Công việc biên soạn từ điển từ nguyên địa danh Việt Nam
1.Sau vài chục năm tìm hiểu lí luận và biên soạn vài cuốn sổ tay địa danh Việt Nam và một số từ điển địa danh ở các tỉnh thành*, tiếp theo chúng ta phải có một cuốn từ điển địa danh Việt Nam với đầy đủ ý nghĩa của nó. Đây là một công trình quy mô, khoa học, đòi hỏi nhiều sức của, sức người của cả nước. Trong thời gian chờ đợi công trình đó, với điều kiện eo hẹp, chúng tôi cố gắng và hòan thành Từ điển từ nguyên địa danh Việt Nam, nhằm góp một phần nhỏ vào công trình vừa nêu.
2.1.Nhiệm vụ, mục tiêu:
Địa danh học có nhiều việc phải nghiên cứu. Trước hết, phải xác định các phương thức đặt địa danh. Tiếp theo, phải nói về cấu tạo của địa danh. Nhiệm vụ sau cùng và quan trọng nhất là xác định nguồn gốc và ý nghĩa ban đầu của địa danh. Đây là công việc rất khó khăn nên hầu hết các cuốn sổ tay và từ điển địa danh đã công bố đều không hoặc ít đề cập đến. Do đó, nhiệm vụ của cuốn từ điển từ nguyên phải giải quyết, mới mong đáp ứng được nhu cầu của đông đảo bạn đọc trí thức cũng như bình dân, nhất là các hướng dẫn viên du lịch.
2.2.Dung lượng từ điển:
Đây là cuốn từ điển từ nguyên địa danh đầu tiên ở nước ta, nên không thể lớn quá nhưng cũng không nên quá nhỏ. Chúng tôi ước định độ 4.000 mục từ với số trang tương ứng độ 400 trang khố A4. Dung lượng cỡ này vừa phù hợp với trình độ địa danh học sơ khai ở nước ta vừa hợp với điều kiện kinh tế của dân ta hiện nay.
2.3. Cấu trúc mục từ:
Mỗi mục từ gồm 7 nội dung sau đây:
2.3.1.Tên mục từ:
Chúng ta không đưa yếu tố chung chỉ tiểu loại địa danh vào. Ví dụ: Đối với rạch Chiếc, cầu Giấy, chúng ta không đưa các từ rạch, cầu vào tên mục từ mà chỉ nêu các yếu tố riêng vào đây: Chiếc, Giấy. Ở đây có bốn vấn đề cần giải quyết.
Thứ nhất, chỉ khi nào yếu tố chung đó trở thành một thành tố của địa danh theo phương thức chuyển hoá (tên rạch biến thành tên cầu, tên cầu biến thành tên chợ, phường…) thì chúng ta mới đưa vào. Ví dụ: cầu Rạch Chiếc, quận Cầu Giấy thì tên mục từ sẽ là Rạch Chiếc, Cầu Giấy.
Thứ hai, đối với các địa danh bằng ngôn ngữ dân tộc thiểu số, yếu tố chung thường không được rõ nghĩa và thường được dùng gắn chặt với yếu tố riêng, vì thế chúng ta nên đưa các yếu tố chung này vào tên mục từ; thí dụ Nậm Rốm, Đa Nhim, Plei Ku…
Thứ ba, nếu địa danh là tên người thì ta không được đưa danh từ chung chỉ tiểu loại địa danh vào mà chỉ nêu tên người, vì nhân danh lúc này đã trở thành địa danh. Thí dụ: đường Lê Lợi, thành phố Hồ Chí Minh, huyện Trần Văn Thời… thì chỉ nêu: Lê Lợi, Hồ Chí Minh, Trần Văn Thời…
Thứ tư, nếu địa danh là số từ, ta không nêu danh từ chung mà chỉ nêu số từ, được viết bằng số hoặc bằng chữ. Thí dụ: phường 5, quận 3 thì chỉ nêu: 5 hoặc Năm, 3 hoặc Ba hay Năm/5, Ba /3,…
2.3.2. Tiểu loại địa danh:
Yếu tố chung chỉ tiểu loại địa danh là các từ: sông, rạch, núi, hồ… (địa danh chỉ địa hình thiên nhiên); ấp, xã, huyện, tỉnh… (địa danh hành chính); vùng, xóm, khu, miền… (địa danh vùng); cầu, đường, công viên, sân vận động… (địa danh chỉ công trình xây dựng).
Giữa mục 1 và mục 2, tuyệt đối không được có sự trùng lặp. Vì không tôn trọng qui tắc này, các tác giả Sổ tay địa danh Việt Nam thứ hai đã mắc phải:
Sông Hương: sông chảy qua thành phố Huế.
Cũng thế, nếu xem cả từ tổ thành phố Hồ Chí Minh, huyện Trần Văn Thời là địa danh, ta cũng vi phạm ngay:
Thành phố Hồ Chí Minh: thành phố ở Nam Bộ…
Huyện Trần Văn Thời: huyện của tỉnh Cà Mau…
2.3.3. Vị trí của đối tượng:
Ta phải nói rõ đối tượng của địa danh nằm trên địa bàn của đơn vị hành chính nào, tiếp giáp với những đối tượng nào khác. Nếu đối tượng là sông rạch, thì ta phải nói rõ sông rạch đó chảy từ đâu đến đâu…
2.3.4. Các chi tiết liên hệ đến đối tượng:
Các chi tiết liên hệ đến đối tượng rất đa dạng. Nếu đó là núi đồi, ta phải nói đến độ cao. Nếu đó là công viên, quảng trường, ta phải nói đến diện tích. Đối với cầu cống, phải nói rõ chiều dài, chiều rộng (và có thể cả tải trọng). Đối với đường phố, cần nói rõ chiều dài và lộ giới. Nếu đó là sông rạch, nên nói rõ về độ dài, chiều rộng, độ sâu. Đối với các đơn vị hành chính thì phải nói đến diện tích, dân số, số lượng và tên các đơn vị nhỏ ở trong đơn vị đang đề cập, hoặc thuộc về đơn vị lớn nào…
2.3.5. Thời điểm ra đời của địa danh:
Nếu biết chắc chắn, ta phải đưa vào. Chẳng hạn, phủ Gia Định được lập năm 1698; cầu Chữ Y được xây dựng trong các năm 1938-1941; thành phố Hồ Chí Minh được chính thức gọi vào ngày 2-7-1976. Nếu ta không biết chính xác ngày, tháng, năm, ta có thể nêu khoảng thời gian. Chẳng hạn, địa danh Thị Nghè (tp. Hồ Chí Minh) ra đời trong khoảng thời gian 1725-1750. Nếu không biết rõ thời điểm thì có thể phỏng đoán nhưng phải có căn cứ.
2.3.6. Nguồn gốc và ý nghĩa ban đầu của địa danh:
Đây là vấn đề trọng tâm mà người làm từ điển phải lưu ý. Nội dung này rất thú vị đối với người đọc. Thế nhưng điều này cũng cực kì khó. Vì vậy, hầu hết các tác giả của những cuốn từ điển đã xuất bản đều phớt lờ vì phải tốn nhiều thời gian và công sức mới có thể hi vọng phát hiện hoặc hoàn toàn vô vọng.
Dù sao, người biên soạn từ điển cũng phải cố gắng tối đa. Đối với những địa danh mà ta đã tìm được nguồn gốc và ý nghĩa, ta phải trình bày theo những cách sau đây:
Nếu địa danh vốn là tên người (như Ông Tạ ở tp. HCM), ta phải nói rõ tiểu sử và sự nghiệp của nhân vật ấy.
Nếu địa danh vốn là tên cây (như Củ Chi, tp. HCM), ta phải miêu tả chi tiết hình dáng, màu sắc, đặc điểm về thân, lá, rễ, trái… của cây ấy.
Đối với địa danh vốn là tên một địa hình (như rạch Bùng Binh), ta cần phải mô tả hình dáng của địa hình ấy.
Nếu địa danh vốn là tên một con vật chỉ có ở địa phương (như rạch Cá Tra), chúng ta phải miêu tả hình dáng của con vật đó.
Đối với các địa danh vốn là từ cổ, từ địa phương (như Hóc Môn, rạch Thai Thai) hoặc từ mượn của một ngôn ngữ khác (như Vàm Láng), ta cần miêu tả các nét nghĩa và nói rõ từ đó được mượn từ ngôn ngữ nào…
2.3.7. Sự chuyển biến của địa danh và đối tượng:
Nhiều địa danh, sau một thời gian hành chức đã có những biến đổi vỏ ngữ âm. Những nguyên nhân này có thể nội tại hay ngoại lai. Ta phải trình bày đầy đủ âm gốc và âm biến. Ảnh hưởng bởi ngữ âm địa phương, Hàng Sanh, Gò Vắp… (tp. HCM) chuyển thành Hàng Xanh, Gò Vấp… Dưới tác động của luật dị hoá vần, Bàu Bèo, Bàu Hói, Bàu Môn, … biến thành Bà Bèo, Bà Hói, Bà Môn, … Ảnh hưởng bởi sự in ấn, Thạnh Đa, Lôi Giáng… chuyển thành Thanh Đa, Lôi Giang… Các địa danh Đa Kao, Lăng Cô, Kì Hoà là kết quả do ảnh hưởng của người Pháp và tiếng Pháp…
Nhiều đối tượng của địa danh – nhất là các đơn vị hành chính và đường phố – có thể thu hẹp hoặc mở rộng. Tân Bình (tp. HCM) ban đầu là tên huyện, sau chuyển thành tên trấn, rồi phủ, quận, tỉnh rồi trở lại quận với diện tích thay đổi theo đơn vị hành chính. Hai tỉnh Khánh Hoà và Phú Yên có một thời gian nhập làm một thành tỉnh Phú Khánh (cuối năm 1975), sau đó lại tách ra thành hai tỉnh và mang tên cũ (cuối năm 1991). Tương tự như vậy, trước năm 2000, đường Cách Mạng Tháng Tám ở tp. Hồ Chí Minh dài hơn 12.000m. Đến ngày 7- 4 -2000, đường được cắt làm hai đường mang tên Cách Mạng Tháng Tám và Trường Chinh. Đường Trương Định hiện nay, trước ngày 14 -8 -1975, là hai đường Trương Định và Đoàn Thị Điểm…
Vì đây là cuốn từ điển từ nguyên nên chúng tôi đưa nội dung thứ sáu xuống vị trí cuối cùng và tách thành một phần riêng.
2.4. Việc chọn mục từ:
Trong Từ điển từ nguyên địa danh này, chúng tôi qui định việc chọn mục từ như sau:
a)Đối với địa danh hành chính: Chúng tôi chỉ đưa vào từ điển tên các đơn vị từ cấp quận huyện trở lên (có tổng số 64 tỉnh thành và 638 quận huyện – năm 2006) vì đơn vị xã phường rất lớn. Tất cả các mục từ đều nói rõ đơn vị mà nó trực thuộc và tên những đơn vị mà nó hàm chứa. Ngoài ra, chúng tôi cũng nói rõ diện tích, dân số, năm thống kê (đến năm 2006), năm thành lập (một số mà chúng tôi có tài liệu). Những địa danh nào chúng tôi biết từ nguyên thì có nói rõ, nếu không biết thì ghi “chưa biết rõ”.
Vì đây là cuốn từ điển từ nguyên nên chúng tôi đưa cả những đơn vị dưới cấp quận huyện (xã, phường, ấp, bản) nhưng biết rõ nguồn gốc, ý nghĩa và có những điểm đặc biệt. Còn những địa danh nào quá dễ hiểu, chúng tôi không đưa vào.
b)Đối với địa danh chỉ địa hình thiên nhiên: Chúng tôi đưa những tên đất đã biết rõ từ nguyên hoặc đã có người giải thích từ nguyên. Ngoài ra, những địa danh có tầm cỡ trong khu vực, được nhiều người biết đến, nhưng chưa biết rõ nguồn gốc, ý nghĩa chúng tôi cũng nêu ra để tranh thủ ý kiến của mọi người.
c)Đối với địa danh chỉ công trình xây dựng: Chúng tôi quan niệm những công trình xây dựng thiên về không gian hai chiều như cầu, đường, sân vận động,…mới là địa danh; còn những công trình xây dựng có không gian ba chiều như chùa, đình, nhà thờ, thánh thất,…không thuộc khái niệm địa danh**. Chúng tôi chỉ đưa vào từ điển những công trình tương đối lớn (như cầu dài trên 300m) hoặc có điểm đặc biệt hoặc tiêu biểu của địa phương. Còn đường phố có số lượng quá lớn, lại trùng lặp nhiều lần (vì vốn là tên danh nhân) và từ nguyên rõ ràng thì không đưa vào.
d)Đối với địa danh chỉ vùng: Chúng tôi chỉ đưa một số hạn chế có nguồn gốc rõ ràng và thú vị.
Đối với những địa danh chưa biết thuộc tiểu loại nào, chúng tôi tạm ghi là “địa điểm”. Còn những địa danh chúng tôi đã biết từ nguyên nhưng chưa biết cụ thể thuộc huyện, tỉnh nào thì tạm thời ghi “vùng”.
Địa danh nào có nhiều cách lý giải, chúng tôi trình bày đầy đủ và đưa ra ý kiến cá nhân nếu có thể.
2.5.Từ nguyên tiếng Việt:
Từ nguyên là nguồn gốc của từ ngữ. Ngoài nguồn gốc, ý nghĩa cũng thuộc từ nguyên. Trong địa danh học, từ nguyên còn bao hàm lí do xuất hiện của địa danh. Bởi vì, nhiều địa danh có nguồn gốc và ý nghĩa đã rõ ràng, nhưng nếu không được giải thích lý do ra đời, mọi người sẽ không hiểu.
Từ nguyên tiếng Việt nói chung và địa danh Việt Nam nói riêng hết sức phức tạp. Ngoài 54 ngôn ngữ dân tộc của đại gia đình Việt Nam, tiếng Việt còn chịu ảnh hưởng của tiếng Hán, tiếng Pháp, tiếng Mã Lai,…Do đó, cho đến nay chúng ta chưa có một cuốn từ điển từ nguyên tiếng Việt với đầy đủ ý nghĩa của nó.
2.6.Cách giải thích từ nguyên:
Đây là công việc trọng tâm của từ điển này. Do đó, chúng tôi thực hiện mấy cách sau đây:
a)Giải thích nguồn gốc, ý nghĩa, lý do: Đối với những địa danh mà chúng tôi biết đầy đủ các chi tiết thì được giải thích cặn kẽ đủ cả ba khía cạnh. Thí dụ:
Hà Nội: gốc Hán Việt, nghĩa là “trong sông”, vì thnh phố nằm giữa hai sông Hồng và sông Đáy.
b)Chỉ giải thích nguồn gốc, ý nghĩa: Đối với các địa danh chưa biết lý do, chúng tôi chỉ giải thích nguồn gốc, ý nghĩa. Thí dụ:
Cấp Rang (ấp): gốc Pháp Caporal, nghĩa l “viên cai”.
c)Chỉ giải thích nguồn gốc, lý do: Đối với những địa danh chúng tôi chưa biết nghĩa. Thí dụ:
Phó Bảng: gốc Pu Péo, do hiện tượng “mượn âm” địa danh Mơbiêng.
d)Không giải thích từ nguyên:
Đối với những địa danh vốn là số, chúng tôi không giải thích từ nguyên vì không cần thiết.
Đối với một số địa danh Hán Việt, hoặc vì khóng có chữ Hán kèm theo hoặc chưa biết rõ ý nghĩa do hiện tượng đồng âm và đa nghĩa, chúng tôi phải tạm gác lại, đợi khi nào có điều kiện mới giải quyết. Đây là mảng địa danh phong phú nhưng khó giải thích nhất.
2.7.Việc chú thích tên tác giả, tác phẩm:
Để bảo đảm tính khoa học cũng như quyền lợi tinh thần và trách nhiệm của những người đã có ý kiến giải thích nguồn gốc các địa danh trước đây, chúng tôi có chú thích tên tác giả hoặc tác phẩm sau khi giải thích từ nguyên. Tên tác giả và tác phẩm được viết tắt để tiết kiệm và được giới thiệu ở đầu từ điển.
3.Do địa bàn quá rộng (64 tỉnh thành), số lượng địa danh quá lớn (hàng chục nghìn), số lượng ngôn ngữ quá nhiều (trên 54 ngôn ngữ dân tộc), vấn đề khá phức tạp (từ nguyên) mà thời gian biên soạn quá ngắn (hai năm), kinh phí eo hẹp, tư liệu hạn chế và sự hiểu biết của cá nhân có hạn nên chắc chắn từ điển còn nhiều sai sót. Do đó, chúng tôi vô cùng biết ơn các bậc cao minh chỉ ra những khiếm khuyết để chúng tôi có điều kiện sửa chữa, khắc phục trong những lần in sau, nếu sách được tái bản.
CHÚ THÍCH
* Đinh Xuân Vịnh, Sổ tay địa danh Việt Nam, HN, Nxb Lao động, 1996.
Nguyễn Dược, Trung Hải, Sổ tay địa danh Việt Nam, HN, Nxb Giáo dục, 1998.
Ngô Đăng Lợi (chủ biên), Từ điển bách khoa địa danh Hải Phòng, Nxb Hải Phòng, 1998.
Lê Trung Hoa (chủ biên), Nguyễn Đình Tư, Từ điển địa danh thành phố Sài Gòn-Hồ Chí Minh, tpHCM, Nxb Trẻ, 2003.
**Trong một cuốn sách của Liên Xô viết về địa danh trước đây mà chúng tôi đã đọc và rất tiếc đã quên tên, có nêu một thí dụ để phân biệt địa danh và không phải địa danh như sau: Một nhà máy có tên Công Nhân, tên đó không phải là địa danh. Nhưng trạm xe buýt trước nhà máy ấy lên trạm là Công Nhân thì tên này là địa danh. Sách không giải thích gì thêm. Chúng tôi suy ra: Trạm xe buýt chỉ có mặt bằng, tức không gian hai chiều nên tên trạm là địa danh; còn nhà máy có không gian ba chiều (chiều thứ ba là vách tường) nên không phải địa danh. Và chúng tôi gọi các đối tượng có không gian ba chiều như đình, chùa, tháp, cơ quan, trường học,… là hiệu danh.
TƯ LIỆU THAM KHẢO
1.Đinh Xuân Vịnh, Sổ tay địa danh Việt Nam, HN, Nxb Lao động, 1996.
2.Lê Trung Hoa (chủ biên), Nguyễn Đình Tư, Từ điển địa danh thành phố Sài Gòn-Hồ Chí Minh, tp.HCM, Nxb Trẻ, 2003.
3.Lê Trung Hoa, Địa danh học Việt Nam, HN, Nxb KHXH, 2006.
4.Ngô Đăng Lợi (chủ biên), Từ điển bách khoa địa danh Hải Phòng, Nxb Hải Phòng, 1998.
(Bài này đã đăng trên tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư, số 1 (9), 2011)
Nguồn: Khoa Văn Học và Ngôn Ngữ - Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Thành Phố Hồ Chí Minh