), v.v., đều phải bị gạt bỏ không thương tiếc.
2. Sài Gòn và Thầy Ngòn (BNL viết “Ngồl”).– BNL viết:
“Trịnh Hoài Đức viết rằng sau khi Tây Sơn tàn phá thành phố lớn Nông Nại Đại Phố, ở Biên Hòa, thì người Tàu sống sót, trong đó có họ Trịnh, người Tàu lai, chỉ mới lên tám, chạy xuống phía dưới để lập ra một thành phố khác, nay truy ra là thành phố ấy là vùng Chợ Lớn ngày nay. Đa số người Tàu sống sót là người Quảng Đông. Họ đặt tên thành phố mới ấy là Đề Ngạn Thành. Đề Ngạn có nghĩa là “Nắm (vững) bờ sông”. Sông ở đây, chỉ là sông con, trỏ tả ngạn của con rạch Cầu ông Lãnh, đoạn nằm ở đại lộ Đồng Khánh ngày nay. Người Quảng Đông phát âm Đề Ngạn là Thầy Ngồl, và Thầy Ngồl bị Việt Hoá ra là Sài Gòn.”
Ý kiến của BNL hoàn toàn trái ngược với sự thật lịch sử. Trong Địa chí văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh, t.1, phần ba (Nxb TPHCM, 1987), Nguyễn Đình Đầu đã khẳng định:
“1698 là năm chúa Nguyễn cử Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh (cũng đọc là Kính) vào Nam kinh lược.
“Nguyễn Hữu Cảnh «lấy đất Nông Nại làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Gòn là huyên Tân Bình, dựng dinh Phiên trấn; mỗi dinh đặt chức lưu thủ, cai bộ và ký lục đẻ cai trị».
“Từ đây mới chính thức có chính quyền của chúa Nguyễn ở vùng đất mới bấy lâu nay do lưu dân Việt Nam tự động đến sinh sống, khai hoang lập ấp và tự quản.
“Ta lấy năm 1698 là cái mốc đầu tiên của Sài Gòn là vì vậy, vì từ đó mới có phủ sở Gia Định, huyện sở Tân Bình thuộc phủ Gia Định, từ đó xứ Sài Gòn mới chánh thức là đất Việt Nam (…)”.
Huống chi, thực ra,  theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn thì thống suất Nguyễn Dương Lâm vâng lệnh chúa Nguyễn đã đánh Cao Miên và phá vỡ Luỹ Sài Gòn từ năm 1674.
                                                     (Xin xem tiếp trên số 156, Thứ ba 18-9-2012).

Sunday, 23 September 2012

Nguồn gốc địa danh Sài Gòn (Lê Trung Hoa)

Nguồn gốc địa danh Sài Gòn

Trong “Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị” của ông Huỳnh Tịnh Của thì Sài tức là củi thổi, Gòn: tên loại cây cỏ bông nhẹ xốp, nhẹ hơn bông thường, trong Nam hay dùng để dồn gối, dồn nệm. Về địa danh Sàigòn thì Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị ghi: tên riêng của đất Chợ Lớn, bây giờ lại hiểu là đất Bến Nghé.
Ðịnh nghĩa Sàigòn của quyển Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị cho ta thấy rằng tên Sàigòn trước đây dùng để chỉ vùng Chợ Lớn hiện nay, còn vùng mà ta gọi là Sàigòn hiện nay thì trước đây lại gọi là Bến Nghé. Ðiều này được xác nhận nhờ hai người Anh là Crawford và Finlayson đã đến vùng này năm 1922. Cứ theo lời những người này thuật lại thì Sàigòn và Bến Nghé (mà các tác giả trên đây viết là Bingeh hay Pingeh) là hai thành phố phân biệt nhau và cách xa nhau độ 1 hay 2 dặm, Bến Nghé là nơi đồn binh và đạt cơ quan chánh phủ, còn Sàigòn là trung tâm thương mãi và là nơi cư ngụ của người Hoa kiều và các thương gia (tài liệu của Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises tức là Tập san của Hội Cổ Học Ấn Hoa, năm 1942, tập số 2). Vậy, Sàigòn và Bến Nghé là hai thành phố phân biệt nhau và có hai tên khác nhau đàng hoàng, nhưng đến khi người Pháp chinh phục ba tỉnh phía đông Nam Kỳ năm 1861, họ dùng tên Sàigòn để chỉ đất Bến Nghé cũ, mà họ dùng làm trung tâm hành chánh, vì Bến Nghé là một tiếng khó cho người ngoại quốc phát âm hơn Sàigòn. Người Việt Nam bắt buộc phải theo họ mà gọi Bến Nghé là Sàigòn, còn vùng trước đó gọi là Sàigòn thì được gọi là Chợ Lớn theo một cái tên mà sử gia Phan Khoang trong bộ Việt Sử, Xứ Ðằng Trong, cho là dường như đã có từ đời vua Gia Long.
Cũng theo quyển Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị của ông Huỳnh Tịnh Của thì tên Sàigòn có nghĩa là củi gòn. Nhà học giả Trương Vĩnh Ký đã theo thuyết này mà ông cho biết là dựa vào bộ Gia Ðịnh Thông Chí của ông Trịnh Hoài Ðức. Trong tập Souvenirs historiques, ông Trương Vĩnh Ký lại kể lại rằng người Khmer xưa có trồng cây gòn chung quanh đồn Cây Mai và chính ông còn thấy vài gốc cổ thụ này tại vùng ấy năm 1885.
Sau ông Trương Vĩnh Ký, còn có ông đốc phủ Lê Văn Phát đi xa hơn trong thuyết kể trên đây. Theo ông Lê Văn Phát thì trước đây, vùng Sàigòn Chợ Lớn hãy còn bị rừng bao phủ và tên Sàigòn có lẽ phát xuất từ tên Khmer Prei Kor tức là Rừng Gòn (Forêt des Kapokiers). Prei Kor là tên mà người Khmer dùng để gọi một địa phương mà trọng tâm là Chùa Cây Mai ở Phú Lâm ngày nay. Mặt khác, ông Lê Văn Phát cũng cho biết rằng người Lào (mà ngôn ngữ gần như ngôn ngữ Thái) đã gọi vùng này là Cai Ngon, mà Cai Ngon theo tiếng Thái cũng có nghĩa là Rừng Chỗi Cây Gòn (Brousse des kapokiers).
Thuyết về  tên Sàigòn của các học giả Việt Nam trên đây sau này đã bị một số học giả khác bác bỏ. ông Vương Hồng Sến trong bộ Sàigòn Năm Xưa cho biết rằng theo tiếng Khmer thì Kor có nghĩa là gòn mà cũng có thể có nghĩa là con bò, và Prei Kor có thể là Rừng Bò chứ chưa ắt hẳn là Rừng Gòn.
Mặt khác, các nhà học giả Pháp nghiên cứu về nước Cam.Bu.Chia đã tìm được trong bộ sử chép tay của nước ấy một dữ kiện quan trọng về vùng này. Theo bộ sử ấy, năm 1623, một sứ bộ của chúa Nguyễn đã đến Cam.Bu.Chia xin vua Cam.Bu.Chia cho đặt một số sở thuế ở vùng Prei Nokor va` Kas Krobey. Vua Cam.Bu.Chia lúc ấy có một hoàng hậu la` con gái chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên). Bởi đó, ông đã chấp nhận lời yêu cầu của chúa Nguyễn.
Theo ông Etienne Aymonier thì Nokor là xứ, quốc gia và Prei Nokor là rừng của vua (forf royale). Nhưng linh mục Tandart lại bảo rằng tiếng Nokor do tiếng nam phạn Nagaram mà ra, và có nghĩa là Thành phố của rừng hay thành phố ở giữa rừng (ville de la forêt). Bởi vậy theo ông, Prei Nokor có nghĩa là thành phố.
Nhà học giả Pháp Louis Malleret khi nêu ra tài liệu về Prei Nokor đã dựa vào ý nghĩa của tiếng Khmer này theo linh mục Tandart để bác bỏ thuyết của các học giả Việt Nam trước đó cho rằng Sàigòn có nghĩa là Củi Gòn. Ông đã theo ý kiến của một người Pháp khác là Maurice Verdeille theo đó tiếng Sàigo`n có lẽ phát xuất từ tiếng Tây ngòn có nghĩa là cống phẩm của phía tây (tribut de l’ouest). Tiếng Hán Việt có nghĩa là cống phẩm của phía tây nếu đọc theo V.N là Tây Cống và Tây Ngòn hẳn là Tây Cống, nhưng phát âm theo giọng Trung Hoa. Sở dĩ ông Malleret theo thuyết này là vì ông đã dựa vào một dữ kiện lịch sử do ông Trịnh Hoài Ðức chép lại, là khi Cam Bu Chia bị phân ra cho hai vua thì cả hai vua nầy đều nạp cống phẩm cho chúa Nguyễn ở Prei Nokor, vốn là thủ đô của vua thứ nhì từ năm 1674 (trong khi vua thứ nhứt đóng đô ở Oudong ở phía bắc Nam Vang).
Một tác giả khác, ông Vương Hồng Sển, nhắc lại trong quyển Sàigòn Năm Xưa rằng người Hoa Kiều đã tập trung vào vùng Chợ Lớn ngày nay để mua bán năm 1778 sau khi Cù Lao Phố (gàn tỉnh lị Biên Hòa ngày nay) là nơi được thành lập để mua bán từ cuối thế kỷ thứ 17 đã bị Tây Sơn phá tan khi họ kéo vào đánh Miền Nam. Sau khi thành phố này đã vững, người Hoa Kiều đã đáp thêm bờ kinh Chợ Lớn, cẩn đá cho cao ráo kiên cố. Và có lẽ để ghi công việc này, họ đặt tên chỗ mới này là Ðề Ngạn, tức là bờ sông cao dốc trên có đe ngăn nước. Ðề Ngạn là tiếng Hán Việt, chớ người Trung Hoa phát âm theo giọng Quảng Ðông thì nói thành Tài Ngon hay Thầy Ngồnn. Ông Vương Hồng Sển cho rằng tiếng Sàigòn chính do Thầy Ngồnn mà ra.
Về đất Bến Nghé thì người Trung Hoa gọi là Xi Cong. Ông Vương Hồng Sển cho rằng đó là họ đọc trại lại tiếng Sàigòn của ta và khi viết ra Hán văn thì họ dùng hai chữ mà ta đọc là Tây Cống.
Vậy, có ba thuyết về nguồn gốc và ý nghĩa của tên Sàigòn:
1. Thuyết của các ông Trương Vĩnh Ký và Lê Văn Phát: Sàigon do tiếng Khmer Prei Kor mà ra, và có nghĩa là củi gòn.
2. Thuyết của ông Louis Malleret: Sàigòn do tiếng Tây Ngòn, tức là Tây Cống phát âm theo giọng Trung Hoa và có nghĩa là cống phẩm của phía tây.
3. Thuyết của ông Vương Hồng Sển: Sàigòn do tiếng Thầy Ngồnn tức là Ðề Ngạn phát âm theo giọng Trung Hoa và có nghĩa là bờ sông cao dốc trên có đê ngăn nước. Còn về tiếng Tây Cống, ông Vương Hồng Sển lại cho rằng nó chỉ được người Trung Hoa dùng sau này để phiên âm lại tên Sàigòn sau khi tên này được dùng đẻ chỉ đất Bến Nghé cũ.
Ba thuyết trên đây cái nào cũng có vẻ có lý phần nào nhưng thật sự, không cái nào có thể làm cho chúng ta hoàn toàn thỏa mãn. Như thế có lẽ vì những người nêu ra các thuyết ấy đã quên để ý đến cách ông bà chúng ta đặt các địa danh ở Nam Kỳ trước đây. Chúng ta có thể nhận thấy rằng trong việc đạt địa danh này, ông bà chúng ta đã theo một số nguyên tắc:
Các cụ có thể phiên âm một địa danh Khmer đã có và bỏ dấu cho thành tiếng Việt Nam. Thí dụ như Psar Deck thiếng Khmer là Chợ Sắt đã được các cụ gọi lại là Sa Ðéc, hay Me So tiếng Khmer là Người Ðàn Bà Ðẹp hay nàng Tiên được các cụ gọi là Mỹ Tho. Trong một bài kỷ niệm ngày 30 tháng tư, đăng trong tờ Việt Báo, ông Phạm Nam Sách khi nói về tỉnh Ba Xuyên đã nhắc đến một địa danh mà ông nói là là Bảy Sào, Bải Sào, Bảy Sau hay Bải Sau chi đó. Thật sự đó là Bải Xào, một tiếng phát xuất từ tiếng Khmer Bai Xao có nghĩa là Cơm Sống. Ðịa danh này sở dĩ có là vì trong trận đánh nhau voói người Việt Nam, người Khmer đã thua chạy về đến đó và ngừng lại nấu cơm ăn, nhưng cơm chưa kịp chín thì quân Việt Nam lại kếo đến và người Khmer phải bỏ chạy. Ðể đánh dấu việc này, họ gọi đất đó là Cơm Sống, tiếng Khmer là Bai Xao và các cụ ta bỏ dấu thêm thành Bải Xào.
Các cụ có thể dịch nghĩa một địa danh Khmer đã có. Thí dụ như tên Bến Nghé phát xuất từ tiếng Khmer Kompong Krabei có nghĩa la Vũng Trâu. Theo sử Khmer mà ông Malleret viện dẫn thì ngoài Prei Nokor, vua Cam.Bu.Chia còn cho chúa Nguyễn đạt sở thuế ở Kas Krobey. Chữ Krobey rất gần Krabei, và có thể Kas Krobey với Kompong Krobei cũng là một và có nghĩa là Vũng Trâu, Bến Trâu gì đó.
Nhưng tên theo hai loại trên đây là do người Việt Nam bình dân đặt ra khi mới đến một địa phương, về sau, khi đã có nhiều người Việt Nam ở và triều đình Việt Nam đặt ra các đơn vị hành chánh, thì triều đình lại dùng tiếng Hán Việt như Trấn Biên, Phiên Trấn, Phước Long, Phước Tuy v.v… Mặt khác, khi viết sử hay viết sách địa lý mà gặp một tên nôm do người bình dân đã đặt, các cụ đã dịch phăng nó ra tiếng Hán Việt chớ ít khi chịu chép tên nôm. Như Ba Giỗng, các cụ dịch là Tam Phụ và Bến Nghé, các cụ dịch lại là Ngưu Chử khi chép vào sách chớ không chịu viết tên nôm là Ba Giồng, Bến Nghé.
Nếu lấy các qui tắc đặt địa danh của các cụ ngày xưa làm tiêu chuẩn dể suy luận thì ta thấy ngay các thuyết trên đây về nguồn gốc và ý nghĩa của Sàigòn không ổn.
Nếu các cụ ta ngày xua muốn dịch tiếng Khmer Prei Kor ra tiếng Việt thì các cụ đã dùng tên Củi Gòn, Cây Gòn hay Rừng Gòn để đạt cho địa phương này, chớ không ghép một tiếng Hán Việt là Sài với một tiếng nôm là Gòn để thành Sàigòn, cũng nhu khi dịch Kompong Krabei ra tiếng Việt, các cụ đã gọi là Bến Nghé chớ không nói Tân Nghé, Chử Nghế hay Ngạn Nghé (Tân, Chử và Ngạn là những tiếng Hán Việt có nghĩa là cái cồn nhỏ, bến sông, bờ sông). Nếu bảo rằng gòn là một loại cây không có tên Hán Việt và các cụ đã dùng tên ấy như tiếng Hán Việt thì các cụ đã theo văn phạm Hán Việt mà gọi Củi Gòn là Gòn Sài chớ không thể gọi là Sài Gòn
Chữ Sài là tiếng Hán Việt có nghĩa là Củi, nhưng cũng chữ ấy mà dùng làm chữ nôm thì lại đọc là Thầy. Vậy, nếu đọc theo tiếng nôm hoàn toàn hai chữ mà ông bà chúng ta dùng để chỉ tên đất ta đang nghiên cứu thì ta có Thầy Gòn. Tên này rất gần với Tây Ngòn hay Thầy Ngồnn là những tiếng Hán Việt Tây Công hay Ðề Ngạn đọc theo giọng Trung Hoa. Nhưng các cụ ngày xua rất sính dùng tiếng Hán Việt. Ðến như tiếng nôm hoàn toàn là Ba Giồng, Bến Nghé mà các cụ còn nhứt định phải dịch ra là Tam Phụ, Ngưu Chử khi viết vào sách vở thì không lý do gì các cụ lại không dùng các tiếng Hán Việt đã sẵn có là Tây Cống hay Ðề Ngạn, mà lại dùng tiếng Thầy Gòn là tiếng phiên âm theo giọng của người Trung Hoa.
Vậy, các thuyết kể trên đây đều không vững cả.
Cuối cùng, chỉ còn một dấu vết nhỏ trong các tài liệu nói về ý nghĩa và nguồn gốc tên Sàigòn có thể giúp ta một lối thoát: đó là việc ông Lê Văn Phát cho biết rằng người Lào đã gọi vùng Chợ Lớn ngày nay là Cai ngon, mà Cai ngon theo tiếng Thái có nghĩa là Rừng Chỗi Cây Gòn. Chúng tôi không biết tiếng Lào hay tiếng Thái nên không thể xác nhận được ý nghĩa của Cai Ngon theo tiếng Thái, nhưng nếu quả đúng như ông Lê Văn Phát nói thì tên Sàigòn do ông bà ta phiên âm từ tiếng Thái Cai Ngon và bỏ dấu theo giọng Việt Nam như thông lệ.
Xét về mặt nguyên tắc đạt địa danh của ông bà chúng ta ngày xưa, thì vấn đề này có thể kể là tạm giải quyết. Nhưng nghi vấn còn lại là tại sao lại có tiếng Lào hay tiếng Thái lọt vào đây? Hiện nay, không có nhiều tài liệu lịch sử giúp chúng ta có một sự hiểu biết rộng rãi và chánh xác về thời kỳ người Việt Nam mới vào ở đất Nam Kỳ. Chúng ta chỉ có thể dựa vào một số dữ kiện sau đây để suy luận:
1. Vào đầu thế kỷ 17, nước Cam Bu Chia đã bị người Xiêm (Thái Lan hiện nay) uy hiếp nặng nề, và chính vì muốn dựa vào người Việt Nam để chống lại Xiêm mà vua Chey Chetta II đã đi cưới công chúa Ngọc Vạn (là con gái chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên) về làm hoàng hậu năm 1620, rồi đén năm 1623 lại đẻ cho chúa Nguyễn đạt những cơ sở thâu thuế ở vùng Sàigòn, Chợ Lớn ngày nay.
2. Vùng Chợ Lớn chỉ trở thành một vùng thương mãi thạnh vượng từ năm 1788 với khối người Hoa Kiều tụ tập về đó sau khi Cù Lao Phố bị Tây Sơn phá hủy. Vậy, lúc chúa Nguyễn mới đạt cơ sở thuế hơn 150 năm về trước vùng này chưa có mua bán gì nhiều.
3. Người Việt Nam chỉ vào ở Nam Kỳ nhiều từ khi có lực lượng của ông Trần Thượng Xuyên đóng thường trực để bảo vệ cho họ từ năm 1680. Vậy, lúc chúa Nguyễn đạt sở thuế ở vùng Chợ Lớn ngày nay, hơn 50 năm trước đó, chưa có đông người Việt Nam và chưa có sản xuất nhiều lúa gạo để bán.
4. Như thế, cơ sở thuế của chúa Nguyễn chắc chỉ đánh vào một vài sự buôn bán nhỏ, không quan trọng lắm, và do đó mà vua Cam Bu Chia đã dễ dàng cho chúa Nguyễn thâu lấy nguồn lợi này, chớ nếu có sự mua bán quan trọng và quyền lợi thuế vụ lớn thì vua Cam Bu Chia lúc đó vốn còn hoàn toàn độc lập với chúa Nguyễn, chắc không phải chấp nhận dễ dàng lời yêu cầu của chúa Nguyễn. Vậy, sự mua bán đó dựa vào móng hàng gì? Có thể một trong những món hàng được buôn bán thời đó là gòn, vì vùng này có nhiều cây gòn, có lẽ không nhiều đến thành rừng, nhưng cũng đạt mức quan trọng để có thể gọi là rừng chổi được. Người Xiêm có thể đã đến đó mua gòn để đem về nước dồn gối, dồn nệm. Một ít thương gia Xiêm có thể đã có mặt ở vùng này trước khi chúa Nguyễn đạt sở thuế tại đó, và vì thấy vùng này có nhiều cây gòn, họ gọi nó là Cai Ngon tức là Rừng Chổi Cây Gòn, rồi các viên chức Việt Nam liên lạc với họ để đánh thuế lúc mới đến đã theo họ mà gọi đất này là Sàigòn, thay vì phiên âm hay dịch nghĩa tên Khmer của địa phương này.
5. Về cái tên Khmer này, các học giả đã không đồng ý kiến với nhau, người thì nói là Prei Kor, người thì nói là Prei Nokor. Ông Malleret đã dựa vào sử Khmer mà bảo đó là Prei Nokor và theo linh mục Tandart để dịch Prie Nokor là thành phố của rừng. Vì không biết tiếng Khmer và văn phạm Khmer, chúng tôi không thể đi sâu vào vấn đề này, nhưng vẫn thấy có những chỗ không ổn.
Nếu Prei Kor có nghĩa là Rùng Gòn hay Rừng Bò thì văn phạm Khmer cũng như văn phạm Việt Nam đạt tiếng rừng lên trên, tiếng phụ nghĩa cho rừng ở dưới. Như vậy Prei Nokor dịch ra là rừng của vua như Aymonier thì vẫn hợp với văn phạm đó, còn dịch ra như linh mục Tandart là thành phố giữa rừng thì lại đi ngược với văn phạm đó rồi. Hiểu theo văn phạm như nói trên đây thì Prei Nokor là rừng của thành phố mới phải, nhưng tên Rừng của Thành Phố thì cố nhiên là không có ý nghĩa gì.
Mặt khác, nếu Prei Nokor là thành phố giữa rừng hay rừng của vua thì nó chỉ có thể có từ năm 1674 là năm mà vua thứ nhì của Cam-Bu-Chia chua chúa Nguyễn đến đặt sở thuế tại đó thì đất này hãy còn là một thị xã nhỏ, không có vua ở nên không thể mang tên Prei Nokor là thành giữa rừng hay rừng của vua được.
Do các nghi vấn trên đây, chúng ta thấy rằng thuyết của ông Malleret không vững. Và chúng ta có thể đua ra giả thuyết khác: địa điểm mà vua Cam-Bu-Chia cho chúa Nguyễn đạt sở thuế vẫn tên là Prei Kor vì nơi đó có nhiều gòn và là nơi mua bán gòn, nhưng sau đó, khi vua thứ nhì của Cam-Bu-Chia đến đóng đô tại đó, nó có tên mới là Prei Nokor (hiểu theo nghĩa là rừng của vua hay thành phố giữa rừng đều được cả). Các sử gia Cam-Bu-Chia sau này chép lại việc cho chúa Nguyễn đến địa phương này đặt sở thuế đã chép lại tên Prei Nokor mà họ được biết nhiều hơn mà bỏ tên Prei Kor đi. Với giả thuyết này thì ý nghĩa và nguồn gốc tên Sàigòn có thể giải quyết được: đó là một tên phiên âm từ tiếng Xiêm Cai Ngon có nghĩa là Rừng Chổi Cây Gòn, và phù hợp vớ tên Khmer nguyên thủy Prei Kor cũng có ý nghĩa tương tự.
Vì không biết ngôn ngữ và văn phạm Khmer và Thái (Xiêm) nên chúng tôi không thể đi sâu vào vấn đề này và chỉ xin nêu ra những nhận xét trên đây. Chúng tôi mong ước rằng có vị nào thông thạo tiếng Khmer hay tiếng Thái lưu tâm đến vấn đề này để làm sáng thêm ý nghĩa và nguồn gốc tên Sàigòn yêu dấu của chúng ta.
(Nguồn: Tài liệu nghiên cứu địa danh Tp. HCM – TS. Lê Trung Hoa

Saturday, 22 September 2012

Vắn tắt về nguồn gốc địa danh Sài-Gòn (Trịnh Quốc Thuận)

Vắn tắt về nguồn gốc địa danh Sài-Gòn

Lâu nay tôi vẫn nghĩ rằng nguồn gốc địa danh Sàigòn đã nói rành mach trong quyển "Sài Gòn năm Xưa" 1962, của cụ Vương Hồng Sển (1902-1996). Nếu có ai thắc mắc thì dỡ lại sách cũ, sẽ thấy giải thích thỏa đáng.

Gần đây tôi có đọc bản dịch "Gia Định Thành Thông Chí" 1822 , của Trịnh Hoài Đức (1765-1825). Quá thích thú, tôi xin mạo muội được vắn tắt góp ý về nguồn gốc địa danh Sài Gòn. 


Cù Lao Phố, tiền thân của “Thày-ngòn” Đề-Ngạn 

Bát lộ kỳ binh Mãn Thanh phá tan quân Lý Tự Thành ở Sơn Hải quan, chiếm lấy Bắc Kinh lập ra nhà Thanh năm1644. Nhưng vùng Hoa Nam nước Tàu , nhà Thanh phong đất cho do ba di thần nhà Minh cai trị, Ngô Tam Quế ở Vân Nam vàQuảng Tây, Thượng Khả Hỉ ở  Quảng Đông,  Cảnh Tinh Trung ở Phúc Kiến. Sử gọi đó là Tam Phiên Vương. Thượng Khả Hỉ chết năm 1677, và Ngô Tam Quế 
chết năm 1678, đến năm 1681, nhà Thanh mới dẹp được tàn quân Vân Nam, thống nhất nước Tàu. 

Trần Thượng Xuyên, người Quảng Đông, tổng binh 3 châu, Cao-Lôi-Liêm, cùng với phó tướng Trần An Bình đến Đàng Trong đầu chúa Nguyễn năm 1679. 
Được chúa Nguyễn cho vào lập nghiệp ở miền Nam. Trần Thượng Xuyên và Trần An Bình mang bản bộ binh mã cùng thê tử , chiến thuyền vào cửa Cần Giờ, đến đóng ở Bàn Lân , cù lao Phố Biên Hòa. 

Trần Thượng Xuyên là một danh tướng giúp chúa Nguyễn mở mang bờ cỏi. Còn là nhà chánh trị, có óc tổ chức, cai trị, và buôn bán  ông đã lập phố xá ở Bàn Lân Biên Hòa, gọi là Nông Nại (農奶) Đại Phố, Nông Nại  phiên âm tiếng ĐồngNai. (phải chăng Cù Lao phố có tên từ Nông Nại Đại Phố, xây dưng trên một cù lao ? Thời buổi đó miền Nam chưa chính thức thuộc quyền Chúa Nguyễn, dân cư thưa thớt, chắc chưa có cái cù lao tên Phố trước khi Trần Thượng  Xuyên đến). 

Trần Thượng Xuyên mất năm 1720. Lúc sống được Chúa ban" Nguyễn vi vương, Trần vi tướng, đại đại công thần bất tuyệt", Sau khi mất được vua Minh Mạng sắc phong "Thượng Đẳng thần". 


“Thày-ngòn” và Sài-gòn 


Năm 1777 quân Tây Sơn tràn vào Nam truy sát Nguyễn Vương, và tàn phá Cù Lao Phố. Khoảng năm 1778 người Hoa sống xót chạy dọc dòng sông Bến Nghé, dời vô vùng đất Chợ lớn ngày nay, đắp đất bồi đê lập phố buôn bán, đặt tênlà Đề Ngạn 堤岸, nay thuộc khoảng đường Triệu Quang Phục (trước 1975), mà ba má tôi khi xưa thường gọi là đường Quảng Đông- người Tàu gọi là Cửn Tăng 
coi (Tiều), hay Cỏn Túng cái (Quảng), từ bến Hàm Tử chạy đến cầu Chà Và , vùng Bưu điện  Chợ lớn. 
Đề Ngạn堤岸: Đề là đê, ngạn là bờ, nghĩa là trên bờ sông, bờ đê -ở đây chỉ sông Bến Nghé, hay Tân Bình-,下馬步堤岸, 上船拜吾兄 ,xuống ngựa bước trên bờ sông, lên thuyền thăm ngô huynh –Hàn Dũ 
Người Hoa lúc đó và sau nầy chỉ gọi vỏn vẹn là Đề Ngạn, chớ không gọi Đề Ngạn Đại Phố, có phải vì sợ phô trương và chuốt họa diệt vong như Nông Nại Đại Phố chăng?  Nhưng một lần nữa, năm 1782, quân Tây Sơn lại tràn vào cướp bócphố Tàu, giết người gần như sạch sành sanh. 
Đê Ngạn 堤岸, đọc âm Quảng Đông là “Thày ngòn” mà Tây dịch âm : Tai- ngon (từ âm Quảng Đông ), hay TIN-gan (từ âm Quan thoại) . Ông Vương Hồng 
Sển có dẫn trang sách của Francis Garnier@ (1866) nói về Chợ Lớn, tôi chỉ xin trích lại đây đoạn nào liên hệ đến tên Saigon: "... Ceux-ci abandonnèrent Cou-lao- pho, remonterent de fleuve de Tan-Binh, et vinrent choisir la position actuelle de ChoLen. Cette création date d'envinron 1778. Its appelèrent leur nouvelle résidence Tai-Ngon, ou Tin-Gan. Le nom transformé par les Annamites en celui deSaigon fut depuis appliqué à tort, part l'expédition francaise, au Saigon actuel dont la dénomination locale est Ben-Nghe ou Ben-Thanh....” 1 
Trịnh Hoài Đức trong “Gia Định Thành Thông Chí ” 1822 có viết về Sài gòn như sau: 
"Phố chợ Sài Gòn.
...phố xá liền mái nhau, người Việt và người Tàu ở chung lộn dài độ 3 dậm… Đầu phía bắc đường lớn của bổn phố có miễu Quan Đế va 3 hội quán lớn: Phúc Châu, Quảng Đông, và Triều Châu chia đứng 2 bên tã hữu; phía tây ở giữ đườnglớn có miếu Thiên Hậu...."2. 
Rõ ràng đây là tả phố xá Chợ Lớn trong vùng khoảng đường Triệu Quang Phục, Đồng Khánh, Nguyễn Trãi ngày nay (trước 1975) 
Gia định Thành Thông Chí viết xong khoảng năm 1822. Hòa ước Nhâm Tuất 1862, mất 3 tỉnh miền Đông. Trích dẫn sách của Francis Garnier nói về Chợ Lớn xuất bản vào năm 1866.
Căn cứ vào niên biểu thứ tự trên thì Sài-gòn là do người Việt đọc âm tiếng Quảng Đông "Thầy ngòn" của chữ Hán 堤岸 đúng như Francis Garnier nói về 
Chợ Lớn (chớ không phải do Tây đọc âm Thầy-ngòn, ra Tai-Ngon, và Việt theo đó phát âm , sau nầy viết ra quốc ngữ là Sài-Gòn) 

Như vậy theo cụ Vương Hồng Sển thì địa danh Sài-gòn có nguồn gốc từ âm 
tiếng Quảng Đông "Thầy-ngòn", của chữ Hán堤岸 theo tôi thì phải thôi. 

Sài-gòn, Tây-cống, Chợ-lớn 

Sài-gòn thì được Tây và Việt nói và dùng trong văn kiện, giấy tờ. Do vậy theo người Hoa thì Sài-gòn là phố xá người Việt ở. Và người Hoa đọc âm Sài-gòn 
ra Sai-cụn(Tiều) hay Sấy cun (Quảng) và viết 西 貢âm Hán Việt là Tây-Cống. 
Danh từ “Thày-ngòn” phổ biến ở người Hoa, dành cho phố xá mà Tây viết là Cho-Len, và Việt gọi là Chợ Lớn. 
Người Việt không gọi phố người Tàu là Thày-ngòn, mà gọi là Chợ-Lớn. Có lẽ vì trẹo lưỡi, nói không quen tiếng Thày-ngòn vã lại  lúc xưa ở vùng Bưu điên Chợ-Lớn có cái chợ rất lớn vào thời buổi đó. Do đa phần là người Hoa buôn bán, nên người Việt gọi Chợ Lớn là phố xá ngưới Tàu, sau lớn dần, phát triển ra Thành Phố Chợ Lớn. Sau nầy cái chợ đó bị dẹp đi và ông Quách Đàm giúp tiền xây một cái chợ mới trên đó chừng 2 miles trên đường Hậu Giang, gọi đó là Chợ Lớn Mới, hay chợ Bình Tây. Nhưng Chợ Lớn vẩn là địa danh của Thầy-ngòn, mà chúng ta vẫn dùng ngày nay. 

Sài-gòn và Sài-côn (xin đọc thêm ở phần chú thích): 

Không như các địa danh khác như Gia Định, Định Tường, Biên Hòa, Phiên An ... là từ Hán Việt. Sài-gòn vì là chữ phiên âm, Sài thì coi như có âm chữ Hán, còn Gòn là âm Nôm. Theo Vương Hồng Sển, vì “gòn” không có âm tương tự trong chữ Hán. Nên quan lại miền Nam phải tìm âm na ná để viết trong tấu chương trình lên triều đình Huế. Vì vây mà có danh từ Sài-Côn 柴 崑 hay 柴棍. (cũng như Đồng Nai (nôm)  đã đươc người Hoa ở Cù Lao Phố phiên âm ra Nông Nại 農奶).  Theo thuyết cụ Sển, thì Sài-côn phải ra đời sau Sài-gòn. 
Nhưng Gia Định Thành Thông Chí có đề cập tới Sài-côn khoảng 100 năm trước khi người Hoa lập nghiệp ở “Thầy-ngòn” Đề-ngạn3. Như vậy Sài-côn có trước Sài-gòn trên 100 năm. 
Nói là ông bà ta vì bí quá mà phải dùng chữ Hán có na ná âm Việt đễ dịch âm chữ “Gòn”  ra “Côn” thì không ổn lắm. Khi người Hoa dời vô Đề-ngạn lâp 
phố (1778 - 1788) buôn bán thì chữ Nôm đã trưởng thành, phát triển. Chinh Phụ Ngâm Khúc đã được bà Đoàn Thị Điễm (1705-1748) diễn nôm trước đó khoảng trên 40 năm. Thì không lẽ gì mà quan lại thời bấy giờ không viết được “gòn” là 棍. 
Nhưng đây mới là chổ khúc mắc. Người Việt lấy chữ 棍 (chữ Hán, âm côn, lại có bộ mộc đễ chỉ cây gổ) đễ đọc âm, viết cho chữ “gòn” cây gòn. Khi người 
viết ghép 2 chữ 柴棍 lại, đễ chỉ Sài-Gòn. Thì người đọc hay người dịch có thể nói đó là Sài-Gòn hay Sài-Côn, đều trúng cả. Vì chữ 柴棍 là chữ Hán (âm Hán Việt: Sài-Côn). 


Nguồn gốc đia danh Sài-Gòn đó đây. 

1. Tây Cống. 
Nguồn gốc Tây Cống thì đã giải thích như trên. Nếu ai đó cứ ép nói Tây Cống là nguồn gốc Sài-gòn, thì tui xin nói rằng, anh hãy thử giải thích nguồn gốc 
New York qua lối triết tự, giải thích ý nghĩa 2 chữ Hán Nửu-Ước cho người Mỹ. 


2. Sài-Côn, gốc gác Sài-Gòn là từ Sài-Côn.
Có cơ sở là Gia Định Thành Thông Chí có nhắc đến Sài-Côn (vào năm Giáp Dần, 1674) khoảng 100 năm trước phố xá “Thầy-gòn” được người Hoa thành lập3. Nếu Sài-Côn và Sài-Gòn là cùng một địa danh thì thuyết “Thầy-ngòn” là nguồngốc của Sài-gòn cần phải nghiên cứu lại. 


3. Sai-Gong, Sài-Gòn có nguồn gốc từ âm “Sai-Gong”. 
Tôi có đọc bài "Nguồn gốc địa danh Sàigòn" của nhà văn Bình-Nguyên Lộc. Ông căn cứ trên một quyển sách của người Mỹ ở California, ông cho rằng 
nguồn gốc Sàigòn là từ chữ Sai-gong. Theo ông thì tác giả quyển sách nói đó là tiếng thổ âm của người Quảng Đông. Sai-gong là âm của chữ Tây Giang. Sông Tây Giang ở tỉnh Quảng Đông. Người Quảng Đông ở vùng Saigon vì nhớ quê hương mà đặt tên Sai-gong, sau nầy ra Saigon. 
Thuyết của Bình-Nguyên Lộc có yếu điễm (要點) cần lưu ý: 
Sai-gong là do một người Mỹ ở California phiên âm một thổ âm Quảng Đông, nếu lấy đó giải thích là nguồn gốc tên Saigon ở Việt Nam thì có nhiều kẻ hở về ngữ âm. Người Mỹ hay người Pháp phiên âm tiếng Tàu  khác xa với người Việt phiên âm tiếng Tàu. Tây Giang 西 江, theo giọng Quảng Đông thì người mình viết là "Sấy Cón" chớ không phải "Sai-gong", như người Mỹ đọc. 
Nếu Sài-gòn xuất xứ từ Sai-gong (Tây Giang) thì tại sao trong cộng đồng người Hoa ở Saigon- Chợlớn không có giấy tờ, sách vở hay báo chí đề cập Sai- 
gong, hay Sàigòn là Tây Giang. Nếu là nỗi hoài hương của người Quảng Đông mà đặt tên Sai-gong, thì cộng đồng người Hoa phải nhắc nhiều đến Tây Giang, chớ nào đâu có chữ Tây Cống, với  Đề Ngạn. Nên biết, đia danh Sán Đầu 汕頭 “Soa Tháo” * ở Quảng Đông, có nói tới trong “Saigon năm xưa”, mà hầu hết người Triều Châu ở vùng Đông Nam Á, dù là người  sanh đẻ tại chỗ đều biết đến, và nhắc nhở. Còn Tây Giang "Sấy Cón", hay “Sai-gong” không nghe một ngườiQuảng Đông nào trong Chợ Lớn nhắc đến. 
Như vậy lịch sử và sinh hoạt của cộng đồng người Hoa ở Saigon Chợ lớn đã phủ nhận thuyết Tây Giang của ông Bình-Nguyên Lộc. 
Lúc trước ở Saigon  có người đọc tên đường Võ Tánh ra Vũ Tính (chính tai tôi nghe một ông thầy dạy Anh văn ở trường Bồ Đề Chợ Lớn nói với học trò trong lớp). Không phải người Bắc di cư lúc đó không đánh vần được Võ Tánh, mà vì họquen với vũ, tính, đọc vậy cho rằng mình đúng. Võ Tánh sanh đẻ ở miền Nam, thì cha mẹ đặt tên con phải theo phát âm miền Nam. Nếu người Việt không nên đọc 
tên Võ Tánh ra Vũ Tính thì phải càng nên thận trọng khi dẫn từ Sai-gong, phiên âm của một người Mỹ về âm Quảng Đông, Tây Giang, nói đó nguồn gốc của tên Sài Gòn. 


4. Có người nói Sài Gòn là có nguồn từ Sen và Gòn. 
Sen là bông sen, theo thuyết nầy thì do công chúa Ngọc Vạn mang vào Nam khi bà được chúa Nguyễn Phước Nguyên giá gả cho vua Chân Lập Chey Chetta II, Bà mang sen vào trồng ở vùng Prei Kor (tức vùng Chợ Lớn ngày nay). Còn gòn làcây gòn, đã có ở vùng Pre Kor lâu đời. Khi đọc thuyết nầy, tôi không thấy có trích dẫn, nên không đễ ý nguồn và tên tác giả. Nhưng từ Sen ra Sài thì nó xa vời vợi. 


Tôi nguyên sanh đẻ ở đường Frère Louis, nay là đường Nguyễn Trãi. Nhau rún ở vùng Bào Sen, Chợ Quán. Thì Sen và Gòn tôi không có lạ.Tôi còn nhớ khi nhỏ ba má tôi có cất một ngôi nhà ngói ở xóm Bào Sen, sau chánh phủ căn cứ trên khuôn viên nhà ba má tôi, phân lô cất ra nhiều dãy nhà tôm. 
Sau mặt hậu nhà tôi có dãy nhà chánh phủ, sau đó là lò đúc, sau lò đúc là một cái bào. Ba má tôi có nói là bào có nhiều sen. Nhưng khi tôi biết, thì, sen thì ít, mà rau muống thì nhiều. Nhưng dần dần rau muống cũng nhường cho xà bần, thiên hạ lấn đất xây chuồng heo, cất nhà. Tôi còn nhớ có một năm mưa lớn, nước lụt trào ra bào, tội mấy dãy nhà ở mé thấp, nước ngập. Thiên hạ lấy rổ vớt cá, kho tiêu, ăn đượcmấy bữa. 
Xóm sau nhà ba má tôi có khoảng đất trống, có 3, 4 cây gòn già không biết ai trồng từ bao giờ. Hàng năm tới mùa gòn chín vàng, trái gòn nứt dọc, bông gòn theo gió bay phơi phới vui vui. Có năm anh tôi đi mót được vài trái gòn rụng đem về cho má tôi dồn gối (bông gòn đây khác với bông gòn của cây bông vải). Chéo lên khoảng đất trống đó có cây me, có một thầy hù (thợ hớt tóc) lúc đầu ông treo một 
tấm kiếng, bắt  cái ghế đẩu dưới gốc cây, hớt tóc con nít. Sau ông xin phép bà con trong xóm cất lên cái chòi hớt tóc tại gốc me. Ở luôn đó, cu ky một mình không vợ con gì. Nghe nói quê ổng ở miền Trung, nhưng giọng nói như người trong xóm. Có 
lần ông khoe chai rượu  bổ "Tam tinh hải cẩu" của ổng. Đó là chai la de con cọp hiệu trái khớm, chai ngâm chuột con đỏ ói với rượu đế. Ông có giải thích chỉ có ổ chuột nào lứa nhỏ, nhét lọt qua miệng chai la de thì ngâm mới bổ. Con nít nghe sao tin vậy đời nào dám thử thuốc bổ của ổng. 
Qua hai xóm nửa là  thành 72  rồi đại lộ Trần Hưng Đạo. Tôi còn nhớ ở góc đường có cây me keo già, bên đó là dãy nhà gạch mặt tiền ra đường Trần Hưng Đạo. Căn thứ hai là nhà của Út Trà Ôn. 
Tôi nói xa đà dòng do kỷ niệm thơ ấu với sen với gòn. Nhưng tôi không thấy liên hệ gì giữa sen, gòn với nguồn gốc địa danh Sài-gòn. 


Tóm lại 

Tạm nói địa danh Sài-gòn do người Việt đọc lại phát âm tiếng Quảng Đông “Thày-ngòn” của chữ 堤岸, mà âm Hán-việt là Đề-ngạn. Tây nói và viết Sai- 
gon trong  giao dich hàng ngày và giấy tờ hành chánh. Sau nầy người mình viết ra quốc ngữ là Sài-gòn.
Còn Tây cống là người Hoa (Triều Châu) đọc âm Sài-gòn ra  “Sai-cọn” chữ Hán là 西 貢 âm Hán-việt là Tây cống 




Ts Trịnh Quốc Thuận
26 tháng Chạp năm Tân Mão 2011 





Chú thích 
Sài Côn, một phần đất của Chân Lập được Trịnh Hoài Đức nói đến trong Gia Định Thành Thông Chí.  Năm sớm nhất được nhắc đến là Giáp Dần 1674: 
“Tháng 2 mùa xuân năm thứ 27, Giáp Dần (1674) (Lê Gia Tông, niên hiệu Đức Nguyên năm đầu, Đại Thanh Khang Hy thứ 13), Nặc Đài (Neac Ang Dai) 
nước Cao Miên (sách Nam Việt chí của Nguyễn Bảng Trung chép là Nặc Ô Đài, sách Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Đôn chép là Nặc Đài) đánh đuổi vua nước ấy là Nặc Ong Non; Nặc Ong Non chạy sang ta tránh, vua sai tướng Dương Lâmhầu ở dinh Thái Khang (nay là trấn Bình Hòa) làm Thống suất, Tham mưu Diên Phái hầu làm Hiệp lý biên vụ, đưa quân tiến đánh. Mùa hạ tháng 4 phá được ba lũy: Sài Côn (nay là đất trấn Phiên An), Gò Vách và Nam Vang, Nặc Đài thua chạy rồi chết. Nặc Thu xin lạy hàng…4 
…Tháng 6 mùa hạ được tiệp báo, triều đình nghị sự chuẩn cho Nặc Thu là nhánh đích được làm Cao Miên Chính quốc vương, đóng dinh ở thành Vũng 
Luông; Nặc Non làm Phó quốc vương, đóng dinh ở thành Sài Côn,”5 
Và năm gần đây nhất mà Sài Côn được nhắc đến đến trong Gia Định Thành Thông Chí là năm Canh Ngọ 1690: “tháng ba mùa xuân năm thứ 4 Canh 
Ngọ (1690) (Lê Hy Tông niên hiệu Chính Hòa thứ 11, Đại Thanh Khang Hy thứ 29), Hào Lương hầu đánh thắng Cao Miên, bắt vua Cao Miên là Nặc Thu đem về Sài Côn rồi nghỉ quân, Cao Miên từ đó mới bình định.”6 
Sau khi Cao Miên được bình định 1690, địa danh Sài Côn  không còn nhắc đến trong Gia Định Thành Thông Chí.  Như vậy Sài Côn là tên một vùng đất của sứ Cao Miên. 
Khi Trịnh Hoài Đức soạn bộ Gia Định Thanh Thông Chí thì Sài Côn đã được cải tên là trấn Phiên An –“Sài Côn (nay là đất trấn Phiên An)”-, và được tả lại như sau: 
“Trấn Phiên An đất rộng việc nhiều, đường thủy đường bộ thông thương. Phía bắc giáp với trấn Biên Hòa, phía trên từ sông Đức Giang (tục gọi là sông 
Thủ Đức) đến Bình Giang (thuộc huyện Bình Dương, tục gọi là sông Bến Nghé) chuyển rẽ xuống ngã ba cửa Phù Gia (tục gọi là ngã ba sông Nhà Bè) rồi đổ thẳng ra cửa biển Cần Giờ , bờ nam của sông là địa giới trấn Phiên An. Phíanam giáp trấn Định Tường, trên từ Quang Hóa, Quang Phong, về phía tây đến Vàm Dừa, Rạch Cỏ, đến sông Bát Chiên, chuyển xuống đông đến Vũng Gù, qua Tra Giang rồi ra cửa biển Lôi Lạp (Soi Rạp), dùng bờ bắc bắc của sông này làm địa giới trấn Phiên An. Trấn Phiên An phía đông là biển, phía tây giáp đất Cao Miên, ngăn chặn người man núi, gối vào chằm phá đông tây cách nhau 352 dặm, nam bắc cách nhau 107 dặm. Trấn này buổi đầu mới lập gọi là dinh Phiên 
Trấn, trông coi 1 huyện 4 tổng, lỵ sở đóng tại thôn Tân Lân, tổng Bình Trị, huyện Bình Dương ngày nay.”7 
Trịnh Hoài Đức cũng có nói tới sự hình thành của dinh Phiên Trấn vào năm Mậu Dần 1698 như sau: 
“Mùa xuân năm thứ 8, Mậu Dần (1698) thời Hiển Tông Hiếu Minh hoàng đế (Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu), (Lê Hy Tông niên hiệu Chính Hòa thứ 19, Đại 
Thanh Khang Hy thứ 37), triều đình sai Thống suất Chưởng cơ Lễ Thành hầu họ Nguyễn (Hữu Cảnh) sang kinh lược đất Cao Miên, ông lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập đất Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng nên dinh TrấnBiên (lỵ sở nay là thôn Phước Lư), lấy xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, lập dinh Phiên Trấn (quận sở nay gần Tân Đồn).” 8 
Như vậy vùng đất có tên là Sài Côn của Cao Miên đã chính thức được xóa bỏ, và được đổi lại là dinh Phiên Trấn vào năm 1698. 

Thế rồi còn Sài Gòn, địa lý và hình thành như thề nào? Sài Gòn được đề cập trong    Gia Đinh Thành Thông Chí vào năm 1782. Năm(5) năm sau khi người Hoa dọn ra Cù Lao Phố (Đinh Dậu) 1777. Sài Gòn thường được viết liền với chữ phố hay phố chợ. 
“Mùa xuân tháng 3 năm Nhâm Dần, (1782) quân giặc Tây Sơn do Nguyễn Văn Nhạc đem binh thủy bộ vào cướp phá, Gia Định thất thủ. Tháng 4 thì bộ 
binh Tây Sơn từ trấn Biên Hòa do thượng đạo đến trấn Phiên An. Lúc ấy quan binh là Tiết chế Hữu chưởng dinh Dụ Quận công Nguyễn điều biệt tướng ở Bắc Hà là Tự Thuật hầu và tướng quân đạo Hòa Nghĩa là Chương Mỹ hầu Trần Công Chương về toan khôi phục. Khi gặp toán tiền quân giặc Tây Sơn vừa đến vùng Vườn Trầu, bèn phục binh trong rừng đánh úp quân Tây Sơn, hai hầu Tự và Chương giết được đại tướng Tây Sơn là ngụy Hộ giá tên Ngạn, chẳng ngờ lúc ấy đại binh ngụy Tây Sơn kéo đến, quan quân phải rút lui. Ngụy Nhạc được báo tin, 
rất thương tiếc cái chết của Ngạn, mất Ngạn như mất cả hai cánh tay mặt, trái. Sau biết quân Hòa Nghĩa đều là người Tàu, Nhạc bèn giận lây, nên phàm người Tàu không kể mới cũ, binh lính hay thương buôn , đều bị giết tất cả hơn10.000 người, từ Bến Nghé đến Sài Gòn, thây nằm chồng chất ngổn ngang, xác quăng xuống sông làm nước nghẽn không chảy được nữa! Trải qua 2, 3 tháng người ta không dám ăn cá tôm dưới sông này. Còn hàng hóa của Tàu nhưsa, lụa, trà, thuốc, hương, giấy (nói chung bất cứ vật gì của người Tàu), ai có trong nhà cũng đều đem quăng ra đường, mà chẳng ai dám lấy. Qua năm sau, thứ trà xấu một cân giá bán lên đến 8 quan, 1 cây kim bán đến 1 mạch còn các hàng hóa khác cũng đều cao giá, nhân dân đều khổ theo.”9 
Năm Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung vì đại nghĩa, giải quyết cái họa mất nước phương bắc, tạm hoản việc bình định Đàng Trong, mang đại quân ra Bắc 
Hà phá quân Thanh. Năm 1790 Nguyễn Ánh lợi dụng lúc vua Quang Trung bận việc giao hảo với nhà Thanh, cải cách triều chính, kinh tế… Bắc Hà, mà  xây dưng kinh thành Gia Định ở đất Phiên Trấn đễ lo kế lâu dài đối phó nhà Nguyễn Tây Sơn.  Gia Định Thành Thông Chí có viết như sau: 
“Ngày 4 tháng 2 năm Canh Tuất thứ 13 (1790), tại chỗ gò cao thôn Tân Khai thuộc đất Bình Dương, ngài mới cho đắp thành bát quái như hình hoa sen, mở ra 8 cửa, có 8 con đường ngang dọc, từ đông đến tây là 131 trượng 2 thước ta, từ nam đến bắc cũng như thế, bề cao 13 thước ta,  chân dày 7 trượng 5 thước ta, đắp làm ba cấp, tọa ngôi Càn, trông hướng   Tốn. Trong thành, phía trước bên tả 
dựng Thái miếu…. …Ngoài thành đường sá chợ phố ngang dọc được sắp xếp rất thứ tự, …. đầu từ cửa Tốn Thuận qua chùa Kim Chương, từ phố Sài Gòn đến cầu Bình An qua gò chùa Tuyên đến sông Thuận An. Bến đò Thủ Đoàn đưa qua sông 
Hưng Hòa, trải qua gò Trấn Định rồi đến gò Triệu. Đường rộng 6 tầm, hai bên đều trồng cây mù u và cây mít là những thứ cây thích hợp với đất này. Cầu cống thuyền bến đều luôn được tăng gia việc tu bổ, đường rộng suốt phẳng như đá mài, gọi là đường thiên lý phía nam” 10 
“PHỐ CHỢ SÀI GÒN 
Cách trấn về phía nam 12 dặm ở hai bên tả hữu đường cái quan, là đường phố lớn, thẳng suốt 3 đường, giáp đến bến sông, một đường ngang ở giữa, một đường đi dọc theo sông. Các đường ấy đan xuyên nhau như chữ điền, phố xá liềnmái nhau, người Việt và người Tàu ở chung lộn dài độ 3 dặm. Hàng hóa trong phố bày bán có: gấm, đoạn, đồ sứ, giấy má, châu báu trang sức, hàng sách vở, tiệm thuốc, tiệm trà, tiệm hủ tíu. Hai đầu nam bắc bến sông không gì là không có. Đầu phía bắc đường lớn của bổn phố có miếu Quan Đế và 3 hội quán: Phúc 
Châu, Quảng Đông, và Triều Châu chia đứng hai bên tả hữu; phía tây ở giữa đường lớn có miếu Thiên Hậu, gần phía tây có hội quán Ôn Lăng, đầu phía nam đường phố lớn về phía tây có hội quán Chương Châu. Gặp ngày tốt, đêm trăng, như Tam nguyên, rằm, mùng một thì treo đèn đặt án, tranh đua kỳ xảo trông như là cây lửa, cầu sao, thành gấm, hội quỳnh, kèn trống huyên náo, nam nữ dập dìu, thật là một phố lớn nơi đô hội náo nhiệt. …. Giữa phố về phía đông đường lớn có chợ Bình An bán đủ sản vật quý ở núi biển và thổ sản các nơi, ban đêm còn thắp 
đèn mua bán.”11 

Tóm lại, trích dẫn từ Gia Định Thành Thông Chí cho thấy Sài Côn và Sài Gòn khác xa nhau trên hai phương diện. Một là thời gian, hai là địa lý đất đai. 
Địa danh Sài Côn là một vùng đất rộng mênh mông của Chân Lạp(Cao Miên) từ năm 1690 trở về trước, được Nguyễn Hữu Cảnh đặt là dinh Phiên Trấn năm 
1698, sau nầy  Nguyễn Ánh  đổi lại là trấn Phiên An năm 1802 (?) 
Địa danh Sài Gòn là tên một phố chợ thành lập sau năm 1777, do người Hoa chạy từ Cù Lao Phố, dời lên bờ sông Tân Bình ở vùng Chợ Lớn ngày nay, và gọi đó là "Thày Ngòn", âm tiếng Quảng Đông chữ Đê Ngạn. Sài Gòn là tiếng Việt phiên âm của Thày Ngòn theo như  cụ Vương Hồng Sển viết trong “Sài Gòn Năm Xưa”. 






1 Saigon năm xưa, 1962, Vương Hồng Sển 

@ Francis Garnier, một nhà du khảo, thám hiểm kỳ cựu, có nhiều uy tính ở thời 
buổi đó 

2, 11 Gia Định Thành Thông Chí 1822 , Trịnh Hoài Đức. 
Hậu học Lý Việt Dũng dịch, 2004, bản internet 
Quyển 6, Thành Trì Chí, trang 11 


3, 4 Quyển 3, Cương Vực Chí, trang 2 : 
Năm Giáp Dần, 1674,…  Mùa hạ tháng tư phá được 3 lũy: Sài-Côn (nay là trấn 
Phiên An), Gò vách và Nam Vang… 
Không biết Sài-Côn ở đây dịch từ chữ  柴崑 hay chữ 柴棍 
Không thấy trong chú thích của bản dịch. 

5 Quyển 3, Cương Vực Chí, trang 3 

6,8 Quyển 3, Cương Vực Chí, trang 4 

7 Quyển 3, Cương Vực Chí, trang 20 

9 Gia Định Thành Thông Chí 1822 , phần 1 
Hậu học Lý Việt Dũng dịch, 2004, bản internet, Trang 48 

10 Quyển 6, Thành Trì Chí, trang 1 


* “Hán Việt Từ Điển” 1966, tái bản lần 2, Thiều Chửu. 
Nhà in Hưng Long, Sài-Còn 
Các nguồn tham khảo khác trên internet: 
“Việt Nam Sử Lược,” Lệ Thần Trần Trọng Kim, bản internet. 
“Hán Việt Tự Điển Trích Giảng” , Hội Khai Trí Tiến Đức, bản internet 
Copyright: Đặng Thế Kiệt, Paris 2006-20012. 
Vikipedia…và đây đó…