Wednesday, 16 January 2013

Người Việt Nam đi tắc xi từ khi nào?

Từ tắc-xi xuất hiện lần đầu (có lẽ) là trên Nam Phong Tạp Chí số 205 (1934:129):
Mới bắt đầu có xe ô-tô “tắc-xi” (taxis) chạy ở Hà nội -  Ô-tô tắc-xi là một thứ xe ô-tô chở thuê hành khách chạy khắp các đường phố Hà-nội;  ngày mồng 8 Octobre, hiệu Thuận-thái phố hàng Buồm đã mời quan Đốc-lý Hà-nội đến chứng-kiến để cho sáu chiếc xe bắt đầu chạy.

Friday, 11 January 2013

Giai thoại về địa danh: Cái Tàu (Huỳnh Thăng)

Giai thoại về địa danh: Cái Tàu 
Gắn liền với địa danh Cái Tàu ở huyện U Minh còn có những tên gọi được nhiều người biết đến như: sông Cái Tàu, xóm Cái Tàu, chợ Cái Tàu, ngã ba Cái Tàu, vàm Cái Tàu.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, địa danh "Cái Tàu" đã xuất hiện từ hàng trăm năm nay, trước cả thời kỳ Nguyễn Ánh bôn tẩu xứ Cà Mau. Đầu tiên là tên sông, rồi thành tên xóm, tên chợ, tên vàm… Con sông Cái Tàu dài khoảng 43 km, bắt nguồn từ ngã ba Cái Tàu, chảy qua xóm Cái Tàu về phía thị trấn U Minh rồi đổ ra Vịnh Thái Lan.
Địa danh "Cái Tàu" mang nguồn gốc dân gian rất rõ nét. Chữ "Cái" được dùng cho tên gọi các dòng sông ở khắp ba miền của Tổ quốc. Những con sông lớn như: sông Hồng, sông Gianh, sông Tiền, sông Hậu… đều được người địa phương gọi là sông Cái. Tác giả Lê Bá Thảo viết trong sách "Đời sống con sông" (1960) đã khẳng định: "Sông Hồng cũng có tên gọi là sông Cái" với lý giải như sau: "Cái có nghĩa là mẹ. Nhân dân ta đã ví các con sông lớn chảy qua địa phận mình ở như con sông mẹ, còn các sông nhỏ đổ vào sông Cái gọi là sông Con". Sách "Đại Nam quốc âm tự vị" (1895) của Huỳnh - Tịnh Paulus Của cũng giải thích sông Cái là "sông lớn, sông mẹ".
 
 Trái dâu - một đặc sản nổi tiếng của vùng đất Cái Tàu.                Ảnh: LÊ HỮU LỢI
Hầu hết các con sông lớn, sông chính của từng địa phương đều có tên gọi dân gian là "sông Cái" trước khi được đặt những tên khác. Và liên hệ với các địa danh mang từ tố "Cái" để thấy rằng, từ những tên gọi chung là "sông Cái" kết hợp với yếu tố khác (tên vùng đất, đặt điểm riêng…) trở thành những địa danh cụ thể: Cái Sắn, Cái Thia, Cái Bé (Kiên Giang), Cái Nước, Cái Tàu, Cái Rắn (Cà Mau), Cái Bè (Tiền Giang), Cái Mơn (Bến Tre), Cái Vồn (Vĩnh Long), Cái Răng (Cần Thơ)… Từ tên gọi chung theo thời gian được chuyển hóa thành tên gọi riêng là một trong những quy luật hình thành của địa danh.
Về nguồn gốc của từ "Cái" thì nhiều tài liệu khẳng định đây là một từ thuần Việt, và đã được người Việt sử dụng từ rất sớm. Khoảng thế kỷ thứ VIII, khi vị anh hùng Phùng Hưng qua đời, dân chúng suy tôn ông là "Bố Cái Đại Vương", chữ "Cái" (danh từ) ở đây có nghĩa là mẹ. Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, với tác động của văn hóa, việc sử dụng từ tố này đã mang nhiều tầng ý nghĩa. Đầu tiên, "Cái" có nghĩa mẹ, và "sông Cái" có nghĩa là sông mẹ.
Đặc điểm này tương đồng với cách gọi sông Mê-Kông của người Thái Lan và người Lào, họ dùng chữ "Mê-Kông" (phiên âm) để gọi tên con sông lớn với ý nghĩa "Kông" là sông,"Mê" là mẹ. Cách thức gọi những sự vật quan trọng, chính yếu là "Cái" có lẽ xuất phát từ nguồn gốc mẫu hệ xa xưa của cư dân Nam Á. Chính vì thế, từ này còn mang nghĩa phái sinh khác, "Cái" là chính, là giữa, là chủ yếu.
Đối với địa danh "Cái Tàu", bằng cách tiếp cận đầu tiên là sông Cái Tàu có thể giải thích: "Cái" là cách dân gian gọi con sông chính (hoặc sông mẹ), vì hai bên tả ngạn và hữu ngạn có rất nhiều sông rạch nhỏ chảy về nhiều hướng, dẫn nước hòa vào hệ thống sông rạch nhỏ nằm chằng chịt ở xứ U Minh.
Về nguồn gốc chữ  "Tàu", theo cách gọi của người xưa dùng để chỉ những vùng nước lợ. Có tài liệu giải thích, "Tàu" có nghĩa là lạt. Sông Cái Tàu ở U Minh có lẽ do được hòa lẫn bởi nước ngọt của sông Trèm Trẹm với nguồn nước mặn bên dòng Ông Đốc chảy qua rồi đổ ra Vịnh Thái Lan nên trở thành nước lợ, thứ nước lạt lạt, không mặn mà cũng không ngọt, được cư dân đến định cư sớm ở đây gọi là nước "tàu". Như vậy có thể giải thích, địa danh "Cái Tàu" là dòng sông chính (sông Cái) nước lợ của vùng U Minh.
Nguồn gốc địa danh Cái Tàu mang đậm màu sắc dân gian và lưu lại nhiều dấu tích của lưu dân thời kỳ khai phá vùng đất phương Nam. Địa danh này còn gắn liền với cuộc nổi dậy chống giặc Pháp của hai anh em Đỗ Thừa Luông, Đỗ Thừa Tự vào cuối thế kỷ 19, đó là những năm sau khi thực dân Pháp chiếm đóng Nam Kỳ.
Theo sử liệu, Đỗ Thừa Luông và Đỗ Thừa Tự là con trai của ông Đỗ Văn Nhân (vốn là cử nhân dưới triều Nguyễn). Vào năm 1872, hai anh em họ Đỗ đã chiêu mộ nghĩa quân tại làng Khánh An để tổ chức nổi dậy khởi nghĩa chống thực dân Pháp. Cuộc chiến đã diễn ra ác liệt tại vàm sông Cái Tàu và kéo dài được khoảng 3 năm. 
Nghĩa quân của anh em họ Đỗ đã thắng nhiều trận lớn, thu nhiều vũ khí của địch, giết và bắt sống nhiều tù binh. Tuy nhiên, do thế cùng lực kiệt, đến giữa năm 1875 thì không chịu nổi sức đàn áp của giặc Pháp, cuộc khởi nghĩa đã thất bại. Đỗ Thừa Luông và Đỗ Thừa Tự bị giết vào ngày 3/8/1875. Hiện nay, mộ của hai ông vẫn được con cháu dòng họ Đỗ chăm nom và có tổ chức cúng giỗ hằng năm.
Điều đáng lưu ý là cuộc khởi nghĩa này có hàng trăm nghĩa quân và hào kiệt các nơi tập hợp về để tham gia, trong đó có sự tham gia của Trương Quyền, con trai của Bình Tây Đại Nguyên Soái - Trương Định, và hai người con trai của cụ Phan Thanh Giản ở Bến Tre là Phan Tôn (tự là Quý Tướng) và Phan Liêm (tức Phan Thanh Liêm). Sau khi thân phụ tuẫn tiết, hai ông khởi binh chống Pháp ở Vĩnh Long, Trà Vinh, Sa Đéc (1867-1870) và bí mật đến rừng U Minh góp sức cùng họ Đỗ khởi binh.
Cuộc khởi nghĩa của Đỗ Thừa Luông, Đỗ Thừa Tự tuy thất bại nhưng đã gây tiếng vang lớn ở nhiều nơi, làm cho giặc Pháp khiếp sợ, phải huy động nhiều lực lượng để đàn áp. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng trong việc khơi dậy tinh thần yêu nước, đấu tranh chống giặc ngoại xâm của người dân Việt Nam ở mảnh đất cuối trời Tổ quốc vào thời kỳ tiền cách mạng./.
Huỳnh Thăng

Tuesday, 8 January 2013

BÀN VỀ CHỮ “CHÚNG”, CHỮ “GIỐNG” VÀ CÁC CHỮ CÓ LIÊN QUAN TRONG TRUYỆN KIỀU - Lê Thành Lân

40. Bàn về chữ “chúng” chữ “giống” và các chữ có liên quan trong Truyện Kiều (TBHNH 2005)
Cập nhật lúc 08h18, ngày 18/08/2007
Viện Công nghệ thông tin
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Vấn đề chữ nghĩa Truyện Kiều là câu chuyện muôn thủa, đã có nhiều người bàn và còn nhiều người tham gia. Hôm nay, chúng tôi chỉ bàn thêm đôi chút và đặt ra một câu hỏi mới đồng thời cũng thử tìm lời giải đáp cho nó. Có thể cách lý giải của chúng tôi chưa hoàn toàn thỏa đáng, nhưng dù sao cũng là một câu trả lời đầu tiên cho câu hỏi mình đặt ra.
Bản Nôm Đoạn trường tân thanh của Kiều Oánh Mậu (bản KOM) được khắc in năm 1902 đã ngự trị văn đàn Truyện Kiều cả thế kỷ 20. Vào năm 1925, bản Quốc ngữ Truyện Thúy Kiều của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim (bản KK) đã dựa chủ yếu vào bản KOM như nhiều nhà nghiên cứu đã viết cũng chỉ làm cho việc truyền bá nội dung cơ bản của bản KOM sâu rộng hơn nữa. Bởi thế việc khảo cứu chữ nghĩa thường phải viện dẫn tới bản KOM và chừng mực nào đó đề cập đến bản KK.
Chúng tôi thấy, trong bản KOM có 7 câu dùng chữ Hán “chủng” để ghi chữ Nôm “giống”; ở các câu 1728, 2066, 2097 viết nguyên dạng, không kị húy; ở các câu 857, 243, 258, 1194 viết đảo vế phải trái để kị húy. Với tỷ lệ như vậy, có thể thấy ngay rằng, Kiều Oánh Mậu không cố ý kị húy.
Khi khảo cứu về chữ húy ở bản Duy Minh Thị 1872 (bản DMT), và chừng mực nào ở bản Liễu Văn đường 1871 (L 71), Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đặc biệt chú ý đến chữ “giống” và chữ “lan”. Về chữ "giống", Giáo sư đã lập ra bảng 2 ở trang 57 cuốn Tư liệu Truyện Kiều - Từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu. Để phục vụ cho lập luận của mình, chúng tôi dựa vào bảng 2 đó và lập thành 2 bảng: bảng 1 cho các văn bản Nôm có niên đại sớm, bảng 2 cho một vài văn bản Quốc ngữ mà chúng tôi quan tâm hơn cả.
Chúng tôi phân biệt bảy câu cần khảo cứu thành 3 nhóm như sau: nhóm 1 gồm ba câu: 853, 1728, 2066; nhóm 2 gồm ba câu: 243, 258, 2097; nhóm 3 có một câu 1194. Cụ thể các câu này là:
Nhóm 1:

853
Tuồng chi là /giống-chốn/ hôi tanh
1728
Diếc rằng những /giống/ bơ thờ quen thân
2066
Khen rằng khéo /giống-hệt-tạc/ của nhà Hoạn nương
Nhóm 2:

243
Cho hay là /thói-giống/ hữu tình
258
Làm chi đem /thói-giống/ khuynh thành trêu ngươi
2097
/Khéo-hại-giống/ oan gia, của phá gia
Nhóm 3:

1194
Hồng nhan phải /chúng-giống/ ở đời mãi ru?
II. NHẬN XÉT VỀ CÁC BẢN NÔM
Chúng tôi chọn 9 bản Nôm có niên đại sớm để khảo cứu:
1. Năm bản có nguồn gốc Hà Nội:
Một là bản Liễu Văn đường 1866 (bản L 66). Bản này bị mất 864 câu, phần còn lại khá giống bản hai.
Hai là bản Liễu Văn đường 1871 (bản L 71).
Ba là bản Thịnh Mỹ đường 1879 (bản TMĐ).
Bốn là bản Quán Văn đường 1879 (bản QVĐ).
Năm là bản VNB-60 (bản VNB). Bản này mất bìa, song, nhiều nhà nghiên cứu đoán định rằng nó rất gần với 4 bản trên, tức là thuộc cùng dòng văn bản được khắc in tại phường Hàng Gai, Hà Nội và rất có thể có niên đại vào cuối thế kỷ XIX.
Theo chúng tôi các bản này khá thống nhất với nhau, không có người biên tập, chắc rằng không bị các vị có học chủ quan nhuận sắc. Chúng tôi có cảm nhận rằng có thể chúng vẫn giữ được nhiều câu chữ của Nguyễn Du.
2. Hai bản có nguồn gốc Nam Kỳ:
Sáu là bản Duy Minh Thị 1872 (bản DMT), bản này đã được Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn khảo cứu rất kỹ trong cuốn Tư liệu Truyện Kiều - Bản Duy Minh Thị 1872. Theo khảo cứu của Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, con đường truyền bản của bản gốc bản này đã từng qua Kinh đô Huế, vào Nam Kỳ và được khắc in ở Phật Sơn, Trung Quốc. Duy Minh Thị có thể không sửa, nhưng theo chúng tôi trên đường truyền bản nó có bị sửa. Theo Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, ít nhất nó đã từng bị sửa đi để kị húy và sau đó lại sửa lại theo những những định lệ giảm nhẹ mức kị húy. Nhược điểm là khắc sai nhiều bởi thợ khắc Trung Quốc không biết chữ Nôm.
Bảy là bản Abel des Michels (bản AM) in năm 1884, phần chữ Nôm do Trần Ngươn Hanh chép tay, chủ yếu tham khảo bản DMT và chừng mực nào đó là bản LVĐ và có thể cả bản Quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký như nhiều nhà nghiên cứu đã nhận xét.
Nói chung, đã có người biên tập là có sự nhuận sắc, sửa chữa một cách chủ quan. Theo cách nghĩ của chúng tôi, bản bảy không phải là bản Kinh, cũng không phải là bản Phường mà là bản lai (hybrid) ít nhất từ 3 văn bản: DMT, LVĐ và Trương Vĩnh Ký (có thể thấy điều này qua chữ “chủng-giống” ở câu 1194) và chính ông cũng có thể sửa chữa, nhuận sắc. Do được Trần Ngươn Hanh chép tay, biên tập ở trong Nam Kỳ để in tại Paris nên không cần kỵ húy, ta thấy rõ qua các câu 853, 1728, 1194.
3. Hai bản có nguồn gốc Huế:
Tám là bản Kiều Oánh Mậu (bản KOM), khắc in năm 1902. Theo phân tích của chúng tôi, bản này giống bản bảy ở chỗ nó không phải là bản Kinh, cũng không phải bản Phường như một số nhà nghiên cứu lớp trước đã phân loại, mà là một bản lai (hybrid) điển hình nhất, vì đã được tham khảo từ nhiều loại văn bản, ngoài ra còn bị Kiều Oánh Mậu sửa nhiều, tức là nhuận sắc một cách chủ quan. Ngoài ra bản này còn chịu ảnh hưởng nhiều của việc nhuận sắc của các vị quan trong triều đình Huế qua bản Kinh mà Đào Nguyên Phổ mang ra Hà Nội tặng cho Kiều Oánh Mậu, trong đó có cả việc sửa chữa do kị húy. Ông thấy rõ cái tai hại của việc kị húy này: “duy chỗ nào gặp chữ tên húy nhà vua thời lại thay đi, làm sai lạc cả chân diện của bản gốc”; nên có tái lập nguyên chữ, nhưng không triệt để. Việc “đính ngoa” này không khỏi có phần chủ quan và chúng thường khó tách bạch khỏi sự “nhuận sắc” khác nên cũng là nguyên nhân làm văn bản xa rời nguyên tác của Nguyễn Du và gây nên những “lỡ đỡ” trong việc khảo cứu của chúng ta ngày nay. Bởi thế 7 chữ “giống” ở bản của ông không thể hoàn toàn tin cậy được và cũng khó bàn cho được rốt ráo. Kiều Oánh Mậu thật sự không có ý định kị húy, vì ông ở Bắc Kỳ, xa triều đình và đã đến lúc thấy rõ nhà Nguyễn chỉ làm vì. Trong 7 chữ “chủng” có đến 3 chữ được viết nguyên dạng, 4 chữ còn lại đảo vế, có thể do quá quen với chữ viết húy, nay thuận tay chép theo, hoặc nó nằm sẵn trong bản Kinh mà ông không để ý phục nguyên cho hết.
Chín là bản Nguyễn Hữu Lập (bản NHL), một bản chép tay năm 1870 tại Huế, đã được Nguyễn Hữu Lập “san cải”; mới được công bố mấy năm nay, trước khi in chụp đã bị sửa chữa, tuy vậy cũng cần và có thể đem ra đối chiếu (tất nhiên cần xem đồng thời cả 2 bản đã công bố).
Nguyễn Hữu Lập chép Truyện Kiều ngay ở kinh đô Huế vào năm 1870, nên ông kị húy rất nghiêm ngặt, tất cả các chữ “chủng" đều nhất loạt thêm một bộ chữ lạ (một dạng của chữ “khí”). Song, cũng như bản KOM, bản NHL chịu ảnh hưởng của sự nhuận sắc của các vị quan trong triều và tất nhiên cả của bản thân người chép nên dễ bị xa rời nguyên bản.
Tóm lại: theo chúng tôi, đặc điểm nổi bật nhất của các bản gốc Hàng Gai là không có người biên tập, của các bản Nam Kỳ là không kỵ húy, của các bản gốc Huế là có sự nhuận sắc của các vị quan trong triều đình Huế.
III. VỀ VẤN ĐỀ CHỮ HÚY
Bàn đến chữ “giống” không thể không bàn về vấn đề kị húy, bởi chuẩn mực nhất là lấy chữ Hán “chủng” để ghi chữ Nôm “giống”. Song, chữ “chủng”? là một trong 3 tên của vua Gia Long, thuộc loại trọng húy, việc kiêng kị rất nghiêm ngặt và về nguyên tắc là được kéo dài cho đến hết thời Nguyễn. Theo cuốn Chữ húy Việt Nam qua các triều đại của Phó giáo sư Ngô Đức Thọ: Năm 1803 có định lệ cấm dùng, đổi thành chữ “thực” ? . Năm 1834 quy định tùy theo nghĩa có thể đổi thành chữ “thực” hoặc chữ “loại” ?. Việc đổi dùng hai chữ trên là quy định cho chữ Hán, ở đó về nghĩa của các chữ “thực” và “loại” gần đủ để thay thế cho chữ “chủng”. Đối với chữ Nôm, một thứ chữ ghi âm, tình hình có khác, ở đây các chữ "thực" và "loại" đã được dùng để ghi âm khác rồi: chữ Hán “loại” ghi âm “loại” và “loài”; chữ Hán “thực” chỉ ghi âm “thực”; cả hai đều không thể đọc thành âm “giống” được.
1. Tất nhiên, nếu có ý định kị húy thì người ta không thể dùng 2 chữ trên theo định lệ mà phải dùng các cách khác.
1.1. Cách thứ nhất là: thay đổi câu văn, theo từng trường hợp cụ thể, người ta thay hẳn một chữ Nôm khác cho chữ “giống” sao cho không làm phương hại nhiều đến nghĩa của cả câu văn mà vẫn đúng niêm luật; chẳng hạn có thể dùng các chữ “chốn”, “hệt”, “tạc”, “thói”, “hại”, “khéo”... Khi đó việc ghi chữ Nôm chẳng còn lo kị húy.
Ngày nay ta đọc, gặp các chữ trên, có 2 khả năng xẩy ra: a) Rất có thể Nguyễn Du đã dùng chính một trong các chữ Nôm đó, không liên quan gì đến chữ “chủng” và vì vậy, chúng không liên quan gì đến việc kị húy, khiến người đời sau phải sửa chữa. Nếu giờ đây chúng ta đoán sai rằng nguyên Nguyễn Du đã viết chữ “chủng” để ghi âm chữ “giống”; rồi do kị húy, người sau đem đổi dùng chữ khác; ta chủ quan “đính ngoa”, sửa thành chữ “chủng” để ghi âm “giống” thì chính là “lợn lành chữa lợn què”. b) Nếu quả thật trong nguyên tác của Nguyễn Du là chữ “chủng” để ghi âm “giống”; rồi do kị húy người đời sau sửa đổi, chép thành chữ khác thì việc “phục nguyên” lại thành chữ “chủng” để ghi chữ “giống” là đúng. Phân biệt cho được hai trường hợp này là rất khó.
1.2. Cách thứ hai là không thay đổi câu văn, vẫn dùng chữ “chủng” để ghi âm “giống”, nhưng các chữ “chủng” này viết theo kiểu kị húy, nghĩa là viết sao cho người đọc vẫn có thể đoán được đó là chữ “chủng” để đọc Nôm thành âm “giống”.
Khi “tầm nguyên”, gặp trường hợp này, thì đơn giản, ta dễ dàng khôi phục lại nguyên dạng chữ "chủng".
(Song, để khẳng định có kị húy hay không nhằm xác định niên đại của văn bản thì lại khó. Vì chữ Nôm chưa được điển chế: một chữ có thể đọc thành nhiều âm; một âm có thể viết bằng nhiều chữ; lại còn hiện tượng viết giản. Gặp những chữ mà ta có thể đọc được thành chữ “chủng” có trường hợp có 2 cách hiểu: a) Có người cho rằng: người xưa viết khác đi để kị húy. b) Có người cho rằng: người xưa không có ý kiêng kị gì cả, chỉ là viết giản thể cho gọn, và cũng có khi viết nhầm hay khắc nhầm).
2. Lại có trường hợp vôn dĩ Nguyễn Du không viết chữ có liên quan gì đến chuyện kị húy, chẳng hạn không viết chữ “chủng”, giống như trong trường hợp 1.1.a; nhưng người đời sau, chẳng hạn các vị quan trong triều đình Huế, đã nhuận sắc theo ý riêng chủ quan của mình sao cho “hay hơn”, viết thành một chữ thuộc diện phải kị húy, chẳng hạn chữ “chủng”, đến khi chép thì căn cứ theo định lệ kị húy mà thêm vào một bộ chữ lạ như ở Nguyễn Hứu Lập; hoặc không chủ ý kị húy như ở Kiều Oánh Mậu; nhưng khi in, lúc thì để nguyên dạng lúc thì đảo bộ đối với chữ “chủng”, như các chữ “chủng” khác ở nguyên tác. Trường hợp này rất dễ lẫn với trường hợp 1.1.b.
Tóm lại: có ba trường hợp cần biện luận cho rõ:
+ 1.1. a: Nguyên tác không phải "chủng-giống, người sau chẳng thay đổi gì cả. Nay ta phải giữ nguyên.
+ 1.1. b: Nguyên tác là chủng-giống”, người sau kị húy nên đổi thành chữ khác. Nay ta cần đính ngoa, phục nguyên chữ chủng-giống.
+ 2. Nguyên tác không phải chủng-giống, người sau nhuận sắc cho hay hơn mà đổi thành giống viết chủng hoặc dưới dạng kị húy hoặc không. Nay ta phải đính ngoa, sửa bỏ chữ chủng-giống”.
Phân biệt đúng thì phục nguyên được chính xác.
Cái khó chính là ở chỗ: ta không biết đây là trường hợp nào trong 3 trường hợp trên. Đây chính là điểm dễ nảy sinh những nhận định khác nhau. Chúng ta phải biện biệt một cách hệ thống: Một là, xem tất cả các bản cổ viết như thế nào. Hai là, xem xét các bản cùng loại (cùng một xuất xứ) rồi căn cứ vào đặc điểm nổi bật của loại đó mà biện luận.
Chúng tôi ngợ rằng có thể các vị quan trong triều đình Huế đã sửa lại các câu 243, 258, 2097 cho hay hơn theo ý riêng của mình, thể hiện ở các bản KOM và NHL, tức là rơi vào trường hợp 2.
IV. THỬ PHỤC NGUYÊN MỘT VÀI CHỮ
Chủ yếu chúng tôi căn cứ vào các bản Nôm nêu trên, xin xem bảng 1.
1. Các câu dễ được mọi người nhất trí
Qua bảng 1 ta có thể tin rằng Nguyễn Du đã viết chữ "giống" ở 3 câu 853, 1728, 2066. Tại đây, ta thấy ngay các biến thể khác nhau của chữ "chủng" mà chúng tôi đã phiên là "giống", chưa cần bàn đến việc có kị húy hay không.
Đối với câu 853, trong 9 bản Nôm, chỉ có 1 bản DMT dùng chữ "chuẩn" để ghi âm "chốn", các bản còn lại đều dùng chữ "chủng" hoặc nguyên dạng (bản L 71 và AM) hoặc thay bộ "hòa" bằng bộ "tài gảy", hoặc đảo vế, hoặc thêm một bộ lạ như chữ “khí” (bản NHL). Các bản Quốc ngữ đều nhất trí là chữ “giống”.
Câu 1728 các bản Nôm dù có dùng cách viết nào cũng vẫn đủ để ta biết nó là chữ "chủng" mà đọc thành "giống". Các bản Quốc ngữ đều nhất trí là chữ “giống”. Khỏi phải bàn.
Các chữ ở câu 2006 khá phân tán: trong số 5 bản Nôm Hàng Gai, có 3 bản ghi âm "giống", 2 bản ghi âm "tạc"; 2 bản Nam Kỳ đều ghi âm "hệt". Hai bản gốc Huế ghi “giống”. Theo "đa số" và cũng theo nhịp điệu và ý nghĩa của cả câu ta có thể tin rằng Nguyễn Du đã viết chữ "giống". Trừ bản Trương Vĩnh Ký, các bản Quốc ngữ đều cho là “giống”. Chúng tôi cũng đồng ý như vậy.
2. Các câu có nhiều ý kiến khác nhau
Gần đây nhất là ý kiến của Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn thiên về cho rằng các chữ này đều vốn là chữ "giống", nguyên tác Nguyễn Du dùng chữ "chủng"; do kị húy tên của vua Gia Long mà trước đây đổi dùng chữ khác, nay cần "phục nguyên". Chữ "chủng" này kị húy rất nghiêm ngặt và về nguyên tắc là trong suốt thời nhà Nguyễn. Giáo sư còn khảo cứu cả chữ "lan" là tên của mẹ già của vua Gia Long. Theo Phó giáo sư Ngô Đức Thọ chữ "lan" này bị cấm dùng vào năm 1803, phải đổi thành chữ "hương"; năm 1825 được viết nhưng phải thêm 3 nét gãy ở trên, năm 1833 làm văn cho phép dùng, cấm đặt tên người, tên đất. Theo Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, lúc đầu, tất cả các chữ "lan" đã được đổi "hương". Về sau do việc giảm nhẹ mức kiêng kị mà các chữ này có thể và đã một phần được đổi trở lại thành "lan". Trên cơ sở khảo cứu cả 2 chữ "chủng" và "lan" Giáo sư nhận định: “Có điều, trong xu hướng chung đó, ý nghĩa 2 bên có chỗ khác nhau: ở địa hạt kị húy, càng bỏ được những dấu vết tích cổ bao nhiêu là càng tốt bấy nhiêu, bởi vì làm những sự cách tân như bỏ HƯƠNG phục hồi lại LAN hoặc bỏ THÓI, CHỐN, HỆT, KHÉO phục hồi lại GIỐNG ... đó chính là gạt bỏ được những cái tai hại của các lệnh xưa để trở về với nguyên tác của Nguyễn Du” (trang 58 cuốn Tư liệu Truyện Kiều - từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu).
Theo chúng tôi, ở các câu 243, 258, 2097 có phần chắc là Nguyễn Du đã không viết chữ "giống". Bảy bản Nôm đầu (5 bản Hàng Gai, 2 bản Nam Kỳ) không bản nào lưu lại dấu tích của chữ "giống" cả. Có lẽ các vị quan trong triều đình Huế đã nhuận sắc thành chữ "giống", mà vết tích lưu lại ở bản NHL có cả sự kị húy, còn lưu ở bản KOM về cơ bản không có ý định kị húy, nhưng có lúc vô tình đã kị húy. Chúng tôi cho rằng, đối với các bản Hàng Gai và Nam Kỳ, nếu chỉ vì kỵ húy thì đối với các câu ở nhóm 2 này người xưa có thể cũng chỉ cần xử lý như ở nhóm 1, tức là thay bằng các mã chữ khác với chữ “chủng”.
Hai câu đầu, cả bảy bản chỉ có một trường hợp viết không thật chính xác còn đều nhất loạt ghi âm "thói". Sự giống nhau hoàn toàn này khiến cho chúng tôi tin rằng quả thật Nguyễn Du đã viết chữ "thói". Tại câu 243 trong 5 bản Quốc ngữ trước, có 3 bản coi là “thói”, 2 bản coi là “giống”. Tại câu 258 cả 5 bản Quốc ngữ đều coi là “thói”.
Câu 2097 hơi phân tán, có 2 chữ "hại", 5 chữ "khéo". (Tại bản QVĐ thiếu 2 nét của bộ “bát”, ở giữa lại thừa một nét thành chữ “sinh”. Tại bản AM thiếu 2 nét của bộ “bát”. Sự thiếu này có thể xem là cách viết giản). Trong Tự điển Truyện Kiều Giáo sư Đào Duy Anh luận về câu 88: “/Khéo-hại/ thay thác xuống làm ma không chồng” đã cho rằng vốn gốc đây là chữ "khéo", do viết hoặc khắc nhầm, thiếu nét mà ở một số bản thành ra chữ "hại". Chịu ảnh hưởng của Giáo sư mà theo thuyết này khi bàn về câu 2097, chúng tôi cho rằng đó là chữ “khéo”. Các bản Quốc ngữ đều cho là “khéo”.
Như vậy là, chúng tôi nghiêng về việc cho rằng: với 3 câu này, các bản Hàng Gai và Nam Kỳ về cơ bản rơi vào trường hợp 1.1.a, còn các bản gốc Huế thuộc trường hợp 2. Tức là: nguyên tác là chữ “thói”, chữ “khéo”, chứ không phải chữ “chủng -giống”; về cơ bản các bản Hàng Gai và Nam Kỳ đã bảo lưu được nguyên chữ, còn các bản gốc Huế bị “nhuận sắc” một cách chủ quan thành “chủng-giống”. Tất nhiên chúng tôi không phải là người đầu tiên nêu ra ý kiến này và cũng không dám coi đây là tiếng nói cuối cùng.
3. Một đề xuất mới
Câu 1194 khá đặc biệt, năm bản Hàng Gai không có người biên tập để in và cả bản DMT là bản theo Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn là có thể Duy Minh Thị không sửa chữa khi đem in đều ghi chữ "chúng". Bản AM chép là “giống” có thể là do Aben des Michels và Trần Ngươn Hanh đã tham khảo Trương Vĩnh Ký mà nhuận sắc lại. Các vị quan trong triều đã nhuận sắc thành "chủng" như vết tích còn ở bản KOM và bản NHL. Các bản Quốc ngữ đều nhất trí phiên thành “giống”, mở đầu bởi Trương Vĩnh Ký (điều này có truyền đến bản AM) như được nêu ở bảng 2.
Có thể coi như: xét về diễn tiến thao tác trên văn bản ở nhóm 3 cũng giống ở nhóm 2: về cơ bản các bản không có người biên tập thì bảo lưu được từ nguyên tác, có người biên tập thì bị “nhuận sắc” cho hay hơn.
Ta dễ nhận thấy sự giống nhau tuyệt đối ở sáu bản Nôm đầu đều ghi là "chúng" ở câu này và đặc biệt khác hẳn chữ "chủng" ở các câu khác trong mọi bản để ghi chữ "giống".
Với nhận xét trên, chúng ta có ngợ rằng: đúng là Nguyễn Du đã viết chữ "chúng" ở câu này, và rằng Nguyễn Du không dùng chữ này để ghi chữ Nôm "giống". Vậy, đây là chữ Nôm gì? Luận đoán đơn giản nhất thì đây là chính là chữ "chúng". Theo sự tra cứu của chúng tôi, hầu hết các Tự điển chữ Nôm đều dùng chữ Hán "chúng" chỉ ghi chữ Nôm "chúng", không dùng để ghi một chữ Nôm nào khác, kể cả chữ "giống", tuy các nhà làm tự điển đều có lấy Truyện Kiều làm tài liệu tham khảo, nếu không nói là tài liệu tham khảo chính, khi biên soạn Tự điển chữ Nôm. Có lẽ trong Truyện Kiều chỉ có duy nhất câu này dùng mã chữ Hán "chúng". Tự điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh cũng không có từ mục "chúng", như vậy chắc là ngoài câu này mà Đào Duy Anh đã phiên thành "giống" thì không còn chữ "chúng" Hán và Nôm nào nữa. vậy luận đoán đơn giản nhất có khi lại đúng: ở câu này Nguyễn Du viết chữ và âm "chúng". Việc nhuận sắc của các vị quan trong triều thành chữ "giống" thì đã rõ qua bản KOM và bản NHL và tuy như vậy câu văn có vẻ xuôi và dễ hiểu, nhưng có lẽ cần bàn lại.
Vấn đề là đọc "chúng" như vậy có ổn không? Chữ "chúng" là Nôm hay Hán? cả câu sẽ được hiểu như thế nào?
Nếu là chữ Nôm thì nó có nghĩa là bọn, “cái bọn sống ở đời". Cũng có nghĩa.
Song, có lẽ là chữ Hán, đó là "chúng sinh". Đoạn này Kiều đang than cho thân phận mình, theo triết lý nhà Phật. Xin trích cả đoạn:
"Tiếc thay trong giá trắng ngần,
Đến phong trần cũng phong trần như ai.
Tẻ vui cũng một kiếp người,
Hồng nhan phải chúng [sinh] ở đời mãi ru!”
Theo Tự điển Phật học Hán Việt thì "chúng sinh" có một nghĩa thứ ba là: "Sự sống chết trải qua nhiều lần, cho nên gọi là chúng sinh. Không gọi là chúng tử, bởi có sống ắt có chết, cho nên chỉ nêu chữ sinh đại diện". Lại có mục từ "chúng sinh giới” là “cách gọi đối lại với Phật giới. Trong 10 giới, gọi chung 9 giới khác là chúng sinh giới". Phải chăng Kiều mong kiếp sau thoát khỏi chúng sinh giới?
Quả thật, chúng tôi không biết nhiều về chữ nghĩa, càng không biết nhiều về Phật học, nay liều mà cưỡng giải như vậy; mong được các vị cao minh chỉ giáo.
Biết rằng việc bàn về chữ nghĩa trong Truyện Kiều là khó và còn lâu dài, ở đây chúng tôi chỉ mạo muội nêu ra một chi tiết bất chợt xuất hiện trong khi đọc sách.
Bảng 1: Các chữ trong các bản Nôm có niên đại sớm


Bảng 2: Các chữ trong một vài bản Quốc ngữ và ý kiến của chúng tôi (cột cuối)
Câu
TV Ký
BKỷ-TTKim
NV Hoàn
NT Giang
ĐD Anh
NT Cẩn

LT Lân

853
giống
giống
giống
giống
giống
giống
giống
1728
giống
giống
giống
giống
giống
giống
giống
2066
hệt
giống
giống
giống
giống
giống
giống








243
thói
giống
thói
giống
thói
giống
thói
258
thói
thói
thói
thói
thói
giống
thói
2097
khéo
khéo
khéo
khéo
khéo
giống
khéo








1194
giống
giống
giống
giống
giống
giống
chúng
Thông báo Hán Nôm học 2005 (tr.379-391)