Tuesday, 10 January 2012

Tả pín lù, tạp pín lù _ An Chi (RCMCN, Người Đô Thị số 74 (10-6-2010)).

“ Những cái còn thừa sau bữa ăn ở các trại lính, người ta vun lại, quét lại, tống vào thùng, vào bao tải. Rồi quảy, rồi cho lên xe bò, kéo ra (...) Những đĩa sào đã được trút vào cái xô nhôm thành nồi sào tạp bí lù bạc nhạc, xương sườn xương sụn thịt nhả bã với cà chua, lổn nhổn hành tây, cần tây, lá xà lách. Nước súp cũng được dồn vào nồi ba mươi, thùng gỗ, thùng nứa ghép vẫn để gánh nước. Chẳng đun lại, đổ thêm hàng phạng nước máy, mà nồi canh vẫn sao mỡ vàng khè...”.
(Tô Hoài, Chuyện cũ Hà Nội,
Hà Nội, 1986, tr. 192-193).
Sau khi trích dẫn Tô Hoài như trên, tác giả Nguyễn Dư nhận xét:
Tạp pín lù  (...) là món ăn cầu kì, đắt tiền. Thức ăn toàn là đồ tươi chứ không phải đồ ăn còn thừa như lâm vố. Tô Hoài nhầm cái váy thời trang được cắt may, lắp ghép bằng nhiều miếng vải với cái váy đụp, đầy mụn vá của mấy bà nhà quê.”
Thực ra, không chỉ có Tô Hoài mới biến cái váy thời trang thành váy đụp, mà chính Vũ Bằng cũng đã đánh đồng món tả pín lù với xào bần và lâm vố, ngay trong cái đoạn mà chính Nguyễn Dư đã trích dẫn để mở đầu cho bài “Cao lầu, hẩu lốn, loạn... sà bần” của mình. Xin nhắc lại câu của Vũ Bằng:“ Thực là kỳ lạ: cũng thuộc vào loại hẩu lốn, Tàu có ‘tả pín lù’, Tây có ‘lâm vố’, mà ở đây thì có ‘sà bần’ ; ba thứ này, cũng như hẩu lốn, đều do các thứ ăn đổ lộn lại với nhau nấu chín lên.” Đấy, Vũ Bằng không xếp cùng loại hai thứ váy đó sao? Có điều cần nói rõ là ở đây, Vũ Bằng chỉ bất cẩn trong việc sử dụng từ ngữ mà thôi, chứ cái món tả pín lù thì ông lại quá sành. Ông viết:
“Thưởng thức “tả pín lù”, công phu lắm. Muốn cho thực đủ vị, phải có cá, tôm, mực, gà, lợn, bào ngư, hầu sì, bong bóng... mỗi thứ gắp một miếng nhúng vào trong nước dùng, rồi gia thêm cải bẹ xanh, cải soong, hành hoa để cả cuộng, rưới nước dùng vào bát mà ăn, chính lúc các món ăn đương nóng.”
Cứ như trên thì tả pín lù [H.1 (của Tàu) và H.2 (của ta)] với lâm vố hoặc xào bần khác nhau một trời một vực. Với nhiều người Việt thì tả pín lù đã được phát âm thành tả pí lùtạp pí lù hoặc tạp pín lù, v. v.. Đây là một món ăn vốn gốc từ thảo nguyên Mông Cổ, được đưa vào Trung Quốc rồi từ Trung Quốc, sau này người Quảng Đông mới đem sang nước ta. Tả pín lù là âm Quảng Đông của ba chữ 打邊爐, mà âm Hán Việt là đả biên lô. Một đặc điểm về văn tự của người Quảng Đông là họ đã làm cho một số chữ Hán mất gia phả nên phải tạo ra một số tục tự Quảng Đông để thay thế cho những chữ đó. Ở đây, 邊 là một tục tự thay thế cho cái chữ bị mất gia phả là 甂 nên nếu được phục nguyên thì tả pín lù sẽ là .Pín 甂 là một loại nồi còn  爐 là lò. Pín lù  爐 là một thứ lò trên đó có đặt một loại nồi để ăn nóng tại chỗ một loại thức ăn có nước. Vậy pín lù   chẳng qua là cái lẩu, mà vài chục năm trước đây, trong Nam còn gọi là cái cù laoLẩu bắt nguồn từ âm Triều Châu của chữ  爐 chứ không phải âm Quảng Đông lô-ù, như đã cho trong Tầm-nguyên tự-điển Việt-nam của Lê Ngọc Trụ (Nxb TPHCM, 1993).
Trên đây dĩ nhiên chỉ là so sánh về văn tự và ngữ âm chứ bản thân món ăn thì lại là một chuyện khác. Nếu chẳng phải là quý tộc thì tả pín lù cũng là một món ăn sang. Sở dĩ nhiều người xếp nó ngang hàng với lâm vố, xào bần thì một là vì chưa làm quen với món này; hai là đã thế mà lại còn suy diễn từ cái tên đã bị làm cho  ... méo mó. Chẳng là, như đã nói ở trên, âm tiết đầu của tả pín lù nhiều khi bị nói trại thành tạp (Nguyễn Dư: tạp pín lù, Tô Hoài: tạp bí lù) nên chính cái chữ tạp này đã làm cho nhiều người loại suy từ các cấu trúc có hình vị tạp như: tạp âmtạp chấttạp hoátạp nhamăn tạplai tạp, v. v.., mà làm cho giá trị của món ăn này bị hạ thấp. Còn sở dĩ, với nhiều người, tả lại có thể trở thànhtạp là vì hai nguyên nhân song hành. Một là về ngữ âm thì phụ âm cuối zero (tức hiện tượng không có phụ âm cuối) của tả đã bị phụ âm đầu p- của pín đồng hoá (nên khuôn vần -a mới trở thành -ap); rồi hai là sự đồng hoá này ngay lập tức lại bị áp lực của hình vị tạp trong các thí dụ đã nêu nên cuối cùng thì tả đã biến thành tạp.

Monday, 9 January 2012

Tàu ro-ro là tàu gì?

Trong mấy năm gần đây Liên Xô đã đưa vào vận chuyển trên các tuyến đường biển từ cảng biển Hắc Hải, Viễn Đông đến các cảng biển Việt Nam nhiều loại tàu hiện đại như tàu ro-ro, tàu lát, tàu chở công-te-nơ v.v. (Nhiều Tác Giả, 1988:25, Bùi Danh Lưu)
Ro-ro hay RORO là dạng tắt của Roll-on/Roll-off là một thuật ngữ trong ngành vận tải ngoại thương dùng cho các loại hàng tự vận hành lên tàu được (xe hơi, xe tải ...), khác với phương thức thông thường là lo-lo hay LOLO (tức lift-on/lift off) đối với hàng công-ten-nơ hay hàng xá (phải sử dụng cần cẩu để đưa lên). Các mặt hàng siêu trường, siêu trọng (out-of-gauge/super heavy) không vào công-ten-nơ được  thì buộc phải sử dụng phương thức ro-ro, sau đó sẽ có những phương án cố định đặc biệt để tránh cho hàng không dịch chuyển (shifting) trong suốt quá trình vận chuyển.

Sunday, 8 January 2012

Cứu cánh là cái gì? Nó cứu ai?


Câu tiếng Pháp La fin justifie les moyens thường được dịch ra tiếng Việt là Cứu cánh biện minh cho phương tiện, cũng có khi được dịch là Mục đích biện minh cho phương tiện, có khi lại được dịch là Mục đích cuối cùng biện minh cho phương tiện hay Kết quả biện minh cho phương tiện.
Hán Việt từ điển giản yếu định nghĩa cứu cánh (chữ Hán là  ) là cuối cùng, kết quả và cho  ví dụ cứu cánh mục đíchcái mục đích cuối cùng (Đào Duy Anh, 2005:142). Như vậy dịch finmục đích hay mục đích cuối cùng hay cứu cánh đều được. Chỉ có điều là ai cũng hiểu ngay mục đíchmục đích cuối cùng (ít phổ biến hơn), nhưng lại hiểu cứu cánh không giống nhau. Người thì bảo nó phải cùng nghĩa với mục đích (vì cứu cánhmục đích từ cùng một câu tiếng Tây mà ra). Người lại bảo cứu cánh phải là cái gì đó cứu được mình mặc dù chẳng ai hiểu được cái phương tiện cứu mình biện minh cho phương tiện nào.
Tháng 3/1998, nhóm nghiên cứu của ông Bùi Khánh Thế (Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Thành Phố Hồ Chí Minh) điều tra trên 285 sinh viên năm thứ hai của khoa Ngữ Văn Anh (Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Thành Phố Hồ Chí Minh) và 167 học sinh lớp 10 trường phổ thông trung học Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh). Kết quả thu được, theo báo cáo của Nguyễn Hoài Thu Ba và Trần Thị Kim Anh (2001:172) cho thấy:
-Đa số chọn câu trả lời sai (45,5% sinh viên và 88% học sinh) hoặc không trả lời (25,2% sinh viên và 0,8% học sinh).
-Rất ít người chọn câu trả lời đúng (29,3% sinh viên và 11,3% học sinh).Kết quả thu được với các từ ngữ Hán Việt khác trong cùng đợt khảo sát khiến ta có quyền nghi ngờ rằng câu trả lời đúng rất có thể chỉ là một kết quả may rủi. Số người thật sự hiểu nghĩa của cứu cánh có lẽ còn thấp hơn rất nhiều.

Friday, 6 January 2012

Nõ (nõn) nường _ An Chi (KTNN 224, ngày 10-10-1996)

ĐỘC GIẢ: Từ điển tiếng Việt 1992 của Viện ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ biên có mục từ: “nỏ.p. (ph). Chẳng. Nỏ được. Nỏ biết”. Chữ “nỏ” ở đây mà đánh dấu hỏi như quyển từ điển này đã làm thì có đúng hay không? Nếu là nõ (dấu ngã) thì tiếng “nõ” này có liên quan gì với “nõ” trong “nõ nường”, và cả “nõ” trong “nõ điếu”, “nõ cối”? Có phải “nõ nường” cũng nói thành “nõn nường”? “Nõn nường” ở đây có phải cũng là một với “nõn nường” trong “đẹp nõn nường” hay không? Tại sao?
AN CHI: Chữ do ông nêu mà đánh dấu hỏi (ʔ) như đã làm trong Từ điển tiếng Việt 1992 của Viện ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ biên chỉ là một biến thể. Chính tả của nó phải là nõ, đúng như đã ghi trong Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của, Dictionnaire annamite-français của J.F.M. Génibrel, Việt-Nam tự điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, Tự điển Việt-Nam của Ban Tu thư Khai trí và Việt-ngữ chánh-tả tự-vị của Lê Ngọc Trụ. (Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên, in lần thứ nhất năm 1967, cũng đã ghi chữ đang xét bằng dấu hỏi).Nõ là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 卵 mà âm Hán Việt hiện đại là noãn, có nghĩa là: 1. trứng, 2. tinh hoàn (Danh từ anda của tiếng Sanskrit cũng có hai nghĩa y hệt như thế). Trong tiếng Việt, âm xưa của noãn là nõn (Ss. hoàn ~ hòn; đoàn ~ tròn; quan 菅 ~ gon). Nghĩa gốc của từ này trong tiếng Việt có xê dịch một tí so với nghĩa của nguyên từ trong tiếng Hán; nõn là dương vật như đã được ghi nhận trong Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên, tại mục “nõn nường”: “Từ chỉ vật làm bằng gỗ, tượng trưng cho dương vật (nõn) và âm hộ (nường) do nhân dân ở miền Dị-nậu và Khúc-lạc (Phú-thọ) xưa làm ra để rước thần; khi rước, những người khiêng kiệu vừa đi vừa hát: Ba mươi sáu cái nõn nường, Cái để đầu giường cái để đầu tay. Khi kiệu đến chỗ thờ thần, người ta tung nõn và nường cho mọi người cướp; con trai cướp được nường, con gái cướp được nõn là điềm tốt”.Nõn có một biến thể ngữ âm là nõ mà TĐTV do Văn Tân chủ biên cũng đã ghi nhận và giảng là “bộ phận sinh dục của đàn ông”. Chính vì vậy mà hai tiếng nõn nường cũng còn được ghi là nõ nường trong một số bài nghiên cứu, chẳng hạn: “Những tàn dư của sinh hoạt kinh tế sơ khai và tín ngưỡng nông nghiệp ở Vĩnh Phú” của Khổng Diễn (Dân tộc học, s.1, 1975, tr.36-45), v.v.. Và cũng chính vì vậy mà từ điển do Văn Tân chủ biên mới ghi nhận nõ nường như là một biến thể của nõn nường. Vậy nõ là một biến thể ngữ âm của nõn do rụng -n cuối mà nên.Nõ là dương vật còn nường là âm hộ. Trong khẩu ngữ của tiếng Việt, một vài từ chỉ sinh thực khí hoặc chỉ động tác có liên quan đến bộ phận này của thân thể đã chuyển nghĩa và chuyển loại mà trở thành từ hoặc phó từ phủ định. Chính vì mang đặc điểm từ nguyên như thế mà chúng có sắc thái thô tục, suồng sã nên không dùng trong phong cách ngôn ngữ nghiêm túc. Hiện tượng trên đây cũng thấy ở ngôn ngữ khác. Trong tiếng Anh, fuck là một động từ, và cả danh từ, chỉ động tác tính giao, vẫn bị xem là đứa con lăng loàn của từ vựng. Nó đã được ghép với từ “all” để tạo ra từ ghép “fuck-all”, có nghĩa là “đếch có gì cả”, “đếch ra gì cả”. Trong tiếng Pháp, động từ “(se) foutre (de)” có nghĩa là “cóc cần”, “đếch cần”, lại bắt nguồn từ động từ futuere của tiếng La Tinh, có nghĩa là “giao cấu”. Các từ nõ, đách (đếch), đéo, đấm trong tiếng Việt cũng trở thành phó từ hoặc từ phủ định theo lối chuyển nghĩa như thế. Thí dụ: nõ cần, nõ biết, đách cần, đách nghe, đéo ăn, đấm thèm; v.v.. Từ nõ đã được phân tích ở trên. Còn đếch là một biến thể ngữ âm của đách, mà TĐTV do Văn Tân chủ biên giảng là “cơ quan sinh dục của đàn bà”. Đéo là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 屌 mà âm Hán Việt hiện đại là điếu, có nghĩa là sinh thực khí nam. Từ nghĩa gốc này, trong tiếng Việt và tiếng Quảng Đông (âm của chữ đó trong phương ngữ này của tiếng Hán là tíu), nó đã chuyển nghĩa và chuyển loại thành động từ để chỉ động tác tính giao... do nam giới thực hiện. Đấm cũng là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 抌 mà âm Hán Việt hiện đại là đảm, có nghĩa là đánh, đấm, đâm, thọc. Đây chính là chữ mà âm Quảng Đông là “tẩm” trong bài “Quâ... ấ..t!” của Hoàng Ly đăng trên KTNN 219, tr.16-20. Còn “quất” là nói trại tiếng Quảng Đông “quắt” (đọc theo âm miền Bắc) hoặc “quách” (đọc theo âm miền Nam), âm Hán Việt là cốt, có nghĩa là xương. Vậy “tẩm quất” là “đấm xương”. Nhưng xuất phát điểm của lối phủ định bằng từ đấm trong tiếng Việt tất nhiên không phải là việc “đấm xương” mà lại là cử chỉ trỏ vào cái chỗ không được phép gọi “đích danh” của cả hai giới để bày tỏ cái ý “đếch cần”. Rồi từ những lối nói như “ông đấm b... vào”, “ông thì... đấm c... vào”, v.v., dần dần người ta đã loại bỏ mấy danh từ có thể làm cho người khác phải đỏ mặt kia mà biến đấm thành một từ phủ định như có thể thấy trong “đấm thèm”, “ông đấm màng đến chuyện đó”, v.v..Cứ như trên thì rõ ràng là phó từ phủ định nõ có liên quan về nguồn gốc với danh từ nõ có nghĩa là dương vật. Xuất phát từ nghĩa gốc này, người ta cũng đã dùng nõ theo ẩn dụ mà nói: nõ điếu, nõ cối, nõ mít, nõ na, v.v., giống như nói cặc bần (rễ ngắn đâm chĩa lên của cây bần), dái mít, l... xa (để kéo vải), bòi chuông, v.v..Tóm lại, nguồn gốc của phó từ phủ định nõ là danh từ nõ trong nõ nường, có nghĩa như đã nói ở trên. Còn về từ nguyên của nường thì chúng tôi chưa có bằng chứng chắc chắn nhưng theo chúng tôi thì nó hẳn phải có liên quan đến chữ 娘 có nghĩa là con gái, phụ nữ, mẹ, vợ, mà âm Hán Việt xưa là nàng, cũng đọc nường còn âm Hán Việt thông dụng hiện đại là nương. Nghĩa là người ta đã dùng từ nường có nghĩa là sinh thực khí nữ, mà âm xưa là nàng, theo hoán dụ để chỉ những người mà bộ phận đó là một đặc trưng của giới tính. Giống hệt như người ta đã dùng từ hĩm có nghĩa gốc là “âm hộ trẻ con” để chỉ “con gái còn nhỏ tuổi” (X. mục “hĩm” trong TĐTV do Văn Tân chủ biên). Và cũng giống hệt như cu trong cu Tí, cu Tèo, v.v., là một lối dùng theo hoán dụ để chỉ con trai ít tuổi mà xuất phát điểm là danh từ cu có nghĩa là sinh thực khí nam. Đó là điểm liên hệ thứ nhất. Điểm liên hệ thứ hai là tiếng La Tinh có danh từ vulva vừa có nghĩa là bìu, bọc, bao, v.v., vừa có nghĩa là âm hộ. Nếu trong tiếng Hán cũng có một sự chuyển nghĩa như thế, thì cái nghĩa “âm hộ” tuy đã mất đi, nhưng cái nghĩa “bao, túi, đãy” vẫn còn trong chữ 囊 mà âm Hán Việt xưa là nàng, có thể chuyển thành nường (âm Quảng Đông hiện nay là noòng), còn âm Hán Việt thông dụng hiện đại là nang. Phối hợp hai điểm liên hệ trên đây lại thì có thể giả thiết rằng nường trong nõ(n) nường là một từ Việt gốc Hán có liên quan đến chữ nương 娘 và chữ nang 囊 mà âm xưa đều là nàng. Đây là một trường hợp đồng từ dị tự (cùng từ khác chữ) và tự/ từ này có nghĩa là sinh thực khí nữ. Cái nghĩa này đã tuyệt tích trong tiếng Hán (ít nhất cũng là trong tình hình tư liệu hiện có) nhưng nó vẫn còn tồn tại thoi thóp trong tiếng Việt hiện nay với âm nường, ít nhất cũng là ở một số vùng của tỉnh Phú Thọ. Nghĩa cổ của một số từ Hán đã tuyệt tích từ thời cổ đại nhưng vẫn còn được tìm thấy trong tiếng Việt hiện đại mà vi 為 (= voi) là một trường hợp điển hình, không xa lạ gì với giới Hán ngữ học (Chúng tôi đã có nói đến trường hợp này tại CĐCT trên KTNN 111, tr.32, và KTNN 134, tr.89).Bây giờ xin nói đến mối quan hệ giữa nõn nường trong ba mươi sáu cái nõn nường (ký hiệu là nn1) với nõn nường trong đẹp nõn nường (ký hiệu là nn2). Nghĩa của từng thành tố trong nn1 đã được phân tích ở trên. Còn nõn trong nn2 là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 嫩 mà âm Hán Việt hiện đại là nộn, có nghĩa là non, mềm, mịn, nhuyễn. Nường trong nn2 cũng là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 孃 mà âm Hán Việt hiện đại là nang, xưa hơn nữa là nàng (Dictionnaire annamite-français của J.F.M. Génibrel vẫn còn ghi nõn nàng thay vì nõn nường), có nghĩa là to, mập, mẩy (nang trong từ tổ đẳng lập nở nang cũng chính là chữ nang này). Vậy nõn nường có nghĩa là vừa mịn vừa mẩy và căn bản là đồng nghĩa với nõn nà (nà cũng là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở chữ 娜 mà âm Hán Việt hiện đại là nã, có nghĩa là mềm mại, uyển chuyển). Nn2 đã được TĐTV 1992 giảng như sau: “Như nõn nà (nhưng thường dùng với ý mỉa mai)”. Từ điển từ láy tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học do Hoàng Văn Hành chủ biên (Hà Nội, 1994) cũng giảng và chú y hệt như thế. Vậy tại sao nn2 lại thường dùng với ý mỉa mai? Liên quan đến vấn đề này, Cao Xuân Hạo có viết như sau: “Trong tiếng Việt, đơn vị để chơi chữ kiểu calembour (một lối chơi chữ dựa trên sự khác nghĩa của các từ hoặc nhóm từ đồng âm – AC) là tiếng trong khi ở các ngôn ngữ Âu châu đơn vị đó là từ, vì ở đây từ mới có được một diện mạo ngữ âm có thể được lẫn lộn một cách hài hước với một từ có nghĩa khác hay với những âm tiết không có nghĩa (...) Người Việt nhận diện ra các tiếng tục ngay cả khi không hề có calembour và trong những ngữ cảnh ít thuận lợi cho việc nhận diện nhất trong các tên riêng ngoại quốc đa âm tiết chẳng hạn. Những tiếng như cu, đít, ghe ngay trong bối cảnh này cũng bị hiểu như tiếng tục và do đó thường được ghi trẹ đi để tránh cách hiểu đó trong khi một từ tục như con trong tiếng Pháp (đọc là [kÕ] và có nghĩa là l... – AC) khó lòng được người bản ngữ nhận ra trong condor, fécond, réconcilier (= kền kền Nam Mỹ_ mắn đẻ_ hòa giải – AC) nếu sự trùng hợp không được nêu bật lên bằng một trò chơi chữ kiểu calembour”.(Về cương vị ngôn ngữ học của “tiếng”, Ngôn ngữ, s.2, 1985, tr.27-28).Chính vì đặc điểm mà Cao Xuân Hạo đã phân tích cho nên khi dùng từ tổ tính từ đẳng lập nn2 thì người ta tức khắc và tự nhiên liên hệ đến danh ngữ đẳng lập nn1 trong đó nõn lại chỉ dương vật còn nường thì lại chỉ âm hộ. Nn2 thế là gắn liền với nn1 như hình với bóng và người ta luôn luôn bị ám ảnh bởi hai vật mà nn1 diễn đạt khi phải phát âm hai tiếng của nn2. Vì vậy tốt nhất là không nên dùng đến nó để khỏi phải mang tiếng là bất nhã còn hễ đã dùng đến thì tất phải có ẩn ý. Ẩn ý đó chính là sự mỉa mai mà TĐTV 1992 và TĐTLTV đã ghi chú. Ngày nay, không mấy ai còn biết đến nghĩa gốc của nõn và của nường trong nn1 nhưng cái sắc thái mỉa mai thì vẫn cứ đeo đẳng nn2 một cách dai dẳng.Và cũng chính vì nghĩa gốc của danh từ nõ đã mất đi cho nên ngày nay, ở miền Bắc Trung bộ, người ta đã dùng phó từ phủ định nõ, phát âm thành nỏ, một cách bình thường và tự nhiên như dùng không hoặc chẳng mà không sợ mang tiếng là bất nhã, vì nó chỉ còn là một phó từ có sắc thái trung hòa.Cái nghĩa gốc tuy đã mất nhưng danh từ nõ vẫn còn sống và có mặt trong những từ tổ như nõ điếu, nõ cối, v.v.. Nếu từ nõ này mang thanh điệu nào thì phó từ phủ định nõ cũng mang thanh điệu đó vì, như đã thấy, từ sau là do từ trước chuyển nghĩa và chuyển loại mà thành. Vậy làm như Từ điển tiếng Việt 1992 do Hoàng Phê chủ biên mà đánh dấu ngã cho từ trước (nõ cối, nõ điếu) nhưng lại đánh dấu hỏi cho từ sau (“nỏ” được, “nỏ” biết) là không nhất quán vì như thế chỉ là ghi từ nỏ theo cách phát âm có tính chất địa phương của miền Bắc Trung Bộ mà thôi.

Chép từ Facebook của An Chi (Huệ Thiên)

Trả lời về chữ NGA trong NGA LA TƯ – An Chi ( Đã đăng trên Kiến Thức Ngày Nay số 607 (20-6-2007)

      Nhiều tác giả đã giải thích một cách rất tự tin rằng cả ba âm tiết Nga La Tư đều là những tiếng dùng để phiên âm địa danh Russia của tiếng Anh. Các vị đó chẳng cần quan tâm xem nếu quả đúng như thế thì tiếng (âm tiết) Nga tương ứng với âm hoặc âm tiết nào của Russia. Đó là còn chưa kể rằng khi ba tiếng Nga La Tư ra đời trong tiếng và chữ Hán để chỉ quốc gia mà ban đầu người Anh gọi làRuss, rồi về sau là Russia thì người Trung Quốc thậm chí còn chưa tiếp xúc với tiếng Anh. Quả đúng như thế thật vì danh xưng La Tư xuất hiện trong thư tịch của Trung Hoa vào cuối đời Nguyên (1206 – 1368) đầu đời Minh (1368 – 1644), nghĩa là vào khoảng giữa thế kỷ XIV; lúc đó người Trung Quốc làm gì đã biết đến tiếng Anh. Lúc bấy giờ, người Trung Hoa gọi nước Nga là La Tư 羅斯 hoặc La Sát 羅 刹. Âm Bắc Kinh của La Tư 羅斯 là luósì, còn của La Sát 羅刹 là luóshà, phản ánh gần đúng danh xưngRoss(ia) của tiếng Nga mà người Trung Quốc biết được qua sự tiếp xúc với các bộ tộc sống ở phía Tây của nước mình.
        Nhưng đến đời Thanh thì bắt đầu có thay đổi. Triều đại này lại thích phiên âm tên của nước Nga từ tiếng Mông Cổ, mà một số từ, ngữ cũng đã được biết đến từ đời Nguyên. Một đặc điểm của tiếng Mông Cổ là nó không có từ nào bắt đầu bằng l- hoặc r-; nói một cách khác, hai phụ âm [l] và [r] không thể đứng đầu âm tiết đầu tiên của từ trong thứ tiếng này. Vì vậy nên người Mông Cổ không thể chấp nhận cách phát âm Rossia (có r- khởi đầu). Họ đã xử lý bằng cách lặp lại nguyên âm chính của ros- ( là [o]) làm âm tiết đầu tiên cho hình thức phiên âm. Do đó mà Rossia đã trở thành Orossia trong tiếng Mông Cổ.
        Ban đầu, Orossia được phiên âm sang tiếng Trung Quốc thành Oát La Tư  斡羅斯 (âm Bắc Kinh làwòluósì) hoặc Ngạc La Tư 鄂羅斯 (âm Bắc Kinh là èluósì). Về sau, khi biên soạn Đại Thanh nhất thống chí, người ta lại phiên Orossia thành Nga La Tư 俄羅斯 (âm Bắc Kinh là éluósì); rồi cũng có phần là do cái danh và cái uy của bộ sử này mà hình thức Nga La Tư đã trở nên thông dụng cho đến tận ngày nay mà được nói tắt thành Nga.
        Chữ nga 俄 không chỉ dùng để phiên âm âm tiết o trong Orossia mà còn dùng để phiên âm tiết đó trong nhiều địa danh, nhân danh khác, như:
Obadiah thành Nga Ba Để Á;
Ohio thành Nga Hợi Nga;
Oklahoma thành Nga Khắc Lạp Hà Mã;
Ophir thành Nga Phỉ;
Oregon thành Nga Lặc Cương;
Ostrava thành Nga Tư Đặc Lạp Phát; v.v..
Vậy Nga (La Tư) chẳng có liên quan gì đến tiếng Anh Russia.

Nam văn nữ thị (Năng Lượng Mới số 56 , 23 - 9 - 2011)

Nguyên bản ở Facebook An Chi (Huệ Thiên):
 Bạn đọc :  Xin cho hỏi tại sao trước đây cha mẹ đặt tên cho con trai thường lót chữ “văn” còn con gái thường lót chữ “thị”? (Nguyễn Thị Hồng Đào).
 An Chi : Về vấn đề này, ông Lê Trung Hoa có cho biết như sau:
“Chúng tôi đọc thấy một điểm đáng chú ý trong cuốn Les langages  de l’humanité của Michel Malherbe (...): Có lẽ tên đệm Văn có nguồn gốc từ tiếng Ả Rập ben (con trai) và tên đệm Thị cũng từ tiếng Ả Rập binti (con gái) do các thương nhân Ả Rập vào buôn bán ở bờ biển Việt Nam. Tuy tác giả không nêu cứ liệu, chúng tôi thấy có khả năng đúng, vì: – về ngữ âm ben cho ra vănbinti cho ra thị là có thể chấp nhận; – Việt Nam chịu ảnh hưởng “họ” của người Trung Hoa. Nhưng người Trung Hoa trước đây và hiện nay không dùng các từ đệm văn và thị phổ biến như người Việt Nam” (Họ và tên người Việt Nam, Hà Nội, 1992, tr.62, chth.1).
Ông Hoa nói như thế còn chúng tôi thì cho rằng nói ben có thể cho ra văn và binti có thể cho ra thịchẳng khác nào nói rằng tiếng Pháp petit đã cho ra tiếng Việt bé tí còn colosse thì đã cho ra khổng lồ, chẳng khác nào nói tiếng Ý ciao đã cho ra tiếng Việt chào còn tiếng Tây Ban Nha niño thì đã cho ra nhỏ nhí. Nhận xét của Malherbe xuất phát từ một sự so sánh vô nguyên tắc mà sự công nhận của ông Lê Trung Hoa thì cũng chẳng có cơ sở khoa học nào. Lẽ ra, ông Hoa phải hiểu tiếng Việt hơn Malherbe mới đúng. Trong trường hợp này, Malherbe đã làm một công việc mà Henri Frei đã làm cách đây gần 120 năm trong quyển L’annamite, mère des langues (Tiếng An Nammẹ của các thứ tiếng – Hachette & Cie, Paris, 1892), trong đó quan năm Frei này đã so sánh tiếng Việt với nhiều thứ tiếng, có khi thuộc những ngữ hệ cách nhau rất xa. Ngữ học so sánh có những nguyên tắc của nó; không thể cứ thấy hai từ giống nhau thì vội vàng khẳng định chúng là bà con, như Frei và Malherbe đã làm và ông Lê Trung Hoa đã cả tin.
Thật ra thì chữ lót Văn trong tên của nam giới chính là chữ “văn” trong “văn thân”, nghĩa là xăm mình. Nhưng trước khi phân tích và chứng minh, xin hãy chép lại đoạn nói về “Tục lệ xăm mình của người Việt cổ” ở Wikipedia (cho đến tối 19-9-2011):
“ Sách Lĩnh Nam chích quái (phần “Hồng Bàng thị truyện”) viết như sau:
“ Bấy giờ, dân trên núi xuống nước đánh bắt cá thường bị thuồng luồng gây thương tổn, bèn cùng nhau tâu việc ấy với Vua. Vua nói:
 “– Các giống ở trên núi khác với các loài ở dưới nước. Các loài ở dưới nước chỉ ưa những gì giống với mình và ghét những gì khác mình, vì vậy, ta mới bị gây hại.
“ Nói rồi, Vua bèn ra lệnh cho ai nấy cũng phải lấy màu xăm hình thuỷ quái vào người. Từ đó, không bị thuồng luồng gây thương tích nữa. Tục vẽ mình của dân Bách Việt bắt đầu có kể từ đấy. Đặc biệt thời Trần, những thành viên thuộc đội quân Thánh Dực bảo vệ xa giá sẽ được xăm lên trán ba chữ Thiên Tử Quân (Quân đội Thiên Tử). Nghệ thuật này còn được thấy rõ rệt dưới triều đại này với việc xăm hai chữ “Sát Thát” (Giết giặc Tartar) trong thời kỳ kháng chiến chống Nguyên Mông, thể hiện sự quyết tâm đồng lòng chiến đấu, bảo vệ giang sơn của cha ông ta. Thường những người xăm trổ thời ấy đều là những chiến binh dũng cảm và can trường, họ xăm trổ để thể hiện sức chịu đựng và chí hướng của mình. Nhiều người dân cũng thường cũng xăm lên bụng những chữ Nghĩa dĩ quyên khu, hình vu báo quốc thể hiện tinh thần thượng võ.”
Câu “Vua bèn ra lệnh cho ai nấy cũng phải lấy màu xăm hình thuỷ quái vào người” trong Lĩnh Nam chích quái là một câu có tính chất hồi chỉ và nó hồi chỉ “dân trên núi xuống nước đánh bắt cá”. Những người dân này chỉ là đàn ông. Cho đến tận thời nay, ra khơi đánh cá vẫn chỉ là đàn ông mà thôi. Thiên tử quân đời Trần cũng chỉ là đàn ông. Cho đến mãi thế kỷ XX thì trong nội bộ người Việt, xăm mình vẫn chỉ có đàn ông (chứ phụ nữ Mãng, chẳng hạn thì có xăm mặt). Cứ như trên thì xăm mình là một nét đặc trưng của đàn ông người Việt thời xưa và đặc trưng này đã được đưa vào tên họ của họ. Truy nguyên ra thì thấy như thế và những cái tên, chẳng hạn như Trần Văn Ổi vốn có nghĩa là người họ Trần tên Ổi có xăm mình; Phạm Văn Me vốn có nghĩa là người họ Phạm tên Me có xăm mình; Võ Văn Xoài vốn có nghĩa là người họ Võ tên Xoài có xăm mình; mà hễ có xăm mình thì đều là đàn ông. Ý nghĩa của tục lệ này dần dần phai mờ với thời gian nên về sau, chẳng cần có xăm mình gì cả thì con trai sơ sinh vẫn thường được cha mẹ dùng chữ Văn làm tiếng lót khi đặt tên.
Còn thị là một từ Việt gốc Hán, chữ Hán viết là . Đây là tiếng dùng để chỉ phụ nữ. Nghĩa này của nó được Từ nguyên và Từ hải ghi là “phụ nhân xưng thị” (đàn bà gọi là thị) còn Vương Vân Ngũ đại từ điểnthì ghi là “phụ nhân” (đàn bà) và Mathews’ Chinese-English Dictionary thì ghi “a female” (người thuộc giới tính nữ). Từ nguyên còn cho biết rõ thêm rằng ngày nay thị cũng là một từ mà phụ nữ dùng để tự xưng (Kim dịch vi phụ nhân tự xưng chi từ).
Trong tiếng Việt, nó còn có một công dụng mà Từ điển tiếng Việt 1992 đã ghi như sau: “Từ dùng để chỉ người phụ nữ ở ngôi thứ ba với ý coi khinh”. Vậy rõ ràng thị có nghĩa là đàn bà. Nhưng do đâu mà nó trở thành tiếng lót, tức tên đệm của phụ nữ? Thì cũng là từ công dụng của nó trong tiếng Hán mà ra, sau một quá trình chuyển biến ngữ nghĩa. Công dụng này đã được Hiện đại Hán ngữ từ điển (Bắc Kinh, 1992) chỉ ra như sau: “Đặt sau họ của người phụ nữ đã có chồng, thường thêm họ chồng vào trước họ cha để xưng hô” (Phóng tại dĩ hôn phụ nữ đích tính hậu, thông thường tại phụ tính tiền gia phu tính, tác vi xưng hô). Thí dụ: Triệu Vương thị là “người đàn bà mà họ cha là Vương còn họ chồng là Triệu”.
Người Việt Nam ngày xưa đã không làm y hệt theo cách trên đây của người Trung Hoa mà chỉ đặt “thị” sau họ cha rồi liền theo đó là tên riêng của đương sự theo kiểu cấu trúc “X thị Y”, hiểu là người đàn bà họ X tên Y. Cấu trúc này giống như cấu trúc có yếu tố công (= ông) mà dân Nam Bộ đã dùng để gọi nhà yêu nước Trương Định một cách tôn kính: Trương Công Định, có nghĩa là “ông (được tôn kính) họ Trương tên Định”. Hoặc như của chính người Trung Hoa khi họ khắc trên mộ chí của Trương Khiên mấy chữ Trương Công Khiên (chi mộ), có nghĩa là “(mộ của) ông (được tôn kính) họ Trương tên Khiên”. Vậy, cứ như đã phân tích, Nguyễn Thị Mẹt là người đàn bà họ Nguyễn tên Mẹt, Trần Thị Nia là người đàn bà họ Trần tên Nia, còn Phạm Thị Cót là người đàn bà họ Phạm tên Cót, v.v... Cách hiểu nguyên thủy này đã phai mờ dần theo thời gian, làm cho về sau người ta tưởng rằng thị chỉ là một yếu tố có tính chất “trang trí” cho tên của phái nữ mà thôi. Chính vì đã không còn hiểu được công dụng ban đầu của “thị” nữa nên người ta mới dùng nó mà làm tiếng lót, nghĩa là tên đệm, cho các bé gái khi chúng chào đời. Người ta đã làm như thế mà không ngờ rằng ngày xửa ngày xưa, các cụ bà của chúng chỉ được dùng tiếng thị để chỉ định sau khi họ đã trưởng thành, và rằng thị chỉ được dùng chủ yếu là trong lời nói, đặc biệt là trong ngôn ngữ hành chính, chứ không phải là cho việc đặt tên.
Ý nghĩa và xuất xứ của hai tiếng “văn” và “thị” trong họ tên người Việt trước đây, theo chúng tôi đại khái là như thế. Chứ hai từ ben và binti của các chú lái buôn người Ả Rập thì chẳng có liên quan gì với nó cả.

Thursday, 5 January 2012

Nhà “đại thể” hay vẫn là nhà xác? An Chi(Năng Lượng Mới số 84, 30-12-2011).

Nguyên bản ở Facebook của An Chi (Huệ Thiên):
 Bạn đọc : Ở gần nhà tôi có nhà đại thể. Tôi tra trên mạng thấy đó là nhà xác. mà sao lại gọi là “đại thể” vậy ông An Chi?  (L.N.B.).
        An Chi : Vì bất cứ lý do gì mà “thay tên đổi họ” của nhà xác thành “nhà đại thể” thì, theo chúng tôi, cũng cứ là chuyện không cần thiết, và chỉ là nhiễu sự mà thôi. Đúng như bạn nói, nếu gõ ba chữ “nhà đại thể” trên Google, ta sẽ được rất nhiều kết quả: 
  – “Lễ tiễn biệt các thây nhi (thai nhi đã chết) ở Bệnh viện Từ Dũ thường diễn ra vào chiều thứ năm hàng tuần. Hôm nay là một ngày tiễn biệt như thế ở khu nhà đại thể (nhà xác) bệnh viện Từ Dũ.” (“Chuyện ghi ở nhà đại thể” của Kim Liên – Ngọc Hiếu, Sài Gòn giải phóng, 27-10-2009).
        –“Chiều 10-11, với sự giúp đỡ của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, tất cả 4 xác nạn nhân trongnhà đại thể của Bệnh viện đa khoa Bình Thuận đã được phân biệt danh tính.”( “Tài xế chính xe gây tai nạn trình diện cơ quan công an” của Phong Châu - Lê Nguyễn, Tiền phong ngày 11-11-2011).
– “Tại Perm, thành phố cách Matxcơva hơn 1.000 km về phía đông, từng nhóm những người có thân nhân có mặt ở hộp đêm tụ tập bên ngoài nhà đại thể với vẻ mặt đau buồn, chờ nhận dạng người nhà của mình. Một số người liên tục rít thuốc lá, hoặc nhìn chằm chằm vào bản danh sách với đôi mắt trống rỗng.”(“Bắt 5 người trong vụ cháy hộp đêm ở Nga” của T.Huyền, VnExpress, 6/12/2009).
Nếu tiếp tục “rà”, ta sẽ còn thấy thêm rất nhiều kết quả tương tự, trên rất nhiều tờ báo khác nhau, kể cả báo địa phương, cũng như sẽ thấy danh ngữ nhà đại thể đã được dùng khá nhiều trong một số bệnh viện mà không biết là nhờ sự thông minh của ai. Vì “nhà đại thể” mà người ta đã “bỏ” nhà xác. Còn về thời điểm thì ta có thể biết cái cách gọi chẳng hay ho gì này đã ra đời cách đây ít nhất là 7 năm, theo bài “Sống bên cạnh người chết” của Thu Hà trên báo Thanh Niên mà Việt Báo.vn ngày 20-7-2006 đã đăng lại: 
“Trước đây, ở Bệnh viện Đà Nẵng, nhà để quàn những bệnh nhân – hoặc những nạn nhân – vừa qua đời được gọi là Nhà xác và những người phục vụ được gọi bằng một tên nghe đến “rợn người”: nhân viên Nhà xác. Tên gọi của nơi để quàn những người quá cố nghe quá nặng nề nên từ năm 2004, nơi đây được đổi tên là Nhà Đại thể và nghiễm nhiên, những nhân viên phục vụ tại đây cũng được gọi bằng một cái tên khác: nhân viên Nhà Đại Thể.”
Về cái tên lạ lẫm này, Người lao động, ngày 15-05-2011 cho biết, theo bác sĩ Nguyễn Đát Lý, Trưởng Khoa Giải phẫu bệnh, đơn vị quản lý nhà đại thể của Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, thì hai chữ “đại thể” dùng để chỉ toàn bộ cơ thể, vốn được dùng để phân biệt với “vi thể”, tức các bộ phận nhỏ, lẻ trong “đại thể”. Chúng tôi chưa thực sự yên tâm về cách giải thích này vì thể ở đây không phải là thân hình con người, mà là thể thức, phương cách. Theo Giải phẫu đại cương  Nhập môn giải phẫu học do TS Trịnh Xuân Đàn chủ biên thì:
“Giải phẫu học người (human anatomy) là môn khoa học nghiên cứu cấu trúc cơ thể con người. Tuỳ thuộc vào phương tiện quan sát, giải phẫu học được chia ra thành 2 phân môn: giải phẫu đại thể (gross anatomy hay macroscopic anatomy) nghiên cứu các cấu trúc có thể quan sát bằng mắt thường; giải phẫu vi thể (microscopic anatomy hay histology) nghiên cứu các cấu trúc nhỏ chỉ có thể quan sát dưới kính hiển vi.”
Cứ như trên thì “các cấu trúc có thể quan sát bằng mắt thường” trong giải phẫu đại thể đâu có phải là “toàn bộ cơ thể”. Nhưng, nói cho cùng, dù ta có hiểu như thế nào thì hai tiếng đại thể trong danh ngữnhà đại thể cũng không trực tiếp liên quan đến thuật ngữ “giải phẫu (học) đại thể” mà lại liên quan đến thi hài của người hiến xác thông qua ẩn dụ mang tính tôn xưng đại thể lão sư của Trung Hoa Đài Loan.
Trước đây, do thuận miệng mà sinh viên y khoa ở Đài Loan thường dùng hai tiếng đại thể trong tên của môn đại thể giải phẫu học 大體剖學解 (giải phẩu học đại thể) để gọi thi thể mà họ quan sát. Ta có thêm một bằng chứng cho thấy chữ thể ở đây không liên quan đến thân thể con người. Rồi sau đó thì Trường Đại học Từ Tế 慈濟大學 (Tzu Chi University) ở Đài Loan mới tôn xưng mà gọi là Đại thể lão sư大體老師 (người thầy trong môn giải phẫu học đại thể) để chỉ thi hài của người hiến xác. Sinh viên, cũng như giáo sư và cán bộ giảng dạy xem những thi hài đó như là những người thầy (lão sư) hiền hậu, vô tư, rộng lượng, không phản ứng mảy may trước sự mổ xẻ, v.v., giúp cho họ có thể biết được đến từng ngóc ngách tất cả những gì thuộc về cơ thể con người trong khi họ học hoặc dạy môn giải phẩu học đại thể. Nhưng những người thầy này lại chẳng nói năng gì; vì vậy nên họ còn được gọi là Vô ngữ lương sư 無語良師 (thầy giỏi không nói). Vậy Đại thể lão sư và Vô ngữ lương sư là hai thành ngữ mang tính ẩn dụ để chỉ thi hài của người hiến xác được sử dụng trong phòng thực nghiệm, thực tập. Đại học Từ Tế là một trường đại học danh tiếng và có uy tín nên được biết đến ở nhiều nơi trên thế giới.
Vậy việc thành ngữ Đại thể lão sư do nó khởi tạo được biết đến ở Việt Nam cũng không phải là chuyện lạ. Lạ – quái dị nữa là đằng khác – là việc nhiều người, nhiều nơi trong ngành y tế cũng như nhiều nhà báo và phương tiện truyền thông của Việt Nam lại dùng hai tiếng đại thể của nó một cách thật khiếm nhã. Tại quê hương của nó thì hai tiếng này được dùng để chỉ thi thể của những người cao thượng đã hiến xác cho khoa học mà cả  loài người đều biết ơn, đặc biệt là với các trường y khoa. Nơi lưu giữ và bảo quản các thi thể hiến tặng này để cho sinh viên thực tập gọi là đại thể thất 大體室, tương đương với gross anatomy laboratory của tiếng Anh. Còn tại Việt Nam thì hai tiếng đại thể lại được dùng để chỉ bất cứ cái xác chết nào được lưu giữ và bảo quản tại nhà xác, từ xác chết của một anh đại gia lắm tiền nhiều của cho đến xác chết của một tên lưu manh bỏ mạng vì đâm thuê chém mướn. Vô hình trung đại thể thất/gross anatomy laboratory bị biến thành nhà xác, mà tiếng Hán là trần thi sở 陳尸所 hoặc đình thi thất 停尸室 còn tiếng Anh là morgue hoặc  mortuary.
May mắn một cách lạ lùng là tuy cái danh ngữ tân thời kỳ dị này đã ra đời cách đây ít nhất 7 năm nhưng theo sự tìm hiểu của chúng tôi thì nhiều bác sĩ, ngay cả ở những bệnh viện lớn như Chợ Rẫy, cũng không hề biết đến nó. Điều này chứng tỏ rằng danh ngữ nhà xác vẫn còn một sức sống mạnh mẽ. Vậy xin nhân tiện đề nghị ngành y tế hãy cho cái danh ngữ nhà đại thể vào “nhà đại thể”.