Nguyễn Đức Hiệp
Cách đây đúng 100 năm khi thế chiến thứ nhất khởi màn bắt đầu từ Âu
châu ở mặt trận miền Tây vào đầu tháng 8 năm 1914, ở Saigon lúc này là
thuộc địa của Pháp đã chứng kiến những sự kiện đặc trưng dân tộc chủ
nghĩa, đặc biệt xảy ra vào ngày 6 tháng 8 1914, giữa hai nước tham chiến
Pháp và Đức mà ngày nay ta khó có thể tưởng tượng có thể xảy ra được.
Sự thù hận dân tộc bộc lộ không kiềm chế với sự bất công mà nạn nhân là
những kiều dân Đức vô tội. Họ là những nhà kỹ nghệ, kỹ sư, thương gia đã
sống ở Saigon trong nhiều năm làm việc trong lãnh vực sản xuất, dịch vu
thương mại hàng hải, bảo hiểm, xuất nhập khẩu, etc..
Những sự kiện trong thời gian này mà lịch sử ít ai biết được mô tả
lại trong bài này để ta nhớ lại là bất kỳ trong cuộc chiến tranh nào thì
người dân ở hai chiến tuyến là những người gánh chịu thua thiệt nhất.
Đó là chưa kể vài năm sau, rất nhiều người Việt không dính dáng gì đến
cuộc chiến tranh đã bị chính quyền thuộc địa Pháp gởi qua Âu châu làm
việc ở các nhà máy và tham gia những trận đánh khốc liệt ở mặt trận miền
Tây.
Người Đức ở Saigon
Cộng đồng người Đức có mặt ở Saigon vào cuối thập niên 1860s không
lâu sau khi người Pháp chiếm Saigon và các tỉnh Nam Kỳ. Vào đầu thế kỷ
20, cộng đồng người Đức khá đông đảo mà đa số là các doanh nhân chuyên
về dịch vụ bảo hiểm, chuyên chở hàng hóa qua tàu biển. Người Đức có
tiếng ở Saigon lúc này là ông F. W. Speidel. Ông Speidel là chủ công ty
Speidel et Cie.
Công ty Speidel buôn bán đèn dầu, dầu hỏa, bảo hiểm hàng hải, xay xát
lúa, xuất nhập cảng và chuyên chở hàng hóa trên các tuyến đường biển ở
Viễn Đông.
Công ty Speidel có hai nhà máy xay lúa lớn nhất ở Nam Kỳ, đó là nhà máy
Orient et Progres và nhà máy
Union.
Hai nhà máy này nằm dọc theo kênh Tàu Hủ ở Saigon-Chợ Lớn, cạnh tranh
với các nhà máy xay lúa khác trong khu vực kênh Tàu Hủ của người Hoa từ
Chợ Lớn, Singapore, Malacca và Penang.
Công ty
Speidel et Cie có các tàu chuyên chở hàng hóa, như
Carl Diederichsen,
Holstein,
Koenigsberg,
Triumph,
Michael Jebsen và
Clara Jebsen làm ăn mật thiết với một công ty tàu biển Đức khác ở Viễn Đông, công ty Jebsen & Co (4).
Ngoài công ty Speidel trụ sở ở số 44
Quai de Belgique (Quai
de l’Arroyo Chinois, tức bến Chương Dương), trên con đường này có nhiều
cơ sở thương mại của các công ty của những người Đức khác như công ty
bảo hiểm hàng hải
Engler et Cịe (số 8) đại diện cho công ty bảo hiểm
Baden marine insurance Company Mannheim, ông Hottinger giám đốc công ty bảo hiểm
Diethelm et Cịe
(số 23), công ty nhập bia, nước uống của ông Bierdermann và Waespé (số
30-37). Và rất nhiều kiều dân Đức và gia đình làm ăn sinh sống ở Saigon
như các ông Sigfried Kahl, Schmith, Hoffmann, Rietmann, Kloss (5),..
Mặc dầu cạnh tranh với người Hoa trong lãnh vực xay xát lúa gạo nhưng
công ty Speidel cũng hợp tác với người Hoa trong dịch vụ chuyên chở
hàng hóa và lúa gạo của các thương gia gốc Hoa ở các thành phố cảng như
Saigon, Hải Phòng, Singapore, Hong Kong trên các tuyến hàng hải mà các
tàu thương mại của rất nhiều nước tham dự cạnh tranh khốc liệt ở Viễn
Đông. Thương mại quốc tế qua tàu biển từ Singapore, Saigon, Phnom Penh,
Hải Phòng, Hong Kong đến các cảng ở Trung Hoa như Bắc Hải, Hạ Môn,
Thượng Hải và Nhật Bản như Yokohoma, Nagasaki rất phát đạt với các tàu
buôn mang cờ của đủ các nước. Ông Vương Thái (Wang-Tai), một thương gia
già và có thế lực ở Saigon, đã mướn và dùng tàu
Triumph của công ty Speidel năm 1891 trên tuyến đường hàng hải Hải Phòng – Bắc Hải (cảng Beihai, Quảng Tây) (4).
Công ty
Speidel et Cie được thiết lập bởi một người Đực, ông
Theodore Speidel, vào năm 1868 ở Saigon. Đây là một trong những công ty
nước ngoài đầu tiên thiết lập ở Việt Nam, chỉ vài năm sau khi người
Pháp đánh chiếm Saigon và các tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Công ty Speidel
buôn bán đèn dầu và sau này dầu hỏa lấy hàng từ các công ty dầu hỏa đang
phát triển mạnh mẽ như
Standard Oil,
Shell Transport & Trading Co. và
Royal Dutch Company.
Đặc biệt, có một người Hòa Lan, ông Jan George Mulder làm việc cho công
ty Speidel, ở chi nhánh Hải Phòng bán đèn dầu và dầu hỏa. Trong lúc
rãnh việc, ông say mê nghiên cứu nhiếp ảnh nổi (stereoscopic
photographs) trên mảnh kính và đã chụp nhiều ảnh nổi sinh hoạt thường
ngày ở Hải Phòng vào các năm 1904-1908 (8). Đây là những ảnh tư liệu quí
giá về xã hội Việt Nam vào đầu thế kỷ 20.
Ông Theodore Speidel hoạt động tích cực trong lãnh vực thương mại hơn
30 năm, và là hội viên của Phòng thương mại Saigon (1882). Ông mất ở
Paris năm 1909 và được ông F.W Speidel thay thế điều hánh công ty. Cũng
như Theodore Speidel trước đó, ông F.W. Speidel là đại diện về vấn đề
lãnh sự của Đức ở Saigon. Ông F.W Speidel còn là đại diện lãnh sự cho
hai nước Bỉ và Đan Mạch ở Saigon. Ông đến Saigon ít nhất là trước năm
1871 làm việc cho công ty bảo hiểm
Engler et Cie cũng do một người Đức nổi tiếng ở Saigon thành lập là ông Albert Engler.
Ông F.W Speidel rất được kính nể trong cộng đồng thương mại ở Saigon.
Ông giúp đỡ và có quan hệ tốt đẹp các thương gia người Việt, các kiều
dân nước ngoài như Anh, Hòa Lan, Đan Mạch, Hoa Kỳ,Trung Hoa. Vì ông có
kinh nghiệm thương mại hàng hải, ông đã giúp tàu chiến “Palas” của Hoa
Kỳ và nhiều tàu khác cu/a các nước bị hư hại vào sửa chửa ở cảng Saigon.
Theo ông Sewell, lãnh sự Hoa Kỳ ở Singapore thì ông Spediel là người
lịch thiệp, rất được quí trong trong công đồng nguời Mỹ ở Saigon (9). Đã
có lúc ông Sewell đề nghị với chính phủ Hoa Kỳ cho ông là đại diện lãnh
sự của Hoa Kỳ ở Saigon.
Đặc biệt ông F.W.Speidel có quan hệ rộng rãi với các thương gia người
Hoa ở Chợ Lớn, tham gia vào nhiều công tác xã hội và là hội viên hội
đồng quản trị (
conseil d’administration) của Hội y tế Nam Kỳ (
Association Hospitalière de Cochinchine) ở Chợ Lớn (5).
Ngày thế chiến xảy ra ở mặt trận miền Tây
Sau khi Đức tuyên chiến với Nga ngày 1/8/1914 ở phía Đông; biên giới
Pháp-Đức ở phía Tây căng thẳng và xích mích xảy ra ở Joncherey. Ngày
3/8/1914, Đức tuyên chiến với Pháp và đánh bọc Pháp qua Bỉ. Bỉ, một nước
trung lập, bị xâm phạm và vì thế Anh tuyên chiến với Đức ngày 4/8/1914.
Thế chiến thứ nhất thật sự bùng nổ ở mặt trận miền Tây vào lúc này.
Tin tức chiến tranh giữa đồng minh (Anh, Pháp, Nga) và Đức-Áo đến
Saigon ngày 4/8/1914. Chiều ngày 6/8/1914, người Pháp ở Saigon hăng hái
tụ tập biểu lộ cảm xúc tự hào dân tộc biểu tình gây không khí căng thẳng
chống Đức. Báo “
The Straits Time” ở Singapore ra ngày
19/8/1914 đã tổng hợp tin tức các báo tiếng Pháp xuất bản ở Nam Kỳ, kể
lại chi tiết sự kiện xảy ra chiều ngày 6/8/1914 như sau (6)
“.Các báo tiếng Pháp nhận được ở Singapore từ Nam Kỳ tường trình
chi tiết các cảnh náo loạn mất trật tự xảy ra ở đường phố Saigon tối
ngày 6 tháng 8. Tin tức nhận được buổi sáng hôm ấy là Đức tấn công ở
Alsace và dọc biên giới Bỉ và Pháp, đã khơi dậy ở một số người Pháp vô
trách nhiệm trong thành phố, một cảm xúc hứng khởi dễ đưa đến cường độ
nguy hiểm, mà lúc đầu chỉ là cuộc biểu tình bình thường vào buổi sáng
trước tòa lãnh sự Đức và được biểu lộ qua sự kéo chính thức là cờ Đức
đáng ghét xuống.
Tuy vậy vào buổi chiều tối, số người biểu tình kích động tụ tập
lần nữa – dường như theo một kế hoạch đã được vạch sẵn – chung quanh tòa
Bưu điện Saigon, ở nơi này một người Saigon rất quen thuộc, ông
Carpentier diễn thuyết với một bài nói chuyện chống Đức hằn học, trong
đó ông đã phá cái mà ông gọi là “sự khoan dung phi ái quốc” cho phép sự
hiện diện của người Đức trong lòng xã hội và đòi hỏi sự trục xuất ngay
lập tức tất cả công dân Đức ra khỏi thuộc địa.
Một cuộc tuần hành sau đó được thành hình vào khoảng 9 giờ tối,
được dẫn đầu bởi ba người mang cờ tam tài tiến về tòa nhà lãnh sự Đức
giữa những tiếng la, hét, huyết sáo, hành khúc ca hát các bài ca ái quốc
không diễn tả được. Tại tòa lãnh sự Đức, các tiếng nổ từ súng được bắn
ra và các tiếng la lớn dữ tợn “Trả thù”, “Khai tử nước Đức” phát ra từ
đám đông. Tòa lãnh sự, tuy vậy dường như không có ai và hoàn toàn tối
om. Những người biểu tình sau đó diễn hành đến tòa lãnh sự Bỉ và Nga.
Tại đây các bài hát ái quốc lại được dấy lên, lãnh sự Bỉ và Nga được ca
ngợi tiếp đón với nhưng tiếng vỗ tay hoan hô rần trời.
Tiếp tục hành trình bất kham vô trật tự, đoàn người kéo đến khách sạn Hotel de la Rotonde(1)
nơi mà lãnh sự Anh, ông Gorton vừa đến ở . Tại đây sự hồ hởi của đám
đông lên đến cao độ hơn hết, với hàng loạt tiếng Anh hoan hô kiểu “hip,
hip, hip, hurrah !” xen lẫn với các tiếng hô to “Vive l’Angleterre !”
(“Nước Anh muôn năm!”, “Vive la France!” (“Nước Pháp muôn năm!”), “Vive
la Reine Mary!” (“Muôn năm nũ hoàng Mary!”).
Cho đến thời điểm này, đoàn biểu tình tương đối không nguy hại,
nhưng tiếc thay đám đông ban đầu lúc này được gia nhập nhiều hơn bởi các
phần tử quá khích gồm một số thanh niên nữa cuồng điên bởi sự hứng khởi
do tin tức nhận được hồi sáng, và rất có thể là những thành phần này
chịu trách nhiệm chính cho các cảnh tàn phá và bạo động xảy ra sau đó.
Câu lạc bộ Đức bị cướp phá
Rời lãnh sự Anh, đám đông đi đả phá trụ sở của các ông trong công ty Speidel and Co.trên đại lộ Charner (2).
Tại đây các cánh cửa ra vào cu/a tòa nhà đã bị phá sập và nhiều phát
súng được bắn ra, tuy vậy đám đông không đi vào tòa nhà, vì ai đó đã đề
nghị là đi tấn công Câu lạc bộ Đức ở đường Rue Lefevre (3). Đề nghị này được đám đông hăng say tán thành và thi hành ngay lập tức.
Chính tại câu lạc bộ Đức mà những sự kiện nghiêm trọng nhất đã
xảy ra tối hôm đó. Khi các cửa của câu lạc bộ đang bị phá mở thì một sự
kiện đáng buồn đã xảy ra. Một trong những người biểu tình – một thanh
niên tên là Charles Castagné, con của một nghị viên hội đồng thành phố
Saigon – đã bị trọng thương bởi một viên đạn lạc bắn từ một khẩu súng
của một nhóm phá phách khác. Không hiểu sao đám đông xung quanh lại
tưởng người thanh niên bị thương đó là một người Đức bị bắt ra từ câu
lạc bộ. Với một sự khó khăn tột cùng người ta mới có thể mang ông
Castagné ra khỏi đám đông vây quanh. Sự cướp phá câu lạc bộ sau đó được
tiến hành, và chỉ trong vùng 15 phút, bàn ghế, đồ trang trí, tranh, sách
etc. không còn gì khác hơn là một đám đồ vụn.
Không hài lòng với sự tàn phá này, đám đông sau đó kéo đến văn
phòng công ty Speidel et Cie. ở góc đường MacMahon và Quai de
l’Arroyo-Chinois (Bến Chương Dương), lúc đó đã được đóng cửa từ lúc
sáng. Các cửa ra vào và cửa sổ nhanh chóng bị nện phá và đập bằng một
cột cờ lớn, cột cờ này đã được nhổ lấy từ câu lạc bộ Đức. Tiếp theo là
một sự say sưa tàn phá\, Bàn, ghế, bàn văn phòng bị đập bể, các mảnh bị
quăng đây đó khắp nơi, các máy đánh chữ Adler bị quăng qua cửa sổ ra
giữa đường, và chúng bị đập nát thành mãnh vụn, các hộp thuốc hút cigar
và thuốc lá được mang đi làm chiến lợi phẩm và hoàn toàn không còn gì có
giá trị được để nguyên trong văn phòng của công ty. Cuộc tàn phá có vẽ
như đã làm thỏa mãn ngay chính các người cực đoan nhất của đám biểu
tình, và đám đông từ đó dần dần tản biến mất.
Cơn giận dữ của đám biểu tình làm ngạc nhiên cảnh sát Pháp, những
cảnh binh đang làm nhiệm vụ tối hôm đó hoàn toàn bất lực khi đối diện
với một đám đông lớn rất cương quyết đập phá. Người thanh niên kém may
mắn bi thương kể trên được đưa ngay vào bệnh viện quân đội và được giải
phẩu; tính mạng của anh ta được xem như là hết nguy kịch. Sắc lệnh trục
xuất các công dân Đức thật sự đã được ban hành ngay tối hôm có cuộc biểu
tình xảy ra và một chiếc tàu Na Uy, mà các người Đức vội vã đi lên, rời
cảng Saigon lúc 3 giờ sáng hôm sau.
Một tuyên bố sôi nổi gây xúc động
Tuyên bố sôi nổi sau đây được công bố bởi Tổng thư ký chính phủ Đông Dương, ông J. Van Vollenhoven:
“Công dân Pháp! Chiến tranh được tuyên bố. Nước Pháp trung thành
với truyền thống của mình, một lần nữa cầm gươm phục vụ tự do và tranh
đấu cho sự quân bằng quyền lực ở Âu châu, đang bị hăm dọa bởi tham vọng
của nước Đức. Cộng hòa Pháp gan dạ bước vào cuộc đấu tranh này, mà Pháp
đã làm đủ mọi cách để tránh,.Chưa bao giờ quân đội của Pháp lại đáng gờm
như lúc bày, chưa bao giờ mà đồng minh lại vững chải như lúc này. Cả
nước, tức bực rất chính đáng bởi những hành động gây hấn liên tục, đều
nhiệt tình đứng lên dưới ngọn cờ. Chiến tranh sẽ đi đến thắng lợi bởi vì
cả nước đều tham gia.
“Người Pháp ở Đông Dương !. Hiện chưa có lệnh giao cho chúng ta
là phải hiệp lực các nổ lực của chúng ta với công việc của anh em chúng
ta ở Pháp và phải sẵn sàng vinh quang hy sinh cho đất nước, nhưng một
nghĩa vụ thiêng liêng đã đặt ra cho chúng ta Chúng ta sẽ duy trì
nguyên vẹn ảnh hưởng của nước Pháp ở Viễn Đông. Chúng ta là những cảnh
vệ cho nước Pháp ở Đông Dương. Chúng ta chắc chắn về công lý của mục
đích của chúng ta. Chúng ta sẽ khẳng định bằng thái độ cương quyết và
phẩm cách, bằng bình tỉnh, niềm tin sâu đậm của chúng ta vào sự chiến
thắng của quân đội và tương lai của đất nước.
“Đồng bào thân mến! Tôi kêu gọi với cùng trái tim và tình anh em
đến tất cả. Chúng ta sẽ cùng nhau đứng đoàn kết quanh ngọn cờ. Trái tim
cùng nhịp đập của chúng ta sẽ cho ta một kỷ luật mạnh đến nổi nó sẽ được
tất cả tự nguyện chấp nhận. Nước Pháp muôn năm!”.
Bài báo trên cho thấy chính quyền Pháp ở Saigon đã không có biện pháp
gì để bảo vệ kiều dân Đức và muốn trục xuất họ và tịch thu tài sản, cơ
sở thương mại của họ một cách nhanh chóng.
Đối với kiều dân Đức bị trục xuất khỏi Saigon thì đây là tình cảnh
của họ do họ thuật lại cho một phóng viên của tờ báo ở Batavia và được
viết lại bởi phóng viên từ Singapore của tờ báo
Straits Times ở
Java, nơi những người Đức bị trục xuất đến trú ngụ (7). Bài này được
đăng khoảng một tuần (vào ngày 25/8/2914) sau khi bài ở trên đăng về
cuộc biểu tình ngày 6/8/1914 ở Saigon. Bài này cho thấy có sự khác biệt
về sự việc xảy ra và tình cảnh thê thảm của kiều dân Đức với nhiều người
bị trục xuất trong vài tiếng đồng hồ ra đi khỏi nơi họ đã sống và làm
việc bao năm hầu như trắng tay không mang đi được gì.
“
Người Đức ở Saigon – Một câu chuyện nữa về số phận phiêu lưu của họ
(viết bởi một phóng viên ở Java) 20 tháng 8 1914
Những nhân viên người Đức của công ty Speidel ở Saigon vừa đến
đây cách đây vài ngày, và thông tin trong bài sau đây là do họ tường
thuật lại cho một đại diện một tờ báo ở Batavia. Những thông tin này nên
được chú ý, bởi vì nó khác về nhiều khía cạnh với bài báo đã đăng vừa
rồi trên Straits Times được gạn lọc từ các tờ báo Pháp từ Saigon.
Theo họ kể thì cảm giác chống Đức rất cao độ thấy rõ khắp Saigon
ngay khi nơi này nhận được tin bắt đầu chiến tranh giữa hai nước Đức và
Pháp ngày 4 tháng 8. Lãnh sự Đức ở Saigon, ông Reinsdorff, được chính
thức thông báo vào ngày 5 tháng 8 là ông ta phải giao công việc lãnh sự
cho đại diện một nước trung lập, và ngay sau đó ông phải rời khỏi Đông
Dương. Những kiều dân Đức khác cũng buộc phải ra đi khỏi sứ. Ông
Reinsdorff do đó đã giao nhiệm vụ lãnh sự của mình ông lãnh sự Hoa Kỳ,
lúc đó là đại diện thương mại cho công ty Standard Oil Co. Sau sự việc
này, một thông tư chính phủ được thông truyền cho nhau thông báo là tất
cả người Đức phải rời Saigon trước bình minh, trong vòng 12 tiếng đồng
hồ. Mọi cố gắng bởi các đại diện người Đức cũng như lãnh sự Hoa Kỳ để
được kéo dài thời gian ra đi này, nhưng không thành công, và hệ quả là
không một người Đức nào có đủ thì giờ để sắp xếp công việc cá nhân riêng
tư và thương mại của mình. Không một người Đức nào đã nghĩ đến sự đối
xử như vậy, nhất là sự đối xử này đã không xảy ra trong chiến tranh năm
1870. Dường như chính quyền Pháp sợ rằng cảm giác của dân chúng sẽ lên
cao độ nếu có tin tức là Pháp thất thế trong cuộc chiến và do đó người
Đức được cảnh báo là đừng để đèn trong nhà của họ và không nên xuất hiện
ngoài đường phố.
Các cuộc biểu tình hiếu chiến
Vào ngày 6 tháng 8, cao ủy cảnh sát thành phố ra lệnh tất cả
người Đức đóng cửa các cơ sở thương mại của họ vì dân chúng có thể biểu
tình bất cứ lúc nào. Người Đức vì thế buộc phải rời thành phố trên tàu
Solveig cu/a Na Uy vào sáng sớm ngày 7 tháng 8, và một hội thảo giữa
lãnh sự Đức và các đại diện chính quyền đi đến quyết định là ông lãnh sự
Đức được hứa là tất cả người Đức sẽ được bảo vệ cho đến khi họ lên tàu
hơi nước Solveig.
Vào lúc 9 giờ tối ngày 6 tháng 8, một cuộc biểu tình dự đoán sẽ
xảy ra, đã bộc phát. Năm trăm hay hơn người Pháp, trong đó có một số
công chức chính phủ, tuần hành qua các đường phố đến các tòa nhà chính
phủ đòi hỏi gay gắt là chính phủ phải công bố tất cả tin tức nhận được
liên qua đến cuộc chiến, mà không kiểm duyệt. Họ cũng tố cáo là chính
phủ không công bố một số điện tín đã nhận được.
Sau đó, họ tuần hành đến lãnh sự Đức biểu tình rất hiếu chiến, và
tiến đến tòa nhà Câu lạc bộ quốc tế (International Club), Họ xông vào
câu lạc bộ, phá tan hoang những gi vào tay họ. Đèn bị đập vỡ, cửa sổ bị
phá và các bàn billard trở thành gỗ vụn. Ly, chén, chai, ghế và tất cả
những gì ở đó thành nát vụn, đến khi họ biết quá trễ là nơi mà họ tưởng
là cơ sở của người Đức – bởi tên nơi này “Kegel club Saigon” – thật ra
là Câu lạc bộ quốc tế.Sự việc này không hề làm họ trầm tỉnh lại và họ
tiếp tục tiến đến văn phòng của các ông trong công ty Speidel and Co.,
những nhà thương mại lúa gạo.
Sự tàn phá ở Câu lạc bộ quốc tế được lập lại với cường độ mạnh
hơn và không vật gì được nguyên vẹn. Súng được xử dụng với hệ quả là một
trong những người trú ngụ trong tòa nhà, con của một bác sĩ Pháp, bị
trọng thương và chết vào đêm ấy. Sau khi thõa mãn phá phách ở cơ sở
Speidel, họ đi đến văn phòng công ty Engler and Co., nhưng tại đây họ
gặp một hàng rào cảnh binh giữ họ ra xa khỏi một khoảng cách.
Trong khi đó một toán cảnh binh đến văn phòng công ty Speidel và
người quản lý công ty đã lấy đi được tiền và hồ sơ trong tòa nhà và giao
cho nhà băng Chartered Bank. Giận dữ vì không thể hiện được sự tức giận
của họ ở văn phòng công ty Engler, đám đông đi đến Chợ Lớn, một khoảng
ngắn cách Saigon, và tại đây họ đốt cháy một vài nhà máy xay xát lúa.
Trốn chạy buổi sáng sớm
Các người quản lý các cơ sở thương mại người Đức không có thời
gian xếp đặt công việc hay giao lại cho những đại diện tin cậy. Tất cả
người Đức đều chạy ngược chạy xuôi và chỉ có một ý tưởng trong đầu họ là
cố gắng làm sao đi đến được tàu Solveig an toàn. Những sĩ quan và thủy
thủ tàu Đức, Arnfels đang đậu ở cảng Saigon, bị đánh thức dậy và bắt
buộc phải rời khỏi tàu Arnfels, không mang theo được đồ gì của mình để
lên tàu Solveig đi ra khỏi Saigon. Các đám đông biểu tình vẫn còn ở
ngoài đường và nhiều người Đức lo sợ rằng họ không thể đến được tàu
Solveig. Ngay cả những người giúp việc và nhân viên bản sứ của các cơ sở
thương mại Đức cũng bị hăm dọa bởi các đám biểu tình, trong đó nhiều
trường hợp bị đối xử thô bạo.
Sự thoát chạy của người Đức bắt đầu vào 2 giờ sáng. Trong những
xe kéo che kín, với nón đội được kéo xuống tận đôi mắt và cổ áo khoát
dựng lên, họ đi đến một chổ hẹn, đó là nhà của một nhân viên người Hoa
bốc dở hàng hóa, ở trên bờ sông. Một vài người Đức sống ở Chợ Lớn đi đến
chổ hẹn bằng xe hơi đã vài lần bị cảnh binh chận nhưng được phép tiếp
tục đi vì có sự đòi hỏi của các người Anh đi theo bảo hộ những người Đức
di tản.
Vào lúc 3 giờ sáng, 33 người Đức, đàn ông lẫn đàn bà, không một
người nào có trên tay đồ đạc cá nhân gì hết, đứng trên bong tàu Soveign
sửa soạn rời Saigon nơi mà họ đã sống bao nhiêu năm. Tàu Soveign ra khỏi
cảng Saigon lúc khoảng từ 6 giờ đến 7 giờ sang nhưng không bao lâu sao
đó một chiếc tàu cu/a chính quyền rượt theo bắt tàu trở về cảng. Không
có gì xảy ra sau đó và sau một thời gian dài bị đình trệ, tàu Solveign
rời cảng lần thứ hai đi Batavia.
Đây là câu chuyện đau lòng của những người Đức sống ở Saigon,
được những người Đức di tản thuật lại ở Batavia. Họ sẽ ở lại Batavia cho
đến khi hết chiến tranh bởi vì họ không nghĩ là họ có thể trở về Đức
trong lúc này.
“
Báo Sydney Morning Herald (Australia) ngày 11 tháng 11 1914 có ghi
lúc này ở Saigon, người Pháp rất phấn khởi trong không khí chiến tranh.
Tại nhà hàng
Café de la Terrace (vị trí khách sạn Caravelle
ngày nay, góc đường Đồng Khởi và đại lộ Lê Lợi), buổi tối ban nhạc trước
khi bắt đầu chương trình đều đánh các bài quốc ca của các nước đồng
minh.
Ngoài kiều dân và các công ty thương mại Đức bị đối xử bất công, ngay
cả người Hòa Lan cũng bị phân biệt kỳ thị. Hòa Lan mặt dầu trung lập
nhưng vì có những quan hệ thương mại và văn hóa khá gần với Đức trong
lịch sử ở Âu châu và Viễn Đông nên sự nghi ngờ của các chính quyền thuộc
đia và dân chúng của các nước Đồng Minh (Anh và Pháp) ở Viễn Đông rất
cao. Thí dụ như ông Theodore Speidel trước đó cũng là đại diện lãnh sự
Hòa Lan ở Saigon.
Qua báo chí ở Singapore, ho cho là Hòa Lan bí mật giúp người Đức ở
Viễn Đông mặc dầu thật sự chính quyền ở Batavia qua lãnh sự Hòa Lan ở
Singapore đã cải chính và đòi hỏi chính quyền Anh ở Singapore phải phủ
nhận những tin như vậy (2). Nhưng những việc làm như vậy đã không có
hiệu quả, dân chúng ở Singapore và Saigon đã đòi hỏi chính quyền ngưng
xuất khẩu hàng đến thuộc địa Hòa Lan ở Viễn Đông, kể cả lúa gạo. Một
người Hòa Lan đã bị đuổi việc trong một công ty lớn của Pháp ở Saigon
(2).
Đoạn kết
Ông Speidel sau khi buộc phải rời bỏ Saigon đi Batavia, ông đến
Sukabumi, Java thuộc Hòa Lan và trú ngụ ở đó chờ đợi cho đến khi thế
chiến chấm dứt. Không có tư liệu nào để lại cho biết số phận của ông ra
sao. Công ty
Speidel et Cịe hiện diện gần nữa thế kỷ từ năm
1868 cho đến 1914, đã đóng góp và phát triển nền kinh tế Nam Kỳ và Đông
Dương nhất là trong lãnh vực lúa gạo, dịch vụ chuyên chở đường biển và
bảo hiểm và chỉ trong một ngày vào tháng 8 năm 1914, nó đã tiêu tan biến
mất. Ông rời Saigon với hai bàn tay trắng, chắc hẳn ông rất đau buồn vì
hầu như cả cuộc đời của ông sống và làm việc ở đó.
Hai nhà máy xay xát lúa của ông, nhà máy
Union et Progres và nhà máy
Orient, bị
chính quyền tịch thu và sau đó đã được đem ra bán đấu giá ở Saigon vào
ngày 20 tháng 8 1915. Hai nhà máy này đã được hai người Hoa từ Khu cư
trú eo biển (
Straits Settlements, gồm Singapore, Penang, Malacca) mua lại. Nhà máy
Union et Progres bán cho ông Lim Kim với giá $570,000 (dollars Khu cư trú eo biển) và nhà máy
Orient
được ông Ly Cho Chung mua với giá $785,000 (3). Người Hoa từ đó hoàn
toàn nắm hết thị trường xay xát và buôn bán lúa gạo ở Nam Kỳ.
Các cơ sở khác của công ty Speidel trong lãnh vực buôn bán đèn dầu và dầu hỏa ở khắp Đông Dương đã được công ty dầu hỏa Hoa Kỳ
Standard Oil đứng ra thay thế
(4).
Ông Jacob Jebsen, người cùng thành lập công ty Jebsen & Cọ ở Hong
Kong với ông Heinrich Jessen, đã bị quản thúc ở Australia và đến năm
1917 khi Hoa Kỳ tuyên chiến với Đức, các tàu biển của ông và của công ty
Speidel đã bị giữ lại ở Philippines. Sau chiến tranh ông tiếp tục trở
lại nghề thương mại hàng hải và mất vào năm 1941. Con ông là Michael
Jebsen tiếp tục kế thừa điều hành công ty. Công ty hàng hải Jebsen &
Cọ hiện nay vẫn còn hoạt động (4).
Sau thế chiến thứ 1 với hòa ước Versailles, Đức mất nhượng địa Giao
Châu Loan (ở nam bán đảo Sơn Đông) và thành phố Thanh Đảo ở Trung Hoa
cho Nhật vì Nhật là một trong các nước Đồng Minh tuyên chiến với Đức ở
Viễn Đông. Thuộc địa Đức ở Papua New Guinea được giao cho Australia quản
lý và các đảo khác ở Thái Bình Dương mất cho Nhật.
Hầu như tất cả các cơ sở và hoạt động thương mại của của các công ty
Đức ở Viễn Đông không còn. Hiện nay ở thành phố Thanh Hải, tỉnh Sơn
Đông, Trung Quốc vẫn còn sản xuất bia Tsingtao (Thanh Đảo) nổi tiếng có
thị trường rất lớn ở Trung Quốc, từ nhà máy bia Tsingtao Brewery (青島啤酒廠,
Thanh Đảo ti tửu xưởng. Bia Tsingtao do người Đức chế ra vào năm 1903
từ công ty bia
Germania-Brauere, sau này là công ty Tsingtao Brewery.
.Chú thích:
- Hotel de la Rotonde ở đầu đường Catinat (Đồng Khởi), đối diện với bến Bạch Đằng
- Tòa nhà công ty Speidel et Cie.ở số 3-5 đầu Boulevard Charner (Đại lộ Nguyễn Huệ) gần bến Bạch Đằng
- Người Pháp gọi Câu lạc bộ Đức (Cercle Allemand) ở số 144 Rue
Lefebvre (Nguyễn Công Trứ ngày nay). Thật ra tên của câu lạc bộ là
‘Kegel-Klub Saigon” (Bowling club Saigon) và hội viên không nhất thiết
là người Đức, ai cũng có thể là hội viên. Trong niên giám Đông Dương
1912 có ghi ông Bezold là chủ tịch, Kraft (phó chủ tịch), Francke (thư
ký), Distel (thủ quỷ), Meng (quản thủ thư viện), Brooke (hội viên),
Brunner (hội viên), Danzeisen (hội viên), Woellwarth (hội viên).
(4) Công ty Speidel et Cie.buôn bán đèn và dầu từ
cuối thế kỷ 19. Công ty Speidel bán dầu của cả hai công ty Shell (Anh)
và Standard Oil (Mỹ) sản xuất. Công ty Standard Oil của Mỹ chắc phải có
quan hệ tốt với công ty Speidel và cộng đồng người Đức trước năm 1914,
nên Standard Oil mới đứng ra thay thế các chi nhánh và đại lý của công
ty Speidel sau năm 1914. Đại diện thương mại của Standard Oil ở Saigon
năm 1914 cũng là đại diện lãnh sự Mỹ và được lãnh sự Đức trao quyền lãnh
sự thay Đức ở Saigon. Theo Robert Hopkins (9) thì lãnh sự Mỹ ở
Singapore năm 1871 đã đề nghị với Bộ ngoại giao Mỹ nên bổ nhiệm ông F.W
Speidel lúc đó đang làm cho Engler & Co. quyền lãnh sự Mỹ ở Saigon.
Đèn dầu mà sau này người Việt gọi là “Đèn Hoa Kỳ” rất có thể là do công
ty Standard Oil phổ thông hóa trong thập niên 1920s qua hệ thống bán đèn
và dầu của công ty Speidel đã lập từ cuối thế kỷ 19 cho đến 1914 chứ
không phải do công ty Shell như có giả thuyết về nguồn gốc từ “Đèn Hoa
Kỳ” cho là như vậy.
Tham khảo
- Excitement at Saigon, coals for German ships, Sydney Morning Herald, 11 Nov. 1914.
- Kees van Dijk, The Netherlands Indies and the Great War, 1914-1918, KITLV Press, 2007.
- The Straits Times, 3 September 1915, Page 6, Saigon Rice Mills Sold. http://eresources.nlb.gov.sg/newspapers/Digitised/Article/straitstimes19150903.2.36.aspx
- Martinez, J., Chinese Rice Trade and Shipping from the North
Vietnamese Port of Hải Phòng, Chinese Southern Diaspora Studies, Volume
1, 2007, pp. 82-96.
- Annuaire général de l’Indo-Chine française [“puis” de l’Indochine],
Publisher: F.-H. Schneider (Hanoi) 1906, 1907, 1908, 1909, 1910, 1911,
1912, 1914, 1922, 1925
- The Straits Times, 19 August 1914, Page 10, Indochina and the war, Anti-German demonstrations in Saigon – Riotous proceedings, http://eresources.nlb.gov.sg/newspapers/Digitised/Article/straitstimes19140819.2.73.aspx
- The Straits Times, 25 August 1914, Page 9, The Germans in Saigon, http://eresources.nlb.gov.sg/newspapers/Digitised/Article/straitstimes19140825-1.2.81.aspx
- .John Kleinen, Side Streets of History: A Dutchman’s stereoscopic views of colonial Vietnam, IIAS Newsletter, no. 44, 2007. http://www.iias.nl/nl/44/IIAS_NL44_1213.pdf
(9) Robert Hopkins, The United States and Vietnam, 1787-1941, national Defense University Press, 1990.